Trong tiến trình phát triển của văn học thế giới, mối quan hệ tác động qua lại giữa các nhà văn, các tác phẩm, các nền văn học của các dân tộc là tất yếu. Mười thế kỷ văn học Trung đại Việt Nam chịu tác động không ít từ văn học của nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc. Tuy vậy, các nhà thơ dân tộc, nhất là các nhà thơ lớn, với ý thức và tinh thần dân tộc đã chứng tỏ sức sáng tạo dồi dào và mạnh mẽ của mình.
Trong lịch sử thơ ca cổ điển Trung Quốc, đề tài về các loại cây, hoa rất nhiều: đào, mai, cúc, sen, tùng, trúc, phong, liễu… Những loài cây, hoa đó có bề dày thi, nhạc, hoạ lâu đời. Riêng cây chuối xuất hiện muộn hơn. Phải đến thời Lục triều (thế kỷ III - VI), hình tượng cây chuối mới rải rác xuất hiện trong văn học nghệ thuật vì chuối là đặc sản của vùng đất phía nam sông Trường Giang, chủ yếu là ba tỉnh cực nam (Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây) đảo Hải Nam và lác đác ở Hồ Nam, Phúc Kiến… Phải đến đời nhà Đường, đề tài cây chuối mới được các nghệ sĩ dùng nhiều, trở thành một mã nghệ thuật trong đời sống văn hóa của người Trung Quốc.
Bên cạnh thi liệu cây ngô đồng, cây chuối, chủ yếu là lá chuối, được dùng để mã hóa mùa thu (qua các đề tài “ba tiêu vũ”, “ba tiêu dạ vũ”, “vũ đả ba tiêu”) để diễn tả nỗi buồn đêm mưa, đêm thu, nỗi sầu xứ… Bài thơ Dạ vũ (Mưa đêm) của Bạch Cư Dị là một trong những bài thơ được coi là mở đầu, có hai câu như sau:
Cách song tri dạ vũ
Ba tiêu tiên hữu thanh
(Cách song biết mưa đêm
[Vì nhờ] chuối phát ra tiếng trước)
Một hình tượng nữa liên quan đến cây chuối là “tiêu thư” cũng được ra đời và sử dụng từ sự liên tưởng nõn lá chuối giống như phong thư [ngày xưa] cuộn tròn lại. Tiêu biểu là bài Ba tiêu của nhà thơ đời nhà Thanh Trịnh Khắc Nhu dưới đây:
Ba tiêu diệp diệp vị đa tình
Nhất diệp tài thư, nhất diệp sinh
Tự thị tương tư trừu bất tận
Khước giao phong vũ oán thu thanh.
Dịch thơ: Chuối tơ mỗi lá một đa tình
Một nõn bung xoè, một nhú sinh
Tự gỡ tương tư còn chửa dứt
Lại thêm mưa gió tiếng buồn tênh!
Trong thơ ca Trung đại Việt Nam, hình tượng ba tiêu xuất hiện không phải là ít. Tuy nhiên, so với tùng, cúc, trúc, mai… thì cây chuối ít hơn hẳn. Điều này có lẽ là do đối với người nước Nam ta sống trong vùng nhiệt đới, cây chuối vốn quen thuộc và gần gũi nên khó xếp vào đề tài quan phương phong kiến chăng?
Vì thế, nếu trong thơ ca cổ điển Trung Quốc, hình tượng “ba tiêu” mang tính chất tượng trưng và quy phạm, thường được xếp thành một mục riêng (Ba tiêu loại) đứng sau các loại cây, hoa như tùng, cúc, trúc, mai, phong, liễu… thì “ở Việt Nam, khi viết về chuối, các nhà thơ xưa căn cứ vào sự cảm thụ trước cuộc sống hiện thực là chính, song những bài thơ hay về ba tiêu mang nặng tính quy phạm của Trung Quốc chắc hẳn cũng đã ít nhiều có tác dụng gợi ý” (Nguyễn Khắc Phi). Bởi vậy, nhà nghiên cứu đã cho rằng: “không nên ghép chuối vào loại tùng, cúc, trúc, mai, song cũng không nên tuyệt đối xem nó là “loại mang tính chất dân dã” như các loại trong câu “Ao cạn vớt bèo cấy muống” của Nguyễn Trãi được.”([1])
Trong một số bài thơ Trung đại Việt Nam, hình tượng cây chuối cũng mang tính ước lệ. Chẳng hạn, tàu lá chuối kiên cường trong gió quật trong thơ Hồng Đức quốc âm thi tập của vua Lê Thánh Tông và Hội Tao đàn:
Dọc giơ gươm đẩu kinh cường khấu,
Lá cuốn cờ xuân tượng thái bình.
[…]
Đành hay giống cố phù nước,
Con cháu đời đời dõi đĩnh sinh.
Thế kỷ XVIII, tiếng mưa rơi trên tàu chuối cũng đã được tác giả Chinh phụ ngâm sử dụng để khắc hoạ nỗi buồn chinh phụ trong đêm thu cô đơn quạnh vắng:
Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc
Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên.
hay tâm trạng nàng cung nữ trong Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều) cũng vậy:
Đêm phong vũ lạnh lùng có một
Giọt ba tiêu thánh thót cầm canh.
Nhưng Nguyễn Trãi, ở thế kỷ XV, đã tạo tác Ba tiêu (được xếp vô mục Hoa mộc môn của tập Quốc âm thi tập) rất sáng tạo và độc đáo:
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem.
Đã có hàng mấy mươi bài viết quanh bài thơ này, không loại trừ những cách hiểu khác nhau về bài thơ, nhất là về hai chữ “buồng” và “màu”. Bài viết này không nhằm mục đích tranh luận về cách hiểu bài thơ mà chỉ muốn bàn về sự “độc sáng” (chữ dùng của GS.Nguyễn Khắc Phi) của nó.
Trước hết, bài thơ vẽ nên hình tượng Ba tiêu vào mùa xuân. Không biết khi nhà thơ Nguyễn Trãi viết bài thơ Cây chuối ông có đọc bài Vị triển ba tiêu (Lá chuối còn phong) của Tiền Hử – cháu bốn đời của nhà thơ Tiền Khởi đời nhà Đường – dưới đây hay không:
Lãnh chúc vô yên lục lạp can
Phương tâm do quyển khiếp xuân hàn
Nhất giam thư trát tàng hà sự
Hội bị đông phong ám sách khan.
Dịch thơ: Đuốc lạnh, nến xanh, tanh lặng khói
Nõn thơm sợ rét cuốn như lèn
Phong thư còn giấu điều chi đó?
Hẳn gió xuân về lén xé xem!
(Nguyễn Khắc Phi dịch)
Từ trường hợp bài thơ của Tiền Hử, ta có thể thấy rõ một điều: cây chuối, trong thi ca Trung Quốc, qua thời gian, cây và những bộ phận của nó như lá, nõn… đã “được sử dụng đi sử dụng lại, như quả cầu tuyết lăn tròn, càng lăn càng lớn, nội dung và hàm nghĩa không ngừng trở nên phong phú” (Ngô Chiến Lũy)([2]). Có cây chuối mùa thu đậm công thức thì cũng đã có cây chuối vào mùa xuân thiên về cảm quan thực.
Nhiều người nhận thấy sự gần gũi giữa hai bài thơ của Nguyễn Trãi và Tiền Hử vì đều viết về đề tài cây chuối vào mùa xuân. Không loại trừ khả năng nhà thơ Đại Việt đã biết bài thơ trên của nhà thơ Trung Quốc và nối tiếp truyền thống để sáng tạo một Cây chuối phát triển tươi tốt trong khí xuân. Thế nhưng, càng đọc kỹ, chúng ta càng thấy sức sáng tạo dồi dào, độc đáo của đại thi hào Ức Trai.
Ta hãy xem xét hình tượng “tiêu thư” – hình tượng dễ thấy sự giống nhau nhất của hai bài thơ. Cả hai bài thơ đều nhìn lá chuối là phong thư. Và cả hai bài thơ đều tả phong thư ấy thật nữ tính, cơn gió đông lén hé xem thật đa tình. Thế nhưng, Tiền Hử chỉ ví nõn chuối là phong thư, Nguyễn Trãi cao tay hơn, sáng tạo một hình tượng không chỉ tuyệt đúng mà còn tuyệt lạ: nõn lá chuối cuộn tròn là một phong thư tình!
Cách liên tưởng của Nguyễn Trãi thật độc đáo, vừa gợi cảm vừa hóm hỉnh, trẻ trung. Quả đúng như tác giả cuốn Bình giảng thơ Nôm Đường luật đã nhận xét: “Liên tưởng đọt chuối non với phong thư thì chỉ cần tài năng nhưng liên tưởng với bức tình thư thì phải cỡ một thiên tài” (Lã Nhâm Thìn)([3]).
Tác giả Nguyễn Khắc Phi hoàn toàn có lý khi cho rằng: “Rất nhiều nhà thơ Trung Quốc đã so sánh đọt chuối non và phong thư rồi, hơn thế những đọt chuối ấy đều đa tình; song gắn hẳn chữ tình và thư, dùng tình làm định ngữ cho thư thì quả là độc sáng của Nguyễn Trãi.”([4])
Bức tình thư của tác giả Nguyễn Trãi cuộn tròn, còn phong kín, chưa ai mở, chỉ có cơn gió tinh nghịch lén hé xem. Thủ pháp nhân cách hoá được sử dụng thật đắc địa, từ “gượng” không gì chính xác hơn. “Gượng đây không phải là gượng gạo mà gượng nhẹ, khẽ khàng” (Xuân Diệu)([5]). Cơn gió đông (gió mùa xuân) không hề vô tình, nó đến với tâm trạng tinh nghịch, tò mò, khao khát khám phá mà vẫn ý tứ, khẽ khàng, trân trọng. Hình tượng đông phong đậm dương tính có thể cho chúng ta nảy sinh cảm nghĩ về một niềm khao khát một tình yêu thanh cao, e ấp, trong sáng. Hình tượng thơ như một sự mời gọi, một khát vọng dâng hiến. Nhìn thiên nhiên, cảnh vật qua lăng kính tình yêu vốn là đặc điểm, là vẻ đẹp độc đáo đầy tính nhân văn của bút thơ Nguyễn Trãi.
Ảnh hưởng thơ ca cổ điển Trung Quốc về nguồn đề tài nhưng Nguyễn Trãi đã có những phá cách, sáng tạo không chỉ về cảm hứng mà còn về thể thơ, kết cấu, ngôn ngữ. Bài thơ viết bằng chữ Nôm, bằng thơ thất ngôn tứ tuyệt có xen câu lục ngôn. Có thể nói thơ thất ngôn xen lục ngôn là một cố gắng tìm tòi, sáng tạo của các nhà thơ Đại Việt thế kỷ XIII – XV, trong đó có Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông và Hội Tao đàn, để sau đó Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trịnh Căn… nối tiếp.
Cả bài thơ có bốn câu thì hai câu hai và bốn là câu lục ngôn. Đặc biệt là câu kết:
Gió nơi đâu, gượng mở xem.
Câu thơ sáu chữ với nhịp 3/3 phân cân, nhẹ nhàng. Thử nghĩ, nếu ta thêm một chữ nữa vào thì chắc chắn cái ngập ngừng, tình tứ, tinh nghịch (lén hé xem của gió xuân) sẽ biến mất, chất phong tình của bài thơ (một tình yêu thanh cao, trong sáng, một sự mời gọi tha thiết, một khát vọng dâng hiến) sẽ hao hụt ít nhiều. Nói như nhà thơ Xuân Diệu: “Thà nói chặt chẽ đủ ý rồi mà câu thơ chỉ có sáu tiếng thì cho nó chính thức là lục ngôn, bất tất phải kéo dài nó ra cho đủ một câu thất ngôn”.
Bài thơ Cây chuối chứng tỏ bút tực tài hoa của Nguyễn Trãi, chứng tỏ thơ ca dù chữ Nôm ở giai đoạn mới hình thành vẫn mỹ lệ, tinh tế, đủ sức phô diễn những tình, ý sâu sắc, đẹp đẽ. Tư duy nghệ thuật và hiệu quả thẩm mỹ tỉ lệ nghịch với diện tích câu chữ theo quy luật của tính hàm súc, theo quan điểm “quý hồ tinh bất quý hồ đa” của người Việt Nam nói riêng, của người phương Đông nói chung.
Ảnh hưởng văn học là quy luật tất yếu trong mối quan hệ của nhiều nền văn học trên thế giới. Thơ ca Trung đại Việt Nam là hoa trái của mảnh đất Việt Nam, kết tinh truyền thống và nội lực văn hoá, văn học Việt Nam, chịu sự chi phối của điều kiện xã hội, lịch sử Việt Nam. Song, trong quá trình hình thành và phát triển của mình, văn học Việt Nam có chịu ảnh hưởng của văn hoá, văn học các nước, nhất là Trung Quốc. Tuy thế, các nhà văn Việt Nam với sức sáng tạo, bản sắc văn hoá và lòng tự tôn dân tộc đã vượt lên sự mô phỏng giản đơn để tạo nên những giá trị mới. Bản chất tài hoa hoà trong gốc rễ nhân văn yêu nước, tự hào dân tộc đã tạo nên sức sáng tạo mãnh liệt của các nhà thơ Việt Nam.
Bài thơ Cây chuối (Nguyễn Trãi) là một bài thơ ngắn, rất ngắn, chỉ có bốn câu, hai mươi sáu chữ, là một minh chứng cho quy luật ảnh hưởng văn học: một tác phẩm văn học dù có khuôn khổ rất nhỏ vẫn là tác phẩm lớn một khi nó đưa đến cho người đọc những cảm thụ mới mẻ, bất ngờ khi so sánh với nguồn ảnh hưởng.
Mỗi lần đón mùa xuân mới lại nhớ đến bài thơ Ba tiêu (Cây chuối) của Nguyễn Trãi, càng trân trọng sức sáng tạo của nhà thơ lớn mang cốt cách một nghệ sĩ đa tình, đa tài, rộng ra là trân trọng sức sáng tạo của dân tộc chúng ta.
[1] Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ hình tượng “cây chuối” (ba tiêu) trong thơ ca cổ điển Trung Hoa nghĩ về bài “Cây chuối” của Nguyễn Trãi / In trong Mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc qua cái nhìn so sánh, NXB Giáo dục, Hà Tây, tr. 59.
[2] Ngô Chiến Lũy (1997), Trung Quốc thi học, Đông Phương xuất bản xã, Bắc Kinh, tr. 28. / Ghi theo Nguyễn Khắc Phi (2004), Sđd, tr. 50.
[3] Lã Nhâm Thìn (2006), Bình giảng thơ Nôm Đường luật, NXB Giáo dục, Huế, tr. 34.
[4] Nguyễn Khắc Phi (2004), Sđd, tr. 60.
[5] Xuân Diệu, Một bài thơ của Nguyễn Trãi: Ba tiêu / Sách Nguyễn Trãi, về tác gia và tác phẩm, Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn và giới thiệu, NXB Giáo dục, 2007, tr. 672.