Điều mới mẻ nữa không thể không nhắc đến, rất dễ nhận ra mà các bài thơ mới đạt được để có chỗ đứng lâu dài trong trái tim độc giả , đó là thủ pháp xây dựng hình tượng giàu yếu tố tâm linh. Hình tượng trong thơ truyền thống chủ yếu được xây dựng theo phương thức tả thực. Thơ bây giờ trong sự giao thoa với các dòng văn hoá mới, các phương thức xây dựng hình tượng đa dạng hơn, kịp hòa nhập cùng dòng chảy văn hoá hiện đại các yếu tố siêu thực, trường liên tưởng tâm linh, cái “ khoảng mờ trong vòng tròn nhận thức ”( Kant ), bấy lâu chưa được chú ý lắm nay được gia tăng, từ đó đưa đến một hệ quả “tính chất cá biệt” ở nhiều bài thơ hiện đại rõ rệt hơn, đa dạng hơn, tác động thẩm mỹ vào tâm hồn người đọc phong phú không hề thua kém các thể tài thi ca hiện đại khác. Một bài lục bát hay được nhắc đến:
lá ngô lay ở bờ sông
bờ sông vẫn gió
người không thấy về
xin người hãy trở về quê
một lần cuối… một lần về cuối thôi
về thương lại bến sông trôi
về buồn lại đã một đời tóc xanh
lệ xin giọt cuối để dành
trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha
( Trúc Thông - Bờ sông vẫn gió )
Ngoài sự mới mẻ ở câu chữ, bài thơ còn tạo một hiệu ứng thẩm mỹ khác lạ nhờ yếu tố hư ảo-tâm linh! Đứng ở bờ sông thấy gió lay lá ngô nhớ mẹ, theo cách nghĩ dân gian thấy hiu hiu gió tưởng là hồn về, tưởng mẹ về nhưng không thấy. Lòng mong nhớ khôn nguôi người con“xin” mẹ về một lần nữa thăm lại những kỷ niệm một thuở. Bài thơ diễn tả sâu sắc tình cảm của những người con đối với bậc sinh thành đã khuất. Bài thơ hư hư thực thực, lãng đãng khói sương. Hiện tại và quá khứ, thực và mộng đan lồng vào nhau. Thi đề “nhớ thương cha mẹ” ta được gặp rất nhiều trong thơ ca nhưng ở đây thể lục bát đã được cách tân và chất hư ảo làm màu sắc hiện đại khá rõ.
Bằng Việt, một tác giả xuất hiện thời kháng Mỹ với một phong cách tự do tân kỳ từng được độc giả yêu mến từ những tập thơ đầu tiên sóng đôi cùng Lưu Quang Vũ, về sau khi hồn thơ đã chín lại làm độc giả yêu thích bởi những vần thơ lục bát hư ảo.
Quá khuya, chợt thấy mình già
Nhìn ra cửa sổ, mưa sa kín trời
Một đời gọi mãi:
Người ơi!
Môt đời khát vọng, một đời bồng bênh,
Mê say là chuyện đã đành
Biết đâu tỉnh lại, nhân tình trắng phau!
( Đọc lại Nguyễn Du)
Trong một không gian hắt hiu “canh khuya mưa bay kín trời”, không ngủ được nghĩ về nhà thơ tiền bối, tác giả triển khai câu thơ với cái tứ đầy màu sắc hư ảo - tâm linh nối liền quá khứ với hiện tại, người hiện hữu chuyện trò với người đã khuất. Tác giả muốn tâm sự với nhà thơ quá cố sự day dứt, thức ngộ về thân phận của thi nhân với cuộc đời “Biết đâu tỉnh lại, nhân tình trắng phau” và cả nỗi phân vân bất định về văn chương thời nay "Rạc rài chút phận văn chương/ Cao sang nhòe lẫn tầm thường ngẩn ngơ ”.
Chính cái màu sắc tâm linh mà các tác giả xử dụng tài tình đã tạo nên vẻ đẹp vừa hiện đại những cũng rất dân tộc ở các thi phẩm, cái yếu tố này một thời hơi mờ nhạt, ngắt quảng, nay lại hiện hữu nối tiếp làm liền mạch truyền thống thơ ca Việt cả dân gian cũng như bác học.
Những so sánh liên tưởng ngầm đưa các chi tiết đời sống vào trong từ trường nội cảm, vào tâm thức. Hình tượng thơ luôn “hướng nội” và “hướng thượng” , nhiều khi như một lĩnh hội cuả đạo giới. Những hình ảnh so sánh gắn với vô thức được thấu triệt như một “đốn ngộ” nhờ “con mắt thứ ba” – tuệ nhãn, huệ nhãn - cái nhìn bên trong theo cách nói của tôn giáo. Cũng một lối ẩn dụ về con đường đi của đời người nhưng có sắc thái khác đầy nét suy tưởng, ánh lên một sắc thái tâm linh , đó là sự thể hiện của Trần Ngọc Tuấn về bước chân con người “ Qua dốc sương mù”:
Gánh củi qua dốc sương mù
Mồ hôi giọt gịot gió ù ù bay
Nghìn tia nắng dệt trang ngày
Bước chân hoan hỉ , đêm này lửa reo
Cuộc đời như người gánh củi , gánh lấy bao nhiêu nỗi vất vả ,ngày đêm vượt qua con dốc sương mù , Mồ hôi giọt gịot , gió ù ù bay . Nhưng “qua dốc sương mù” rồi là bắt gặp rực rỡ ánh sáng , ánh sáng của “nghìn tia nắng” , ánh sáng của “đêm lửa reo” , người gánh củi đăng trình trong “ bước chân hoan hỷ”. Nỗi vất vả , thống khổ trở thành con đường hạnh ngộ. Bài thơ không chỉ biểu hiện khách quan về con đường đời mà trong một gửi gắm sâu xa về sự “tự sáng” của chủ thể tha nhân là ánh sáng chân lý mà con người “ngộ” ra khi vượt qua được “ dốc sương mù”của tâm trạng .
Hay như Lê Quốc Hán bằng cái nhìn bên trong, khi chiêm nghiệm sự đời tác giả “ ngộ” được cái nghịch lý ...Nhắm mắt nhìn xuyên bốn cõi, Trông ra thế giới mù loà...Thế giới bên ngoài nhiều khi không tương thích với bên trong, bằng cái nhìn cơ học chúng ta sẽ bị đánh lừa dẫu mắt có mở to bao nhiêu, chỉ có thể thức nhận thế giới bằng ánh sáng tâm linh.
Ánh sáng của cái nhìn tâm linh sẽ soi dọi xuyên qua màn đêm giả tạo bao bọc sự vật, giúp ta ngộ được chân lý! Tác giả với một bút pháp nhuần nhuyễn sắc thái tâm linh Phương Đông đôi khi chỉ chấm phá vài nét cây cảnh nhưng lại nhiều ngụ ý thâm trầm nội cảm. Nhìn một đoá mai vàng khoe thắm trong sắc xuân , hẳn nhiều liên tưởng đến nhành mai của Mãn Giác thiền sư như là một tiếp nối cuộc sống vô tận “chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một nhành mai”, Lê Quốc Hán lại chiêm nghiệm một điều khác , chiêm nghiệm tâm linh về thân phận con người:
gốc mai già nua / lá dần thưa/ sắc rũa
sinh ra phận hoa/ xuân gõ cửa/ gượng mở ( Phận)
Phận con người là thế , kiếp này già nua , chiụ đựng tàn phai , để mong có một kiếp sau tươi nở trong màu xuân! Không có một hạnh phúc nào , tươi tốt nào nảy ra từ hư không!
Nhiều suy tưởng tâm linh , hình tượng thơ cuả Hoàng Vũ Thuật không đi theo lối tả thực mà trong nhiều bài nặng về linh giác - tâm thức.
...người ơi .Người hay trăng muộn /
mọc xế góc đời ta đây /ta mong manh .Và ta lơ lửng /
vô hồn giữa những đám mây
Hay :
nàng lơ đãng nàng không nhìn rõ /
vòng luân hồi xô đẩy đêm nay/
ta chỉ là linh hồn cây cỏ /
ta muốn ngừng hơi thở sau cùng /
để ánh sáng vầng trăng khâm liệm /chôn đời ta dưới gốc trần gian.
( cây trần gian)
Nguyễn Thanh Ngãng với bài haiku hiện đại: Góc chợ, chiếc lon rỗng, hạt mưa mồ côi ( giải nhất thơ haiku 2009), một bức tranh hiện thực - tâm linh về cõi nhân sinh.Thông điệp mà hình tượng thơ bộc bạch “hạt mưa mồ côi” không phải là sự nghèo đói của em bé ăn xin nơi góc chợ mà trùm lên mông lung là một kiếp người cô đơn trong cõi phù sinh! Lụt lội, hạn hán, động đất , thiên tai, mất mùa, rồi bệnh tật, chiến tranh... đã khiến bao gia đình tan nát , bao em bé phải lâm vào cảnh thương tâm mồ côi trong cuộc đời như vậy . Em bé người Việt, người Ấn, người Hồi , người Á ,người Phi...? Có thể tất cả các em bé bất hạnh trên thế giới có thể tìm thấy số phận mình trong bài thơ này. Hình tượng “hạt mưa mồ côi”- một ẩn dụ tâm linh nói về số phận các em trong cõi đời - một tia chớp nhân sinh xuyên thâú và soi dọi nhắc nhở tâm hồn con người hướng đến tình thương đồng loại, trách nhiệm với cuộc đời !