“Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”
Thâm Tâm
Hình ảnh cuối cùng về ông trong tôi là cảnh ông xuất hiện trên VTV1 trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Pháp. Giọng ông vẫn vậy. Mái tóc dài lòa xòa. Cái mũi chim ưng vẫn vậy. Khuôn mặt hắt lên vẻ xù xì như một gộc tre già trăm tuổi. Gương mặt của một già làng Tây Nguyên, hay của một tộc trưởng Tây Bắc? Các vị bô lão khắp các làng bản Việt Nam nơi nào ta chả gặp như vậy. Râu tóc bạc phơ; không đeo răng giả, không đeo kính gọng bự như các bậc chí sỹ salon sáng láng hay đầy nhiệt năng khác; không “làm dáng”, không lên gân. Trông ông tự nhiên như một đụn mây, trầm mặc ngồi bên chiếc bàn viết cũ ở nhà mình trả lời phỏng vấn. Bên cạnh ông vẫn là cái giá sách bèo bèo thường thấy, không to cũng không cao đừng nói gì đến lộng lẫy, nghe nói là do một tên sinh viên mới ra trường đang thất nghiệp lang thang đến đóng cho ông từ những thanh gỗ cũ kỹ. Từ khuôn hình SONY, ông nhả ra những lời gẫy gọn và xuyên thẳng vào tim như một tuyên ngôn: “…50 năm qua người Việt Nam chiến đấu không … bất cứ một điều gì khác ngoài hai chữ "Độc Lập"!”
Mới đấy mà đã 10 năm rồi sao? Cũng là 10 “tăng” nhang khói. Người đã về Trời làm tiên hay đầu thai kiếp khác rồi chăng? Hà Thành xót xa vì vắng người, còn người có xót xa khi giã biệt kinh đô của kẻ sỹ này? Những làn sương thu kia hỡi, lay lắt chi cho động lòng người trắc ẩn. Kính chào những bông cúc vàng! Gặp hoa là biết đang mùa Hiến chương.
***
… Ông ngồi đó. Giữa đám đông mà như chốn không người.
Xung quanh ông là bia và “ba số”. Trước mặt là cái điếu cày tự thửa. Những ngón tay ông chắc như gạch. Bàn tay trái ông cầm cốc nâng lên đặt xuống. Bàn tay phải ông kẹp điếu thuốc xịn. Đôi mắt ông trong sáng long lanh như đứa trẻ… ngoại lục tuần, trong đến hiếm có. Vừa nói ông vừa rít thuốc phì phào. Ông nói cũng phều phào, sao ai cũng lắng nghe? Thỉnh thoảng ông lại dụi thẳng tay điếu thuốc đang hút dở còn một nửa xuống gạt tàn. Có vài tiếng xít xà. Thuốc ấy đâu phải của dễ tìm hồi đó. Kỳ thực ông đâu để ý đến điều ấy. Ông hút và thấy hút thế nào để sướng “kịch đường tàu” thì hút thôi. Thì ông cũng đang kể chuyện ông hút thuốc lá trong một hàng café ở bên Tây. Lắng nghe nào!
– “Ghê quá các ông ạ. Hôm ấy là hình như ngồi với ông bạn cũ đã mấy chục năm không gặp. Ông ta chỉ làm nghề gác cổng cho một viện nghiên cứu. Ở một mình trong một căn hộ thuê trong một cái ngõ nhỏ. Nhưng mê Nhân chủng học lắm. Đã làm cả luận án tiến sỹ rồi, nhưng không ở đâu mời làm cả. Bên đó khá đông tiến sỹ hình như là làm cho vui thôi, vì yêu thích thôi, làm rồi vẫn thất nghiệp cả dàn. Nhiều người cũng không vợ không con. “Lúy” đưa mình đi dạo dọc sông Seine. Cả một trời sách cũ các ông à. Họ cũng bày sách ra bán như mình. Nhưng đến tối thì úp thùng kẽm vào khóa lại chứ không phải cất. Sách nào mình cần coi như cũng đều có cả. Mua được mấy quyển mình đã cố tìm từ lâu mà không đâu có. Rồi “lúy” đưa mình vô tiệm café. Sạch bóng soi gương được các ông à. Mình cũng vô tư như ở nhà. Quên mất là mình đang ở Paris cho nên vừa hút thuốc mình cứ vừa xả tàn xuống sàn nhà. Mải chuyện nên đến lúc nhớ ra thì cả tàn lẫn đót đã làm một đám tướng. Hình như cũng xấu hổ nên mình nói với bồi cho mình xin lỗi. Các ông có biết ông ta trả lời thế nào không? Tôi kinh ngạc lắm các ông à. Thật là chỉ dân Parisian mới có thể nói được câu đó mà thôi. Ông ta nói thế này mới ghê chứ: “Dạ thưa ông, hình như tiệm café mà không có tàn thuốc thì đâu còn là tiệm café nữa”. Mặt không biểu lộ một tí ti cảm xúc. Các ông thấy có ghê không…”
Xung quanh ông có đủ mặt “tứ trụ ngũ kiệt” của sỹ phu Bắc Hà. Tiên chỉ thì có các bậc như Trần “tếu táo” – vua đầu ngành Khảo cổ học (thạo ba ngoại ngữ, người thường bảo Khảo cổ học là cao nhất vì ai dính vào đều lên hàng tiên chỉ, với điều kiện phải biết ngửi mùi xương khô); Vũ “dancing” – vua đầu ngành Văn hóa học (thông bốn ngoại ngữ, người bất hủ vì cái gì ông cũng “hủ” và “hóa” được hết); Hữu “vô sư” – vua đầu ngành Văn bản học (rành năm ngoại ngữ, nổi tiếng đạo mạo và nghe đồn là cả đạo văn); Phan “Tây môn” – vua đầu ngành Mỹ học (“xuya” sáu ngoại ngữ, người có công diễn giải mọi vấn đề của văn hóa dân tộc và cổ đại dưới cách nhìn kiểu Tây). Lớp ngồi “mâm giữa” thì có Bích “vĩ cuồng” – cao thủ Hán Nôm học, người có trí nhớ siêu việt đến mức gần như thuộc làu “tứ thư ngũ kinh”; Nguyễn “khuỳnh” – một trang tuấn kiệt quân dung như tài tử xi nê, thủ khoa Lịch sử Đông Tây, châm ngôn sống là “moa léo cần”; Dương “đại” – một chí sỹ vóc dáng như Mạc Đĩnh Chi, ăn mỗi bữa bảy bát cơm (guiness có ghi một lần thách đấu anh đã “tẩn” hết 21 quả trứng vịt lộn, nghe oanh liệt như nghi lễ bắn đại bác đón nguyên thủ quốc gia); Ngô “đoành” – nhà Dân tộc học gốc miền Trung mới tu nghiệp ở Lion về (nghe nói nhờ mỗi lần ở quê ra anh đều mang… lạc đến biếu các thầy mà được xét thẳng đi du học… Tây phương); Lâm “thâm” – nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian, người nhờ công tác Tây Bắc 12 năm mà làm được cái tiến sỹ về Âm cụ học. Ngoài ra còn có mấy nhà nghiên cứu “đầu già trên vai trẻ” khác, đều nổi tiếng học nhiều, đọc sách rất “ác”, cùng dăm ba người đẹp tươi trẻ mà ông toàn gọi bằng “chị”.
Bác Vũ “dancing” bỗng phán:
– “Khi tôi sang Tàu tới thăm Di Hòa Viên và Thập Tam Lăng, người các nơi đến tham quan đông nghìn nghịt; nhưng, không ai vứt bừa bãi một tờ giấy nào. Và họ không khạc nhổ theo thói quen Tàu nữa chứ. Họ đã bỏ được thói quen khạc nhổ mấy nghìn năm”.
Có tiếng bác Hữu “vô sư” cười khùng khục. Bác Phan “Tây môn” mặt bỗng trở nên trầm trọng trong nín lặng. Ông buông lời từ tốn:
– “Họ làm được như thế khiến tôi nể mà sợ. “Toa” đừng tưởng thế mà vội mừng. Ở nhà mình tuy rằng thế nhưng còn có một khoảnh được là mình kia đấy. Cái nhôm nhoam của mình… hình như thế… chính là một chân trời để “toa” và “moa” còn nhâm nhi cuộc sống. Còn để được vào khuôn phép, người Tàu đã phải sát phạt nhau ghê lắm, “đuya” lắm, phải đổ bao nhiêu máu từ không biết bao cuộc đại cách mạng văn hóa mới hình như… tạo được thứ khuôn phép kia. Mà làm thế thì cái giá phải trả cho nó lớn biết bao nhiêu. “Moa” chỉ mong rằng có một cơ chế biết thuận theo quy luật tự nhiên để dân Hà Nội, dân Việt Nam được hưởng cái gọi là sự phát triển một cách bình thường, hồn nhiên để mà đi tới. Như ở nhiều nước, anh cứ ép cho người ta một cái tốt đẹp nào đó theo ý anh mà người ta không tiếp nhận được thì rốt cuộc hình như… cũng chẳng được lâu bền.”
Ai cũng gọi ông là thầy, nhà nước phong ông Giáo sư nhưng kỳ thực ông chưa bao giờ chiêu mộ hay dẫn dắt một đệ tử nào. Thế mới lạ. Giảng đường đích thực của ông ư? Hình như chính là những cuộc tụ tập như thế này. Tự mọi người tìm đến nghe ông nói. Tôi chợt nhớ các bậc thầy như Khổng Phu Tử xưa kia cũng mấy khi giảng giải cho trò, tuyền dẫn họ đi “du khảo” khắp nơi trong dân chúng, luận bàn về mọi sự vật và hiện tượng trên đời rồi rút ra quy luật tự nhiên và xã hội. Có phải ông cũng thấm nhuần cái đạo đó. Chợt thấy Bích “vĩ cuồng” lục vấn:
– “Mà cụ này, con thấy trước đây thì cụ đi chuyên gia, giờ lại mới Paris về, quần áo xịn bán hết rồi hay sao mà cụ lúc nào cũng lôi thôi vậy? Cụ làm thế là bêu xấu bộ mặt quốc gia đấy nhé!”
– “Ơi ông ơi, “y phục xứng kỳ đức” mà. Tôi hình như đức mỏng nên y phục chỉ bạc bẽo vậy thôi cho hợp. Hôm nọ đi bộ qua đoạn chợ Hôm, tay cũng xách cái bị này này. Tôi dùng để đựng cặp lồng cơm với điếu cày ấy mà. Thế mà bất ngờ nghe có mấy bà nói sau lưng “cụ già trông phúc đức mà tội nghiệp quá!” Rồi có bà còn dúi cả tiền vào bị tôi nữa chứ”, ông vừa nói vừa cười rũ.
Tiếng bác Trần “tếu táo”:
– “Thì quần áo đẹp ai xin cụ cũng cho hết cả rồi còn đâu. Cái nhà anh nhanh chân đến may ra còn có cái mà xin không hết suất bây giờ. Ngày xưa cụ ăn chơi nổi tiếng kinh đô đấy, các em theo cả sư đoàn. Theo Tử vi thì mệnh cụ là “Hải trung kim” tức là vàng đáy biển, thích dìm cái của quý chìm dưới biển sâu, ai biết thì biết, ai không hay biết thì tùy. Như nhà cháu đây thì mệnh “hỏa”, đầy chức vụ hư danh hão, nào chủ nhiệm, chủ tịch, giám đốc… cụ gần như suốt đời là nhân viên, tổ viên, biên tập viên… gần về hưu mới được phong chức danh Phó Giáo sư, “Danh bất xứng kỳ tài kỳ đức”, lương bổng bất xứng công việc làm. Thế mà cụ vẫn vui lòng chịu đựng, đáng mặt người đảng viên cộng sản chân chính có phải không ạ. Mà nhà cháu cũng xin thú thực với các ông các bà là 60% các công trình “vĩ đại” của nhà cháu mà thế giới đều biết tới đều có công của cụ hoặc là từ cụ mà ra đấy ạ!”
Tiếng nói oang oảng của một trong “tứ trụ” làm cuộc bia trầm lắng xuống trong lơi lát. Một lúc thì có tiếng của “cạ ruột” Nguyễn “khuỳnh”:
– “Cụ thì kinh rồi. Nghe nói cụ có gien nghiên cứu từ đời ông nội cho đến cha và anh, thân mẫu thì lại dòng hoàng thất nhà Nguyễn, con cũng Nguyễn nên con vẫn thấy nhà Nguyễn hay, vậy thì chắc cụ phải ham nghiên cứu từ lúc mới đi học ấy nhỉ?”
– “Gien gì đâu ông. Theo tôi được biết thì ông tổ sáu đời tôi là một anh đánh giậm. Và đã chết vì đói rét ở ngoài đầm không ai hay, mãi nổi lên rồi bà con mới biết mà chôn cất. Tôi nghiệm cái dân tộc mình đúng là không có ai giàu ba họ, không ai khó ba đời thật các ông ạ. Có một ông bạn vong niên của tôi, sinh viên mới ra trường thôi, nói với tôi rằng theo Kinh Dịch thì phương Đông là phương “khởi”, phương Tây là phương “thành” nên Tây nó mới thành tựu dễ dàng và trường cửu như vậy. Người phương Đông có cái “nghiệp” là khai khởi thôi, nơi sinh ra các bậc tiên thánh về tư tưởng. Thanh niên bây giờ cũng “cao thủ” lắm. Tôi cũng hay vào Huế, và tôi thấy nghệ thuật Nguyễn đẹp trong sáng vẻ tàn phai của nó. Nó làm tôi nhớ Venise. Hôm tới ông vô Tây Nguyên đi điền dã với tôi rồi ta qua Huế một tý. Uống đi các ông! Còn thời thanh niên của tôi ấy à, hình như là ghét đi học. Nhưng thích giao du và quan sát. Có lẽ là mình có cái máu thích “nghiệm sinh” từ bé chứ không khoái kinh viện. Mà xin lỗi các chị đây chứ lúc đó tôi suốt ngày chỉ thích ăn chơi thôi… Chị đưa tay tôi xem nào!”
Tất cả cùng cười, hồn nhiên lạ.
– “Trời ơi bàn tay này lạ lắm. Không bao giờ giàu có lớn đâu. Nhưng mà sẽ gặp toàn chuyện kỳ lạ nhất trần đời. Nhiều may mắn lắm. Mà có cái nốt ruồi ở chỗ ấy đúng không? Nốt ruồi son, màu hồng. Con cái sau này ác liệt lắm đấy…”
Thời gian thấm thoắt thế là đã hết cả buổi chiều. Họ gặp nhau từ lúc trưa mà giờ mặt trời đã xế bóng. Bao nhiêu câu chuyện trôi đi mà dường như ai cũng chỉ mong thời gian dừng lại. Bên ông không gian luôn đầy ý nghĩa, cho tất cả và cho từng người. Trí hụê ông như ánh sáng mặt trời chỉ biết tỏa sáng, không hề ưu ái vật nào mà rồi cứ cây nào nở hoa ấy. Trí thức Hà Nội hồi đó có cái chất lãng mạn tiểu tư sản đã để lại cho đến nay một dư vị khó quên. Họ chắt chiu từng chút niềm vui và giá trị tinh thần, khiến lòng người luôn vẫn cảm thấy một chút gì đó ấm áp trong ta và trong nhau. Sao thời gian trôi quá mau như vậy? Để lại những ngẩn ngơ nuối tiếc một cái gì, như thể một hạt sương, một làn khói, một hơi thở bâng khuâng. Phải chăng đó là sinh khí? Hay các đại nhân vật gọi đó là linh khí? Từ đó có ông và muôn người…
***
Một thời gian sau lại gặp bên hàng bia Hoàng Hoa Thám cả một “mâm giữa”. Sôi nổi hơn, hay nông nổi hơn? Tiếng Ngô “đoành” choang choang:
– “Chả hiểu các ông từ to đến bé xơi phải bùa mê thuốc lú gì mà cứ ngồi dương mắt ra nghe cái “mờ-xi-ơ gàn dở” ấy? Toàn chuyện lảm nhảm dơi chuột râu ông nọ cằm bà kia vớ va vớ vỉn, ậm à ậm ờ. Làm khoa học gì mà cứ mở miệng ra là “hình như” thế không biết? Tôi đây này, đã từng được dự khắp các xề-mi-na của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp mà chưa bao giờ được nghe hai tiếng “hình như” cả. Khoa học là chính xác. Là đúng hoặc sai. Trắng ra trắng, đen ra đen. Mèrde! Đúng là An-nam-mit-toòng. “Chung quy chỉ tại Vua Hùng, sinh ra một lũ vừa khùng vừa điên”. Tôi thấy “mờ-xi-ơ gàn dở” chỉ có duy nhất mỗi một câu đúng là “Ở Việt Nam làm gì đã có khoa học”. Tôi…tôi…”
Ngô “đoành” chẳng kịp hết lời thì đã có tiếng Lâm “thâm”:
– “Ông Âu hóa hơi nhanh đấy. Giỏi! Tu nghiệp Pháp về có khác, đâu như bọn tôi nghiên cứu như “tạc-giăng” trong đám “thắng cố” với “mèn mén” của đồng bào các dân tộc. Ôm được thân ra khỏi rừng thiêng nước độc về lại Thủ đô đã là may lắm. Chỉ xin lưu ý Maitre[1] Ngô rằng maitre có biết vì sao “mơ-xi-ơ gàn dở” được mời sang Pháp không? Có một nhà Sử học nổi tiếng nhất nước Pháp đã mời cụ sang Pháp chơi chỉ vì… nghe cụ nói tiếng Pháp quá giỏi, quá “xuya”. Cụ học tiếng Pháp từ lớp nhất, lại ở với cả người Pháp nên không có cái gì của Pháp mà cụ không rành cả. Cả cái lối tư duy “trắng ra trắng đen ra đen” mà ông vừa nói thì cụ đã biết từ ngày còn đái dầm. Cụ cũng muốn đến Pháp cốt để được xem tận mắt cái hang có những hình vẽ của người nguyên thủy rồi về thôi. Để tuyên ngôn được cái thuật ngữ “hình như” đó cả một danh nhân đã phải mất một đời người mới làm nổi đấy!”
Tiếng Dương “đại” trầm hùng:
– “Chắc ông quên chứ tất cả chúng ta đều “ăn cắp” các ý tưởng của cụ lóe ra trong những cuộc bia rồi về xào nấu thành báo cáo, luận văn, hoặc chí ít cũng được cụ chỉ vẽ đường hướng. Chưa thạo trong nhà đã thông ngoài ngõ thì hãi lắm. Đạo Đức Kinh khởi đầu bằng câu “Đạo khả đạo phi thường Đạo, danh khả danh phi thường danh”. Chân lý nằm ở nơi mập mờ thấp thoáng…”
Nguyễn “khuỳnh” đế:
– “Như quảng cáo ấy, “mỏng, mềm, thưa, thoáng”. Nhà Phật nói “Mở miệng đã là sai” thì rốt ráo “thị phi, hắc bạch” là điều bất khả, vì chân lý tuyệt đối bao trùm lên tất cả. “Quý tiện cùng gốc, cao thấp cùng chiều, vinh trên thì nhục dưới”, chắc vinh quang ông đạt được ngày hôm nay hình như là thành quả của cả một chặng đường không lấy gì làm cao quý cho lắm…”
Dương “đại” tiếp:
– “Thế là “trắng trên mà đen dưới” đấy người Tây An-nam ạ. Thôi, uống đi nào. Cũng phải cảm ơn người Pháp đã mang bia đến cho người Hà Nội. Đem đến một thăng hoa cho dân tộc này. Tớ định vận động làm một lễ hội “Ngày bia hơi Hà Nội 100%” các cậu thấy thế nào?”
Lâm “thâm” phán:
– “Đúng là ông dân biểu có khác. Lúc nào cũng nghĩ đến “cờ đèn kèn trống”. Ông chưa làm thì dân người ta ngày nào cũng làm rồi ông ạ. Rồi không biết ít năm nữa nước mình dễ mỗi tuần lại có một lễ hội mất. Hết hội chọi trâu đến hội đâm trâu, rồi thả chim bắt bướm, thả diều thả bèo, bắt chuột bắt sâu…”
Ngô “đoành” tham gia nhiệt tình:
– “Tôi ủng hộ. Ở bên Tây cũng có nhiều ngày hội uống bia như vậy. Cả thành phố đều nghỉ làm việc tham gia rầm rộ cùng cả khách du lịch quốc tế nữa. Nhìn cả một thành phố mặt mũi đỏ gay, bụng bia phưỡn phẹo vui quên chết các ông à. Tôi đi vào hội chợ bia là được mời uống miễn phí ngay. Thích nhất là thế. Tự dưng có lần có lão già ở đâu đến mắng tôi “Mày không có râu, uống làm gì cho nó phí bia. Phải như tao đây này, vừa uống vừa thả râu vào trong vại rồi sau đó mùi bia từ râu bốc lên thơm nức thì mới đạt tới “cực khoái” nghe không”. Vì vậy, tôi đề nghị ông nghị phải vận động để râu và tổ chức lễ hội “thi râu” nữa.”
Tiếng Nguyễn “khuỳnh” điềm đạm:
– “Cái đó nên đến tham khảo cụ đi. Vì cụ là người thạo bia, lại là người duy nhất trong đám sỹ phu Bắc Hà này để râu dài”. Nói xong Nguyễn cười lớn.
***
– “Cái gì? “Lễ hội Bia” à? Hoan nghênh các ông! "Thua Trời một vạn không bằng thua bạn một ly!" Hình như theo sự phát hiện gần đây nhất của một nhà Cổ ngữ học thì tác giả của câu nói bất hủ đó chính là... Lưu Linh[2]. Xưa nay trong dân gian khi bàn về Túy Đạo (tức là cái Đạo say) vẫn thường bàn ngang dọc về "tiên tửu" và "hợi tửu" - tức là say nhưng sáng suốt thông minh tinh túy "sướng như tiên", hay là say mà bê bối bệ rạc tăm tối như "gia súc thiến sót" (mọi người không tưởng tượng nổi sự ngu dốt của bọn họ đâu) - nay “moa” xin bổ sung một đầu ra nữa cho Túy Đạo là "nổ tửu" cho nó đủ bộ "Tam nguyên luận" và tăng thêm phần rôm rả. "Nổ tửu" không phải là rượu nổ mà là người "nổ" - hiện tượng thăng hoa nhập "nát bàn" của các cao nhân hàng ngày bị quá nhiều ẩn ức và kiểm duyệt khi gặp bia rượu như được bom napalm thiêu cháy hàng rào (người xưa đã dậy là "lưỡng hỏa hỏa diệt") nên thừa thắng xông lên... trời. “Moa” cũng xin được tặng tất cả một vế đối để làm quà:
"Một tấc… đến giời, thiệt gì đâu mà... lời ra ba tấc"
Nào, hãy nâng cốc… chúc sức khỏe… cho tất cả! Ta đi đây. “Lễ hội Bia” à? Ta đang nhìn thấy một rừng bia đây. Toàn bia đá. “Trăm năm bia đá thì mòn…, ngàn năm bia… miệng (hay “mực” gì đó) vẫn còn… trơ trơ”. Mồ ta bia đá… trăm năm, danh ta bia miệng… mười năm có còn?...”
Ông đã ra đi nhẹ nhõm sau một lần say sưa cùng bạn bè và đệ tử như thế. Người ta bảo ông chỉ có lúc chết là sướng. Còn ông thực sự cảm thấy gì thì đã mấy ai hay. Vế đối ông đưa ra đến nay vẫn chưa ai đối được thật chỉnh, kể cả ông Vũ “dancing” bất hủ cùng các bậc “trụ kiệt” của đất nước.
***
Mười năm qua rồi đấy cụ ạ. Danh tài cụ vẫn còn đó mãi với “nghìn năm văn hiến” này như một “bậc thầy của những bậc thầy”. Cụ là một trong những danh nhân đất nước đầu tiên được các đệ tử đúc tượng đồng – những giọt đồng như những giọt nước mắt thành kính của các học trò đã được hoặc chưa được vinh hạnh có cụ chỉ giáo khóc thầy mà dựng nên. Nhìn mặt nước hồ Thiền Quang bên nhà cụ xanh ngắt in màu trời thu Thăng Long con lại chợt nhớ tới đôi mắt trong veo của cụ, càng nhớ tới câu thơ cụ rất thích mà cụ thường ngâm cho mọi người nghe:
“Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”
Người có đôi mắt trong veo phải là người có cái Thần, cái Tâm sáng lắm.
Viết đến đây tôi chợt thấy lòng mình chua xót nhói đau. Vì tôi không nhớ nổi tên ông. Thật vô tâm bất nghĩa quá. Nhưng thật may là tôi còn nhớ tên tuổi tất cả các vị khác kể trên vì họ đều nổi tiếng như sấm động. Nếu quý vị muốn hỏi tới ông xin cứ đến hỏi bất kỳ ai trong số các bậc ấy. Còn tôi chỉ còn lại cho mình một tiếng thưa trong tim với ông là “người thầy của những tuyên ngôn”.
6.11.2004