Ông huyện ấy chỉ mê những chuyện ma quỉ, thần tiên, quái dị... mà chẳng thiết gì đến việc quan. Vì thế công việc bê trễ, chồng chất lâu ngày không ai giải quyết. Có người quở thì ông bảo: “Nhà nước ví như cái lồng. Lồng lớn thì nhốt được chim công, chim phượng. Lồng bé thì chỉ nhốt những chích choè, chim sẻ mà thôi. Rốt cuộc phượng hoàng vẫn bay lượn nơi hoang dã mà không ai biết có chúng trên đời.” Câu nói ấy đến tai nhà vua, vua phán: “Gã này muốn ví mình với phượng hoàng đây. Lại có ý chê cái “lồng” của ta hẹp. Đã thế cho gã đi mà bay lượn nơi hoang dã, không cần đến làm gì.” Rồi xuống chiếu bãi chức ông. Chiếu chưa đến nơi thì ông đã treo mũ áo ở công đường mà bỏ đi rồi.
Ông đi đâu? Cố nhiên là về quê thu xếp việc nhà rồi lang thang đây đó. Một bữa đi qua cánh đồng nọ, ngồi nghỉ dưới bóng mát của một cây gạo cổ thụ giữa cánh đồng, thấy mấy đứa trẻ chăn trâu đang chuẩn bị chơi bi. Một đứa bảo:
- Đêm qua chỉ có bốn “cậu” chơi ở đây. Còn một “cậu” nữa đi đâu mất rồi?
Đứa khác bảo:
- Chắc là được đầu thai. Trong làng đêm qua có người mới đẻ.
Một đứa khác lại bảo:
- Chiều nay có mưa lớn, lại có dông. Nhớ báo cho mọi người biết...
Ông nghe thấy lạ quá bèn sán lại hỏi:
- Các cháu nói gì thế, “cậu” là những ai vậy?
Lũ trẻ tranh nhau trả lời:
- Là những con ma trẻ con. Chỗ gốc cây này ban ngày là của chúng cháu, ban đêm là của ma. Ban ngày chúng cháu chơi trò gì, ban đêm ma cũng chơi trò ấy. Chúng cháu để lại đây năm hòn bi, hôm nay chỉ còn bốn, mất một hòn màu trắng, vì thế mà chúng cháu biết.
Ông nghe càng thấy lạ. Lại hỏi tiếp:
- Thế sao các cháu biết chiều nay có trận mưa dông?
- À! - một đứa buột miệng trả lời - Đó là các “cậu” báo...
Nó nói chưa dứt câu thì mấy đứa trẻ kia vội suỵt! suỵt!, rồi đưa một ngón tay trỏ lên mồm, mắt nháy nhau ra ý bảo đứa kia chớ nói cho ông biết.
Đứa trẻ vừa chợt thấy mình bị lỡ lời mặt hơi tái đi, nó cúi đầu lẩm bẩm những câu khó hiểu:
- Tại sao phải như thế nhỉ? Cho dù có là một trận mưa dông, thì mỗi năm cũng biết bao nhiêu lần như thế...
Ông hiểu là không thể khai thác gì thêm ở chúng, bèn nhìn xuống, thấy mấy viên bi xanh, đỏ, tím, vàng được xắp xếp một cách cố ý trên mặt đất. Ông đoán chắc là mấy đứa trẻ này căn cứ vào đó mà biết trời mưa hay nắng đây. Song tất cả câu chuyện từ đầu có vẻ cứ như hoang đường, làm ông bán tin bán nghi. Ông quyết định phải vào làng điều tra cho rõ mọi điều.
Quả là trong làng đêm qua có một người đàn bà mới trở dạ đẻ. Hỏi thăm đến cổng nhà người đàn bà ấy rồi, ông cứ nấn ná không biết có nên vào hay không, sợ tục ở đây kiêng vía người lạ. May quá có một bà già từ trong bước ra. Ông vội túm lấy hỏi thăm:
- Xin hỏi bà người mới đẻ đêm qua có gì lạ không?
Bà lão có vẻ mừng rỡ khi thấy ông hỏi như thế. Bèn trả lời ngay:
- Thế ra ông là thầy hay sao mà biết. Phải rồi, nửa đêm qua con dâu nhà tôi sinh cháu trai, trong tay nắm một viên ngọc màu trắng. Tôi đang định mời thầy đến xem đó là điềm gì. Nhân gặp được ông đây, trăm sự nhờ ông xem cho cháu.
Ông nghe nói mà không khỏi kinh ngạc. Té ra câu chuyện của lũ trẻ ở gốc cây gạo kia là có thật. Có điều đó chỉ là một viên bi đất chứ ngọc nghiếc gì. Thôi thì cứ để cho bà lão tưởng nhầm có khi lại hay. Ông bảo:
- Đó là điềm tốt, không sao cả. Cứ việc cất viên “ngọc” vào đâu cũng được, đừng để nó rơi xuống nước là được rồi.
Nói xong, ông vội vã quay người bước đi, sợ bà ta hỏi thêm câu nữa thì không biết lấy gì mà trả lời. Dù sao ông cũng muốn chứng kiến trận mưa dông buổi chiều, nếu quả thực nó xảy ra, thì việc lũ trẻ với mấy con ma trẻ con kia là điều không còn hồ nghi gì nữa. Ông bèn tìm đến đình làng, thu xếp một chỗ ngồi ở hiên nhà giải vũ, kiên nhẫn chờ đợi.
Chiều hôm đó, trời đang nắng bỗng tối sầm, mây đen ngùn ngụt kéo tới. Rồi xuất hiện một trận cuồng phong cuốn tung bụi đất, cát lở đá bay, cây cối vặn mình răng rắc. Sấm sét gầm rú trên vòm trời lúc này như đã sa xuống gần mặt đất. Lát sau là một trận mưa như trút nước.
Đúng là không còn hồ nghi gì nữa. Có điều tạo sao lũ trẻ chăn trâu kia lại “giải mã” được những thông tin của ma quỷ? Tại sao những người lớn, người có học, thông thái như ông lại có mắt cũng như mù? Có lẽ tại đầu óc chúng còn trong sáng, hồn nhiên như những trang giấy trắng, chưa hề vương vấn nợ đời chăng?. Đợi cho tạnh hẳn cơn mưa, bầu trời đã trong xanh trở lại, ông rời khỏi mái đình, thong thả tiến ra phía cánh đồng. Bỗng ông giật mình nghe tiếng trẻ con kêu khóc. Nhìn về phía làng, ông nhận ra thằng bé đã nói với ông câu cuối cùng lúc ở gốc gạo kia đang chạy. Đầu tóc rũ rượi, áo quần tả tơi, nó vừa chạy vừa gào khóc như bị... ma đuổi. Theo sau nó, những người lớn không hiểu nguyên do, cũng chạy theo cố túm nó lại. Song nó cứ giằng ra mà chạy, mà kêu khóc... tiếng nó cứ khản dần, khản dần rồi lịm đi. Nó đã chết.
Ông kinh ngạc, đờ người ra vì đau xót như chính mình vừa mất người thân. Hai mắt bất chợt nhòa đi, ông chỉ còn biết quay lưng, bước vội đi như một kẻ trốn chạy. Bỗng một hình ảnh quái gở khác đập vào mắt ông. Cây gạo cổ thụ sum xuê, chốn nương náu của những linh hồn bé bỏng ấy đã bị sét đánh chẻ làm đôi, mỗi nửa đổ vật về một hướng. Như một kẻ bị tâm thần, ông quay mặt đi, vừa bước thấp, bước cao, vừa buột mồm lẩm bẩm: “Thiên cơ, ôi! Thiên cơ...”
Hình ảnh đứa trẻ vừa chạy vừa gào khóc đến khản cổ mà chết và cây gạo bị sét đánh ấy cứ ám ảnh ông mãi. Lại có cảm giác rằng tại mình mà xảy ra những chuyện đau lòng ấy, bất chợt, một điều gì vừa vỡ oà ra trong tâm khảm. Ông quyết định trở về nhà, đóng cửa viết sách, lôi tuốt những chuyện ma quỷ kì dị ra, cả những gì gọi là thiên cơ, địa lậu... mà ông từng được biết hoặc được nghe... tất cả phơi bày ra trên giấy. Bộ sách ấy gọi là: “truyền kì mạn lục”. Sách viết ra làm kinh động cả quỷ thần. Mới hay trong cái “trường” thiên cơ, địa lậu mịt mù, kiếp người bỗng mong manh như kiếp ma. Truyện trò chỉ dám như “oanh vàng thỏ thẻ”, viếng thăm chỉ mong có “bướm héo vật vờ”... Có điều lạ là chính câu chuyện trên lại không thấy ông chép trong đó. Sách được khắc in, lập tức được lưu truyền rộng rãi trong đời.
Sau đó ít lâu, vào một đêm mơ màng, bỗng thấy một đứa trẻ con đang mờ mịt đứng bên cạnh giường, ông chợt nhận ra chính là thằng bé ngày trước. Nó khoanh tay chào ông và bảo:
- Cháu đến chào ông để đi đầu thai. Nhờ có sách của ông, mà từ “thiên cơ đến “địa lậu”, bây giờ không còn là việc riêng của trời đất nữa. Điều cháu nói với ông ngày trước, từ nay không còn phải tội nữa rồi.
Nói xong, nó bé dần, bé dần rồi vụt tan biến đi đâu mất. Ông cũng giật mình tỉnh giấc, không biết mình vừa mơ hay tỉnh. Về sau, bộ “Truyền kì mạn lục” ấy tiếp tục được lưu truyền hết đời nọ đến đời kia, được coi là một “thiên cổ kì bút”... cho tới tận bây giờ.
3/2005