Nguồn: Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 26/02/2017
Được các dịch giả, các nhà xuất bản và các công ty kinh doanh sách chọn lọc kỹ lưỡng theo các tiêu chí cụ thể như: tác giả là nhà văn có tên tuổi nhất định tại Hàn Quốc nói riêng, trên thế giới nói chung; tác phẩm được giới nghiên cứu lẫn bạn đọc ở nước sở tại đánh giá cao, các tác phẩm văn học thiếu nhi hiện đại Hàn Quốc được dịch và giới thiệu tại Việt Nam thực sự là những tác phẩm mang đến cho độc giả nhiều trải nghiệm thú vị. Các tác phẩm đã sẵn bày một bức tranh Hàn Quốc sống động dưới ánh nhìn của trẻ thơ, khác hẳn với những hình ảnh về Hàn Quốc đã đóng đinh một cách rập khuôn trong lòng công chúng bởi những bộ phim truyền hình hoa lệ, những bản tin tài chính hoành tráng hay những sản phẩm thời trang quyến rũ.
“Chúng mình” nói chuyện của… phụ huynh
Văn học thiếu nhi hiện đại Hàn Quốc đã không đơn thuần chỉ là những tác phẩm viết về thiếu nhi mà còn là tất cả các lĩnh vực trong đời sống miễn là những vấn đề mà trẻ thơ quan tâm. Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân bởi sự dậy thì, tuổi trưởng thành của thế hệ thiếu nhi ngày nay ngày càng nhỏ dần. Các em đã chia sẻ cùng người lớn nhiều vấn đề của cuộc sống hàng ngày ngay từ độ tuổi còn nhỏ. Mang đậm hơi thở cuộc sống của một quốc gia công nghiệp, văn học thiếu nhi hiện đại Hàn Quốc thường chủ động phản ánh thực tại văn hóa – xã hội Hàn Quốc với những nan đề như sự phân hóa giàu nghèo, áp lực học hành thi cử, sự thay đổi trong các mối quan hệ gia đình bởi sự chuyển dịch không gian sống từ nông thôn ra thành thị… Ở một góc độ nào đó, độc giả cảm thấy lứa tuổi thiếu nhi cũng đang gánh trên vai việc nhận thức và giải quyết những vấn đề của cuộc sống hằng ngày.
Được trao giải thưởng Văn học thiếu nhi hiện đại hiện đại Mun Hak Dong Ne lần thứ 13, tác phẩm Cửa tiệm thời gian của nhà văn Lee Na Young là bức tranh miêu tả chân thực về đời sống học đường đơn điệu và nhàm chán mà học sinh Hàn Quốc đang mỗi ngày gánh chịu. Với nhân vật chính là cô bé Yoon Ah luôn phải chịu áp lực học ở trường và các trung tâm luyện thi, tác phẩm đã “khắc họa nên hình ảnh của những đứa trẻ đánh mất tâm hồn trong sáng trong cơn bão thi cử”. Tác phẩm cũng cho thấy tâm lý của các bậc phụ huynh “đang vì một tương lai được tô hồng mà trì hoãn hiện tại của con cái mình”. Tuy tập trung xoáy sâu về vấn đề tính trung thực, sự can đảm nhận lỗi và đề cao sự nỗ lực qua nhân vật chính là cậu bé Minho, song tác phẩm Cây bút thần kỳ của Shin Soo Hyeon cũng khiến độc giả không khỏi suy nghĩ về hiện trạng giáo dục Hàn Quốc với những gánh nặng học tập đè trên vai con trẻ.
Ra mắt độc giả Hàn Quốc lần đầu vào năm 1996, tác phẩm Cá Hồi của nhà văn Ahn Do Hyun đến nay đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia để đến với bạn đọc thế giới vì nội dung mang tính toàn cầu của nó. Với lối viết tựa ngụ ngôn, tiểu thuyết Cá Hồi hàm chứa những thông điệp lớn về một tình yêu mà con người nên có đối với loài cá hồi nói riêng, đối với thiên nhiên nói chung. Chia sẻ motif về nhân vật hành trình với tiểu thuyết Cá Hồi, tác phẩm Cá voi đỉnh núi của Lee Soon-won kể về quá trình trưởng thành của Đá Cá Voi. Cả hai tác phẩm đều là tiếng nói phản biện dựa trên thế giới quan của trẻ thơ về việc thiên nhiên đang bị con người tàn phá không thương tiếc.
Văn học “se duyên” cùng… ngoài văn học
Tác phẩm văn học Hàn Quốc thường tìm cách thu hút độc giả bằng cách kết hợp với tranh vẽ minh họa. Các tranh vẽ minh họa luôn pha chút hài hước, dí dỏm vốn là những đặc điểm mà trẻ nhỏ cảm thấy thú vị. Đặc biệt, các tranh vẽ đã luôn tự ý thức về việc phải tạo được cảm giác tự nhiên. Bởi vì, với độc giả nhỏ tuổi, yếu tố tự nhiên, gần gũi là rất quan trọng. Tác phẩm Cửa tiệm thời gian của nhà văn Lee Na Young được minh họa bằng 28 bức tranh của họa sĩ Yoon Jeong Joo. Nhân dịp kỷ niệm tái bản lần thứ 100, tác phẩm Cá Hồi của nhà văn Ahn Do Hyun đã được phát hành dưới dạng ấn phẩm có tranh minh họa do họa sĩ Han Byung – ho đảm nhiệm.
Tuy vậy, đó không phải là cách làm mới văn học thiếu nhi của riêng Hàn Quốc. Điều sáng tạo của họ thể hiện ở việc kết hợp giữa văn học và những điều ngoài văn học khác. Chẳng hạn như y khoa. Đó là trường hợp của tác phẩm Yêu con như nắng xuân do Story Blossoms sáng tác và Lee Sun Min minh họa. Lấy cảm hứng từ quá trình người mẹ trò chuyện cùng thai nhi trong quá trình mang thai, tác phẩm được dệt lên bởi những lời thủ thỉ tâm tình xiết bao đẹp đẽ dịu dàng. Tác phẩm là sự dung hợp khéo léo đến tài tình giữa những kiến thức y khoa của thai phụ và những thông điệp nhân văn dành cho trẻ nhỏ. Những biến chuyển trong cơ thể mẹ và bé theo từng tuần, những câu chuyện kể về nỗi trăn trở của bố mẹ khi đặt tên cho con, những biện pháp thai giáo khoa học và hữu ích, những vần thơ điệu nhạc ru êm giàu cảm xúc… Tất cả cùng hòa quyện như một tấm chăn êm ái chuẩn bị sẵn sàng đón một sinh linh chào đời. Quyển sách được giám sát nội dung bởi GS. Han Jeong Yeol (Khoa Phụ sản - Bệnh viện Je Il) với nhiều năm kinh nghiệm về tư vấn an toàn sức khỏe cho các bà mẹ Hàn Quốc.
Nhìn người ngẫm ta
Văn học Việt Nam dành cho thiếu nhi, từ lâu, vẫn luôn là nỗi trăn trở lớn không hồi đáp của những người trong cuộc. Nhắc đến mảng văn học này, độc giả vẫn chỉ có thể xoay quanh những tác phẩm kinh điển của các thế hệ sáng tác của nhiều năm trước như Dế mèn phiêu lưu ký (văn xuôi, Tô Hoài), Đất rừng phương Nam (văn xuôi, Đoàn Giỏi), Góc sân và khoảng trời (tập thơ, Trần Đăng Khoa), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa (văn xuôi, Nguyễn Ngọc Thuần), Kính vạn hoa (văn xuôi, Nguyễn Nhật Ánh)… Rõ ràng, thiếu nhi ở mỗi thế hệ cần phải có những tác phẩm mang hơi thở của chính thời đại mà các em đang sống. Điều này, văn học thiếu nhi hiện đại Hàn Quốc đang tỏ ra làm khá tốt.