Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
610
123.134.025
 
Bút ký triết học số 04
Nguyễn Văn Thượng

 

Phật giáo tin rằng “Karma - Nghiệp” là hành động tạo tác nhiều lần có chủ ý của Thân, Khẩu và Ý. Hay Công giáo gọi đó là hành vi nhân linh kéo theo trách nhiệm luân lý. Ngôn ngữ mang tính trung lập, “nghiệp” và “quả báo” tạo thành” do miệng lưỡi phỉnh phờ và tâm loạn ác. Ngôn ngữ, không được sử dụng bởi tâm minh, thiện hành sẽ vĩnh viễn tuần hoàn không dứt, đưa con người luân hồi biển khổ. Khẩu phát gieo nghiệp thiện thì kiến tạo niềm vui, hạnh phúc, tạo nghiệp ác thì sẽ bị đọa vào khổ luỵ triền miên. Sức mạnh ngôn ngữ là thứ có thể gieo tạo nghiệp nhiều nhất, hơn cả mọi binh khí.

 

Nguyễn Du viết:

 

Bề ngoài thơn thớt nói cười

Mà trong nham hiểm giết người không dao (Nguyễn Du, tr. Kiều)

 

Sở Khanh dùng lời đường mật để đưa Kiều vào bẫy. Khi họ Sở cam kết:

 

 “Nàng đà biết đến ta chăng,

Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi!” (Nguyễn Du, tr. Kiều)

 

Và gã hẹn hò giờ giấc cụ thể để dẫn Kiều “trốn thoát”, những lời nói ấy không đơn thuần truyền đạt thông tin mà còn thực hiện một hành động lừa bịp đầy ác ý. Triết học hiện đại dành cho hiện tượng này một thuật ngữ chuyên môn: “hành vi ngôn ngữ”. Cam kết, hứa hẹn, tuyên bố, ra lệnh…, ngôn ngữ còn là hành vi gây ra hậu quả, chứ đâu phải chỉ là lời nói gió bay! Kể sao hết bao nhiêu tội ác và bao nhiêu nạn nhân của trò chơi ngôn ngữ, của việc đánh tráo và lạm dụng khái niệm. Thêm nữa, ngôn ngữ càng có sức biểu cảm bao nhiêu, càng dễ mang tính bạo lực bấy nhiêu. Ca tụng lên tận mây xanh hoặc vùi dập xuống bùn đen, ngôn ngữ đều phô bày tính bạo lực của nó: gây ảo tưởng và khổ đau cho người khác. Có câu: “phù sĩ xử thế, phủ tại khẩu trung, sở dĩ trạm thân, do kỳ ác ngôn” - nghĩa là, xét người ở đời, búa để trong miệng, sở dĩ giết người, do lời nói ác. Cổ nhân cũng có dạy: “Bệnh tùng khẩu nhập, hoạ tùng khẩu xuất” nghĩa là: bệnh từ cái miệng do ăn uống mà đem vào, họa cũng từ cái miệng do nói chuyện thị phi mà tạo ra. Đức Cồ Đàm dạy chúng đệ tử: trong thập nghiệp ác của con người thì trong đó khẩu ngữ đã chiếm hết bốn: dựng chuyện xuyên tạc sự thật, buông lời hung ác, miệng lưỡi hai chiều, khoa trương phóng đại sự thật. Ngoài ra phê bình, khen chê, rêu rao lỗi của mọi người cũng tạo nên nghiệp chẳng lành. Không cần ngôn, sẽ chỉ gây nên những tổn phước và tội lỗi, gây mâu thuẫn, hận thù giết hại lẫn nhau mà thôi.

 

Phương ngôn có câu: “Khẩu khai thần khí tán. Thiệt động thị phi sanh” - mở miệng nhiều lời sẽ hao tổn thần khí, lưỡi động thường nói chuyện phải trái, hơn thua rồi phải tranh đấu, miệt thị mà sinh chuyện thương tâm. Do vậy mà ngạn ngữ Tây phương cũng có câu: ”trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần”.

 

Phật giáo có bài kệ rất hay rằng:

 

“Lời nói đổi trắng thay đen,

Đó là điạ ngục bon chen lối vào.

Trực ngôn tâm chẳng lao xao,

Giữ tâm thiền định biết bao an lành.”

--- 

“Thần khẩu nó hại xác phàm,

Người nào nói quá họa làm khổ thân.

Lỡ chân gượng được đỡ lên.

Lỡ miệng gây họa phải đền trả thôi"

 

Ngày trước, sách “Quốc văn giáo khoa thư” dạy cho học trò những bài luân lý vỡ lòng qua những câu chuyện dân gian có kể đến câu chuyện sau đây cho thấy hậu quả của ngôn ngữ tuỳ tiện, hoạ miệng lưỡi:

 

“Một hôm ông phú hộ ra lệnh cho người làm giết heo và chọn phần quí nhất của con heo làm cho ông một món ăn. Người làm vâng lời và sau đó dâng cho ông một món ăn mà phần quí nhất là cái lưỡi heo. Ông phú hộ hỏi tại sao thì người làm trả lời rằng cái lưỡi là bộ phận quí nhất, vì nhờ cái lưỡi mà con người có thể diễn đạt những tình cảm chân thành, những ý tưởng cao siêu, ích nước lợi dân và có ích cho nhân loại. Ít lâu sau, ông phú hộ lại ra lệnh cho người làm giết heo và chọn một bộ phận xấu xa nhất làm cho ông một món ăn. Người làm vâng lời và sau đó dâng cho ông phú hộ một dĩa đồ ăn mà bộ phận xấu xa nhất lại cũng là cái lưỡi heo. Ông phú hộ hỏi tại sao, người làm bèn trả lời rằng vì cái lưỡi có thể nói lên những lời nói xấu xa nhất tàn ác nhất làm tan nát gia đình xã hội và có thể khuynh đảo nước nhà ngay cả làm hại cho nhân loại. Ông phú hộ vô cùng ngợi khen sự thông minh của người làm”. (x. Quốc Văn Giáo Khoa Thư)

 

Nếu như Ngôn ngữ tạo ra cho chúng ta một cơ hội, một địa chỉ để gặp gỡ, cuộc gặp gỡ này không bao giờ diễn ra trên một bề mặt bằng phẳng, trong một không gian được kết cấu vững chắc của các biểu đạt, đúng hơn là một thứ quan hệ xa lạ, đầy lo âu và nghiệt ngã. Chúng ta đang sống trong thế giới của từ ngữ. Trong tất cả các phương tiện mà con người dùng để giao tiếp thì ngôn ngữ là phương tiện duy nhất thoả mãn được tất cả nhu cầu của con người. Ngôn ngữ có vai trò vô cùng  quan trọng trong cuộc sống.. Mỗi một giây, một phút trôi qua đều có người đang nói, đang viết, hoặc đang đọc cái gì đó. Cuộc sống của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào việc sử dụng ngôn ngữ nhanh chóng và hiệu quả. Công cụ giao tiếp vạn năng ấy đã hành trình cùng con người, từ lúc con người xuất hiện cho tới tận ngày nay. Như thế, ngôn ngữ cần được sử dụng trọng một thái độ ứng xử tích cực trong quan hệ giao tiếp với nhau.

 

Luôn nhớ rằng ngôn ngữ xuất từ “tự khẩu” có sức mạnh rất lớn, tác động vô cùng tích cực hoặc tiêu cực đến cuộc sống của bất kỳ ai. Nếu là suy nghĩ thì ta chỉ giữ trong đầu, chỉ mình mình biết, còn lời nói sẽ có người nghe rồi họ ngẫm nghĩ, suy tư, bị tác động ít nhiều.  Khẩu ngữ thường nhật rất cần cân nhắc cẩn trọng vì không thể thu hồi, lấy lại được. S. Maugham có câu: “Người ta có đủ thời giờ để lựa lời, nhưng không có cơ hội để rút lại”. Trước khi nói, ta có tự hỏi liệu lời nói ấy có gây hại cho bản thân mình hay cho người khác không? Càng là lúc gặp điều không mong muốn, điều khiến ta bực bội và muốn trút giận, càng là khi ta dễ dàng nói những lời khó nghe, dễ gây tổn thương đến tình cảm với người ta quý mến, và gây tổn hại đến mối quan hệ, công việc sau này. Cẩn trọng với những gì mình đang nói và sắp nói để những lời nói ấy thực sự là những lời hay ý đẹp có giá trị. Vậy, thay vì nói những lời phàn nàn và những điều mình bực bội về người khác hoặc về những tồi tệ đang xảy ra cho mình, hãy tập nói những câu nói ý nghĩa, những lời hay ý đẹp có tác dụng tích cực và tạo động lực cho nhau. Hãy học cách nói những lời hay ý đẹp đúng lúc, đúng chỗ và vận dụng phù hợp cho chính cuộc sống của bạn.Rất quan trọng, các từ ngữ thường dùng hàng ngày phản ánh phần nào lối sống của bạn. Hạn chế nói những lời như “chán quá”, “chắc không thể”, “không được đâu”, hoặc những lời buồn nản, than thân trách phận. Những từ ngữ tưởng chừng như chẳng có ảnh hưởng gì ấy sẽ làm bạndần mất đi nghị lực và sự tự tin. Thay vào đó, hãy nói những lời hay ý đẹp, những lời đầy tự tin và tích cực như: “cố lên”, “làm được mà”, “chẳng có gì phải sợ”, v.v... sẽ giúp bạn thêm tự tin, lạc quan và nỗ lực nhiều hơn. Roland Dorgeles viết rằng: “Lời nói mà không chủ ý làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn lên là lời nói hư không”.

 

 

 

Nguyễn Văn Thượng
Số lần đọc: 1925
Ngày đăng: 07.07.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bút ký triết học số 3 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 2 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 01 - Nguyễn Văn Thượng
Hư vô qua tư duy triết học - Võ Công Liêm
Albert Camus, 50 năm sau ngày mất (1960-2010). Ông hoàng của triết học Phi lí - Hiếu Tân
Martin Heidegger "Sự thật của hiện hữu" - Võ Công Liêm
Kant "Một lối phê bình triết học" - Võ Công Liêm
Tình yêu triết học - Võ Công Liêm
TRIẾT HỌC NGHỆ THUẬT - Võ Công Liêm
Hương vị khác biệt của triết học - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả