(Vài cảm nhận khi đọc Chiếc Lá Cuối Mùa)
Cách gần 200 năm. Cùng thời Nguyễn Du viết Kiều. Edgar Allan Poe, nhà thơ Mỹ nỗi tiếng đã có “Triết lý sáng tác” kì lạ. Tuy ban đầu bị nhiều cây bút lên án.Nhưng đến nay, đã trở thành những công thức sáng tác mẫu mực không chỉ cho văn học Mỹ mà còn cả văn học thế giới. “Cái Đẹp ở bất cứ kiểu loại nào, khi đạt tới cực độ thì bao giờ cũng là từ những nỗi buồn.-Đó là bản chất của thơ ca” (Egar Allan Poe)
HVT đã đi theo hướng đó trong cuộc đời làm thơ của anh. Một trong số hiếm hoi các nhà thơ đương đại VN nén lại niềm vui. Để cho nỗi buồn với vẻ đẹp thuần khiết, tự nhiên của hoa xương rồng trên cát nở khẽ khàng trong vườn đầy cỏ dại của thi ca.
Như một ánh khuya len qua khe cửa hẹp khi chiếc gối không con hơi ấm. Khi ta một mình với đêm. Nỗi buồn là tấm chăn mỏng. Triết lý thơ HVT và Edgar Allan Poe là một. Như thời trẻ, nhìn trái ổi chin rơi về đất, tôi nhớ về Newton.
Trên cây trần gian có muôn ngàn chiếc lá. Nó đâm chồi, xanh tươi, vàng úa và rời cành. Nhưng trên cây trần gian ấy tôi đã thấy hai chiếc lá mang tên HVT. Lá Đời và lá Thơ. Lá Đời theo lẽ tự nhiên. Nhưng lá Thơ không theo qui luật đó. Lá Đời ngày càng úa thì lá Thơ lại càng xanh. Vì nó được chăm bón bởi sự chiêm nghiệm, Nó được tưới bởi những cơn mưa của nỗi buồn, của sự cô đơn mất mát. Và có khi được tận hưởng mùa vui của những giọt nước mắt.
Phận người như chiếc lá ngoài song. Trong sự khắc nghiệt của cuộc mưu sinh. Màu xanh của lá Đời chuyển vào lá Thơ. … /Chiếc lá bíu vào lưới sắt ngoài song cửa/Đường gân chằng chịt ken dày/ ..(Lá-HVT)
Tôi đã hơn một lấn ngắt chiếc lá của anh gối vào thao thức. Một đêm trong cơn mê …/ Như chiếc lá khan buồn mất ngủ /Trên nhành cây cạn kiệt thân hình/….(Đọc Kafka-HVT). Những lần nghe sợi bạc như lá vàng rụng xuống. Đời còn mấy giấc chiêm bao?. Như ngồi tính sổ với từng con nợ nhân tình. Ta còn lại gì khi bước chân thời gian đi qua. Sự nuối tiếc về một miền xa?. Quá khứ như làn hương bí ẩn cho ta giữ lại một chút mơ hồ. Tôi đã ép chiếc lá của anh vào một thời dĩ vãng. Sự mỏng tang của hoài niệm. Có tiềng ai như tiếng cầu kinh. Như tiếng chuông vọng về từ một miền trắc ẩn…./ Làm sao níu được bước chân thời gian/ giữ lại chút mơ hồ làn hương bí ẩn (Di Sản-HVT).
Như định mệnh. Như qui luật. Như là không có gì. Đó là cặp đôi gắn chặt cuộc đời …/ niềm vui sinh với nỗi đau/trên cây trần gian mùa lá vở/…(Cây Trần Gian-HVT)
Từ lâu. Lá Đời và lá Thơ của anh đã cùng song hành. Tôi đã nhiều lần chạm vào nó. Có khi treo những hạt sương mùa nắng ấm. Có khi chung chiêng trong cơn bão. Và đêm nay gặp Chiếc Lá Cuối Mùa khi những giọt thời gian cuối cùng của năm cũ sắp rơi. …/những chiếc lá vắt qua mùa/ qua đôi vai gầy guộc cuộc đời này../(Chiếc Lá Cuối Mùa-HVT).
Tôi nâng trên tay chiếc lá Đời đã nhuốm màu guốc đỏ. Nhòm qua khung cửa thường ngồi cùng trang sách. Ngoài kia, trái vườn đang dần chin. Nghe rõ tiếng rơi về rất mỏng của ánh vàng.
Theo sự luân hồi của thời gian. Kết thúc là điểm bắt đầu. Lá đang bịn rịn chia tay mùa đông và mỉm cười với mùa xuân đang đến. Nó mãi vĩnh hằng. Không bao giờ rụng xuống. Gặp tri âm của bạn đọc trở thành chuông gió tâm hồn, rung lên những âm thanh huyền diệu.
Vì nó là chiếc lá Thơ.
CHIẾC LÁ CUỐI MÙA
Hoàng Vũ Thuật
Anh xé tờ lịch cuối năm
cánh cửa vô biên không ngày không tháng
khép như lệ thường
trong tích tắc anh nhận biết hơi thở của lá
có một đốm hồng vừa nhú trên cao
niềm tin mọc rễ
đã bắt đầu ngày mới hai ta
đã bắt đầu hai ta làm kiếp lá
xanh như ngọc mềm như lụa
ta sẽ hát bài ca óng ánh hơn ánh sáng
cho người nghe và người không nghe
những vì sao rụng đầy đám cỏ
những tràng hạt lần hồi trong bàn tay nhà tu hành
những gót sen dấu sau cánh áo nhiệm mầu
những đứa bé ngậm chặt bầu vú mẹ
những vết thương liền da
bắp u con bò giống
anh biết đó là tiếng róc rách mùa đi
anh cũng tin lá chớp bờ rào
đôi hàng mi trước ngõ
hằng đêm vườn thêm quả chín
cây điền chỗ trống gà đẻ trứng đầu tiên
mặt tường phẳng phiu lam nham nét vẽ
đêm chúa ra đời lạnh giá
tín hiệu hạnh phúc
những chiếc lá vắt qua mùa
qua đôi vai gầy guộc cuộc đời này
xứ sở mặt trời ngủ quên chưa kịp dậy.
25/12/2016