Hội đồng hương huyện năm nào cũng họp mặt vào dịp đầu xuân. Một đám đông gồm ba bốn trăm kiếp người tha phương, đủ các số phận: làm nên có, tầm tầm có, nghèo có... Người xưa bảo: “tha phương ngộ cố tri”, chính là một trong “tứ khoái”. Quen sẵn rồi thì tay bắt mặt mừng. Chưa quen cũng chỉ thăm hỏi nhau vài câu là lần ra manh mối, làng, xã... Đã tới đây thì “tứ hải giai huynh đệ”. Huống chi chúng ta vốn sinh ra trong cùng một huyện. Thành phố có hàng trăm hội kiểu như thế này, từ đồng hương xã, đồng hương huyện, đến đồng hương tỉnh, rồi hội cựu học sinh trường nọ trường kia... Thế mới lại bảo: “Trời chẳng xa, Đất chẳng xa / tha phương đến kiếp ta là bao nhiêu?”.
Năm nay, hội chi tiền vé máy bay đón đoàn lãnh đạo huyện vào dự. Sáng kiến vừa hay vừa đậm đà triết lý nhân sinh. Bởi đứng đầu hội toàn những “đại gia”, tha phương mà lắm của. Còn gì thú hơn khi được dịp chứng tỏ với đại diện quê hương sự phát đạt của mình, để chẳng cần phải về quê mà vẫn không đến nỗi “áo gấm đi đêm”. Tôi ngồi cạnh Tùng - phó chủ tịch huyện, đồng thời là em họ tôi. Ông chủ tịch hội đọc lời khai mạc. Cái loa mở hết volume cũng không át nổi tiếng nói chuyện ầm ào khắp hội trường. Trên nói, dưới nói, ai nói nấy nghe... rào rào như một nong tằm ăn rỗi. Tùng ghé tai tôi hỏi: “từ nhà bác đến chỗ làm việc có xa không?”. Tôi bảo: “qua bốn trạm thu phí” – “Là em hỏi bao nhiêu cây số cơ?” - Tùng hỏi lại. Thì ra lâu nay, tôi đã quen tính quãng đường xa gần bằng số trạm thu phí. Tính như thế có cái lợi để mà chuẩn bị sẵn tiền. :Ba mươi cây số” - tôi trả lời – “bình quân bẩy cây rưỡi một trạm thu phí giao thông, trạm nào cũng được thiết kế mang hình những con thuyền bị mắc cạn giữa đường. Không biết mắc cạn đến bao giờ?”. Tùng “à” lên một tiếng rồi bảo: “ngoài ta bây giờ cũng thế. Em kể bác nghe chuyện này nhé...”
Tùng kể rằng năm ngoái, dân huyện ta đi xuất khẩu lao động nhiều lắm. Người bán vườn bán ao, người cầm cố nhà cửa, vay ngân hàng... lấy tiền đóng cho đầu nậu để đi. Ra nước ngoài làm đủ các ngành nghề. Nào là làm con ở (giúp việc nhà), xúc đất, chặt cây... rồi cả làm vợ, thậm chí có trường hợp làm đĩ... Nói chung các nghề ấy phần lớn đều suôn sẻ. Duy có một nghề không hiểu sao bị đuổi về tất. “Bác biết nghề gì không?” – “Nghề lái xe bác ạ”. Tôi hỏi: “chắc là ở nước ngoài, đường sá của người ta xấu?”. Tùng khẳng định: “ngược lại là khác, đường người ta tốt hơn đường mình” – “Thế thì tại luật giao thông của người ta hoặc khác mình hoặc nghiêm ngặt quá?” – “Cũng không phải. Luật người ta y chang luật mình, vả lại còn có vẻ không nghiêm bằng. Cả một tuyến đường dài, bói không ra một bóng cảnh sát giao thông.” Thế thì tôi chịu. Bấy giờ Tùng mới thong thả giải thích. Thì ra nguyên nhân rất đơn giản, chung quy tại cái thói quen khó sửa. Bên nước người ta không có trạm thu phí. Song tài xế của ta thì quen rồi, cứ chạy bẩy tám cây số là không có trạm cũng dừng xe lại, thò tay móc ví theo phản xạ, vừa tốn xăng, lại ảnh hưởng đến công việc của người ta... Thì ra thế. Tóm lại đã gọi là thói quen thì nó sinh ra vào thời nào cũng có chỗ bất tiện.
Trên sân khấu đang đến tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Mấy bà sồn sồn đánh phấn tô son, đội khăn mỏ quạ, mặc váy tứ thân đang nghiêng ngả múa nón, mồm lẩm bẩm... Chắc là hát dân ca, nhưng tại ồn quá không nghe thấy câu gì. Chợt nhớ ra một chuyện, tôi quay sang hỏi Tùng: “cái làng nói tục ở huyện ta, giờ còn nói tục nữa không?”. Tùng bảo: “cấm tiệt rồi, không cho nói tục nữa, song lại sinh ra tật khác.” Tôi ngạc nhiên: “tật gì?” Tùng trả lời: “Nói tục quá, lại to mồm, không cấm không được. Song đến khi cấm, mới biết ngoài nói tục ra, họ không biết nói cái gì khác nữa. Thành ra câm như hến cả làng.” - “Thế thì càng yên chứ sao?” - tôi bảo. “Lúc đầu ai cũng nghĩ như thế. - Tùng kể tiếp - Song có câu: “trường cổ đại thanh”. Trước họ nói tục suốt ngày, lại cứ oang oang như lệnh vỡ nên dài cổ. Nay cấm khẩu lâu quá làm cho cuống họng bị thoái hoá co rút lại, một nửa cổ phía trước ngắn đi, kéo cái mặt cúi gằm xuống. Đến nỗi bây giờ thành ra cả một làng cúi mặt.” - “Ghê quá nhỉ - tôi trợn mắt - thế đã có cách khắc phục chưa?”. Tùng bảo: “Bác yên tâm, huyện đã có biện pháp. Giờ phải tập cho cuống họng của họ hoạt động tích cực trở lại. Ấy là cử cán bộ về dạy cho từng người một. Đại khái bảo “Ô” là “Ô”, bảo “A” là “A”...
Trên sân khấu lại đến tiết mục hát tân nhạc. Một ca sĩ đồng hương nổi tiếng tuổi đã xế chiều lên hát tình ca, lớp trẻ vỗ tay bôm bốp. Rồi thì ông phó bí thư huyện lên phát biểu ý kiến. Ông nhiệt liệt chào mừng hội và chuyển lời của lãnh đạo, bà con quê hương chúc sức khoẻ các đồng hưng yêu quý. Ông nói say sưa, cảm động. Ông liệt kê những thành tựu của công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương. Ông khen ngợi sự đóng góp của hội đối với huyện nhà... Đúng lúc ấy, từ cuối hội trường, xuất hiện một bác đầu bạc phơ, da dẻ hồng hào, dáng bệ vệ, quắc thước, ung dung bước lên hàng ghế đầu, theo sau là một người trung tuổi nom rắn rỏi, khoẻ mạnh. Ông chủ tịch hội vừa nhìn thấy đã như bị điện giật, vội vàng chạy lên bục, giật phắt chiếc micrô từ mồm ông phó bí thư, khom lưng gào vào máy:
- Thưa bà con. Hội chúng ta đặc biệt có vinh dự lớn được đón bác... nguyên... nguyên... nguyên... (đã về hưu). Tuy không phải người huyện ta, song bác rất quan tâm đến huyện ta. Mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng bác vẫn bớt chút thời gian đến dự với hội đồng hương chúng ta. Đề nghị cho một tràng pháo tay.
Cả hội trường vỗ tay ầm ĩ. Tôi cũng giật thót mình khi nghe đến tên bác. Thế này thì vinh dự quá. Lạ một điều là Tùng hình như cũng vừa nhận ra người trung tuổi đi cùng với bác... là người quen cũ. Hai người bắt tay nhau, thân mật truyện trò. Sau tràng pháo tay, bài phát biểu của ông phó bí thư lại được tiếp tục. Một lát sau, người trung tuổi đứng dậy tiến tới chỗ ông chủ tịch hội đang ngồi ngay trước bàn tôi, ghé tai nói nhỏ: “bác... còn bận đi dự bốn năm cuộc họp đồng hương như thế này nữa. Vì vậy bác chỉ ngồi đây được năm phút thôi đấy nhé”. Ông chủ tịch hội gật đầu ra ý hiểu, liền thò tay vào trong túi, rút ra một chiếc phong bì dày dặn đã chuẩn bị sẵn, dúi vào tay người trung tuổi. Tùng kéo tôi ra góc hội trường. Mỗi thằng một chai nước, vừa tu vừa nói chuyện. Tùng bảo: “tay ấy (chỉ người trung tuổi) là bảo vệ của bác... đấy. Té ra ngày xưa đi bộ đội, cùng đơn vị với em. “Hắn” bảo lúc đầu được phân công làm bảo vệ cho bác ấy, thấy nản lắm vì bác đã về hưu. Nhưng giờ lại hoá hay vì vào những dịp như thế này, cũng “kiếm” được kha khá. “Hắn” cho em số di động với mấy chiếc “cạc-vi-dít”, bảo có quen hội đồng hương nào thì giới thiệu...”. Tôi buột miệng: “Thì cũng là một cách... tiếp thị, thời buổi thị trường mà”...
Hai chúng tôi trở lại chỗ ngồi. Ông phó bí thư đã kết thúc bài phát biểu, đang đến tiết mục ngâm thơ, nghe câu được câu chăng: “quên quê lâu, hóa mất quê / hẹn thề lâu, hóa hẹn thề trong mơ...”. Tôi nhìn lên hàng ghế đầu, “niềm vinh dự lớn” và người trung tuổi đã đi khỏi từ lúc nào, để lại chỗ ngồi trống trơn. Ông chủ tịch hội nhấp nhổm ra vẻ sốt ruột. Sắp sửa diễn ra một trận nhậu tưng bừng.
Xuân ất Dậu - 2005