Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.084
123.138.595
 
Thanh Thảo, tôi chào đất nước tôi
Nguyễn Đức Tùng

 

Thanh Thảo là một trong những người đi tìm đường của thế hệ mình.

Anh có nhiều chất liệu thơ ca, giàu sự quan sát, nhưng giàu hơn ở chất trầm tư. Vẻ đẹp của đời sống, sự quyến rũ, những động lực về tâm lý, nỗi đau thầm lặng, sự mất mát của chiến tranh, niềm tin vào chân lý, một thứ chân lý mà anh không dễ dàng nói ra, và không hẳn là đồng nhất với thứ được ca tụng công khai, nhưng niềm tin ấy rõ ràng. Anh là người dùng chữ cẩn trọng, tiết kiệm, nhưng không giản lược. Việc sử dụng tiểu sử rất phổ biến ở các nhà thơ, nhưng nổi bật trong trường hợp Thanh Thảo. Khi đọc kỹ, bạn bắt gặp ở đó con người thật, tức là con người mà bạn nghĩ là thật, những suy nghĩ ấu thơ, sự xem xét lại quá khứ, gần như một sự tự minh bạch, nhưng không phải là thứ xưng tội theo truyền thống phương Tây như của R. Lowell.

 

lâu về nghe quê nhà khắc khoải

bìm bịp kêu giọng trầm

con chim khiếp mọi trò đe nẹt

từ lời hứa suông tới hũ rượu ngâm

Friedrich Holderlin nói: khi sự nguy hiểm tới gần, năng lượng bảo vệ bạn cũng  tăng lên. Một dân tộc lớn lên trong chiến tranh, vẫn có thể tàn lụi trong hòa bình. Những người dũng cảm trong lửa đạn hoàn toàn có thể trở thành bọn hèn nhát trong đời sống dân sự. 

Bởi vì dũng cảm và trung thực là hai đức tính khác nhau.

Thanh Thảo có lối tiếp nhận sự thật thản nhiên, bình tĩnh, trong cay đắng có hài hước. Hài hước nhiều thì lạc quan. Nếu bạn từng bắt gặp những tính cách ấy ở một người trẻ, nổi loạn đối với những quy ước bảo thủ về giới tính, nói ví dụ thế, bạn sẽ dễ nhận ra tính chất ấy ở Thanh Thảo. Tuy sự nổi loạn là tinh tế, nó cần nhiều sức mạnh hơn bạn tưởng. Trong bài thơ, anh đối diện với độc giả như người nhìn vào gương thấy khuôn mặt mình, sự thức tỉnh của mình. Nét vẽ của anh thanh đạm nhưng gai góc.

 

Có những lúc uống thứ bia số 1 thế giới

Vỏ lon lăn lóc nhìn ra sao thấy không vui

Có những lúc mải mê những trò giả lả

Nhìn ra sao thấy không vui

 

Ôi đất nước tôi

Những người mang AK thuở trước

Những người cu li xe hôm nay

Thật ra Thanh Thảo không phải là người hay nói về mình, anh nói về các nhân vật khác, người đời. Anh là kẻ đi qua, nửa rong chơi nửa cố tình quan sát, kể lại điều anh thấy, những chi tiết, những số phận, gần như không chọn lựa. Nhưng lương tâm của anh, ý thức về sự thật của anh, lòng thương người của anh chọn lựa chúng. Các bài thơ rải rác được viết trong nhiều thời gian khác nhau đều hòa hợp trong một chân dung nghệ thuật thống nhất. Thanh Thảo đứng về phía những người làm ra lịch sử, về phía những người chiến thắng cuộc chiến tranh, nhưng anh không tự đồng hóa với họ, lúc nào cũng tự tách ra, đi một mình, lẻ loi nhưng không cô đơn, vui đùa giữa bạn bè nhưng không mờ nhạt, với cái nhìn tỉnh táo, nhân hậu. Anh không phải là động lực của lịch sử cũng không phải nạn nhân của nó, anh không trung tâm không ngoại biên, đôi khi gần như rỗng không, thản nhiên. Được thế thật khó, phải là người thành thật, không có tham vọng, yêu duy nhất một thứ trên đời, đó là thơ ca.

 

phương nam hề, đơn độc!

phương nam hề, xoáy lốc!

 

mặt căng bình thản

 

mỳ gõ thâu đêm Sài Gòn hoa lệ

trứng cút thâu đêm Sài Gòn mưa xé

bánh xèo thâu đêm liu riu ngọn lửa

xích lô thâu đêm từng vòng cô đơn

Những câu thơ của anh làm tôi nhớ lại buổi tình đầu, những ngày Sài gòn lơ ngơ vắng tanh vắng ngắt, thiên hạ bỏ đi đâu cả. Xúc động ngầm là một trong những đặc điểm của Thanh Thảo, một duyên cớ tác giả có thể kể lại, một sự kiện hay một ngày không có anh nhưng có sự đời bận rộn, hạnh phúc được sống, được làm thơ, làm mới. Trong khi tri ân cuộc đời, anh không quên nổi loạn. Việc làm mới của Thanh Thảo bề ngoài không có tính gây hấn, nên công chúng không chú ý, các nhà phê bình dễ bỏ qua. Tuy không gây hấn, đó là công việc làm mới quyết liệt, điềm tĩnh, bướng bỉnh dịu dàng, nhưng đi tới cùng. Anh khởi đầu bằng chiến tranh, cũng như những người cùng hoàn cảnh.

 

Lối mòn như sợi chỉ giăng
Còn in đậm đặc vô vàn dấu chân
Dấu chân ai đọc nên vần
Nên nào ai biết đi gần đi xa.
Cuộc đời trải mút mắt ta
Lối mòn nhỏ cũng dẫn ra chiến trường

Thơ hay, nhưng không lạ. Nhưng có một sự vận động chậm chạp, một biến chuyển trong câu thơ lục bát của anh, khi chúng được đọc chậm rãi, từ tốn, đọc trong im lặng. Chúng là giác quan. Khi nhắm mắt lại, bạn hình dung. Chúng ta không nghe được âm nhạc từ một bài thơ đương đại vang lên, chúng ta chỉ đọc và nghe nói về nó, thứ âm nhạc ấy. Thanh Thảo không những nói với chúng ta về hạnh phúc của mình, một người, mà thuyết phục chúng ta về sự tồn tại của hạnh phúc ấy, đối với nhiều người. Cảnh sắc trong thơ anh chi tiết như trong thơ phương Tây, R. Kipling chẳng hạn, như được tách ra từ tấm khảm chung, được chọn lựa nửa tình cờ nửa nhằm đúng lúc.

Chớp như lưỡi búa xanh chẻ đôi rừng già
Những dây leo quờ quạng
Con sóc bông tìm hốc cây trú ẩn
Lối mòn xuyên bãi bom mình em len lỏi đi
Chuyến giao liên cuối ngày
Mưa hốt hoảng trườn qua tầng cây
Có tiếng gì cất lên có tiếng gì vụt tắt
Cây ngã ngang lấp lối
Một mình em giữa lặng ngắt rừng già

 

Đọc Thanh Thảo là đi giữa yếu tố ánh sáng và bóng tối, giữa niềm tin và nghi hoặc, sự quyết đoán và lang thang. Hình ảnh trong thơ Thanh Thảo, mặc dù thoạt nhìn giản dị, thật ra có tính kỳ bí, nguyên thủy. Có nét bề bộn phi lý tính khó giải thích. Có tính giai thoại. Thơ Thanh Thảo đầy giai thoại, hiển lộ hoặc ngấm ngầm. Việc giải thích một giai thoại trong thơ cũng tựa như việc viết thành văn xuôi một câu thơ, khó làm, vì thông qua ẩn dụ. Ẩn dụ là một hình ảnh tạo ra ám ảnh, nhờ khả năng gợi ý, gợi hình, mở ra nền tham chiếu, những văn cảnh, tóm lại là những liên hệ. Lòng kính trọng cuộc sống, chẳng hạn: không một người viết nào không có đức tính phi đẳng cấp ấy mà thành được tác giả lớn.

 

chúng tôi ngượng ngùng trước cô tu sĩ trẻ măng

không dám khoe niềm vui dù thực tình đang vui thực

trong thành phố không khí như rượu vang rạo rực

chúng tôi bỗng ngại ngần trước vẻ trầm lặng của em

 

dù chúng ta chỉ là hai con tàu trôi trên biển

hãy báo cho tôi vài tín hiệu bằng cờ hay bằng tay

tôi muốn biết con sóng kinh hoàng nào em gặp

đã xô dạt tàu em đến vụng nước kín bưng này

(Tu Viện, toàn bài)

Đây là một trong vài bài rất hay của Thanh Thảo. Khổ thơ thứ nhất khởi đầu như một người kể chuyện có duyên, càng thực thà càng có duyên, nói về người nữ tu, nhưng cũng nói về những người đối diện, có lẽ là lính từ rừng về, ở đây tôi chỉ căn cứ vào tiểu sử tác giả. Chúng tôi là một khái niệm quan trọng trong bài thơ, vì vậy nó được lặp lại hai lần, điều hiếm thấy trong thơ Việt. Khổ thứ hai đối lập. Tác giả đổi phương vị, đổi nhịp thơ, và biến chúng tôi và người nữ kia thành chúng ta, và trong chúng ta ấy có tôi và em. Tác giả vượt qua ranh giới? Ranh giới nào giữa tác giả và một người nữ tu trẻ tuổi? Điều thú vị là nhà thơ không nói về thiên đường hay niết bàn mà nói về quá khứ. Cái quá khứ chìm khuất kia, khổ đau nào đã dẫn em tới đây, cơn sóng kinh hoàng nào em đã gặp? Có thể làm một cuộc trường chinh nữa để cứu rỗi em không?

Nhưng nhà thơ cần biết tín hiệu để làm gì? Tính chất liên văn bản của thơ Thanh Thảo rất mạnh. Tác động của thơ ca lên người đọc xuất phát từ liên kết lịch sử, văn hóa chồng chéo, khó lường, vừa bền vững vừa mất thăng bằng, như mạng nhện trong gió, trên đó ngôn ngữ thơ anh lấp loáng như sương trong nắng. Thơ Thanh Thảo đầy tính riêng tư nhưng không hoàn toàn cá nhân như trường hợp văn học hậu hiện đại, tuy riêng tư mà vẫn tiêu biểu cho nhiều hoàn cảnh. Thơ anh viết để chia sẻ. Thơ ấy có nhiều tầng, nhiều lối vào, mở ra nhiều cung bậc, đó là một thứ thơ giàu đối thoại, và trong những bài thành công nhất, tạo ra lớp độc giả riêng của chúng, với tình cảm và lý trí song đôi.

 

có những lúc ra về lòng rỗng không

vì phải gặp trong cơ quan một thằng cặn bã

tôi chào đất nước tôi. Buồn quá

đất nước cùng tôi lặng lẽ trên đường

Đất nước như một nhân vật. Bao nhiêu hy sinh để gặt lấy một xã hội ngày càng giả dối. Thanh Thảo có khuynh hướng biểu hiện, không phải thuộc chủ nghĩa tối thiểu. Sự tiết kiệm trong thơ anh, như vậy, thuộc về tay nghề. Sự tinh lọc ấy có lẽ là một trong vài đặc tính làm cho thơ Thanh Thảo không phải bình dân, dễ đọc, đọc trước đám đông. Điều này phản ánh chính con đường của Thanh Thảo; anh ca ngợi tính dân tộc, lòng nhân nghĩa, chính khí, ca ngợi điều hay lẽ phải, nhưng anh không tán thành những người độc chiếm diễn đàn, anh cầm sự thật lẻ loi trong tay, đứng một mình giữa đám đông, không bỏ về, nhưng cũng không vỗ tay vỗ chân. Thanh Thảo tự gọi mình là kẻ lang thang qua chiến tranh, tức là người chứng kiến chứ không hẳn tham dự tích cực. Mặc dù, bất chấp hoàn cảnh con một, anh đã nhập ngũ tình nguyện (*). Dù tham dự với thái độ nào, rõ ràng chiến tranh đã ảnh hưởng đến nhận thức của anh, không khí của nó bàng bạc theo đuổi những người cùng thế hệ, không bao giờ rời bỏ họ, tạo ra lý do để sống và làm việc, tạo ra ý nghĩa của tồn tại. Tôi biết có thể ở đây tôi vừa chạm đến khái niệm truy tìm sự biện minh cho hành động (intellectualization) mà phân tâm học hay nhắc tới: đi tìm ý nghĩa của hành động sau khi hành động đã xảy ra.

 

Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt

Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời

Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực

Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người

Nguyễn Đình Thi đã nói đến làm người. Trong cách nói ấy, hành vi làm người là khái niệm phổ quát. Như thể làm một lần là xong, vĩnh viễn. Nhưng làm người như thế nào là bài toán mà những người đã qua chiến tranh không giải được, trong hòa bình. Cuộc lang thang qua lửa đạn của Thanh Thảo mang đầy ký ức, suy nghĩ, nhận thức mới, thử kiến tạo cho mình và thế hệ mình con đường riêng, thế giới riêng, nỗi buồn rầu và hy vọng riêng. Là người viết tha thiết với ngôn ngữ, Thanh Thảo có cái vẻ thờ ơ kỳ lạ của người không màng thế sự, không màng danh vọng, làm mới đến cùng mà vẫn bám vào gốc rễ.

 

chúng tôi không muốn chết vì hư danh

không thể chết vì tiền bạc

chúng tôi lạ xa với những tin tưởng điên cuồng

những liều thân vô ích

Anh nói thêm về việc làm người và nói khác đi. Nơi góc rừng, trong xóm trưa vắng vẻ, anh lắng nghe tiếng động, sự im lặng và lời tâm sự của cha ông, làm bạn với nông dân, lắng nghe côn trùng, tiếng gió lá mùa hè, sự thanh thản khắc nghiệt, lãng mạn. Sự tưởng tượng và tài năng ngôn ngữ của anh như lưỡi dao sắc xuyên qua tầng vỏ dày đặc của hiện thực, chạm tới cốt lõi của sự vật. Các nhà thơ có muốn người đọc của mình tham dự vào sự kiện hay trở thành nhân chứng? Nếu muốn, anh ta phải mở đường cho người đọc. Mở vào các hoàn cảnh, các xung đột, nỗi khổ tâm và niềm tự hào, dưới ánh sáng của các nguyên nhân. Nhưng hơn thế nữa, khi người đọc bước vào bài thơ, bài thơ phải trở thành câu chuyện kể mà chính họ đi tìm. Một người đọc không hề tham gia chiến tranh, hoặc đứng về phía đối lập, khi bước chân vào hoàn cảnh ấy, vẫn có thể tạm thời hóa thân thành tác giả, sống lại lịch sử ấy. Để làm gì? để thử lại những câu hỏi của số phận dân tộc, hôm nay. Thanh Thảo vượt qua nhiều nhà thơ, băng qua cuộc chiến tranh, từ cội nguồn mà đi lên, từ nông thôn mà đi ra và trở về, dịu dàng mà có chút khinh bạc, bề ngoài hời hợt mà bên trong sâu nặng, không tuyên ngôn ồn ào nhưng táo bạo đổi mới, một thi sĩ như thế vẫn hầu như chưa bao giờ vượt qua được ranh giới của cuộc chiến tranh, chiến tuyến gay gắt giữa bên này và bên kia. Muốn làm được điều ấy, không phải cần tài năng hay đức hạnh, mà cần một hằng số khác, một hệ thống tham chiếu khác, một vũ trụ khác. Sự im lặng và sự rỗng không. Những người làm mới có hai cách: đả phá những người đi trước, tuyên bố, cương lĩnh, tập hợp. Cách thứ hai là lặng lẽ tìm lối đi, bút pháp mới, thực hành, vượt khỏi những chuẩn tắc đã xác lập.

 

Những ngôi nhà mọc lên như tia chớp

những vật dụng tiện nghi liên tục đổi dáng hình

những cặp vợ chồng ly hôn như cơm bữa

những người già mỗi phút mỗi già thêm

 

Đường phố sạch hơn nhưng sông suối bẩn hơn

đến biển cả cũng chứa đầy chất thải

ta đầu độc cá rồi ta ăn cá

vòng luân hồi này Đức Phật cũng chào thua

Đúng là chào thua. Làm mới như thế trước hết là làm mới ý tưởng. Nhưng ý tưởng chỉ mới khi có xúc cảm mới. Một người không biết xúc động một cách mới thì chỉ viết ra các tuyên ngôn. Nhưng xúc cảm và ý tưởng mới trong khi tạo ra ngôn ngữ mới thì chính ngôn ngữ đẩy chúng đi, tái tạo chúng, như những vòng sóng lan xa trên mặt nước.

 

lặn biển Hoàng Sa liệt nửa người

giờ ngồi xe chó kéo

người bé trên đảo Bé

mỗi khi nhìn thấy biển mắt rực cháy

“biển ơi biển ơi biển ơi”

thế thôi

 

lặng im như đá mồ côi

họ dạy anh tình yêu

không lời

anh yêu biển mà đứng trên bờ

anh yêu nước mà không biết bơi

Thơ Thanh Thảo gợi ra cảm giác đối nghịch lẫn lộn, giữa một bên là sự tầm thường của hậu chiến tranh, một bên là tính bi kịch hào hùng của cuộc chiến tranh ấy, giữa một bên là sự bế tắc của đời sống hôm nay và một bên là sự mở rộng dường như bất tận về tương lai. Nhiều người không bao giờ biết rằng hàng ngày họ vẫn tuân lệnh và thỏa hiệp để sống. Họ có ảo tưởng rằng họ đang sống theo ý mình, thích gì làm nấy, tự do suy nghĩ, tự do nói và viết. Thật ra có hai loại mất tự do:những người bị bắt ép tuân lệnh và những người muốn được tuân lệnh. Loại thứ nhất là người nghèo khổ, dưới đáy xã hội. Loại thứ hai là trí thức, người giàu, văn nghệ sĩ, bọn ăn trên ngồi trước, bọn hãnh tiến. Hãy nghe Thanh Thảo nói:

 

cứ tự mình dán băng keo vào miệng

con gọi Mẹ chỉ còn nghe ú ớ

Hình ảnh, chúng xuất hiện rồi biến mất, rồi trở lại. Chúng chở ý tưởng đi, mang ý nghĩa trở lại. Thơ Thanh Thảo không quá khó hiểu, nhưng bên trong hàm chứa sự phức tạp, chúng phức tạp vì có khi không xuất phát vì ý định của tác giả, nằm ngoài tầm kiểm soát của những người thông minh nhất, có khi vô thức. Con người trong xã hội gần nguyên thủy không giỏi về lý luận, suy nghĩ của họ dựa trên hình tượng, phép so sánh hình tượng, lối kể chuyện giai thoại. Thanh Thảo là nhà thơ sống gần với người dân chân lấm tay bùn, vì vậy thơ anh được nuôi nấng trong một không gian văn hóa cội nguồn đặc biệt, miền Nam và miền Trung. Nhiều người trách Thanh Thảo dùng chữ tục trong thơ. So với nhiều nhà thơ khác thì đúng thế, nhưng vẫn còn ít so với cuộc đời thường. Trong thực tế người nông dân dùng chữ tục nhiều hơn, mà cũng hay hơn. Nhiều nhà thơ hậu hiện đại cũng không ngại dung tục, nhưng có lẽ do hoàn cảnh, chữ tục của họ có tính nổi loạn thành phố, hơn là biểu trưng của đời sống nông thôn dân dã. Dân dã và dân tộc cũng khác nhau, trong thơ Thanh Thảo hai khái niệm ấy có khi là một, có khi hai.

 

bác Năm Trì

bình thản xoa tí nước bọt vào chân

và bứt ra một con

đỉa

nói theo kiểu bây giờ

“hết sức kiềm chế!”

Hài hước và thô ráp là hai đặc tính song đôi của ngôn ngữ bình dân. Tuy vậy, thơ Thanh Thảo không bình dân lắm. Thực ra đó là loại thơ bác học. Sự pha trộn hai ngôn ngữ ấy trong thơ anh thành công đến đâu, hãy còn là bí ẩn. Sự sống động và tính tức thì của ngôn ngữ Thanh Thảo xuất phát từ kinh nghiệm đầy tính văn hóa, có mùi đất như anh nói, mùi cỏ non xanh tận chân trời, ngọt và đắng, hài hước nhưng không cay nghiệt. Anh như người khắc thời gian vào đá, tạo những nét vẽ huyễn hoặc, người khác nhìn thấy không hiểu là do tay nghề anh hay do sự may mắn thần linh tạo ra. Có những trường hợp, độc giả không ngớt tranh luận với tác giả của bài thơ. Thanh Thảo là nhà thơ có thể tạo ra tranh luận, tiếc rằng môi trường tranh luận ấy chưa có, và có lẽ không thể có trong tình hình văn học hiện nay, vì thiếu lòng tin. Nhưng lòng tin là một quá trình. Là một quá trình, tất nhiên có bước nhảy, có sự nghịch thường, xung đột, đối lập.

 

những năm ấy tôi nằm sát đất

chẳng lo nghĩ gì

những năm ấy cây chò rừng bốc cháy

lửa hồn nhiên sáng trong

trăng như sữa đổ tràn rẫy cũ

một mình tôi ngun ngút nhớ thương

những năm ấy tôi bơ vơ như đất

bị bỏ quên một góc

bìa rừng

Đó là loại thơ hấp dẫn nhưng lừng khừng, lưỡng lự, và mang chứa những không gian được chiếu rọi bởi ánh sáng của giấc mơ. Sự làm mới ngôn ngữ của anh, trong khi là một nhu cầu cấp thiết của thơ hôm nay, thì lại xuất hiện lẻ loi, xung quanh anh không có người đồng hội đồng thuyền. Ngay những nhà thơ lớp kế sau, nổi tiếng cách tân, vẫn không có nhiều thứ chia sẻ với Thanh Thảo. Thơ anh hàm chứa các xung đột triết học và xã hội. Trong khi đó quan điểm xã hội của anh, mặc dù được nhiều lần nhắc đến, vẫn chỉ dừng lại ở lòng yêu nước và bản chất lương thiện của dân tộc, tính chất nghĩa khí của người xứ Quảng, đạo đức làm người, được thử thách trong chiến tranh.

 

chúng tôi không xây Vạn Lý Trường Thành

chúng tôi đếch là hảo hán

chúng tôi tươi vui

bình thản

 

dù chân lũy tới chân trời

xa lắc chơi vơi

chúng tôi đi

dè dặt

chúng tôi đi

từng bước

chẳng ai cho không dễ dàng

Đúng là nhân dân đi từng bước dè dặt. Nói ra điều ấy, Thanh Thảo là người thứ nhất. Ngược lại với tình yêu nam nữ, tình yêu đối với đất nước về bản chất không bình đẳng, một bên cho đi một bên nhận lại. Tình yêu không ích kỷ, không điều kiện, được xem là tình yêu cao cả nhất. Lòng trung thành chống lại chủ nghĩa cơ hội nhưng lòng trung thành không có khả năng ngăn chặn kẻ thù của nó: đó là sự nhầm lẫn đáng tiếc, khi đất nước chuyển từ chiến tranh qua hòa bình. Khi chúng ta mất đi sức mạnh của sự gắn bó với nguồn cội, con người như những cây con vừa trồng xuống không được bao lâu đã chịu bão. Chủ nghĩa anh hùng có tính đám đông, lòng yêu nước được tạo ra thích hợp cho các mục đích, hiện thực được đồng nhất với niềm tin, tất cả những thứ ấy thổi bùng ngọn lửa của lòng trung thành trong chiến tranh, nhưng đó là thứ lửa dễ bị dập tắt trước sức mạnh của chủ nghĩa cơ hội. Lòng trung thành tuy là một sợi dây nối kết những người có cùng quá khứ, nhưng sợi dây ấy không kéo dài vào tương lai, không nối vào các thế hệ tương lai, nếu chúng không được tiếp sức bởi những tính chất khác như sự hiểu biết, tin cậy, cơ chế minh bạch, tính công bằng.

 

suốt đời tôi cứ va phải những bức tường

trơ lỳ u mê

hung hãn

hoảng sợ

 

chỉ duy nhất một bức tường

dịu dàng

trong suốt

thương yêu

bao bọc

 

bức tường mưa

chìm tận đáy quê nhà

Lòng tin đối lập với lý trí. Lý trí đặt mọi thứ dưới ánh sáng của nó, kêu gọi sự phê phán đối với các bằng chứng. Lòng tin, khi phải đối diện với những xung đột của các bằng chứng, sẽ kêu gọi bạn đứng về phía những bằng chứng chứng minh, thay vì những bằng chứng chống lại. Người đọc thơ hôm nay ít đọc Thanh Thảo không phải vì thơ ấy trúc trắc bí hiểm mà vì đó là tiếng nói của một người đơn độc, gần như thuộc thế giới khác, một cách nghĩ khác, vượt lên trước những người cùng thời.  Mặt khác, thơ anh vẫn thân mật. Trong văn chương, thân mật nghĩa là gì? Đó là khoảng cách giữa người viết và người đọc. Khoảng cách ấy tự nhiên, lặng lẽ, không tuyên bố, chứa đầy năng lượng. Năng lượng ấy có sức đẩy bài thơ đi: đó là những liên kết văn cảnh, sự tiếp nhận của người đọc. Một nơi nào đó ở giữa thế giới hiện thực và thế giới thơ ca, nhà thơ đi tìm người đọc của mình, trò chuyện với họ, làm cho họ tin rằng câu chuyện của nhà thơ chính là ký ức của người đọc. Những người đã yêu thương, đã chiến đấu, đã sống sót, bị phản bội, đã yêu thương trở lại. Và họ lập lại, và bị tổn thương lần nữa, và lập lại nữa. Tình yêu trong thơ Thanh Thảo, như vậy, không phải là nhu cầu, mà là ẩn dụ. Khác với những người cùng thời, anh tra vấn nhiều hơn, ý thức về mình nhiều hơn, liên tiếp đặt câu hỏi về con người, về đồng đội, về cái chết, sự thương cảm đối với những hoàn cảnh đặc biệt, và sự suy nghĩ về tính thương cảm ấy. Nỗi ám ảnh ở nhiều người là sự bất hạnh, thậm chí là nguyên nhân của bệnh tật, nhưng nỗi ám ảnh ở một người viết lại là điều may mắn, là động lực của sáng tạo. Những người mang trong lòng nỗi ám ảnh không cần đi tìm đề tài xa lạ. Anh viết nhiều, viết dài, sức làm việc mạnh mẽ, nhưng không ra vẻ hối hả, toát mồ hôi, vì đề tài của anh coi vậy mà không dàn trải, không biến đổi. Anh đi nhiều, nhưng nếu không đi nhiều, có lẽ cũng viết thế. Đó là một giọng thơ hiện thực nội tâm, hiện đại mà đầy xúc cảm, vì thế anh sẵn sàng rời bỏ các đường mòn, đi tới những thứ phi cổ điển, và trong nhiều dịp may, phát hiện một lối nói tân kỳ.

 

hạnh phúc nào cho tôi

hạnh phúc nào cho anh

hạnh phúc nào cho chúng ta

hạnh phúc nào cho đất nước

Chất giọng chính của anh là gì? Trong bài Thử nói về hạnh phúc, dấu ấn của nó là giọng điệu. Đó là giọng bày tỏ, biểu hiện, thuyết phục, tra vấn, không phải là giọng khách quan, mô tả. Chúng ta sẽ thấy về sau trải qua nhiều thời kỳ, Thanh Thảo vẫn giữ chất giọng ấy. Bài thơ nói về cảm nghĩ của một người đi qua chiến tranh, nhìn lại hy sinh, trong bối cảnh của hiện tại. Sự mô tả hiện thực, giàu sức gợi, với những hình ảnh chọn lọc, nhịp điệu ngắn và dài, không đều. Sự dừng lại các câu có khi bất ngờ, mặc dù ít dùng kỹ thuật vắt dòng, và những câu thơ thường chứa đầy đủ các câu văn phạm, cấu trúc tiếng Việt thông thường ít khi bị bẻ gãy, nhưng đọc cả bài vẫn gây cảm giác mới, ngỡ ngàng. Đó là do tiến độ của bài thơ chậm trong khi ý tưởng của anh vận động nhanh. Bao giờ cũng có nụ cười ẩn đằng sau các chữ. Sự an ủi, sự thông minh bình dân, minh triết. Các bài thơ có mở đầu và kết thúc. Nhiều người tưởng rằng trong thơ muốn viết gì thì viết, và khác với một bài luận văn, chúng không có dàn bài. Thật ra bất kỳ một bài thơ nào đứng được đều nhờ một cấu trúc hợp lý, có mở đầu và có kết thúc, tất nhiên có khi vượt qua sự kiểm soát có ý thức của tác giả. Có những nhà thơ mở đầu một cách giản dị, có người mở đầu gay cấn, có nhà thơ kết thúc bằng tóm tắt, có nhà thơ kết thúc bằng bước chuyển biến, hình ảnh lạ. Kết thúc của Thanh Thảo bao giờ cũng đằm thắm, tự nhiên, có dư vị, đôi khi như bài học, đôi khi như ám ảnh.

 

những câu lượn câu sli đêm chợ Kỳ Lừa
chén rượu nồng thơm sắc màu thổ cẩm
vó ngựa gõ dòn lâng lâng sương khuya

khẩu súng chống tăng ghì chặt vào vai
anh xạ thủ H’Mông mười tám tuổi
khi lũ giặc đang điên cuồng lao tới
một chấm nhỏ trên bản đồ một chấm nhỏ thiêng liêng


 

Chiến tranh biên giới phía Bắc. Anh không phải nhà thơ triết lý, chỉ tình cờ mà những điều anh nói trong thơ đi qua đúng cái thời điểm mà triết lý và thơ ca cắt vào nhau, như hai vòng tròn cắt nhau. Thời gian trong trường ca Thanh Thảo được nhìn trong chiều kích bề dọc, xuyên từ trước ra sau, từ quá khứ đến tương lai, khác với chiều ngang trong thơ trữ tình, dừng lại, đi sâu, chậm lại. Khi hai thứ tư duy thơ ấy gặp nhau, cái loang loáng, dồn dập, xoáy lốc, từ đó mà ra.

 

ta khắc khoải tìm trước cánh cửa đóng im

khi cửa mở lại càng khó hiểu

lúc không cánh cửa nào ta hoàn toàn bối rối

cắm cúi đi ra mà cứ tưởng bước vào

Thơ triết lý mà vẫn thuyết phục. Trong các đoạn cuối, Thanh Thảo có nụ cười giễu cợt, do khả năng dùng chữ và khả năng tri giác đặc biệt của người bình dân, hiền từ mà sắc sảo.

 

nước mắt bây giờ là ảo

rất ít người thấy được

 

cõng mẹ đi chơi

mẹ nhẹ đến nỗi không biết còn hay mất

qua chỗ lội

thấy từng bầy quỉ ma

không đánh rơi mẹ dù mẹ rất nhẹ

không đánh mất mình dù mình chẳng còn gì để mất

Câu cuối cùng, thứ tám, hơi thừa. Anh không phải là người hoàn toàn chủ trương mô tả khách quan mà không bình luận, nhưng cũng không chuyên đưa vào thơ những cảm xúc của mình. Anh đơn giản, nhưng không khắc kỷ, viết trường ca nhưng không dài lời. Sự chừng mực ấy có cái giá của nó: thơ Thanh Thảo ít được công chúng biết. Anh từ chối sử dụng tu từ hào nhoáng, sự so sánh cảm xúc, và cũng không có khuynh hướng trừu tượng hóa, phi lý hóa. Anh ít khi dựa vào những lợi thế mà các nhà thơ Việt thường thông minh hoặc láu lỉnh dựa vào: kỷ niệm, dân ca, sự hy sinh, lòng thương xót, tâm lý chung (common sense). Sự chừng mực ấy rất đặc biệt trong trường hợp của một người có khuynh hướng cách tân. Anh không chú ý mà thành ra đi trước nhiều người, lẳng lặng nới rộng các biên giới nhưng không đập vỡ chúng. Anh không đập vỡ các giới tuyến: công việc ấy thuộc về người khác. Thơ Thanh Thảo gần với cuộc đời, nhưng đọc anh tôi thấy có cái chất tơ lơ mơ trên trời, ngoài ý thức, mông lung bát ngát. Một lần, Thanh Thảo gởi cho tôi bài thơ có mấy câu sau đây.

 

Những cây cau đã trổ hoa

yêu thương xa lạ

nơi không khí biến ta thành lặng lẽ

dẫu muốn ồn ào biết ồn ào với ai

Bốn chữ yêu thương xa lạ làm bạn nghĩ ngợi. Nó dẫn trước câu không khí, nửa như giải thích, nửa như dự báo. Anh vừa là người của tình cảm quen thuộc xóm làng vừa là người của phương xa, kẻ ở giữa nông dân chân lấm tay bùn mà sẵn sàng đối thoại với thế giới mới, anh xuề xòa bình dân mà sang cả ngấm ngầm, đôi khi trong một bài thơ thấy cái mộc mạc chân chất, nhưng một bài thơ khác lại thấy cái tinh quái mà anh học được ở đâu đó. Có vẻ anh dan díu nhiều thứ. Tuy mới hơn nhiều người, Thanh Thảo vẫn trở lại với thăng bằng Đông phương, với thanh đạm triết học. Đến đây, tôi nhớ ra rằng có phần đáng tiếc là Thanh Thảo không đi sâu vào chiều kích này. Triết học trong thơ ca là một con đường còn bỏ ngỏ trong thơ Việt Nam.

 

Nhưng cô độc đã thầm ghi trên trán

Lòng lạc loài ngay từ thuở sơ sinh

Huy Cận. Ý tưởng Thượng đế rõ ràng. Một số nhà phê bình cho rằng tâm trạng ấy đặc trưng cho thời đại lãng mạn, Pháp thuộc, dân tộc mất độc lập vân vân. Thật ra đó là cảm thức đầu đời của người sẽ đi con đường dài của thơ ca. Thiếu những nỗi buồn vô cớ, những hoang mang xa lạ với hiện thực, thiếu sự đê mê trên mây trên gió, Huy Cận khó đi xa. Thơ của ông thời kỳ sau này là bằng chứng. Thanh Thảo có bi quan không? Tôi tin là có, nhưng không đến mức sầu muộn (mélancolie), vì đó là bi quan có tính tình huống. Thơ anh có bi kịch không? Có, nhưng không phải là bi kịch siêu hình. Tôi nghĩ anh thực tin rằng thơ có hữu dụng đối với đời sống, có ích trong việc làm cho con người trở nên tốt đẹp; toàn bộ thơ ca của anh hướng về điều ấy: tự tin, hơi tự hào, vào lòng tốt của con người, của nhân dân, của nông dân, lòng tin vào cái đúng, nghĩa hiệp, và tất nhiên vào sự phán đoán lý tính. Chỉ thỉnh thoảng anh mới viết khác đi, lãng đãng vô thức, thật ra là khác nhiều:

 

đư­ờng chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái di -gan
vào xoáy n­ước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt

li -la li -la li -la

Bài Đàn ghi ta của Lorca nhiều người biết. Trong cuộc gặp ở Sài Gòn năm 2007, tôi nghe Nguyễn Thụy Kha đàn và hát la- li la- li la- li, chứ không phải li -la li -la li -la. Ngoài chất âm nhạc như một lyric, đó thực sự là một bài thơ siêu thực. Đừng quên rằng Lorca chính là một nhà thơ siêu thực. Bài thơ như ánh hắt lên từ vô thức này thật hay, lạ, nhưng không tiêu biểu cho phong cách thường gặp của Thanh Thảo. Anh dùng các biểu tượng tượng trưng nhiều hơn. Biểu tượng là sự so sánh không hiển lộ, so sánh ngầm. Vì so sánh không hiển lộ, biểu tượng trở thành một hình ảnh độc lập. Hình ảnh ấy bao giờ cũng làm lan truyền nghĩa, như những quầng sáng liên tiếp. Khuynh hướng gần đây của chủ nghĩa hình thức làm nhiều nhà thơ trở lại với nhạc điệu, một kiểu thơ tự do mới, tuy tự do nhưng giàu tính nhạc. Mặt khác, có thể thấy trong trường ca, tuy Thanh Thảo sử dụng nhiều tiếng nói, nhiều bè, giọng cao giọng thấp, nhưng anh không thực sự là người tách hẳn khỏi nhân vật chủ thể. Anh để lại dấu vết của mình rất rõ ở tính chiêm nghiệm, sự hài hước và tính châm biếm nhẹ nhàng, sự cả nghĩ và tính trẻ con, lòng tin vào đức tính vĩnh viễn và lòng tin vào tính chất tạm thời. Thơ anh là một loại chân dung cần sự can đảm của tự bộc lộ, khả năng mô tả sự bối rối, tính lưỡng lự nước đôi của kẻ trí thức, sẵn sàng kể đi kể lại những câu chuyện bí ẩn của tâm hồn. Cấu trúc của thơ Thanh Thảo là tìm tòi mở rộng thể loại, mặc dù, giống nhiều nhà thơ cùng thế hệ, sự cách tân ấy chỉ đang đi trên đường. Cấu trúc của một bài thơ tạo ra sự thăng bằng động lực của bài thơ ấy, ở các khúc quanh. Bài thơ bắt đầu ở một điểm và dừng lại ở một điểm khác, bến bờ khác. Như thế khi di chuyển từ vị trí này đến vị trí khác, anh mang theo người đọc, những người hàng ngày vốn suy nghĩ theo cấu trúc khác, không phải cấu trúc thơ ca. Dịch chuyển tác động lên quá trình suy nghĩ và cảm xúc, và vì ngôn ngữ thơ nén chặt, với những liên kết phức tạp, sẽ tập cho người đọc thói quen cảm xúc và suy nghĩ ở những tầng mức cao hơn. Lấy ví dụ thơ trữ tình có yếu tố hài hước. Đối với những suy nghĩ theo thứ tự và hợp lý, sự đảo lộn thứ tự, lối nói không hợp lý, tạo ngạc nhiên. Ngạc nhiên là gốc rễ của hài hước. Ngạc nhiên, hài hước, phi lý, sự đảo lộn là những phẩm tính đầu tiên của cách tân, đập vỡ, làm mới trong văn học. Cảm nhận sự tồn tại của cấu trúc trong một bài thơ làm tăng khả năng thưởng thức của người đọc, làm tăng khả năng hiển lộ những tác động thẩm mỹ khác nhau, làm tăng những chiều kích thẩm mỹ của bài thơ ấy và của tác giả ấy. Làm tăng tính dự báo (**). Trường ca gần như bao giờ cũng viết về các sự kiện, lịch sử hay cá nhân. Xoay quanh trục sự kiện, nhà thơ nói về tình yêu, mất mát, cái chết, đau khổ, hy sinh, chiến thắng, vượt qua, bao giờ cũng bao gồm hai đặc tính: cái cao cả và tình yêu. Thật ra cấu trúc của trường ca là cấu trúc của suy tưởng. Bên dưới sự mô tả đời sống, chiến tranh, là niềm ao ước được giải thích động cơ của lịch sử, niềm ao ước hóa giải các xung đột, niềm ao ước mang trở lại những người đã chết, những người thân yêu từ trong quá khứ và bóng tối, trò chuyện với phẫn nộ và bất công, giải thích những khúc quanh, an ủi những kẻ sống sót. Những người đã chết không thể sống lại, nhưng họ có thể trở nên bất tử nhờ vào những lý do của sự hy sinh, sự thương tiếc, sự kế tục của những thế hệ sau, mang theo thương tiếc và tri ân. Những biến đổi, những khúc quanh trong một trường ca hiện đại khó tìm thấy hơn so với trường ca cổ điển, nhưng chúng vẫn cần có mặt, không những thế, vì yếu tố trữ tình đôi lúc che lấp câu chuyện kể, làm cho một trường ca hiện đại trở nên rời rạc, chúng cần phải có mặt vào đúng những thời khắc quan trọng, để thúc đẩy câu chuyện diễn tiến. Tạo ra động lực cho chúng. Các khúc quanh trong trường ca chính là các động lực. Không có các động lực ấy, trường ca hiện nay chỉ là cách gọi tên giả tạo của các bài thơ dài. Hầu hết trường ca hiện nay, được viết từ khoảng những năm 70, thật ra chỉ là những bài thơ dài, theo tôi nên gọi là các trường thi. Tuy vậy, khi  tính trữ tình lấn át, sự thay đổi về cấu trúc tự sự có thể không xảy ra, nhưng riêng sự thay đổi về giọng điệu, cách nói, đẩy suy nghĩ của nhà thơ lên một tầng cao hơn, cũng phần nào có thể tạo ra áp lực cấu trúc.

 

quê hương

nếu cần phải làm lại

nếu phải làm ngay không trễ nải

ta xin hiến nốt đời mình

chỉ để gióng lên hồi chuông

lớp người sau sẽ đến

những ngọn sóng trong đêm

khởi từ giờ tý

Chắc là cần phải làm lại, phải không anh? Tương kính là điều kiện để giải quyết xung đột. Trong chiến tranh, các bên làm ngược lại: đả kích, nhục mạ nhau. Khó có thể cho rằng, trong chiến tranh, minh bạch và trung thực là những đức tính quan trọng nhất. Một đặc tính của thơ Thanh Thảo là tính chất lưỡng đôi giữa một bên là lòng tin vào phẩm chất cao quý của con người, chất người lấp lánh, một bên là sự phân vân, ngờ vực, đối với khả năng giải quyết các xung đột của con người, các vấn nạn của xã hội.

Những ngày nắng đẹp đầy lo ngại
nhiều lúc vui mà nghe hãi hãi
tưởng đã êm xuôi đã thoát vòng
nào hay còn một trận lốc vàng

Tôi không biết lốc vàng là lốc gì, nhưng nhớ mãi chữ ấy của anh. Thơ Thanh Thảo kêu gọi sự chiêm nghiệm, loại thơ làm chậm lại tốc độ của thời gian, xóa dấu các điện tích. Nhà thơ có khả năng mô tả chi tiết để tạo nên khung cảnh của bài thơ. Khung cảnh ấy gồm có đời sống bên trong và đời sống bên ngoài. Vận động xuyên qua giữa trong và ngoài tạo nên biến đổi. Lòng tin vào nhũng phẩm chất khó khăn như tình yêu nước, tình đồng đội, sự hy sinh, nghĩa đồng bào, chất người, sự trung thành, lòng hào hiệp, sự cận nhân tình, trong khi tạo ra nền tảng căn bản của nhân cách, cũng tạo ra nền tảng tham chiếu văn hóa của một nhà thơ, và trong trường hợp thứ hai này, chúng không phải là không cần bị thách thức, không phải là luôn miễn nhiễm. Tôi không biết Thanh Thảo đã nhận thức về vấn đề này như thế nào, nhưng như một người có trực giác mạnh, thế nào anh cũng tìm đến ranh giới bất khả xâm phạm của chúng, gõ lên cánh cửa của chúng. Có một không khí mới mẻ, vui tươi, bao bọc những câu thơ xuất thần của anh, như cỏ mọc lên sau mưa, ngay cả ở những đoạn kết thúc buồn rầu. Thật ra ngược lại mới đúng, chính sự chiêm nghiệm buồn rầu tạo ra thần thái những câu thơ ấy, như những ngọn cỏ non vượt lên.

 

tôi kính dâng lên tổ tiên mình

chiếc bát mẻ nằm lặng bên chân Tháp

cái bát người con trai Việt

lăn lóc tìm cặp mông người con gái Chàm

như tìm nơi trú ngụ

lăn lóc tìm mênh mang

vó ngựa

lăn lóc tìm ấm êm

bếp lửa

lăn lóc tìm đức tin

chân Tháp hình cặp mông cô gái

 

phương nam hề, mệt lả!

phương nam hề, tái tê!

 

trong xách: ba chai mắm

trong túi: sót hai đồng

trong tay: nghề câu mực

trong đầu: hy vọng sắt

Tri ân là một năng lực, vì vậy khác nhau ở những nhà thơ khác nhau, vào những thời gian khác nhau, lúc trẻ khác lúc già. Ở Thanh Thảo, khả năng ấy không thay đổi, lúc nào cũng sẵn sàng dẫn anh đi qua nhiều ngã rẽ của số phận. Năng lực tri ân khác với năng lực làm người hùng, hiệp nghĩa, đó là khả năng tự nhận ra rằng bản thân bạn là bất toàn. Bản chất của chân lý là bất toàn: chẳng có chân lý nào cả. Nói như Niels Bohr, cha đẻ của nguyên tử, cái mới phải thật kỳ quặc để thành sự thật. Nhiều bài thơ khác của Thanh Thảo cũng mới và lạ, nhưng vẫn chưa đi hết đường đi của chúng, như một vật bị cầm giữ bên này các đường biên. Ở trường hợp này, không phải đường biên của lý trí, mà một thứ gì cao hơn, như hỗn hợp giữa phán đoán và lòng chung thủy, đường biên chắc chắn và chậm chạp của tính cách. Sự thách thức, sự táo bạo trong thơ anh là thuyết phục vì hợp lý, nhưng quá hợp lý thì có ích cho một trường hợp mà không trở thành động lực cho trường hợp sau. Thật ra cũng khó mà khác được, trong bối cảnh rộn ràng dễ dãi chợ trời của xã hội Việt Nam hiện nay.

 

anh sẽ đeo vào tay em gié lúa
vòng ngọc xanh tiếng dế kêu lá cỏ
ngọn lửa da thịt
chìm trong đôi núm vú hồng hồng


anh sẽ đeo vào cổ em
sợi dây chuyền bí ẩn của bóng đêm
những tiếng chuông mùa thu trong trẻo
rung lên khi thành phố bay về trời


anh sẽ đeo vào ngực em
cơn bão

Thơ tự do nhưng giàu nhạc điệu phù hợp với lề lối suy tưởng của Thanh Thảo. Anh mở rộng dung lượng của chúng, làm cho sức chứa của thơ tự do lớn hơn. Bất chấp đề tài trầm trọng đến đâu như chiến tranh, lịch sử, các sự tích, gian khổ, bao giờ ở phía sau hậu trường sân khấu vẫn vang lên thứ âm nhạc nửa vui vẻ nửa buồn rầu, phấn chấn mà kiềm chế, trộn lẫn vào nhau, giàu có những biến điệu, thơ và văn xuôi, âm nhạc và hội họa, hiện đại và cổ tích, đại tự sự và giai thoại, truyền thống và lạ. Viết nhiều, viết nhanh, nhiều tác phẩm xuất sắc, những câu thơ đột phá, sáng lên, Thanh Thảo là một trong những nhà thơ đổi mới mạnh mẽ trong nghệ thuật mấy mươi năm nay. Giữa những câu thơ dịu dàng là sự cường tráng của sức nghĩ, sức hồi tưởng, tra vấn mãnh liệt, thậm chí có lúc tàn nhẫn, dữ dội như cái chết, sự lên án. Có một nỗi ngao ngán buồn buồn đằng sau nụ cười. Hình ảnh của sự sống và cái chết, tình yêu và sự tồn tại xuyên qua chủ đề phức tạp được trình bày nhẹ nhàng như không, như sự mê đắm, lỗi lầm, như ảo tưởng. Thường thì ngôn ngữ Thanh Thảo trong sáng, cấu trúc văn phạm giản dị, ít đảo lộn, gần như không có tính đa nghĩa. Thế mà lạ kỳ, những câu thơ ấy vẫn có vẻ bảng lảng, mơ hồ, chìm đắm như mây trong nước, nửa có nửa không. Xuất thân từ một nền thơ lấy chủ nghĩa hiện thực trong văn học làm trung tâm, chúng ta nhớ rằng chữ hiện thực hiểu là hiện thực bên ngoài, hiện thực khách quan, độc lập với tâm trí, Thanh Thảo đã tạo ra những liên kết mạnh giữa thơ trữ tình và nội tâm. Tình yêu nước và tình yêu là những tình cảm khác nhau. Ở Thanh Thảo, chúng gần như một. Ý thức và vô thức khác nhau, ở Thanh Thảo chúng gặp gỡ. Anh thử nhiều giọng, nhưng chất trường ca trở lại. Mà anh thì đến với chúng một cách khôn ngoan, không bị lung lạc bởi các ảo tưởng. Trường Ca Chân Đất và Trường Ca Metro là những ví dụ nổi bật. Anh đem thơ trữ tình vào trường ca, lấy làn hơi dài của trường ca phả vào thơ trữ tình, mang lại cho chúng, cả hai, sức sống mới, sự mờ ảo, quang phổ rộng, sự tích hợp, sự biến đổi, đa giọng điệu, nhiều lớp lang, nhiều đề tài, tạo ra các bước dịch chuyển, tạo ra các vượt qua. Loại thơ ấy có khả năng làm sụp đổ không gian và thời gian, kéo những tiểu đại tự sự, những lịch sử lại gần với nhau. Và do đó kéo con người lại gần nhau. Một trong những nhà thơ đi trước của thế hệ anh, Thanh Thảo không có chọn lựa nào khác, ngoài việc phải vượt qua chính mình.

 

 

Canada Day 2017

(trong loạt bài Đọc Thơ)

(*): Thơ Đến Từ Đâu, Thanh Thảo, Làm thơ được là sướng rồi còn mong gì thêm, trang 408, NXB Lao động, 2009.

(**): Hội Luận Văn Học, Thanh Thảo, Thơ phải mang tính dự báo.

 (http://hoiluan.vanhocvietnam.org/?p=228)

 

Nguyễn Đức Tùng
Số lần đọc: 3312
Ngày đăng: 13.07.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa dưới những góc nhìn đa diện - Nguyên Cẩn
Một sắc hoa ban – Đa sắc tâm hồn - Phạm Đình Ân
Nhớ Phạm Ngọc Lư - Nguyễn Lệ Uyên
Vài lời tản mạn về "Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại" - Đặng Xuân Xuyến
Đến với thơ Đương Đại (*) - một góc nhìn mới về Thơ hôm nay - Yến Nhi
Mảnh vụn ký ức - Phan Văn Thạnh
Nhà thơ Nguyễn Giúp: MỘT DÒNG SÔNG THƠ - Phan Nam
Vài cảm xúc với bài thơ "Men đắng"* - Nguyễn Thành
Trần Mạnh Hảo, mình anh trong một thế giới - Nguyễn Đức Tùng
Thơ bay trên phận con người - Bùi Công Thuấn
Cùng một tác giả
tạp bút 2 (tạp văn)
Chiếc Radio cũ (truyện ngắn)
Con mèo của Takashi (truyện ngắn)
Cây Sài Gòn (tạp văn)
Nồi Bánh Tét (truyện ngắn)
Trái tim (truyện ngắn)
Cô dâu (truyện ngắn)
Trưa Hoàng lan (truyện ngắn)
Mao ở Vũ Hán (truyện ngắn)
Xập xòe én liệng (truyện ngắn)
Câu thơ lục bát (tiểu luận)
Halloween (tạp văn)
Đêm Ukraine (điểm sách)