Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.150.437
 
“Việt Phương, chất nồng say trầm tích”
Nhã Thuyên

Việt Phương, chất nồng say trầm tích

 

Kính viếng thi sĩ “thần tượng Cửa Mở” của một thời đại vừa khép mắt mãi mãi tại Hà Nội sáng  6/5/2017, xin mạn phép gom bài vở từ diễn đàn Hội Luận Văn Học Việt Nam, nơi từng may mắn được thi sĩ cộng tác…

 

http://hoiluan.vanhocvietnam.org/?p=256

http://hoiluan.vanhocvietnam.org/?p=248

http://hoiluan.vanhocvietnam.org/?p=255

 

Vancouver, 6/5/2017

Đ.Q.

 

*

Trao đổi - Bạn đọc & Hội Luận – 8/6/2008

Việt Phương – Hà Nội

Thân gửi các bạn!

Thật tình tôi không dám có tham luận gì về thơ Việt đương đại, hoặc ngay cả hẹp hơn, về một vấn đề nào của thơ Việt đương đại. Tôi được sống với thơ và các bạn thơ Việt đương đại quá ít.

Xin nêu ngay một bằng chứng: Tôi không được rõ nên muốn hỏi bạn Thanh Thảo có phải hay không là bạn Công, người Quảng Ngãi, nhà thơ mà tôi rất kính trọng và đã từng được gặp gỡ, nhưng đã lâu quá không còn giữ được liên lạc nữa?

Tôi chỉ xin gửi các bạn vài bài thơ ngắn sau đây. Tôi xin lỗi là không đóng góp được nhiều hơn.”

 

 

BA BÀI THƠ

Cái lá cái lá cái lá

Không có gió cứ ru người

Con cá con cá con cá

Trong bể kính vẫn còn bơi

 

Đương


Một khát vọng vô vàn mầm lộc

Tuyệt đối tôi đối thoại với người

Chùm sao Thiên Nga lắng nghe hạt thóc

Tôi thật là người và người thật là tôi

 

Đón


Ngã năm lộng lẫy bao nhiêu đẹp

Ngập ngừng mở khép những môi hoa

Lòng chưa bảo hiểm không thông điệp

Ngơ ngác trời sa trước cửa nhà

 

Hà Nội, tháng 5/2008

 

*

Việt Phương, chất nồng say trầm tích

 

 

 

Tôi vẫn muốn trích lại đây những lời tâm sự về thơ của nhà thơ Việt Phương, khi tôi (lặn lội) tìm gặp ông, ở tuổi 80, ngay khi nghe tin “Cửa Đã Mở” (NXB Thanh Niên, 2008) ra đời, dù lúc đó hồi tháng Hai, chưa có buổi giới thiệu ra mắt: 

Nếu nói một quan niệm thơ mà tôi đã chọn lựa cho mình, sau khi tìm hiểu nhiều quan niệm thơ, thì là thế này: Thơ là kết tinh sáng tạo, vươn lên thăng hoa của tình yêu cuộc sống và con người thể hiện bằng câu chữ, bằng hình tượng ngôn ngữ mà quý nhất là mới mẻ vì tự nhiên và giản dị. Nhờ thế mà giàu sức truyền cảm và gây xúc động. Hỏi thơ với tôi là gì? Đó là một băn khoăn suốt đời tôi, một sự tìm kiếm suốt đời, và có lẽ nhà thơ nào cũng tìm kiếm… Tôi tâm đắc câu này của Xuân Diệu: "Nên gắng làm thơ, nhưng đừng gượng làm thơ". Thơ không nên và không thể ép. Đến bây giờ tôi vẫn không dám nhận mình là nhà thơ, dù sao tôi vẫn chỉ là người làm thơ nghiệp dư thôi…"

Là một người trẻ tuổi, lúc đó tôi cũng đã muốn tìm biết một huyền thoại cũ, mà tôi nhìn nó có chút nghi ngờ riêng tư, về giá trị thơ ca…

Bây giờ, tôi rất sợ không có được cảm xúc khác, khi được Hội Luận Văn Học Việt Nam mời làm cầu nối để kiểm tra lại câu chữ ở ba bài thơ “chưa từng công bố ở đâu” (mà nhà thơ gõ không dấu qua email); Và tôi không biết lúc nào sẽ đến lần “công bố” nữa, cái kho tàng kín đáo, nhà thơ đã giữ gìn cẩn trọng như sự cẩn trọng khiêm nhường của ông với ngôn từ – cả khi nói chuyện và khi làm thơ – cái kho tàng ấy, cả một chồng những bản thảo thơ chưa–công–bố của Việt Phương, tôi đã được thấy, tại căn hộ lặng lẽ của người thơ.

Thơ Việt Phương, ở ba bài thơ này, là thơ của người đã nghiệm lẽ đời, chất nồng say trầm tích như những lớp sóng trên đá. Ba tên tác phẩm, ba từ đơn âm “Có”, “Đương”, “Đón”, có thể ngẫu nhiên tác giả chọn, nhưng ghép lại vẫn ra một hình tượng thơ, mà chủ thể, như cố hữu, luôn tìm cách ẩn đi. Nhưng làm sao có thể ẩn được trong giọng điệu, trong cách lọc từ, ở độ vắt nhất? Cái thú là, độ vắt ấy, lại trong, và vẫn nổi hình, chứ không gợi cảm giác o ép; nhịp điệu tự nhiên, không phải thứ nhịp hành xác tạo bởi câu chữ khổ hạnh. Nó minh chứng quan niệm thơ của ông mà tôi dẫn lại trên kia.

Trong ba bài, tôi thích nhất là bài “Có”. Một nhan đề dễ gợi đến những sắc không vô thường của nhà Phật, nhưng thực ra lại để xác tín một hiện hữu. Câu thơ bật ra hồn nhiên giọng con trẻ, không vướng ép vần luật, đọc mấy chữ “cái lá cái lá cái lá…” và “con cá con cá con cá”, lặp lại, vang vang, bay cao lên, thấy reo vui như kẻ vừa nhận ra sự sống: đó, sự sống, đơn giản và thuần lành, như cái lá, con cá, không nệ vào không gian vẫn cứ hiện hữu, cống hiến và tự do. Câu của Rene Decart phải được viết lại: “Tôi hiện hữu, tức tôi tồn tại”. Tươi và sống động, một bài thơ thiên nhiên.

Vẻ đẹp của thơ Việt Phương, đáng giá nhất chính là ngôn từ được lọc sạch, không vướng bụi bặm, đôi khi có cảm giác nhà thơ lọc kỹ quá. Đọc Việt Phương, thích nhất là đọc thơ tình, mà ba bài này, đọc đi đọc lại, thấy có một mỉm cười, vì vẫn cứ thấp thoáng một lộng lẫy, một Đẹp, huyền thoại ngay trong đời thực, bầu trời và cửa nhà:

“Lòng chưa bảo hiểm không thông điệp

Ngơ ngác trời sa trước cửa nhà

(Đón)

Thật là bất khả kháng trước cái đẹp, không cách nào đỡ được. 

Tôi đã tìm gặp thi nhân để muốn biết một huyền thoại. Hóa ra, cuộc sống và thơ ca lớn, đẹp và rộng, và tràn đầy đến nỗi, huyền thoại về “trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ” xưa xưa có lẽ đã nên khép lại. Câu chuyện thơ thời “Cửa Mở” đã mất vẻ nóng hổi, chuyện thơ ca qua thời gian cũng đã khác nhau lắm rồi. Dẫu nhiều người vẫn tìm đến Việt Phương để mong tìm một huyền thoại cũ, nhưng ông có một kho chứa (còn bí mật) biết đâu lại là một “huyền thoại” khác, thường nhật hơn, và trẻ hơn. Tôi cũng đã e dè những “hiện tượng” một thời dễ chẳng còn gì để nói đến hôm nay, và “Cửa Đã Mở” biết đâu lại là tín hiệu đóng một đời thơ, một huyền thoại kết thúc; Nhưng hóa ra, cửa đã mở, là mở ra hàng trăm cửa sổ khác, và đó chính là thơ ca… Nói vài ba câu về ba bài thơ chưa công bố này, lại muốn lan man nói một cái gì xa hơn, nhiều hơn. Và, nói nhiều hơn thì lại thấy mãi mãi như là chưa đến.

Thơ, có lẽ luôn vậy, trong ngôn ngữ, nó gợi mở, đòi hỏi và không khép lại những bí mật.

“Cái mới của con người

Như đất trời

Bình yên và rất trẻ

(Nguyên – “Cửa đã mở”)

Xin giới thiệu cùng độc giả ba bài thơ mà nhà thơ Việt Phương lựa chọn gửi đến Hội Luận và tôi được dông dài.

Hà Nội 12/6/2208

 

-=-

Nhã Thuyên
Số lần đọc: 1435
Ngày đăng: 09.05.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhận biết ý nghĩa của nghệ thuật - Võ Công Liêm
Nhà thơ Thành Tôn và những hình ảnh tận tụy với văn học - Trần Văn Nam
Những Dời Đổi Địa Hình và Mối Hoài Cảm Thi Ca - Trần Văn Nam
Nhờ có sai lầm mà Yến Lan được nhắc tới - Lâm Bích Thủy
Vài ý nghĩ vụn về chuyện làm văn - Võ Công Liêm
"Bàn tay nhỏ dưới mưa" tiểu thuyết của Trương Văn Dân - Hoài Huyền Thanh
Đông - Juan thời hiện đại - Đặng Xuân Xuyến
Thơ và Thủ pháp Ẩn dụ - tâm linh - Yến Nhi
Augustin, Kaddour, Meursault - Hiếu Tân
Tác giả của huyền thoại - Võ Công Liêm