Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.108
123.142.722
 
Kẻ lai vãng trước sân chùa
Phạm Nga

 

 

1.

 “Tánh anh nóng nảy, nổi cộc lên thì coi hung lắm, phải đi chùa cho nó trầm tính lại”. Đã một thời, nhiều lần vợ tôi đã nhận xét và đề nghị như vậy.

Ngày xưa, bố tôi theo Tây học, từ Bắc vào Nam dịch sách, làm báo, ra cả báo Pháp, tánh khí nghệ sĩ, phóng dật, khiến cho căn nhà nhỏ của gia đình ở khu Đa Kao thời đó hay chộn rộn cái không khí văn chương chữ nghĩa. Có lần, lấy cớ cần khui một chai rượu chát rất xưa, bố tôi mời vài người bạn thân đến nhà chơi. Tôi lén nghe được bác TCHYA Đái Đức Tuấn, nhà thơ rất thân bố tôi, cườibảo: “... Vậy là toa cũng rất libéral về vấn đề tôn giáo”.

Phải nói là, trước khi tôi đủ lớn khôn để tìm hiểu cho thật rõ tính từ “libéral” có nghĩa là gì thì bố tôi đã có quan niệm rất phóng khoáng về vấn đề tín ngưỡng, nghĩa là vợ con trong nhà ai muốn theo đạo nào cũng được. Bố tôi không hề bày tỏ một ý kiến, nhận xét nào về chuyện mẹ tôi sùng đạo Phật, qui y tại chùa, có pháp danh cũng như bày khuôn thờ Phật Bà Quan Âm phía trên bàn thờ ông bà, hay chuyện em gái tôi được mấy xơtrường Thiên Phước ở Tân Định dẫn dắt vô đạo Thiên Chúa khi em học tiểu học tại trường này. Có lần một vị giáo sư, bạn bà chị họ rũ tôi vào đạo Baha’i. Tôi nhận vài tờ tài liệu về đạo này, đem kể cho bố tôi nghe. Ông chỉ cười, nói: “Đạo Bà Hai, gốc ở Ba Tư chớ gì. Thì đạo nào cũng dạy con người sống, cư xử cho có đạo đức và làm việc thiện. Tùy ý con thôi.”

Rốt cuộc, tôi lớn lên không thể không chịu ảnh hưởngtinh thần libéralấy từ bố tôi. Mặt khác, thời đại học, bạn bè ở các lớp triết Tây, triết Đông đều gồm cả các linh mục, sư huynh, nữ tu, nhà sư, ni cô nên dần hồitôi có quan niệm đại khái như “liên tôn giáo” hay “hòa đồng tôn giáo”, thấy đạo nào cũng tốt, hay ít ra là những đại diện của các tôn giáo ấy chẳng xa lạ gì với mình.

2.

Sau biến cố 30-4, cuộc sống ăn-độn đầy dẫy khó khăn, thiếu thốn. Với nhiều người dân miền Nam, một khi những lo nghĩ về cơm-áo-gạo-tiền quá đè nặng tâm trí, khó tránh chuyện đức tin tôn giáo lung lay. Ai vốn xem giá trị tinh thần, tâm linh cao quý hơn của cải vật chất cứ như bị thời thế cải tạo, dần hồi chuyển qua những cách nghĩ thực dụng như “Có thực mới vực được đạo”, “Lương tâm không bằng lương... thực”!

Cái ăn lúc này còn đè bẹp cả cái học. Như em gái út của tôi, học giỏi và hát hay, tốt nghiệp cấp 3 xong trong nhà làm gì có tiền nuôi cho học đại học, em xin vô làm công nhân một xí may ở Nhà Bè. Ít lâu sau, đi làm về em nói mấy đứa ở trỏnghát bản “Rước tình về quê hương” thật thơ mộng, lãng mạn một thời của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thành đầy mùi ăn uống: “Anh đưa em vô chùa/ Chùa hôm nay có chuối/ Anh đưa em vô chùa/ Chùa hôm nay có chè/ Thầy chùa nhắm mắt tụng kinh/ Chúng ta bay vô giựt chuối/ Thầy chùa nhắm mắt tụng kinh/ Chúng ta bay vô giựt chè!”. Em tôi “thuyết minh phim” thêm rằng phải giựt mới có ăn, vì giải phóng rồi, dù là mấy thầy tu trong chùa cũng chỉ có tiêu chuẩn gạo nhất định. Đâu còn như hồi trước, người ta hay nói cơm chùa, tức cơm miễn phí, do các chùa hay có cơm chay bố thí, ai nghèo mạt không kiếm nổi bữa ăn thì cứ đến cửa Phật...

Không ai bảo ai, người ta lặng lẽ nín nhịn các nhu cầu phía đời sống tín ngưỡng, sinh hoạt thờ phượng. Một Phật tử sùng đạo như mẹ tôi cũng dần hồi thưa thớt, rồi bỏ hẳn việc đi chùa ngày rằm, mùng một, để còn lo xếp hàng mua nhu yếu phẩm hay may hàng gia công kiếm thêm tiền chợ, phụ vào đổng lương chết đói của mấy đứa con công nhân viên...

Thời ăn-độn hay gặp người khùng hoặc nữa tỉnh nữa mêngoài đường phố. Tôi nhớ một lần có việc ra bến xe Văn Thánh, tôi lên một chiếc xe than, ngồi chờ xe chạy. Chợt có một người đàn ông ốm yếu, mặc bộ nâu sòng rách nát, cầm một cây phướn, bước lên xe kêu gọi hành khách:“Bá gia ơi, lo tu đi, không thì chết đó nghen! Hội Long Hoa tới rồi! Ráng tu liền đi bá gia!”. Tôi chạnh nghĩ:“Mệt quá, đang thiếu đói tùm lum đây, lo chạy cơm từng bữa cho con người chưa xong, sức đâu lo chuyện tu hành cho vui lòng thần Phật nào đó?!”. Đang lúc chán nãn, lo nghĩ chuyện cơm áo như thế, tôi chán luôn nhà tiên tri thảm hại đang lãi nhãi rao giảng kia. Đúng lúc xe nổ máy, tôi buột miệng nói nhảm như mỉa mai ông ta:“Thôi xuống xe đi bá gia ơi! Không chịu xuống thì lơ nó lấy tiền xe, bá gia có tiền trả không đó?”.

Đến khi tôi lập gia đình, rất chật vật với cảnh chồng công nhân viên/vợ bán buôn lặt vặt, thu nhập không đủ sống, vợ tôi lại sinh con đầu lòng. Tôi quyết định nghỉ việc để dốc hết sức lực phụ bà xả chuyển hẳn qua nghề buôn chuyến hàng tạp hóa.

Vào cái thời thiếu thốn đủ điều ấy, vợ tôi – đã quy y cửa Phật từ thời con gái – cũng đành bỏ lệ đi chùa ngày rằm, mùng một. Tôi nhớ chỉ có một lần, là vào ngày Phật đản năm nào đó, vợ tôi đã ráng cùng mẹ tôi đến thắp nhang, lạy Phật ở ngôi chùa gần nhà.

Rồi thời “mở cửa” cũng đến, cuộc sống tương đối dễ thở hơn, quý phụ nữ gia đình chúng tôi gần như chính thức trở lạivới tập quán đi chùa vào ngày rằm, mùng một.Còn những dịp đặc biệt như Tết nguyên đán, Phật đản, rằm tháng Giêng, Tết Đoan Ngọ, rằm tháng Bảy và rằm tháng Chạp, mẹ tôi và vợ tôi soạnmâm quả cúng chùa thịnh soạn hơn, cũng như  ăn bữa chay tại chùa luôn.

Thêm một sự “trở lại” đầy tốt lành nữa tại nhà chúng tôi, đó là tôi lãnh nhiệm vụ dựng lại bàn thiêng ngoài sân trước nhà. Khi ấy tôi như chợt được sống lại những cảm xúc tinh khôi của thời thơ ấu... Nguyên từ nhỏ tôi đã rất yêu những hình ảnh ngọt ngào, thanh tịnh ở vùng quê Nha Trang, nơi tôi luôn quay về ở trọn mấy tháng nghỉ hè hằng năm. Còn lưu lại mãi trong ký ức tôi là hình ảnh bà ngoại tôi, cứngày rằm, mùng một hay dịp giỗ chạp là ngoại lụm cụm ra cắt những loại hoa trồng trong vườn nhà, như: bông trang, vạn thọ, huệ, mồng gà, bông giấy... Rồi ngoại đi quét sơ bàn bàn thiêng ở sân trước, xúc cái lục bình, chưng mớ bông vừa cắt cùng nãi chuối xanh, trái thanh long cũng bẻ trong vườn.

3.

Vài năm sau, có chút tiền dành dụm từ nghề buôn bán, chúng tôi ra riêng, Từ dạo ấy, hễ vợ tôi đi chùa là tôi chở bằng honda - có nghĩa cái gã, do chán cảnh đời tối mù vì nợ cơm áo, từ rất lâu đã không lai vãng cửa chùa nào, nay đã đi chùa trở lại. Có điều là, vẫn do nếp nghĩ duy lý, duy con người chứ không duy thần linh, tôi không cùng bà xả vào chánh điện thắp nhang, lạy Phật mà chỉ ngồi băng đá trong sân chùa, hút thuốc, lơ đãng nhìn cảnh mọi người xung quang dâng hương, khấn lạy...

Đâu khoảng năm 2003 hay 2004, tôi dự một chuyến hành hương ra tận vùng Bình Thuận. Nói là đi chùa nhưng thật ra đây là một chuyến đi phượt bằng honda đầy nhọc nhằn, lang bạt. Điểm đến là chùa Linh Sơn Trường Thọ, cách Sài Gòn hơn 250km đẩy nắng bụi. Chùa lại nằm trên sườn núi Tà Cú ở độ cao 400m và năm đó chưa có cáp treo nên bọn tôi phải tuôn mồ hôi leo núi. Đó là một cái “cầu thang” đất, đá quanh co, dài tới 2500m. Trên đường đi, tôi gặp vài cụ già phải nhờ người dìu lên từng bậc đá. Rồi khi đã lên đến chùa, các cụ lại nhờ người dắt đến trước Phật đài để quì xuống, khấn lạy thật lâu trước tượng Thích Ca lúc nào cũng nhắm mắt, khiến khuôn mặt tượng lúc nào cũng toát ra một vẻ bình an vời vợi.

Và vào lúc màn đêm sắp phủ trùm sân chùa, chợt thoáng qua như một sát-na, hình như tôi cũng đã được thấy thêm một vẻ bình an diệu vợi khác nơi gương mặt của một cụ già mù, đang quì lạy pho tượng Phật mà cụ không thể nào nhìn thấy...

Nói là do cảnh tượng siêu tưởng trên mà tôi đã “ngộ” thì nghe cao đạo quá. Tôi chỉ xin nhận mình như một con thú hoang đàng, do chữ Duyên của Phật dạy màđược thuần hóa thật nhẹ nhàng bởi hình ảnh đạo hạnh thuần khiết của cụ già mù.

Từ sau chuyến đi định mệnh ấy, tôi dẩn dần đổi tính – vợ tôi có thừa nhận, ít ra là thay đổi thái độ lạnh lẽo, khép kín đối với vấn đề tín ngưỡng. Tôi bắt đầu săn ảnh, làm bộ sưu tập chùa chiền, nhất là các ngôi cổ tự. Tôi sưu tầm và tụng theo lời chú ‘Lục tự đại minh chân ngôn’ tức Om-mani-padme-humbên tiếng Phạn,ghi âm theo giọng của chính các nhà sư Tây Tạng hay được phổ theo nhạc Thiền. Và khi trở lại với tinh thần sẵn sàng giúp ích của hướng đạo sinh đã rèn luyện từ thời niên thiếu, có dịp là tôi cố gắng gợi ý bạn bè và người có khả năng cùng làm việc thiện, như giúp trẻ cô nhi, người già neo đơn, người tàn tật. Riêng đối với anh em lính chế độ cũ như mình, có lần tôi đã ráng chạy tìm, dò hỏi cho ra địa chỉ của một số anh em thương binh cấp độ nặng ở Sài Gòn để cung cấp sớm cho một nhà hảo tâm ở Úc...

Nhiều năm qua, khung cảnh quen thuộc để nuôi dưỡng, bồi bổ cho bước “trở lại tâm linh” của tôi là tịnh xá Trung Tâm, gần chợ Cây Quéo. Do ngôi chùa này rất gần nhà, coi như chỉ băng qua đường xe lửa ga Xóm Thơm là tới nên vợ chồng tôi thường ghé chùa lễ Phật vào lễ Phật đản, các ngày rằm, mùng một, cùng những khi vợ tôi cần nguyện xin điều gì đó hay cúng tạ khi điều đó đã thành hiện thực. Đáng nhớ là khi vợ tôi đã chữa lành một căn bệnh ngặt nghèo, gia đình tôi đã đi in một số quyển kinh ấn tống, đem cất dưới bệ tòa sen chân tượng Phật Bà Quan Âm dựng ở phía bên trái khuôn viên chùa để tặng lại cho ai cần cứ lấy...

4.

Sáng thứ bảy này, vợ chồng tôi muốn tìm đến một nơi mát mẻ, thoáng đãng sau một đêm khó ngủ vì trời vẫn tiếp tục nóng bức y như mấy ngày trước. Công viên Gia Định ở gần nhà thì đang làm cầu vượt, mặt đường bị ép hẹp bởi ‘lô cốt’, xe cộ dồn cục rối rắm. Vợ tôi nói: “Hay mình ghé chùa Trung Tâm đi. Ngày mùng 1 rồi, mấy đứa nó đến chơi cả ngày, làm mình đâu có đi chùa được!”.

Vậy là chúng tôi đến tịnh xá Trung Tâm. Vợ tôi đến thắp nhang trước tượng Phật Bà Quan Âm.Tôi cũng lạy Phật Bà rồi tìm đến một băng đá dưới bóng cây sa la ngồi, thư thái ngó quanh.

Bá tánh trong chùa sáng nay chợt có cả mấy con mèo hoang, không biết ở đâu đến mà chạy lung tung. Là mèo con nên chúng rất nghịch ngợm, con bám gốc cây hoa sứ, con lục hộp nhang, con rúc dưới bệ tượng Phật Bà... Tôi biết cái kiểu mình dáo dác theo dõi mấy con mèo cũng đang bị theo dõi bởi một người khác. Đó là một bé gái đang đứng gần cây hoa sứ, nước da đen đúa, quần áo cũ vá, đi chân trần, trên tay không cầm xấp vé số hay hộp singum gì đó thì chắc là dân sống lang thang đường phố. Chẳng phải đợi lâu, cô bé bụi đời lên tiếng cho biết bầy mèo con cũng ‘bụi đời’ này tổng cộng là bảy ‘đứa’. Cô bé còn đoan chắc con số đó là chính xác nhất vì ‘tụi nó’ chạy lung tung, phải đếm tới đếm lui cả buổi mới được.

Một chị phụ nữ mù đứng gần đó, vừa mời tôi mua vé số vừa cho thêm thông tin, rằng theo chị biết thì lâu nay các sư không có nhận nuôi chó, mèo hoang, thành ra bầy mèo con này phải do ai đó lén bỏ đại vô sân chùa, chắc là vào ban đêm.

Hai chú mèo hoang nhỏ bé thật nghịch ngợm, đang loay hoay leo lên cây hoa sứ với bàn tay trợ giúp của cô bé bụi đời. Tôi lấy điện thoại ra bấm liền mấy ‘pô’. Thấy tôi dáo dác nhìn quanh, tỏ ý muốn chụp nữa, cô bé nói “Để con đi bắt tụi nó cho”.

Cô bé mệt mề chạy tới chạy lui ở khu vực xung quanh tượng Phật Bà, kiếm được cứ hai chú mèo là hai tay cầm chạy liền đến chỗ vợ tôi đang ngồi chờ, tạm giao trước hai ‘đứa’ rồi ù chạy đi kiếm tiếp... Mất cả mươi, mười lăm phút cô bé mới gom lại đủ lại cả bảy con mèo con đang một mực rong chơi tứ tán kia cho tôi chụp hình.

Cần nói thêm, hẳn cô bé đã gần gũi, sinh hoạt với bầy mèo con này lâu ngày rồi, tức đã quen hơi bạn bè, cùng chơi đùa đủ trò rồi nên chúng để yên cho cô bé đưa tay nắm từng con lên, ưng đem đi đâu thì đem, chẳng phản ứng gì.

Vợ tôi thật vui, nói: “Bảy đứa mèo này thiệt bụi đời, mà đứa nào đứa nấy đều dễ thương hết sức!”. Tôi nghĩ, phải nói là có tám ‘đứa’ bụi đời, ‘đứa’ nào cũng dễ thương hết sức mới đúng, vì không thể không tính tới cô bé chưa biết tên kia, đã quá ân cần giúp chúng tôi tiếp cận với bầy mèo con.

Cái gãngày nào từng chỉ lai vãng trước cổng chùa, naylặng lẽ ngồi nghỉ dưới cội sa la trong sân chùa, tự nhiên lòng anh ta nhẹ tênh, an lạc hiếm-khi-được-vậy.

 

 

(Rằm tháng năm Đinh Dậu)

 

 

Phạm Nga
Số lần đọc: 2198
Ngày đăng: 20.06.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chở ba dạo phố - Bùi Thanh Xuân
Hương gió đà thành - Phan Trang Hy
Trên triền nắng bến sông chờ... - Nguyễn Văn Thượng
Gợi nhớ một thời - Phan Văn Thạnh
Lê Sa Đà hòa âm cung bậc thân yêu - Tâm Nhiên
Tự tình Giêng - Hai - Mặc Phương Tử
Ước vọng & Tâm xuân - Mặc Phương Tử
29 tết ra ngồi cà phê quán chợ nhìn cuối năm - Vũ Dy
Sau mùa tuyết rơi - Mặc Phương Tử
Thới Sơn mùa đông, bên sông gửi về từng tia nắng nhạt... - Nguyễn Văn Thượng
Cùng một tác giả
Hoa ôm (ký)
Chuyện ở sau chùa (truyện ngắn)
Người già... (tạp văn)
Cữ sáng... (truyện ngắn)
Đám cưới bánh mì (truyện ngắn)