Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.118
123.139.601
 
Hoa lửa đất Tây Đô
Nguyễn Thanh

 

                                                           

            Tặng  Chị Thanh Vân

 

                                                                                                                 

 

          Không gian sau thời điểm lịch sử 30/4 năm 1975, từ trong nhà đến ngoài phố đều mang một sắc màu ấn tượng. Những ngày đầu tháng năm, trong không khí tưng bừng của buổi bình minh giải phóng, thể hiện rõ nét với hình ảnh những anh bộ mũ tai bèo, chân mang dép lớp, trang phục màu xanh lá, từng đoàn về tiếp thu thành phố. Vào một sáng trời quang đảng, tại trường Trung học Phan Thanh Giản (sau 1975 là trường Cấp 3 Thành phố Cần Thơ, rồi nay là PTTH Châu Văn Liêm), chúng tôi, một nhóm giáo viên và học sinh háo hức tiếp đón một đoàn cán bộ về thăm lại trường xưa. Bên cạnh vài anh bộ đội mặt mày non trẻ trên vai mang AK, trông vẻ hiền lành có anh Nghê Hữu Chí (1) - vốn là bạn đồng môn của lớp tôi ngày xưa cùng học tại trường Phan Thanh Giản- vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam bộ. Vài hôm sau, trong đoàn cán bộ từ chiến khu mới về thành tiếp tục đi thăm những cơ quan khác, người ta thấy có một phụ nữ đẹp tuổi trung niên, dáng tầm thước trông như người phương Tây. Mũi cao, nước da trắng trẻo, khuôn mặt thanh tú, từ xa nhiều người cứ tưởng chị là một phụ nữ Liên Xô.

 

               Người phụ nữ xinh đẹp đó là chị Ung Thị Bé, cháu ruột đồng chí Ung Văn Khiêm (1910-1991) - gốc người cù lao Giêng với nhà thờ chóp cao chót vót cổ nhất Việt Nam, thuộc tỉnh An Giang, nguyên là bộ trưởng ngoại giao trong kháng chiến được nhiều người kính trọng.  Trong gia đình, chị Bé thứ mười nên người ta  thường gọi là Mười Bé, mặc dù chị có vóc dáng không nhỏ bé chút nào trái lại chị có tầm vóc cao lớn hơn những người phụ nữ bình thường. Chị Mười Bé, bí danh Thanh Vân, nguyên là Chỉ huy Phó Nữ Biệt động thành phố Cần Thơ, ủy viên  ban liên lạc biệt động nội thành trong thời chống Mỹ tại Tậy Đô. Hiện nay, đang nghỉ hưu, chị Mười Bé thường trú tại chung cư trệt số 2, đường Ngô Hữu Hạnh đối diện với trường Tiểu học Mạc Đỉnh Chi thuộc phường An Hội, quận Ninh Kiều, giữa trung tâm Thành phố Cần Thơ gạo trắng nước trong. Hằng ngày, sức khỏe còn tốt, muốn đóng góp thêm công sức cho xã hội, chị đi làm việc cùng Đại tá Nhà thơ Khưu Ngọc Bảy, một trong những anh hùng của Đoàn tàu Không số trong thời chống Mỹ, tại văn phòng hội Cán bộ hưu trí, gần nhà thờ Bảo Lộc, ở đường Trần Hưng Đạo, Những năm đầu thập niên 70, sau khi bỏ dạy ở trường trung học huyện Long Mỹ - Cần Thơ, vì bị gọi đi học khóa sĩ quan trù bị Thủ Đức, tôi âm thầm trốn biệt hiệu trưởng và đám học trò thân yêu, lánh về dạy giờ tại trung học Bán Công Cái Răng của nữ hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Hoanh, cháu của Bác sĩ yêu nước Lê Văn Thuấn và tại vài  trường Trung học tư thục của một số trí thức tiến bộ, nơi được coi là chỗ ẩn náu của những thanh niên trốn lính và cơ sở cách mạng như : Thủ khoa Huân, Bồ Đề, Đồng Tâm, Ngọc Phú tại Tây Đô. Tại đây, tôi đã gặp được các giáo sư tư thục khác như : Nguyễn Bá Thảo (2), Nguyễn Đức Minh (3), Trần Quang Long (4), Nguyễn Xuân Vũ (5)…Ngoài việc đi dạy học, tôi có mở thêm phòng vẽ Đan Thanh tại số 2 đường Hòa Bình để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Đồng nghiệp tôi, anh Nguyễn Đức Minh, giáo sư âm nhạc ở trung học Phan Thanh Giản - Cần Thơ và trung học Đệ Nhị cấp Cái Răng, cùng vợ là chị Nguyễn Kỳ Hoa (6) có mở thêm quán nước tại số 9 đường Tạ Thu Thâu (nay là đường Mậu Thân, gần ngả tư đường Mậu Thân và 30/4). Đầu năm 1971, trong một buổi đứng trưa trời quang đảng, cùng một người bạn hoạ sĩ, đến nhà giao tấm bảng hiệu “Chi” bán cà phê cho hai vợ chồng anh Minh đặt vẽ, tôi tình cờ lần đầu được gặp chị Mười Bé. Lúc bấy giờ, chị Ung Thị Bé còn giữ nét trẻ đẹp của tuổi xuân. Thấy tôi đi cùng với một thanh niên lạ khiên bảng, anh Minh, nhanh nhẹn lên tiếng : - Đây là chị bạn quen, vợ một ông tướng, giận chồng mê vợ bé, bỏ nhà đến giúp tôi bán cà phê.

            Anh Minh lanh trí, giới thiệu với hai đứa tôi về người phụ nữ lạ xinh đẹp đang ở tại nhà anh. Người phụ nữ mỉm cười, nhìn chúng tôi, gật đầu chào và mời tôi cùng bạn tôi uống nước đá chanh. Với tôi, thời gian  sau năm 1970, công việc hằng ngày cũng không ít bận rộn. Vừa phải đi dạy tương đối xa nhà ở trung học Cờ Đỏ trong thời gian nửa đầu tuần. Đến chiều thứ tư, tôi lại quày quã trở về Cần Thơ, tiếp tục vừa dạy học, vừa vào giảng đường Đại học lo hoàn tất chương trình Cử nhân Văn khoa. Công việc tất bật, trí

óc căng thẳng nhất là những đêm tham gia “đốt lửa căm thù”, hát nhạc phản chiến của Miên Đức Thắng,

                                                                           1

 

 

Trịnh Công Sơn, Trương Quang Lục…rồi chuẩn bị vẽ biểu ngữ để chuẩn bị xuống đường vào sáng sớm hôm sau… Vì nhà tôi xa trường Đại học, nhiều đêm sinh hoạt về muộn, tôi phải ghé nhà anh Minh ngủ nhờ. Anh Minh là bạn văn nghệ của tôi, các con anh là Chánh, Trực và Trang… dạo ấy cũng là học trò của tôi ở trung học. Hai anh em hay đến tận nhà của nhau bàn chuyện văn nghệ, thời sự.. Với Nguyễn Đức Minh - chồng chị Kỳ Hoa - tôi hiểu khá rõ về anh. Vì sớm hoạt động cách mạng cùng thời với Giáo sư tiếng Pháp nổi tiếng Nguyễn Bá Thảo (6) nên anh đã từng bị chế độ đương thời bắt đi tù ở nhà ngục Côn Đảo, bị đánh đập, tra khảo nhiều năm. Do vậy, anh em hiểu về hòan cảnh và lập trường tư tưởng của nhau, chơi với nhau rất chân tình dù tính anh đôi lúc cũng hơi tỏ ra cường điệu, máy móc. Nhưng bạn bè đã thông cảm với anh vì đã phải chịu cảnh tù đày mà càng thương anh hơn. Anh em giải trí bằng văn nghệ. Tôi chơi đàn guitare, anh sở trường về mandoline với ngón đàn khá dòn dã, buông bắt nhặt khoan, luyến láy cung bậc rất tài hoa. Thỉnh thoảng ở trường hay tại nhà, chúng tôi gặp mặt nhau trao đổi nhau về những nhạc phẩm mỗi người mới sáng tác. Trong những ngày nghỉ không đi dạy học, chúng tôi thường hay gặp nhau tại trường để tập duợt bài hát cho học trò hoặc hai anh em cùng nhau hòa tấu những ca khúc nổi tiếng của Việt Nam hoặc thế giới mà nhiều người ưa thích như Suối mơ, Tiếng sáo thiên thai (Văn Cao), Tình Lên đàng (Lưu Hữu Phước), Tiếng trống cao nguyên (Y Vân)… và các bản nhạc hay nước ngoài như: Histoire d’un amour (Lịch sử một chuyện tình), Le beau Danube bleu (Dòng sông xanh)… Trong những buổi tâm đắc chuyện trò hay say sưa chơi nhạc tại nhà anh, tôi hoàn toàn không để ý đến những hoạt động khác của chị Kỳ Hoa, vợ anh và chị Mười Bé người phụ nữ lạ đang giúp anh tại quán cà phê “Chi” của vợ chồng anh.

               Sang những năm sau 1970, hội nghị Paris về hòa bình ở Việt đã bắt đầu với chủ trương vừa đàm vừa đánh của cách mạng. Nhân dân miền Nam từ thành thị đến nông thôn đã nỗ lực  ngày đêm hoạt động, với sự vận động của các cơ sở, sẵn sàng chuẩn bị cho một ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nơi nhà anh Nguyễn Đức Minh, ngày đêm quán cà phê Chi vẫn tấp nập với những người khách ra vào uống nước. Trong thời gian hoạt động hợp pháp nơi đây, vì quen cái quen nước với con người và ngõ ngách,với tình hình chính trị địa phương, chị Mười đã điều động các chiến sĩ biệt động và chỉ đạo mạnh dạn xử lý dứt điểm nhiều trường hợp bắt buộc phải ra tay trong nội ô thành phố. Vụ giải quyết tên tay sai ác ôn B.E tại khu Tham Tướng đường Mạc Tử Sanh, tại khu vực đường Quang Trung hay khoảng đường vắng cạnh nhà ngủ Thanh Phong thuộc đường Phan Thanh Giản (nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh). Trong một lần khác, sau nhiều lần theo dõi và điều nghiên đúng đối tượng, một nữ chiến sĩ biệt động, ăn mặc bảnh bao, lái xe máy bóng lộn có phân khối cao, đã tìm cách áp sát và thanh toán một tên chiêu hồi phản bội tại chợ Cái Răng  cùng những vụ đặt mìn tại cư xá Mỹ tại đường Duy Tân (nay là Hoàng Văn Thụ), hay đường Quang Trung (trước 1975 là cư xá Mỹ) nơi liệt sĩ Nguyễn Việt Hồng đặt bom để giết bọn đế quốc Mỹ…Nhớ lại thời gian hơn thập niên trước ngày thống nhất đất nước, tôi và anh Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Bá Thảo, ban ngày đi dạy học tại Cần Thơ và Cái Răng, ban đêm tham gia sinh hoạt văn nghệ với nhóm sinh viên yêu nước có tư tưởng tiến bộ tại Đại học Cần Thơ. Khoảng thời gian ấy, Chị Mười Bé được triệu tập khẩn cấp vào vùng gỉai phóng để hướng dẫn và nhận lệnh triển khai và củng cố cơ sở, lực lượng chính trị, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giành chính quyền. Sau khi trở lại nội ô thành phố Cần Thơ, trong một lần hoạt động ở Cái Nai - Cái Da thuộc địa phận quận Cái Răng, chị Mười Bé được chủ nhà là bà Võ Thị Hai (Má Hai Sủng) - cũng có con gái lúc ấy là chiến sĩ biệt động thành - đang ở cử đã bén nhạy, bình tĩnh kéo chị vô mùng trùm mền cùng với đứa con bà mới sinh mấy ngày, tránh được một cơn truy lùng chị vô cùng quyết liệt bởi nhóm lính cộng hòa. Mấy hôm trước ngày giải phóng, khi ẩn náu và được che chở kín đáo an toàn tại nhà anh Nguyễn Đức Minh và chị Nguyễn Kỳ Hoa, chị Mười Bé đã đóng vai vợ một sĩ quan cao cấp, thường ra vào bệnh viện của Bác sĩ Lê Văn Thuấn (đối diện với nhà thuốc tây Mã Thị Chu và nhà may Phúc Thịnh) ở đường Phan Đình Phùng để triển khai nhiệm vụ, liên lạc hướng dẫn cơ sở và quần chúng tiến bộ chỉ đường cho bộ đội tiến vào thành phố.

                  Chỉ mấy hôm trước ngày 30/04/1975, Mười Bé bắt đầu tìm cách cho phát truyền đơn đến quần chúng và những gia đình có thân nhân đi lính cộng hòa, nhằm gây hoang mang trước ở họ. Do truyền đơn in thủ công quá chậm mà số lượng gấp rút phải sử dụng nhiều, được gia đình anh Nguyễn Đức Minh gợi ý, chị Mười Bé đã tìm đến Cơ sơ in Ronéo Bạch Yến của thầy Lương Vinh Sanh để nhờ bí mật hỗ trợ in nhiều trăm ngàn tờ truyền đơn.. Giáo sư Lương Vinh Sanh là một nhà giáo cao niên, giàu nhân cách, một

                                                                                2

trí thức nghệ sĩ rất có cảm tình với cách mạng, đang dạy âm nhạc lâu năm tại trường trung học Phan Thanh

Giản. Nhạc sĩ Lương Vinh Sanh đã vui vẻ sẵn sàng nhận lời hỗ trợ, lại không nhận tiền công và ủng hộ tiền giấy in ấn. Trong không khí của thành phố có vẻ vẫn sinh hoạt như thường ngày duy có tin chiến sự giữa hai bên được thông báo liên tục trên các đài phát thanh địa phương và Sài Gòn. Đường Tạ Thu Thâu ngày ấy còn thưa thớt nhà cửa, ít người đi lại nên quang cảnh về đêm càng trở nên vắng vẻ vì gần ngả tư đường Tạ Thu Thâu-Nguyễn Viết Thanh (nay là ngả tư đường Mậu Thân -3/2), cách xa garage ‘Đồng Tiến’ vài trăm mét, lại có ngôi nhà gạch cũ không người ở, bỏ hoang lâu năm được gọi là ‘ngôi nhà ma’ . Sau khi một anh xe ôm bí mật mang truyền đơn về, các chị Mười Bé, Kỳ Hoa tranh thủ cảnh trời tối, cho đi rải trên các phố nhất là nơi gần trại lính hay cơ quan chính quyền, quân sự. Một mặt hai chị phân công cho những cơ sở trung kiên đi chợ mua vải may cờ. Để tránh bị theo dõi, chị Mười Bé tinh ý cho người không đi mua nhiều vải tại một chỗ mà mua rải rác ở tiệm vải các nơi. Mỗi người lại chỉ mua một thứ vải màu xanh biền hoặc là màu đỏ thôi chứ tuyệt đối không được một người mua cả hai thứ để khỏi bị nghi ngờ rồi mang về nhà gộp lại cho những chị khác túc trực sẵn bàn máy may tại một nơi kín đáo trong nhà, khẩn trương may cờ giải phóng. Hai chị cũng cảnh giác, không quên tiếp tục một mặt cho cơ sở theo dõi nghiêm ngặt những phần tử ác ôn có thể manh động, một mặt âm thầm tiến hành công tác binh vận, kêu gọi binh sĩ cộng hòa ủng hộ cách mạng.

                 Tây Đô vào hạ, tiếtt trời ấm áp khiến lòng người rạo rực với sắc phương hồng rực rỡ sân trường và màu tím hoa bằng lăng làm tươi vui đường phố như hun đúc trong lòng mọi người hướng về những tình cảm chính đáng và thiêng liêng cao đẹp. Ngôi nhà gạch của anh chị Đức Minh-Kỳ Hoa rộng chỉ dưới bốn mét ngang, nhà không lớn nhưng có bề sâu. Mặt hậu nhà lọt thỏm trong một khu đất hoang um tùm dày đặc loài cây dại như bình bát, nhãn lồng, sắn, mù u… đôi chỗ lũng lẵng từ những cây sắn dây cỏ rùa, xa trông tựa như nhũng con rắn dài ghê sợ đang đu mình. Hai bên hông nhà rậm rạp um tùm những đế, lau, sậy… đôi chỗ chúng như muốn chồm leo lên cửa sổ vào nhà. Chiếc hầm bí mật làm nơi trú ẩn cho chị Mười Bé, chỉ huy phó Biệt động nữ Thành phố Cần Thơ trong những lần bị địch truy đuổi tận nhà, được anh Nguyễn Đức Minh cho thiết kế rất trí tuệ. Để đánh lạc hướng ngay nghi ngờ của giặc, anh Minh sử dụng chiếc tủ cẩn thờ tổ tiên đang đặt ngay phòng khách giữ nhà. Biết thói quen những khi lùng sục, tìm bắt đối tượng, bọn giặc hay đi sâu vào phía sau nhà tìm kiếm những nơi ngõ ngách hiểm hóc tối tăm. Anh Minh đã thông minh mạnh dạn dùng ngay vị trí của chiếc tủ thờ ngay giữa nhà để đánh lừa chùng bằng yếu tố bất ngờ. Chỉ mở cửa tủ, giở một vài thứ đồ vật lên và nâng một đầu miếng gỗ dày làm đáy tủ lên là thấy rõ miệng hầm nhỏ gọn, đủ chỗ cho người chui vào hầm lánh giặc !

                    Thế tiến công của của cách mạng là thế đi lên, mạnh như nước lớn, quyết liệt như vũ bão. Trưa ngày 30/04/1975, Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, đọc lời kêu gọi các cấp trong chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa buông súng … Tại Cần Thơ, từ các loa phát thanh liên tục vang lên tiếng nói hiệu triệu của đồng chí Nguyễn Văn Lưu (6) (Năm Bình) về cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam với nhân dân và binh sĩ Việt Nam Cộng hòa... Miền Nam được giải phóng, đất nước ba miền được hoàn toàn thống nhất. Sau ngày vui trọng đại của cả dân tộc, nhà giáo nhạc sĩ Nguyễn Đức Minh trở thành Trưởng đồn Công an phường An Nghiệp (khu chợ Mít Nài) và vợ anh, chị Nguyễn Kỳ Hoa lần lượt được chính quyền cách mạng phân công làm Trưởng ban Văn hóa Thông tin thành phố Cần Thơ và chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường An Nghiệp

 

                    Vào giữa đêm khuya trước ngày 30/4 lịch sử, nắm chắc được tình thế, chị Mười Bé, chỉ huy phó Nữ biệt động - một đóa hoa lửa của đất Tây Đô, đã có một quyết định chính xác, đáng làm. Vì chị đã đặt trọn vẹn niềm tin vào ngày chiến thắng, hiễu rõ hết tư tưởng, lập trường chị Kỳ Hoa,  Mười Bé không ngăn nỗi xúc động trước bao đóng góp công sức gian khổ, không ngại hy sinh tính mạng và hết lòng che giấu cán bộ của đối tượng Nguyễn Kỳ Hoa trong gần một thập niên. Tại ngôi nhà số 9 đường Tạ Thu Thâu của anh Nguyễn Đức Minh, dù bên ngoài xa xa đó đây vẫn còn tiếng súng nổ lẻ tẻ, trong không khí trang nghiêm bên trong nhà, cạnh bàn thờ tổ tiên trước miệng hầm, với nghi thức theo thủ tục, chị Bí thư chi bộ Ung Thị Bé đã nghiêm trang đọc lời kết nạp chị Kỳ Hoa vào đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam - đảng Cộng sản Việt Nam - đội ngũ của những người có mục đích chân chính, tính nhân văn trong sáng và là lý tưởng phấn đấu cao đẹp của thanh niên thời đại.

 

14/07/2017                                                                                                                                                                                                                                    

                                                                                                                    

(1)     Nghê Hữu Chí, học sinh PTG, thoát ly vào khu năm 1958 cùng với các bạn Đoàn Văn Thế, Huỳnh Hữu Khải… cùng hy sinh vào năm Mậu Thân (1968)

(2)     Nguyễn Bà Thảo (đã mất), giáo sư dạy tiếng Pháp nổi tiếng, vào chiến khu 5/1968, nguyên là Phó Chủ tịch MTDTGP khu Tây Nam bộ. Sau 1975, Thầy Thảo là Phó Chủ tịch Tỉnh Hội Chữ Thập đỏ Cần Thơ.

(3)     Nguyễn Đức Minh (đã mất), GS Nhạc, nhạc sĩ. Sau 1875, là Trưởng đồn Công an An Nghiệp TP. Cần Thơ

(4)     Trần Quang Long (đã mất), GS Văn học, nhà thơ yêu nước (tác giả nhiều sách) quê ở miền Trung. Khi lánh vào Cần Thơ, ông dạy tại trường PTG và một vài tư thục.

(5)     Nguyễn Xuân Vũ, GS Toán, hiệu trưởng Tư thục Ngọc Phú, nhà thơ

(6)     Đ/c Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình) cùng quân giải phóng sớm chiếm đài Phát thanh Cần thơ và đọc lời tuyên bố về các điều cương lĩnh của MTDTGPMN trong ngày giài phóng.

·        Phương Đình (Nguyễn Thanh): Tác giả bài này là giáo viên PTG và tư thục. Sau 1975, là Tổng thơ ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP. Cần Thơ và vẫn dạy học, làm văn nghệ cho đến hôm nay.

 

 

                                                                                            

 

 

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 1958
Ngày đăng: 23.07.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đến phù cát để…mở luân xa - Từ Sâm
Kỷ niệm vần thơ đầu đời của tôi - Trần Thoại Nguyên
Hoang Tưởng Nhân Ngày Thiếu Nhi 1 – 6 - Phạm Nga
Dọc đường văn nghệ (tiếp theo phần 19) Phan Kim Thịnh, chủ bút tạp chí Văn Học) - Trần Dzạ Lữ
Chiếc cầu ký ức - NP Phan
Dọc đường văn nghệ "Lê Ngộ Châu" chủ nhiệm tạp chí Bách Khoa - Trần Dzạ Lữ
Thi nhân rã rời - Nguyễn Hàng Tình
Ghi chép Január - Február - 2017 - Nguyễn Hồng Nhung
Đầm đìa - Nguyễn Hàng Tình
Ghi chép December - 2016 - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)