1.
Thể theo nguyện vọng của bạn tôi, gia đình và bạn bè đưa anh đến lò thiêu Bình Hưng Hòa. Tôi nhớ khá rõ là đã rất lâu trước đây, trong lúc chè chén bạn bè, anh từng nói khi anh chết cứ thiêu, tức anh thật lòng muốn thế và chọn lưa “thiêu cho nó gọn, khỏi chiếm đất” của anh không dính dáng gì đến việc nhà nước có ra qui định tặng cho mỗi đám thiêu 3 -4 triệu đồng gì đó nhằm khuyến khích dân chúng chọn thiêu, đừng chôn mà gây thêm khó khăn cho quỹ đất đang eo hẹp.
“Lễ tất!”, vị sư cầm micro tuyên bố, tang gia phủ phục lạy lần chót trước quan tài. Do người chết quy y Phật giáo nguyên thủy nên các thầy tụng tiếng Phạn. Giọng của năm nhà sư nghe trầm bổng rất lạ, từ giọng thật trầm của vị sư già cầm micro cho đến giọng cao lanh lãnh của một vị sư trẻ đứng đối diện bên kia quan tài, tất cả vang âm âm trong phòng làm lễ như một bài ai điếu ngắn, đúng hơn là một bài hát buồn hợp xướng năm giọng, được viết theo một cung mineur thật áo não nào đó.
Những người đưa đám xếp hàng, nối đuôi nhau đi đến bàn thờ cắm cây nhang chào vĩnh biệt người quá cố. Chợt mấy anh đạo tì nhắc: “Lẹ lẹ đi, để lấy tài nhứt!”. Từ “tài nhứt” gốc là ở bến xe khách, nói đến chiếc xe được phép xuất bến đầu tiên trong ngày. Nay ngôn ngữ của giới tài xế lái xe khách bị giới đạo tì mượn dùng tạm. Riêng chữ “tài” trong từ “tài nhứt” không hề có nghĩa là “quan tài” tuy lúc này, cái hòm đang bị hiểu là chiếc xe, chuyến xe.
Chính với người trong nghề, cái áo quan, cái hòm cũng được gọi trại đi là cái “hàng”. Đám tang nhà giàu có thể mua loại “hàng nhứt” đặc biệt mắc tiền, tức được đóng bằng gỗ tốt, dày, nặng. Còn loại “hàng nhì”, “hàng ba” thông thường, nói chung là “hàng chợ”, đóng hàng loạt bằng gỗ thường, mỏng, nhẹ, rẻ tiền, đương nhiên dành cho đám nhà nghèo.
Có thấy rõ cảnh tượng bát nháo, hối hả ở nghĩa trang này, tôi mới hiểu ra tại sao người ta lại liên kết chuyến đi cuối cùng của phận người với chuyện giao thông, vận chuyển hàng hóa trên đường trường. Từ mấy hôm trước, với hợp đồng “trọn gói” bao gồm cung cấp áo quan, tẩn liệm, trang trí cờ phướn, xe tang .v.v..., công ty mai táng - gọi kiểu xưa là nhà đòn - bao luôn việc thay mặt tang gia đăng ký với ban giám trang để giành chỗ. Chỗ ngồi thượng hạng, hàng ghế đầu ở đại hí viện hoàng gia chăng? Thưa không, chỉ là làm sao cho người chết được vô lò thiêu ở thứ tự “ghế tốt”, tức lọt vô tốp khách hàng đầu tiên của nghĩa trang ngày hôm nay. Đó là danh sách người chết mở hàng cho ca sáng của lò thiêu, được ghi rõ ràng trên bảng “Lịch thiêu” treo trên tường. Chưa hết, dù danh sách ấy có đánh số thứ tự nhưng ở vài vấn đề khác, mỗi liên minh nhà đám&nhà đòn còn phải chú ý làm cho tốt mới bảo vệ được vị trí được thiêu “ca sáng, trong ngày” như đã niêm yết.
Trước hết, vì cần phải tránh nạn kẹt xe hiện nay trong thành phố vào sáng sớm, cần thuyết phục các vị sư hay thầy tụng chọn giờ động quan, di quan - người chết ra khỏi nhà của mình - cứ trúng vô giấc rạng đông 4 – 5 giờ sáng là tốt nhất, ít ra là tránh được sự bất mãn, than trách không kềm chế được của người đi đường, những người bị kẹt đoàn xe đám ma mà trễ giờ đi làm, đi học. Nghĩa là lễ động quan ở nhà cần làm thật giản lược để xuất phát sớm.
Đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quan tài được lập tức khiêng lên lầu, tức khu vực bốn phòng làm lễ. Tang quyến gần như phải nuốt vội mọi đau buồn để chạy theo cho kịp mấy anh đạo tì khiêng áo quan. Có phòng làm lễ nào trống là quan tài sẽ lướt vào, yên vị ngay trên bệ đá cẩm thạch để các thầy làm các nghi thức cuối cùng…
Gần như một cuộc đua bất qui ước, đám nào làm xong phần nghi lễ cuối cùng trước, quan tài người thân sẽ được chuyển trước từ phòng làm lễ xuống tầng hầm, nơi có cả chục lò thiêu bằng ga. Theo một anh đạo tì, nếu lấy được “tài nhứt” thì chỉ cần chờ đến 11 giờ 30 hôm nay là có thể nhận hủ tro cốt. Nếu phe ta chậm hơn cái đám ở phòng làm lễ bên cạnh, để quan tài bên họ chuyển xuống là thiêu trước thì phe ta phải mất thêm 3 – 4 tiếng đồng hồ.... Do nhịp độ răm rắp của guồng máy hoạt động tại nghĩa trang đã như thế, giới đạo tì luôn luôn hối thúc mọi người. Hơn nữa, anh em còn cần dọn đồ nghề về cho sớm đê còn đi nhận đám khác.
Các thầy đang tụng thì nghe nhốn nháo ngoài hành lang phía trước phòng làm lễ. Thì ra, một đám khác đến hơi muộn, cả bốn phòng làm lễ đều có người, nên họ đành đặt quan tài xuống trước cửa phòng và nôn nóng nhìn vào...
Hiện giờ, mới 7 giờ sáng, mà khu vực làm lễ đã giống như trại tạm cư hay một cái chợ chồm hỗm. Các phòng lễ đều chật hẹp, bề bộn, nên người ta phải đứng tràn ra ngoài hành lang. Người thì tranh thủ kiếm chỗ đứng - không có bất cứ một chiếc ghế nào - uống miếng nước, hút điếu thuốc. Người thì dựa vô cột mà vội vã nhai ổ bánh mì ăn sáng. Khói hương nghi ngút hòa vào tiếng tụng niệm, khóc than, trò chuyện, chào hỏi...
Giữa cảnh ồn ào, hỗn tạp ấy, một bà lão cứ ngơ ngác, len lách đi tới đi lui suốt bốn phòng làm lễ. Bà nhỏ nhẹ hỏi hết người này đến người khác về một cái tên ai đó mà chỉ nhận được những cái lắc đầu... Có người trả lời đại là đám đó chắc chưa đến. Có người biểu bà cố len vô các phòng để nhìn ảnh người chết. Có người chỉ cho bà cái bảng lịch thiêu.
Tôi liền đi theo bà đến chỗ treo bảng vì không chắc là bà biết chữ. Khổ thật, cái tên người quá cố mà bà già đoan chắc với tôi là Tư Mẹo gì đó đã không hề có trên bảng. Rất có thể người già lụ mụ như bà lão chỉ biết thứ bậc và tên riêng, tên gọi ở nhà của người chết, còn trên bảng chỉ ghi các tên họ đầy đủ, chính thức theo giấy khai tử được làm căn cứ theo giấy khai sanh. Thậm chí tên cúng cơm – bắt đầu được chính thức sử dụng vì người ấy vừa chết – cũng chưa chắc là tên khai sanh.
2.
Bằng ngả thang lầu, tôi đi theo tang quyến xuống tầng hầm. Toàn bộ các lò thiêu được ngăn cách với những dãy ghế chờ bằng vách kính rất dày. Bằng hệ thống ti-vi nội bộ, tang quyến có thể nhìn thấy mọi việc bên trong, ít ra là thấy cổng lò mở ra nhận quan tài đưa vào rồi đóng lại. Phòng cách ly ở sân bay cũng xài vách kính dày nhưng ở đó, vách kính chỉ làm người đi tiễn phải mỏi mòn nhìn theo bóng dáng ngày càng lùi xa của người ra đi, nhưng trong hầu hết hoàn cảnh chỉ là những cuộc “sinh ly” dù dài/ngắn cũng đều là tạm thời trong cuộc sống, sau một thời gian rồi đôi bên có thể gặp lại nhau. Còn về những tấm vách kính ở lò thiêu, chúng làm bổn phận của mình chu đáo vô cùng - vì không phải chúng dẫn đến cảnh “sinh ly” như ở sân bay nữa mà là “tử biệt” – khổ đau hơn cho con người rất nhiều.
Ý nghĩa của cuộc “tử biệt” tưởng đã quá đầy đủ vào lúc người thân trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, dè đâu nỗi đau khổ mất mát lại quặng thắt tâm can khi, qua vách kính lò thiêu lạnh tanh, người ta nhìn thấy tường tận người thân nằm trong cỗ quan tài từ từ xê dịch vào trong lò thiêu, rồi cửa lò đóng kín lại. Tôi nghe ai đó đứng bên cạnh buông thõng tiếng thở dài “Xong!”.
Đúng ra, tình cảnh cách ly vĩnh viễn đã diễn ra xong xuôi khi bệ đá trong phòng làm lễ từ từ thụt xuống, kéo quan tài xuống với lò thiêu, không khác nào cảnh quan tài hạ huyệt ngoài đất mộ. Quan tài người chết như từ từ chuyển xuống cõi âm ty, mặc cho những cánh tay người sống níu kéo vô vọng. Cái lỗ xi-măng sâu thẳm ấy chỉ dành cho quan tài – một lối đi riêng cho người đã từ giã cõi đời.
Tôi không được an ổn chút nào khi ví von cái lỗ xi măng đưa quan tài xuống lò thiêu giống lỗ huyệt. Con gái lớn của bạn tôi, ôm chặt ảnh bố, khóc: “Sao quan tài vừa thụt xuống, nhà mình bị đuổi xuống tầng dưới vậy? Có mỗi mình bố xuống đó thôi sao? Chỉ còn ảnh này, không còn thấy bố nữa bố ơi! Bố ơi!”. Thấy thế, một nhân viên trong ban giám trang đứng ở hành lang, ghé miệng vô giải thích: “Thì gia đình xuống tầng dưới, ngồi ghế xem qua ti-vi lúc thiêu được mà!”. Tôi rất muốn nói thật nhỏ với con gái người bạn, rằng mọi người phải rời khỏi phòng làm lễ vì vừa rồi, quan tài thụt xuống có nghĩa là tình cảnh “tử biệt”, chia lìa gia đình với bố cháu đã thực sự bắt đầu. Nhưng tôi vẫn nín lặng vì không muốn mình nối tiếp sự vô duyên như lối giải thích, nhắc nhở lạt lẽo của anh công chức kia.
3.
Đứng nán lại ở thang lầu, qua hàng rào sân trước lò thiêu tôi nhận ra rải rác giữa những hàng mộ cũ kỹ bên nghĩa trang đang có từng nhóm 2- 3 công nhân áo xanh được gia đình thuê đập bia, phá núm đất, đào tìm quan tài, hốt cốt người thân. Nhịp độ giải tỏa Bình Hưng Hòa đang rất khẩn trương, nhất là vào ngày chủ nhật như hôm nay.
Thật tình tôi không chịu nổi cái không khí ngột ngạt, chụp giựt của cái nghĩa trang nặng mùi “công nghiệp”, hoạt động dửng dưng, ồ ạt như một cỗ máy vô tri này. Cũng là chuyện chôn cất hay hốt cốt nhưng ở vài nơi khác, người chết và người sống đỡ bị thúc hối hơn.
Đó là vào đầu những năm 80, thành phố rục rịch giải tỏa, mở đường. Một trong những khu giải tỏa đầu tiên là nghĩa trang An Nhơn 2, vùng Gò Vấp, nơi gia đình tôi có tới ba phần mộ người thân. Thời ấy, cũng giống Bình Hưng Hòa ngày nay nhưng hoạt động hốt cốt ở An Nhơn 2 có phần ít tấp nập hơn nhưng lại có những đòi hỏi tế nhị hơn.
Gia đình tôi đã làm quen được một nhóm bốc mộ bán chuyên nghiệp, tức dân lao động nghèo, đụng-gì-làm-nấy thì các anh em này đã tính thù lao khá hạ, miễn là nhớ đem theo ra đất mộ vài lít đế, khỏi cần mồi vì dân đào mã vừa làm vừa cầm chai vô một cái thì được nhưng tay dơ không tiện cầm đũa hay bốc đồ ăn. Thêm lý do cho việc phải kiếm một nhóm có giới thiệu, quen biết trước là ở chuyện các anh em này hứa sẽ mò tìm, giao lại cho tôi hai chiếc răng vàng trong hộp sọ bố tôi. Vậy mà, vào sáng sớm ngày hẹn bốc mộ, nhóm quen biết kia đã không đến nghĩa trang.
Sau này, gặp lại nhau, anh trưởng nhóm mới thố lộ là “rừng nào cọp nấy, giang sơn nào anh hùng nấy”. Trước ngày hẹn, anh đã thất bại khi mò đến thương lượng với nhóm bốc mộ gần như độc quyền tại nghĩa trang An Nhơn 2, dù anh đã nhận gia đình tôi là bà con, ruột thịt. Mặt khác, ban giám trang cũng cấm cửa bất cứ một nhóm lạ nào, không đăng ký hành nghề với họ, đúng hơn là không cùng cánh, ăn chịu với họ.
Mọi việc đã trở nên dễ dàng, đơn giản như đang giỡn, khi chúng tôi bấm bụng chấp nhận giá công bốc mộ của nhóm “bản địa” đưa ra – gấp ba giá của nhóm quen biết. Bọn này còn ra điều kiện là chỉ đến giai đoạn rửa sơ bằng nước, giao xương cốt là xong việc, lấy tiền. Tôi khổ sở trả lễ bằng đề nghị cho nhận lại hai cái răng vàng thì bọn này nói “Được, nếu như mò thấy”.
Có chút an ủi nhỏ bé là khách đã bị “vịn” tiền công đào mộ vượt trội thì khỏi mất công đi báo cáo, xin phép ban giám trang, dân chuyên nghiệp hùng cứ đất này sẽ làm dùm thủ tục ấy. Mà sao lại phải báo cáo khi bốc mộ, hốt cốt, rời bỏ cái khoảnh đất trời thần này? Vào ngày chôn cất, phải trình giấy khai tử rồi ghi vào một tờ đơn, đóng tiền cho ban giám trang, mới được phép nhập “hộ khẩu mới” cho người chết, thì nghe còn tạm có lý. Về người sống thì phải báo cáo “cắt hộ khẩu” tại chỗ ở cũ mới được xét cho nhập vô chỗ ở mới. Nhưng còn mớ hài cốt người chết thì một-đi-không-trở-lại, không lẽ phải báo cáo mới được chấp thuận cho chuyển đi, nhập vô... lò thiêu? Thì ra những thủ tục hành chánh cứng nhắc, đã đeo bám, quản lý con người ngay từ lúc mới ra đời - xin khai sinh, cho đến khi lìa đời - xin khai tử, riết cho tới khi hóa thành tro bụi - xin hốt cốt đem thiêu!
Tôi nhớ mình rầu rĩ đốt thêm vài cây nhang, cắm ở đầu mộ mà theo dõi công việc của nhóm lấy cốt. Núm mộ xây bằng xi-măng bị phá bỏ nhanh chóng, nắp quan tài bị vất sang bên, lộ ra lỗ huyệt ngập xâm xấp nước. Một gã khom người mò tìm hộp sọ rất lâu, có lúc mặt mũi gã chìm luôn xuống nước. Kết quả là không thấy răng vàng, răng bạc gì cả. Sau này, tôi mới biết khi mò tìm được đồ nữ trang hay răng vàng, bọn xấu trong “nghiệp đoàn” hốt cốt có những “chiêu” rất tinh quái là lén dấu món quí giá ấy lẫn vô đất, vải liệm, tấm ny-lông quấn xác, quần áo người chết, ván hòm..., xong việc rồi sẽ trở lại kiếm sau. Nhưng kinh tởm nhất là bọn này còn lén bỏ vô miệng, ngậm kín món vật, rồi làm bộ lắc đầu, nhảy ra khỏi huyệt nghỉ giải lao hay thay người khác mò tiếp. Cái gã tự-nhiên-bị-câm kia sẽ bỏ đi chỗ khác, để... May mắn gặp được những người lương thiện làm nghề hốt cốt thì các gia đình mới mong nhận lại được những kỷ vật từ di cốt của người thân yêu. Hơn nữa, khi gặp phải những thi hài chôn chưa lâu, thịt da chưa phân hủy hết thì chính những anh em tốt kia sẽ tẩn mẩn làm một việc rất ớn, ít ai dám làm: tuốt thịt, lóc thịt, da người chết cho đến mức chỉ còn lại bộ xương khô mới thôi. Có như thế thì sau khi đem thiêu, tro cốt mới tinh tuyền, khô mịn.
Tôi đã chợt nhớ mấy lít rượu đế xịn đem theo đang vô dụng vì cái hẹn với đám thợ quen đã hõng bét. Tôi có thể uống bừa, giải sầu nhưng không uống vì không có chiến hữu bên cạnh, còn đem thí cho bọn sứ quân ở đất này thì nhất định không! Thôi thì bắt chước vài đám hốt cốt gần đó… Tôi bắt đầu đổ rượu ra từng chén nhỏ, rửa bộ xương bố tôi ngay bên lỗ huyệt. Thật tình cũng không biết có thiếu lóng xương nào không nhưng tôi chăm chỉ vuốt ve, tẩy rửa thật kỹ lưỡng bộ cốt rồi bỏ vào một cái cái tụng (giỏ đệm) mới mua. Xong việc, tôi đứng tần ngần nhìn xuống lỗ huyệt, nghĩ ngợi mông lung.
Cái mà mới ngày nào, mọi người còn vô tư lự, yên ổn gọi là “nơi yên nghỉ cuối cùng” dành cho người đã chết? Có một chuyện khá an ủi là vị sư trụ trì của chùa thời đó bước đến hỏi han. Người quen biết này mới chính là chủ nhân của nghĩa địa thuộc nhà chùa mà trước ngày 30/4, gia tộc tôi đã cúc cung làm công đức và được phép gởi gấm phần mộ người thân ở vị trí gần chánh điện nhất, và ảnh người chết được phép đặt tại một khu thờ phượng riêng do Phật tử hùn nhau xây cất bên hông chùa. Sau ngày 30/4, nói theo từ hành chánh chuyên môn, vị sư đứng tên sở hữu lô đất nhà chùa được tiếp đón đại diện của chính quyền, tức ban giám trang, đến phối hợp để cùng quản lý mọi việc, như qui định phân lô, phép tắc mai táng... cho tốt. Dù có do lưu truyền chức trách mấy đời trụ trì mà ngày nay được mơ hồ mang tiếng là chủ “giấy đỏ” lô đất nghĩa địa thì đối với nhà tu hành còm cõi, già nua kia, trong cõi thế gian tạm bợ này, đất nào chẳng là đất của bá tánh. Hẳn là vị sư chỉ biết tiếp tục tu hành, ăn mày cửa Phật, chẳng sân si gì chuyện “đất nhà chùa” bỗng biến thành “đất...chùa”, theo nghĩa là đất công, đất của nhân dân, đất thuộc ban giám trang phụ trách, cũng là đất làm ăn riêng của mấy gã bốc mộ?
Vị trụ trì đang rải vôi xuống lỗ huyệt còn vương vất những tấm ny-lông bọc xác thì tôi cúi chào, xách giỏ tụng đi về phía lò thiêu ở cuối nghĩa trang. Đây chỉ là một lò thiêu dùng củi, mới được dựng lên gấp rút khi có lịnh giải tỏa để đáp ứng nhu cầu thiêu cốt tại chỗ. Cái lò “tiểu thủ công nghiệp” thô kệch này chỉ có thể tiêu thụ cùng lúc bốn bộ cốt. Nhận một cái khay bằng sắt, tôi xếp bộ cốt vào một cách vén khéo vì khuôn khổ cái khay không rộng rãi gì. Chờ ngóng rất lâu theo thứ tự, tôi giao khay cho một anh công nhân xếp vào lò. Phải chăm bẳm nhìn theo anh ta, ghi nhận rõ ràng vị trí của cái khay trước khi cửa lò đóng lại, tôi mới an tâm là mình tránh được nạn... lộn khay khi đã thiêu xong. Chừng một tiếng sau, những cái khay nóng rực được lấy ra khỏi lò. Chờ cho khay nguội hẳn, tôi mượn một cái chày giã cho nhuyễn những mảnh xương nhỏ, chưa tiêu ra bột. Cũng giống như chuyện phải tuốt hết thịt da còn bám vào xương khi mới lấy cốt, chẳng có sách vở, kinh kệ cổ truyền nào qui định chuyện phải “giã nhuyễn” cả, tôi chỉ bắt chước người khác mà làm thôi. Sau cùng là hốt cho kỳ hết mớ tro bỏ vào hũ, đậy nắp, khằn kín bằng xi-măng trắng...
4.
Những gì - thật ít ỏi, khiêm tốn – còn sót lại của một con người, một nhân vị, đã yên ổn nằm im trong bóng tối của hũ tro bé nhỏ. Ngày đó, hũ tro được tôi đưa thẳng về tịnh xá N.P., một ngôi chùa ở Gò Vấp, để được xếp bên cạnh một số hũ khác có ghi “nhãn” cùng tộc họ nhà tôi. Nhiều người muốn biết chi phí gởi hũ tro cốt cho nhà chùa như thế là bao nhiêu…
Đâu khoảng các năm 1982 – 1985, gia đình tôi đi gởi hủ tro cốt ở tịnh xá N.P. thì giá cả tượng trưng, chỉ một, hai trăm ngàn. Khoảng một năm sau, tang quyến một người quen từ nghĩa trang Bình Hưng Hòa đưa hũ tro về chùa Vĩnh Nghiêm ở quận 3, giá gởi hũ ở ngôi chùa nổi tiếng này lên đến 1,050,000 đồng, chưa kể 100,000 đồng gởi thêm cho nhà chùa nấu một mâm chay cúng “nhập hộ khẩu”.
Thực tế là hiếm có nhà đám, tang gia nào quá hay dám đặt nặng chuyện tiền bạc. Đương nhiên theo qui luật cung cầu, giá cả trong mọi mặt - từ còn sinh hoạt cho đến hết sinh hoạt - cuộc đời hết-sống-là-chết phải luôn thay đổi, trong đó có cả giá gởi hũ tro cốt cho nhà chùa, nhất là trong xu thế hỏa táng đang ngày càng phổ biến trong xã hội, cộng thêm hoàn cảnh đất hẹp, người đông và đất loại gì cũng lên giá liên tục.
Có lẽ nhẹ nhàng hơn hết là khi người chết có nguyện vọng rải tro cốt xuống biển, xuống sông, trên rừng gì đó. Lại có một tục lệ ít phổ biến là nấu cơm nếp, vo viên với tro cốt rồi mới đem rải, có vậy tro cốt mới chìm nhanh gọn, trọn lọn xuống nước. Bằng không, chúng ta lại có dịp thấy một cảnh tượng không khác trong xi-nê, bi tráng và nặng cảm xúc, là cảnh hoàng hôn, một người đứng chênh vênh trên ghềnh đá, nghiêng hũ cho tro cốt đổ tán loạn xuống biển trong gió chiều lộng lộng. Tro cốt, tức những gì còn sót lại sau cuối, tượng trưng cho một con người, có tan hòa bãng lãng trong sóng biển trùng khơi hay không cũng chỉ là thân phận con người, chỉ là kiếp nhân sinh “cát bụi trở về với cát bụi”.
(Gần tàn 2016)