“Nắng xuyên qua lá hạt sương lìa cành
Đời mong manh quá kể chi chuyện mình
Nắng buồn cuộc tình bỗng tắt bình minh
Đường xưa quen lối tình dối người mang
Tình duyên trăm mối một kiếp đa đoan
Cố tìm tình chồng chất ngổn ngang…” (Bài hát “Một Mình” – Lam Phương)
***
Chiều từ biển chầm chậm lùi về, khi nắng vàng ươm còn chưa kịp tắt, Khánh Kiên đọc hết trang cuối cuốn sách “12 cách yêu” của Hamlet Trương. Thấm thoát mà đã gần 04 năm qua, từ ngày Nhã Hân chia tay Khánh Kiên để về nhà chồng, bỏ lại miền biển cuối trời Việt Nam một người cô đơn với biển. Người ta nói nhiều về sự cô đơn, như nó đã trở thành một phần của cuộc sống, nhưng chẳng ai có thể chấp nhận được.
Tôi vẫn luôn tự hỏi bản thân mình và những người bạn của tôi, cô đơn là gì? Họ chỉ cười và đáp: “mỗi người cảm nhận rất khác”. Vâng, rất khác. Và, với Khánh Kiên cũng khác.
Khánh Kiên nghe bài nhạc “Trở lại phố cũ” hàng nghìn lần, vẫn thấy không chán. Khi Nhã Hân đi rồi, tường yêu đã rêu phong, mưa có về gõ trên mái cũng chỉ khơi lòng nỗi cô đơn xa vắng. Nằm trong góc phòng, lắng nghe tiếng mưa rơi cùng bản nhạc cổ xưa như ngày còn yêu nhau bên góc quán cà phê Nắng Hạ phát ra từ tiếng loa trầm trầm, nước mắt Kiên rơi trên khóe mắt từng giọt như cà phê đắng trong tim. Những kí ức đã qua, kỉ niệm của người yêu còn đọng lại, về những điều hiện tại tưởng chừng rất hiển nhiên nhưng lại quá chông chênh.
Khánh Kiên tự nguyện xin về làm tại kiểm ngư Cà Mau, làm việc nơi tận cùng tổ quốc để biển xóa đi sự một mình ấy, cô đơn ấy, để trả cho Kiên chút bình thản giữa dòng chảy thời gian miên man.
Vậy đó, đôi khi giữa dòng đời đầy bon chen và xô bồ này, có những phút lặng như thế, có những góc tĩnh như thế, để nước mắt chảy trôi, nghe mặn chát nhưng thấm thía, rồi lại đứng dậy, thản nhiên mà bước tiếp qua những ngày cô đơn. Như gã phong trần để quên túi hành trang lại nơi quán gió, ra đi tiếc một chiều yêu đã một lần thổi vào tận con tim, làm tươi mát tâm hồn và đòi một giá đắt là nỗi cô đơn chông chênh cho phần đời còn lại.
***
Thành phố biển Cà Mau, góc nhỏ cà phê không chỉ là nơi phục vụ thức uống cho du khách mà còn giữ lại một không gian xưa của thành phố. Mỗi ngày vẫn có hàng trăm người đến thưởng thức ly cà phê trong một không gian xưa có một không hai ở đây, cà phê Hương Biển. Sáng sớm khi trời đất còn phủ sương, Khánh Kiên đến đây nhâm nhi ly cà phê nóng để tìm chút hương cũ như ngày xưa nơi quán Nắng Hạ miền đồng ruộng tràm phủ chim bay. Ôn lại những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời, tìm lại chút hương tình muộn sóng sánh, lắng đọng nơi đáy ly cà phê đậm đặc huyền bí, đắng như cuộc đời Khánh Kiên hơn 30 năm.
Cà Mau không mang lại được cho Kiên không gian của quá khứ nhưng giúp Kiên được lắng đọng với những bản nhạc trầm ấm. Những giai điệu trữ tình và sâu lắng của bản nhạc xưa giúp một người đàn ông đã qua tuổi yêu thương đôi mươi mộng mơ tạm quên đi phiền muộn trong cuộc sống, trả lại yêu thương ngày cũ cho lối mòn kỷ niệm. Trong một lần đứng bên đường, trong trạm chờ xe buýt, cho cơn mưa ngang qua, hương cà phê xay ngào ngạt lướt qua mũi, cảm giác này, cũng thật khó gọi tên, Khánh Kiên thấy góc đường Lý Thường Kiệt một quán gỗ “Cà Phê Hương Biển”… Bất giác, tự hỏi rằng, bao lâu rồi ta không cà phê một mình? Bao lâu rồi ta chưa tự thưởng cho mình một buổi cà phê đúng nghĩa, chỉ thưởng thức vị đắng quyến rũ của cà phê thay cho những hỗn độn công việc, gió biển, tàu thuyền, cô đơn trên biển đêm với ngọn hải đăng già? Hình như sóng biển làm ta cuốn theo mải miết, và hình như, ta cũng vô tình quá rồi...
Cũng có những người, thích cà phê một mình, bởi nhiều cảm xúc được dịp trào dâng khi bản thân dừng lại, nghe, nhìn và hiểu. Một mình với ly cà phê ngào ngạt giữa những người xa lạ, một bản nhạc cất lên – cho dù bản nhạc ấy ta từng nhấn next hàng trăm lần khi tự mở ở nhà – cũng trở nên hay ho đến kì lạ. Ngồi cà phê một mình bỗng dưng thấy bản thân mình trầm xuống, nhìn những người hối hả ngoài kia rồi tự tìm hình dáng mình trong đó, à thì ra mình đã bận rộn như thế, vội vã như thế, và hình như mình cũng đánh rơi điều gì mất rồi?!
Khánh Kiên thường đến quán cà phê cùng Nhã Hân. Những câu chuyện thì không nhiều, đa phần là im lặng, nhưng tưởng tình yêu đã nói rất nhiều. Qua những cái nhìn, qua cách cầm tay nhau trìu mến, qua cả những hơi ấm đang lan dần, đan xen vào nhau.
Trong quán cà phê tôi chiều vàng nhạt, có nhiều dạng người khác nhau. Có những người làm nghề kinh doanh, tìm đến quán cà phê để tìm một nơi để giao dịch, làm ăn. Có mấy người trẻ xách theo chiếc laptop đen, chọn góc ngồi cạnh cửa sổ và như thể chỉ tìm được câu chuyện qua chiếc laptop và internet. Lại có những người, như mình, đến quán cà phê chỉ để ngồi đó, lặng yên và ngắm bóng nắng vàng vọt cuối cùng từ ô của sổ nhìn thẳng ra biển, nghe nhạc trữ tình.
Quán tối và ấm, tình ca buồn. Cảm giác như cả cái khung cảnh đang được đẩy lùi về 04 năm trước, trong khung cảnh chia tay tình đầu ở tuổi 28, mối tình đắng như cà phê và thơm như cà phê đầy mê hoặc.
Khi những giọng ca Diệu Linh cất lên một cách chân chất, mộc mạc: “Em không đi tìm, người yêu lý tưởng đâu anh...” Giọng người ca sĩ cất lên một cách trong vắt như pha lê lời tình tự nghe sao ấm áp lòng kẻ chung tình. Tiếng ca chầm chậm đi vào tâm hồn, khua động con tim như tách cà phê khơi đầy cảm xúc.
Trong cái không gian nửa tối nửa sáng đó, bên cạnh những tách cà phê, mùi khói thuốc và âm nhạc ve vuốt, người ta lẳng lặng cuộc đời đang thực sự trôi đi, và cái gánh nặng chất chồng trên vai bỗng vơi đi phần nào.
Đôi khi Khánh Kiên đến quán cà phê không phải để uống cà phê mà để tìm một điều gì đó mà anh nghĩ là đã mất…
***
Nhớ góc quán Nắng Hạ ngày xưa…
“Nếu có nhiều thời gian, em sẽ làm những gì bản thân mình muốn. Nhưng mọi thứ quá ngắn ngủi vì vậy em chỉ muốn làm mọi thứ mà em thích” – Nhã Hân nhìn Khánh Kiên đang gõ tách tách trên chiếc laptop trả lời email của khách hàng.
Kiên mất vài giây để tìm một câu trả lời sao cho hợp lí nhất. Nếu là những gã đàn ông khác, chẳng khó khăn gì để nói một câu: “chúng ta đã đủ trưởng thành cho những quyết định của mình, em cứ thực hiện những gì em thấy cần chứ sao?. Nhưng Khánh Kiên thấy khó khăn khi nói dối bởi vì Nhã Hân, cô gái mà anh yêu đến 5 năm rồi đang chuẩn bị lấy chồng Việt kiều theo ý cha mẹ.
Anh không muốn nói dối bởi vì rõ ràng anh muốn giữ lại Nhã Hân, giữ một cuộc tình với một người yêu nặng lời thề ước. Thế nhưng sự thế, sự nghiệp, sự thành đạt, sự kiêu hãnh của tuổi đôi mươi thường đẩy bùng tự ái lên cao ngất. Đôi mắt đong đưa, thân hình quyến rũ và bờ môi căng mọng ấy từng làm anh chỉ muốn giũ bỏ hết để đến bên người đẹp. Nhưng cuối cùng, Nhã Hân cũng không đủ can đảm ở lại bên anh.
Khánh Kiên lấy can đảm để nói một câu bâng quơ:
– “Anh đang muốn tìm một thứ gì đó mới mẻ”.
Thế là quá đủ. Những người đàn bà thông minh chỉ cần thế… Nhã Hân chủ động nắm lấy tay Khánh Kiên và ghé lại gần anh:
– “Muốn mới mẻ, anh cần phải vứt bỏ những thứ cũ kĩ”.
Hôm đó ra về, những câu nói của Nhã Hân cứ ám ảnh tâm trí Trường.
– “Anh đã về chưa? Ghé qua nhà em chút nhé. Em ó chuyện này muốn nói với anh”.
Tin nhắn của Nhã Hân làm anh thấy khó chịu. Ai cũng nói Nhã Hân đẹp, hiền lành và ngoan ngoãn. Trong con mắt người làng, nàng là mẫu cô gái cam chịu và yêu không toan tính. Ngày trước, đúng là anh thấy thật may mắn khi yêu cô, nhưng giờ, sau 5 năm, anh chỉ thấy một toan tính. Nhã Hân đẹp thật đấy, nàng giống như một màn nước trong veo. Ngày ấy, Nhã Hân yêu anh vô điều kiện. Tình yêu vỡ tan trong thoáng chốc trước sức mạnh của tiền đồ và tiền đô…cuộc đời…
– “Anh này, em sẽ xuất ngoại, ba mẹ em đã tìm một người Việt kiều Mỹ để gả em. Em phải tìm tương lai cho mình. Em xin lỗi…Nhưng…”
Khánh Kiên hơi giật mình trước vẻ mặt phớt tỉnh của Nhã Hân. Chẳng phải chính cô là người hơn ai khác mong đợi được ở bên anh suốt cuộc đời này sao? Anh thấy hơi chột dạ, lẽ nào anh không quan trọng với nàng bằng một tương lai nơi đất lạ quê người hay chỉ cố khơi lên lời nói này để thử lòng hoặc trêu chọc anh?
– “Sao thế em? Lí do là gì vậy?”
– “Em muốn đi học và lấy tiến sĩ y khoa ở Mỹ… Em còn trẻ mà, em sẽ không có tương lai nếu ở đây mãi nơi một bệnh viện huyện, làm một bác sĩ nhi”.
Không hiểu sao nghe Quỳnh nói những điều này, Khánh Kiên lại có cảm giác mình rơi tự do.
– “Được thôi, nếu em muốn như vậy”. Đâu đó những nỗi buồn ngổn ngang. Khánh Kiên lao ra khỏi căn phòng như một con gió. Anh cảm thấy trái tim đau như trăm ngàn mũi dao xuyên thấu…
Đêm hôm đó anh không thể nào ngủ được vì những gì cô đã nói: “Em còn trẻ mà, em sẽ không có tương lai nếu ở đây mãi…” Đêm hôm đó, trời đã mưa…
***
“Câu kinh xưa giờ đây dối gian, còn lại rêu phong lãng quên trên thềm xưa, thời gian thôi xóa đi kỷ niệm sẽ mãi không quay về…” Đan Trường đưa Khánh Kiên trở về hiện thực với ca từ của bài “Trở Lại Phố Cũ”. Rồi anh cười. Nụ cười của anh luôn thật hiền và thật tươi.
Đã 04 năm trôi qua rồi, kể từ ngày chia tay. Bài hát ấy, cứ nghe đi nghe lại, để rồi thổn thức mãi.
Đêm dần xuống, trời cứ lạnh theo gió biển viếng thăm, lạnh đến gai người. Nắng hanh hao xuyên qua ô cửa sổ nhỏ khép hờ, lọt qua các nhành lá cỏ khô còn ướt sương đêm. Có một điều mọi kẻ yêu dang dở thường luôn tránh nghĩ đến, đó là nỗi nhớ người yêu. Chợt chuông điện thoại reo, giọng anh trực hải đăng bên đầu dây: “Khánh Kiên, cậu ở đâu, về trực ngọn hải đăng cho mình được không, trời sắp mưa, mình chuẩn bị về đây?”