Về thăm Việt Nam trong dịp Tết Xuân Đinh Dậu (2017), qua Võ Chân Cửu, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã gởi tặng tôi tập thơ "Tiếu ngạo giang hồ" vừa được xuất bản vào tháng 12 năm 2016. Tập thơ lênh đênh trên đường bưu điện gần nửa tháng trời từ Sài Gòn ra đến thị xã La Gi. Đọc cái tựa tập thơ của Nguyễn Lương Vỵ, chúng ta liên tưởng đến hai nhân vật kiếm khách trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung: Lưu Chính Phong chưởng môn của phái Hành Sơn và Khúc Dương trưởng lão của Nhật Nguyệt Thần Giáo. Cả hai mến tài nhau, vượt qua những chính kiến "chính - tà" kết thành bằng hữu "tri âm tri kỷ". Cả Lưu Chính Phong và Khúc Dương đều bị quần hùng giang hồ nhân danh "chính phái" bức tử, phải ôm nhau cùng chết. Trước khi nhắm mắt giã từ cõi đời, hai con người tri kỷ cùng nhau hợp tấu cầm tiêu khúc "Tiếu ngạo giang hồ".Và, kịp để lại cho đời cầm phổ "Tiếu ngạo giang hồ".
"Tiếu ngạo giang hồ" của Nguyễn Lương Vỵ là một tập thơ "bảy chữ ngàn câu", dày trên 200 trang in, khổ lớn 15 x 23 cm, gồm 5 chương chính, được sắp xếp theo chủ đề : "Nếp gấp thời gian", "Tiếu ngạo giang hồ", "Cổ điển & hiện đại" và "Niệm khúc nắng không màu"…
"Và lắng nghe tiếng vọng sơ đầu
Đồng thanh tương ứng gõ ngàn câu
Bảy chữ trùng sinh trong cõi tịnh
Thơ cũng là kinh tụng nhớ nhau".
Qua những câu thơ trên của Nguyễn Lương Vỵ, chúng ta nhận ra thi ca còn là tôn giáo. Trong thơ "đạo và đời" hòa quyện, gắn bó mật thiết với "thánh đàn" lung linh kỳ ảo trong cuộc đời thi nhân. Trong "Tiếu ngạo giang hồ - ngàn câu bảy chữ", Nguyễn Lương Vỵ có nhiều bài thơ viết về những người bạn tri kỷ, tri âm trong cuộc đời. Và , viết về những người anh yêu mến với những tình cảm chân thành. Qua thơ của Nguyễn Lương Vỵ, người đọc hình dung được tình cảm, cuộc đời, sự nghiệp văn chương của các nhà thơ mà anh yêu mến. Khi nghe nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn từ trần vào tháng 8 năm 2015 tại Phan Thiết, Nguyễn Lương Vỵ viết bài thơ tiễn biệt bạn có những câu thơ rất mới, phảng phất nét phiêu bồng, hào sảng của người hảo hán đầy xúc động:
"...Thương nhớ lắm. Câu thơ. Bạt mạng.
Một thời. Sặc máu. Lạnh. Quê hương.
Hồ trường. Say. Ngất. Trời ưu hận.
Ngâm tràn. Chia. Sớt. Phận bi thương
...
Thương nhớ lắm. Câu thơ. Phiêu hốt.
Mắt người như cánh hoa sen xanh
Diệu âm. Bát Nhã. Ba La Mật
Hẹn. Thời gian. Thơ. Ngát. Hòa thanh."
(Trích bài thơ: "Tiễn biệt Nguyễn Bắc Sơn")
Với nhà văn Trần Hoài Thư, Nguyễn Lương Vỵ viết: "Người ngồi khâu di sản văn chương" - khắc họa hình ảnh, công việc đáng quý của Trần Hoài Thư, cặm cụi sưu tầm, bảo quản, quảng bá những viên ngọc quý của văn chương miền Nam một thời chưa xa:
"Người ngồi khâu di sản miên man
Chữ long lanh lóng lánh ứa tràn
Cảm động ngàn sao khuya nhấp nháy
Văn chương nhân bản chẳng lụi tàn"
Khi đọc Mai Thảo, Nguyễn Lương Vỵ "chợt thấy những miếu đền" của văn chương:
"Ta thấy hình ta những miếu đền
Về xanh không nhớ cũng không quên
Không ưu không hận không gì sất
Cõi tịnh lung linh một búp đèn"
(Trích bài thơ: "Đọc Mai Thảo")
Gặp Bùi Thị Duyên - nàng thơ của Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Lương Vỵ viết những câu thơ thương nhớ bạn khi Nguyễn Tất Nhiên đã ra người thiên cổ:
"Và chắc không đành quên khổ đau
Nhớ bạn hít một hơi lắng sâu
Tâm dung rung nhẹ trên chiếc lá
Khói thuốc bay lên rất nhiệm màu"
Trong ngày giỗ lần thứ năm của Nguyễn Tôn Nhan (1948 - 2011), Nguyễn Lương Vỵ nhớ về những kỷ niệm một thời chưa quên:
"Năm năm ước chi đời chảy ngược
Ngả năm gò vấp trăng khuya gầy
Khô mực hay khô gì cũng được
Cụng nhau vài ly vừa đủ say"
Khái quát về cuộc đời, tác phẩm của nhà thơ Du Tử Lê "một thời khổ nạn đã qua" với những tình cảm thiết tha:
"Chàng thi sỹ ấy như nắng gầy
Nhẹ nhàng châm điếu thuốc trên tay
Thụy du suốt đời còn ngấn lệ
Áo mỏng lưng mềm phố khôn khuây"
(Trích bài thơ: "Độc cô Du Tử Lê")
Với thi sĩ Bùi Giáng - người đồng hương của mình, Nguyễn Lương Vỵ tưởng niệm:
"Hăm bảy năm t[i]ếu ngạo cùng ông
Bao yêu thương ém lại trong lòng
Đêm sâu lẩm nhẩm thơ ghi chép
Ngày rộng tưng bừng phố chạy rông
"Mưa Nguồn" bát ngát phiêu bồng múa
"Chớp Biển" u hoài thổn thức trông
Sa mạc lan dần cho huyết tận
"Nhất phiến tài tình"... phải vậy [k]hông?!
…"
Trong phần "Niệm khúc nắng không màu", Nguyễn Lương Vỵ còn viết về những nhà thơ: Tuệ Trung, Hoài Khanh, nhà văn Lữ Quỳnh, Trang Thế Hy, họa sỹ Đinh Cường... và những người thân trong gia đình bằng những vần thơ lục bát nhẹ nhàng "đầy hồn xưa" - "lung linh bóng nguyệt giữa mùa trăng lên".
Nguyễn Lương Vỵ sinh năm 1952, tại Tam Kỳ, Quảng Nam , hiện định cư ở Hoa Kỳ. Từ năm 1969, anh đã bước vào con đường văn chương. Nguyễn Lương Vỵ thành danh khi còn rất trẻ mới 17 tuổi đời, cùng thời với các nhà thơ Võ Chân Cửu, Vũ Hữu Định, Nguyễn Tất Nhiên và nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn...
"Tiếu ngạo giang hồ" là tập thơ thứ 11 của Nguyễn Lương Vỵ. Anh có những câu thơ mang tâm hồn hảo hán của một kiếm khách khoáng đạt:
"...
T[i]ếu ngạo giang hồ ngàn câu hát
Âm vang trầm bổng ngấm nhân gian
Mời ma thiên cổ về thưa thốt
Sanh tử hai bên chẳng đụng hàng
T[i]ếu ngạo giang hồ không võ lâm
Không mưu ma chước quỷ hà rầm
Chỉ có tứ đùn lên bất tận
Thơ nhìn rõ mặt thấy muôn năm
..."
Phải chăng đây là quan điểm, tư tưởng sáng tác và phong cách sống của Nguyễn Lương Vỵ khi anh bước vào "thánh đàn thi ca "? Khép lại bài viết nhỏ bé này, chúng tôi xin phép được trích nhận định của nhà thơ Du Tử Lê về thơ của Nguyễn Lương Vỵ: "Giữa thực trạng "hạn hán" trầm trọng, tính riêng cho những người cầm bút trước tháng 4 - 1975, ở quê người, (thì), Nguyễn Lương Vỵ vẫn hiển lộng thi ca của ông, như một dòng suối mát.Lại nữa, chữ, nghĩa đối với nhiều thi sĩ, dường chỉ là phương tiện chuyển tải những rung động, cảm nhận về đời sống, hiện tượng... (thì), với Nguyễn, chữ, nghĩa còn là bản mệnh của chính ông nữa".
Phố biển La Gi, 14/03/2017