I.
Dòng kênh đêm nay thanh vắng, tiếng nước chảy róc rách nghe rõ mồn một như bài hát dài. Dòng kênh thường ngày trong xanh, uốn lượn đôi bờ giữa óm làng mến thương. Hai bên bờ kênh cây cối hoa lá tốt tươi, liễu rủ soi bóng bềnh bồng trong nắng thu, cỏ xanh nõn như tấm thảm khổng lồ trải dài tít tắp. Những đôi trai gái trong làng khoác tay nhau đi dạo, nhìn ngắm mặt nước trong veo có hàng đàn cá tung tăng bơi lội vây đuôi múa thích mắt. Dòng kênh hát lên đời vô tư như tuổi con gái. Trong nhà mọt nghiến gỗ cót két làm nẫu ruột. Chí không thể ngủ tiếp được nên vén màn, mở cửa ra hiên ngồi ngóng. Đêm tối mịt mùng, vài ngôi sao le lói. Tiếng chó sủa xa xa vọng lại. Chí ngóng ngược rồi Chí ngóng xuôi, đường làng không một bóng người. Chí ngóng gì chính Chí không biết, chỉ thấy lòng xốn xang không rõ gọi lên tên.
Đời Chí, một người con gái hồng nhan, mười bảy tuổi xuân hơn hớn chưa nhận biết giá trị bản thân, Chí đã có năm bảy chàng trai bu quanh. Con gái ngày hai buổi cắp sách đến trường, vô tư lự chưa biết đến lo toan tính toán cuộc đời là gì, chỉ sống bằng những lời ca ngợi hương sắc mình của mấy ngã trai làng trên xóm dưới. Chí là dòng kênh trắng trong, chàng trai nào cũng mơ ước sở hữu cho riêng mình. Chí được may mắn, nay anh này đón, mai anh kia đưa, nay anh này tặng quà, mốt anh kia thề thốt. Chí sống như mộng du, không biết thật giả, không biết nên chọn lựa ai. Chí đứng trước ngã năm ngã bảy cuộc đới, không biết rẽ lối nào hên rẽ lối nào xui... Trong số người đó Chí ưng chàng hàng xóm tên Ninh, bạn chăn bò chăn vịt thuở nhỏ. Hai người lớn lên tự nhiên như cây cỏ, bên nhau như hình với bóng. Nhưng ba má Chí không ưng thuận:
-Con à, nhà mình có tình mà không có tiền, suốt đời ba má lận đận cũng không bằng được ai. Con ưng nó mai mốt cuộc đời con tăm tối nghèo hèn ba má chết không nhắm được mắt đâu con nha!
Bây giờ sống trong hoàn cảnh cô đơn lẻ chiếc Chí mới ngộ ra lời nói người đời: “cuộc sống là cái bẫy vô hình luôn luôn nuốt chửng những ai lỡ bước”. Mười bảy tuổi Chí lên xe hoa về làm dâu nhà giàu. Trước khi nghe theo lời ba má Chí đã gặp Ninh mạnh dạn nói rõ lòng mình:
-Nếu anh thương em, chúng mình hãy đi xa thật xa để sống suốt đời bên nhau anh nha? Chí ngước đôi mắt to tròn nhìn sâu vào mắt anh.
-...
-Mai người ta đến xin cưới em rồi... Chí nói trong nước mắt.
-Em không đợi được anh sao? Ba anh đang bệnh nặng. Ninh thờ dài não nùng, càng ôm chặt như sợ bay mất Chí.
-...
Chí không chịu được sức ép nhiều phía, đành lỡ bước đưa chân... Chí không ngờ cái bẫy lớn đang chờ Chí tiến vào để rồi nghiến nuốt Chí từng phút từng giờ. Người ra mắt cưới hỏi Chí trước họ hàng làng nước là một hoàng tử khôi ngô tuấn tú, người lên giường đêm tân hôn với Chí là “thằng gù nhà thờ Đức Bà”. Không hiểu thế kỷ hai mốt còn có chuyện tráo hôn như thế. Vâng, cái gì trên đời mà không có thể. Chuyện này do bố chồng Chí một cựu chiến binh tầm cỡ đương nhiệm lãnh tụ huyện nhà, ông ta chủ mưu cuộc hôn nhân không tương xứng. Chí chống cự ông bằng cách không động phòng với người Chí không yêu. Ông dùng quyền dùng tiền cưỡng bức Chí. Ông đe doạ Chí, hai hàm răng nghiến vào nhau ken két:
-Con sinh cho bố một đứa cháu trai... con muốn gì được nấy...
-Nếu con của con giống như... Chí hoảng sợ lí nhí trong họng.
-Không nếu... gì cả... Lời bố chồng Chí như nghị quyết. Cứ làm thế nha!
Những ngày sống bên nhà chồng là những ngày tù ngục, Chí không được tiếp xúc với ai, kể cả ba má mình. Chí nín thở, cắn răng chịu đựng khi gần gũi của thằng chồng dị dạng. Chẳng lâu Chí có thai nhìn cái bụng lùm lùm to dần mà âu lo hoảng hốt, không biết ngày mai con Chí ra sao, đời Chí ra sao. Từ ngày đó Chí từ chối không gặp ngỡ ai trong nhà chồng, kể cả thằng chồng bất hạnh. Người ta bố trí bác sĩ thăm khám cho Chí, ông ta cho biết:
-Cái thai chị đang mang, sác suất tốt đẹp rất mong manh, nếu cần người ta sẽ... giải quyết.
Chí từng giây từng giờ cầu nguyện trời phật phù hộ cho Chí mẹ tròn con vuông. Ngày Chí sinh nở cũng là ngày Chí đi xa, xa mãi. Chí đi mà không biết mình đi đâu, Chí chỉ biết đi càng xa nơi uy quyền của bố chồng bao nhiêu càng an toàn bấy nhiêu. Nhưng có ai kiếm tìm Chí đâu mà sợ, người ta chỉ cần đứa cháu trai khôi ngô thôi có cần Chí nữa đâu. Chí đã đóng tròn vai của mình trong kịch bản do bố chồng Chí soạn ra đến đó mà thôi. Chí đừng quay về làm phiền người ta càng tốt. Chí giận ba má mình ham tiền mà đẩy con vào hoàn cảnh oái oăm này.
Chí thoát thân trong tình trạng nguy hiểm của sản phụ yếu đuối, có đồng nào Chí đã bỏ ra thuốc men cho mình. Khi trắng tay, Chí không biết cách gì mưu sinh tiếp tục. Thời buổi này làm gì cũng cần có tiền, không nhiều cũng phải ít. Thân sản phụ Chí không kiêng cữ được bao lâu, đã bị lọt vô ổ chứa. Không có tiền, Chí cùng đường muối mặt dùng vốn tự có của mình vậy. Chí đã sa vào con đường bán chôn nuôi miệng. Tháng ngày cứ trôi, đời Chí chìm nổi, thoát khỏi bẫy này Chí lại lọt bẫy khác. Chí trở thành gái điếm, bán thân bị chủ khai thác tối đa. Chí là món mồi mới lạ trong ổ chứa, ngày đêm phải tiếp khách, đếm hết hai bàn tay mà khách vẫn không ngớt. Một đêm đã khuya Chí bị má mỳ dựng dậy:
-Tuyết Liễu! (tên Chí do chủ chứa đặt dễ mềm tai khách làng chơi). Có khách sộp đó nghen con, lên phòng trang điểm nhanh đi.
Chí bước vô phòng chưa kịp khép cửa đã bị khách ôm chầm, bế thốc lên giường:
-Ôi... tanh thế... mùi cá…
-...
-Khoan... khoan... anh...
-...
Chí sau đó nghĩ lại câu chuyện tình này đã tự ví mình như Thuý Kiều, còn khách làng chơi kia là Thúc Sinh. Thuý Kiều đêm đó đã gặp Thúc Sinh. Người ra tay chuộc Chí khỏi ổ chứa không phải tao nhân mặc khách như tác phẩm Truyện Kiều, là một thuỷ thủ tàu đánh bắt cá xa bờ, suýt làm Chí chết ngạt vì mùi tanh đêm đó. Sáng ngày ra, bà chủ gặp gỡ hai người, bà chỉ vào mấy thùng cá cười nói:
-Ảnh đã chuộc con bằng số cá này, bây giờ con là người của ảnh. Chúc hai người trăm năm hạnh phúc!
-…
II.
Một đất nước nhiệt đới chan hòa ánh nắng hiện ra sau cửa kính máy bay vừa hạ cánh. Cô tiếp viên hàng không cho biết nhiệt độ ngoài trời khoảng ba mươi ba độ C. Cùng châu lục con người và khí hậu xứ này không mấy khác lạ với Chí, chỉ có quang cảnh thành phố, những khối kiến trúc tân kỳ đồ sộ đang thu hút Chí một cách đắm say.
-Sorry madam (xin lỗi cô).
-Yeah okay (vâng không sao) You are... (ông là... ).
-Vâng tôi là người Việt Nam. Tôi tên Hiền.
Người nào đi ra thế giới, đang lạ lẫm mọi điều, tự nhiên gặp được bạn đồng hương không gì vui sướng bằng. Ông Hiền là một doanh nhân ngành xe hơi, sang đây ký hợp đồng nhập một số chủng loại phụ tùng về cung cấp cho thị trường lắp ráp, sửa chữa, bán lẻ... trong nước. Chí mừng thầm bỗng dưng trời cho đại gia va đập vào mình. Ông Hiền mặt vuông mũi khoằm, tính tình rất ga lăng, một con mồi Chí ước mơ đã lâu nay mới gặp, Chí quyết tâm không cho Hiền thoát. Ông ta hướng dẫn Chí tham quan nhiều nơi trong thành phố, chiều chuộng chăm sóc Chí như hoa hậu mới đăng quang. Nhưng tiếc rằng cuộc vui chưa tày gang đã phải chia tay, ông không cùng Chí du hí đến hết hạn visa vì ông phải bay về kịp đón chuyến hàng mới (kỳ thực vợ lệnh triệu về). Ông hẹn hò thề thốt với Chí sẽ thu xếp gặp nhau sớm nhất tại Việt Nam khi công việc tạm ổn. Ông xa rời Chí trong tiếc nuối khôn nguôi.
Chí lại chìm trong cô đơn. Chí sang đây theo đường dây gái gọi quốc tế, vừa sang trọng mà kiếm được nhiều tiền. Chí tiễn ông Hiền, người đồng hương mới quen ra sân bay tìm ngay đến người quản lý mình rồi lao vào guồng máy công nghệ tình dục như thiêu thân. Ai ra nước ngoài kiếm tiền mà không húc đầu như trâu kéo cày để tận thu hồi vốn đã bỏ ra, sau đó mới tính đến lợi lộc phần mình. Đối với Chí một lần ra nước ngoài một lần khó, tiền cò mồi, tiền thủ tục, tiền vé máy bay... Chí phải vay tín dụng đen tất cả. Sau chuyến đi Chí phải trả cả gốc lẫn lãi cho người ta, tính ra lời chút đỉnh nhưng vẫn còn hơn hành nghề trong nước, vì người nước ngoài bình quân thu nhập cao hơn người mình nhiều, ăn chơi cũng không tiếc tiền. Chí suy tính, hành nghề trong nước còn nhiều khoản phải chi không tiện nói ra mà rủi ro luôn rình rập.
Chí đang độ xuân sắc, càng ngày càng mặn mà càng có nhiều khách, tình yêu Chí có hàng đống, từ người bình dân đến hạng quý tộc với Chí có xa lạ gì. Khách đại gia thật, đại gia dỏm cũng có; khách làng chơi cũ nghe Chí ăn nên làm ra tìm đến vì tò mò cũng có; khách “phi công” kiếm mối nữ đại gia cũng có... Chí tiếp tất tần tật, suy tính lại đời không còn gì để mất; giá trị bản thân và tình cảm gia đình là thiêng liêng nhất bị mất ngay những ngày đầu tiên bước vào đời. Chí như con thiêu thân lao vào ngọn lửa tình - tiền. Hạng người nào cũng xuất phát hai chữ con - người; nghĩa con cũng mênh mông, nghĩa người cũng bát ngát. Nghề nghiệp nào xã hội càng không công nhận càng dễ làm ăn. Nhưng khốn nỗi nghề bán chôn người trực tiếp cõng theo một đống người gián tiếp: chủ chứa, cò mồi, phòng nghỉ, bảo kê, tín dụng đen... khi đồng tiền đến tay người lao động như Chí không còn được là bao. Chí có cách lách bọn trung gian gián tiếp Chí làm vợ hờ người ta, làm gái bao là khoẻ hơn cả. Đàn ông bản chất tham lam, nhưng cha nào sức cũng có hạn, cha nào cũng vợ con đùm đề, không cha nào hai tư trên hai tư giờ bám nổi bên Chí. Hơn nữa công nghệ thông tin thời nay phát triển giúp Chí nhạy bén hơn, vắng cha này gọi ngay kẻ khác, qua mặt một lũ đàn ông hám gái một cách ngon lành. Những dịp các cha phải đi công cán, đi du lịch với vợ con, với bồ bịch khác... là Chí dzọt liền. Những chuyến đi nước ngoài trước Chí đều thắng lớn, cứ tiền đô đếm mệt nghỉ.
Chí nhớ lại cuộc tình với chàng Thúc Sinh tàu cá, chưa được bao lâu thì vợ chàng phát hiện. Chị ta tìm được đến nơi trọ của hai người, làm ầm ĩ hàng phố, đầy người bu xem:
-Chồng ơi là chồng! Mày thấy con nào vú to bằng gái này không? Mày không biết điều... đâm đầu vào ngã ba hai chân cọc rào đó à...
Chị ta nắm đầu chồng lôi sềnh sệch về, còn ngoái đầu lại đe doạ không cho chồng giữ một xu, sẽ tạt axít nêu hai người vẫn dính lấy nhau. Chí biết đàn ông không xu dính túi thì làm được cái trò gì, còn tạt axít họ đâu có sợ.
Chỉ có cuộc tình của Chí và quan cấp cục tên Hương là êm chèo mát mái. Quan chàng hào hoa phong nhã, ăn trắng mặc trơn, tiền nhiều như rác. Mỗi lần đi “gặt hái” về (họ dùng từ này thay cho từ công tác) chàng đưa Chí cái cặp nặng đáo để, moi ra hàng tập bao thư tiền đếm không xuể. Rồi chàng mua tặng Chí một căn nhà hai lầu mặt tiền phố lớn. Nhưng cuộc tình cũng chẳng bao lâu vì chàng bỏ rơi Chí theo một chân dài khác non tơ mới vào nghề. Chí cố níu kéo nhưng vô vọng, buồn vì mất cái máy kiếm tiền, nhưng sống trong căn nhà khang trang cũng được an ủi phần nào…
Chuyến đi này của Chí thất bại, nhà chức trách địa phương phát hiện kẽ hở trong khâu quản lý “khu đèn đỏ”, tiền thuế thất thu, bệnh lậu tràn lan... Họ liền mở chiến dịch càn quét, Chí bị dính trong đợt càn, họ phạt tiền và trục suất về nước. Chí vừa về đến nhà, đại gia Hiền đã mò đến liền. Chàng ngồi xe riêng, hiệu Mercedes đen bóng. Chàng bước xuống thềm, cho lái xe quay về ngay không quên rút tiến boa bịt mồm họ để không tâu lại với bà nhà. Có ông Hiền Chí thêm một nguồn thu hoạch lớn. Ông ta không có nhiều thời gian bên Chí, lý do nhà cách xa khoảng năm mươi cây số, bận rộn nhiều đầu mối làm ăn, hơn nữa bị vợ quản lý sát sao. Chí mặc kệ ông ta, càng rảnh thời gian tiếp đãi mối khác, miễn ông ta không keo kiệt tiền bạc với là được. Ông ta không bao giờ có tiền mặt lận lưng, chỉ vác cái xác kềnh càng đến, Chí phải bao hết từ ăn ở, đi lại... Đổi lại thỉnh thoảng những thùng hàng phụ tùng xe hơi ông bớt sén vợ con gửi về cho Chí theo luồng phát chuyển nhanh bưu chính viễn thông. Chí phone cho các xưởng sửa chữa nhỏ hoặc đại lý bán lẻ trong thành phố đến lấy với giá vô tội vạ tùy thích định đoạt không giống ai.
Một đợi trúng mánh, ông Hiền gửi về cho Chí nhiều kiện hàng to nói là rất mắc tiền. Chí gọi mấy số điện thoại mối cũ, khi nói đến chủng loại hàng mới người ta đều từ chối đây đẩy lý do loại hàng mắc tiền ngoài khả năng tiêu thụ của họ. Chí năn nỉ mãi mới có người thương tình cho địa chỉ một hãng đại lý lớn độc quyền. Chí vào google tìm đường đi nhanh nhất biết được hãng buôn này chỉ cách nhà vài cây số. Người đàn bà tiếp Chí trong điện thoại có giọng nói thật nhỏ nhẹ thanh tao. Qua ngoại giao, giá tiền đã chốt, thời gian giao hàng đã chốt, địa chỉ giao hàng cũng chốt, Chí thở phào nhẹ nhõm. Chí nhìn một vòng quanh nhà, hãng buôn này thật lớn, xứng đáng những lời người đời đồn đại.
-Mời em uống nước. Bà chủ hãng nhìn chị một cách ý tứ, tác phong bà thật quý phái lịch lãm. Bà quay sang cô gái có dáng vóc cao thon vừa kiểm xong mấy thùng hàng của Chí đưa tới. Cô xem hàng thấy thế nào?
-Tất cả số lượng, chất lượng giống như chủ hàng đã chào bán, cũng cùng chủng loại trong sổ sách nhà mình thiếu hụt chị ạ.
Một bà cụ trên gác bước xuống, khoan thai ngồi vào salon, bà chủ đon đả:
-Mời má uống nước. Giới thiệu với cô em, đây là má chồng tui. Bà ta nhìn sang chị, mắt đá lông nheo. Thưa má đây là cô bạn của nhà con, nay mang một số hàng lớn đến đó má.
-Gọi nó xuống đây cho má. Cụ oai phong quắc mắt sai kiến cô em.
-Con đây má. Người đàn ông trên lầu đi xuống. Chí há hốc mồm kinh ngạc. Người đó là ông Hiền.
Chí tối tăm mặt mày miệng ú ớ:
-Nhà... anh... hả?... anh biểu năm mươi... cây số...
-...
III.
Trong cuộc bể dâu, con người càng khắc khoải nhớ quê hương bản quán, Chí nghĩ đến đứa con nay đã lớn bằng nào? Người yêu đầu đời đã xây dựng gia đình riêng chưa? Ba má có khoẻ không? Trong thâm tâm Chí đã hết giận ba má, ngược lại càng thương nhớ họ khôn nguôi. Trong tay Chí nhiều thằng đàn ông tiền bạc rủng rỉnh nên họ sinh tật. Chí tha hồ vui chơi vung vít trên những đồng tiền nhớp nhơ đó. Chí sống trong môi trường đầy đủ tiện nghi, đầy đủ vật chất càng nhớ quê hương và những người thân nghèo khó của mình.
Chí gặp Ninh trong đám cưới một khách làng chơi mối ruột đi lấy vợ. Anh to cao và phong trần hơn xưa. Qua anh Chí biết ba má anh đều đã mất, anh chưa lập gia đình và vẫn bám quê hương nghèo khó của mình. Anh khuyên Chí về thăm ba má và quê hương. Chí ừ hử cho qua chuyện, vì đứng trước Ninh cảm thấy không xứng đáng với anh và họ. Anh hứa sẽ đến thăm Chí một ngày gần nhất.
Câu chuyện tình của Chí và ông Hiền kết thúc ngay ngày hôm đó khi bà cụ chỉ mặt ổng:
-Mày là thằng súc sinh không còn tính người. Vợ mày đã tha thứ mong mày tu dưỡng tính tình ai ngờ. Từ rày mày không là con tao nữa!
-Xin má đừng giận ảnh mà mệt đến sức khoẻ má à. Bà chủ hãng đỡ cụ lên lầu, cụ già vừa đi vừa ho sặc sụa. Má cứ để cho hai người tự tính với nhau.
Trong đầu Chí lóe lên một ý định táo bạo, được thể nói luôn:
-Má anh từ, chị ấy đuổi anh rồi, anh về ở luôn với em nha? Ông ta gật đầu tắp lự. Chí nghiêm giọng. Nhưng trước khi đi hai người ký cho xong giấy tờ ly hôn đã.
Cô em gái bỉu môi liếc xéo:
-Sí... ổng quấy rối tình dục người em họ bả, tòa tuyên án hai người bỏ nhau lâu rồi còn gì nữa đâu mà ký với tá?
-Tài sản quý toà chia anh một nửa đâu? Mang đến nhà em nha!
-Chị lên “chùa con chim” mà hỏi. Cô em vừa nói vừa lấy chổi quét nhà quèn quẹt. Một số tiền ổng đi chơi “gà móng đỏ”, một số đánh bạc thua hết trơn hết trọi rồi, nay ổng quay về đây báo hại bả đó. Xin chị rước ảnh đi.
Thế là xong, Chí hết nợ với ông ta, một kẻ bất trị đáng nguyền rủa:
-Chu cha... tui không còn gì để mà nói với ông...
Chí vùng vằng cầm túi đi ra đường vẫy xe ôm về nhà, mặc ông đứng ì một đống…
-Alô... anh Hương hả? Anh đang trên đường đến thăm em hả? Ok. Chàng quan cục đã lâu mới gọi, chắc có việc gì không ổn. Chí không quên gọi phone cắt những chuyến viếng thăm khác rồi vào phòng trang điểm tút lại dung nhan.
Chuông reo, Chí ra mở cửa:
-Chèn đéc ơi, anh nhớ em muốn chết nè! Ông ta đóng kịch điệu đà phát ớn.
-Rồng đến nhà tôm!
-Môi em vẫn ngọt như xưa. Ông ta ôm nghiến lấy Chí hôn.
-Ghét anh ghê... con mén kia đá anh rồi phải hôn?
-Em không đá, con nào đá anh. Ông vuốt tóc, hôn vào gáy Chí. Cưng khoẻ hôn? Nhà này của vợ chồng mình mà. Không con nào đá được anh hết, chỉ có nhóm lợi ích chúng nó hùa nhau đá anh văng mất chức cục trưởng rồi.
-Ủa, mất chức lấy gì sống? Chí đẩy ông ra xa.
-Anh vẫn xử dụng uy danh của mình xoay sang thi công dự án. Ngày xưa anh làm quản lý, ngày nay anh thi công, cũng cùng nhau xơi trên cái bánh em à. Ông cúi sát vào mặt Chí nói nhỏ. Anh cần em giúp, cho anh mượn sổ đỏ nhà thế chấp ngân hàng lấy mấy tỷ làm vốn nha?
-Trời đất, đâu có được. Chí giẫy nảy kháng cự.
-Búp bê của anh! Dự án này những mấy ngàn tỷ, số tiền đó của em nhằm nhò gì, không đủ bôi trơn. Anh ký xong hợp đồng có tiền ứng anh trả em gấp ba lần. Ok? Ông ta vít hôn bịt mồm để Chí không kịp gật hay lắc đầu.
Chí không cần hiểu chi hết, chỉ biết một thời gian ngắn một căn nhà trở thành giá trị ba căn là ok,thời buổi khốn khó này làm ăn bao giờ cho được số tiền khổng lồ đó. Chí như thăng hoa, như bướm bay, như lá cuốn…
IV.
Đời Chí đến hồi hết duyên hay sao, gặp hết xui xẻo này đến xui xẻo khác, mối manh làm ăn cũng thưa thớt dần. Gái bao hết duyên khác nào quan tham Hương mất chức. Trong cuộc sống Chí hiện nay đã vắng những tiếng chuông reo, vắng những lời ca tụng nịnh đầm, vắng những cuộc hẹn hò, vắng những lời thề thốt lâm ly, vắng những món quà đắt tiền, vắng người ra kẻ vào nhộn nhịp sáng bảnh cho đến canh thâu, vắng những tập tiền dày cộm, vắng cả những giận hờn oán trách ghen tuông... Chí đang sống trạng thái cô độc, đơn chiếc như đời bỏ rơi. Nhiều lúc không chịu được phũ phàng cuộc sống Chí muốn quay về lương thiện nhưng vẫn phân vân. Chí làm lại đời mình liệu có nổi không? Ai khen Chí trở về tử tế? Ai hiểu, ai biết cho lòng Chí tan nát như lúc này?
Ninh mỗi ngày mỗi siêng đến chơi nhiều hơn vì anh nói đang theo kiện tụng tại thành phố này các công ty nước ngoài tàn phá môi trường quê anh. Anh khuyên Chí tìm nghề học, có nghề là có việc làm. Chí suy nghĩ không biết anh biết Chí tự dẫn dắt mình đi vào con đường đồi bại sâu quá rồi không? Mỗi lần đến chơi anh ra về là những giờ phút Chí ăn năn vô tận. Chí không xứng với anh với mọi người đã hy vọng. Một ngày nào đó biết Chí chỉ là một cô gái bao tầm thường thì anh có khinh ghét Chí hay không?
-Em còn chê anh nữa không? Một hôm anh mạnh bạo cấm tay Chí hỏi nhỏ.
-Em... không... xứng...
-Chúng mình bỏ qua quá khứ ta làm lại nha?
-...
Nghe theo lời anh, Chí theo lớp học trang điểm, gồm các dịch vụ: cho thuê đồ cưới hỏi, làm đầu, mát sa, làm đẹp, tắm trắng... phục vụ giới nữ. Được một thời gian theo học chín mùi Chí mở cửa tiệm. Không gian mặt tiền nhà đủ trở thành một tiệm làm đẹp có hạng. Tiền dành sắm sanh dụng cụ đồ dung không nhỏ. Tiệm người ta có gì Chí sắm ngay cái đó để cạnh tranh. Chị tuyển dụng nhân viên lựa kỹ từng con người, vóc dáng, tình tình... Ngày khai trương tiệm Ninh mang hoa chúc mừng, anh rất vui vì Chí đã tín nhiệm nghe lời anh, nhưng vẫn xa lánh lời tỏ tình. Anh hơi lo ngại, nếu Chí thành đạt không sao, tiệm bị trục trặc anh là người mang phần trách nhiệm. Anh quảng cáo giới thiệu các bạn nữ dùng thử dịch vụ, cho ý kiến đóng góp để Chí điều chỉnh phù hợp ý thích khách hàng. Anh thấy những ngày đầu tiên làm ăn của tiệm gặp nhiều thuận lợi, khách hàng ra vào tấp nập thật vui.
Ninh khuyên Chí về thăm ba má cho vui, ba má đã già rồi, mong ngóng tin dữ lắm. Nghe anh Chí về thăm quê, ba má gặp khóc lóc thảm thiết, chứng tỏ áp lực xã hội tác dụng lên ba má quá sức chịu đựng, nay được thể bùng lên. Chí thương ba má quá, tuổi già đã lấy đi ở họ nụ cười, sức mòn còn lại không đỡ nổi cái đầu, hai bờ vai họ nhọn hoắt nhô cao. Ánh mắt họ đục mờ không nhận biết rõ mặt ai, chỉ nhận ra người thân quen qua tiếng nói. Chí trách mình bất hiếu, trách mình không hiểu lòng ba má, ai chẳng thương con muốn con hơn người, hơn mình, không may sự thể chớ trêu thâm độc của ông huyện đâu biết mà ngờ. Chí cũng tự tin bước sang làng bên ý định thăm thằng con mình chỉ mới biết mặt nó khi còn đỏ hỏn, đến nay ra sao. Ngoài sức tưởng tượng của Chí, con Chí khổ cực có khác đời Chí là bao, ba tuổi ba nó chết do di chứng chất độc màu da cam, năm tuổi ông nội nó bê bối dính líu vụ đất đại, đồng bọn ăn chia không đồng nên tố cáo lẫn nhau, ông bị tòa tuyên án trên mười năm tù đến nay vẫn chưa được tha. Pháp luật Việt Nam quy định đất đai sở hữu toàn dân nhưng bộ phận không nhỏ cán bộ đã biến nó thành lợi lộc của kẻ cầm bút ký, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân tranh tụng giữa dân nghèo và chính quyền gần bốn thập niên qua. Con Chí sống với bà nội nó, cái ăn bữa được bữa mất, thân thể suy dinh dưỡng con người gầy ốm tong teo. Nó mới nhận biết được mấy mặt chữ đơn giản, vẫn còn chưa biết đánh vần...
Chí xin đón ba má và thằng con tội nghiệp lên thành phố sống với mình. Ông bà cương quyết không đi, nói rằng sống ở quê quen rồi, lên thành phố không bà con thân thích, láng giềng lạ lẫm sống thiếu tình quê hương không chịu được. Ninh khuyên giải thiệt hơn mãi ông bà vẫn không chịu. Chỉ thằng con bà nội nó ưng thuận cho theo Chí ngay. Từ nay gia đình Chí đoàn tụ có mẹ có con, tiếng cười tiếng nói rổn rảng động viên Chí rất nhiều trước những khó khăn thách thức. Ninh thường rủ Chí tham gia tố tụng mang lẽ phải cứu môi trường quê hương và đi làm thiện nguyện nhiều nơi. Chí tự nguyện hết mình, hăng say hòa nhập cộng đồng cùng chia sẻ ngọt bùi vời đồng bào những vùng sâu vùng xa đang gặp thiên tai bão lụt, khó khăn mùa màng thất bát… Chí thấy mình sống có ích hơn. Chí ngày càng cảm thấy trái tim mình nói lời không thể sống thiếu Ninh được.
Thời gian trước Chí nuôi mỗi thân mình, nay cả gia đình lớn trông chờ mình không phải là chuyện nhỏ đối với một phụ nữ yếu đuối. Chí chỉ còn hy vọng số tiền ông Hương đã hứa, tin tưởng ở ông ta, vì ngày trước ông đã hứa tặng ngôi nhà là ông làm tắp lự, không phải mè nheo nhắc nhở. Nhưng mãi chẳng thấy tin tức ông Hương đâu, Chí gọi điện hỏi thăm, lúc ông đang chuẩn bị làm lễ khởi công, lúc ông đang chay đua tiến độ, lúc ông công tác tỉnh ngoài...
Rồi một ngày năm hết tết về, một đoàn cán bộ thành phố đến làm thủ tục bán đấu giá căn nhà để thu hồi nợ sấu cho ngân hàng, lý do tiền gốc Chí đã vay cộng tiền lãi quá mức giá trị ngôi nhà. Ông Hương thì bặt vô âm tín. Chí vừa khóc vừa cười mà không ra tiếng. Chí cùng đứa con co ro trong góc trông thật tội nghiệp, họ biết rằng trời đang sập, đang trút khổ đau xuống cuộc đời họ. Năm hết tết đến rồi mẹ con Chí bị đuổi ra đường, cuối đông rét buốt sức khỏe sẽ ra sao? Ba má ở quê vẫn khổ một nỗi nghèo, nay vì Chí mà cùng đi vào bế tắc, chịu nhục nhã tiếng đời. Lòng Chí tan nát.
Ninh kịp suất hiện trước cửa, khi rõ nguồn cơn anh ôm Chí vỗ về an ủi:
-Anh yêu em... Chuyện gì còn đó, anh sẽ đón ba má và mẹ con em về ở với anh nha.
-...
Có ai ngờ đâu thời gian chưa lâu dòng kênh quê Chí đã thành vũng sâu nước đen, chứa đựng nước, rác thải của mấy chục nhà máy xả ra. Nước đục ngầu, bọt nổi trôi lều bều như nước xà bông, mùi bốc lên nồng nặc hôi thối. Chí lang thang như mộng du trên bờ nước mà nghe tiếng nước kênh chảy réo sôi như than khóc. Cuộc đời của Chí cũng như dòng kênh thân quen với cuộc sống thường ngày chở đầy độc hại của người dân xứ khổ./.