· Tết về nhớ bánh chưng xanh,
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà.
Hằng năm, cứ đến ngày cuối chạp gần Tết Nguyên Đán, tiết trời lành lạnh, vào những chiều cuối tuần, tôi có thói quen khoác chiếc áo gió cũ, đi dạo một vòng qua chợ để xem không khí chuẩn bị đón Tết của bà con trong thành phố. Ngoài đường phố, các loại tranh Tết được xuất hiện do những người đi bán dạo đến từ các tỉnh miền ngoài. Trong các nhà sách, bên cạnh những chồng sách mới phát hành bày la liệt trên kệ, là rừng lịch năm mới cùng lớp lớp tranh Tết đủ loại với màu sắc sặc sỡ và hình ảnh sinh động, treo cạnh gian hàng trung tâm cho tới cận bên vách, trông thật vui mắt. Thói thường thị dân cũng rất thích mua tranh cảnh về trang trí cho sáng đẹp nhà cửa, chuẩn bị đón tiếp khách và bà con, bằng hữu trong những ngày họp mặt đầu năm.
Nhìn vào rừng tranh Tết sum suê, tôi nhận ra đầy đủ sự hiện diện những tác phẩm nghệ thuật : từ tranh phong cảnh quê hương, chân dung các anh hùng hào kiệt, nhân vật nổi tiếng, đến cảnh chùa miếu, đền đài mang dấu ấn lịch sử cho đến tranh loài vật, tranh minh họa những tấm gương trung, hiếu, tiết nghĩa… Kỹ thuật thể hiện các chủ đề rất đa dạng : tranh sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, thêu đan, kết nối… theo nhiều khuynh hướng nghệ thuật khác nhau. Nhưng tôi đã mất rất nhiều thời gian dõi mắt kiếm tìm mà vẫn ít thấy một chủng loại tranh truyền thống từng hiện diện từ lâu trong kho tàng nghệ thuật dân gian. Nó vốn mang giá trị cao đẹp như những áng ca dao dung dị, mượt mà và ý nghĩa thâm thúy khôn cùng. Đó là tranh mộc bản.
Tranh mộc bản, hay tranh khắc gỗ còn có tên tranh thủ ấn hoạ, có nghĩa là tranh in tay. Đây là loại tranh được in từ những hình ảnh vẽ được khắc trước trên mặt gỗ. Tranh in bằng tay ra nhiều bản để phổ biến mà không ghi tên tác giả. Nên có thể nói tác giả tranh mộc bản là những nghệ sĩ dân gian. Không chủ yếu nhắm vào mục đích kinh tế, trước kia loại tranh khắc gỗ được in ra để truyền lại cho con cháu hoặc họ hàng coi như là di sản văn hóa của gia đình. Tôi được biết, nếu những tác phẩm mang nặng dấu ấn bàn tay của nghẹ sĩ dân gian ấy có đem bày bán ở chợ quê hay các gian hàng nơi thành thị trong những ngày Tết Nguyên Đán thì cũng bán với giá rất rẻ. Dù vậy, tranh mộc bản cũng rất đẹp, nhìn kỹ, ta cũng trông thấy nó phấp phới sắc màu trong sáng, tươi vui và điêu luyện những đường nét linh động bay bướm, xứng đáng gọi là một bức tranh mỹ thuật. Do vậy, tùy theo sở thích và óc thẩm mỹ, nghèo hay giàu, ai cũng có thể mua được ít nhiều bức mang về trang trí nhà cửa trong những ngày xuân đến.
Hiện nay, chủng loại tranh dân gian này chưa có cở sở chắc chắn để xác định rõ thời điểm hình thành bởi vì chúng ta ít nắm được đủ tư liệu về lịch sử hội họa dân tộc. Tôi chỉ biết ngoài những bức bích họa và hình vẽ trang trí hay khắc chạm ở cột đình chùa, đền miếu, lưu lại
1
từ các thời đại trước, giới nghiên cứu mỹ thuật hay văn nghệ sĩ cũng chỉ còn trông cậy vào sách vở, tài liệu do phương Tây nghiên cứu, soạn thảo. Có người bảo tranh Tết dân gian xuất hiện từ
đời nhà Lý (1009-1225) - đầu thế kỷ 11- tiếp theo sau sự ra đời của nghề in mộc bản (in sách bằng bản gỗ). Đến thời nhà Hồ (1400-1407), đã có loại tiền giấy được in ra và phát hành trong dân gian. Từ đầu thế kỷ 16, thời nhà Mạc (1527-1592) nhất là thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, loại tranh Tết và tranh Thờ thuộc dòng tranh mộc bản đã xuất hiện khá nhiều, được bày bán rộng rãi trong nước từ thành thị đến thôn quê miền Bắc và miền Trung. Nhớ lại, trong những năm của thập niên 1950-1960 khi còn học trung học tại Cần Thơ, tôi được thầy dạy Hội Họa là giáo sư họa sĩ Nguyễn Cường, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ Hà Nội mới vào nhận công tác, sau khi đi tham gia triển lãm tại Nhật Bản. Thầy dạy mỹ thuật của tôi, phong cách rất phóng khoáng trong nếp dạy và cách ứng xử với học trò. Ngoài những giờ học chính khóa trong trường, đám học trò mê hội họa chúng tôi gồm có : Nguyễn Trung, Nguyễn Thanh, Nguyễn Đồng, Lê Tấn Lộc (1) …, nhóm học trò ruột của thầy - luôn được họa sĩ Nguyễn Cường hướng dẫn đi vẽ phong cảnh ngoài trời tại Xóm Chài (Hưng Phú ngày nay), Cái Răng, Mít Nài (chợ An Nghiệp bây giờ)… Chính trong khoảng thời gian ấy, thầy có dịp trao đổi, bồi dưỡng cho chúng tôi hiểu thêm về tranh mộc bản thường xuất hiện vào ngày Tết. Rất may, trong những năm vào nghề sau này, một hôm tôi tình cờ đọc được nhận định vô cùng tinh tế, sắc sảo của ông Lê Văn Hòe về tranh mộc bản:
“ Tranh gà lợn đỏ như xôi gấc, vàng như màu lúa chín, xanh như lá mạ, hay vàng như nghệ kho cá, xanh như cốm non, đỏ như ngô già, nâu như đất cày, toàn những màu sắc quen thuộc thân mến từ bao nhiêu đời rồi. Những màu sắc ấy in sâu vào tâm não nông dân, hết thế hệ này đến thế hệ khác thành những màu sắc dân tộc. Những màu sắc xanh, đỏ chói rực của tranh Tàu tranh Tây chướng quá, nó không mộc mạc, quen thuộc như những màu xanh đỏ, thô kệch mà điềm đạm, thật thà của tranh lợn gà.” (2) . Sau này, khi dạy mỹ thuật, cùng các giáo sư họa sĩ Nguyễn Thị Tâm (trường Đoàn Thị Điểm), Nguyễn Văn Ẩn (PTG) tại Cần Thơ, chúng tôi tổ chức thi vẽ tranh Tết cho học trò vào mỗi độ xuân về nên có cơ hội trao đổi nhau thêm về dòng tranh dân gian đậm đà tính chất dân tộc này.
Đặc biệt nhất là trong cuốn sách của Maurice Durand (thuộc trường Viễn Đông bác cổ) dày 500 trang đã cho tôi cái nhìn khá đầy đủ về tranh mộc bản Việt Nam.
Do tính cách cơ bản nội dung và nghệ thuật có phần dị biệt về đường nét (dessin), về cách bố cục và màu sắc so với tranh sơn dầu, tranh lụa, sơn mài…nên không thể nhận định giống nhau về kỹ thuật giữa hai chủng loại nghệ phẩm này. Riêng tranh mộc bản - và hầu hết tác phẩm hội họa - nếu được quan sát kỹ, ta nhận thấy nét vẽ là yếu tố quan trọng vì đó là khởi điểm cần thiết không thể thiếu trong sự hình thành bất cứ loại tranh vẽ nào. Do vậy, có ý thức làm tốt trong việc chuẩn bị nét vẽ bước đầu này, ta sẽ gặp nhiều dễ dàng, thuận lợi ở công đoạn tiếp theo là sắp xếp bố cục. Ví dụ như bức mộc bản vẽ Cảnh trèo dừa : nhà nghệ sĩ dân gian dù chưa chắc đã tiếp thu kiến thức chuyên môn từ trường mỹ thuật nào, vẫn sở hữu được những đường nét vô cùng cô đọng, không thiếu cũng không thừa mảy may chi tiết nào khi diễn tả. Óc tiết kiệm đường nét đến mức độ cực kỳ tinh tế của tác giả thật đáng trân trọng khôn cùng. Ta hãy nhìn kỹ lại từ bộ mặt vênh vênh, thoáng vẻ ngây ngô của cô gái hứng dừa cùng bộ mặt phớt tỉnh, ranh mãnh của anh thanh niên trèo dừa, tất cả ngần ấy được sáng tạo bằng nét vẽ hết sức dung dị mà không kém phần linh động, hàm súc. Bức tranh đã lột tả hết cái thần thái chân dung người phụ nữ nông thôn Việt Nam qua từng ánh mắt, nét mặt, dáng điệu đậm tính dân tộc. Bức tranh ‘ Ông Nghè vinh quy (3) dù vẽ hổ nhưng cũng bộc lộ rõ tính cách con người Việt Nam qua hình ảnh cái kèn, võng lọng hay chiếc kiệu của ông Tiến sĩ tân khoa về làng quê bái
2
tổ khi nghiệp bút nghiên đã công thành danh toại. Với bức tranh ‘Đám cưới chuột’, hình ảnh sinh động và vui mắt của những chú chuột thổi kèn, khiêng kiệu, cầm đèn lồng đều mang bản sắc rất Việt Nam. Xem lại bức tranh mộc bản của Hokusai - họa sĩ Nhật Bản, vẽ cảnh sóng bể trong đó chỉ duy nhất có một làn sóng dâng lên rất cao, nhưng mang dấu ấn rõ nét là một ngọn sóng Nhật Bản không một ai có thể nhầm lẫn với ngọn sóng Tàu, sóng Tây hay bất cứ ngọn sóng nào trong tranh của họa sĩ khác.
Về bố cục, ở những bức tranh mộc bản trong giai đoạn đầu mới xuất hiện, các nghệ sĩ dân gian trình bày vượt khuôn khổ nguyên tắc kinh điển của hội họa mặc dù đường nét, hình thể con người, loài vật rất vững vàng. Ví dụ ở bức tranh ‘Đám cưới chuột’. Vì khuôn khổ hạn hẹp của tờ giấy vẽ mà đám cưới lại quá đông thành viên gia đình, họ hàng nhà chuột nối đuôi nhau lê thê một hàng dài chưa dứt. Trước tình huống như vậy, nhà nghệ sĩ mạnh dạn cắt bức tranh ra làm hai : một nửa nằm phía trên, một nửa còn lại nằm bên dưới tờ giấy. Dù vậy, khách thưởng ngoạn xem tranh vẫn dễ cảm thụ vì bức họa như giữ được sự thuần nhất. Nhìn kỹ lại bức tranh, ta có cảm tưởng đám cưới tiếp diễn đều đặn, không hề bị trở ngại trong sự chia cắt, sắp xếp của nghệ sĩ. Tác giả những bức tranh dân gian không mấy chú ý đến luật viễn cận (perspective) `ràng buộc bởi đường tầm mắt - đường chân trời (ligne horizontale), điểm nhìn (point de vue) nên trong nhiều bức tranh mộc bản, ta thấy người hay nhân vật chính thường được vẽ to hơn. Cũng ít tìm thấy sự cân đối nằm trong luật cân đối - một quy luật vốn được người Việt Nam xưa nay coi trọng và được áp dụng trong cách sắp xếp, bày biện đồ đạc trong nhà như bàn ghế, bàn thờ ông bà, tủ sách, bộ sa-long…Dường như nhà nghệ sĩ ẩn danh muốn biến sự bất cân xứng thành một sự cân xứng hòa hợp trong bức tranh. Trong những bức tranh Tết hay tranh mộc bản, tác giả cũng không chú trọng đến việc ký tên mình để lại bên dưới họa phẩm.
Ở những bức tranh mộc bản Việt Nam trước đây, họa sĩ thường tác nghiệp với những màu sắc tự nhiên thật tươi thắm gọi là thuốc màu nước và mực Tàu. Mực Tàu màu đen dùng để in những nét chính. Riêng màu in tranh mộc bản gồm hai loại cơ bản. Một loại là thuốc bột khô có màu trắng lấp lánh (vỏ trai nghiền thành bột), màu lam (xa cừ), kim nhũ vàng óng ánh (vàng nghiền), ngân nhũ trắng óng ánh (bạc nghiền). Loại sau lấy từ chất liệu thiên nhiên thường gọi là phẩm nhuộm. Bức tranh có bao nhiêu màu - thường sử dụng nguyên chất- thì phải in bấy nhiêu lần trên nhiều bản gỗ khác nhau. Giấy in tranh mộc bản cũng quan trọng không kém mực và màu, gồm có; giấy quyến, giấy bồi và giấy dó. Trong đó, thông dụng hơn cả là giấy dó, làm bằng vỏ cây dó, một loại cây có nhiều ở vùng Tuyên Quang, có tính dai, chắc, dễ thấm mực và màu. Loại giấy dó thông dụng nhất là giấy điệp. Ngoài loại giấy hoa hiên và giấy kim nhũ hay ngân nhũ, loại giấy điệp cũng thuộc loại giấy dó nhưng được làm từ vỏ trai, vỏ sò nghiền nát nhừ thành bột trộn với hồ loãng. Khuấy bằng bột gạo (có pha với ít vôi để chống gián và thằn lằn đến ăn làm hỏng tranh), sau đó quét lên mặt giấy một lớp mỏng, đều. Sau khi phơi khô, màu trắng giấy điệp lấp lành những chấm li ti của vỏ trai, vỏ sò trông rất sáng đẹp. Với loại giấy điệp này, người ta phải in bằng màu nguyên chất, vì nếu pha nước, màu sẽ không thấm vào giấy. Sử dụng màu nguyên thủy có lợi là làm tăng phần tươi vui thích hợp với tính cách dí dỏm của bức tranh với mục đích trang trí để nói lên chủ đề, hơn là diễn tả bài bản đúng theo phong cách mỹ thuật. Xem lại nhiều bức tranh mộc bản tiêu biểu, ta dễ nhận ra những màu sắc với thể chất thô sơ của nó rất hòa hợp với những đường nét ngây thơ ở bản khắc
3
gổ và tính chất đặc biệt của giấy điệp vốn gồ ghề. Ví dụ, sự thật thà chơn chất như màu đỏ cánh
sen của chiếc yếm, màu xanh hoa lý ở chiếc thắt lưng của chị nông dân đã thể hiện rõ nét đặc
trưng của tranh mộc bản Việt Nam. Trong khi các bức mộc bản Trung Quốc, màu sắc có vẻ kín đáo, nghiêm khắc mà tế nhị, của Nhật bản thì màu sắc óng chuốt ra vẻ đài các, hào hoa bay
bướm như tơ lụa, gấm vóc trên những chiếc áo ki-mo-no của kiều nữ xứ sở hoa anh đào.
Nhìn chung về kỹ thuật, được biết đến lâu và nổi tiếng nhất là tranh mộc bản của làng Đông Hồ (ngày xưa có tên là làng Mái, nằm dọc bên bờ sông Đuống - tỉnh Bắc Ninh). Ta thử nghe chàng trai làng Đông Hồ cất lên tiếng hát quan họ ướm tình, rủ rê các cô gái ở làng khác : Hỡi cô thắt lưng bao xanh / Có về làng Mái với anh thì về / Làng Mái có lịch có lề / Có sông tắm mát có nghề làm tranh). Rồi đến tranh của Hàng Trống - Hà Nội, tranh mộc bản Kim Hoàng - ven đô Hà Nội … hoặc ở làng Sình (Huế ) chuyên về tranh thờ… Mỗi bức tranh mộc bản của Việt Nam đều được thực hiện với một kỹ thuật riêng biệt đậm sắc thái Việt Nam. Đó là tính giản dị, chất phác, chan chứa tinh thần lạc quan trong sáng, không hề thấy bị ảnh hưởng bởi yếu tố nghệ thuật nước ngoài.
Với tính cách đặc biệt đó, nội dung những bức tranh mộc bản của ta thường mang đến cho công chúng và khách thưởng ngoạn nghệ thuật nhiều cảm nhận thoải mái, thú vị. Bởi vì đa phần tranh dân gian loại này đã lột tả được tinh thần trào lộng vui tươi của người Việt Nam – tính hài hước vô tư không có ác ý thể hiện qua sự châm biếm rất đổi nhẹ nhàng. Mỗi bức tranh Tết là một thông điệp đứng đắn về nhân sinh quan, một biểu tượng trong sáng về cách ứng xử của con người trong xã hội lành mạnh mà người xem không thể ngăn được tiếng cười hồn nhiên. Bức Lão Oa giảng độc (Thầy đồ cóc dạy học) mang tính tượng trưng như một bài thơ ngụ ngôn (fable) của thi sĩ Pháp La Fontaine (1621-1695). Bằng nét vẽ đơn giản, tự nhiên nhưng bức tranh bao hàm một triết lý giáo dục khuôn mẫu của người xưa : tình thầy trò cao quý. Con cóc lớn là lớp trưỏng đang thay thầy, quản lý lớp, trong khi một con khác đang bưng mâm trà đứng cạnh hầu thầy rất chu đáo. Trong bức Đám cưới chuột, bên dưới là cảnh cưới xin thời xa xưa có cờ, xí, kiệu… nhưng ở trên là một đám chuột khác đang lo lót cho mèo, van xin chú mèo để đám cưới được cử hành êm đẹp. Mèo có thể là hình ảnh tiêu biểu muôn đời cho mô hình tiêu cực, bọn cường hào ác bá. Bức Tranh Lợn minh họa một đàn heo con quay quần bên heo mẹ đang ăn cám. Chủ đề bức tranh nói lên sự sung túc, ấm no của một xã hội thanh bình, thịnh vượng. Lợn gà đông con nhiều cháu, ăn uống no đủ, gia đình hòa thuận, yên vui. Ngay cả hình ảnh cái ‘xoáy’ trên lưng con heo mẹ tưởng đâu chỉ là để trang trí đơn thuần, thực ra cũng mang ý nghĩa triết lý ‘âm dương hòa hợp’ của cuộc sống thái hòa trong mơ ước muôn đời của tiền nhân. Đến những bức Đánh ghen, Đánh đu tiên, Hái dừa …bức nào cũng có cái hay trong nội dung và cái đẹp ở sắc màu. Hầu hết tranh mộc bản đều hàm ý cổ xúy cho một tư tưởng hay, một nếp sống đẹp, không bao giờ có ý nghĩa giải trí nhảm nhí dù tác giả chẳng mấy chú trọng về bút pháp, kỹ thuật. Bên cạnh tranh mộc bản dân gian xuất hiện vào những ngày xuân, còn có một loại tranh Tết khác gọi là tranh Tứ bình gồm 4 bức khớp nhau một bộ. Chẳng hạn tranh Tứ bình diễn tả nét đặc trưng của 4 mùa, mỗi mùa bằng một loài hoa : lan, sen, cúc và đào, ngụ ý ca ngợi cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Tranh đề cao nét phong nhã hào hoa của con người : Cầm, Kỳ, Thi, Họa, bày tỏ sự trân trọng trước những trang phong lưu tài tình muôn mặt. Lại còn thêm bộ tranh mô tả về nỗi tai hại chết người của Tứ Đổ tường : Tửu, Sắc, Tài, Khí… như lời cảnh báo nghiêm ngặt khuyên mọi người tránh xa.
Nhân ngày đầu năm, trong không gian sáng đẹp mát dịu, cây cỏ thắm tươi, lòng người phơi phới, ta tạm lắng quên cuộc sống bon chen, dành đôi phút để du xuân. Không bỏ qua cơ
4
hội xem tranh Tết, ta đi tìm lại dấu xưa : tranh mộc bản. Đi vào vườn tranh Tết, tôi có cảm tưởng mình đang làm một cuộc hành hương về nguồn. Những bức tranh mộc bản Việt Nam có
giá trị tích cực như những bức chân dung về nhân cách, đạo lý của người tốt trong xã hội . Đó là những câu ca dao ý vị dệt bằng đường nét cô đọng, sắc màu tươi thắm mang ý nghĩa những bài học xử thế của người xưa. Đẹp kín đáo như vườn hoa cổ tích dân tộc, không kém vẻ diễm lệ đáng yêu như phong cảnh non sông hoa gấm của đất nước quê hương, nhất là trong tranh làng Đông Hồ : Quê hương ta nếp lúa thơm nồng / Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong / Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…(Thơ Hoàng Cầm). Tranh Tết nói chung và tranh mộc bản dân gian nói riêng, là mô hình di sản văn hóa vô giá của người xưa còn lưu lại. Trong những ngày đầu năm đón Tết vui xuân, thưởng thức vẻ đẹp thấm kín của những bức tranh mộc bản, ta có dịp hiểu về nghệ thuật của người xưa và cảm thông nếp sống tình cảm của tiền nhân. Đó những tác phẩm dân gian mang tính giáo dục trong sáng cao đẹp, thấm đẫm tinh thần hiếu học, nghĩa thầy trò, bằng hữu ở học đường, tình cảm cha mẹ, anh em gia đình, tình yêu quê hương, dân tộc, lòng yêu kính anh hùng, lãnh tụ… luôn chứa đựng tính nhân văn sâu sắc như những trang Quốc văn Giáo khoa thư, rất cần cho mọi người ở bất cứ thời đại không gian nào trong xã hội ta hôm nay.
Xuân Bính Thân. 2016
(Đã đăng trên KTNN số Xuân Bính Thân
& Hồn Việt số Xuân Bính Thân 2016
(1) Nguyễn Trung, Nguyễn Thanh (Đan Thanh). Nguyễn Đồng (ở hải ngoại), Lê Tấn Lộc…họa sĩ, giáo viên
(2) “Lẽ sống của tranh gà, tranh lợn” Nguyễn Đồng trích lại - Tạp chí Thơ – Hội Nhà văn số 1-2006 và
Tranh Tết dân gian Việt Nam – Nguyễn Nhật Tân, XB tại Canada, thế kỷ trước.
(3) ‘Ông Nghè vinh quy’ - Đan Thanh vẽ, trang bìa đặc san Xuân Nắng Mới - năm 1973 của trường trung học Đệ
Nhị cấp Cái Răng - Cần Thơ (nay là trường PTTH Nguyệt Việt Hồng).
* Tham khảo :
1. Tranh cổ Việt Nam – NXB Văn hóa Thông tin , Hà Nội – 1995…
2. L’École francaise d’Extrême-Orient à Hanoi – Philippe Le Failler (Hà Nội-1900-2000)
3. Từ điển Mỹ thuật (Hà Nội)
4. Tạp chí Mỹ thuật (Hà Nội)
5. Tạp chí Mỹ thuật (TP. Hồ Chí Minh, sau 1975)
6. Tạp chí Kiền thức Ngày nay số 908, ra ngày 20.10.2015 (TP. Hồ Chí Minh)
7. Các tư liệu mỹ thuật về tranh mộc bản bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, Hoa, Nhật, Hàn…
8. Kỹ thuật và Mỹ thuật tranh Mộc bản Việt Nam - Nguyễn Khắc Ngữ, Canada - 1988
9. Nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam - Huỳnh Hưu Ủy, Hồng Lĩnh Hoa Kỳ - 1993
10. Bài viết của tác giả, họa sĩ : Thái Tuấn, Bửu Hồ (Làng Huệ)
11. Đặc san Xuân Nắng Mới 1973- trường trung học Đệ Nhị cấp Cái Răng, Cần Thơ