Hai mươi năm qua tôi ăn rất nhiều tôm tép, nhưng chưa lần nào ăn cho ra hồn. Năm đầu định cư Hoà Lan tôi lên khu phố Tàu ở trên Amsterdam mua tôm khô, củ kiệu đem về bày tiệc mời bạn bè tới nhậu. Nhưng tôm thì cứng như đá, mặn như muối, củ kiệu ngọt như đường và mềm như củi mục không mùi vị gì hết. Ăn tôm khô Tàu không thấy ngon, tôi thử ăn tôm Tây. Tôm luộc lột vỏ, bỏ vô ly thủy tinh cao cẳng, dưới đáy ly lót lá xà lách, trên miệng ly gắn khoanh chanh, trước khi ăn rưới xốt cocktail, tiếng Việt mình gọi là tôm cốc-tai. Trông ly cốc-tai rất đẹp mắt và ăn cũng khá ngon, ngon nhờ gia vị hằm bà lằng hơn là mùi tôm nguyên chất.
Có một dạo báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh của Hoà Lan loan tin rầm rộ. Có vài người chết và nhiều người vô nhà thương vì ăn nhằm tôm tép nhập cảng bên châu Á. Tin gây xôn xao dân chúng Hoà Lan và bay ra tới Đại Tây Dương, trong lúc tàu tôi còn đương lênh đênh trên biển. Nghe tin thủy thủ đoàn bàn tán rùm beng. Cuối cùng thuyền trưởng đề nghị đầu bếp đem tôm đông lạnh liệng hết xuống biển. Ông nói, ngừa trước tốt hơn, lỡ ăn nhằm tôm bịnh, ngộ độc giữa đại dương không có nhà thương rửa ruột.
Vốn lớn lên trên một quê hương giàu tôm cá, tôi đã thấy vài lần người ta ăn nhằm mật cá nốc mới bị ngộ độc chết chớ chưa nghe ai ăn tôm tép chết bao giờ. Dĩ nhiên tin loan rầm rộ như vậy ắt hẳn không phải tin gà tin vịt rồi. Nhưng sao trong lòng tôi không nao núng sơ sệt gì hết. Tôi quyết định để mấy hộp tôm lại. Chiều nào tôi cũng nhậu bia lạnh ăn tôm thẻ luộc chấm muối tiêu chanh. Tôi ăn trong hai tuần hết sạch ba hộp, sáu ký lô tôm thẻ. Vậy mà trong người tôi không thấy triệu chứng bịnh đau gì hết. Và cũng từ đó trở đi tôi không còn biết thèm thuồng tôm tép nữa.
Còn vụ ăn tôm cho ra hồn có lẽ là năm tôi mười chín tuổi. Lúc đó tôi sống với gia đình bên vàm sông Ông Đốc. Anh em tôi làm nghề đánh cá, đi bạn cho người ta, tay làm hàm nhai. Cho nên ngoài nghề đánh cá ra phải có chuyện phụ thêm, nếu không nhằm lúc biển động dai dẳng thì cả nhà kể như treo mỏ.
Mùa động nam năm 1978. Tôi theo bác Ba đặt đó trong ngọn Xẻo Quau ở bên kia vàm sông Ông Đốc. Bác Ba là bạn thân của ba tôi, lần nào qua thị tứ bác cũng ghé nhà lai rai với ba tôi vài xị đế rồi mới chịu về. Thỉnh thoảng ba tôi cũng bơi xuồng qua xẻo nhậu chơi với bác. Bác làm nghề đặt đó người ta gọi là ông ba Đó riết rồi chết danh. Bác chỉ có Phương, đứa con gái duy nhứt, mười bảy tuổi. Vì bác gái mất sớm, chuyện trong nhà do tay Phương đảm đương. Ban đêm bác ba giở đó về, Phương lựa tôm ra luộc. Sáng mai trời mắng cô trải đệm ngoài sân đổ tôm ra phơi. Cá còn sống cô đem rộng trong chiếc rộng tre đưới bờ rạch. Hết con nước cô chở cá qua thị tứ nhóm chợ và mua thêm thức ăn. Mỗi lần đi chợ còn bạc lẻ cô mua bài ca đem về, rảnh rổi lật ra ngâm nga. Buổi trưa người đi rừng thường nghe văng vẳng giọng vừa vai đào vừa vai kép hát nguyên tuồng cải lương.
Miệt nầy trai gái lần đầu gặp gỡ thường hay hỏi thứ để gọi. Khi thâm tình mới gọi tên nhau. Tôi tên Cu, tên xấu háy, vì dầm mưa dãi nắng da đen thui. Bà con trong xóm gọi tôi là Cu Đen. Không lẽ nói chuyện với nhau Phương cứ gọi tôi Cu nầy Cu nọ, nghe kỳ cục quá. Tôi thứ tám, cô kêu tôi bằng anh Tám.
Công việc của tôi ban đêm bơi xuồng phụ bác Ba giở đó. Ban ngày thăm những tấm đăng, tấm nào rách ít bện lại tại chỗ, rách nhiều kéo lên thay tấm khác. Những ngày nước chết, tôi phụ Phương chẻ củi, đập tôm, chèo xuồng qua thị tứ đổi nước phông-tên về xài. Rảnh rổi chúng tôi rủ nhau đi rừng băt vọp, móc cua, chặt củ hủ chà là hoặc vô vạt cò móc trứng. Có lần lội ngang một trảng nước, trong lòng nước phình lên những bọc trắng như con sứa, lớn bằng cái mâm, nhỏ bằng chiếc nấm. Tôi thò móc cua định móc lên coi. Bác ba vội ngăn:
- Ê đừng làm bể, bọc tôm đó.
- Bọc tôm ?
Thấy tôi ngơ ngác. Bác Ba chỉ cho tôi thấy những chấm đen li ti trong bọc. Bác nói, đó là mắt tôm vì trứng tôm còn non nên chưa thấy rỏ, chừng nào già tôm sẽ hiện nguyên hình sau đó bọc bể tôm mới lội ra. Tôm nầy do đất sanh nên người ta gọi là tôm đất. Theo tôi biết thì tôm bầu, tôm gai, tôm càng có ôm trứng dưới dạ bụng, còn các loài tôm bạc tôi chưa thấy trứng bao giờ. Thiệt tình mà nói, cho tới nay tôi vẫn còn nghi ngờ chuyện đất sanh ra tôm, dù là tôm bạc đất đi nữa. Nhưng phải công nhận, tôm bạc đất sanh sôi nẩy nở rất mau. Những ngày nước xổ tôm từ trong ngọn tràn ra ào ạt, chiếc đó bự hơn người ôm vậy mà tôm vô đầy đặc. Hai bác cháu phải nhảy xuống nịt chiếc đó lại rồi lăng lên bờ, chớ kéo đổ như ngày thường thì không nổi. Tôm đất sống trên trảng, ở nước lợ nên thịt ngọt, luộc không cần thêm màu, phơi khô ruột vẫn đỏ. Nhờ ngon ngọt và màu sắc tự nhiên mà tôm bạc đất bán mắc tiền hơn tôm biển.
Thường thì ban đêm giở đó, sáng sớm về nhà cơm nước xong tôi đánh mật giấc tới trưa mới thức dậy. Một hôm mệt quá, tôi ngủ mê mang, khi giựt mình thức giấc, lồm cồm ngồi dậy, ngó dáo dác, cả nhà đi đâu vắng ngắt, vắng teo. Tiếng gió nhẹ lướt qua mái lá lào xào, lạc xạc. Dưới dòng rạch, mặt nước láng trơn, không một bóng xuồng qua lại. Trời ngã chiều, nắng đã nhạt. Tiếng chim rừng kêu vang, con kêu cạc cạc, com kêu chim chíp, con ục ục, rù rù... nghe rầu chín ruột chín gan. Nhìn di ảnh của bác ba gái trên bàn thờ, bổng nhiên tôi sợ nổi da gà. Miệng khô khốc, lòng hoang mang chưa biết phải làm gì, thì bổng nghe tiếng Phương ngân nga ở phía sau nhà. ‘....Đố ai quét sạch lá rừng, để tôi khuyên gió, gió đừng rung cây. Đố ai nằm ngủ không mơ...’. Tôi bước xuống đi nhanh ra nhà sau, ngó thấy Phương lom khom ở bìa rừng tôi mới yên dạ. Vói tay lấy cái ca úp trên đầu cây cắm cạnh bên chiếc khạp da bò, tôi múc nước súc miệng, tiện tay múc thêm một ca ngữa cổ nốc một hơi. Úp ca lại chỗ cũ tôi men ra bìa rừng. Phương chăm chú lựa trái dác, tôi tới sau đít mà cô vẫn không hay, cứ thảng nhiên ngân nga ca vọng cổ. ‘... Bốn mùa bông cúc nở xây, thử coi trời bắt duyên nầy dìa ai ơ...ơ...’
- Dìa tui nè chớ dìa ai.
Bất ngờ ghe tiếng, Phương giựt mình ngó lên thấy tôi, tay chận ngực cô quát:
- Anh mắc dịch, làm người ta hết hồn hết día.
Thấy vẻ cô giận giổi, tôi cười cầu hoà:
- Tui giởn chơi mà.
- Anh giởn như vậy có ngày tui đứng tim chết.
Phương xốc xốc rổ trái dác, nhắm chừng nấu đủ nồi canh, cô đứng dậy đi vô. Tôi men theo, hỏi:
- Bác ba đâu rồi ?
- Qua chợ cân tôm rồi.
- Ủa bác qua bển sao hổng rủ tôi theo cà?
Ngâp ngừng Phương nói:
- Hồi sớm thấy có nắng, ba tui dặng chừng nào anh thức nhờ anh bửa củi ra phơi, thấy anh ngủ ngon quá tui hổng kêu.
- Trời đất! Sao cô hổng kêu tui, bây giờ bửa ra nắng đâu nữa mà phơi.
- Xí, chờ anh bửa chắc người ta phải chẻ ống quyễn ra chụm trước.
Cô chỉ tay qua đống củi phơi ở góc sân:
- Tui bửa hết rồi, anh lợi đẳng ôm vô đi, hổng ấy mưa xuống ướt hết bây giờ.
Tôi ngó lên nhìn trời. Mây đen nghịt ở phía tây, mây trống chưn che khuất hơn nữa ánh mặt trời. Ánh sáng tỏa ra cái mống cụt ngủn nằm vắt vẻo bên phía nồm. Mống dài trời nắng, mống ngắn trời mưa.
- Phương!
Nghe tôi kêu cô ngoái lại:
- Gì đó?
Tôi chỉ tay về hướng nồm:
- Coi kìa.
Tưởng gì, cái mống cũng lạ dữ.
- Ê, mống chuồng là muốn chồng ha ha...
- Dô duyên.
Cô mắn nhẹ tôi một cái rồi bưng rổ trái dác đi te te vô nhà. Tôi đi qua góc sân gom củi lại ôm vô. Một lát sau đống củi đã nằm ngay ngắn trong chái bếp. Phương đương nấu cơm, thấy tôi rảnh tay cô biểu:
- Anh Tám ra đẩy máng xối qua miệng khạp hứng nước và khép cửa lợi dùm cái coi.
Tôi bước ra đẩy chiếc máng xối và khép cửa lại, cùng lúc cơn mưa chiều cũng vừa rớt hột. Phương lui cui nấu bếp, trán lấm tấm mồ hôi, hai gò má bóng lưởng và cặp ngực căng phồng trong lớp áo bà ba. Nhìn Phương máu tôi xôi lên như nồi canh chua đương bốc khói... vừa lo sợ vừa mắc cở. Tôi bẽn lẽn đi ra nhà trước ngồi bó gối trên bộ ván mơ mộng...
Thường ngày nấu cơn xong, Phương bới bưng lên bàn thờ cúng bác gái trước, sau đó mới dọn cho cả nhà ăn. Hôm nay bác Ba qua chợ chưa về, sau khi bưng cơm lên cúng cô lấy mẻ un ra nhóm. Ngoài trời mưa đã tạnh, gió ngừng. Mọi hôm sóng bạc đầu ập vô bãi bùn vang tiếng rầm rầm. Bây giờ dệu xuống sóng lượng trường lên bãi.
Đêm ấy đoàn xuồng bắt ba khía, vô ‘ruồng’ trong ngọn xẻo Quau, xuồng họ nối hàng lướt qua dòng rạch. Chợt dưới dòng vọng lên tiếng của một đứa con trai:
- Cô Phương ơi tui thương cô quá trời quá đất cô ơi!!!
Thêm một đứa khác hô to:
- Bác ba ơi cho tui ở rể nhà bác ‘đi’ bác ơi!!!
Và tiếng một đứa ngâm nga:
- Ông già ơi hởi ông già, có con hổng gả đốt nhà ông chơi.
Tiếp theo là tràng cười làm vang vội khu rừng. Phương vẫn tỉnh bơ như không có chuyện gì, cô bưng mẻ un ra để trước nhà. Khói un làm nước mắt cô ràng rụa. Cô đi lại ngồi kế bên tôi, vừa quẹt nước mắt vừa nói:
- Lần nào đi ngang họ cũng chọc ghẹo tui om xòm trời đất.
- Ai biểu cô đẹp quá chi.
- Xạo hoài.
Đoàn xuồng qua khỏi, xẻo Quau trở nên yên lặng. Bóng đêm kéo về đánh thức bầy đom đóm trên cây bần trước nhà, ánh sáng nhịp nhàng theo hơi thở làm rực rỡ một góc sân. Tôi day ngang hỏi:
- Sao mà đom đóm tụ lợi có mình ên cây bần?
Phương thỏ thẻ:
- Tại nó thích mùi bần.
Chợt cô giơ tay lên đập xuống đùi tôi nghe cái chách, vừa ê ẩm vừa đã ngứa, tôi ngó xuống cả chục con muỗi dẹp lép, máu dập ra đỏ lòm. Bàng tay Phương cũng dính xác muỗi và máu, cô chùi tay vô ống quần, rồi ngước lên nói:
- Anh lấy quần dài bận vô không thôi muỗi cắn chết bây giờ.
Tôi bước xuống đi qua vách buồng lấy chiêc quần ka-ki trồng vô. Trở ra ngồi sát bên Phương. Gió khua nhẹ tấm phên bên hong nhà. Phương nói vừa đủ nghe:
- Gió nồm.
Phải rồi! Gió nồm, gió báo hiệu mùa đồng chung tới. Nghĩa là tôi sẽ về thị tứ nay mai. Tôi với Phương thường ôm nhau giỡn hớt và cặp kè bơi qua bơi lại dưới dòng rạch mỗi khi nước ngọt tràn bờ. Tôi đâu lạ gì cái thân thể rắn chắc trong bộ đồ ướt nước bó sát để lộ rỏ những đưởng nét thanh xuân. Nhưng lúc đó lòng tôi không rạo rực như bây giờ. Có lẽ hôm nay biết mình sắp rời khỏi nơi đây nên lòng tôi như lửa cháy. Tôi kéo Phương ôm xác vào người. Chắc Phương cũng nghĩ như tôi, cô không có ý kháng cự, trái lại còn ngã người vựa qua tôi. Được trớn tôi ôm vật Phương nằm xuống bộ ván, hôn lên hai gò má ngâm bóng và tay tôi vẹt hàng nút áo... Hai đứa ôm nhau lăng lộn trên bô ván. Chợt nghe tiếng xuồng lụp cụp đậu vô bến. Hai đứa vội buông ra. Phương hoảng hồn ngồi dậy nhảy tót xuống đất, vừa gài nút áo vừa chạy vô buồng. Tôi cũng lồm cồm ngồi dậy nhảy xuống, đi thẳng ra bờ rạch. Giống như tên trộm chưa lấy được đồ đã thấy chủ nhà. Tôi chấn tỉnh mình bằng cách hô to:
- Bác ba dìa!
- Cu đen đó hả?
- Dạ.
- Mầy sửa soạn dìa ngoải đi cào, chủ nghe mới nhắn với ba mầy hồi chiều.
Nói dứt câu bác chợt chưn té cái đụi, văng giỏ đồ qua một bên. Tôi bước tới đỡ bác dậy. Phương bưng đèn ống khói đi ra, cô vặn tỏ ngọn đèn, soi lượm chiếc giỏ. Tôi kè bác Ba vô nhà, vừa nương theo tôi bác vừa lè nhè:
- Hồi sớm ghé nhà tao với ba mầy mần hết cả lít, tao muốn quắc cần câu vậy mà ảnh còn chưa chịu cho tao dìa nữa.
Phương đem giỏ đồ cất, sau đó cô lên trải chiếu giăng mùng trên bộ ván. Bác Ba rửa mình, thay đồ khô ráo leo lên chui vô, nằm chẳng bao lâu bác ngáy khò khò, không thiết tha tới chuyện cơn canh nữa.
Hai đứa dọn cơm trên chiếc chỏng. Đêm nay Phương giống như cô dâu mới về nhà chồng, cô bẽn lẽn không nhìn thẳng mặt tôi. Còn tôi thì nghe lòng lân lân, tuy chưa nói ra nhưng biết chắc trước sau gì cũng chiếm trọn trái tim vàng trong túp lều tranh. Muốn không khí bửa ăn không ngượn ngập, tôi gắp tôm bỏ qua chén cho Phương, nhưng khi gắp lên cả chục con tôm dính tòn ten trên đầu đũa. Tôi gặt gặt mà mấy con tôm ôn dịch không rớt xuống. Đợi Phương giơ đũa gạt dùm mới xong. Tôi nói:
- Ỏ nhà chị tui rang tôm thường cắt đầu cắt đuôi bỏ.
Phương nói:
- Tôm tép lặt đầu, bỏ đuôi đem rang thì mất đi chất ngọt.
Nhờ gắp nhằm chùm râu tôm, không khí bửa ăn trở lại tự nhiên. Chúng tôi bắt sang chuyện mùa đồng chung, chuyện tôi sắp sửa ra bãi. Tôi hứa với Phương tôi sẽ trở vô phụ bác Ba trong những ngày biển động...Hai đứa nói chuyện rù rì đến khi nghe chồn cáo rụt rịt bò ra săn mồi và nghe tiếng thét của con vật xấu số nào đó bị con thú lớn vồ được. Chúng tôi ái náy nhìn nhau, lua vội miếng cơm cuối cùng và bước xuống dọn dẹp chén đũa.
Dọn dẹp xong Phương vô buồng ngủ. Tôi lật nóp ra chiếc chỏng chui vô. Lòng tôi nôn nao cồn cào, đã vậy cơn mưa đêm ác ôn lại kéo về làm cho khu rừng vang tiếng rào rào, hỏi ai mà chịu đời cho thấu. Tôi nghe trong buồng động vạt cọt kẹt, biết Phương cũng ngủ không được. Muốn chui qua buồng nằm với Phương nhưng ngặt một nỗi bác Ba ngủ cách buồng chỉ một tấm vách. Ông già thính tai lắm, say rượu quắt cần câu, chồn cáo xuống bắt cá rọng trong chiếc rọng tre dưới rạch ông còn nghe, huống hồ chi chui vô buồng mò con gái ông bất hợp lệ. Chết với ông chớ hổng phải chơi.
Nhưng tôi không trở lại xẻo Quau như lời đã hứa với Phương. Tôi vượt biển bỏ quê hương giữa mùa đồng chung năm ấy.
Sau hai mươi năm xa xứ, nay tôi trở về. Đầu tôi sói, tóc tôi bạc gần nửa mái nhưng tôi không bao giờ quên được bửa cơm canh chua trái dác và tôm bạc đất rang muối, mỡ, hành. Nhứt là cảm giác đầu đời được ôm con gái. Cái cãm giác mơ mơ màng màng cứ lãng đãng trong tôi ngót hai mươi năm. Hai mươi năm biết bao sao dời, vật đổi, ba má tôi giờ đây không còn nữa, bác ba Đó cũng đã qua đời. Còn Phương thì Nghe đâu cô đã có chồng và sinh một bầy con. Người nói cô ở Cái Đôi, người chỉ qua bên Cái Nước, Năm Căn hay rạch Gốc... Địa chỉ tùm lum như vậy, tôi có muốn đi thăm cũng không biết đâu mà lần.
Hồi ra đi mấy đứa cháu tôi còn dọc bùng dọc đất. Bây giờ chồng con lủ khủ, chúng dắt díu về thăm. Một đứa cháu gái kêu con ra đứng trước mặt khoanh tay, dạy nói:
- Dạ thưa ông Tám.
Nghe cháu gọi tôi rùng mình một cái, già tới nơi rồi. Tôi cúi xuống bồng đứa cháu kêu bằng ông, nó sợ khóc ré lên và day ngang ôm chân má nó cứng ngắc. Trong gia đình máu mủ ruột thịt với nhau còn lạ lẫm rồi. Thử hỏi khắp xã nầy được mấy người quen.
Bây giờ là tháng ba, mùa gió chướng, mùa ngư phủ ra khơi và mùa tôm bạc bãi. Trước kia mấy ngày nầy những chiếc ghe cào, ghe te đem tôm về phơi lấn hết lối đi. Trưa trưa nghe tiếng đập tôm phình phịt từ đầu khu một tới cuối khu ba. Ngày nay nhà cửa chiếm hết mặt bằng. Tôm tép chẳng thấy phơi. Người ta ở đâu mà đông như kiếng. Tôi chen chúc trong khu chợ. Gặp vài người quen chào hỏi. Họ nói chuyện lơ là nhưng không gọi tôi là thằng Cu Đen như ngày trước, mới hay cho đến cái tên cún cơm của tôi cũng bị thời gian xóa bỏ. Ghé qua chợ cá, những thau cá, thau tôm lưng lững, trông chiếc thau dềnh dàng ra, còn người bán thì ngồi chum húm như teo lại.
Tôi dừng lại trước một cô gái bán tôm, ngày xưa Phương của tôi cũng ngồi nhóm chợ như vầy. Thấy tôi đứng tần ngần chăm chăm ngó. Cô gái sửa lại thế ngồi, nhết miệng cười duyên và cất tiếng hỏi:
- Bác mua tôm hả bác?
Tôi không có ý mua tôm, cho nên nghe cô gái hỏi, tôi giựt mình gật đầu ừa đại:
- Ừ ừ, tôi mua.
- Bao nhiêu bác?
- Cô cân hết trong thau cho tui.
Cô lẹ làng nghiêng chiếc thau, tay vét tôm gôm lại. Nhúm tôm đủ gói trong chiếc lá chuối vấn kèn, vậy mà cô cũng hỏi tôi mua bao nhiêu.
Tôi đem tôm về nhà nhờ đứa cháu rang muối, còn cẩn thận dặn cứ để nguyên đầu nguyên đuôi cho tôi. Bửa cơm chiều hôm đó, tôi ăn tôm rang xảm xì, vỏ tôm lợn cợn dán vô cuống họng làm tôi phải khạc nhổ mấy lần. Cháu tôi thấy vậy bưng dĩa tôm lột bỏ vỏ lấy thịt để riêng một chén đưa qua cho tôi. Tôm bạc đất lột vỏ màu đỏ, tươi rói, ngon ngọt khỏi chê. Phải chi có miếng xà lách lót dưới, một khoanh chanh để trên và rưới thêm xốt cóc-tai thì ngon biết mấy!