Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
659
123.134.369
 
Bút ký triết học số 10
Nguyễn Văn Thượng

 

viết ngày 21/06/2017

 

Đức Khổng Tử (còn gọi là Khổng Phu), là “Vạn thế sư biểu” hoặc “Đại thành chí thánh tiên sư”, là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa. Khổng Phu Tử hoặc Khổng tử  là danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khâu (551 TCN - 479 TCN) tự Trọng Ni. Triết lý của ông có ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống và tư tưởng của các dân tộc Đông Á. Triết học của ông nhấn mạnh trên sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân và cai trị bằng đạo đức: "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", sự chính xác của các mối quan hệ xã hội, đạo đức và quy phạm làm người, "Đạo Trung Dung" và các đức tính "Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín". Tư tưởng của Khổng Tử đã được phát triển thành một hệ thống triết học được gọi là Khổng giáo. Khổng giáo được một nhà truyền giáo Dòng tên, người Italia, Matteo Ricci đưa vào Châu Âu, ông cũng là người đầu tiên La tinh hoá tên Khổng Tử thành "Confucius". Khổng giáo còn được xem là một tôn giáo lớn của loài người, nhất là dân tộc Trung Hoa.

 

Sống trong một xã hội nông nghiệp, sản xuất kém phát triển vào cuối đời Xuân Thu, đầy cảnh “đại loạn” và “vô đạo”, bản thân đã từng làm nhiều nghề “bỉ lậu” rồi làm quan cai trị, Khổng Tử nhận thức được nhu cầu về hoà bình, ổn định, trật tự và thịnh vượng của xã hội và mọi thành viên. Khác với Trang Tử coi đời như mộng, kiếp người phù du chỉ cốt “toàn sinh” cho bản thân, Khổng Tử là một người “nhập thể” và luôn trăn trở với chuyện quản lý của xã hội theo cách tốt nhất. Khổng Tử muốn thực hiện những cải cách xã hội từ trên xuống, bằng con đường “Đức trị”. Khổng Tử chủ trương quyền lực phải nằm trong tay những “bậc đạo đức” để thế giới không biến thành nạn nhân của những kẻ sùng bái bạo lực. Thế giới Khổng Tử sống phân hoá rất lớn và vì thế rất cần có những đổi thay quyết liệt. Giai cấp quý tộc thời ấy luôn dụng tâm biến cải cuộc sống của họ đã xa xỉ lại càng xa xỉ hơn, một cuộc sống xa hoa dật lạc có được từ sưu thuế và sức lao động của dân. Giới quý tộc thường gây chinh chiến. Thoạt đầu, giới quân phiệt quý tộc đã thực thi chức năng hữu ích của họ là bảo vệ xã hội. Nhưng với tư cách là một giai cấp, họ đã đi quá xa giới hạn, và đã cướp bóc nhân dân, thậm chí còn cướp bóc lẫn nhau bằng những cuộc chiến thương vong triền miên. Quan quyền, vua chúa đều thấy rằng chính cái nghệ thuật chinh chiến ấy mới là nghề nghiệp duy nhất mà sĩ phu phải đặc biệt lưu tâm.

 

Khổng Tử sáng lập ra Nho giáo với hạt nhân là đường lối “Đức trị”. Tuy nhiên, phải đến Mạnh Tử đường lối “Đức trị” mới được phát triển tương đối hoàn chỉnh và trở thành “đường lối nhân chính” (chính trị nhân nghĩa). Khổng Tử khuyên các nhà quản lý phải “khắc phục được tư dục”, không nên cầu lộc cho cá nhân mình, cứ chuyên tâm làm tốt công việc thì “bổng lộc tự khắc đến”. Làm cho dân giàu là mục tiêu đầu tiên, cơ bản của nhà quản lý”: đối với những người nông dân nghèo khổ đương thời, Khổng Tử biết lợi ích kinh tế là nhu cầu thiết yếu của họ, nên ông biết đạo Nhân sẽ khó thực hiện được khi quần chúng còn nghèo khổ: “Nghèo mà không oán là khó, giàu mà không kiêu là dễ” (Hiếu Vấn). Khổng Tử sang nước Vệ, Nhiễm Hữu đánh xe, Khổng Tử nói: “Dân đông thay”, Nhiễm Hữu hỏi: “Đã đông rồi làm gì hơn nữa?”, Khổng Tử nói: “ Làm cho dân giàu”, Nhiễm Hữu hỏi: “ Đã giàu rồi, lại làm gì hơn nữa?”, Khổng Tử nói: “Giáo dục họ”. Tư tưởng “làm cho dân giàu”, “tiên phú, hậu giáo” là tư tưởng duy vật của Khổng Tử, được các học giả của Nho gia và Mặc gia sau này phát triển thêm.

Đức Khổng Tử chủ trương cai trị dân bằng đạo đức chứ không phải bằng bạo lực. Với đường lối này, Khổng Tử hy vọng xã hội phong kiến lúc bấy giờ sẽ trở lại yên bình như thời vua Nghiêu, vua Thuấn và cứ như thế xã hội này sẽ tồn tại vĩnh viễn. Tư tưởng về phương pháp quản lý xã hội đóng vai trò nền tảng trong học thuyết của Khổng Tử. Coi “đức trị” là phương pháp quản lý xã hội, ông chủ trương xây dựng một xã hội có đạo với những chuẩn mực cụ thể và được bắt đầu từ gia đình. Về phương thức tổ chức bộ máy nhà nước, Khổng Tử chủ trương trọng dụng những người có đức, có tài. Đối với người cầm quyền, ngoài những phẩm chất “có đức, có tài”, còn phải biết nêu gương. Có thể nói, trong quan niệm về quản lý xã hội của Nho giáo, bên cạnh những hạn chế, còn ẩn chứa nhiều vấn đề hợp lý và có tính thời sự đối với thời đại ngày nay.

Nho giáo đề cao "đức trị" và không đồng tình với chủ trương "pháp trị" của Pháp gia. Nho giáo cho rằng, trị nước bằng "đức trị" thì đã nắm được cái cốt lõi, cái sâu kín trong nhân tâm con người rồi, đó là sự "liêm sỉ" (sự hổ thẹn, tự vấn của lương tâm). Và điều đó giúp cho phương pháp này tự hiện hữu trong mọi suy nghĩ và hành vi của con người mà không cần bất cứ biện pháp "giám sát" nào. Khổng Tử nói: "Nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp chế, cấm lệnh mà dắt dẫn dân chúng; chuyên dùng hình phạt mà trị dân, thì dân sợ mà chẳng phạm pháp đó thôi, chứ họ chẳng biết hổ ngươi. Vậy, muốn dẫn dắt dân chúng, nhà cầm quyền phải dùng đức hạnh; muốn trị dân, nhà cầm quyền phải dùng lễ - tiết, thì chẳng những dân biết hổ ngươi, họ lại còn cảm hoá mà trở nên tốt lành" (x. Luận ngữ, thiên Vi Chính). Khổng Tử nhận định rằng: “Đức trị” nhưng cần có sự bổ trợ của “pháp trị”. Rõ ràng, tư tưởng này của Khổng Tử cùng với đường lối “pháp trị” của Pháp gia được các triều đại phong kiến Trung Hoa sau này vận dụng trong thuật trị nước, như "Âm Pháp, Dương Nho", "Ngoại Nho, Nội Pháp". Nhận xét về cơ bản thì Pháp trị là cai trị cứng, còn Đức trị là cai trị mềm. Một chế độ cai trị bao giờ cũng kết hợp cả hai, trong đó trọng tâm vẫn là Pháp trị, còn Đức trị chỉ dùng để hợp pháp hóa việc cai trị, khiến người dẫn dễ tuân phục, và do đó giảm bớt việc sử dụng đến các công cụ bạo lực, điều mà không phải lúc nào chế độ cai trị cũng có khả năng sử dụng; và do đó việc cai trị sẽ dễ dàng hơn, và kéo dài hơn.

 

Thật ra, pháp luật và đạo đức là hai lĩnh vực ý thức xã hội nhưng lại tương hệ mật thiết với nhau. Pháp luật là một biện pháp để khẳng định một chuẩn mực đạo đức; ngược lại đạo đức là những nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi con người trong ứng xử với người khác. Tuy nhiên, trong tình thế chung hiện tại, để thực thi triệt để vấn đề “Đức trị” với “Pháp trị” trên cơ sở pháp chế, khoa học và nhân nghĩa, nói đi đôi với làm vì hạnh phúc con người, vì nhân quyền là con đường còn rất dài, rất xa cần đến sự thức tỉnh, anh minh và liêm khiết của kẻ cầm quyền trị dân. Vì, việc thống nhất được giữa “Đức trị” với “Pháp trị”, được chứng minh trong tư tưởng và truyền thống văn hóa phương Đông, rất cần những tấm gương trị nước của các vị vua chúa hiền minh và các hiền tài quản lý xã hội. 

Nguyễn Văn Thượng
Số lần đọc: 2040
Ngày đăng: 28.07.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bút ký triết học số 9 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 08 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 07 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 06 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 05 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 04 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 3 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 2 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 01 - Nguyễn Văn Thượng
Hư vô qua tư duy triết học - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả