Cám ơn anh bạn đồng khóaVăn khoa,Sư phạm Saigon những năm đầu thập niên 70 Vũ Ngọc Anh - Hồng Phương Viên, đã tình cờ bắt gặp và mail ‘dẫn độ’ bài thơ “Lời than phiền của người dự trận” (*) - bút danh Phan Đồi Thông của tôi,thất lạc dễ đến trên 40 năm, hồi gia đoàn tụ.
Vèo thời gian !
Sự kiện lịch sử 1975,cuộc cách mạng (révolution) đúng nghĩa xảy ra – mọi sự biến đổi cải cách hoàn toàn (révolutionner) - hạ tầng cơ sở đổ sụp,thượng tầng kiến trúc nhào theo cuồng phong gió lốc. Các ấn phẩm văn hóa phần lớn được đóng mác “tàn dư” bị truy quét tiêu tán - không mong gì gặp lại mà đôi khi chẳng dám gặp lại…(tội nghiệp vì sợ !)
Bài thơ cũ tôi viết trong bối cảnh đất nước phân ly,nồi da xáo thịt,phản ánh tâm trạng người lính trận mệt mỏi,chán chường,bế tắc,lê gót trên ‘4 vùng chiến thuật’,chờ đến lượt mình tiêu vong trong lò lửa chiến tranh tương tàn :
a- Thì đã hơn mười năm vào dự trận
anh còn gì đâu em
bầy kên kên rỉa mòn thời dĩ vãng
dấu tương lai theo con ngựa già về đầu núi
bộ vải xanh thơm mùi chiến đấu cổ tích
anh còn gì đâu em
giọt nước mặn đã khô trong nắng
nắng đã chết trong mưa
mưa rớt xuống lòng đèo xa xưa
b- Thì đã hơn mười năm vào dự trận
gào thét khản tiếng
tóc muối tiêu
hai mùa cứng còng vì những lo âu căm phẫn
anh còn gì đâu em
súng ống nhớn nhác như gà mở cửa mả
bạn bè anh đã lên xe về nghĩa trang
mỗi thằng có một người yêu
mỗi người yêu thì mồ côi
ôi những nắm đất chạy dài từng chặng
giọt nước nào vẫn lăn tròn như mọi khi
c- Thì đã hơn mười năm vào dự trận
chém giết mỏi nhừ tay
máu me chảy khắp những cánh đồng kinh hãi
bên này
bên kia…
da vàng máu đỏ
những cái xác
những vong hồn
như đàn củi mục mù lòa
trôi trên dòng nước hận thù ngộ nhận
d- Thì đã hơn mười năm vào dự trận
anh còn gì đâu em
ngoài chiếc mũ sắt lủng lỗ,
đôi giày “sô” há mõm
và con dốc hoang đường đưa tuổi trẻ ra đi
anh còn gì đâu em” ?
Bài thơ phần nào phản ánh tâm trạng tuổi trẻ miền Nam một thời hoang mang mất phương hướng …Sau biến cố tết Mậu Thân (1968), súng đạn giao tranh không còn xa xôi ở tận đâu đâu Khe Sanh,Dakto,Pleime,AShau,A Lưới… qua những bản tin chiến sư hàng ngày mà đã đến gõ cửa từng căn phố : Phú Lâm,Phú Định Cầu Tre(Q11),Xóm gà Gò Vấp,đài phát thanh,tòa đại sứ Mỹ,dinh Độc lập trung tâm Saigon….
Tuổi trẻ SVHS ngày ấy có vẻ già giặn - chúng tôi bị cuốn theo dòng thời cuộc,đối mặt với sắc lệnh tổng động viên toàn phần,đôn quân bắt lính.Tâm tư là một bãi tha ma nặng nề.Gọng kềm lịch sử đã đưa đẩy số phận dân tộc vào tấn bi kịch chém giết,tiêu vong vô nghĩa.Tư tưởng phản chiến bao trùm.Cơn khát hòa bình cháy cổ.Không biết rồi sẽ ra sao nhưng trước mắt nguyện ước của người dân : hãy câm đi tiếng súng,hãy chấm dứt đổ máu bằng bất cứ phương án giải pháp nào – kể cả chuyện thắng/thua. Dân tộc phải được tự quyết – tự quyết ra sao là câu chuyện chúng ta đã và đang loay hoay tìm kiếm…
Bài thơ nhỏ lẻ có là gì đâu.Gặp lại núm ruôt của mình thật hạnh phúc - tôi ôm chặt ‘tôi’vào lòng - tôi ngắm ‘tôi’cái thời mười tám,đôi mươi vừa quen,vừa lạ.Soi vào câu chữ,ý tưởng huyết não tươi rói.Hồn vía đời sống cũ dường như chưa siêu thoát,còn lẩn khuất đâu đây.
Tiếng nổ kết thúc lâu rồi.Xác người phân hủy ,xác chữ còn đây
Cánh cửa khép lại.
Dòng thơ tháo rời từng câu,từng con chữ rụng xuống đại ngàn trống rỗng !
Cuồng phong lịch sử vẫn không ngừng tiếp diễn …
Cám ơn ân nhân đã cho ‘cha-con’ tôi hạnh phúc trùng phùng hội ngộ - nhìn lại suy nghiệm về đất nước mình đã có một thời như thế để yêu thương.
(Saigon ,02/3/2017)
(*)Tạp chí“Quần Chúng” số 13 - năm1969,trg78-79 - chủ biên Cao Thế Dung)