Bà già hỏi anh thanh niên ngồi bên cạnh mình có biết Tư Luận không. Tư Luận nào, anh thanh niên ngạc nhiên hỏi lại, bà già nói Tư Luận ở Vịnh Dừa, Đất Cháy. Anh thanh niên suy nghĩ một chút rồi bảo tên ấp tên xã đó từ thời Pháp, bây giờ đã đổi rồi.
Họ đang ngồi trên chiếc đò máy và đò đang chạy dọc theo con rạch nhỏ, ngoằn nghèo, hai bên bờ um tùm lá dừa nước. Bà già nói được tin Tư Luận mất nên bà đi đám tang nhưng không nhớ đường vì lâu lắm rồi bà không đến đây. Anh thanh niên dường như không để ý và không nghe. Ngoài bà già và anh thanh niên, trong đò còn vài người nữa, nhưng hầu hết họ đều nhắm mắt ngủ một cách tranh thủ, như chưa bao giờ có rảnh để ngủ, không ai thèm nói chuyện với ai. Giờ đây anh thanh niên cũng nhắm mắt nhưng không biết đã ngủ chưa. Bà già nhận thấy anh thanh niên này giống Tư Luận ở cái vẻ khinh khỉnh bất cần đời, đặc biệt anh ta cũng có chiếc răng vàng quá vàng trong cái miệng kiêu ngạo giống hệt chiếc răng vàng và cái miệng của Tư Luận. Hồi đó, khi Tư Luận đến thăm bà lần cuối cùng, bà đã nói với ông rằng cái chất kim loại quí ấy làm bà rởn óc khi hun hít. Lúc bấy giờ họ đang nằm bên nhau, và Tư Luận cười ré lên, chiếc răng vàng óng ánh trong bóng tối. Sáng hôm sau Tư Luận đi, mang theo luôn cái ý định kiếm chồng của bà, chỉ để lại chiếc gối nhớp nhúa chất dầu bi-răng-tin cộng với bụi đường, bầm bầm như máu, chiếc gối bà may thêu cho một người nằm một lần duy nhất.
Trong khi bà già đang nhớ lại cái chất dầu bi-răng-tin cộng với bụi đường đất đỏ mà Tư Luận đã để lại trên chiếc gối, thì bà phát hiện anh thanh niên mở hi hí con mắt nhìn trộm bà.
Chạng vạng, chiếc đò ghé vào một doi đất nằm nhô ra con rạch. Bà già không dám chắc ghé có đúng bến hay không, nhưng bà cứ làm theo trí nhớ dù bà thừa biết nó chẳng còn mấy minh mẫn nữa. Bà bước lên bờ, đi trong lờ mờ tối, hình như bà đang đi trên con đường mòn và có thứ cỏ gì nham nhám vướng chân. Đi được một đoạn bà quay nhìn lại, thấy có một người đằng sau, người ấy lại giống Tư Luận. Bà già không nhớ hồi còn con gái bà có sợ bóng đêm và các thế lực siêu nhiên hay không, nhưng về già bà không sợ, bằng chứng là cả đời bà sống một mình. Vậy mà bây giờ bà hơi sợ. Bà già bước nhanh hơn, tiếng chân sau lưng cũng gấp hơn. Anh thanh niên đã theo kịp bà và hỏi bà là ai, tìm Tư Luận có chuyện gì. Hóa ra anh thanh niên lên bờ cùng một lúc với bà mà bà không hay. Bà già xưng tên họ rồi nhắc lại mục đích của chuyến đi mà bà đã nói lúc họ còn ngồi dưới đò, rằng bà đi đám tang Tư Luận nhưng lúc ấy anh thanh niên có ý không muốn nghe. Khi bà già dứt lời, anh thanh niên nói quả quyết: Ba tôi chết lâu rồi và tôi yêu cầu bà đừng đến nhà tôi. Bà già không tin bởi sự thật bà mới nhận được điện ngày hôm kia. Bà còn lấy ra mảnh giấy, chắc là điện tín, nhưng anh thanh niên không thèm dòm; bà nói tưởng có thể kịp nhìn mặt Tư Luận lần cuối, chí ít cũng kịp đưa tang. Nghe vậy anh thanh niên cười khinh khi: Bức điện đó do chính tay tôi đánh cho bà đã hơn nửa năm nay rồi. Tôi làm vì vị tình cha tôi lần cuối và tất nhiên là giấu má tôi. Má tôi mà biết được chuyện này thì sẽ lôi thôi. Bà già không hiểu, hỏi tại sao phải giấu. Anh thanh niên trả lời gọn lỏn: Má tôi hận bà lắm. Bà già nói: Dì có làm chuyện gì bậy bạ đâu con. Tôi không biết. Nhưng vì bà mà ba má tôi hục hặc với nhau suốt đời.
Nói xong anh thanh niên giận dữ bỏ đi.
Qua thái độ không mấy hòa nhã của anh thanh niên, bà già hiểu rằng chưa thể đến nhà Tư Luận. Việc đó không quan trọng lắm, nhưng nói chung bà vẫn tò mò muốn biết họ sống như thế nào. Những điều vừa rồi anh thanh niên vô tình thú nhận đã làm bà ngạc nhiên lẫn thích thú, ngạc nhiên vì người đáng hận là họ chứ không phải là bà, thích thú vì bà đã hiện diện trong Tư Luận cho đến ngày ông ta nhắm mắt. Ít ra thì những lời đường mật của Tư Luận ngày xưa không đến nỗi nhạt nhẽo như bà nghĩ trong bao nhiêu năm qua. Nhưng đó là chuyện đời xưa, từ cái ngày anh thanh niên này chưa ló mặt ra trần gian. Vậy mà giờ đây anh ta cũng tỏ ra tức giận. Thật là rắc rối.
Độ mươi phút sau bà già nhận thấy anh thanh niên quay lại, hình như anh ta núp đâu đó chứ chưa hề đi xa. Anh hỏi: Bây giờ dì tính sao? Thực ra bà già chưa biết tính sao cả. Trong khoảng thời gian anh thanh niên vắng mặt bà chưa kịp quyết định gì, mà xét cho cùng, bà còn có thể quyết định được gì nữa ngoài chuyện quay trở về. Bà nói: Dì sẽ về. Nhưng anh thanh niên hỏi về bằng cách nào, bởi ở đây mỗi ngày chỉ có một chuyến đò chạy ra trung tâm tỉnh và cũng một chuyến từ trung tâm tỉnh vô đây, thay phiên nhau chiếc vô chiếc ra; nghĩa là bà chỉ có thể về vào sáng sớm mai trên chính chiếc đò hôm nay bà đã ngồi, ngoài ra không còn cách nào khác. Trời đã tối nên bà già không nhìn rõ mặt anh thanh niên, chỉ nghe giọng nói, mà giọng nói càng lúc càng giống giọng Tư Luận. Nếu bây giờ bà đột nhiên trẻ lại như hồi con gái thì đây đúng là một cuộc hẹn hò với Tư Luận như biết bao nhiêu cuộc hẹn hò khác. Hồi ấy dù nhiều cách trở nhưng họ cũng tìm được mọi cách để gặp nhau, và nếu gặp nhau trong cảnh tranh tối tranh sáng như vầy thì ít khi Tư Luận tha cho bà - ông ta liều lĩnh sờ mó lung tung. Lần hồi bà thích cái kiểu liều lĩnh đó, cho nên hồi Tư Luận mới bỏ bà, thời gian đầu bà nhớ ông ta lắm, cứ nghĩ tới cái cảm giác khi bàn tay ram ráp của ông ta lần mò, bà rùng mình. Bà hỏi anh thanh niên chứ nhà anh còn cách chỗ họ đang đứng là bao xa, và chẳng lẽ bà không thể tới đó để đốt một cây nhang, chỉ đốt một cây nhang thôi chứ chẳng làm gì nếu thật Tư Luận đã chết hơn nửa năm rồi. Anh thanh niên không trả lời ngay, chắc anh đang cân nhắc lời đề nghị của bà già, cuối cùng anh đáp quả quyết là không nên, bởi theo anh, sức khỏe má anh khá suy sụp, vì vậy cần tránh cho bà những biến động tình cảm đột ngột. Như vậy bà già chỉ còn cách duy nhất là trở lại doi đất nhô ra con rạch ngồi chờ chuyến đò sáng mai. Bà nói thành lời cái quyết định của mình rồi nhờ anh thanh niên dắt bà đi. Anh thanh niên không nhận lời cũng không từ chối. Bà già tưởng anh đã bỏ đi nên mới sờ soạng tìm rồi tóm được bàn tay anh. Họ đi. Bà già lại cảm thấy hình như chân bà lại vướng loại cỏ nham nhám. Đã hơn hai ngày bà toàn đi, hết tàu đến xe, mà bà đâu còn trẻ. Bà mong mau đến doi đất để được ngồi nghỉ ngơi vì đã quá mệt rồi. Anh thanh niên hỏi bà có thấy gì không, bà trả lời không. Anh nói chính anh cũng chẳng thấy gì, chỉ đi theo trí nhớ. Bà già hỏi anh thanh niên là con thứ mấy của Tư Luận và đã có vợ chưa. Anh nói anh là con đầu lòng. Vợ thì chưa có vì anh thấy cảnh má ba anh, anh ngán. Bà già nói: Hồi dì quen với ba con, ổng cũng cỡ tuổi con bây giờ. Anh thanh niên im lặng. Đi được một lúc thì bà già như cảm thấy có mấy vì sao trên trời. Chắc nãy giờ họ đi trong bóng cây, bây giờ mới ra được quãng đường trống, có thể là quãng đồng. Gió lạnh hơn, thổi dọc sống lưng bà già. Anh thanh niên hỏi: Dì nói thiệt cho con nghe, dì gặp ba con lần cuối vào năm nào? Con hãy nói con bao nhiêu tuổi rồi dì trả lời cho con hay. Sau khi anh thanh niên xưng tuổi, bà già tiếp: từ hồi con chưa được đẻ ra. Nhưng lúc đó ba con đã cưới má con rồi, phải không? Phải. Bà già nhớ đó chính là cái lần Tư Luận đã để lại chất dầu bi-răng-tin cộng với bụi đường trên mặt chiếc gối bà may cho một người nằm một lần duy nhất . Anh thanh niên hỏi tiếp, làm sao bà già biết được địa chỉ mà tìm đến, bà già nói chính Tư Luận đã để lại địa chỉ trong lần gặp gỡ cuối cùng. Vả lại hồi còn con gái, bà đã vài lần đến đây.
Sau những câu hỏi có tính điều tra trên, bà già đề nghị dừng lại nghỉ ngơi. Anh thanh niên bảo bà cố gắng đi một đoạn ngắn nữa rồi nghỉ luôn thể. Họ tiếp tục bước nhưng đường đi bây giờ có vẻ như phức tạp hơn. Bà già không còn cảm thấy các chòm sao và người luôn vướng phải một thứ dây gì đó, rất khó gỡ. Bà thắc mắc về loại dây này, định hỏi anh thanh niên nhưng rồi thôi, bởi bà không hiểu anh có nhận xét gì qua cuộc điều tra vừa rồi. Bà im lặng, cố dùng hết sức già để chống chọi với những trắc trở trên quãng đường còn lại. Nhưng càng lúc họ như càng sa vào thứ lưới giăng sẵn, bà già phải lom khom gần như bò. Anh thanh niên thì ngậm tăm không thèm mở miệng giải thích.
Cũng may, cảnh mê hồn trận ấy kéo dài không lâu, và họ lại bước ra quãng đồng, bà già lại cảm thấy trên bầu trời có những chòm sao. Chính lúc ấy, anh thanh niên ấn bà già ngồi xuống một mô đất, nói: Đây là mộ ba con. Con nghĩ là nên dẫn dì đi thăm mộ ổng. Bà già đưa tay rờ mô đất. Nếu anh thanh niên không báo, bà sẽ nghĩ rằng đây là cái doi đất nhô ra con rạch, nơi bà sẽ ngồi chờ đò. Bà già lựa chỗ tiện lợi ngồi xuống, nghe đất bốc hơi âm ấm bà nghĩ rất có thể hơi ấy bốc lên từ bộ xương của Tư Luận. Bà bỗng sợ. Anh thanh niên bảo: Dì ngồi đây với ba con, con đi một chút. Còn lại một mình, bà già hoang mang. Ngồi với ba mày cái kiểu này tao ớn quá, bà già nghĩ. Bà bắt đầu đề phòng những tiếng động chung quanh, nhưng nói chung không có tiếng động nào đáng ngờ ngoài tiếng trái tim bà đang vận hành một cách yếu ớt.
Khi anh thanh niên quay lại, bà già cũng vừa tỉnh dậy sau một lúc mê man. Bà đang ngồi nhắm mắt, nghe như có tiếng chó sủa vu vơ không rõ hướng nào. Anh thanh niên sờ soạng rồi đụng bàn tay bà già. Anh nói: Con đem đồ ăn ra cho dì đây. Chắc dì đói bụng lắm. Rồi anh ta trao cho bà một cái lon lạnh ngắt. Anh thanh niên giải thích thêm rằng anh định mang nhang ra cho bà già đốt nhưng sợ ánh lửa có thể làm hại bà nên thôi.
Bà già lại dựa lên mô đất, thiu thiu ngủ. Rồi bà mơ thấy mình đang ngồi dưới đò chạy ngược trở ra chợ. Ngoài bà, trong khoang đò còn vài người nữa nhưng họ đều nhắm mắt ngủ một cách tranh thủ, như chưa bao giờ có rảnh để ngủ...
n
Trời rạng sáng, anh thanh niên bước đến lay gọi bà già dậy để đưa bà ra doi đất đón đò, nhưng bà không thể dậy được nữa vì bà đã chết rồi. Nguyên nhân cũng dễ hiểu, có thể vì tuổi già sức yếu, lại ngủ ngoài trời nhiễm sương, trúng gió; cũng có thể bà cố ý chết tại mộ nhân tình cũ cho trọn tình. Anh thanh niên đỡ bà già nằm xuống. Thấy mẩu giấy trong túi áo bà già ló ra, anh cầm lên xem. Một bức điện do anh đánh và một mẩu giấy ghi địa chỉ nhà anh do cha anh viết, cả hai đều cũ mèm. Anh nghĩ, cha mình ngày xưa dữ dằn thiệt, hơn xa mình bây giờ. Rồi không biết phải làm gì, anh ngồi nhìn bà già, anh đoán bà già này hồi đương thời chắc đẹp gái và thuộc loại lẳng lơ. Hèn gì mà chẳng hợp rơ nhau. Nhưng dù sao như thế này cũng không hay. Anh thanh niên như bực bội đứng dậy thọc hai tay vào hai túi quần đi loanh quanh. Theo anh, bà già này chọn không đúng nơi và đúng lúc để chết.