Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.098
123.139.039
 
Bức tranh dang dở
Sâm Thương

 

Không hiểu có mối dây liên hệ vô hình nào mà tôi cứ đinh ninh người nữ bệnh nhân trong câu chuyện của cô bạn bác sĩ của tôi hiện làm việc tại UC.Irvines Healthcare, California đã kể cho tôi nghe cách đây mấy tháng trước và người phụ nữ mà tôi thường gặp mỗi sáng, mỗi chiều đi dạo trong công viên nơi gần chỗ tôi ở chỉ là một người. Tôi cứ thắc mắc nhưng không biết làm sao để hỏi điều đó vì tôi chỉ nhìn thấy, nhưng chưa hề quen biết. Nhiều lần tôi có ý định làm quen với người phụ nữ đó, nhưng tôi lại cảm thấy như mình có phần suồng sã, làm mất đi vẻ trang nghiêm thanh tịnh trên khuôn mặt của bà. Tôi đành âm thầm gạt bỏ ý định của mình và  chỉ đưa mắt nhìn theo dáng đi của bà với  lòng  ngưỡng mộ đặc biệt. Đồng thời, tự hỏi, tôi thực sự không hiểu tại sao tôi lại có thái độ nghịch lý lạ thường như vậy. Có phải nơi bản thân của người phụ nữ đó có một bí ẩn nào đó mà tôi chưa khám phá?

 

 Buổi sáng và buổi chiều vào đúng cái giờ như đã được ấn định.Tôi thường thấy có một người phụ nữ xuất hiện, lững thững bước từ hồ nước rồi theo con đường trong công viên từ phía hồ nước, thong thả đi tới đi lui nhiều vòng, khi đã thấm mệt, bà ngồi nghỉ ở cái ghế nhìn ra mặt hồ, một lúc sau, tôi lại thấy người phụ nữ ấy đi về hướng bãi đất hoang, có những ngôi nhà ở mé bên kia con lộ. Có thể bà ra về sau khi đã hoàn tất buổi tập thể dục.

Ở băng ghế gỗ trong công viên chỗ tôi hay ngồi đọc sách hay vẽ tranh, những lúc người đàn bà theo con đường vòng phải đi ngang qua đó, mắt tôi chợt nhận ra cái vẻ đẹp phúc hậu trên khuôn mặt của bà đã khiến tôi nảy sinh ý định, mượn cây cọ và sơn dầu thể hiện chân dung của người đẹp lên tấm vãi bố.Tôi đã ấp ũ việc làm đó và nhiều ngày sau, một buổi sáng như thường lệ, tôi đã dứt khoát bước ra công viên với cái giá vẽ và lĩnh kĩnh với đống sơn dầu mang theo bên người.

 

Buổi sáng khi mặt trời bắt đầu lên, ánh sáng chan hoà trên những tán lá, trên thảm cỏ màu xanh mơn mởm và mặt nước hồ phẳng lặng.Trong lúc, tôi đang ngồi ở ghế gỗ có lưng tựa, mắt nhìn về hướng con vịt trời đang bay, có những chiếc lá vàng cuối cùng đang thi nhau rơi rụng. Nhưng khi cái bóng người phụ nữ bắt đầu những bước đi thong thả trên con đường ở dảy nhà bên kia con lộ hiện ra .Tôi đã tập trung thị giác nhìn về phía đó và chờ đợi bà đến gần khu công viên. Vẫn như mọi khi, người phụ nữ bắt đầu bằng những bước đi thong thả trên những con đường vòng vòng trãi nhựa phẳng phiu, vừa đi hai tay vừa đong đưa nhịp nhàng, thản nhiên đến độ không cần biết chung quanh có ai đang chú ý đến mình hay không. Mỗi khi bà đi ngang qua chỗ tôi đang hí hoáy vẽ, bước chân bà hình như có chậm lại, mắt khẽ lướt nhìn vào khung tranh, mà cũng không biết bà có để mắt nhìn vào bức tranh tôi đang vẽ hay không nữa, chỉ có vậy thôi rồi bà lặng lẽ tiếp tục đi tới. Mỗi lần người đàn bà đi ngang qua chỗ tôi như thế. Đôi mắt tôi đã nhanh chóng như một chiếc máy ảnh, ghi nhận những nét lung linh trên khuôn mặt của người phụ nữ đó. Tôi đã phóng tay lên khung vãi, vẽ vội vàng tất cả những gì có thể thu nhận được. Một việc làm như thế quả chật vật và khó khăn đối với tôi. Nhưng không có cách nào khác nếu như tôi muốn vẽ bức chân dung người đàn bà đẹp, xa lạ và không quen biết đó, thì chỉ có cách này tôi mới hy vọng thực hiện được bức tranh theo ước muốn của  mình..

 

Nhiểu ngày lặng lẽ và lén lút thu hình, sự nhẫn nại cần cù đã giúp tôi đi đến hoàn chỉnh phần nào bức tranh. Trong căn phòng nhỏ, dưới ánh sáng của ngọn đèn, ngồi trên chiếc ghế da có lưng dựa, buổi tối với cơn mưa nặng hạt rơi lộp độp trên mái. Tôi cảm thấy thích thú với bức chân dung mình đã vẽ được, thấy nó gần như lột tả hết vẻ đẹp khuôn mặt của người đàn bà đi dạo trong công viên. Nhưng sau khi ngắm đi, ngắm lại và phân tích kỹ tôi cảm thấy bức tranh hình như vẫn còn thiếu một cái gì đó, có thể là cái hồn của bức tranh chưa được sống động, cái bản chất thật của người đàn bà hình như chưa bộc lộ hết, nhất là từ trong đôi mắt của bà chưa ánh lên được chiều sâu tâm hồn bà mà tôi muốn diễn tả. Tôi tự hứa bằng mọi cách thế, tôi phải hoàn tất cái phần thiếu sót đó trên tác phẩm của tôi. Nhưng tôi không coi đó là một  nghĩa vụ, mà hình như là một món nợ thiêng liêng đối với bản thân tôi. Đó chính là niềm hạnh phúc đang náu ẩn trong trái tim tôi, niềm bí ẩn riêng tư nhưng xa lạ của tôi đối với người đàn bà tôi đang phác họa, trong sâu xa, cái tình cảm tôi dành cho bà khi lần đầu tiên tôi bắt gặp ánh mắt của bà nhìn tôi, một tình cảm đặc biệt, vừa như có vẻ gần gũi, vừa cách biệt và xa lạ mà tôi không thể giải thích hay diễn tả được cái tình cảm nghịch lý đó. Nhưng tôi chưa biết làm cách nào để hoàn thành bức tranh của tôi, điều đó đã thúc bách và làm tôi ray rứt ngay cả trong giấc ngủ của tôi. Tôi tưởng chừng đã đi qua biết bao nhiêu chặng đường, qua bao nhiêu ngõ ngách kiếm tìm mà không với tới được.

 

Bẵng đi cả tuần lễ, tôi không gặp lại người đàn bà đi dạo trong công viên. Tôi lo sợ đến gần như hốt hoảng mà không hiểu lý do tại sao? Có thể nào vì bà đã khám phá ra tôi đã lén lút vẽ chân dung bà và đối với bà, hành động đó là một sự xúc phạm không thể tha thứ được hay vì một lý do nào khác? Trong tận cùng của trái tim tôi, chính là nỗi lo sợ người đàn bà không còn muốn gặp lại tôi nữa và tôi không thể hoàn thành bức chân dung của bà như tôi mong muốn. Cả trăm nghìn lý do thắc mắc trong lòng tôi về người phụ nữ đó, mà không tìm đâu ra  lời giải đáp hợp lý.

 Một buổi tối, tôi đến dự một buổi tiệc do lời mời của một người bạn. Buổi tiệc mừng năm mươi năm thành hôn của đôi vợ chồng già. Khách là những người thân quen đến họp mặt góp vui và để được dịp ngồi hàn huyên chuyện gẫu.Cũng chỉ chừng mấy chục người ngồi đủ năm cái bàn tròn.

Ngồi với mấy người bạn, kẻ viết văn, người làm thơ, có mấy ông bác sĩ, và vài ba ông là họa sĩ, cạnh tôi, duy còn một ghế bỏ trống chưa có người ngồi. Rồi cái ghế trống đó, chỉ một lát sau, khách là một phụ nữ đã có mặt. Khi đến, bà đưa mắt nhìn hết mọi người, đầu khẽ gật, môi nỡ một nụ cười, miệng nói nhỏ nhẹ, bà tạ lỗi việc đến hơi trễ với lý do đường kẹt xe.

Từ lúc cái ghế bên cạnh mình có người đàn bà ngồi. Tôi có cảm giác người phụ nữ đó có  khuôn mặt quen quen tôi tưởng như đã nhiều lần gặp mặt. Dù cố nhớ, tôi vẫn không nhớ ra. Tôi cứ thẫn thờ nghĩ ngợi, quên cả nghe người bạn đang nói chuyện về vấn đề hội hoạ, một vấn đề mà tôi rất quan tâm như đã có lần tôi đã trả lời phỏng vấn trên tờ Văn Học, một tờ tạp chí do người bạn của tôi, anh Nguyễn Mộg Giác chủ trương.

Trước khi chính thức nhập tiệc, chủ nhân đãi bữa ăn tối theo thủ tục đi chào khách, giới thiệu từng người. Tôi mới được biết người đàn bà đó tên là Linda Nguyễn. Tôi gọi thầm tên Linda  Nguyễn như để ghi nhớ vào đầu vì sợ sẽ lại quên. Nhưng trong phút chốc rà soát, xét lại ký ức, tôi cảm thấy tôi chưa từng quen biết một phụ nữ xinh đẹp nào có tên Linda Nguyễn. Có thể tôi đã nhầm lẩn với ai đó, do tôi đã già đi mà tôi không biết.

Đĩa thức ăn đầu tiên đã được phục vụ đưa lên bàn. Thấy mọi người đã mời nhau cầm đũa. Nhưng riêng tôi vẫn ngồi thẫn thờ, nhìn đâu đâu, bà Linda Nguyễn lịch sự quay sang tôi:

-Xin phép, mời anh dùng..

Tôi như người mơ ngủ, được đánh thức dậy

Tôi vội đáp:

-Vâng! Cám ơn chị. Xin để  tôi tiếp chị.

 Tôi cầm cái muỗng xúc món ăn xong, bỏ vào cái dĩa của người phụ nữ tên Linda Nguyễn.Thấy tôi tính lấy thêm, bà Linda Nguyễn lên tiếng cản:

-Thế này đủ rồi.Anh đừng cho tôi nữa. Món này nhiều mỡ, tôi không thích lắm đâu.

Tôi lại đưa tay cầm cái ly thuỷ tinh và  chai rượu chát.Vừa rót vừa gợi chuyện để nói với người đàn bà.

-Từ lúc chị đến, tôi cứ nghĩ mãi mà không nhớ ra, hình như tôi đã gặp chị nhiều lần ở đâu đó rồi. Nếu không phải là chị thì cái người tôi đã gặp đó, nom giống hệt như chị vậy

Bà Linda Nguyễn cười:

-Giống hệt thì có giống đấy.Tôi nghĩ có lẽ không ở đâu khác ngoài cái công viên chỗ anh thường ngồi đọc sách hay đứng vẽ tranh. Hay xa hơn, trong một đêm văn nghệ ở trường Đại học Văn Khoa Sàigòn, ngay tại hậu trường sân khấu , anh cùng các bạn chuẩn bị diễn vở Dưới ánh trăng thề, thì tôi và Ngọc Chi cùng có mặt ở đó... Anh có còn nhớ Ngọc Chi, năm thứ hai Văn chương Pháp niên khoá 1965-1966?

Tôi sững sốt nhìn Linda Nguyễn:

-Ai chứ  Ngọc Chi, Văn chương Pháp thì tôi nhớ, thậm chí nhớ rất rõ, vì Ngọc Chi là em ruột của bạn tôi. Không biết Ngọc Chi có còn ở Việt Nam, ở  Mỹ hay ở  đâu khác?

- Ngọc Chi sau 1975 cùng gia đình qua Pháp, cô đi học tiếp và đã tốt nghiệp Doctorat de Literature Francaise, hiện dạy tại Sorbonne, Paris.

Tự nhiên như chợt nhớ ra, tôi mỉm cười nhìn thẳng vào đôi mắt của người phụ  nữ tôi đã một thời quen biết;

-A, Xin lỗi chị. Tôi nhớ ra rồi. Chị chính là Ái Châu, cùng học Văn chương Pháp với  Ngọc Chi. Và như thế, người đàn bà thường mỗi sáng hay đi dạo trong công viên đó lại chính là chị. Thảo nào trông chị và người đàn bà đó có khuôn mặt giống nhau như hệt. Có điều…        

Người phụ nữ gật đầu nhìn tôi, tiếp lời tôi:

-Đúng rồi, tôi chính là Ái Châu. Có điều bữa nay tôi trang điểm và ăn mặc sang trọng nên nom có khác…

-Tôi có thể nói mà không chút khách sáo là nhan sắc ở tuổi này của chị vẫn còn đẹp lắm. Huống gì, hồi còn học ở Văn Khoa thì chị còn đẹp biết bao. Chính tôi cũng không thể không ngưỡng mộ sắc đẹp của chị.

-Anh lại quá khen tôi rồi .

Tôi lắc đầu:

-Tôi nghĩ chị không cần phải khiêm tốn! Tôi thực lòng với lời khen của tôi, hoàn toàn đúng với cặp mắt nhận xét của tôi.

-Tôi cũng thành thật nói với anh, tôi mới chính là người phải ngưỡng mộ anh. Anh biết không? Cho đến nay, tôi vẫn đọc những tác phẩm mới của anh, hình như tôi không bỏ sót cuốn nào. Có cuốn tôi phải gửi người mua từ bên nhà mang sang.

Tôi lắc đầu:

- Cám ơn chị đã quan tâm đến những tác phẩm của tôi!. À, thưa chị còn anh bận sao không thấy đến?

-Nhà tôi đã mất trong những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam. Số phận đã đặt định cho chúng tôi như vậy không thể hoán đổi được.

-Xin lỗi chị!

Tôi nhăn mặt nhìn vào khoảng không, tránh đi tiếng thở dài buộc ra khỏi miêng. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt của Ái Châu nói:

-Không biết Ái Châu có còn nhớ không? Hồi năm 1967, tình cờ tôi được quen biết với Ái Châu lần đầu tiên trên đồi Cù, Đà Lạt. Tôi vẫn không quên kỷ niệm về những tháng ngày đó. Bẵng đi một thời  gian, cuối năm 1970, tôi được biết Ái Châu lên máy bay đi theo chồng, làm công tác ngoại giao ở Itali, tôi có nhận được thư từ biệt của Ái Châu do Ngọc Chi báo cho biết, dù bận công việc nhà, giỗ cụ thân sinh tôi, mà tôi là con trai đầu, tôi đã vội vã bay vào Sàigòn. Khi đến nhà Ái Châu ở Tân Định  thì cậu em trai của Ái Châu cho tôi biết Ái Châu vừa ra phi trường. Tôi tức tốc quay xe thẳng ra phi trường, hy vọng còn kịp nói lời từ biệt, nhưng không biết Ái Châu có nhìn thấy tôi không? Vừa đến, tôi chỉ còn kịp thấy Ái Châu vừa đưa tay vẫy chào rồi bước vào máy bay trước khi cất cánh. Và tôi chỉ còn biết đưa mắt nhìn theo máy bay của Ái Châu bay đi, không giấu chi Ái Châu mà lòng tôi đầy đau xót…

Có lẽ bà Linda Nguyễn không muốn đi sâu vào những kỷ niệm mà hình như bà không muốn nhắc tới. Bà nhìn tôi hỏi:

-Bức tranh anh vẽ ở công viên, anh vẽ tranh phong cảnh đấy phải không?

-Không, phong cảnh ở cái công viên đó có gì đâu mà vẽ. Tôi vẽ chân dung một người phụ nữ.

-Vẽ chân dung mà không có người mẫu

-Có người mẫu đấy chứ. Chị cứ thử đoán người mẫu đó là ai?

-Đoán thế nào được. Mắt tôi chỉ thấy ngoài anh đâu có ai khác

-Ngoài chị ra, cũng nào còn ai khác. Chị có tin là tôi vẽ chị không? Khuôn mặt nhất là đôi mắt của chị có một cái gì đó thật thầm lặng, thật cuốn hút mà tôi không thể giải thích được, nó lung linh như muốn thoát ra khỏi hiện tại, nhưng đến một lằn mức nào đó thì nó như muốn chìm đắm trong quá khứ.Tôi thú thật, chính vì say mê vẻ đẹp của chị mà tôi nảy ý định vẽ chân dung lấy mẫu từ chị.

Bà Linda Nguyễn bật cười:

-Vẽ tôi. Vẽ tôi làm gì? Với bộ mặt nhếch nhác, đôi má khô, da không phấn son. Anh vẽ tôi như thế bức tranh sẽ nhem nhuốc khó coi lắm.

Tôi nhìn thẳng vào ánh mắt của người đàn bà, không chút ngại ngùng:

- Dù tôi không phải là thiên tài, nhưng bức chân dung của chị không thể nói là xấu được. Bức chân dung tôi đã vẽ chị gần như xong rồi. Chị muốn tôi giữ nó hay trao tặng chị?

-Dĩ  nhiên tôi muốn anh cho phép tôi nhận lại. Tôi thú thật không muốn bức chân dung  của tôi lại được anh giữ và treo trong phòng riêng của anh bao giờ, dù anh có quý nó đến đâu chăng nữa. Nói như vậy không có nghĩa tôi không coi trọng anh.

Nói xong, bà Linda Nguyễn ngước lên chờ đợi ý kiến của tôi:

-Vậy chị có thể cho tôi biết địa chỉ nhà chị để tôi mang đến tặng chị.

Bà Ái Châu lắc đầu nhìn tôi:

-Không dám làm phiền anh. Sáng mai, vẫn ở công viên, nơi anh vẫn thường vẽ, tôi xin phép đến để nhận lại bức tranh.

                                        ***

Đêm đó trở về trong căn  phòng nhỏ, dưới ánh sáng của ngọn đèn vàng nhạt. Tôi ngồi lặng lẽ nhìn vào bức chân dung của bà Ái Châu hay Linda Nguyễn. Tôi cảm thấy bức tranh của mình vẫn chưa thực sự hoàn tất, vẫn thiếu một cái gì đó rất quan trọng, mà đến giây phút đó tôi vẫn chưa tìm ra.. Tôi thật sự không muốn tặng bức tranh của tôi trong tình trạng dở dang như thế này, nhưng tôi đã hứa sáng mai sẽ mang đến tặng thì không thể làm khác. Tôi đặt bức tranh lên khung vãi, bày cọ và đống sơn dầu lên bàn với quyết tâm hoàn thành bức tranh. Đôi mắt của bà Ái Châu hiện ra trước mắt tôi long lanh, sinh động như những ngày tôi bắt gặp cô ngồi một mình ở giảng đường Đại học Văn khoa khi tôi tình cờ bước vào. Nhưng tôi đã không thể tiếp tục, vì cảm thấy đầu óc mình mụ mẫn, không vẽ thêm được nét nào vào bức tranh, tôi đành trả đống sơn  dầu lại vị trí cũ và quyết định bước ra khỏi nhà với  tác phẩm còn dang dở.

Đêm đã qua đi, ánh sáng của một ngày mới bắt đầu. Nhớ lời bà Linda Nguyễn, tôi rời nhà ra công viên với bức chân dung mang theo. Ngồi ở chiếc ghế gỗ có lưng tựa, dựng bức tranh ở bên cạnh chỗ ngồi của mình trong lúc chờ đợi bà Linda Nguyễn đến công viên đi thả bộ như mọi bữa. Tôi đưa mắt nhìn cảnh vật chung quanh. Những con vịt trời hình như còn sớm nên chưa thấy chúng bơi lội và đùa giỡn bên nhau. Hồ nước phẳng lặng như một chiếc gương soi. Bầu trời mùa Thu trong xanh.Bất chợt, tôi ngạc nhiên khi nghe tiếng đập cánh cùng với tiếng kêu gọi đàn của chim bìm bịp (Centropus sinensis). Tiếng kêu của loài chim mà tôi không bao giờ tôi lẩn lộn với loài chim nào khác,vì ngày còn thơ ấu, ở Huế vào mỗi buổi chiều tôi vẫn  nghe tiếng loài chim này đập cánh sau khu vườn cũ của nhà tôi mà sau bao nhiêu năm tôi được nghe lại từ trong bụi cây phía trước hồ vẵng lại.

Lẽ ra, giờ này bà  Linda Nguyễn phải có mặt ở đây rồi mới phải. Đồng hồ đã ở con số 10 như vậy là trễ đúng một giờ, không lẽ bà Linda Nguyễn vì ngại gặp tôi mà bà không đến? Tôi vừa tự hỏi mình.            

Đồng hồ đã chỉ đến số 11, tôi bắt đầu thấy hết kiên nhẫn để ngồi chờ..Tôi quyết định đứng dậy để về nhà.Chợt đưa mắt nhìn về phía cuối vườn, từ bên kia dãy phố,tôi thấy bóng một người đang hấp tấp đi tới. Nhưng người đó không phải bà  Linda Nguyễn. Đó là khuôn mặt của một cô gái trẻ có đôi mắt giống bà Linda Nguyễn. Cô ta đến trước mặt tôi, tự giới thiệu là con của bà Linda Nguyễn và lễ phép nói:

-Thưa ông, mẹ cháu bảo cháu ra gặp ông để xin ông bức tranh ông đã vẽ.

Tôi đưa mắt nhìn cô gái như muốn hỏi tại sao bà Linda Nguyễn không đến:

Cô gái đáp vội vàng:

-Mẹ cháu đã được đưa vào bệnh viện hồi khuya, vì bị chấn thương ở mắt..

Tôi nhìn cô gái phân trần:

-Nếu vậy, cho phép để hôm khác tôi trao bức tranh, vì tự nhiên tôi thấy thiếu một cái gì đó, tôi cần bỗ sung.

Cô gái ngước lên nhìn tôi gật đầu:

-Ông có thể sửa chữa như ông muốn, khi nào xong ông có thể trao lại cho cháu.

Nói xong câu, cô quay người bước đi về hướng bãi đất hoang bên kia lộ.

                                             ***

Vừa bước vào nhà, nghe tiếng chuông điện thoại reo, tôi hấp tấp bước nhanh tới, cầm lấy điện thoại:

-Alo! Anh đó há? Hồi chiều tôi có gọi cho anh, nhưng có lẽ anh bận đi đâu chưa về.

-Alo! Tôi nghe đây Jennifer Chowdury.

-Người phụ nữ mà tôi có kể trong câu chuyện ở bệnh viện của tôi hôm trước, lần nầy.đã được chuyển tới bệnh viện tôi cách đây ba hôm, sau khi khám xong, tôi đã cho chuyển vào phòng đặc biệt, anh có muốn đến thăm bà ấy không?

-Chủ nhật, khoảng 16:30h tôi sẽ đến, có gì trở ngại không?

-Tôi nghe nói anh đã vẽ chân dung người đàn bà đó? Tôi tò mò muốn xem chân dung anh vẽ ra sao?

-Tôi đã vẽ, nhưng vẫn chưa thể gọi là xong.

-Anh nói có vẽ khó hiểu?

Tôi cố gắng giải thích:

- Bức tranh vẫn còn thiếu một cái gì đó, mà tôi cảm thấy cần phải bỗ sung.

- Chúc anh sớm hoàn tất tác phẩm nghệ thuật của mình. Xin phép, chào anh.

                                                  ***

Khi vừa từ bệnh viện về thì đêm đã khuya, tôi quay lại nói với hai đứa con gái tôi.

-Thôi đi ngủ đi các con, gió lạnh quá, vào ba sẽ kể chuyện đời xưa cho các con nghe. Hai đứa nhỏ chỉ chờ có vậy, chúng chạy ùa vào giường giành chỗ nằm gần ba, Phương Thư, con gái lớn của tôi bao giờ cũng nhường chỗ cho em nằm sát vách. Ở phòng bên, vợ tôi ù ơ hát khe khẽ

Tôi hắng giọng, bắt đầu kể:

Trong một bệnh viện nọ có hai bệnh nhân bị ốm nặng, do một tình cờ trùng hợp  sau khi được chẩn bệnh, họ được chuyển đến một phòng bệnh người trước kẻ sau được xếp chung trong một phòng.

Phương Thi lên tiếng hỏi:

-Đó là chuyện đời xưa hả ba? Sao con nghe không giống chuyện đời xưa

-Thi đừng lên tiếng làm ba cụt hứng, không kể nữa ráng chịu. à nghen

-Phải đó, Thi đừng ngắt lời ba, tôi tiếp lời:

Người phụ nữ vào trước được đặt trên chiếc giường ở sát khung cửa sổ duy nhất của căn phòng, bà ta theo như lời bác sĩ được phép ngồi dậy một giờ đồng hồ mỗi ngày. Bệnh nhân nữ thứ hai vào sau được đặt ở gần đấy ở giường ngoài, kế bên người bệnh kia, người này phải nằm một chỗ, không được xê dịch. Những ngày đầu họ làm quen với nhau bằng cách kể cho nhau nghe chuyện chồng con, gia đình, nghề nghiệp và những khó khăn trong cuộc sống mà họ gặp phải,

Mỗi buổi chiều, khi người phụ nữ ở chiếc giường gần cửa sổ được phép ngồi dậy, chị ấy ngồi đó, mắt hướng ra ngoài cửa sổ và kể cho người bạn cùng phòng về cuộc sống đang diễn ra bên ngoài ô cửa nhỏ. Người này kể, người kia nhắm mắt tưởng tượng. Cứ thế họ cùng tìm thấy niềm vui nho nhỏ mỗi ngày.
Đó cũng là khoảng thời gian hạnh phúc mà người phụ nữ ở chiếc giường bên kia được hưởng, thế giới được mở ra sống động với chị: “Ô cửa sổ nhìn ra một công viên bên một dòng sông thơ mộng. Nơi có những chú vịt, chú thiên nga đang nhẹ nhàng lướt mình trên mặt nước, nơi có những em bé đang nô đùa rộn rã tiếng cười, nơi mà các cặp tình nhân tay trong tay, ngập tràn hạnh phúc. Ở nơi đó, muôn hoa rực rỡ sắc màu và còn thấy được cả đường chân trời ửng đỏ trước cảnh hoàng hôn…”
 Ngày lại ngày qua đi.câu chuyện của người bệnh bên kia, vẫn tiếp tục mở ra một thế giới quen thuộc nhưng sinh động, càng cuốn hút…

Một buổi sáng, y tá mang nước rửa mặt đến cho hai bệnh nhân. Và thật buồn cô phát hiện ra người phía trên chiếc giường gần cửa sổ đã chết. Bà ra đi, một cách nhẹ nhàng và bình yên trong giấc ngủ của mình.
 Vô cùng đau buồn, cô y tá thông báo nhân viên phụ trách đến mang xác bà đi. Một không khí nặng nề bao trùm căn phòng. Sau đó, người phụ nữ còn lại ngỏ ý muốn được lại gần cửa sổ. Cô y tá liền kéo chiếc giường của chị sát lại bên cửa sổ. Sau khi chắc chắn chị đã thoải mái, cô để chị lại một mình.
  Một cách chậm chạp và khó khăn, chị tự mình di chuyển bằng khuỷu tay, đến sát bên cửa sổ, nhướn người để nhìn ra bên ngoài cửa sổ, nơi mà  bà Linda Nguyễn kể cho  chị nghe bao nhiêu chuyện. Nhưng thật bất ngờ! Tất cả những gì mà chị có thể nhìn được qua ô cửa sổ chỉ là một bức tường trống trơn!
  Khi y tá quay lại, chị hỏi thăm cô về người bạn gái cùng phòng, người vẫn hằng ngày mở ra một thế giới tươi đẹp và nên thơ cho chị qua những lời kể.
 Cô y tá cho biết bà Linda Nguyễn hiện đang sống với một người con gái trẻ, không có ai khác ngoài cô gái.Nghe xong, chị đã lặng đi, một sự xúc động khôn tả dấy lên trong lòng.

-Đó đâu phải chuyện cổ tích đâu ba, con nghe buồn không chịu được.

Tôi nhìn Phương Thi, cố ý trêu:

-Con mà cũng biết buồn nữa hả? Thế chuyện gì mới là chuyện cổ tích đây con gái? Con kể cho ba nghe thử coi.

-Con đâu có biết chuyện gì đâu mà kể.

-Vậy Thi đừng có ngắt lời ba, ba không kể nữa đâu. Đúng như vậy, phải  không ba?

 Tôi nhìn hai đứa con, trong lòng chợt nghĩ đến cuộc sống bấp bênh, cuộc đời có đó, rồi tan biến vào hư không, hiện diện đó rồi hủy diệt đó, không có gì vĩnh cửu …Tôi đưa tay ôm chặt lấy hai đứa con vào lòng như sợ chúng tan biến vào hư không. Bỗng nhiên tôi oà khóc nức nở không cách gì kiềm chế được…

Phương Thư chồm tới trước mặt tôi ngạc nhiên:

-Sao ba khóc? Ba đừng khóc nghe ba, con thương ba lắm!

Phương Thi cũng ôm choàng lấy mặt tôi, nói trong uất nghẹn

-Con hiểu ba lo lắng chuyện gì mà ba. Con sẽ không làm ba lo lắng chuyện tương lai của con đâu ba.

Nghe con nói, tôi nhìn con mà mặt méo xệu, tôi cố gắng cười để chúng quên đi nỗi lo lắng hư vô đang choáng ngợp trong lòng tôi.

Tôi kể lễ với con::

-Hôm nay ba đã đến bệnh viện UC Irvines Healthcare, California thăm một người quen, như các con biết, tên bà là  Linda Nguyễn, người phụ nữ vừa mất sáng nay, và cũng là người phụ nữ trong câu  chuyện ba vừa kể cho các con nghe, cũng là người mẫu bức chân dung mà ba vẽ  chưa kịp hoàn thành. Nhưng kể từ đêm nay, ba đã có thể tìm ra những khuyết điểm để  bức tranh có được cái thần sắc cần thiết. Đó chính là cái tình người, cái tương lai tươi sáng mà bà đã vẽ ra từ tấm lòng nhân ái của bà, để hiến tặng cho người bệnh nhân cùng phòng trước khi chết. Điều đó, không chỉ làm nhan sắc bà còn đẹp hơn bởi tâm hồn tuyệt vời của bà./.

 

2.6.2016

 

 

 

 

 

 

 

 

Sâm Thương
Số lần đọc: 2051
Ngày đăng: 23.12.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rừng động - Lương Hoàng Hạc
Nụ cười xứ Nẫu - Phan Trang Hy
Những mảnh ghép bình yên... - Nguyễn Văn Thượng
Dòng kênh khóc - Mã Lam
Dòng sông đêm - Võ Công Liêm
Đàn cò trắng bay qua miền ký ức... - Nguyễn Văn Thượng
Trà Sư, thánh địa của loài chim. - Elena Pucillo Truong
Biển cà phê một mình? - Nguyễn Văn Thượng
Ai đã qua đời ta, ai tặng ta với nụ cười... - Nguyễn Văn Thượng
Cái miệng và nồi cơm - Trần Văn Bạn
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)