Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.079
123.138.412
 
Ai đã qua đời ta, ai tặng ta với nụ cười...
Nguyễn Văn Thượng

 

 

Cuộc sống này, ai được quyền phán xét ai? Thiên Chúa đã cho ai ngồi trên tòa xét xử anh em mình? Họ là một phần của xã hội, là người mang huyết quản rất con người, họ cũng có quyền sống và quyền được tôn trọng. Đa số họ chỉ là những mắt xích tàn nhẫn trong xã hội, là những người nghèo khổ nhất trong xã hội, thế nhưng khi chứng kiến hoàn cảnh làm việc khắc nghiệt của họ, chắc chắn sẽ khiến bạn không thốt lên lời. Thương cảm nhiều hơn kết tội.

Khi bị đóng đinh, Chúa Giêsu đã thốt lên: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Thật không dễ để nói được những lời này, và có lẽ còn khó hơn khi nói những điều đó với những con người bị đọa đày trong xã hội cho sự trụy lạc của những kẻ lắm tiền nhiều của, đa dục vọng.

Trong một lần nghe lời tâm sự thương tâm được chia sẻ, tôi muốn viết thành lời thay cho tiếng nói lương tâm, thương cảm day dứt tình nhân loại:

“Cuộc đời, người ta đã lấy đi đời sống của một cô gái nghèo, giết chết tình yêu đầu đời và những ước mơ mộng thường của tuổi đôi mươi. Kiếp nghèo trĩu nặng vai gầy của những cô gái đáng thương, cuộc đời có quyền lên án họ, hay chính họ mới có quyền tố cáo tấn trò đời. Họ không được xã hội tìm biết và cũng không muốn biết, họ là những tâm hồn chết. Nếu Chúa dựng nên chúng tôi theo hình ảnh của Ngài, nếu Chúa đó mà nhân danh Ngài, mà nhũng gã đàn ông trụy lạc mua vui trong sựu nhơ nhuốc thân danh của họ, thì mỗi viên đạn trong dư luận là một vết thương trong quả tim của Ngài. Họ tồn tại trong sự bất lực của con người nhường bước trước cái u mê, cái u mê đã làm cho những gã đàn ông dâm dật trở thành con người vô cảm trước đồng loại. … Chúng tôi, những cô gái chấp nhận cuộc sống trong vũng bùn lầy, nhưng chúng tôi mạnh còn hơn tất cả các quân đội trên thế giới này, chúng tôi chết đi ước mơ, chịu ô nhục cho người thân chúng tôi đứng vững, sống mạnh khỏe và thàn danh. Chúng tôi hạnh phúc trong sự hy sinh thầm lặng đầy nhức nhối nơi bản thân mình. Hạnh phúc và hiên ngang hơn những kẻ hay lên án chà đạp chúng tôi ban ngày, nhưng lại cần chúng tôi ban đêm…”

***

Liên Khương đến Tiền Giang trong một dịp rất tình cờ. Liên Khương được công tác về Tiền Giang thập niên 90 của thiên niên kỷ trước. Nhớ ngày mới đến vùng này mà phải ngồi trên chiếc ghe hàng một ngày trời mới đến miền đất kề cận sông Tiền uốn lượn, thời đó xe cộ lưu thông chưa tấp nập lắm, về Tiền Giang thì buộc phải đi lại bằng đường thuỷ, Con sông Tiền chảy ven thành phố Mỹ Tho, nơi mà Phạm Liên Khương sẽ về nhận công tác. Con sông đã gắn bó với bao người, gắn bó thân thiết từ lâu lắm. Mùa  hạ về thường xanh biêng biếc và lặng lờ theo dòng về biển cả.

Mặt Trời lên cao, nắng vàng óng ả chiếu xuống mặt sông lấp loáng. Sông khoác lên mình chiếc áo lụa đào của cô thiếu nữ. Sông in bóng thành phố Mỹ Tho trần tình qua mấy thế kỷ, diễm lệ, dịu dàng và mênh mông. Bên kia bờ sông, trên nhưunxg dải đất cù lao, những hàng dừa xanh nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước gương trong, chim chóc đua nhau ca hót như đón chào ngày mới, đón chào một con người mới hòa nhập vào nhịp sống Mỹ Tho.

Tàu chạy lướt như bay về phía trước, hai bên mạng tàu nước bắn trắng xoá, những hàng dừa kéo theo những ngôi nhà sàn lưng lững cặp mé sông cứ vùn vụt tuột lại phía sau. Ở đây với cái gì cũng mới lạ, Khương không hiểu làm sao người ta có thể lưu thông trên sóng nước một cách tài hoa đến vậy…

Nhịp sống ồn ào của phố thị luôn cuốn người ta vào những bộn bề của công việc. Nhưng ở đâu đó nơi thành phố này, thỉnh thoảng vẫn thấy được những khoảnh khắc chứa đầy yêu thương và đầm ấm ẩn trong từng hành động nhỏ, từng nghĩa cử đơn sơ của con người nơi đây. Tạm quên đi những ồn ào của phố thị, Tiền Giang có những con người biết chia sẻ những khó khăn cho nhau, cho tất cả cảm nhận chút tình người để quên đi những lo toan về cuộc sống, xoa dịu nỗi nhớ quê của những con người tha hương.

Ngôi nhà Khương chọn ở nằm khuất trong một con hẻm lát bê tông gần chợ, nhà cửa san sát đan xen nhau, sình lầy và nước đọng. Hầu hết đường xá ở đây điều bị ngập nước lúc triều lên, khi nước rút để lại vô số những bãi - kênh nước đen rất mất mỹ quan.

Ngôi nhà nằm cạnh một quán nhậu, trước cửa có treo bảng “Quán Nhậu Miền Tây”. Hàng ngày, vẫn thấy có những người khách mặt mày đỏ tía đang bước ra, tay cắp bên hông một cô em má phấn môi hồng, ra chiều lả lơi. Cô Sáu, người đàn bà béo múp míp có bộ mặt hình nửa trái banh và đôi chân chim sẻ, không hình dung được đôi chân đó hằng ngày phải khốn khổ thế nào với cái khối thịt to đùng kia. Đó là bà chủ quán nhậu kiêm luôn nữ tú bà khá tiếng tăm. Khương dắt xe đi làm, ngang qua con đường, gật đầu chào lấy lệ và lại nhận được ngay cái cười cảm tình của bà cô múp míp.

Liên Khương cười trừ, hỏi han mấy câu xã giao, lúc quay đi bà cô hỏi.

- Chú mới chuyển đến phải không? Chú làm ở đâu vậy?

Khương ngồi trên chiếc xe honda Wave đen ngoái đầu lại trước khi rồ ga và nói:

- Dạ, cháu làm bên phòng nông nghiệp.

- Con trai gì mà rụt rè như con gái, mới đến nên đi chơi đây đó cho biết.

Liên Khương nghe mấy lời xong, chạy thẳng đến nơi làm việc.

Khu nhà của cô Sáu chia làm hai gian ăn thông với nhau, có hình chữ u một bên là nhà ở lẫn quán nhậu xây cất khang trang, phía trước là nơi thu tiền cũng là chỗ để kiểm soát nội bộ, như gà mái ấp trứng trong ổ vậy. Phía trong được ngăn thành từng phòng làm nơi tiếp khách, sau cùng là khu nhà bếp. Còn bên kia có một khu nhà xây cất tạm bợ tựa như khu ổ chuột, chứa những cô gái bán hoa. Ở ít lâu nên Khương biết đây là một ổ mại dâm, mà chuyện đáng buồn cười là chỉ cách trụ sở công quyền khoảng 500 mét.

Ở đây vừa là quán nhậu, vừa có những nhân viên vừa phục vụ quán, vừa sẵn sàng chìu khách khi khách có nhu cầu nên lúc nào cũng đông đúc các cô gái phấn son loè loẹt. Mỗi đợt ai tiếp khách xong điều phải chia phần trăm với “má Sáu”, cứ tiền bo một trăm ngàn thì góp hai chục, đi khách hai trăm thì “ăn nhẹ” bốn chục tiền giường. Mà cái giường phải chỗ sạch sẽ cho cam, xây ngôi nhà sàn cách mặt đất vài mét người ta lót ván rồi kê giường, còn bên dưới thì đúng là một hố rác, tắm rửa ăn uống điều tuông xuống đó nhầy nhụa, đen đúa, đêm đêm nằm ngủ nghe tiếng chuột cống cắn lộn mà phát rùng mình. Những người khách mua hoa trong cơn say chỉ việc nằm lên cái bộ dạt tre bẩn thỉu, mà kèn kẹt một lúc lâu đến khi thỏa màn cơn thèm khát dục vọng thấp tầm bản năng sinh thực thì lại quay về với vợ con như người vô tội, và lúc tỉnh rượu lại “gái mại dâm này, con đĩ nọ…” và lên án “tệ nạn xã hội với tờ báo sáng trên tay.

Chỉ tội là tội cho những cô gái bị đày xuống cấp thành cầm thú khi người ta gọi họ lag “gà này, gà nọ, con nọ, con kia, là rau là cỏ…”. Những cô gái ấy ời bỏ quê hương lạc đường vào một xứ sở mới, có người phải mang nặng gánh gia đình, có người dang dở cuộc đời, có người phải lo cho đàn em đi học, và biết bao mảnh đời bất hạnh lầm lũi trong bóng đêm. Ai là tội đồ, ai là người nhân nghĩa? Ai sống cho đời, ai rưng rửng mỡ bụng chà đạp cuộc đời? Ai sẽ trả lời cho những cái nhìn đau đáu tương lai từ những cô gái vướng phong trần gió bụi?

Liên Khương tiếp xúc nói chuyện với hai cô gái đôi mươi ở trọ gần dãy với mình. Dân xóm trọ khu phố này hay gọi họ là Hoa Huệ và Hoa Lan Tím. Thật sự nhiều người có cảm tình với hai cô gái này, mặc dầu hai người cũng làm ở đây như những người khác, có điều, họ không “õng ẹo, hách dịch” và cay cú như những cô kia, lại rất thương những em bé trong khu phố, hay giúp đỡ cho người lớn tuổi neo đơn, bệnh tật.

Họ trông hiền lành và rất dễ thương, Hoa Huệ mới có hai mốt tuổi, còn Hoa Lam Tím thì hai hai. Hai người rất thương anh chàng kỹ sư canh nông hiền từ, những hôm khác bo “sộp” họ lại mua khi thì cái này, khi thì cái kia, “ừ thì ảnh ở có mình ên không vợ con, minhg giúp ảnh khi có thể để làm phước” – họ thường rủ Khương ra tượng đài Thủ Khoa Huân bên vườn hoa Lạc Hồng ngắm cảnh, gió sông mát rượi, nhiều người đi tản bộ và khung cảnh rất sầm uất, huyên náo bởi những tiếng nhạc từ những quán cà phê, hàng ăn uống bên đường.

Khương quý cả hai “cô tiên trong cổ tích” này, anh biết họ cũng quý anh nên hay trải lòng tâm sự, có bận Huệ nói.

- Anh Khương biết hông. Nhà em nghèo mà cha lại mất sớm, mẹ thì bệnh trong người hoài, em gái mới học lớp bảy nên gia đình thiếu trước hụt sau. Em đây làm theo lời chị Lan, hai đứa nhà nghèo nên phải làm nghề này kiếm sống, mà cũng chỉ có nghề này mới có đủ tiền lo cho gia đình. Hồi đó tụi em vô có mượn má Sáu tiền để lo cho gia đình, nên bây giờ phải làm trả lại, được nhìn em và mẹ không phải lặn lội nắng mưa trên đồng dưới ruộng, bắt từng con ốc, con cá để đong từng lon gạo là em không có gì để hối hận. Em nó có tiền đi học, sau này nó sẽ không phải khổ như Huệ, mà nó học giỏi lắm nghe, năm rồi được lãnh thưởng nữa đó.

Liên Khương nghe lòng đầy xúc động. Nhưng đến khi ngồi viết lại những dòng ký sự một kiếp người trong đêm, tự dưng anh thấy thương Huệ và Lan vô cùng, chả hiểu lúc đó anh nghĩ cái gì mà chợt hỏi:

- Vậy sau Huệ và Lan không làm chuyện khác??

Đôi mắt Lan ánh lên nhưng vẫn im lặng, ly cà phê nghi ngút khói ban sáng, anh ngó mái tóc dài mượt mà được gió từ sông Tiền mênh mông lùa qua sóng lưng. Anh buột miệng.

- Lan đẹp quá chừng!

- Đôi lúc Lan cũng muốn mình sống bình thường như bao nhiêu bạn bè đồng trang lứa, nhưng cuộc đời đưa đẩy thì biết làm sao đây anh? Nhà lại nghèo, nên phải cắn răng, kệ, làm có số vốn chế mới tính tiếp. Bây giờ mà bỏ nghề, thì gia đình biết làm sao.

Sau hôm đó, một vài bận tôi thấy Lan đương lúc tiếp khác mà bị gọi ra trước nhà thì Khương hiểu Lan phải làm gì. Những lần như thế Khương chỉ muốn vào đấm cho thằng đàn ông nào đó một cái thật đau để hả giận, nhưng lại không dám. Nhiều lúc, thấy thương chỉ muốn cứu chế ra khỏi bàn tay của tên khốn nạn nào đang dày xéo mái tóc mềm mại kia. Nhiều lúc, thấy Lan mím môi nhìn Khương, mắt hoe hoe đỏ, Khương không biết phải làm sao nên đành quay đi, lúc bước đi còn nghe tiếng nhừa nhựa trong giường gọi ra của tên đàn ông nào đó “Em làm gì mà lâu quá vậy” rồi tiếng đóng cửa.

Có lẽ những ngày ở đây đã dạy cho Khương nhiều thứ về cuộc sống lẫn giá trị của đồng tiền. Nhờ đó mà Khương mới phát hiện ra một góc khuất đày đọa của xã hội, và những hy sinh thầm lặng rất có giá trị của những người bị những kẻ khinh bạc gọi là “gà”.

Mẹ Lan là người đàn bà quê rặt, không lẫn vô đâu được, bà bận chiếc áo khoác màu nâu đã ngả màu, bên trong là bộ đồ bộ màu đỏ có đính mấy hạt ngọc trai bằng nhựa trắng tên ngực áo, khuôn mặt khắc khổ, hằng những vết chân chim do thời gian. Đi theo là cô em gái mà Lan vẫn hay nhắc với tôi, cô này có đôi mắt buồn và mái tóc mượt hệt chị, nhưng hơi lùn. Thấy cô ta cứ luôn miệng hỏi han, đôi lúc lại đưa bàn tay thon thả có những ngón tay thẳng đuột như chiếc bút chì, nhưng móng lại dính một ít sình đen lên gảy đầu, chắc lúc đi vội nên chưa kịp chuẩn bị kỹ. Những người nghèo họ có móng tay và móng chân rất lam lũ, chỉ cần đến những nơi sang trọng hay có mùi của sự uy quyền một tí là lộ ra ngay. Điều đó rất dễ nhận ra khi họ nhìn vào ngón tay hay chân mà lộ vẻ ngượng ngập, rụt rè, như sợ ai nhìn thấy.

Nói chuyện một lúc, Mẹ con Lan đứng dậy vào chào cô Sáu, họ nói năng gì đấy một lát rồi tôi lại thấy Lan ngoắt xe ôm cho họ về, không quên trả tiền trước.

Tối đêm đó, ngồi bên hàng hiên nhà trọ, Lan hỏi Khương:

- Anh về nhà em chơi hông??

Khương đáp ngây không cần lưỡng lự.

- Đi chứ!

Nhưng Huệ đang nằm đó bấm điện thoại chợt lên tiếng:

- Xa lắm nha anh, không sợ Lan của em bắt cóc làm chồng hả??

Khương cười, nói.

- Không! Huệ không đi chung hả??

Huệ ngừng bấm điện thoại, đáp.

- Em bận, nói rồi nheo mắt nhìn Liên Khương.

Sáng đó Lan dậy rất sớm, tất tả đi mua nào thịt, nào rau củ, xô chậu cồng kềnh, toàn những thứ lặt vặt dùng trong nhà. Khương không biết em mua nhiều làm gì, bởi khi đi, phải ôm chúng mệt chúng muốn hụt hơi.

- Em mượn đâu ra cái xe này vậy, Khương hỏi.

- Của anh Chương, con má Sáu đó.

Bao lâu nữa thì tới quê em, anh mệt lắm rồi nè.

- Chút xíu nữa hà.

Đường về nhà Lan, băng qua những con đường đất nhập nhụa sình lầy vì cơn mưa rào rạt mấy đêm trước, hai bên đường là những mảnh đất trống có vuông tôm, ở quê Lan người ta chỉ nuôi tôm và cua là chính. Một dãi trải dài những hàng đước và nước mặn, nhà cửa rất thưa thớt, phần lớn là những ngôi nhà sàn cặp mé sông, chỉ lát đát mấy ngôi nhà tường khang trang. Đến một khúc sông thì Lan gửi xe ở một tạp hoá rồi kiêu đò qua bờ bên kia, băng thêm ba cây số đường trường trên mặt đất lầy lội nữa.

- Anh nói thiệt, chứ chịu hết nỗi rồi, đến nơi phải bật quạt xem tivi rồi đánh một giấc cho đã.

Khương thấy đôi mắt Lan nhìn mà chớp chớp mấy cái rồi dừng lại, ấp úng.

- Anh Khương nè! Anh theo em về chơi, đừng nói với ai em... em làm nghề này nhe.

Trong một giây, Khương đưa mắt nhìn khuôn mặt xinh xinh có đôi mắt buồn, đang ngồi chóng gót nhìn, đôi mắt ấy như vang lên một vẻ cần khẩn, đôi mắt xinh đẹp phải chịu bao nhiêu phong ba, bão táp của cuộc sống khi tuổi đời chỉ mới đôi mươi. Khương nói:

- Ai hỏi thì anh sẽ nói em bán trái cây. Nói rồi Khương mỉm cười.

Lan cũng cười, đứng dậy nói.

- Nhà em không có tivi, quạt máy, nhưng em sẽ quạt cho anh ngủ, chịu hông??

Khương lò dò bước theo Lan, mắt đăm đăm nhìn tấm lưng thong thả và đôi vai hoàng yến bước đi phía trước, mà tự nhủ: “Tại sao cuộc đời lại nỡ đặt lên đôi vai đó những gánh nặng trần ai, cùng nhiệm vụ một lớn lao đến thế, khi tuổi đời còn tươi thắm như vậy.”

Cuối cùng cũng tới, nhà Lan, hay đúng hơn là một căn chòi lá. Rộng bốn mét, dài độ tám mét, hai bên vách được dựng bằng lá dừa nước, mái nhà cũng vậy, phía trước chỉ duy nhất hai chiếc võng giữa nhà và cái bàn tròn dùng uống nước, đi ba bước là đến đằng sau nhà, được che tạm bằng một tấm vải hoa chắn ngan bếp, bên trong kê cái bộ dạt, chắc là làm buồng ngủ cho hai má con. Trên bộ vạc một chút, có một tấm ván hình chữ nhật dùng làm kệ để sách và một cái radio còn mới, gần đó là chỗ treo quần áo.

Cái vẻ nghèo nàn của ngôi nhà đập vào mắt, khiến lòng Khương xót. Bây giờ thì Khương mới hiểu tại sao Lan phải chọn con đường bán mình cho thiên hạ để đổi chát từng đồng bạc lẻ. Bất giác, Khương trút một tiếng thở dài.

Lúc ban trưa có hai thanh niên ghé lại nhà, chắc là bạn bè gì đó của Lan, có điều thấy họ nói chuyện khá ngập ngừng và có phần dè dặt.

Người thanh niên thứ nhất hỏi.

- Em ra đó làm gì?

Khương thấy Lan mỉm cười, nụ cười có lẽ đẹp nhất từ trước đến nay từng thấy, trong ngôi nhà vách lá đơn sơ, người con gái buông tóc dài ngồi bên bàn nước, đôi mắt chớp chớp như như một chú nai nhỏ ngơ ngác, đằng sau tiếng lửa bếp kêu lép bép - bà má đương đung vội nồi nước, nó yên bình và giản dị như cô Tấm cô Thị trong cổ tích.

- Em đi bán trái cây.

Chợt người thanh niên thứ hai cười giòn, rồi lên tiếng hỏi.

- Bán trái gì đó Lan. Bữa nào tui ghé mua ủng hộ cho.

Tôi thấy đôi môi nhợt nhạt của Lan khẽ mím lại rồi cắn nhẹ một miếng nơi vành, trả lời.

- Bán đủ thứ! - Nói rồi Lan đứng lên xuống bếp.

Sau khi hai tên đó về, Khương ngồi lại và tự dưng đâm ra ác cảm với tụi họ, chả biết thế nào, nhưng rõ ràng họ làm Lan giận.

Khương bỗng nghĩ, liệu có khi nào họ đã từng ghé quán cô Sáu, rồi có khi nào Lan  đã..! Nhưng không nghĩ được lâu, vì cơm canh đã dọn lên. Chàng kỹ sư chẳng làm gì mà cũng được ăn, đúng là khách có khác.

Mẹ Lan chợt cất tiếng, khiến tôi bỏ lại nỗi bất an.

- Con nói thiệt cho Bác biết, con Lan lên đó làm gì??

Bị hỏi như thế đâm Khương hoảng, mặc dầu đã được dặn trước và hiểu mình cần làm gì, nhưng đứng trước một lão bà hiền lành mà lại là Mẹ của Lan cũng thấy mình lúng túng, vả lại, nói láo không phải là nghề, nên một lát sau Khương mới lấp bấp..

- Dạ thưa...thưa.. Bác, bán trái cây!

Khương lúc đó tự dưng đâm giận mình ghê gớm, có như vậy mà nói cũng không xong, phải ấp úng. Nhưng chưa kịp giận mình lâu thì bà cầm lấy tay

bằng hai tay mà nói.

- Bác biết con Lan làm gì, có điều chưa dám chắc nên phải nhờ con. Lần Bác lên, nghe cô Sáu nói chuyện với mấy đứa Bác cũng lờ mờ hiểu. Con Lan thương em, thương Bác. Bà nói đến đây Khương cảm nhận đôi bàn tay chay sần ấm và rung lên, rồi bà trút một tiếng thở dài như muốn xua đuổi tất cả những ý nghĩ không tốt.
Tự dưng nhìn mái tóc hoa râm lóm đóm những sợi bạc, Khương dậy niềm thương cảm. Người mẹ nhà quê ít học, nghèo khổ, lam lũ, thương con, luôn muốn giành tất cả những thứ tốt đẹp nhất cho đứa con gái kém thế, nhưng vì nghèo nên phải gửi con ra tỉnh học nghề sau nuôi lấy thân, đến một ngày chợt nhận ra con mình vì thương mẹ, thương em, thương gia đình nghèo, phải bán thân cho thiên hạ mua vui để lo cho gia đình, nghĩ đến đó lòng Khương lại trào lên thêm một nỗi xót xa.

- Con nói thiệt cho Bác biết đi con...con Lan...con Lan, lần này, bà xúc động mạnh, người rung lên, chỉ trực trào nước mắt, miệng ấp úng hai ba lần rồi cũng thốt lên rõ từng chữ, “con Lan đi làm…đĩ đúng hông con?”.

Cái tiếng “đĩ” vừa thốt ra khỏi miệng bà Khương cũng sừng sờ chết điếng, khương biết người đàn bà này không tìm sao đâu được những mỹ từ cho tiếng gọi đó, bởi bà làm gì được học rộng. Cuộc đời gắn liền với miếng cơm manh áo từ thuở nhỏ, lớn lên phải chịu cảnh mất chồng, rồi tay xách nách mang hai đứa con. Khương vẫn không thể hiểu tại sao ông trời lại thích trêu ngươi một gia cảnh như thế.

Khương đứng bất động nhìn bà, biết mình không thể nói dối trong hoàn cảnh này, nhất là với một người mẹ, đưa mắt nhìn khuôn mặt nhăn nheo đang rươm rướm nước mắt mà chậm rãi gật đầu.

Bà Bác cầm tay Khương siết mạnh như cố chống chọi với tất cả những nỗi đau trên đời gộp lại, đang đá thóc vào lưng khiến bà gồng mình uất nghẹn, đôi mắt buồn của Lan hiện rõ trên mắt bà, giờ đây nó đau đớn và thất thần.Khương nào hay đâu, cuộc nói chuyện bị người con gái tên Lan đứng nép bên kia vách lá nghe thấy, đang lấy tay che miệng mà khóc không thành tiếng…

***

… Hôm nay khi ngồi đây, viết lại những dòng này, lòng tôi ngậm ngùi khó tả. Ở phương trời xa xăm nào đó, mong những cô gái “anh hùng” trong chốn bùn nhơ hy sinh như những tượng đài chiến thắng, vùi chôn bản thân mình, chấp nhận muôn phần nhơ nhuốc cho gia đình túng bấn được thanh cao…cho họ có một cuộc sống bình yên, người Mẹ già sẽ phần nào ngơi đi đau khổ và cô em gái nhỏ không phải đem đôi mắt buồn và suối tóc mơ kia làm trò cho thiên hạ mua vui…

Đừng gọi họ là “gà”…họ là những con người biết tủi nhục, biết sai lầm, và biết nhẫn nhục vì đồng tiền, tấm áo, lon gạo cho một miền quê với những người thân yêu trong mịt mùng tăm tối, đáng thương hơn đáng lên án. Hãy cho họ tình thương và nhân phẩm, xã hội ơi…

----

 

Nguyễn Văn Thượng
Số lần đọc: 2006
Ngày đăng: 02.12.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái miệng và nồi cơm - Trần Văn Bạn
Chút kỷ niệm với nhà thơ Phùng Quán - NP Phan
Hoa rau muống - Lương Hoàng Hạc
Người gù - Tru Sa
Thèm! - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Đọc lại truyện ngắn “Anh phải sống” - Trương Quang Cảm
Nghiệp - Trần Yên Hòa
Người đàn ông mù và bầy cừu - Trần Văn Bạn
Người đàn bà và đôi giày rách - Trần Văn Bạn
Những ký ức vụn / Một thoáng giữa ngày - Nguyễn Thanh Hiện
Cùng một tác giả