Trong thập niên đầu thế kỷ 21, trên lĩnh vực hoạt động văn học nghệ thuật, Lê Hồng Khánh là cây bút nổi lên với những công trình biên khảo. Từ năm 1996 đến 2016, trong vòng 20 năm, Lê Hồng Khánh đã xuất bản được 8 đầu sách gồm: Hương ước Quảng Ngãi, Địa chí Quảng Ngãi, Hoài niệm những guồng xe nước, Cẩm Thành cố sự, Mười hai thắng cảnh Quảng Ngãi, Biển đảo Việt Nam - Biển đảo Quảng Ngãi, Di tích thắng cảnh Quảng Ngãi và Ca dao Quảng Ngãi...
Có lẽ, sau nhà văn Phạm Trung Việt, Lê Hồng Khánh là cây bút biên khảo có nhiều đầu sách viết về quê hương Núi Ấn sông Trà . Qua những sách biên khảo, kỳ công của Lê Hồng Khánh, người đọc nhận ra những trang văn của anh thấm đẫm tình yêu quê hương Quảng Ngãi, những trải nghiệm thực tế cuộc sống cộng với kiến thức của một cây bút đầy tâm huyết, Lê Hồng Khánh không những sưu tầm, bảo tồn mà còn phát huy, đưa đến người đọc những giá trị văn hóa của quê hương Quảng Ngãi. Những tác phẩm của Lê Hồng Khánh có giá trị về văn học và lịch sử. Anh không chỉ sưu tầm, sao chép mà còn chú giải, bình luận làm cho những bài viết, những công trình biên khảo thêm phần sinh động, hấp dẫn được đông đảo bạn đọc. Kết quả, trong năm 2014 ,Lê Hồng Khánh đã được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải thưởng cho công trình “ Ca dao Quảng Ngãi “. Một việc làm kỳ công hữu ích của Lê Hồng Khánh đáng cho chúng ta trân trọng và cảm phục, giúp cho những ai muốn tìm hiểu về Đất và Người Quảng Ngãi , càng yêu mến thêm miền quê núi Ấn sông Trà.
Sau những công việc bề bộn thường ngày, Lê Hồng Khánh trải lòng mình trong thơ. Cuối năm 2015, Lê Hồng Khánh xuất bản thi phẩm "Khói sóng quê nhà". Điều này thể hiện tình yêu quê hương Quảng Ngãi và văn chương của anh.
Những người con quê hương núi Ấn sông Trà sống xa quê bắt gặp tâm sự của mình trong thơ Lê Hồng Khánh một nỗi niềm hoài cảm , thương về đất mẹ nghèo khó khôn nguôi:
"Quê mẹ nghèo
Khúc ruột miền Trung
Rẻo đất gầy nhom men theo triền núi
Ruộng khát, đồng chua
Ngợp gió Lào.
Đêm nay đổi tiết
Con bồn chồn mong trời sáng
Năm canh dài
Mẹ trăn trở năm canh
Sợi tóc bạc rơi thầm như thóc rụng
Quặn lòng nghe gió bấc vi vu
Con nước thờ ơ cuộn dưới chân cầu
Lũy tre đầu làng ngả nghiêng qua mùa giông bão
Cây lúa ngóng trời rưng rưng hạt gạo
Mây úa lưng đồi
Nắng rớt lạnh triền sông.
Bầy chim trời thả cánh cuối mênh mông
Đêm xuống vội
Chiều qua tê tái
Tiếng tắc kè lạc giữa chơi vơi.
Câu hát ru dìu dặt thuở chào đời
Mượn mảnh lá lành
Che thân lá rách
Còn bây giờ trăm manh áo bạc
Biết lấy gì qua hết mùa đông?
Khúc ruột miền Trung
Đắng biển
Khô rừng
Bao xót xa dệt nên số phận
Giọt nước mắt thấm trong từng thớ đất
Mẹ ơi,
Con gọi nghẹn ngào!"
(Bài thơ: Quê mẹ của Lê Hồng Khánh)
Thơ Lê Hồng Khánh nhẹ nhàng, tình cảm tha thiết, âm hưởng ca dao Quảng Ngãi ngọt ngào.
"...
Dịu dàng ngọn gió thương sao
cho con hương lúa mang vào trong mơ
Sông Trà êm giữa đôi bờ
Ru con xanh biếc bài thơ cuộc đời
..."
(Trích: Lời ru bên sông Trà)
Người đọc bắt gặp hình ảnh, hơi thở cuộc sống của quê hương Quảng Ngãi thân thương, đậm nét trong thơ của Lê Hồng Khánh :
"..
Mười năm ấy
Đường đời xuôi ngược
Sông Trà ơi sóng nước mênh mang
Khát vọng đầu đời như là hạt cát
Rơi vô tình qua kẽ bàn tay.
Câu thơ lênh đênh giọt nước lưu đày
Đã lầm lỡ nghe lời biển gọi
Đành khao khát được là hạt muối
Hạt muối mặn mà
Lấp lánh nắng ban mai."
(Trích Bài thơ: "Mười năm")
Rời xa quê hương, mưu sinh, lưu lạc, đêm đêm thấm ướt "mắt đêm" , hoài vọng về chốn xưa miền nhớ. Trong chúng ta, có nhiều người đã gặp lại nỗi niềm của mình trong thơ Lê Hồng Khánh:
"...
Có một người
Khuất bóng nhớ quên
Lang thang tìm kỷ niệm
Có một ánh sao chợt nhòa chợt hiện
Vô tình thấm ướt mắt đêm
Vời vợi chiều xa
Cuối mùa lưu lạc
Vầng trăng xanh chạm khẽ môi nào
Lãng đãng dòng sông đôi bờ hư thực
Rừng ơi sương khói vọng mơ hồ."
(Trích: "Mùa lưu lạc")
Tình yêu quê hương, những chuyển động trong cuộc sống xung quanh trong cuộc đời là mạch nguồn cảm hứng trong thơ của Lê Hồng Khánh. Từ đó, Lê Hồng Khánh đã tạo một sắc thái riêng trong thơ: Xanh biếc một màu sông Trà , sông Vệ, lãng đãng khói sóng bên trời... đã thật sự hấp dẫn người yêu thơ.
Phố biển La Gi, 4/7/2017