Một chiều mưa bay, ngồi trong quán cóc liêu xiêu giữa con phố nghèo, anh bạn tôi nhìn ngoài trời cất giọng trầm ấm ngâm mấy câu thơ:
"Sài Gòn có những giọt mưa
Dài như nỗi nhớ trong ta một ngày
Một ngày có những ngón tay
Vuốt mưa trên tóc dính mây nghìn trùng"
Có người hỏi anh bạn: "Thơ của ai?, hay quá!". Anh mỉm cười, lặng im không trả lời. Bao năm rồi những câu thơ ấy cứ ám ảnh theo tôi mà không biết thơ của ai, luôn muốn biết toàn bài thơ ấy và cứ tự hỏi thơ của ai?
Thật may mắn khi được đọc tập tản văn "Vén mây" của nhà thơ Võ Chân Cửu. Thì ra, bốn câu thơ trên là trong bài thơ "Mưa Sài Gòn" của Trần Đới. Đọc "Vén mây", cho chúng tôi biết tường tận về cuộc đời của Trần Đới, sau này đi tu với pháp danh Thông Bác, ông mất tại chùa Trúc Lâm, tỉnh Vĩnh Phúc vào năm 2014. Một Trần Đới thi sĩ ẩn mình, suốt đời lang thang như một hành giả, không tham gia tranh luận chốn văn chương. Ông từng được thi sĩ Bùi Giáng khen là một người làm thơ hay!
Bên cạnh 6 tập thơ, Võ Chân Cửu vừa trình làng tập "Vén mây" được Hội Nhà văn xuất bản, Phương Nam phát hành vào đầu năm 2017. "Vén mây" cộng với 2 tập sách "22 tản mạn" và "Theo dấu nhà thơ", Võ Chân Cửu đã có 3 cuốn sách viết về văn học miền Nam thời kỳ 1954 - 1975. Văn học miền Nam phong phú, đa dạng, nhiều sắc màu đã làm giàu thêm nền văn học Việt Nam. Nhưng, có một thời xem như là vấn đề "nhạy cảm, cấm kỵ"!...
Là một cây bút thành danh về thơ trước 1975, là người trong cuộc, Võ Chân Cửu viết về những nhà thơ, những câu chuyện văn chương ở miền Nam , với tất cả tình cảm ,sự trân trọng và thấm đẩm kỷ niệm . "Vén mây" Võ Chân Cửu xếp vào loại tản văn nhưng thật ra anh không viết lan man. Võ Chân Cửu viết có chọn lọc theo chủ đề với những trang viết đầy tình cảm, thu hút được người đọc. Anh tinh tế giới thiệu cho người đọc những tác phẩm hay - những viên ngọc quý của văn học miền Nam, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và những câu chuyện sinh hoạt văn chương, "sống và viết" của các nhà văn nhà thơ nổi danh trước năm 1975 - một thời đáng yêu đáng nhớ, chưa xa và không thể thiếu được trong dòng chảy lịch sử văn học Việt Nam.
Trong "Vén mây", người yêu thơ gặp lại Nguyễn Nho Sa Mạc với những chuyện tình và hoàn cảnh ra đời của những bài thơ "Vàng lạnh". Chúng ta biết thêm về cuộc đời của Nguyễn Tất Nhiên, cũng còn được biết: Phạm Duy không phải là người phổ nhạc đầu tiên thơ Nguyễn Tất Nhiên. Chính nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang mới là người đầu tiên phổ thơ của anh. Điều này, nhiều người cần phải coi lại ý kiến: Nhờ Phạm Duy phổ nhạc mà thơ Nguyễn Tất Nhiên nổi tiếng. Thật sự nếu thơ Nguyễn Tất Nhiên không hay thì dù có Tề Thiên Đại Thánh cũng không thể nào làm cho thơ của anh bay lên được . Chúng ta có thể tự kết luận: Với những câu thơ hay, gặp nhạc sĩ có tài sẽ làm cho thơ và nhạc cùng bay bổng ngân xa.
Thật thú vị khi Võ Chân Cửu cho chúng ta biết: Khi mới 15 tuổi đầu, Trịnh Bửu Hoài đã chủ trương và thực hiện Nhà xuất bản Khai Phá - một trong những cơ sở danh tiếng trong làng xuất bản của miền Nam thời bấy giờ. Chúng ta gặp lại Hoàng Lộc, Đynh Hoàng Sa, Phan Nhự Thức, Khắc Minh, , Lê Văn Trung, Phạm Ngọc Lư, Mường Mán, Phạm Cao Hoàng và Viên Tịnh... của một thời chưa quên. Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, mảnh đất miền Trung chịu nhiều đau thương. Ấy vậy mà những tấm lòng yêu văn chương vẫn bám rễ làm nên những tác phẩm để đời. Đynh Hoàng Sa, Phan Nhự Thức, Vương Thanh, Luân Hoán... cùng bằng hữu vẫn tổ chức nhà xuất bản và các tạp chí văn học. Những cây bút sống và gắn bó với miền đất Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên đã góp phần làm cho diện mạo văn học miền Nam thêm nhiều hương sắc.Đynh hoàng Sa tác giả của thi phẩm “ Vùng trú ẩn hoang đường ” Sau khi qua đời, di sản thơ của Đynh hoàng Sa được nhà thơ Luân Hoán dày công tập hợp, lưu giữ, chờ khi thuận lợi sẽ xuất bản . Thật đẹp, đáng quý biết bao trước tình bạn của các nhà thơ .Dĩ nhiên, Võ Chân Cửu không quên nhắc đến Lâm Hảo Dũng, Ngô Nguyên Nghiễm... những cây bút của đồng bằng sông Cửu Long.Chúng ta găp lại “ Ngọn sóng Vàm Nao ” , bổng nhiên, “ bèn cùng Uống rượu truyền âm”…Và, gặp lại Đynh trầm Ca “ Ru con tình củ “ , ngồi “ Uống rượu bên bờ kinh phương Nam “.Phạm Ngọc Lư với "Cố lý hành" và Viêm Tịnh của một thời sông Hương núi Ngự. Cao Huy Khanh là một trong những cây bút phê bình văn học trước năm 1975, trong "Vén mây", chúng ta bất ngờ đọc được những bài thơ của Cao Huy Khanh , mà nhiều người cùng thời đã xếp thơ Cao Huy Khanh vào trường phái Thời thượng, Tân hình thức. Còn tường tận về câu chuyện bài thơ "Kỷ vật cho em" được Phạm Duy phổ nhạc. Từ "Kỷ vật cho em", Linh Phương còn có "Sài Gòn áo lụa hôm qua". Bạn đọc hôm nay bỗng thấy thú vị khi biết chàng trai Tây Ninh ngày nào: Trần Văn Bạch vì say mê và yêu thương người con gái tên Duyên mà anh đã làm thơ lấy bút hiệu Trần Duyên Tưởng. Những bài thơ tình của Trần Duyên Tưởng đã từng được xếp vào trường phái thơ Hiện đại. Và, chúng ta càng thương tiếc một cây bút thơ tài hoa đã gặp nhiều khổ nạn, qua đời trong nghèo khổ. Bài thơ "Đưa người vĩnh biệt thành Tây" như là một định mệnh của Trần Duyên Tưởng, khi từ năm 1972 anh đã từng viết: "Thành Tây có người vừa chết... Hồn xưa chập chùng xương cốt".
Đọc "Vén mây", chúng ta nhận thấy: Võ Chân Cửu đang miệt mài "phủi bụi, làm cho những con chữ long lanh rực sáng". Thật đáng trân trọng. Việc làm và tác phẩm của Võ Chân Cửu đã giúp ích cho những ai yêu mến văn học miền Nam một thời và nghiên cứu về văn học miền Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Chân thành cảm ơn tấm lòng của nhà thơ Võ Chân Cửu và công việc "phủi bụi" của anh.
La Gi, 16/3/2017