Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.109
123.142.898
 
Chơi chữ
Võ Công Liêm

 

               

 

      Dòng dõi Nguyễn Tùy trâm anh thế phiệt, văn hay chữ tốt, thế tộc khoa bảng và làm quan dưới triều vua qua mấy đời. Tùy đổ đạt cao từ thi hội, thi hương tới thi đình và được tiến cử vào cung lo việc kinh sử. Tùy có hoa tay nên ngọn bút như rồng bay phượng múa, nét chữ chấm, phá sắc sảo được nhiều người mến mộ. Tùy là con út thuộc dòng hai của Nguyễn Khải, mẹ là Đỗ thị Nhu, chỉ có mình Tùy là con trai duy nhất. Lớn lên làm quan, quyền cao chức trọng. Một thời gian sau Tùy kết hôn người làng bên tên Lê Túy Hoa con gái độc của một ông đồ Hán Nho. Mẹ Hoa mất sớm vì chứng đậu mùa. Nàng đau khổ khi chưa tới tuổi tròn trăng, không còn ai để vỗ về, chăm sóc thương mến mà chỉ dựa vào thơ, văn che lấp nỗi đau và thường khi phóng thơ cùng cha; cố công trau dồi chữ nghĩa của thánh hiền để lại với sự dạy dỗ của người cha. Ngoài dạy chữ; Đồ Nghệ dạy con đạo làm người, can thường luân lý giữa đời, theo phong cách xưa của những con người phong nhã, ‘tài tử đa xuân tứ’; tâm hồn lãng mạn của kẻ sĩ trọng nhân nghĩa lễ trí tín hơn là chuộng vật chất danh vọng. Một năm sau Tùy và Hoa sanh một con trai, đỉnh ngộ, đặc tên Nguyễn Đệ.Vận nước đổi thay tiếng tăm dòng họ Nguyễn phai mờ và vùi chôn ít ai nhắc đến; có chăng chỉ là dư âm huyền thoại, gần như chuyện hoang đường. Theo truyền khẩu dòng họ Nguyễn thất thế giữa triều chính, sợ nguy cơ xẩy đến cả họ ly tán, mỗi người mỗi phương không biết đi về đâu giữa cảnh đời phù vân này. Riêng gia cảnh Tùy mang tai tiếng lại gặp khó khăn nên bỏ xứ xuôi Nam sanh sống. Đến đất Phú Xuân thì dừng chân lập nghiệp. Đây là đất thiêng cho nên có cơ hội phát tiết chữ nghĩa. Đời sau; đầu não, cơ mật viện triều đình bị lũng đoạn, bởi; một bên thuộc điạ, một bên thuộc hoàng triều e rằng chữ Hán Nho mai một mà thay vào chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ. Tùy dư biết điều này nên dốc tâm duy trì ít nhất lưu truyền vài thế hệ, dẫu hậu thế có biến thiên theo giòng lịch sử. Ngày hồi hưu Tùy chăm chút đám hoa thơm cỏ qúy trong căn nhà ở ven hồ nội thành và nắn nót ‘con chữ’ là thú tiêu khiển, nhàn nhã cuối đời và đem cái tâm trọng chữ ra dạy cho Đệ về tinh hoa chữ nghĩa của thơ, phú. Đệ là kẻ thừa kế những gì cha ông để lại; đó là hoài bão mà Tùy ôm ấp từ lâu như một đền đáp đối với cha ông. Gia đình Tùy nhập cư ở đất văn vật non gần thế kỷ cho nên hóa thành con dân đất Thần Kinh. Đệ theo học ở trường Quốc Tử Giám là danh dự lớn lao cho con dòng cháu giống. Thấy con thông minh mẫn cán, chăm lo sách đèn ông bà Nguyễn Tùy lấy làm tự mãn cho dòng họ đời mình. Đệ là ‘Tuấn chàng trai nước Việt’ ấp ủ mộng ‘mê đường’.Thời gian không lâu cha mẹ Đệ lần hồi lià trần. Đệ bước sang khúc ngoặc khác hơn xưa.

 

Ngồi trước đèn, đôi kính lão đổ xuống mũi, tóc trắng bay theo gió, chiếc áo lương đen dệt mỏng, hai ống quần trắng vải đay ngả màu; những thứ đó tạo phong cách của một nhà nho phong vị thủy. Người cha gò mình phóng bút, chấm phết con chữ trên trán, trên mắt, trên mũi, trên môi đứa con gái ở tuổi lên mười. Điểm một chữ, giải một chữ trên mặt đứa con gái út thân yêu. Vợ Đệ là Tuyết Thu có chút máu con nhà rồng cho nên đài cát, kiêu sa thêm vào đó với gương mặt sầu muộn muôn thuở.

Đệ và Thu cố quên đứa con trai đã quá vãng khi ở tuổi mười tám, hoài vọng đó không còn nữa, bởi; đến và đi là ngoài dự ước mong muốn mà xem đây là định mệnh cho việc kế thừa. Không phải là đứa con trai hay chữ mà trao cho đứa con gái làm sống lại một thời hoàng kim. Mãi là lời ta thán nơi Đệ.

-Mình xem chữ này nghe! thuận hay nghịch nghĩa. Đệ nói. Tuyết Thu đứng sau lưng chồng lặng nhìn không nói. Nhuệ Giang mỉm cười đắc chí. Đệ ngoảnh đầu nhìn lui với đôi mắt u hoài như tuyệt vọng. Xuyên qua cửa; hoàng hôn đã xuống bên kia hoàng thành. Ngọn đèn vàng nhợt nhạt đổ trên bàn viết.

Tình người và tình đời cứ thế mà trôi, có nhiễu nhương hay thăng hoa họ không một hoài vọng nào hơn mà xem đó là vận trời huống hồ là vận người. Đổi thay không ngừng giữa người và vật. Đệ và Thu nhìn Nhuệ Giang như đối tượng của lẽ sống. Nhuệ Giang đứa con gái lãng mạn và lạ đời giữa thế gian này. Nàng nhìn đời với đôi mắt thẩm mỹ của nghệ thuật và tình yêu là hương hoa cao qúy.

Một thoáng mà nay Nhuệ Giang ở tuổi ngoài hai mươi. Nguyễn Đệ và Tuyết Thu lui về với quá khứ như ôn tập và tiếc thương để sống lại cảnh cũ với người xưa. Họ lãng mạn hóa cuộc đời để thi vị hóa cuộc đời; cái gì của hôm nay không còn là hôm qua và cái hôm qua có thể không còn lưu lại hôm nay.

Từ chỗ yêu chữ Đệ hóa ra như ông ngoại ngày xưa làm công việc giữ gìn chữ nghĩa thánh hiền và chính Đệ thấy ở Nhuệ Giang tư chất tới hành động lai căn hai dòng máu của nội và ngoại, nặng chất mẹ của mình. Trong số đệ tử được giáo Đệ giảng dạy về cách chơi chữ của người xưa là lối phóng bút nghệ thuật của thi ca lên giấy hoặc chạm chữ phù điêu lên đá, lên gỗ. Từ đó Đệ khám phá lối chữ viết trên da người như một món ‘ăn chơi’ thời thượng. Đệ tử ruột là Tuệ. Một trang thanh niên hào hoa, phong nhã. Nhuệ Giang đã đôi lần để mắt vào người nghệ sĩ trẻ này. Trong thư phòng; thầy Đệ phóng ngọn bút lông gia truyền lên toàn thân của Tuệ. Tuệ nằm trên chiếc chiếu cạp điều, trần truồng như nhộng; thầy trò nhập hồn vào con chữ, mặc sức thao túng lên lớp da người ‘ăn mực’ qua đường nét thủy thái họa trúc và chim và ông tựa dưới tranh một bài thơ Đường thi, chấm phá từ cổ xuống hậu môn bài thơ theo lối song quan ngữ của Mộng Đắc; bài thơ cổ Trúc Chi Từ là bài thơ hợp ý của Đệ:

‘Dương liễu thanh thanh giang thủy bình

Văn lang giang thượng xướng ca thanh

Đông biên nhật xuất tây biên vũ

Đạo thị vô tình khước hữu tình’1

Đệ chậm rãi mài nghiêng mực, gõ ngọn bút lên chén mực Tàu, vung hai ống tay áo như xếp gọn để cho đường bút lượn theo con chữ, nét chữ như phượng bay, viết lên trán Tuệ: ‘Nhất thiết tu đa la giáo như tiêu nguyệt chỉ’2.  Đệ hứng chí phóng thêm những bài thơ khác trên châu thân Tuệ không thiếu đường tơ kẽ tóc. Mực chưa khô Đệ đã cúi người hôn lên mặt chữ một cách trìu mến. Tuệ lấy làm lạ giữa chữ và người, đẫn đờ chưa hiểu nghĩa cử của thầy. Nhuệ Giang nhận ra điều này qua sự qúy chữ của cha mình. -Em đã có lần được cha viết chữ lên thân mình chưa? Tuệ nói. -Cha chỉ viết chữ trên mặt và trên lưng của em ; bởi mỗi lần như thế có mẹ em đứng bên để sửa chữ và góp ý. Nhuệ Giang nói. -Em có làm được việc này như thầy không? Tuệ nói. Họ trò chuyện khá lâu về cách viết chữ trên da người. Có lẽ; chưa bao giờ Tuệ nghe qua cái lối chơi chữ như thế, nhưng; có thể là một khám phá khác đối với Tuệ. Ngày thau lại, đêm vỡ ra trên đường về nhà nét mực, con chữ còn thấm trong da. Tuệ không muốn tắm sợ chữ trôi đi. Tuệ muốn viết một cái gì lên da thịt mình…như một thách đố.

Từ đó; lôi cuốn Tuệ vào với con chữ, đam mê vào lối chơi mới. Tuệ bỏ công tu tập nhưng vẫn không đạt như ý, con chữ không thoát ra khỏi chân không mà tuồng như chất chứa một vọng niệm khác làm cho chữ với nghĩa lạc hướng đường trần; dẫu cố gắng hay một mảy may bất ngờ đem đến, thế nhưng vẫn không toại nguyện như thầy đã dạy, bởi; giữa chữ và hồn phải thoát tục, chữ phải ‘tròn’ trong một tri giác bất thần mới hòa điệu vào nhau. Chữ phóng khoáng lưu loát, nghĩa của chữ đi theo đó mà sáng lên…Tuệ dốc tâm viết lên tay, lên chân , lên ngực nhưng muốn trọn vẹn như thầy; chẳng còn ai ngoài Nhuệ Giang. Vạch áo cho nàng xem con chữ viết trên da mình. -Chữ anh viết chưa phải là phóng bút, viết ở đây là thứ chữ nghệ thuật, chữ đẹp làm cho ý đẹp. Việc này không phải một sớm, một chiều mà đạt ý; là cả công phu như phép tu thiền hay luyện khí công của hiệp khách. Nhuệ Giang nói. Gió từ xa thổi tới bất giác Tuệ định thần. Hôm sau đến yết thầy; Tuệ lột bỏ áo quần đứng đối diện Đệ; đầu mình và tứ chi ngập chữ. Những bài thơ qúy được chấm phá qua ngọn bút tài tình. Đệ ngẩn ngơ trước một lâu đài chữ nghĩa trên mình người. Ông cúi người hôn lên chữ, đưa lưỡi liếm chữ một cách thèm khát và kính cẩn. Lật người Tuệ, dòm trên, ngó dưới, vạch đôi chân bành ra đọc cho trọn ý bài thơ dưới dương vật Tuệ. Sau cửa; Nhuệ Giang trộm nhìn thái độ của cha và thế đứng của Tuệ trước con chữ. Đệ ôm người Tuệ như thần tượng sống. Cửa thư phòng đóng kín và ngọn đèn vụt tắc. Lúc đó trời bên ngoài tối om chỉ nghe tiếng rì rào cây cỏ và gió thổi. Nhuệ Giang nhẹ bước trong thổn thức.

Sáng dậy; Đệ ôm tách trà nóng nhìn về phương trời xa, gương mặt rạng vỡ những đường nhăn của thời gian; Đệ về già trông thanh cao. Đôi mắt người như mơ màng, như hồi tưởng, như thỏa mãn cái thú chơi của mình, thú chơi lắm công phu điêu luyện. Đệ mãn nguyện đã ‘truyền ngôi’ cho con và cho học trò qúy mà ông tưởng thú chơi này sẽ không có ai thừa nhận; chỉ phút chốc nhưng đầy ấn tượng.

 

Tháng ngày qua; Nhuệ Giang và Tuệ thấm nhuần chân lý nghệ thuật chơi chữ. Nhập vào rồi mới thấy được nghệ thuật vị nghệ thuật, bởi; nghệ thuật chữ và xác là phơi mở nét đẹp tự nhiên đầy sáng tạo, một sáng tạo nghệ thuật của hội họa. Người nghệ sĩ là con người khám phá. Tình yêu của hai đứa nở hoa giữa xác và hồn. -Anh muốn đưa em đến thăm cổ miếu dòng họ Trịnh nằm sau lưng núi Ngự. Tuệ nói. -Dòng họ nhà anh phải không? Nhuệ Giang nói. Họ ôm vai cười sung sướng dưới trăng Nguyên Tiêu đang bềnh bồng giao tình trăng nước trên dòng sông một thời lấy đó làm đất hứa lập kinh đô.

Đêm sáng trăng nơi cổ miếu dòng họ Trịnh; miếu nằm khiêm nhường trên một vuông đất nhỏ nhắn như thách đố với thời gian. Trong miếu thờ những vị cao tổ họ Trịnh. -Nhuệ Giang có biết hôm nay là ngày gì không? Tuệ nói. -Em không nhớ rõ; tuồng như mơ hồ nhớ điều gì. Nhuệ Giang nói. -Hôm nay sanh nhật em đó. Tuệ nói. Họ cười nói thỏa thê như một hứa hẹn. -Anh muốn viết thơ trên mình em và em viết lên mình anh. Tuệ nói. Ở gian bên miếu thờ; chàng trần truồng và trải lưng cho nàng viết, lời thơ bắt đầu đi từ đầu đến chân, từ ngực tới bụng, thơ chảy dài trên da thịt. Nhuệ Giang không thấy mình lúc đó, ngắm nhìn con chữ mà nhớ người cha già. Nước mắt nàng rớt xuống người Tuệ tạo ra dấu ấn. Nhuệ Giang đứng thẳng người; dưới trăng nàng nguyên sơ. Nhẹ nhàng nằm xuống chiếu và nghe từng con chữ chạy trên thân thể mình, không còn thấy mực lạnh ở đầu bút mà ấm lên một tiết điệu âm dương giữa hồn và xác.Tuệ ngắm đường bút của mình và nằm lên người nàng qua nụ hôn.

Họ trao thân đêm hôm đó như lễ tạ ơn hai dòng họ Trịnh Nguyễn. Ngọn bạch lạp rưng rưng cháy vừa đủ chiếu cho một thứ ánh sáng mờ nhạt. Cả hai đã chơi trên chữ. Chữ nhòe, bởi; cọ xát của xác thịt . /.

 (ca.ab.yyc. jan 1/2017)

 

  (1)Dịch nghĩa: “Bài Ca Cành Trúc / Trúc Chi Từ” của Lưu Vũ Tích tự Mộng Đắc (772-842) :

‘Liễu xanh xanh ngắt tràng giang,

Vẳng nghe tiếng hát của chàng vút đưa;

Tình song tây nắng đông mưa

Phải chăng tình nắng tình mưa cùng tình!’ (Nguyễn Danh Đạt dịch)

(2) Trong kinh Viên Giác: ‘Tất cả giáo lý trong kinh điển là ngón tay chỉ vào mặt trăng’ (là khai ngộ).

 

TRANH VẼ: ‘Mật Ngữ / Cipher’. Khổ 12” X 16”. Trên giấy bìa. Acrylic+ Ink+ Mixed media. vcl# 0112017.

 

                                                                                         

 

Võ Công Liêm
Số lần đọc: 2099
Ngày đăng: 26.01.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngữ ngôn của chuyển dịch - Võ Công Liêm
"Dưới bóng hoàng lan" cảm xúc e ấp và êm đềm - Trương Quang Cảm
Thêm một năm lặng lẽ văn học Hàn Quốc tại Việt Nam - Trần Xuân Tiến
Vượt qua mọi mong đợi: Đọc lại Dickens - Hiếu Tân
Văn học miền nam 1954 - 1975 của Nguyễn Vy Khanh: động cơ thực hiện công trình và ý thức hạn chế - Trần Văn Nam
"Tiếu ngạo" cùng "bảy chữ ngàn câu" Tập thơ thứ 11 của Nguyễn Lương Vỵ - Võ Chân Cửu
Tâm thức văn hóa Huế trong tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng* - Trần Hoài Anh
Một bản tuyên ngôn chống giặc nội xâm đầu thế kỷ XVII - Nguyễn Anh Tuấn
Yasunari Kawabata với ngàn cánh hạc - Võ Công Liêm
Tòa soạn Quán Văn - Trương Văn Dân
Cùng một tác giả
Lệ (thơ)
Đĩ về hưu (truyện ngắn)
Không dám mô (truyện ngắn)
Người Khách Lạ (truyện ngắn)
Đêm Màu Hồng (truyện ngắn)
Jazz (thơ)
N Ụ (truyện ngắn)
Thi sĩ và thiếu nữ (truyện ngắn)
Ka ra ô kê (truyện ngắn)
Người treo cổ (truyện ngắn)
Chút tình còn lại (truyện ngắn)
Thể tính thiền (tiểu luận)
Cụm hoa cúc sao (truyện ngắn)
Lời ru (thơ)
Thể tính thiền (tiểu luận)
Đi chơi xa (truyện ngắn)
MA-YÔ-CA* (truyện ngắn)
Hy Lạp (tiểu luận)
Phương thức (tiểu luận)
Đất lạ người quen (truyện ngắn)
Vào với thơ (tiểu luận)
Một chuyến đi Tây (truyện ngắn)
Cho Tôi (thơ)
Hư vô phản kháng (tiểu luận)
Đi tìm thú vui (tiểu luận)
Nẻo về của Ý (tiểu luận)
Đi vào cõi thơ (tiểu luận)
Thi ca đương đại (tiểu luận)
Vi diệu pháp kinh (tiểu luận)
Thiền Nhật Bản (tiểu luận)
Đam mê (thơ)
Sa mạc (thơ)
Cho tôi (thơ)
Dòng sông đêm (truyện ngắn)
Chơi chữ (tiểu luận)
Bạn văn và tôi (truyện ngắn)
Đạo phật (văn hóa)
Ngày cuối của Yên (truyện ngắn)
Định niệm (nghệ thuật)
Cuồng si (truyện ngắn)
Ung thư thiền (tiểu luận)
Chân dung tự họa (nghệ thuật)
Truyện rất ngắn (truyện ngắn)
Ý thức vũ trụ (nghệ thuật)
Người khách lạ (truyện ngắn)
Thân tâm nhà Phật (tiểu luận)
Chuyện lan man (truyện ngắn)
Socrates (tiểu luận)
Sư ông (truyện ngắn)
Điêu khắc Mỹ (tiểu luận)
Tình câm (truyện ngắn)
Du Tử Lê và Tôi (tiểu luận)
Văn chương là gì (tiểu luận)
Đại dịch (tiểu luận)
Kẻ ăn mày (truyện ngắn)
Tư tưởng (tiểu luận)
Mẹ ơi (thơ)
Phân tâm học (tiểu luận)
Thanh cao là gì? (nghệ thuật)
Làm thơ (tiểu luận)
Vẽ đàn bà (hội họa)
Làm văn (tiểu luận)
Tu thiền (tiểu luận)
Nội trú (truyện ngắn)
Cảm thức (tiểu luận)
Phật pháp là gì? (tiểu luận)
Sát na (thơ)
Holy cow (thơ)
Xem tranh (tiểu luận)
Chung một cuộc tình (truyện ngắn)
Chay mặn (truyện ngắn)