David Denby – The New Yorker 28/12/16
Hiếu Tân dịch 03/01/17
Lần lữa trì hoãn tới năm mươi năm để đọc lại Dickens là quá dài. Tôi đã đọc, đã yêu ông hồi đại học – “Thời kì khắc nghiệt”, và “Ngôi nhà hoang lạnh” và “Những người bạn chung”là những cuốn say mê nhất trong những năm sáu mươi, và sau đó, riêng mình tôi, ngay sau đại học, tôi đọc “David Copperfield” và “Martin Chuzzlewit,” với những ấn tượng vui nhộn của báo-và-ống nhổ tràn ngập nước Mỹ những năm một tám bốn mươi. Tôi biết vài ba cuốn tiểu thuyết khác vì chúng được đọc cho tôi nghe, sau bữa trưa, năm lớp bảy, trong trường tư New York tôi học hồi đó. Bạn có thể gục đầu lên bàn mà ngủ, mà không ai làm phiền bạn. Những người còn lại thì nghe. Giáo viên chủ nhiệm của chúng tôi, một phụ nữ mặt tàn nhang tóc trắng tên là Ruth K. Landis, đọc lúc đầu “Oliver Twist” sau đến “Những kì vọng lớn lao” bằng một giọng đều đều êm ái. Đến cao trào cảm xúc, giọng cô Landis gần như phát khóc, nhưng không ai chế nhạo cô. Đấy là một cách hào hứng mở đầu một ngày học. Tôi nhắc đến tất cả những chuyện này bởi vì việc tôi làm quen với Dickens ít nhiều tiêu biểu cho những gì mà các cậu trai cô gái “con nhà” mê văn chương hồi ấy lấy làm khoái trá.
Dù sao thì giữa lứa tuổi hai mươi tôi đã bỏ Dickens để vồ lấy Henry James, tác giả đời hơn, rối rắm hơn nhiều, và cảm giác về cái ác ở ông ít tuồng, ít sến hơn, (mặc dù ờ James luôn luôn có một kẻ nào đó lăm lăm muốn kiểm soát linh hồn bạn hay túi tiền của bạn, hay cả hai). James bỏ New York và Boston lại phía sau và thẳng tiến London và Rye; xã hội văn minh Mỹ không đủ phức tạp cho ông, nhưng ông quan tâm nhiều đến những người Mỹ với tư cách cá nhân. Dickens không viết gì có ý nghĩa với tôi và các bạn tôi như “Chân dung một thiếu phụ” [của Henry James] với nhân vật nữ chính, Isabel Archer, kiêu sa, tự phụ, đầy tham vọng và quý phái.
Trong những năm gần đây, tôi cứ lần lữa hoài chưa đọc lại Dickens, tất nhiên là tôi sợ tôi có thể sẽ không yêu nhiều những sách của ông, sợ rằng sự quay trở lại có thể giống như một cuộc đến thăm, không vì bổn phận, một ông bác bà cô đã mờ nhạt đi cách nào đó và phải chịu trận những ôm hôn trình diễn, những câu đùa gượng gạo, và những hồi tưởng mốc meo, những thứ có thể thú vị hay không thú vị – sự quan tâm của người ta trong những cuộc gặp gỡ như thế thường là ích kỉ – như một sự chê trách tính khí của tôi hồi hai mươi tuổi. Chắc chắn là tôi sợ thấy rằng tuổi trẻ của tôi kém thông minh hơn tôi mong muốn.
Cuối cùng, sau nhiều lần quyết định rồi lại bỏ, tôi đọc “Những kì vọng lớn lao” và chìm vào một niềm vui sướng hiếm có với bất cứ độc giả nào. Câu chuyện ngụ ngôn tuyệt diệu ở trung tâm của nó cho cảm giác như một chuyện thần tiên dị dạng (Dickens làm bạn với Hans Christian Andersen, người xuất hiện ở ngôi nhà nông thôn của Dickens năm 1857, và chỉ chịu ra đi sau năm tuần lễ). Nhân vật chính của nó, Pip, có ý thức, ít nhất cho mục đích làm người kể chuyện ngôi thứ nhất, khi cậu lên bảy tuổi, một cậu bé mồ côi ngồi chìm đắm suy nghĩ bên những tấm bia mộ của cha mẹ và những đứa em cậu. Một tên tù phạm, Magwitch, từ một nấm mồ nhô lên và dọa moi tim gan cậu nếu cậu không chạy về nhà lấy chút thức ăn. Tiếp theo là một món quà bí mật di tặng theo chúc thư, dường như bị khống chế bởi Cô Havisham hận thù điên dại, một hồn ma sống thích thú ngợi ca tai họa lãng mạn của chính mình, sử dụng cô hầu gái xinh đẹp Esstella làm công cụ báo thù. Món quà di tặng rơi từ trời cao xuống như trận mưa vàng chào mừng một hoàng đế mới lên ngôi. Pip được một gia đình lao động ở nông thôn nuôi lớn, sẽ trở thành một quý ông thượng lưu. Câu chuyện ngụ ngôn này kêu gọi ở chúng ta tình yêu tiến bộ xã hội, một cuộc sống mới, kinh nghiệm tươi mới.
Trang này sang trang khác, cuốn sách giảm dần độ chân tình hơn tôi nhớ, trừ vài đoạn về sự ăn năn của Pip ở cuối, và vui vẻ ngộ nghĩnh hơn nhiều, nhiều đọan còn thật sự hoang dã nữa. Chẳng hạn, có một bà cô của ông Wopsle, “theo một lớp học buổi tối trong làng; tức là, bà ta là một bà già lố bịch tiền nong thì có hạn nhưng ham hố thì vô hạn, mỗi buổi tối thường đến ngủ trong khoảng từ sáu đến bảy giờ giữa đám trẻ tụ tập mỗi đứa trả hai penny một tuần để tận dụng cơ hội xem bà ta ngủ.” Lại có những thư kí trong văn phòng luật của ông Jugger: một người trong số họ trông giống “một gã nửa nhân viên thu thuế nửa người bẫy chuột – một gã đàn ông trương phồng theo sau là một con chó sục nhẽo nhèo của một viên thư kí với bộ lông đung đưa (hình như người ta quên xén lông cho nó từ khi nó còn là một con chó con),” và, cuối cùng, một gã đàn ông vai nhô, mặt khoằm bịt kín trong chiếc khăn flannel bẩn thỉu, mặc bộ quần áo đen cũ kỹ có vẻ ngoài như bôi sáp.
Không hề mốc meo, cuốn sách tràn ngập những khoảnh khắc lạ lùng sửng sốt. Trong chương ba mươi ba, Pip chào mừng lí tưởng mà anh ấp ủ từ lâu, nàng Estella xinh đẹp, quả thật đẹp mê hồn, tại một ga xe lửa ngoại ô London. Nàng từ nông thôn đến, và anh quá phấn khích, lúng túng, bối rối khổ sở. Anh đưa nàng vào một quán trọ bên nhà ga để ăn tối. Hai người vào một căn phòng ăn trống.
“Tôi lúc trước và bây giờ đều cảm thấy không khí trong căn phòng này, với sự kết hợp mạnh mẽ mùi chuồng ngựa với mùi nước cốt xúp, có thể khiến người ta suy ra rằng phòng huấn luyện ngựa đã không làm tốt và ông chủ doanh nghiệp này đang nấu những con ngựa cho phòng bồi bổ sức khỏe...”
Thật quá tệ cho giây phút lãng mạn tuyệt vời. “Những kì vọng lớn lao”, mà Pip khao khát cho tình yêu và cho sự tao nhã, sự trong sáng, những chăn gối sạch, thức ăn ngon, không khi tươi mát ở nông thôn và ánh nắng, lại chất đầy những rác rưởi tồi tàn và xấu xí.
Điều đáng nói ở những cách diễn đạt hoa mĩ này, ngoài tính chính xác ác độc của chúng trong việc bóc trần muôn vẻ của sự lố bịch, là việc chúng dễ đọc, chúng tỏ ra dứt điểm chóng vánh trong việc thi triển bình thường những sức mạnh hầu như mang tầm Shakespeare của chúng. Điều mà tôi đã quên là niềm vui của Dickens khi viết, mà ông chia sẻ với bạn đọc. Bạn đang cổ võ ông chộp lấy những cơ hội, ghi điểm, tham gia vào đó, với tới chi tiết dường như không thích hợp, ẩn dụ mờ tối. Ông bộc lộ một mức độ bộc trực hồ hởi, và một tính dễ kết bạn mang tính cách nhà văn thật tràn trề thật hào sảng đến nỗi bạn đọc luôn luôn trung thành với ông: người đàn ông này đang sung sướng làm việc để mang lại niềm vui cho chúng ta. Cái xấu xa, mà danh tiếng của ông khiến bạn thường nghĩ ông không để nó xuất hiện nhiều như thế, bản thân nó là một khía cạnh của tính hào sảng của ông đối với cuộc đời sống động. George Orwell trong một tiểu luận về Dickens năm 1939, đã nhận xét rằng mặc dù Dickens đã tấn công toàn bộ thiết chế xã hội Anh (luật pháp, nghị viện, giai cấp quí tộc, hệ thống giáo dục v.v..) không có ai thù ghét ông về mặt cá nhân. Hầu như mọi người đều cảm thấy cái vẻ ác tâm của ông nằm dưới tình yêu của ông đối với ánh sáng và những con người tốt; cơn giận dữ của ông cũng đầy phấn khích như sự ca ngợi của ông đối với sự tử tế và lòng trung nghĩa.
Như mọi người đã nhận thấy, có những khoảnh khắc mà Dickens nắm bắt cái phi lí và sự già nua rệu rã biến ông thành người đồng thời với chúng ta, hay ít nhất là một nhà văn hiện đại; chẳng hạn, việc ông thấy trước Kafka và chủ nghĩa biểu hiện một cách đáng kinh ngạc trong cảnh tượng văn phòng luật của ông Jagger – “Căn phòng của ông Jagger chỉ được chiếu sáng bằng một cửa sổ trên mái, và là nơi tối tăm thảm đạm; cái cửa sổ trên mái ấy, một mụn vá kì cục như cái đầu vỡ, và những ngôi nhà vẹo vọ kế bên trông như chúng đang vặn mình để hé nhìn xuống tôi qua mụn vá đó.” Có vẻ như ông đã hân hoan thích thú với cái tiều tụy, nhếch nhác, mục rữa, méo mó, và quái dị – những ngôi nhà đang sụp xuống, những mảnh vườn hoang vu, cái hỗn độn và nhớp nhúa của dòng sông Thames đổ xuống Gravesend. Nước Anh cũ đang chết và chưa được thay thế bằng nước mới, không có công trình hay phát kiến nào đáng khích lệ, - ít ra là trong “Những kì vọng lớn lao” ta thấy thế. Khi Pip cùng với Herbert Pocket bạn anh đi vào quán trọ của Barnard, những trải nghiệm của anh như sau:
“Một vẻ nhếch nhác buồn thảm của bồ hóng và khói bao trùm cái cơ ngơi tang thương này của Barnard, trên đầu nó vãi tro, và nó đang chịu nhục nhã và ăn năn như một hố rác thuần túy. Tầm mắt của tôi phóng xa như vậy, trong khi cái mục nát khô cằn và cái mục nát ướt nhoét và tất cả những mục nát lặng câm cứ việc mục nát trong mái nhà và tầng hầm bị bỏ quên – xác thối rữa của chuột lớn chuột con và của chuồng ngựa liền bên, chúng mơ hồ thì thầm vào khíu giác của tôi, và nức nở “hãy nếm thử món lẩu của Barnard.”
Ngất ngây vì ghê tởm – thối rữa, thối rữa, thối rữa! Đó là mùi của cứt, không thể nào lấy ra khỏi lỗ mũi của bạn hay quần áo của bạn. Không nhà văn đương đại nào có thể viết trắng trợn hơn thế. Dickens còn là một nhà thơ, của thời tiết tồi tệ, của sương mù và âm u. Trong “Những kì vọng lớn lao” ông đã kiên nhẫn biết bao làm cho bạn nhận ra rằng đầu thế kỉ mười chín nhân dân Anh trong phần lớn thời gian đã sống, và thường là mò mẫm, trong tăm tối như thế nào.
Tất nhiên nhìn dưới góc độ khác Dickens - con người thời đại Victoria - khác xa chúng ta. Nói ra thì thật kì lạ, nhưng chúng ta có thể tìm thấy đôi chút chúng ta trong đó. Pip chỉ muốn rời bỏ nghèo khó và tăm tối của anh ta lại đằng sau và sống như một người thanh lịch và sang trọng, có nghĩa là thời gian cơ bản đi ăn ngoài tiệm, đi dạo trong thành phố, cưỡi ngựa, cưới vợ và có con, nhưng sống thong thả không có tham vọng làm điều gì đặc biệt. Anh ta không có mục tiêu, không có nghề nghiệp, không có ám ảnh nào ngoài Estella. Và bởi vì anh ta có it tham vọng đến vậy, cảm giác về thành công của anh tầm thường đến vậy, những tình thế khó xử về đạo đức, tạo nên phần chính của tiểu thuyết, chúng ta thấy dường như không cân xứng. Nhạy cảm và biết điều như anh, khi trở nên giàu có, anh trở thành một kẻ giàu sang kệch cỡm, thích thú với những xun xoe đón chào anh ở khắp mọi nơi. Anh phớt lờ những bạn cũ, thô bạo, thậm chí tùy tiện, nhưng anh không độc ác một cách có ý thức hay có hệ thống.
Dickens hiểu rõ sức mạnh xã hội của đồng tiền, nhưng việc ông muốn trừng phạt Pip vì yêu tiền – anh ta gần như chết – khiến chúng ta thấy hơi quá đáng. Dù sao thì những kì vọng lớn lao của chàng trai này luôn luôn là ảo vọng. Liệu có nên trừng phạt chỉ vì anh ta có mục đích quá nhỏ bé hay không? Chúng ta nhận ra rằng Dickens đã hoạt động trong một hệ thống đạo đức hoàn toàn khác. Đối với ông, đức hạnh là lòng trung thành, khuôn phép, quí trọng bạn bè, chân thành, chứ không phải là trung thực, đam mê tình ái, tự mình hoàn thành sở nguyện của mình, thành đạt. Cuộc đời của chính ông là cuộc đời lao động không ngơi nghỉ, những quyển sách mà ông làm ra, (“Cô bé Dorrit” là quyển tôi đọc tiếp theo), dù chúng ta đã bỏ quên chúng bao lâu, cuối cùng cũng mời gọi chúng ta lần nữa, nếu không hoàn toàn với cùng sức mạnh tinh thần và đạo đức như trước, thì chắc chắn với cùng sức mạnh làm kinh ngạc. Không có ai cho ta niềm vui thú lớn lao hơn.
|