Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.065
123.138.086
 
Ghi chép Január - Február - 2017
Nguyễn Hồng Nhung

     

 

Còn bốn ngày nữa hết năm, một năm kỳ lạ. Xung quanh ta đông đặc những người là người, vậy mà phải đợi một trong nhiều giấc mơ trở thành hiện thực, ta mới quen được vài ba người trong cái đám đông đặc ấy.

Té ra con người phải tìm thấy chính nó đã, rồi mới nhìn thấy những kẻ khác. Té ra từ trước tới nay cả một đám đông quờ quạng tìm nhau, trong tư thế bị bịt mắt, như trò chơi bịt mắt bắt dê. Đôi khi túm được một vạt áo, một góc khăn, nắm một ngón tay lại cứ tưởng đã tóm được một hình hài nguyên vẹn. Bởi chính nó cũng chỉ thể hiện nó trong những mảnh vỡ, trong những bộ phận què quặt trên một cơ thể mà nó tưởng lành lặn, đầy đủ.

Té ra không hề có một kẻ nào trọn vẹn, đầy đủ, ai cũng thiếu một cái gì đó mà chính họ cũng không biết. Có thể nhân loại giờ đây chỉ là những mảnh vỡ người ghép lại, khi thời đại tiến sát bờ vực thẳm. Thảo nào đêm chỉ là những giấc mơ nối tiếp nhau thay giấc ngủ và ngày chỉ là những trò chơi đuổi bóng bắt hình.

Chỉ khi bỗng nhiên vào một ngày, sau rất nhiều khổ công kiên trì chờ đợi, lặp đi lặp lại những thao tác chán ngắt, nó nhìn thấy một giấc mơ  đêm biến thành một hiện hữu ngày, khoác một hình hài có thật dù chỉ vài khoảnh khắc, lúc đó nó nhìn thấy chính mình và một vài kẻ khác đang hưởng nỗi hân hoan của sự thăng hoa ngắn ngủi... Có  đủ cho một nhận thức tích tắc duy nhất làm người?  ( 2016. dec. 27. 1h30 sáng)

………………………………………………………..

Ba giờ sáng. Lúc lạnh nhất của đêm. Hơi tuyết lướt qua rèm cửa sổ phả vào mái đầu khiến linh hồn đang lang thang chợt tỉnh hẳn. Trước đó, nó lạc vào mông lung của những phút mơ và suy tưởng. Chính thế. Con người không bao giờ ngủ hẳn hoặc thức hẳn mà vừa sống vừa chết, vừa nghĩ suy và hành động, cùng lúc, hoặc hơi nghiêng về một phía...

Đêm trước, nó đã thấy mình đi ra từ một khu rừng tối om, nó đã bỏ lại bao dáng hình mờ mịt của những cây cao và những rễ leo ngoằn ngoèo mờ nhạt, để đi về một phía khác, nơi trong cơn mơ màng nó nhìn rõ đấy là những hàng cây xanh non trẻ rắn rỏi đứng thẳng ngẩng đầu nhìn vào những đám mây mờ sáng xanh xao của bình minh đang rạng...

Nó đột nhiên nhìn rõ năm vừa trôi qua của mình trong một hình thức lạ. Phải, bốn mùa đã ban tặng cho nó những phước lành kỳ lạ. Trong tích tắc thiên nhiên trải trước mắt biến thành những con người- hay đúng hơn, những linh hồn siêu việt từ cây đội hình hài người sà xuống bên nó...

Phút ấy nó biết rằng cần phải viết ra tất cả, những cuộc gặp gỡ kỳ lạ của bốn mùa, trong ân sủng vô hình Thượng Đế trao, mở giúp nó một vòng quay mới. Nó biết rằng nó đã bước ra từ thế hệ già nua của chính mình để gặp gỡ những tâm linh non trẻ của thế hệ tiếp nối, để hiểu sâu sắc thêm điều này: sự bất tử của tinh thần người trao tặng cho nhau qua các thế hệ đời sống...

Và đẹp hơn nữa: chỉ trong văn chương, nghệ thuật thơ ca...chỉ trong tình yêu, sự thương mến và niềm trân trọng âu yếm lẫn nhau, linh hồn người mới học hỏi, chịu đựng và vượt lên mọi giới hạn của chính nó- để đến được với nhau...

Ba giờ sáng. Không thể không gõ phím. Đợi nhé, ơi ngôn từ xô dạt...

( 2017. január. 15.)

………………………………………

Mình đã từng viết câu này trong một truyện ngắn: "Mọi việc đều Có Thể đôi khi chỉ vì ta Không Thể đủ thời gian nhớ lại quá khứ." Đến hôm nay....vẫn thấy thế... hahahah....

…………………………………………………….

Mùa Xuân là chàng trai cứng rắn thể hiện tinh thần Phúc Âm qua sự săn sóc con người bằng tình yêu thương nhân loại.

Mùa Hè là chàng trai mang tâm hồn tự do bất tận đẫm chất mỹ học của Cây Đời vĩnh cửu xinh đẹp và khỏe khoắn.

Mùa Thu là chàng trai có tâm hồn -tri thức sâu thẳm uyên bác như mặt hồ thu phẳng lặng gợn buồn.

Mùa Đông là chàng trai duyên dáng dịu dàng bí ẩn như rặng núi xa, thoắt thay hình đổi dạng khôn lường trong sương mờ chuyển hóa.

Đấy, một NĂM yêu quý của tôi....

……………………………………………….

Tối hôm qua đọc cuốn CON NGƯỜI TRONG THẾ GIỚI TINH THẦN của Nikolai Alexandrovich Berdyaev do anh Nguyễn Văn Trọng dịch. Một cuốn sách không hề dễ đọc. Tuy nhiên, vì đã có một buổi trò chuyện rất sôi nổi suốt một buổi chiều với anh ở Sài gòn, nên, vì hiểu người dịch nên hiểu sách hơn. Nhìn thấy anh Trọng qua cuốn sách.

Bèn thử đi tìm chân dung tác giả. Qúa ít tư liệu, gần như không có. Anh Trọng"độc quyền" nhà triết học Nga trứ danh thế kỷ XX. này rồi. Ngẫm nghĩ sang Hamvas Béla. Hình như tư liệu về ông cũng rất ít. Mình nợ độc giả VN quá nhiều mà không biết...ôi....

Nhớ lại hôm trò chuyện với anh Trọng- anh sôi nổi nói về tôn giáo, lịch sử của nước Nga mà anh yêu mến và vô cùng am hiểu. Rồi anh vận dụng kiến thức sâu rộng của anh để so sánh với lịch sử và văn hóa VN. Mảng"VN học" này của mình rất mỏng, lộn xộn và không cơ bản, còn "xách dép" mà nghe anh ấy lâu.

Đấy, đời người rất ngắn, chỉ vài thập kỷ đi qua là hết, đủ để ta biết gì đâu? làm việc thôi....

( 2017. január. 19)

……………………………………………………

Gặp những người làm bộ phim tài liệu về Hamvas Béla KẺ VÔ DANH NỔI TIẾNG- ra đời cùng với cuốn sách mới nhất cũng nói về ông- hy vọng một sự hợp tác mới? (2017. 01.25)

Tôi chợt tỉnh lại trong tiếng piano chầm chậm của cô hàng xóm.

Trên bầu trời xám mùa đông đang từ từ ửng hồng, lũ chim xao xác bay qua bay lại trên những ngọn cây trụi lá khẳng khiu cành...

Tôi chợt tỉnh lại sau một tiếng đồng hồ chìm đắm hẳn vào bộ phim KẺ VÔ DANH NỔI TIẾNG nói về Hamvas Béla của Zsuzsanna Katona và Péter Nyeste.

Quá tuyệt vời! cảm ơn Zsuzsa và Péter! Một bộ phim hoàn hảo.

Một tinh thần Hamvas Béla thực chất. Một điểm son của phim Hungary hiện đại.

Chân dung nhà hiền triết cuối cùng của Hungary? - không chỉ vậy, đây là chân dung văn hóa bi hùng của cả một thời đại, một thế kỷ - xảy ra cụ thể trên một mảnh đất châu Âu đương đại.

Cuộc đời của một con người bình thường được dựng lại trong bộ phim làm chúng ta nghẹn thở. Những câu trích dẫn trong các tác phẩm của ông như lời thuyết minh phim làm chúng ta kinh ngạc.

Quá sâu sắc, quá trực tiếp, quá con người, cùng lúc toàn bộ tác phẩm cuộc đời này có cái gì đó nhuốm màu truyền thuyết, huyền bí đến mức không thể tin nổi, khiến người xem vô cùng cảm động, bùi ngùi và trân trọng...

Với tôi- một lần nữa biết và tin rằng: khi đã dịch Hamvas Béla là có thể bước từng bậc thang mới trên con đường nhập định, con đường trở thành một con người đích thực trong kiếp sống này của mình. ( Budapest. 2017. január. 29. NHN)

………………………………………………….

Có lúc tôi yêu cảm giác phiền muộn khi nghĩ về người khác của mình, vì có nghĩa là người ấy vẫn đang nằm trong trái tim tôi... Thở dài là việc của gió.  Bước tiếp là việc của đôi chân.

………………………………………………………….

Người ta thường hiểu sai hoặc không đủ về khái niệm Khổ Hạnh. Với tôi đấy trước hết mang một ý nghĩa kỷ luật tự thân rất cần và rất khó thực hiện. Một hình dung minh họa khái niệm này với tôi là nền đạo đức Thiên Chúa giáo theo tinh thần Phúc Âm nguyên thủy. Chí ít thực hiện nó con người sẽ hiểu sự cao cả là gì, và tránh khỏi lòng thương hại.

……………………………………………..

Trước tiên con người làm việc và đau khổ vì những người khác, rồi dần dần, từ từ nó biết vui với những điều tuyệt vời nó tìm ra và dành riêng cho nó....

( 2017. február 04.)

………………………………………………………..

Mình không biết làm sao

thiêu cháy hết tuổi xuân khát vọng?

Chót vót đỉnh cao ngân khúc hát

một mình.

(Trên đường đi dạy học, chụp một chú chim mê mải hót- 2017. február. 05)

 

„Có lẽ tôi đã bỏ từ lâu những hưởng thụ thân xác nếu tôi có niềm tin. Nhưng ta nói như sau: đáng lẽ mi có niềm tin từ lâu rồi, nếu mi đã từ lâu bỏ hưởng thụ thân xác.

Mi cần bắt đầu cho mi. Giá có thể, ta sẽ cho mi niềm tin, nhưng ta không làm nổi, và không thể tìm hiểu xem mi nói đúng hay không đúng. Nhưng mi biết từ bỏ các thụ hưởng, và mi có thể nhận ra ta nói đúng hay sai.” ( Pascal - Hamvas Béla dịch)

(2017. február 11.)

Cô bạn có vẻ bồi hồi vì bông hoa lụa bạn tặng, tôi giữ đã sáu năm. Còn tôi lại hơi ngạc nhiên vì nỗi xúc động này. Sáu năm là gì trong một cuộc đời? cơn gió thoảng một thoáng chiều phai...

Nhớ lúc đó bạn làm rất nhiều loại hoa lụa đủ màu sắc, bày trên bàn, trên tủ, trên khung cửa sổ, nhưng tôi chỉ thích bông hồng này. Và không nghĩ rằng lúc từ biệt nhau bạn sẽ tặng mình. Người nghệ sĩ vui sướng sáng tạo và sẵn lòng trao để mọi người thưởng thức tác phẩm của mình. Nhưng mấy tác giả biết số phận tiếp theo của tạo vật ấy, vì thực ra nó bắt đầu gắn liền với cuộc đời người nhận. Đúng thế, bông hoa này đến với tôi giữa những tháng ngày cô đơn nhất, nó chia sẻ những đêm cặm cụi bên ánh đèn làm việc, nó nhìn tôi trầm ngâm bên cửa sổ những hoàng hôn, ngắm bầu trời nguội dần và lắng nghe tiếng chim thảng thốt thưa dần.

Một lần tôi đi ra phố. Trời bỗng đổ mưa, cơn mưa tháng mười lạnh buốt và mau hạt khiến tôi buộc lòng nép vào một mái hiên trú chân. Lúc đó tôi mới nhìn thấy một bà cụ ngồi dưới một chân cột gần đấy bán dấu diếm một cái gì đó, dĩ nhiên, nếu một người cảnh sát đi ngang nhìn thấy.... Bà cụ hỏi tôi có mua không, tôi nhìn: lọ hoa, chân đựng nến, bình rượu bằng đồng mạ vàng bên ngoài. Bà cụ kể những đứa con đã tặng cụ lúc nào đấy, nhưng giờ cụ muốn về quê sống tiếp phần đời còn lại, cụ nhớ làng, không thích thành phố nên cụ bán đi lấy ít tiền.

Thế là tình cờ bông hồng trắng xinh đẹp cô bạn tặng tôi bỗng có một cái bình cắm rất đẹp đích thực chỉ dành cho nó. Tôi và hồng trắng lại âu yếm ngắm nhìn nhau giữa bao nhiêu trang sách, bao nhiêu ý nghĩ đến rồi lại đi. Đêm, những đường viền rắn rỏi của đóa hồng sắc nét hơn, trông nó trầm ngâm hơn giữa căn phòng lặng lẽ. Nhưng buổi sáng, khi mặt trời chiếu những tia nắng trong trẻo vào phòng, lên bàn làm việc của tôi, đóa hồng trắng mỉm cười đầu tiên, trông nó dịu dàng và thư thái như một kẻ không vương chút bụi trần nào. Tất nhiên, những lúc đó linh hồn tôi cũng ca hát, các trang sách cũng ca hát, lọ cắm bút, đèn, giấy...tất cả đều cười và ca hát.

Rồi một lần, tha thẩn đi chơi, tôi chui vào cái chợ cổ hơn một trăm tuổi trong thành phố, thấy người ta xúm xít bên cạnh một người bán các tranh thánh vẽ trên gỗ (icon). Tôi đứng xem rất lâu và cuối cùng mua một tranh gỗ vẽ Đức Chúa Jezus có một đôi mắt rất buồn. Từ lúc đó trở đi Chúa luôn luôn nhìn tôi và bông hồng lụa trắng trên bàn làm việc của tôi. Đôi khi tôi cảm thấy đôi mắt Ngài không buồn nữa mà chỉ nhìn chúng tôi đăm đăm. Có thể Ngài đang nghĩ gì đó về chúng tôi nên hết buồn chăng? nhưng chắc chắn Ngài không bao giờ bộc lộ niềm vui một cách hấp tấp mỗi sáng bừng tỉnh dậy như tôi và bông hồng trắng rồi.

Một ngày cuối năm, trước Noel, một cô bạn gái rất thân của tôi mời tôi đến nhà nó chơi. Nó sưu tầm rất nhiều đồ cổ, trong đó có tượng một thiên thần bé xíu đang thổi sáo lập tức làm tôi chú ý. Cô bạn tôi vừa cười vừa bảo: thiên thần này sinh ra cho mày, tao thấy mày không thể rời mắt khỏi nó, trong khi những thứ khác đẹp thế mà mày thờ ơ... Bông hồng trắng của tôi trở nên tươi tỉnh thường xuyên vì tiếng sáo véo von của thiên thần nhỏ đậu dưới cành của nó. Tôi cũng vậy.

Năm tháng trôi đi và hôm nay, kẻ sáng tạo ra mày, hồng trắng ơi, bỗng bồi hồi khi nhìn mày trong bức ảnh tao chụp. Có gì đâu, thời gian chỉ là bóng dáng tác phẩm cuộc đời NHN gắn thế nào đấy với kỷ niệm một thời về bông hồng lụa trắng và tranh vẽ Chúa, và thiên thần tượng... đúng không, bạn?

(2017. február. 12. NHN)

TẶNG NGÀY VALENTIN:

"Nếu mình đứng rủa nguyền trong hoang bão

chân chúng mình cùng khụy xuống, gẫy rời.

Nếu linh hồn mình cùng đầy - vơi vài khắc

tươi tỉnh dịu dàng mình chỉ tìm thấy trên môi nhau."

( Ady Endre- nhà thơ Hungary)

 

Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary

( Budapest. 2017. február. 14)

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 1691
Ngày đăng: 16.03.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đầm đìa - Nguyễn Hàng Tình
Ghi chép December - 2016 - Nguyễn Hồng Nhung
Bến đò xưa - NP Phan
Ghi chép Nobember - 2016 - Nguyễn Hồng Nhung
Chữ - Tru Sa
Chim Phí Ca Hoang Tái Miền Thảo Nguyên Dlei Yang - Nguyễn Hàng Tình
Chuyện ở lò thiêu - Phạm Nga
Dọc đường văn nghệ của tôi - Hồi ức (tiếp phần 5) - Trần Dzạ Lữ
Pleiku - Một buổi chiều lòng bỗng bâng khuâng. - Nguyễn Hùng
Dọc đường văn nghệ của tôi - Hồi ức (tiếp phần 4) - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)