(Những kiến-thức triết học đưa vào trong bài viết này dựa vào các sách giáo-khoa Siêu Hình Học, Tâm Lý Học của chương trình lớp 12 Trung-Học trước năm1975; các tài-liệu in Ronéo thuộc các giáo-trình ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn; cùng vài cuốn sách tham khảo kê khai dưới bài này. Tất cả đều không còn trong tủ sách cá nhân, đều không có trước mặt hiện nay, vì bài này được viết vào tháng 9 hoặc tháng10 năm 1973 tại Thị xã Vĩnh Long Việt Nam - nay mới tìm thấy lại - vì vậy xin lượng thứ nếu tác giả có những sai sót về kiến-thức mà đã bao nhiêu năm chưa có dịp đọc lại thật kỹ 2 hệ-thống triết-học vĩ-đại và thật khó hiểu: Triết Học Kant và Hegel. Chủ điểm là nêu ra được Tính Chất Thi Ca do Cảm Nhận Chất Thơ từ tiếp xúc Triết học - TVN)
Triết gia Hegel ngưỡng mộ Napoléon như một dạng Hóa Thân của Tinh Thần Tuyệt Đối
Bài này, cũng như trong bài đầu “Những Văn Ảnh Có Chất Thơ Trong Triết Học” (đã đăng trên “vanchuongviet.org” và “chimvietcanhnam.free.fr” trong năm 2011), người viết xin đề cập lần nữa đến tính chất thi ca nằm trong triết học... Tư tưởng triết lý của các triết gia Tây phương đều có khuynh hướng hệ-thống-hóa, nhưng không phải hệ-thống nào cũng có tính chất thi ca. Trái lại, có những hệ-thống cực kỳ khô khan, cực kỳ trừu-tượng, nên ta cần phân biệt hai loại hệ-thống: hệ-thống im lìm và hệ-thống chuyển động. Ở hệ-thống im lìm, các tư tưởng được trình bày một cách trật tự, được xếp đặt theo luận-lý mạch lạc, các tư tưởng được nối kết lại với nhau tầng lớp khăn khít, rất nghiêm túc, rất thỏa mãn lý trí cần sự mạch lạc. Triết-học Emmanuel Kant (1724-1804) chẳng hạn: Triết lý của ông khởi điểm từ tiền-đề tại sao Toán Học, Vật Lý Học, hiển nhiên trở thành Tri-thức Khoa-học. Từ đó, Kant khởi sự biện biệt thành hai loại “tri-thức khoa học” và “tri-thức quan niệm”. Theo Kant, “tri-thức quan niệm” là tri-thức rỗng vì không có sự góp phần của “yếu-tố hiện-tượng” thuộc trực giác. Và cũng từ đây, Kant biện biệt Khoa học như Vật Lý Học, Hóa Học, Sinh Vật Học, Thiên Văn Học... là những tri-thức trong phạm vi hiện-tượng; còn Siêu-Hình-Học muốn vượt qua hiện-tượng để biết tới phạm vi “ẩn-tượng” như Bản Thể, Linh Hồn, Đấng Toàn Năng. Trong khi đó, lý-trí đã được Kant “phê-bình” có mức giới hạn vì phải ràng buộc vào những tiếp xúc hiện-tượng. Ông gọi lý trí được ông phê-bình ấy là Phê Bình Lý Trí, đúc kểt trong cuốn sách đồ sộ vô cùng mạch lạc, tác phấm “Phê Bình Lý Trí Thuần Lý” – “Critique de la Raison Pure” – “Critique of Pure Reason”). Một khi tiếp xúc với hiện-tượng, lý trí ta đã có sẵn những khuôn mẫu bẩm sinh (Emmanuel Kant gọi là những “Khuôn mẫu Tiên-thiên”) như những cái khuôn đúc sẵn để “đóng vào” hiện tượng”; liên-kết lại cho ta biết hiện-tượng đó là cái gì. Như vậy, nhờ những khuôn mẫu có sẵn trong tinh thần được đem ra áp-dụng vào hiện-tượng vật giới mà ta có được sự hiểu biết, có được tri-thức. Vậy thì Lý Trí không thể biết được các “Ẩn-Tượng” phi-vật-chất như Đấng Toàn Năng, Linh Hồn, những Điều Thiện ai cũng thừa nhận đúng và nên theo; nghĩa là Siêu-Hình-Học (bao gồm Đạo Đức Học) là những điều Lý Trí Thuần Lý không có cách nào biết tới, vì tất cả đều không thuộc phạm vi hiện-tượng. Nhưng trong đời sống, ai cũng chấp nhận sự hiện hữu những điều siêu hình ấy. Emmanuel Kant nói những “chấp nhận” ấy thuộc Lý Trí Thực Hành, không phải do Lý Trí Thuần Lý. Lý-trí Thực-Hành lại được Emmanuel Kant dàn trải bằng những ý tưởng sắp xếp mạch lạc trong hệ-thống đồ sộ thứ hai, cũng thuộc loại phê bình lý trí; đó là cuốn “Phê Bình Lý Trí Thực Hành” –“Critique de la Raison Pratique” - “Critique of Practical Reason”.
Hệ-thống đồ sộ trong cuốn sách đầu của Kant đào sâu việc phê bình Lý trí Thuần Lý, đã giải quyết được sự mâu-thuẫn giữa phái Duy Lý và phái Duy Nghiệm. Phái Duy Lý (Rationalisme: theo tiếng Pháp – Rationalism: theo tiếng Anh) chủ trương lý trí là do bẩm sinh, đấng Toàn Năng phú cho con người cái khả năng hiểu biết ngay từ sơ sinh, vậy không trả lời được câu hỏi tại sao những người sơ khai, những đứa trẻ thơ, không biết được nhiều điều như người trưởng thành và văn minh (chẳng hạn không tách rời được Nguyên lý Đồng Nhất, vì người sơ khai và trẻ thơ luôn luôn đồng hóa giấc mơ với thực tế). Phái Duy Nghiệm (Empirisme: theo Pháp ngữ – Empiricism: theo Anh ngữ) chủ trương lý trí con người lúc sơ sinh như tờ giấy trắng, nhờ kinh nghệm tiếp xúc với đời sống đã cho ta lần lần sự hiểu biết. Vậy phái Duy Nghiệm cũng không trả lời được câu hỏi tại sao có những “điều ngoài vật giới” (những chân-lý tiên-nghiệm hay những dạng hiển-nhiên trong toán học) mà mọi người đều “thừa nhận” hay “khao-khát biết tới” mà không do từ cảm-giác hay kinh-nghiệm nào chỉ dẫn. Triết học Kant hóa-giải mâu-thuẫn Duy lý và Duy nghiệm, vì ông đã chủ trương sự hiểu-biết của ta về ngoại-giới là do căn cứ vào tính chất hiện-tựợng của vật giới, đồng thời do những khuôn mẫu có sẵn thuộc tâm trí (những thể tiên-thiên tiên-nghiệm). Và những khao khát chân lý ngoài kinh nghiệm (như Đấng Toàn Năng, Linh Hồn, Bản Thể Hằng Cữu, Lương Tri) là do Lý Trí Thực Hành của con người. Vậy triết học Kant là triết lý Tổng hợp Duy Lý và Duy Nghiệm, kết hợp Trí Năng và Tôn Giáo cùng Đạo Đức.
Nêu lên một ví dụ hệ thống triết lý ra đây để chúng ta cùng nhận thấy sự mạch lạc của nó, nhưng đó là cái mạch lạc vô cùng thứ tự, giống như những ngăn sách im lìm trong thư viện. Không giống như sự mạch lạc nhưng xôn xao chuyển động dù rằng cũng vô cùng trật tự; thứ trật tự của một động cơ đang hành trình. Hệ thống triết học của Hegel (1770-1831) làm ta cảm nhận được những chuyển động ấy. Triết lý Hegel mạch lạc trong hành trình biện chứng, đi từ khát vọng cá nhân (khát vọng được coi như Tinh Thần chứ không phải Vật Chất; khát vọng sự hiểu biết thuộc Thuần Ý Thức chứ không phải Cảm Giác; rồi đi từ Tinh Thần Cá Nhân đến Tinh Thần Phổ Biến Hơn Hết, tức Giai Đoạn Thuần Lý Tuyệt Đối, tức Đấng Toàn Trí). Khởi đầu, Hegel nhận định con người hiện thân là Ý-Thức, nhưng đó mới chỉ là ý thức hồn nhiên chìm trong sự vật mà chưa phản-tỉnh biết sự vật là do tinh thần quan niệm ra. Đến giai-đoạn phản-tỉnh, có ý thức về mình, biết mình đang khát vọng ý-thức-hóa sự vật, nhưng đó mới chỉ là “khát vọng đối-tượng” theo bản năng, chưa phải khát vọng muốn được người khác công nhận mình là mình, tức khát vọng trở thành chủ-thể với ý-thức chủ động (không còn chút đắm chìm nào vào sự vật, vào vật chất). Mọi người ai cũng khát vọng trở thành chủ-thể, vậy không sao tránh khỏi sự tranh chấp giữa các chủ thể. Phải chăng triết lý Hegel dẫn tới sự thành đạt Một Chủ Thể Duy Nhất, một Chủ Thế Phổ Biến mọi chủ thể khác đều quy phục? Do đó, Hegel mặc dù là người Đức (thời ấy người Đức đang thù địch với người Pháp), vậy mà ông đã rất chiêm ngưỡng cái bóng của Napoléon đang chinh phục gần trọn Châu Âu... Đi từ Ý Thức còn đắm chìm đến Ý Thức chủ động trở thành Chủ Thể, như vậy đạt tới trình độ Tinh Thần. Tinh Thần là Lý Trí. Lý Trí hoàn thành những định luật khoa học cho vạn vật thiên nhiên, vậy ngoại-giới mà ta tiếp nhận hàng ngày là Tinh Thần Nhập Thể của ta, đều là những hình thức hiện hữu của Tinh Thần. Đến đây ta đã lần lần thấy từ Thiên Nhiên (định luật các khoa học về thiên nhiên) đến Tha-Nhân rồi Thượng Đế đều là những nhập thể của Tinh Thần. Lịch sử nhân loại chấm dứt khi Tinh Thẩn thăng tiến thành Tinh Thần Phổ Biến... Trên một chặng đường hành-trình thăng tiến, Tinh thần phổ biến biểu lộ trong Pháp Luật và Nhà Nước (chính phủ, hành pháp). Pháp Luật kết nạp tự do cá nhân vào tinh thần phổ biến; tự do cá nhân của mình chịu khuất phục trước pháp luật được mọi người công nhận. Nhà Nước (Chính Phủ, Hành Pháp) thực hiện tinh thần phổ biến, người công dân phải đem cái tư riêng của mình tuân hành mệnh lệnh quốc gia có tính cách phổ biến. Các nhà nước đều là Tinh Thần Phổ Biến, vậy không tránh được nguy cơ chiến tranh để giải quyết thành Tinh Thần Phổ Biến Hơn Cả, tức là đế quốc. Mặc dù cái bóng Napoléon chinh phạt khắp miền Âu Châu thể hiện Quyền Lực Bao Trùm, rất khớp với “Biện chứng Thăng Tiến của Tinh Thần Phổ Biến” theo Hegel, nhưng triết-lý Hegel chủ-đích biện minh cho đế-chế nước Đức mà ông đang phục vụ. Nhưng tuân theo hệ-thống luận-lý thì Hegel tỏ ra ngưỡng mộ đế-quốc Pháp, ngưỡng mộ Napoléon. Hệ-thống Triết Lý mạch lạc của Hegel mang tên “Hiện-Tượng-Luận của Tinh Thần” (La phénomenologie de l’Esprit” – “Phenomenology of Spirit”). Ta cảm nhận được qua đó “Chất Thơ của Vận-Chuyển Siêu-Hình”; mặc dù rất khó hiểu do tính cách “Nhất-Thể-Hóa Tinh Thần và Vật Giới”; vì đây là một hành trình biện chứng cho Tinh Thần (bắt đầu từ cảm-giác rồi phản-tỉnh) phát triển ngày càng thăng hoa thành Tinh Thần Tuyệt Đối, tức Đấng Toàn Năng Toàn Trí. Xin lặp lại: Cảm nhận được chất thơ, vì triết-học biện-chứng của Hegel linh-hoạt trong cuộc Hành Trình Vạn Hóa của Tinh Thần, mỗi một chặng hành trình đều tuân theo 3 nhịp biện-chứng là Tiền Đề; Phản Đề; Tổng Hợp Đề: Đi từ Ý Thức cá nhân (muốn vượt qua cảm giác) đến giai-đoạn Thuần Lý (Tinh Thần Tuyệt Đối), Vạn Vật chan hòa vào Đại Ngã, Thế-Giới đều là Tinh Thần. Tất cả đều Duy Linh. Quy hồi cuối cùng vào Đấng Toàn Trí: Một Khách Thể Phổ Biến Cùng Khắp, hiện diện ở cá-thể cũng như ở toàn-thể. Vì vậy triết-lý Hegel được gọi là Triết-Học Duy-Tâm Tuyệt Đối; ông đã tổng hợp Duy Tâm Chủ Quan và Duy Tâm Khách Quan (Absolute Mind is the synthesis of Subjective Mind and Objective Mind… he {Hegel} united thought and reality into one Absolute which is both rational and real – Willliam S. Sahakian, Giáo sư Triết học, trong cuốn “History of Philosophy”, xb. năm 1968).
Các tài-liệu tham khảo: 1/ Siêu Hình Học, Tâm Lý Học (Trần Văn Hiến Minh-nhà xb. Ra Khơi, 1958) 2/ Triết Học Tổng Quát ( Nguyễn Văn Trung, nhà xb. Vĩnh Bảo, 1957) 3/ ( Schelling, Fichte, Heidegger: Tài-liệu in Roneo của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn thuộc niên-khóa 1965-1966) 4/ Lịch Sử Triết Học Tây Phương (Lê Tôn Nghiêm,Tài-liệu giáo khoa in Roneo khoảng giữa thập niên 1960, nhà xb. Lá Bối in lại năm 1974) 5/ Siêu Hình Học (Nguyễn Đình Thi, sách xb. thời tiền-chiến 1932-1945)
City of Walnut, California (sưu tầm lại bài viết cũ, tháng 7 năm 2017)