Bức ảnh chân dung ông Trần Văn Anh người làng Trừng Giang do thi sĩ, họa sĩ Phạm Hầu vẽ.
Ông Trần Văn Quận nay (2017) đã 89 tuổi khi được hỏi về lai lịch bức di ảnh của ông nội là ông Trần Văn Anh. Ông Quận nói ngay:
“Ông Phạm Hầu vẽ bằng bút chì”
Ông Trần Văn Anh làm thợ mộc thường hay đóng cho nhà ông Phạm Liệu các đồ gia dụng bằng gỗ.
Hôm ấy thi sĩ, họa sĩ Phạm Hầu vừa về nhà gặp ông Trần Văn Anh đang lắp ráp đồ mộc.
Thi sĩ, họa sĩ Phạm Hầu ngỏ ý:
“Trưa ông về lấy khăn đóng áo dài bận trở lại nhà đây tôi xin vẽ chân dung của ông”
Và bức chân dung được vẽ xong bằng bút chì (ảnh).
Bức chân dung vẽ trên giấy giờ không còn như ban đầu nhưng nét vẽ đúng thần thái của ông Trần Văn Anh.
Ông Quận kể cha của ông nói như vậy.
Tôi liên tưởng đến một thông tin: “Bức tranh siêu thực Hòn đá được giải nhất trong Triển lãm mỹ thuật Đông Kinh tại Nhật Bản đã minh chứng cho thiên hướng nghệ thuật của Phạm Hầu. Dù trong hội họa hay thơ ca, Phạm Hầu đều mang tư tưởng tự do trong sáng tạo, hướng tới vô biên và “Tuyệt đích”, “vô cùng tận”, “Ta thích nghệ thuật nào đem ta tới vô biên”.”.
Bức tranh siêu thực Hòn đá và tác phẩm hội họa khác nay thất truyền, bức chân dung họa sĩ Phạm Hầu vẽ tặng người thợ mộc trong làng được lưu giữ và trở thành di ảnh thờ từ khi ông Trần Văn Anh quá vãng.
Đến nhà ông Quận khi thấy bức di ảnh lạ sắc nét tôi hỏi và ông Quận cho biết đây là tác phẩm do thi sĩ Phạm Hầu vẽ tặng ông nội vào năm 1941.
“Năm đó tui 13 tuổi”
Ông Quận nói như vậy.
Thi sĩ, họa sĩ Phạm Hầu (tên đầy đủ là Phạm Hữu Hầu) sinh ngày 2 tháng 3 năm 1920 – mất ngày 3 tháng 1 năm 1944) quê quán làng Trừng Giang, Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam; thi sĩ có tên trong cuốn Thi nhân tiền chiến. Cha là Tiến sĩ Phạm Liệu Thượng Thư triều Nguyễn, mẹ là bà Lê Thị Giảng người Thanh Hóa.
Ngoài thơ thi sĩ Phạm Hầu còn yêu thích hội họa đã tốt nghiệp trường mỹ thuật Đông Dương./.
(Quảng Nam)
(17/05/2017)