Những cái lẩu tôm tươi tỏa khói ở các nhà hàng nơi đô thành vô nghĩa với tôi, bởi từ lâu tôi đã phỉ nhổ vào chủ nghĩa hưởng thụ, khoái khẩu, xa hoa, vị kỷ đó, và vứt lại trên đống nhầy nhụa ấy lời biện hộ giúp những kẻ cuồng ăn một khái niệm vỉa hè cao cả rằng “khi nhậu là đang tiêu thụ nông thủy sản cho dân cày”. Từ đó lòng kẻ ngốc dại này lê thê “digan” về những cánh đồng nước lợ quê người.
Những dải cát ven biển được chia ra như những thửa ruộng trồng lúa của dân cày trồng lúa ở hạ nguồn các dòng sông hay thung lũng trên cao nguyên. Người ta đào xuống các mảnh cát đã chia đó để tạo nên hồ. Có thể tắm trên những tiểu hồ nông cạn này. Những đồng tôm ngun ngút như thế, dài mãi, rộng mãi, dọc ngang, chồm ra gần mặt biển ở hướng đông, bò lên tới sát quốc lộ 1A ở hướng tây. Một chủng loại ruộng đồng mới, chưa từng xuất hiện trong cơ thể lãnh thổ lẫn lịch sử canh ngư ở đất nước tôi. Rất ấn tượng, đẹp quái lạ, dội lên sự sáng tạo mưu sinh lẫn sức chinh phục tự nhiên như không giới hạn của con người. Nhân vật chính ở dưới các mảnh hồ nối tiếp nhau ấy là con tôm. Thứ nước lờ lợ giữa mặn và ngọt đây là sự khởi đầu của con tôm trong nồi lẩu ngày mai kia, nơi con tôm sinh thành. Rằng từ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, khi mà người ngư phủ miền biển khắp nước muốn đánh tôm chỉ duy nhất cách ra khơi, tìm dưới biển, như tìm con cá, con mực, thì ở bên bờ vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa này bắt đầu xuất hiện những đìa nước như thế. Dân cày bỏ vườn, ngư phủ bỏ biển, lao xuống ruộng nước lợ, thả tôm con_ họ gọi là “tôm post”, ra nuôi. Khi con tôm đủ to thì bắt bán thịt_thành hàng hóa.
Cô bác trên các đồng kia bảo những con tôm nuôi dưới kiểu hồ ruộng mà họ gọi là Đìa này chính là con của những con tôm bố mẹ hoang dã ngoài đại dương. Loài tôm hoang dã được một loài khác, loài người, thuần hóa. Cho đến hôm nay, khắp Việt Nam, tôm bố mẹ ngoài biển Đông kia vẫn đảm nhận sứ mệnh sinh sản, nguồn cung cấp duy nhất tôm con cho những đìa tôm trong đất liền_ vẫn chưa thể tạo ra được tôm bố mẹ. Có nghĩa rằng, nghề nuôi tôm sú thương mại được ra đời là khi con người cho tôm bố mẹ mang từ biển khơi về đẻ thành công. Trên những đìa tôm ven biển, người nuôi tôm đã mở mắt mở mũi cho tôi vậy đó.
Huyền thoại tan biến
Vậy là ý tưởng đưa tôm ngoài biển về đẻ thành công, và lịch sử nghề nuôi tôm sú ở Việt Nam ra đời. Bởi thế, mới rõ vì sao phần lớn những nhà sản xuất giống tôm thuở ban đầu, và mãi cho đến nay, đều cũng tập trung ở Cam Ranh. Dân khắp nơi đổ về đây học nghề cho tôm đẻ và nuôi tôm. Gần hai mươi năm qua, người Cam Ranh tự hào xứ sở của mình là nơi khai sinh ra nghề tuyệt vời và ngoạn mục này là vì thế. Nghĩa là có một Cam Ranh bình dân lặng lẽ oai phong, không phải vì là Quân cảng nổi tiếng ưu thế hàng đầu ở Châu Á, Vịnh xinh đẹp, ngời ngời cát trắng pha lê SiO2… Thoáng một cái, có đến năm trăm năm chục trại làm tôm con giống ra đời.
*
Tôi cứ đi giữa những đồng tôm bao la, từ đìa tôm này sang đìa tôm nọ. Nắng hùng hục từ trời và ẩm khí lồng lộng dưới chân. Tôi chỉ cõng theo một câu treo đầu môi mình: Ai nghĩ ra được nghề nuôi tôm ở đây ?, khi gặp bất cứ trẻ, già nào. “Mai Đình Phong”, cô bác trả lời nhanh gọn, đồng nhất. Cả xứ Cam Ranh tỏ rõ biết ơn ông. Có người bảo Mai Đình Phong như là nhà khoa học, và siêu thoát hơn thế nữa là “Nhà khoa học giang hồ”, bay bổng, điên, mạo hiểm, không tưởng....Vv…và vv. Cho dù chẳng ai biết tường tận xuất thân của Mai Đình Phong là gì, ngư dân, tiên ông, chuyên gia thủy sản, hay sứ giả của đại dương. Bởi ông chẳng nói với ai về mình. Cũng chẳng hay ông có biết một nhà khoa học người Nhật tên Chiu Liao đã từng cho tôm đẻ thành công ở nước tư bản Nhật Bản và Đài Loan vào thập niên sáu mươi kia không. Cô bác chỉ biết ông lạc đến đây, tiên phong, lao vào, nghiên cứu, thử nghiệm nhân giống từ con tôm hoang dã ngoài biển, biến thành vật nuôi, rồi một mình lặng lẽ đưa ra những mô hình nuôi tôm non, tôm sú thương phẩm_xuất khẩu nhé. Nên những trại cho tôm đẻ ra đời đầu tiên như Ba Ngòi, Bãi Tiên, Ba Làng (Khánh Hòa), Gò Đền (Ninh Thuận)… mà tôi đã đi qua đều đồng nghĩa với bóng dáng con người mang cái tên Mai Đình Phong ấy.
Trên bề mặt trượt theo con tôm, người ta có biết đời ông ta là chuỗi dài những năm tháng lưu lạc với tôm vào Ninh Thuận, Bình Thuận, rồi tận Bạc Liêu, Cà Mau, rồi có lúc nghe đâu ngược ra Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng… Đây đó những đồ đệ từng theo ông hiện còn ở Cam Ranh khẳng định ông đi đến đâu là khai mở nghề nuôi tôm và nhân giống tôm ở đó. Ở Cam Ranh người ta tương truyền rằng, bất cứ đầm trại đang đầu tư sản xuất giống nào ông xuất hiện đều để lại cái câu: “Nếu tôm đẻ không thành công, xin thế chấp tính mạng này!”. Không ai quên kiểu nói giang hồ hảo hớn này của ông. Cứ thế, theo kiểu “ chìa khóa trao tay”, ông lần lượt đẻ ra không biết bao nhiêu là trại tôm giống suốt dọc nam Trung Bộ, đến tận tây Nam Bộ, rồi các tỉnh phía Bắc sau này. Dân nuôi tôm ở Cam Ranh thừa nhận cả tuổi xuân của ông trôi theo tôm, hi sinh cho con tôm, dấn thân vì tôm. Họ còn biết ông nổi tiếng nhờ tôm, nhưng tan gia bại sản, cuộc đời nổi trôi, điêu tàn cũng vì tôm.
Thế mà, bỗng nhiên mấy năm rồi đột nhiên người dân Cam Ranh không còn thấy người đàn ông trung niên chưa qua tuổi năm mươi kia ở cái thị xã duyên hải này nữa. Ông biến mất. Như huyền thoại. Con tôm sú làm sống động Cam Ranh thì ở lại, cùng nền nuôi tôm hàng hóa.
Bây giờ ông ra sao, chỉ có trời mới biết; còn người Cam Ranh không quên ông là người nói giọng miền Bắc, hình như lạc đến từ Thủ đô Hà Nội_ một nơi chốn chẳng dính dáng gì đến biển cả, con cá con tôm. Họ cũng không quên, ông là kẻ có kết cục trắng tay vì tôm_dù nhiều đồ đệ của ông, cùng bao nhiêu người khác nhờ học lỏm từ ông mà nên nhà cửa, trở thành triệu phú, tỉ phú. Dân gian lưu truyền rằng, tất cả bởi vì ông quá ngang tàng, bất cần, đến độ gàn gở, luôn chất đầy mạo hiểm lên cuộc đời mình, chỉ thích chinh phục, nghiên cứu, thử nghiệm, không cơ hội và thực dụng như người thường. Mà với con tôm giống, chỉ cần đôi lần gặp sự cố về nó, là đủ… nợ cả đời.
Sóng lòng đìa
Bây giờ đã là tháng 5 dương lịch. Theo người miền biển Cam Ranh, nghĩa rằng vụ thả tôm chính đã qua gần hai tháng. Nếu thả trễ hơn sẽ giáp mặt với mùa mưa bão, càng dễ thất bại. Ông Lê Tấn Mười chủ trang trại tôm Nguyễn Nho ở phường Cam Lộc, một người nuôi sừng sỏ nhất Cam Ranh than thở: … Một sự ảm đạm chưa từng có đang phủ xuống xứ sở này rồi bạn lạ ơi !
_... Sao vậy ?, tôi hỏi.
_ Năm năm về trước, hễ từ tháng 3 là chúng tôi thả tôm xuống đìa rồi. Còn hiện nay, đến lúc này cả tám hécta đìa của gia đình vẫn bỏ trống, xả nước vào rồi nhưng không dám thả.
Ông Mười rằng, thời tiết âm u kéo dài, môi trường nuôi tôm cả vùng Cam Ranh này vốn đã ô nhiễm triền miên, lại nắng hạn dai dẳng khiến nồng độ mặn trong đìa nhảy lên 40 – 41%, độ pH tràn lan cao tới 85 - 90, thả tôm con xuống chẳng khác đốt tiền thành tro… rải xuống đìa. Trước đây mỗi năm thả hai vụ rưỡi gối đầu, nay một vụ cũng bấp bênh, thua lỗ dài dài. Năm nay khỏi nuôi nữa. Thế rồi, lại vẫn cứ hơn mang cả trăm triệu cho xuống đìa, thả tiếp tôm. Một tháng sau, bắt đầu ngồi trên bờ xem tôm… chết.
Ông ước, cầu trời mưa xuống, may ra tẩy rửa được môi trường xứ sở Cam Ranh của ông.
*
Rảo bước trên những trang trại tôm ở Cam Linh, Ba Ngòi gặp ai cũng chung một tiếng than tôm dịch bệnh triền miên, từ ba bốn năm nay. Ông Trịnh Văn Công cho biết lứa tôm anh mới vừa thả xuống chưa đầy hai tháng cũng đã phải… “thu hoạch”. Trong khi tôm nuôi phải năm tháng mới có thể bắt bán thịt. Cay đắng vì tôm quá, anh mang cá mú thả xuống đìa. Nhưng kết quả phải chờ ở trời. Thê thảm hơn trước cảnh tôm chết non là nhũng đìa tôm ở khóm Trà Long, Ba Ngòi… Nó hiện ra như cánh đồng chết. Nhiều chủ đìa trong vòng ba tháng xuống tôm giống hai lần. Tôm chết, lại dọn đìa thả lại. Đốt đi năm bảy chục triệu. Nhiều người kể cho nghe về số tiền nợ phải tính bằng trăm triệu. Thế mà cái tư tưởng quyết liệt:“đã làm tôm thì lao theo tôm; nếu nợ tôm thì gỡ bằng tôm” vẫn sừng sững. Nên lao vào nghề tôm thì thua bại không trách thế cuộc, trời đất. Thứ triết lý ấy là từ tổ sư Mai Đình Phong rồi. Nợ mà đuổi nợ, nuôi tiếp, mặc nợ dài ra. Luật trời ở đây là thế, ba năm trước thu vào bạc tỉ, ba năm sau thành người trắng tay. Người ta quen chứng kiến hình ảnh nhờ tôm mà nhà lầu đua nhau mọc lên, thì nay lại cũng chứng kiến cảnh vì tôm mà bán nhà bán cửa, trốn nợ, bỏ quê xứ chạy, đổ vỡ gia đình. Đây đó nhiều người Cam Ranh tha hương, vào Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau… mà nuôi tôm thuê.
Ôm xác tôm vào lòng
Buồn quá xá buồn khi đi trên những đồng tôm duyên hải. Từ chỗ ồn ào chợt chuyển dần nó chuyển sang vắng tanh. Chưa bao giờ ở Cam Ranh đìa tôm ế ẩm như bây giờ. Quê hương của nghề nuôi tôm sú lại bỗng đầy hình ảnh rao cho thuê, bán đìa phổ biến thế này. Người nào còn cầm cự được thì ráng gỡ, người nào không đủ lực tái đầu tư thì mang đìa cho thuê. Ai túng quẫn, nợ nần nặng chỉ còn cách bán dần đìa, và cứ thế bán cho đến hết. Như cái đĩa trước mặt tôi đây, rộng bốn sào, để giá năm triệu mỗi năm. Cô bác đứng trên đìa bảo trước ai muốn thuê chỉ cần bỏ ra ba chục triệu. Còn cái đìa rao bán phía kia nữa, treo mãi cũng không ai hỏi. Chị Phạm Thị Thu Vân, một chủ đìa ở khóm Bốn, Ba Ngòi, thấy tôi lang thang trên đồng tôm:
_ Mua đìa hả ?.
Chị Vân nói rao thế đã hai năm rồi. Mười một vụ tôm thất bại trong vòng bốn năm tiếp, khiến đìa trở thành kẻ thù của chị. Sau khi bán căn nhà giữa phố Cam Ranh để trả nợ, cả gia đình chị phải dọn ra luôn ra nơi cái lều canh đìa tôm giữa đồng này để ở. Giữa lúc đường cùng, chồng Chị xuôi luôn phương nam làm thuê nghề gì chẳng rõ.
_ Chị chấp nhận cho anh ấy đi làm thuê xa, không sợ… mất chồng à (?!)_ tôi chia sẻ.
_ Đã nghèo đến thế thì ai thèm… ưng, mà sợ !_chị tin qui luật này.
Cũng chính vì sự thất sủng liên tiếp kéo dài của con tôm sú mà gần đây, đời sống ở cái thị xã mà con tôm sú từng mười năm tung hoành này trở nên buồn đi nhiều lắm. Chỗ nào nhắc đến tôm cũng gợi đến một nỗi hắc ám.
Cả Thị xã sống nhờ tôm. Từ anh canh đìa đến chị bán đồ gia dụng trong phố thị. Bức tranh buồn này bắt đầu từ dịch bệnh trên tôm. Người đứng đầu ngành nuôi trồng thủy sản ở Thị xã Cam Ranh, ông Phạm Huy Cuông, Trưởng phòng NN&PTNT khẳng định: Ô nhiễm quá nghiêm trọng. Môi trường đã bị biến đổi hoàn toàn. Ông Cuông bảo, tình trạng đã đến mức không còn một góc biển, bờ đìa nào an toàn, trong lành nữa.
Ô nhiễm đã xâm nhập đến mức khó có thể cứu chữa. Khi mà hệ thống đồng tôm ở đây hoàn toàn tự phát, không hề có hệ thống xử lý nước nuôi thải chuyên nghiệp. Chủ một đìa tôm ở Trà Long, ông Trần Ngọc Nam bồi thêm: gần như hệ thống kênh dẫn nước trong những đồng tôm mọi người đã không còn dám sử dụng nữa. Thay vào đó, ai cầm cự nuôi, phải dùng ống dẫn hút nước biển từ biển vào. Vì thế khắp nơi thấy cô bác hay ngồi chờ nước triều lên, hoặc mưa xuống. Có người sốt ruột, thì thấy dùng bể cát để lọc nước trước khi cho nó vào đìa.
*
Ai cũng phóng theo tôm, mộng ước đổi đời bằng tôm. Sự phát triển bừa bãi kéo dài, tận dụng triệt để vùng sinh thái ven biển, cộng với sự bùng nổ cơ sở sản xuất tôm giống cẩu thả… đã khiến cả vùng tôm gần như vượt khỏi tầm kiểm soát. Có đến đây mới nhận ra vai trò và hiệu quả của chính quyền trong nuôi trồng thủy sản mờ câm đến khó tưởng. Đến tôm mà còn dùng cả công nghệ, hóa chất kích thích để cho đẻ được nhiều hơn kìa. Thế nên gần đây mới xuất hiện “Cò” tôm bố mẹ khắp nơi, nổi lên như giặc, cũng là nhân quả bình thường của hạt giống đã gieo. Cô bác Cam Ranh lạ gì trò thất đức khi những tay buôn tôm giống mang những con tôm bố mẹ đã từng sinh đẻ rát bụng rồi ở Phú Yên, Bình Định đi vòng đường biển để cập vào cảng Cam Ranh giả rằng mới đánh bắt được ngoài khơi hoang dã về để bán cho người Cam Ranh.
Giờ thì chính quyền cùng những chuyên gia về nuôi trồng thủy sản trong nước mới xuất hiện, đi qui hoạch, và dạy cho cô bác: vùng Cam Ranh chỉ nên một nửa diên tích trong số ba ngàn ba trăm hécta kia làm đìa là vừa.
Cam Ranh vỡ Trận địa tôm.
Thương quá đất tổ nghề.
Thương con tôm nổi trôi. Thương nền nuôi trồng thủy sản tự bơi. Đầm đìa tự rơi.
*
Đi mãi, rồi thì tôi bỗng đứng trước trang trại tôm giống qui mô nhưng đang rơi vào cảnh hoang tàn của cha đẻ nghề nuôi tôm Mai Đình Phong nơi bờ biển phường Cam Linh. Hẳn như mọi người Cam Ranh, tôi chợt chạnh lòng, và càng chạnh lòng hơn khi không rõ giờ đây người đàn ông nghĩa khí này đang lang bạt xứ nào ở dọc dài duyên hải Việt Nam. Chẳng mấy người có thể biết ông từng làm ở Viện hải dương học nhưng vì muốn làm con người tự do sáng tạo, khai phá nên ông đã bỏ Viện này từ hơn hai mươi năm trước đâu.
Ông tổ nghề tôm dĩ nhiên không chịu trách nhiệm về bức tranh điên loạn, vây khốn hay lạc lối của nghề tôm. Ví như người phát hiện ra chiếc máy radio nhân từ với người xài nó tự tàn bạo với cái lỗ tai khi mở xả volume đến nổ tung cái tai mình.
Cố mà ai ủi, khích lệ, làm vo tròn thế sự, thời cuộc thôi. Thì rằng, dù gì thì con tôm sú cũng đã trở thành một thứ sản vật xuất khẩu hàng đầu ở đất nước tôi nhiều năm nay, mang về mỗi năm lượng ngoại tệ khổng lồ, thành vật nuôi phổ biến dọc mấy ngàn kilômét ven duyên hải từ chóp biển Cà Mau ra đến cửa sông Bắc Luân. Thành “niềm tự hào quốc gia”. Tiếng vọng trong văn bản báo cáo từ các tỉnh thành ở xa khác luôn vang về Cam Ranh là con tôm sú vẫn phới phới, và nó vẫn là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực quốc gia. Sự thật ở các nơi đó thế nào thì người Cam Ranh không tưởng tượng được.
Xứ Bạc Liêu hậu sinh ở tít trời xa Phương Nam giờ trỗi dậy, được chọn làm “Thủ đô” của ngành nuôi tôm quốc gia.
Tôm ơi, mi đã làm lột xác hân hoan lẫn đau khổ đời sống của bao làng mạc nghèo khó ven biển nước này. Sao mi bỏ những cái đìa bạc phơ ở đất tổ Cam Ranh này đi chi vậy hả tôm./.