Mỏ Quạ là tên của vùng núi ở cách quân trường Lam Sơn thuộc thị trấn Ninh Hòa khoảng hơn mười cây số về hướng Bắc. Đường đi ngoằn ngoèo, lòi lõm, quanh co dọc theo triền núi. Vượt qua hai con suối, mùa mưa nước ngập không thể nào đi qua. Dân làm rẫy, làm rừng muốn đến Mỏ Quạ phải xoắn quần lên cao lội qua suối, nhiều khi qua được con suối áo quần ướt nhẹp. Vùng đất nơi đây rất tốt, người ta trồng đủ thứ, nào bắp, nào đậu, nào dưa hột, nào thuốc lá v v... Việc chuyên chở rất khó, mỗi lần có sản phẩm mang ra ngoài, người ta thường thuê máy cày kéo về mới qua suối được. Miếng rẫy của tôi bao bọc bởi con suối, quanh năm tiếng suối chảy róc rách; đến mùa mưa nước ầm ầm cuộn chảy, đục ngầu. Từ khi những chuyến buôn gạo lỗ lã mất vốn, chồng tôi theo người em cột chèo về đây làm củi bán cho lò gạch. Anh thấy Mỏ Quạ là vùng đất tốt, nên phát cây rừng làm rẫy nơi đây. Anh gom dồn đá chất lại một chỗ, cho máy cày xới đất trồng bắp, trồng đậu. Đất tốt nên không cần bón phân mà bắp, đậu lên xanh mượt. Miếng rẫy của anh nằm sâu trong rừng nên mướn không ai vào phụ giúp; tự trồng, tự thu hoạch; nếu có ai đồng ý giúp họ lấy tiền rất cao, thu không đủ trả công. Cho nên mỗi lần thu hoạch, tôi phải vào phụ giúp anh.
Phía trên con suối là thác nước từ trên cao đổ xuống, tung bọt trắng xóa. Tôi thường theo anh đi đặt lưới để kiếm cá. Anh trồng chuối dọc theo suối quanh rẫy, trái rất to và ngọt. Những ngày phụ anh hái đậu, hái bắp; gặp những đêm trăng sáng tôi không thể nào ngủ được, tôi hay lang thang đi dạo trong rừng. Đó là sở thích của tôi.
Tôi lang thang giữa khu rừng hoang vu, chỉ có tiếng kêu của loài ăn đêm não ruột. Chân tôi bước trên con đường hằng ngày tôi đã đi qua, mà sao đêm nay tôi bỗng thấy lạ. Có lẽ tôi nhạy cảm quá chăng? Khi thấy vẻ đẹp của núi rừng bàng bạc dưới trăng. Tôi đi ngược lên dòng suối, ánh trăng chứa chan một màu vàng lạnh lẽo, óng ánh trên những tán cây qua màn sương mỏng. Lòng tôi bâng khuâng khi nghe tiếng suối róc rách; dòng suối được tắm một màu vàng rực rỡ với những bóng cây soải mình.
Tôi ngồi xuống tảng đá bên chân thác. Nước đổ ầm ầm tung bọt trắng xóa. Tôi ngắm nhìn sự thiêng liêng, hùng vĩ của ngọn thác, lòng ngưỡng mộ đấng tạo hóa. Đêm sâu, núi rừng hoang vắng, tôi càng thấy cánh rừng thêm huyền nhiệm. Tiếng gió rì rào trong đêm như hơi thở của cây rừng, lọc sạch bụi bặm cho cây thêm xanh mát. Những chiếc lá óng ánh màu trăng càng tăng thêm vẻ hoang vu, huyền bí.
Tôi ngồi như thế rất lâu, nghe sương xuống thấm ướt mái tóc, cả vạt áo khoát; ngẫm nghĩ từng chuyện đã trôi qua theo tháng năm. Cuộc đời sao quá đắng cay, cứ đưa đẩy tôi hết lên rừng lại xuống biển; nhưng ở đâu cũng làm chẳng được gì, toàn khốn khó. Tôi lăn lông lốc trong cuộc đời đến mệt nhoài, cứ thế mà trôi. Hết trồng Bạch Đàn, rồi nuôi cá, nuôi bò, nuôi tôm, làm lưới đăng. Nuôi bò thì bị xe lửa đụng, nuôi cá thì bể hồ, cá theo nước lũ trôi ra sông, ra suối. Nuôi tôm thì tôm chết, làm lưới đăng thì bị người ta rạch lưới. Cuối cùng tôi trở về quê làm ruộng, nấu rượu, nuôi heo. Tuy làm ruộng vất vả nhưng tôi thấy thích, bên màu xanh mượt mà của cây lúa, tôi thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, thanh thản, an bình. Hằng ngày bắt nồi rượu nấu xong, chạy xuống ruộng xem lúa có bị sâu không, lúa có thiếu phân không. Nhiều khi buổi chiều mặt trời sắp tắt, tôi chạy xuống ruộng thăm, bỏ thuốc diệt chuột đã cắn phá lúa, về đến nhà tối mịt. Tôi bằng lòng với hiện tại, không mơ ước, tham vọng điều gì, chỉ muốn sống yên bình cùng ruộng đồng, nuôi các con ăn học. Vậy mà, giờ đây tôi lại vào tận rừng sâu để hái từng trái bắp, trái đậu. Tôi khuyên anh bỏ hết về nhà làm ruộng cùng tôi, nhưng anh cố bám rẫy vì anh đã bỏ rất nhiều công sức vào đây. Anh mong thu hoạch xong đám đậu xanh, anh sẽ xuống giống hết đám mía; hy vọng sẽ khá hơn trồng bắp, đậu hay dưa. Nhìn đám đậu mà lòng tôi ngao ngán, cái lưng vừa mỏi vừa đau. Các con tôi đang chờ ở nhà, thiếu vắng mẹ là thiếu đủ thứ. Mẹ xin lỗi các con! Mẹ không thể lo cho các con cuộc sống dư giả như người, dù Mẹ đã cố hết sức làm việc, để mong các con có cuộc sống tốt hơn.
Đêm đã khuya, sương xuống thấm lạnh. Tôi đứng dậy ra về. Về mái nhà lá bên dòng suối dưới kia, để sáng mai lại tiếp tục hái những trái đậu mà chúng tôi cố công bấy lâu nay. Giữa khu rừng vắng vẻ, tôi như tách khỏi sự ồn ào náo nhiệt của phố thị. Một sự lặng im buồn tênh, tôi nao nao trong lòng nỗi nhớ nhà, nhớ các con. Không biết không có tôi, chúng nó có biết lo, biết lường không hay chạy rong chơi ngoài nắng. Chân tôi bước về phía trước những bước chới với, khập khênh vì nỗi nhớ.
Về đến khu vườn, tôi ngắm nhìn những luống đậu tắm mình dưới trăng lả lơi trước gió trông bạt ngàn. Làm sao hái cho hết đây, thôi để sau đi, không nghĩ chi chuyện ngày mai. Những hàng chuối dọc bờ suối vẫy tay như chào tôi. Tôi gom mớ cây nhặt khi chiều chất thành đống trước sân nhà rồi nhen lửa. Ngọn lửa bập bùng reo vui mạnh lên, tôi thấy ấm dần.
Lạ thay! Trong ánh lửa chập chờn, tôi thấy mình đang tung tăng trong chiếc áo dài trắng, đùa vui cùng bạn bè. Tiếng cười nói vui vẻ trong sân trường rợp mát những tàng Phượng thân thương. Tôi vui đùa không chút vướng bận, không chút âu lo. Tiếng cười giòn giã như phá tan sự im lặng của bóng đêm. Rồi tôi hát, tôi múa, tôi nhảy nhót những bước chân sáo, sao mà nhí nhảnh, sao mà hồn nhiên.
Tôi nhắm mắt lại rồi mở ra, lửa vẫn bập bùng reo vui.
Tôi nhìn thấy chính tôi trên cánh đồng trong mùa gặt năm nào. Chiếc áo bà ba đen nhịp nhàng quơ tay cắt lúa cùng bà con trong đội hợp tác, như điệu múa tập thể. Tôi nghe mồ hôi lấm tấm trên má, trên tóc. Cái gì mằn mặn thế kia? Nước mắt ư? Mắt tôi rưng rưng những giọt lệ rồi tuôn ròng trên đôi má khô khốc, đen sạm vì nắng, vì gió. Tôi nhắm mắt lại không dám nhìn tiếp, sao tôi vẫn thấy, vẫn thấy.
Tôi thấy mình đang trên sân khấu với bài hát “Tiếng hò trên đồng lúa Tuy Hòa”. Rồi tôi lại ca bài “Hải Phòng, thành phố hoa Phượng đỏ”. Bài hát mà tôi thường đơn ca trong những đợt lưu diễn. Tôi nghe tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả với lời khen tặng “Hay! Hay!”. Tôi lại thấy thấp thoáng tôi trong chiếc áo dài xanh với bài thơ “Nhà Tôi” của Yên Thao. Nước mắt tôi tuôn chảy dài khi ngâm hai câu cuối của bài thơ “Nhà tôi ở cuối chân đồi, có giàn Thiên Lý, có người tôi thương”. Những bài ca mà tôi muốn quên đi, nhưng nó luôn hiện về trong những giấc mơ. Tôi đứng dậy vào trong nhà một lát, niềm xúc động lắng dần.
Loanh quanh một hồi rồi lại ra ngồi bên đống lửa, tôi bỏ thêm củi vào. Tiếng lách tách reo vui, ngọn lửa lại bùng mạnh lên. Trong ánh sáng bập bùng ấy tôi nghe tiếng còi tàu trên sân ga, tiếng ồn ào của mọi người vác những bao gạo chạy vội vàng, tiếng gọi nhau í ới. Tôi cùng người nhà đẩy những bao gạo, đưa lên tàu trong âm thanh hổn loạn, mồ hôi nhễ nhại. Tôi lại thấy mình bên những bao hàng bị tuôn khỏi tàu trong lo sợ, run rẩy; rồi tôi thấy tôi trong nhà ga Hảo Sơn năm nào, với đống gạo bị bắt cùng mọi người cố tìm cách lén ôm chạy trốn. Và rồi tôi bước thất thểu những bước chân không nhấc nổi trở về, với đôi bàn tay không, mọi thứ đều không còn. Tôi nhắm mắt nuốt niềm đau vào tận bên trong. Tôi không dám nhìn, không dám nghĩ nhưng nó không nghe lời tôi, cứ tuôn trào.
Tôi đang làm gì thế này? Tôi lại thấy mình đang xếp từng viên gạch gỡ ra trong đống vỡ đổ nát của căn nhà vừa xây xong, từng viên từng viên một. Xếp thật thẳng thóm với mồ hôi tuôn ướt áo, như nhặt lại từng công sức tôi đã bỏ vào đó. Tôi làm rất chăm chỉ. Tôi tội nghiệp thân tôi, tội tấm thân gầy gò mảnh mai cố sức chống chọi. Cơn bão đã đi qua để lại bao hoang tàn đổ nát, nhưng rồi mọi việc trở lại theo vòng quay của đất trời; để rồi cả gia đình tôi, vợ chồng con cái phải sống dưới tấm bạt giăng bên trên che nắng, che mưa.
Tôi đứng dậy bước lên sạp cố chìm vào giấc ngủ nhưng càng cố đôi mắt tôi càng ráo hoảnh. Ngoài kia trăng vẫn sáng, vẫn chứa chan những dãi lụa vàng óng rực rỡ. Im lặng của đêm như vỡ bung khi nghe tiếng kêu của loài chim lạc bầy. Tôi cố dỗ giấc ngủ, đếm từ một đến trăm và cứ thế đếm mãi. Tôi chập choạng đi vào giấc ngủ.
Một vùng ánh sáng rực rỡ từ trên phủ xuống người tôi, nghe ấm áp lạ thường. Tôi như được nhấc bổng lên bay vào không gian trong vùng ánh sáng chan hòa đó. Lòng tôi lâng lâng một cảm giác mới lạ, như được chắp thêm đôi cánh. Chung quanh tôi là những thiên thần xinh xắn với tiếng cười trong veo, giòn giã. Tôi say sưa ngắm nhìn không chớp mắt, vừa ngạc nhiên vừa không biết phải làm gì. Thế rồi, tôi hòa mình vào niềm vui với những đôi cánh thiên thần xinh đẹp. Tôi dang đôi tay cùng bay theo. Ồ! Tôi biết bay! Tôi sung sướng, cười vui, nhào lộn giữa không gian bao la vô tận. Thế rồi chúng tôi bay!
Chúng tôi lướt trên cánh đồng lúa xanh mượt thì con gái, lúa gợn sóng rì rào như cười với chúng tôi. Những chú cò trắng xinh xinh nổi bậc trên ruộng lúa xanh mượt, xa tít. Những con mương dẫn nước vào ruộng lúa ngoằn ngoèo uốn khúc. Những đôi cánh thiên thần đưa tôi bay lượn trên bầu trời. Tôi thấy mình không là mình nữa mà như một loài chim bay không biết mỏi. Chúng tôi vừa bay vừa cười đùa vui vẻ, ngắm nhìn bầu trời bao la rộng lớn. Chúng tôi bay, bay mãi vượt qua núi rừng, vượt qua biển cả; trong niềm vui vô tận.
Tôi đắm mình trong niềm hân hoan chưa từng có, một tình yêu thương vô bờ ngự trị trái tim tôi. Tôi yêu từng ngọn cỏ, từng ngàn cây; tôi yêu cánh đồng lúa xanh mượt đang reo vui cùng gió sớm; yêu từng cánh cò bay lả; yêu con đường làng bên lũy tre xanh che bóng mát; tôi yêu tất cả, yêu tất cả. Mọi thứ chung quanh tôi trở nên xinh đẹp mỹ miều. Ôi! Thế giới này đáng yêu biết bao! Thế rồi tôi cứ bay, bay mãi để ngắm nhìn, để chiêm ngưỡng, để yêu thương.
Chúng tôi bay về phía đông, nơi có ánh mặt trời ửng đỏ. Bên dưới là đại dương mênh mông, xanh thăm thẳm. Tôi nghe tiếng rì rào sóng vỗ, biển bao la xa tít chân trời. Tôi hít thở vị nồng của biển như đang đắm mình trong làn nước trong xanh. Tôi trở về biển của tuổi thơ, cùng đùa vui, cùng bắt còng, cùng xây nhà trên cát. Để rồi một con sóng lớn vỗ bờ cuốn trôi tất cả, rồi xây lại căn nhà mới và sóng lại cuốn trôi. Tôi ngụp lặn trong con sóng vỗ bờ, cát phủ đầy mình. Tôi tạt nước, tôi trườn dài trên bờ sóng. Tôi tung tăng, cuộn nhào đùa sóng. Tôi cất tiếng hát! “Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao. Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào. Môi cười rất xinh lung linh màu áo. Mây trắng gợn lên những cánh chim Hải Âu... Ơi biển Việt nam! Ơi sông Việt nam!...”(*) Tiếng hát cao vút xé tan sự im lặng giữa núi rừng.
Tôi bừng tỉnh! Mặt trời đã lên!
Đời sống tôi đã đổi khác. Cuộc vô thường đã khiến tôi chơi vơi, đôi lúc quỵ ngã; nhưng dù cuộc đời có xô ngã tôi, tôi cũng dã đứng thẳng dậy trên đôi chân cần cù vững chãi ngày xưa, và khối óc tinh nguyên với bao hoài bão tương lai với đời…
Tôi nao nức chuẩn bị đón ngày mới với bao việc đang chờ.
08/2016
(*) Bài hát: Biển hát chiều nay của nhạc sĩ Hồng Đăng.