Bờ biển Khánh Hòa trải dài từ huyện Cam ranh đến huyện Van Ninh. Không phải đến bây giờ người ta mới nhận ra Nha Trang là Vịnh đẹp thứ 29 trên thế giới. Cam Ranh là vịnh biển hiểm trở có tính chiến lược quân sự số 1 trên toàn cầu v.v…Mà từ xưa, hàng trăm năm trước các vua nhà Nguyễn đã thấy được tầm quan trọng của biển đảo nên đã cho dựng bia chủ quyền ở các đảo xa xôi như Hoàng Sa và thành lập các đội luôn ra khai thác và thăm dò đảo. Từ thời đầu nhà Nguyễn, tỉnh thành Khánh Hòa đóng ở Diên Khánh. Sau 1886 cơ quan lãnh đạo Pháp gồm Chánh sứ, Phó sứ và Giám binh mới đóng ở Nha Trang. Sau ngày 9 tháng 3 năm 1945 chính quyền tỉnh (thuộc Nam triều) mới chính thức dời từ Thành Diên Khánh xuống Nha Trang. Thời kỳ ấy, tuy tỉnh thành không đóng ở vùng biển nhưng nhà Nguyễn đặc biệt chú trọng miền biển. Chẳng hạn như vùng biển từ Cầu Đá Vĩnh Nguyên đến Vĩnh Lương, chính quyền nhà Nguyễn lập hai đồn binh trấn giữ ngăn giặc cướp biển từ ngoài vào. Một là Cửa tấn nhỏ Cù Huân nằm về phía Cầu Đá có các đảo Bồng Nguyên, Ba Lai và nhiều đảo nhỏ vây quanh. Gần đó có thôn Trường Tây, Trường Đông và núi Cảnh Long. Hai là Cửa tấn lớn Cù Huân nằm ở Bãi Tiên, phía bắc có núi đá, phía nam có bãi cát dài, phía đông có Hòn Đỏ. Còn Bến Cù Huân là vùng Tháp Bà, cầu Xóm Bóng ngày nay. Nó là một trong hàng trăm, hàng ngàn của sông cửa biển khác. Thế nhưng nó có một vị trí đặc biệt. Nơi ấy có tháp Bà thờ Thiên Y A Na. Năm 1850 vua Tự Đức cho ghi vào sổ là hàng năm các quan đầu tỉnh phải thân hành đến tế giỗ Đức Bà Thiên Y A Na. Đây còn nơi nghỉ chân của trục đường thủy đi từ Huế vào Gia Định. Phan Thanh Giản( 1796 - 1867) người đầu tiên của Nam Bộ đỗ Tiến sĩ, làm quan đại thần, giữ nhiều trọng trách liên quan đến vận mệnh của đất nước có lần cũng dừng chân tại bến Cù Huân này. Nghe dân địa phương kể về sự tích của bà Thiên Y A Na, cụ đã chép lại thành một bài ký và được Bố Chánh sứ tỉnh Khánh Hòa là Nguyễn Quýnh khắc bia dựng phía sau tháp, đến nay tấm bia ấy vẫn còn.
Năm 1836 Trương Đăng Quế( 1793- 1865) đỗ Hương Tiến, học vị cao nhất thời Gia Long, làm quan đại thần, được vua Minh Mạng cử đi kinh lược sáu tỉnh Nam kỳ để lo chấn chỉnh bộ máy chính quyền và ổn định đời sống cho nhân dân sau biến cố Lê Văn Khôi. Trên đường từ kinh thành Huế vào Gia Định, Trương Đăng Quế cũng nghỉ chân tại Bến Cù Huân. Tức cảnh sinh tình, tác giả đã sáng tác bài thơ “Cù Huân vãn bạc” in trong tập Học Văn dư tập(hay Trương Quảng Khê tiên sinh tập) do Mặc Vân sào ấn bản năm Tự Đức thứ 10(1857) :
Cù Huân vãn bạc
Dương phàm nhất lộ quá kỳ xuyên
Trực sứ Cù Huân tiểu nghỉ thuyền
Trấn lãng hải trung tam đảo thạch
Kiết mao sơn hạ kỷ thôn yên
Dinh sanh tác nghiệp kiêm tiều điếu
Kháo thủy y sa liệt thị triền
Mãi đắc tân phôi hô chúng ẩm
Đào nhiên cọng túy tịch dương tiền.
Dịch thơ:
Chiều ghé bến Cù Huân
Buồm giong sông vượt khúc quanh queo
Thẳng bến Cù Huân, gác mái chèo
Đảo đá ba chòm xua sóng vỗ
Khói tranh mấy xóm mé non treo.
Giăng câu hái củi nghề quen nếp,
Dựa cát nương triều chợ quán theo.
Rượu tốt mua về vầy bạn nhắm
Vui say cùng nắng nhạt xiêu xiêu.
(Trương Quang Gia dịch)
Văn học cổ hay viết về bãi, bến, đò sông với cảnh ban đêm và cảm xúc thường buồn hiu hắt như: “Trăng tà tiếng quạ kêu sương/ Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ/ Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”( Trương Kế - Đêm ở bến Phong Kiều) hay “ Bến Tầm Dương canh khua đưa khách…”( Tỳ Bà hành – Bạch Cư Dị). Trương Đăng Quế cũng viết cùng một đề tài bến sông( Chiều trên bến Cù Huân) nhưng cảnh vật thiên nhiên và cảm xúc của con người trong bài thơ không buồn bã mà rất tươi vui sống động. Ở bài thơ, tác giả cho biết để vào bến, thuyền phải vượt qua khúc sông quanh queo(kỳ xuyên) thì mới tới bến Cù Huân. Trong bến có ba hòn đảo đá ngăn chặn sóng biển. Xa xa ở các triền bờ núi là ít ngôi nhà tranh, khói bếp cơm chiều lan tỏa giăng giăng(kiết mao sơn hạ kỉ thôn yên). Dân chúng ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề hái củi và đánh bắt cá( Dinh sanh tác nghiệp kiêm tiều điếu). Đặc biệt tác giả còn cho thấy chạy dọc theo mép nước bờ sông là một cái chợ gồm những hàng quán nhỏ bày bán những đồ lặt vặt( Kháo thủy y sa liệt thị triền). Tác giả cũng ghé vào đây mua ít rượu ngon cùng với đoàn uống để vui với cảnh chiều tà trên bến sông này (Mãi đắc tân phôi hô chúng ẩm/ Đào nhiên cọng túy tịch dương tiền).
Ngày nay hàng ngày chúng ta đi qua lại cầu Xóm Bóng nhưng ít có ai biết nơi này ngày xưa là một cái bến cũng khá nổi tiếng mà các quan đại thần đi công tác từ Huế vào trong Nam hay ghé. Một cái bến sông có cảnh quan xinh đẹp và đời sống của cư dân tại đây tương đối ổn định./.