Cùng thế hệ với những văn nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam như Viễn Phương (1928-2005), Lê Anh Xuân (1940-1968), Nguyễn Thi (1928-1968), Lê Văn Thảo (1939-2016), Trần Thanh Giao (1932-2016), Lê Chí,… nhà thơ Chim Trắng không xa lạ với người yêu thơ cả nước sau ngày giải phóng. Anh nguyên là Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và từng có chân trong ban Thơ Hội Nhà văn Việt Nam. Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho Chim Trắng với tập thơ Những ngả đường (1981) Chim Trắng được giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012. - lúc bấy giờ, mỗi năm chỉ trao giải thưởng cho một tác phẩm thơ và một tác phẩm văn xuôi.
Nhà thơ Chim Trắng (1938-2011) tên thật là Hồ Văn Ba (theo họ mẹ), sinh ra tại tỉnh Bến Tre Đồng Khởi. Thuở nhỏ, ông lên học tại Sài Gòn và hoạt động trong phong trào thanh niên học sinh yêu nước. Ông chính thức tham gia hoạt động cách mạng từ phong rào “Bảo vệ hoà bình” của luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1955). Bút danh Chim Trắng, với ý nghĩa mong ước hòa bình cho đất nước, ra đời trong giai đoạn này. Do tinh thần đấu tranh quyết liệt, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam hai lần tại Mỹ Tho và Sài Gòn. Đầu năm 1961, tìm cách trốn thoát khỏi nhà tù, Chim Trắng vào luôn chiến khu, làm công tác thanh niên và văn nghệ, báo chí tại tiểu ban Văn nghệ tỉnh Bến Tre và ban Văn nghệ Miền. Sau ngày giải phóng, Chim Trắng làm Tổng biên tập báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh trong 10 năm, một giai đoạn lịch sử đặc biệt, nhà thơ đóng một vai trò quan trọng của bậc đàn anh đúng nghĩa, đã giang tay bảo vệ những cây bút trẻ thuộc thế hệ hậu duệ đang cần được phát huy năng lực của mình như : Nguyễn Nhật Ánh. Lý Lan, Lê Thị Kim, Phạm Sĩ Sáu, Đỗ Trung Quân, Hồ Thi Ca, Trương Nam Hương… Riêng tôi, trong hội Văn nghệ Cần Thơ - một ngòi bút làm văn nghệ nơi tỉnh lẻ, trong thời gian nhà thơ Chim Trắng phụ trách Tuần báo Văn nghệ TP. HCM, dù chưa quen biết, cũng có cách hành xử đặc biệt ưu ái. Những bài thơ mới sáng tác của tôi sau ngày giải phóng trong các lần đi thực tế cùng các bạn văn nghệ sĩ như : Mặt trời mọc trên núi Cấm (9/1975), Men chiều rừng núi (1986), Chiếc áo màu xuân (1998), Bến tình (2003), Đến với Nha Trang (2003), … từ Cần Thơ gởi lên, đều được liên tục chọn đăng mặc dù lúc bấy giờ nhà thơ Chim Trắng chưa hề biết mặt tôi và quá trình hoạt động văn nghệ của tôi. Sau này, mỗi khi nhắc đến nhà thơ đáng kính, chúng tôi đều không khỏi cảm thấy bồi hồi nhớ ơn anh sâu sắc đã hết lòng giúp đỡ mình. Theo nhà thơ Thanh Thảo đã từng chứng kiến tận mắt có đến hai lần, với bộ mặt rất ngầu, miệng hay ngậm ống píp(pipe) xệ xuống một bên mép dưới càm. Tính anh thẳng thắn, nhưng dễ quạu … Chim Trắng thể hiện một mặt bản chất của người Nam bộ nên ít người dám đến gần nhà thơ nếu chưa biết thực sự được tính tình tác giả Những ngả đường. Khi gặp chuyện nhạy cảm, bất bằng, Chim Trắng sẵn sàng, xăn tay áo lên.. để chuẩn bị đối phó. Do vậy mà đạo diễn Trần Mỹ Hà đã mời đúng Chim Trắng sắm vai chính trong phim “Thám tử tư” mà nhà thơ đã đóng rất thành công. Sự thực, nhà thơ Chim Trắng rất hiền, giàu lòng thương người, hay giúp đỡ thế hệ làm văn nghệ đàn em của nhà thơ. Anh em gần gũi hay nghe anh nói vui : “Đã có Chim Trắng, chim đỏ (nhà báo, nhà thơ Xích Điểu), giờ chỉ còn thiếu chim đen”. Trong những ngày cuối đời, “Bàn tay run run không cày nỗi một câu thơ” (Chim Trắng), khi về nghỉ ngơi ở Bình Dương, nhà thơ Chim Trắng vẫn đi hội họp với các bạn văn nghệ quen thân và không quên nhắc nhở các bạn yểm trợ đắc lực cho Quỹ Tình thơ do nhà thơ Lâm Xuân Thi điều hành, nhằm giúp những nhà thơ gặp khó khăn trong đời sống có điều kiện giới thiệu tác phẩm của mình với công chúng văn nghệ. Nhà thơ Chim Trắng thể hiện tính khiêm tốn, phóng khoáng mà rất cách tân trong quan điểm sáng tác về thơ : “ Tôi muốn thơ mình phải khác đi, để phù hợp với “gu” (gout) thưởng thức của người đọc thơ hôm nay. Tự vượt mình, khác được mình mới là mới… sao miễn người đọc, cảm được, hiểu được điều mình muốn gởi gấm”.
Tác phẩm của nhà thơ Chim Trắng:
-Có đâu như ở miền Nam (in chung với Lê Anh Xuân, Viễn Phương - NXB Thanh niên 1968)
- Tên em rực rỡ vô cùng (NXB Văn nghệ Giải phóng Hà Nội, 1971)
- Đồng bằng tình yêu (Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam, 1973)
- Một góc quê hương ((NXB Văn nghệ Giải phóng Hà Nội, 1974)
- Những ngả đường (NXB Văn nghệ, 1980)
- Dấu vết nhỏ nhoi (NXB Văn nghệ, 1984)
- Khi tình yêu lên tiếng (NXB Mũi Cà Mau, 1987)
- Có một mùa thu (NXB Văn nghệ, 1990)
- Thơ Chim Trắng - Cỏ gai (NXB Trẻ, 1998)
- Hát lời cỏ hát (NXB Hội Nhà văn, 1999)
- Nhân có chim sẻ về ((NXB Trẻ, 2006)
- Cỏ khóc dưới chân tôi ((NXB Hội Nhà văn, 2008)
- Lời chào ngọn gió (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2012)
Trong một dịp may được đọc bài thơ Vườn cũ của Chim Trắng đăng trên đặc san Đồng Khởi - số Xuân Ất Dậu, 2005 do bạn thơ Trần Hồng Trang - chủ nhiệm CLB Thơ ca An Thới, Cần Thơ gởi tặng, tôi thực sự rất xúc động và cảm thấy phải nói lên đây một vài cảm nhận.
Kỷ niệm đối với con người thuộc phạm trù tình cảm trong không gian quá khứ. Nhưng dù buồn hay vui, mỗi lần trở về với bất cứ ai, kỷ niệm không khỏi dậy lên trong lòng người ít nhiều bâng khuâng ray rức.
Mở đầu bài thơ là lời tác giả âm thầm tự trách thầm mình, đất nước hòa bình đã mấy mươi năm mà nhà thơ chưa có cơ hội về thăm lại vùng đất quê hương máu thịt ngập tràn kỷ niệm của tuổi thơ, của một thời đấu tranh quyết sống chết với kẻ thù. Trong niềm nuối tiếc ngậm ngùi một lần về thăm lại vườn cũ Phước Hậu, nhà thơ cảm thấy sống lại ở mình triền miên bao ký ức. Trước tiên tấm lòng hiếu thảo với mẹ cha khiến tác giả dạt dào nhớ thương người hiền mẫu khuất bóng mà hình ảnh còn ngự nơi bàn thờ ngôi nhà xưa vừa gặp lại:
Lâu lắm chưa về Phước Hậu
Nằm nghe lá thở phía vườn sau
Khuya bật dậy thắp nhang bàn thờ mẹ…
Nhìn mẹ nhìn ta khẽ gật đầu
Rồi nhà thơ bồi hồi nhớ lại mồn một tên từng thằng bạn thời thơ ấu đã sớm nhận đường như anh, cùng nhau tìm ra được lý tưởng đấu tranh cao đẹp để giải phóng quê hương:
Và phía trước dòng kinh cạn nước
Bạn bè đang trêu chọc ta đây
Những Điệp, những Trà, những Oanh, những Bé *
Hãy vì nhau dâng nước kinh đầy.
Điều đáng trân trọng ở đây là những nỗi nhớ về bạn trong bối cảnh chiến tranh tang tóc thời tuổi trẻ cùng nhau chiến đấu, nhưng những vần thơ không hề nhuộm màu u ám của khói lửa đao binh, đã làm cho người đọc thơ thấy rõ thái độ căm ghét chiến tranh của nhà thơ.
Hồn thơ Chim Trắng thật thâm trầm và tinh tế. Tác giả tâm sự chứ không chủ ý làm chuyện văn chương. Lời thơ tự nhiên mà cảm động như dẫn dắt ta hành trình về một bối cảnh đã qua, để cùng nhớ lại những cuộc chia ly đầy hùng khí mà không kém phần dứt khoát. Đó là những “cuộc chia ly màu đỏ’(1) của thuở nào: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại / Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”(2). Thật cao đẹp và đáng ngưỡng vọng mà cũng rất đáng thương những người thân, những bạn trẻ của tác giả. Vì nghĩa lớn phải lên đường, xa gia đình, quê nhà không kịp nói lời từ biệt. Trong số đó có những chàng trai tuổi vừa chớm xuân như tác giả, chưa từng nhận được hương vị của nụ hôn đầu vì chưa yêu ai:
Vĩnh biệt làng quê không kịp nói lời từ biệt
Chưa yêu ai nên chẳng biết nụ hôn đầu.
Nhà thơ không ngăn được nỗi đau xót vì mất mát và thiếu vắng bạn bè. Sau hòa bình, càng buồn và cảm thấy cô đơn hơn khiến đôi lúc nhà thơ tự trách mình “lẩn thẩn” như “những kẻ chẳng biết điều” nhưng trong lòng vẫn mãi nhớ đến quê hương và những người bạn cũ thân yêu. Cảm thông với nhà thơ chắc có người sẽ tự hỏi: Hôm nay, nước nhà đã lặng im tiếng súng, điều chi khiến tác giả, một võ trang thi sĩ đã từng cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước lại vẫn chưa tìm được nguồn vui thật sự trong phần còn lại cuộc đời mình?
Còn lại ta bốn mươi năm sau đó
Lại ra đi như một kẻ biết điều
Cho đến khi phát hiện ra được mái tóc mình, tóc những thằng bạn còn lại đã “trắng như bông” trên “dòng kinh nín thở”, nhà thơ cảm thấy cô đơn có lúc nhen lên ý định muốn sống cuộc đời tha phương vô định vì mình chẳng ưng lòng trước những “điều chướng tai gai mắt”:
Im tiếng súng rồi tôi lại tha phương
Lại mồ côi trước bao lọc lừa phản trắc
Nhưng sau đó, khi tâm hồn bình tĩnh, “ý thức về nguồn” khiến nhà thơ tự giác quày quã trở về với vườn cũ “quê hương”:
Lại quay về vườn cũ để yêu thương
Cô đọng lại, ta có thể nói Vườn cũ của Chim Trắng là một thi phẩm về tình bạn, tình đời và tình quê hương nhưng cũng chứa đựng riêng một tâm tư thầm kín của tác giả. Dù vậy, không gian thơ tuy im lặng quạnh hiu mà không buồn. Chính vì ánh sáng rực rỡ của tâm hồn nhà thơ trong đó nổi bật hình ảnh của người mẹ, biểu tượng của đất nước quê hương luôn ở phía trước để con người dù trong hoàn cảnh nào cũng không để xa rời quả tim mình với tổ quốc, dân tộc và cái Thiện như một thiên lương của con người. Lời thơ chân thành, tự nhiên không dũa gọt đã nói lên được nội dung đậm tính nhân văn của bài thơ. Vườn cũ nhưng màu hoa tâm tư vẫn mới, sáng tươi, rực rỡ thể hiện bởi một sắc thơ đẹp, và phảng phất cái hương vị dân dã dễ cảm nhận của một đóa hoa nghệ thuật trong vườn thơ Chim Trắng.
03. 2017
Bài thơ:
VỀ THĂM VƯỜN CŨ
Lâu lắm chưa về Phước Hậu
Nằm nghe lá thở phía vườn sau
Khuya bật dậy thắp nhang bàn thờ mẹ
Nhìn mẹ nhìn ta khẽ gật đầu
Và phía trước dòng kinh cạn nước
Bạn bè đang trêu chọc ta đây
Những Điệp, những Trà, những Oanh, những Bé *
Hãy vì nhau dâng nước kinh đầy
Đã bốn mươi năm xa mùa gió chướng
Các bạn giờ trôi dạt những nơi đâu
Vĩnh biệt làng quê không kịp nói lời từ biệt
Chưa yêu ai nên chẳng biết nụ hôn đầu
Còn lại ta bốn mươi năm sau đó
Lại ra đi như một kẻ biết điều
Đôi khi nhớ cũng có nhớ dòng kinh và gió chướng
Những Điệp, những Trà, những Oanh, những Bé thân yêu
(Rồi lại quên đi như những kẻ chẳng biết điều!)
Lâu lắm cũng có về thăm vườn cũ
Xem mẹ nhìn ta có khác chi không!
Đứng trước bờ kinh nghe dòng kinh nín thở
Thấy tóc bạn mình đáy nước trắng như bông!
Tôi nói nhỏ chuyện nầy ai tin cũng được?
Im tiếng súng rồi tôi lại tha phương
Lại mồ côi trước bao lọc lừa phản trắc
Lại quay về vườn cũ để yêu thương.
Chim Trắng
* Tên thật của những dân quân du kích thời chống Mỹ, ở Bến Tre trong một trận phục kích của địch năm 1962 đã hy sinh cùng một lúc, chỉ còn lại vài người và tác giả.
(1) Tựa một bài thơ của Nguyễn Mỹ.
(2) Thơ Nguyễn Đình Thi.
-------------------------------------------------------