(tặng Đ. Thu - nhà vườn xưa xứ Huế)
1/
Vẫn gọi chơi: Đinh viên ngoại
Ngạc nhiên chi ngày tháng đâu còn?
Không nói nhiều thời vang bóng
Chạnh lòng ta! râu ngươi mọc tày gang
2/
Nhưng sao muôn đời cứ trẻ
Chức “lão gia” trả lại giấc hòe
Lục tiểu Phụng cái chi cũng biết
Chưa bao giờ nghe nói “gia trung”?`
Mẹ tổ! giang hồ câm điếc
Đinh lão gia ngồi xem chó đẻ con
3/
Vườn và quả rụng dư đầu cổng
Đám ruồi bâu quấy nhiễu chân người
Lăng ba bộ qua đây không té
Ta đâu cần Đoàn Dự gái mê?
4/
Cùng một lứa bên trời tao ngộ
Ngồi bên nhau nghe đá rêu dày
Thương song cửa thư sinh một thuở
Mảnh hồn ta ngờ ngợ nơi đây
Cảm tạ thời gian bay quá chậm
Ta tìm gì? Chừng như đã bặt tăm
5/
Có cả cổ tích và cô tịch
Khu sinh thái những-người-biệt-tích
Để được thở chút hơi trời đất
Khách giang hồ hủy kiếm gói chân kinh
6/
Ta gọi xưa: Đinh lão quái
Nay mừng Đinh viên ngoại vài câu
Kẻ nhổ cỏ sau nén chân hiền mẫu
Thả hành ngò trên luống viết rau thơm
Trong gối mẹ giấu Ngộ Không, Tam bảo
“Lửa Tần” hồ dễ đốt lây sao!
7/
Thằng “mũi to” thấy lại mẹ năm nào…
Kính “thưa mệ” để cho lòng bật khóc
Ta vốn nghèo song chưa dễ vay ai
Đinh lão quái! ta vay ngươi duy nhất
8/
Đừng nói chuyện người đạt đạo
Ta và ngươi đâu đáng mặt anh hào
Xin kiếu đời ra soi bóng bờ ao
Quan ải ấy lui xa ngoài cơm gạo
Ta ngửa tay xin vợ đôi hào…
Lòng nhẹ hẫng khi biết mình bớt láo
9/
Thiếu chi ghế chật nhà Đinh lão quái
Trường kỷ kia cụ tổ để chơi bày…
Không vạn đại cũng đến tầm ngủ đại
Ai nhất thời? ngươi dư chỗ nằm say
10/
Về đây nghe “nghiến răng hiểm ác”
Lũ mọt-đời-đi-lại đã đầu thai.
Rượu nào đó? đừng dầm thơ-khoái-hoạt
Nước trong thôi xin múc chén quan hoài
Vọt tàu cau lu sành kê đất
Nhạn môn quan vừa tỉnh giấc Tiêu Phong
11/
“Hiệp khách hèn” ngươi nhủ lòng hổ thẹn
Giang hồ toàn “sa mạc thần ưng”
Cuộc chen chúc để cho đời khổ luyện
Ta một đời rữa chén lấy cơm ăn
12/
Tàng kinh các? ngươi đâu còn nhiều quyển
Ta sạch trơn từ độ bán ăn dần
Mẹ quá vãng ta tiếc thân không bán
Mua áo quan...sách quý cũng vui lòng
Nói với ngươi những lời giới hạn...
Tại sao ta gặp gỡ muộn màng?
13/
Sơn nhân? hay là người tiền sử
Tiếng đười ươi ai biết khóc hay cười?
Tự đốt lửa soi bóng mình lên vách
Hang động nầy ta biết vẫn còn ngươi…
14/
Cười ngất! nghe áo-mộng-khinh-cừu…
Giang hồ vẫn rộn ràng danh lợi
Ngươi ngân lượng không ham bằng quý hữu
Ta một đời lui tới góc hè thôi
Bí kíp chi mô mưa nắng thế rồi…
Xin thất thủ chờ hiền thê hỏi tội
15/
Mưa Huế đêm trường vời vợi
Lũ nào lên? toàn lũ-theo-thời
Ta bó chân chấm hết cuộc bơi
Co đầu gối sợ đời hơn sợ nước
16/
Thời “rong vương tóc ướt dậy thì”
Ngươi lặn hụp tuổi thần tiên cực đẹp
Ai đã đi…bờ sông ấy chưa đi
Nghe kể chuyện lòng ta say túy lúy
Mẹ kiếp! chó gà chỉ biết non, oui
Sau How much? còn chi không để nhớ…
17/
Võ lâm tương tranh đắc chí quần tà
Ngươi bẻ kiếm vứt xuống nhai Hắc Mộc…
Sư muội Nghi Lâm còn đỏ mắt…
Lệnh Hồ ca…ai gọi giữa trăng tà
18/
“À ơi…bến cũ còn lưa…
Con đò năm ngoái năm xưa mô rồi?”
Là thương người? hay ngươi ích kỷ
Đinh lão nhân còn muôn thuở gốc si
Ta và ngươi mặc ai khôn thành quỷ
Rau dại ngồi chờ “mệ” hái sau nương
19/
Đã không nói thời vang bóng
Đành sao quên hết cả đường về?
Ta hái lượm không-ăn-chỉ-ngậm
Nên làm thơ đâu có khác ăn chùng
20/
Đã nói nhiều hơn bao giờ hết…
Đời điếc câm sao phải dài dòng
Hang động đó sơn nhân thống thiết
Rống lên nào! tri kỷ giữa đời ta
Khơi ngọn lửa bập bùng vách đá
Đười ươi đem phiên dịch buổi trăng tà
21/
Đời đã khô rang thạch mạc hóa
Nhập mật nào? tiếng rống đã truyền thanh
Toàn hiệp khách sức đầu tượng đá
Ngày nhi nhô đêm hiện lũ-đái-dầm
22/
Ta với ngươi phận hèn không dám
Nghe đại ngôn như chó sủa ngoài sân
Khép cổng nhỏ bụm tay xin tiễn khách
Chuyện giang hồ ngu dốt biết chi hơn
Quân tử kiếm rụng râu bầy đổi giọng…
Điển Quỳ hoa? Tại hạ đếch ham phần
23/
Lệnh bài võ lâm oai vọng trăm nhà…
Tiêu dao phái lui về thân hoang dã
Ta chí thú sân nhà đốt lá
Trước tiền nhân chưa một dạ hai lòng
24/
Giáng long chưởng vòng tay xin từ tạ
Ai rảnh nghe tâm sự gã Kiều Phong
Từ trung thổ về Nhạn môn thầm lặng
Dấu khắc xưa còn chỉ pháp Kim Cang
Hỏi kẻ nào là hai-trong-chỉ-một…
Kiều hay Tiêu? bi lệ giọt anh hùng
25/
Lý thám hoa quên không nổi tình khùng
Với liệt tổ thương thằng con tài điệu
Gia nghiệp ba đời lạnh lẽo sau lưng
Nhân tình ấy là men hay rượu đắng
26/
Thần đao sao say tít cung thang
Gã họ Lý giữa mịt mùng tuyết trắng
Bóng giang hồ ngất ngưởng Lý Tầm Hoan
Một đao ấy ngươi cắt ngang tình lụy
Chổi lông gà chuyên phủi bụi niêm hương
Dài râu tóc kẻ truyền ngôi phương trượng
27/
Ta từ khi trốn khỏi Tụ hiền trang
Sưu tập đá sợ cùng người lai vãng
Giữa loạn thạch tự giam cầm năm tháng
Bát quái đồ chiêm ngẫm cõi huyền hư
28/
Bao lâu rồi? nghe trong gió vi vu
Chợt tiếng rống loài sơn nhân tri ngộ
Khúc cầm tiêu thay tiếu ngạo giang hồ
Bỏ âm luật dạo trận đồ ma mị
Ta và ngươi ngoài tiếng rống còn chi…
Nơi cô tịch trần gian: quy y đá
29/
Khu sinh thái không cỏ hoa kì lạ
Chút tươi xanh giữa hoang hóa dương trần
Quần tà lỏn ngồi thạch bàn ha hả…
Khách giang hồ mặt nạ thả ngoài sân
30/
“Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan”*
Bên bể cạn có loài hoa mọc thẳng
Mỗi riêng cành nở một đóa rồi thôi
Hoa súng loài hoa-không-để-hột?
Rắn học trò còn kiên nhẫn? hay thôi
Câu-hỏi-mở cửa bàng khoa** sương khói
(thạch viên 22/5/2017)
(*) Trở về mái nhà xưa - nhạc ngoại, lời Việt - Phạm Duy
(**) Bàng khoa: - (bàng: bên; khoa: qua) phần trên cánh cửa gỗ có tấm gạt về một bên để lộ ra hoặc, che đi các khe nguồn sáng. Kiểu cửa xưa, kiến trúc nhà rường ở Huế.