Nhà giáo Phan Trọng Tảo đã có trên chục năm làm thơ, đây là tập thơ thứ ba của anh. Thơ anh viết không nhiều nhưng những thi phẩm ra đời đều được sự đánh giá cao của độc giả. Anh vừa trải qua một cơn bạo bệnh, từ chỗ “ âm u” ấy trở về được chào đón bẳng một niềm vui lớn, đưá con tinh thần của anh tập thơ Giờ đã sang thu, được Giải thưởng Hội LHVHNT Việt Nam 2016. Sự chăm chút, đam mê Thơ giúp anh vượt qua mọi khổ lụy, để rồi anh hái quả ngọt trong vòng tay bè bạn…
Giờ đã sang thu, tập thơ mỏng ngót nghét sáu mươi bài, được bạn đọc đón nhận như một người bạn thân. Giọng thơ thủ thỉ anh gửi gắm tâm tình trong những dòng viết về quê hương, về gia đình, về thiên nhiên, có lẫn vài bài về thế sự…Đề tài khá đa dạng mở rộng sang nhiều lĩnh vực đời sống, có bài khái quát một triết lý sống , cũng có bài chỉ nói đến những mảnh nhỏ cuộc đời : một tiếng dế kêu, một chiếc lá rụng, một áng mây qua… Sự suy cảm chân thành, sâu lắng ẩn dưới một cách nói khá mới mẻ đã thu hút người đọc. Chỉ một riếng dế kêu ban mai mà anh xúc động nghĩ về sự tuần hoàn cuộc sống, về sự gắn bó giữa thiên nhiên và con người. Cả đêm lũ dế tìm nhau mệt mỏi, thao thức, để khi gần sáng chúng thôi kêu, ấy là khi đôi dế đã hòa niềm vui ấp iu sinh nở cuả chúng vào niềm vui cuộc đời. Một phát hiện độc đáo và cảm động.
Gần sáng rồi vợ chồng dế gặp nhau
Đập cánh gọi chui vào hoa quỳnh rụng
Cuộn cái tổ để mẹ nằm ấp trứng
Ngày bắt đầu khi tiếng dế thôi kêu.
Phan Trọng Tảo rất tinh tế khi phát hiện những sắc điệu thiên nhiên, nhưng đặc biệt anh hòa chúng vào tâm cảm con người nên thiên nhiên nặng trĩu hơi ấm sự sống.
Viết về mùa thu anh cảm nhận rất tinh tế, thu với những hoa cúc vàng lấm tấm, với gió thu se sắt, với mây thu có vết, với đường thu nắng nhạt, nhưng đậm nét là những ngày thu giao mùa trong chuỗi thời gian kế tiếp, khi xuân qua, hạ đến rồi thu sang, mùa nào cũng đẹp cũng chan chứa tình quê, nối tiếp tiếng ve kêu bỏng rát mùa hạ là những cánh én cuối xuân di thê mỏi biệt một phương trời…
Nhưng thu không biệt lập, thu nhắc anh nhớ về mẹ cha, ông bà, anh thốt lên những lời tha thiết “Tìm lại cha mẹ giữa cánh đồng hanh hao / Tìm lại những ngày ông bà đã sống/ Tắm gội heo may sương gió hao gầy”… nhớ lại những ngày vất vả của đấng sinh thành, nghĩ về một tương lai “ đường thu còn bỏ ngỏ” và liên hệ mình với trăng thu, một sự liên tưởng thật thi vị và rất riêng của Phan Trọng Tảo : Bất chợt nghĩ rằng trăng rơi đáy hồ mà trăng không vỡ/ Biết đâu mình ngồi yên lại vỡ toe loe. Một sự liên tưởng đầy trách nhiệm về con người và sự sống.
Mạch thơ đầy đặn trong tập là những bài viết về quê làng. Thoáng qua tên các bài cũng đã rõ: Nhớ đồng, Thăm thẳm miền quê, Một thoáng trưa quê, Cố hường, Nhìn ra cánh đồng, Cánh đồng mẹ, Làng xưa, Người nhà quê, Làng mới, Làng những ngôi sao mai, Cổ thụ, Ghi ở Thọ Sơn…Làng quê thấm một nỗi niềm thân thương và trông ngóng. Bao kỷ niệm kết đọng trong một tiếng “làng”, bao hy vọng cũng trở về nơi ấy. Một tiếng gà trưa, một dáng bồ chao, một tiếng rô quẫy, cũng “đốt lửa mắt cay”, khuấy động giấc chiêm bao về quê kiểng: Vỡ giấc chiêm bao sục bùn mùa rơm rạ/ Con về rúc ngực mẹ ngủ say/ Rấn rật tiếng gà đốt lửa mắt cay…Câu thơ nói về giấc chiêm bao trở lại thời ấu thơ của một kẻ ở tuổi cổ lai hi làm cay mắt người đọc !
Quê hương nơi nào cũng đầy thương nhớ, trong thơ Phan Trọng Tảo vẫn có một dáng vẻ riêng …Ngày mai gió đưa câu hát cố hương
Buôn buốt nhớ lăn tăn bờ cát mặn
…Câu ví giặm lướt sóng lăn dài
Giọng lấy Kiều xôn xao hương lúa.
Cái làng Thạch Văn nửa biển nửa đồng, xưa quen gọi Bãi Ngang nhiều gian nan cũng lắm oai hùng, mang cái dáng riêng của miền Trung gió cát, của xứ Nghệ cần cù, thêm một lần hiện trong thơ anh, quặn lòng ngừoi xa xứ. Anh nói về tâm trạng những người bà con ở miến xa Vũng Tàu khi nhớ về quê nhà nhưng cũng chính tự nói với lòng minh.Viết về quê giọng thơ xen trần thuật với trữ tình, nhiều chi tiết kể gợi nhớ bao chuyện cũ, mới quê làng luôn mang nặng tấm lòng người viết. Bên cạnh những dây bầu, dây bí, những tiếng chim xa, chòm mây gần, những bình rượu Cẩm, ả Vân, ả Kiều, những chị, mẹ xuôi theo tháng ngày đều thấm đượm một tấm tình : Uống cạn cùng xót xa / Nước mắt tắm cuộc đời không thể ươt! Làng quê đang trên đường sinh nở, phát triển từng ngày.
Bạn thơ xếp anh vào lớp các tác giả đổi mới mặc dầu anh không quá chú trọng làm mới câu chữ, với các kiểu vắt dòng leo thang như thường gặp, vẫn viết theo dạng truyền thống, kết cấu baì thơ tuyến tính xúc cảm đến đâu viết đến đấy, thảng hoặc đôi bài cấu tứ kiểu “điểm đọng” hay “tượng trưng”( Cỏ, Chiếc lá thời gian), mà nổi bật ở cách nhìn, cách cảm. Anh thấy cái lạ nơi tiếng dế ngừng kêu vào rạng đông, thấy cái mới trong một tiếng gà quê quen thuộc hay nơi chim bồ chao đang hót. nơi những cái bình thường ai cũng gặp nhưng dễ bỏ qua. Suy cảm như anh Có cái đẹp khuất sau nỗi đau nhức nhối/ Có cái buồn trong hạnh phúc yêu tin, cũng là khá mới . Bài Người diễn viên đóng thế chứa đựng một khái quát sâu sắc về nghệ thuật và cuộc đời. Người diễn viên đóng thế dưới ánh đèn trước mặt mọi người là một nghi hoặc Anh là ai/ Ai là anh/ Tất cả vào vai đóng thế… Anh đã “mang cả cuộc đời lên sân khấu/ Hóa trang sân khấu thành cuộc đời”.Chỉ sau đêm diễn, tẩy trang, anh mới có gương mặt thật của mình. Thông điệp của tác giả: diễn viên chính đóng thế người thật trong cuộc đời lớn, người đóng thế đóng thay diễn viên trên sân khấu nhỏ. Hạnh phúc của các vai diễn là làm giả như thật, làm cho khán giả khóc cười theo các tình huống nghệ thuật cũng chính là sự sống.
Bài Tôi muốn sống cuộc đời như cỏ là một ẩn dụ có tính khái quát về một cuộc sống giản dị biết giúp ích cho đời. Cỏ vô tư giữa mây gió, ngày nở hoa, đêm say ngủ, ngày đêm gom mưa nắng nuôi thân và làm ra thảo dược giúp ích cho đời, nhưng cỏ này không muốn làm cỏ may làm hỏng áo quần và cứa ráp chân người. Tôi muốn sống cuộc đời như cỏ/ Rễ cắm đất sâu rễ vươn tới trời xa. Mơ ước giản dị mà đẹp đẽ làm sao!
21-04-2017