(viết cho gã lập dị của tôi)
H chết. Mùa đông lá xác xơ thành phố. Chiều buồn rưng rức. tôi đi trong dòng người ồn ã, nhưng lòng vắng lặng. tôi nghĩ về H. về dự báo của hắn gần một năm trước “tôi sẽ chết vào mùa đông bạn ạ, một đêm mùa đông đói rã tình nhân loại, đêm noel. Đêm chúa giáng sinh, cũng chính là đêm tôi rời bỏ trần thế “. Tôi cười “chắc là mày làm thơ viết văn điên loạn nhiều quá nên đâm ra hoang tưởng rồi đấy”? H uống cạn chén rượu cười nắc nẻ “thì cứ cho như vậy đi”.
H chết, chả để lại gì ngoài đám giấy tờ lộn xộn trên căn gác xép tồi tàn, nơi mà hắn thường nói đùa với bạn bè “gác xép của Banzac”. Hôm đám ma hắn, mẹ hắn cho người mang ra đốt sạch, những day dứt trăn trở về nhân thế của hắn.
H chết, một cái chết đột ngột và tàn nhẫn, hắn ngã từ lan can xuống đường, rượu làm hắn nhầm tưởng khoảng không trước mặt là mảnh sân, khi hắn ngã xuống thành phố đang ngủ say, âm thanh va đập của thân xác hắn với mặt đất khiến con chó nhà hắn giật mình sủa ông ổng, không có sự phản hồi, con chó im lặng, và linh hồn H cũng lặng lẽ nhập vào đêm mùa đông hun hút. Không biết trước khi ra đi H có nhìn thấy những thiên thần đang bay trên nền trời đêm noel rạc rượi mưa phùn? H từng nói với tôi vào một chiều cuối thu, khi hai đứa ngồi trong công viên “tao không phải là kẻ mê tín nhưng tao tin vào những thiên thần mày ạ, còn chúa trời thì, tao chả tin”.
Tôi cười “Vậy là mày chỉ tin vào một nửa truyền thuyết của nhân loại?”
H ngửa mặt ngó trời, mây lớt phớt, những cọng nắng nhờn nhợt rọi xuống tàng cây đang mòn dần diệp tố. “Mọi tôn giáo và chân lý trên đời không sai nhưng cũng chẳng đúng, vì thế con người mới mải miết đi tìm, chứ nếu chúng là sự thật hiển nhiên thì chả ai thèm bấu víu vào chúng, với tao hiện thực là cái quần xịp và ước mơ là chiếc quần dài, chúng ta đang sống dưới hình dạng chiếc xịp nhỏ nhoi và đang khát khao được bao bọc bởi chiếc quần dài”.
Những định nghĩa về đời của H luôn ấm ớ vậy, nhưng tôi thích.
Năm đó H mười ba tuổi, mùa đông, sáng, nắng êm và dịu, có gió nhưng không lạnh, H chạy nhảy trên con đường nhỏ ngoài khu vườn, những loài hoa mùa thu đã rã cánh, chỉ còn những bông cúc họa mi kiên trì kéo dài sự hiến dâng.
Trên trời lác đác dăm cụm mây, chốc chốc lại biến đổi hình thù. Con chó nhỏ lăng xăng đuổi theo những giọt nắng loang dần dưới tàng cây.
H đùa giỡn với con chó, mải mê H chạy về phía bức tường chắn sau căn phòng ngủ cũng là nơi làm việc của bố cậu.
Bên trong, bản Giao hưởng Định mệnh của Beethoven dìu dặt vọng ra. Lẫn trong tiếng nhạc, H nghe thấy hình như có tiếng cười nói của ai đó, tiếng một người đàn bà, không phải tiếng của mẹ cậu, mẹ cậu đã đưa em gái đến trường. Mẹ H sinh được một trai một gái, em gái H không có khả năng nghe nói, khi mang bầu nó mẹ H bị một căn bệnh lạ, bác sĩ khuyên mẹ H bỏ đứa bé nhưng bố H nhất quyết giữ lại. Em gái H chào đời vào mùa xuân, nhưng ngay khi sinh ra mắt nó đã mang một nỗi buồn khó hiểu. Khi ấy H năm tuổi, cậu đứng nép ngoài cửa phòng bệnh viện, cậu nghe bà nội nói “con nhỏ này có gì đó lạ lắm?”. Bố H nói: “Lạ gì mà lạ, mẹ cứ hay mê tín”. Bà H thở dài: “Sao mẹ cứ có cảm giác chúa lòng lành không che chở cho nó”. Mẹ H vỗ về em gái H nằm im lặng, H thấy từ khóe mi của mẹ hai giọt nước ứa ra, chảy xuống gối, rồi biến mất. Bên ngoài sương bắt đầu tan.
Tuổi thơ của H là chuỗi ngày tràn trề hạnh phúc, bố mẹ H rất yêu thương nhau, sau khi mẹ H sinh em gái, bố H càng tỏ ra quan tâm săn sóc mẹ H hết mực, có lần năm H mười tuổi, bố H xoa đầu cậu nở nụ cười trìu mến “Sau này lớn lên phải làm một người đàn ông quan tâm gia đình nghe con?”. H chả hiểu mấy lời của bố nhưng trong tâm trí non nớt cậu lờ mờ hiểu rằng bố cậu đang nhắc nhở cậu một cái gì đó thiêng liêng. Cậu sà vào ngực bố và nghe trái tim bố đang đập từng hồi, ấm áp, hôm đó trời se sắt mưa.
- Sao anh không quyết định luôn đi, hay là anh đang nuối tiếc con đàn bà lăng loàn ấy hả?
- Không phải, thật tình em phải hiểu cho anh chứ, anh không thể bỏ lại hai đứa con của anh được, chúng là máu mủ của anh.
- Em sẽ sinh cho anh những đứa bé đáng yêu và lành lặn gấp ngàn lần bọn chúng, anh không nghĩ rằng nếu anh đem theo chúng thì chúng sẽ thành gánh nặng của chúng ta hay sao? Một thằng nhóc ngơ ngáo, một con bé câm điếc. Em thật không hiểu nổi anh, chả nhẽ chỉ vì anh là bố của chúng nên anh phải hứng chịu món nợ tồi tệ ấy sao?
Những lời lẽ ấy dội vào tai H như những vết dao găm đâm thẳng vào trái tim cậu. Tai cậu ù đi, trước mắt cậu tất cả quay cuồng. Bố cậu sẽ bỏ rơi mẹ con cậu sao? Rồi em gái H sẽ ra sao?
Cơn động kinh đột ngột tái phát, H gục xuống, cậu quằn quại trong cơn đau dữ dội.
Con chó nhỏ liếm mặt H kêu lên í ẳng, H chìm dần, rồi lịm đi. Trước khi hôn mê, H còn kịp nhìn thấy những đám mây trên bầu trời tứa máu.
- Tao nằm ngoài vườn cho đến tận trưa. Khi không thấy tao, bố mẹ tao mới hốt hoảng đi tìm, nghe thấy tiếng con chó nhỏ đang rên ư ử, họ mới phát hiện ra tao đang nằm úp mặt trên đám cỏ, hơi thở yếu ớt. Lúc đó tao mơ hồ nghĩ mình đã chết, tao thấy mình đang được những thiên thần đem về với Chúa.
H chống cằm lên tay, nhìn ra ngoài quán. Những hạt mưa vẫn đều đặn rơi, tiếng nhạc Trịnh qua giọng ca “sầu” của Khánh Ly chảy tràn mọi ngóc ngách, giọng H như vẳng về từ cõi hư vô, tôi lặng im lắng nghe, cũng chả biết mình đang nghe những lời tâm sự của H hay đang thưởng thức những ca từ đầy triết lý của Trịnh.
- Những ngày sau đó với tao thật sự là vô cùng tồi tệ, bố tao có vẻ không hay biết tao đã nghe được cuộc đối thoại kia, nên ông vẫn tỏ ra yêu thương và niềm nở với tao, trong khi tao luôn phải cố oằn mình diễn kịch. Trong thâm tâm tao lúc ấy vừa oán hận vừa ghê tởm bố. Trước mặt bố mẹ, tao vẫn cười nói như thường, nhưng khi đêm xuống nằm trong phòng riêng, tao ấm ức khóc, tao lo sợ bố sẽ bỏ rơi mẹ con tao và gia đình tao sẽ tan nát, tao nghĩ đến đứa em gái câm điếc của tao, một tiểu thiên thần gãy cánh.
Ít lâu sau xảy ra thêm một việc, khiến chút hy vọng về sự tốt đẹp còn lại trong tao hoàn toàn bị vùi lấp.
Chiều ấy, tan trường, tao bắt xe bus về nhà, hôm ấy tao được điểm cao, trong đầu đang vẽ ra viễn ảnh mẹ sẽ ôm chầm lấy khi nghe tao khoe thành tích của mình và mẹ sẽ ban cho tao phần thưởng là đưa tao và em gái đi siêu thị mua sắm. Thế nhưng khi vừa bước chân vào cổng, tao đã nghe thấy tiếng cười đùa vọng ra từ phía dãy hành lang cuối vườn, tao chạy về phía đó, tao sững lại, toàn thân run lên vì căm phẫn. Mẹ tao, người đàn bà mà tao tôn sùng như thánh nữ, đang nằm trong vòng tay của một người đàn ông, dĩ nhiên đó không phải là bố tao, họ đang hôn nhau thắm thiết, những lời của gã đó như mật rót vào tai mẹ tao nhưng chúng chả khác gì a xít đang thiêu đốt tâm hồn tao.
“Em yêu, chúng ta đã để mất nhau một lần, lần này bằng mọi giá anh phải giành lại em, cuộc sống của anh không còn ý nghĩa gì từ khi em bỏ anh đi theo gã đàn ông ấy”.
“Hãy tha lỗi cho em anh yêu, thằng H nó không phải là con của Đ. Nó là con anh”.
“Thật sao?”
“Thật, em không dám dối gạt anh”.
“Đ có biết điều này không?”.
“Em nghĩ là không! Nhưng anh yêu à, Đ biết hay không có gì quan trọng nữa đâu, nhất định em sẽ đưa con chúng ta về cho anh, em thật sự đã ngấy Đ tới tận cổ rồi”.
Chiều hôm ấy, nắng rất đẹp, nền trời không một gợn mây nhưng trong cõi lòng tao chỉ có duy nhất một màu, bóng đêm vô tận, tao hoang mang như kẻ vừa trải qua một vụ cưỡng hiếp tinh thần, tao vùng chạy đi, tao chỉ muốn chạy khỏi căn nhà ấy, căn nhà chứa đầy sự giả dối và lường gạt, tao không thể hiểu nổi vì sao bố mẹ tao lại làm thế, tại sao họ lại đến với nhau để rồi sống với nhau bằng những chiếc mặt nạ, tao hận mẹ tao vì sao sinh ra tao trên cõi thế gian này, để rồi tao phải sống trong sự lòe bịp của những người thân yêu.
Tao chạy mãi, chạy mãi, cuối cùng tao ra đến một bờ sông, tao đứng nhìn dòng nước trôi cuốn theo đám hoa vô danh dập dềnh về nơi vô định, trong đầu tao hiện lên những ý nghĩ kết thúc, tao chỉ muốn đâm đầu xuống dòng sông chết cho rảnh, chết nghĩa là mọi sự sẽ chấm hết, không còn đau khổ không còn bị sự dày vò.
H nhìn tôi cười: “Mọi lời ngọt ngào người ta hứa hẹn thề thốt với nhau thực chất chỉ là bức màn che đậy sự dơ bẩn của lòng dạ mà thôi, nếu mày trải qua những ngày sống như tao mày sẽ hiểu tại sao tao lại trở nên lập dị như thế này. Những kẻ bên cạnh chúng ta hằng ngày đều luôn diễn kịch, và họ diễn rất tròn vai, họ chính là những diễn viên gạo cội mà không có bất cứ nghệ sĩ nào sánh bằng. Mồm họ ra rả nói về đạo đức và nhân cách làm người, họ nhồi nhét vào trái tim những đứa con biết bao là hoa ngôn mỹ từ về cuộc sống và hành vi ứng xử. Thế nhưng chính họ lại là những kẻ sẵn sàng chà đạp lên những chân lý óng ả ấy”.
H châm thuốc, rít một hơi dài, xả khói, ánh mắt H mơ màng nhìn đám khói loãng tan dần. Trên thái dương H, những mạch máu đang thi nhau nổi loạn. Sâu thẳm đáy lòng hắn những mắt bão đang hoành hành dữ dội.
“Năm tao bước sang tuổi mười bốn, cuộc sống gia đình tao vẫn diễn ra tốt đẹp như thế, bố mẹ tao dưới con mắt người ngoài nhìn vào là một đôi vợ chồng vô cùng hạnh phúc, dù họ có hai đứa con chẳng ra ma cũng chẳng phải người.”
“Thế mày bắt đầu làm thơ viết văn từ khi nào?”
“Khi tao mười lăm tuổi, sau khi bà tao chết. Vốn bố mẹ tao đưa bà vào viện dưỡng lão khi tao tròn mười tuổi, hàng tuần gia đình tao lại vào đó thăm bà, nhưng chỉ được một hai năm đầu, sau đó bà như một kẻ bị bỏ quên, cho đến một hôm người ta gọi điện báo tin bà lên cơn co giật, bố mẹ tao mới hoảng hốt đưa anh em tao tới chỗ bà, gia đình tao đến nơi xác bà đã được đưa xuống hầm lạnh. Thật ra thì mỗi chiều đi học, tao đều trốn ra ngoài bắt xe đến thăm bà, những câu chuyện của bà đã nuôi lớn tâm hồn tao, nếu không có bà có lẽ tao đã trở thành một đứa bé trầm cảm. Bố mẹ tao chỉ cho tao sự đầy đủ về vật chất, nhưng họ đã không cho tao sự trọn vẹn về tinh thần, trong mắt họ tao chỉ là một thắng nhóc ngây thơ, nhưng họ đâu biết tao cũng cần một người bạn để có thể thổ lộ những tâm tư. Đến khi vô tình biết được những hành vi mờ ám của họ thì khoảng cách giữa họ và tao càng lớn”.
“Vậy mày có kể cho bà mày nghe những chuyện của bố mẹ mày không?”
“Không, tao không muốn bà biết, tao sợ bà sẽ bị sốc và xảy ra chuyện. Nhưng hình như bà tao đã biết mọi việc từ lâu, chỉ có điều bà là người kín đáo, đúng hơn bà là người giỏi nín nhịn, bà im lặng chỉ vì muốn gia đình tao yên ổn”.
Từ đôi mắt mệt mỏi của H những giọt lệ lặng lẽ ứa ra lăn dài. H uống một ngụm nước, như cố che giấu nỗi đau.
“Không còn bà, tao chẳng còn biết chia sẻ vui buồn cùng ai. Một đêm nọ, tao ngồi học bài, chán nản tao ném sách vở vào xó phòng, ngồi thẫn thờ nhìn ra ngoài trời, những làn gió lướt qua những tàng cây thoang thoảng mùi hoa tử đinh hương, khiến tao nhớ đến mùi thơm trên tóc của bà, rồi tao cầm bút và viết, bài thơ đầu tiên về nỗi nhớ người bà vĩ đại của tao. Lần đó bố tao vào phòng tao và phát hiện ra bài thơ, tao vừa đi học về đã bắt gặp bố tao đứng chờ trước cửa, ông ấy trừng mắt nhìn tao quát, mày viết cái gì đây hả đồ mất dạy? Ai bày cho mày viết cái này, nói mau? Tao ngẩng mặt nhìn ông ấy, không một chút run sợ, không hiểu lúc ấy tao lấy đâu ra can đảm thế”.
H búng đầu lọc thuốc lá ra cửa quán.
“Bố tao điên tiết nắm lấy đầu tao ghì xuống, và tát vào mặt tao những cú tận lực, đó là lần đầu tiên ông ấy đánh tao, bài thơ tao viết về bà đã tố cáo sự bất hiếu của bố mẹ tao, tao nói họ là những đứa con không có lương tâm. Mẹ tao về, biết sự việc, thay vì bênh vực tao như mọi lần, thì hôm đó mẹ tao lại đồng tình với bố, mẹ bảo tao là đứa hư đốn, nuôi cho tốn cơm, mẹ nói tao không phải là con của mẹ tao là nỗi ô nhục của gia đình.
Từ đó, họ chẳng còn quan tâm đến tao như trước, nói đúng hơn thì tao bị bỏ rơi như một sản phẩm hết thời.
*
Suốt mấy năm dài, H luôn sống trong tâm trạng hỗn loạn. Hắn khắc khoải chờ cái ngày bố mẹ hắn chia tay nhau, trong tiềm thức hắn luôn mang nặng nỗi đau, cái nỗi đau vô hình mà như ngàn vạn chiếc gai nhọn, làm hắn buốt nhói tâm hồn, mỗi ngày sau giờ học, H giam mình trên căn gác xép, thế giới riêng của hắn, ở đó hắn mặc sức khóc cười, chẳng ai thèm quan tâm đến hắn, hắn cũng chẳng thèm đếm xỉa đến cuộc sống đang đục ngầu hay điên loạn bên ngoài. Với hắn chỉ có những vần thơ làm bạn, những vần thơ như được rút ra từ huyết tương của H.
Hắn viết về bầu trời, bầu trời đỏ bầm như máu lợn dịch. Hắn viết về đêm, đêm như gã đàn ông bị căn bệnh nan y nằm khò khè nơi xó chợ tồi tàn chờ ngày thần chết đến rước đi. Rồi là bình minh ngập tràn sương mù và những xác chết dật dờ lê đi trên những con ngõ nghẹn ngụa sự hôi thối.
Viết rồi xé, lại viết, có lần hắn ngồi suốt đêm trong góc giường, bệt dưới đất, hắn ôm xác con gián chết vào lòng, khóc rưng rức như chó tru, bên ngoài thành phố lác đác những tiếng rao đêm của những người bán dạo, chen lẫn tiếng la mắng bọn gái điếm của những tay tuần đêm. H nghĩ về số phận nhỏ nhoi của mình, giá như hắn cũng như họ, những kẻ không chốn đi về ấy, có khi lại hay, chẳng cần phải đau khổ chả cần dằn vặt lương tâm, chết đi tầm thường như cỏ dại người ta vứt bỏ ra lề nhân thế, rồi khô héo theo dòng thời gian vô cảm.
Bố mẹ H đều là dân thiên chúa giáo, nghiêm luật không cho phép họ ly hôn, vì thế họ đành sống với nhau theo kiểu bám víu tạm bợ. Bố H thả sức đi theo người đàn bà của ông ấy, còn mẹ H vẫn cứ đến với người đàn ông của bà ta khi cần, ban đầu họ còn che giấu anh em H, dần dà họ trực tiếp công khai.
Em gái H bước vào thời kỳ dậy thì, nó bắt đầu biết suy nghĩ và ý thức về bản thân cũng như cuộc sống gia đình, cái gia đình lay lắt sau cái vỏ bọc vờ vĩnh. Con bé không nghe được nhưng nó nhìn thấy. Những hình ảnh “mèo mả gà đồng” của bố mẹ H gieo vào tâm hồn mới lớn của con bé sự ức chế chán chường lẫn tủi nhục. Bằng ngôn ngữ của người câm điếc, nó cầu xin bố mẹ H cho nó được đến nhà dòng và sống trong vòng tay của những ma sơ, nếu là trước đây hẳn bố mẹ H sẽ giữ nó nhưng bấy giờ với họ thứ tình cảm ma quỷ đã chiếm mất nhân tâm của họ, bố H đưa em gái H vào tu viện, hôm ra đi con bé ôm H và khóc, H như nghe từ trái tim thổn thức của nó muốn nói: “Anh ở lại giữ gìn sức khỏe nhé, em đi đây, hãy luôn nhớ về em nhé người anh trai tội nghiệp”. H hôn nhẹ lên vầng trán của em gái. Nó bước ra khỏi phòng H, tiếng cửa đóng lại, H ngồi im lặng. Lòng hắn ráo hoảnh, hắn chẳng thiết nghĩ gì nữa, với hắn cuộc sống từ lúc ấy ánh sáng cuối cùng của vầng dương đã tắt.
Trong những ngày sa xuống tột cùng vực thẳm của đớn đau, H vô tình sáng tạo ra thứ thơ lập thể. Mỗi bài thơ của H như bức tranh của những họa sĩ vẽ siêu tưởng, mỗi ý thơ không theo một nguyên tắc nhất định nào, chúng như bức tranh với những gam màu hỗn độn, mỗi chữ như đang nhảy múa và điên rồ, H đưa cho tôi đọc, tôi cảm nhận thấy một con người dường như đang bị nhấn chìm xuống đầm lầy, trên bờ những con cá sấu gớm ghiếc đang há mõm cười chực chờ mùi máu thịt thơm ngon, còn trên đầu gã thần chết đang giơ lưỡi hái.
“Người ta sống trên đời chẳng khác nào những con cá sặc bùn, càng cố ngoi lên càng ngộp thở, thế nhưng người ta vẫn luôn ra vẻ ta đây đạo mạo- H nói- Từ lâu tao đã ghê tởm lối sống của những con người xứ sở này, cái xứ sở mồm lúc nào cũng ra rả tuyên truyền về sự tốt đẹp vĩnh hằng nhưng thực chất là xứ sở mèo giấu cứt, mọi hành động luôn đi ngược với những mỹ ngôn, họ vẽ ra những cảnh sắc huy hoàng dụ dỗ những kẻ ngu đần bước vào để rồi lạc loài trong nhan nhản sự bội ước, bố mẹ tao cũng như lũ người ấy mà thôi, họ đã lừa anh em tao suốt chiều dài tuổi thơ, như những kẻ có quyền có thế đem bánh vẽ lừa phỉnh những con chiên dốt nát. Chúa trời ở đâu? Nếu thật sự như kinh thánh nói, ngài ở khắp mọi nơi, thế vì sao ngài không chịu nhìn thấu những khốn nạn của cõi trần hôi hám này. Mày thấy đó, những kẻ bạc ác mỗi ngày mỗi giàu lên còn những kẻ nghèo hèn càng khốn cùng đi theo thời đại, như tao và em gái tao vậy, tình thương của bố mẹ ngày càng trở nên khan hiếm đối với chúng tao, còn với nhân tình, họ sẵn sàng dâng hiến, thậm chí họ nguyện chết vì thứ ái tình phù phiếm trâng tráo ấy.”
“Những suy nghĩ của mày liệu có quá tiêu cực không? Với tao thì xã hội này vẫn còn nhiều thứ tốt đẹp và hay ho đó chứ?”
“Có lẽ mày cho tao là kẻ hay liên tưởng, từ nỗi đau cá nhân tao đã đánh đồng với dòng chảy xã hội? Không phải thế đâu, chỉ có những kẻ quái thai như tao, những kẻ dưới tầng sâu rêu mốc của phận người mới hiểu thế nào là mặt trái của xã hội”.
H rít thuốc thật sâu, đến mức tôi có cảm giác hắn đang nhét luôn điếu thuốc vào mồm mà nhai ngấu nghiến…
*
Em gái H chết. Những người bên nhà dòng kể lại, đêm ấy mưa rất lớn, từng tia sấm sét như móng vuốt quỷ dữ cào cấu tháp chuông nhà thờ, lúc bấy giờ cha sứ đang mệt, những người phụng sự đã về hết, các ma sơ tuổi cao không thể ra ngoài trong cơn cuồng nộ của chúa, cánh cửa sổ trên tháp chuông không được đóng lại, gió dữ thổi vào làm chiếc chuông vang lên. Em gái H đành trèo lên đóng cửa, khi nó đưa tay ra khép cửa, thình lình một chuỗi tiếng sét gầm thét như đội quân của sa tan tấn công thiên đàng khiến em gái H hoảng sợ, nước mưa làm sàn tháp trơn, em gái H đã bị ngã từ trên cao xuống đập đầu vào vòng hào quang trên đầu bức tượng chúa đặt dưới sân trước nhà thờ.
Hôm làm lễ nhập liệm và đọc kinh cầu hồn cho em gái, H như một gã điên lao đến ôm chầm lấy xác em khóc lên tức tưởi, vị linh mục đặt tay lên đầu H an ủi: “Đừng đau khổ quá như vậy con trai, em con đã rũ bỏ thân xác phàm tục để về cõi thiên đàng với chúa, từ nay cô bé sẽ là thiên thần phụng sự bên chúa đời đời, con nên vui mừng mới phải”.
H nín khóc, vùng đứng dậy, hắn nhìn thẳng vào mặt vị linh mục, mắt long lên sòng sọc.
Bố H bước đến, cúi rạp mình trước vị linh mục. “Xin cha hãy tha thứ cho đứa con điên dại này của con, lâu nay nó đã mất hết ý thức làm người”.
Vị linh mục nói: “Ta biết, cầu nguyện đấng quyền năng ban chúa thánh thần xuống cứu chuộc cho gia đình con”.
Vị linh mục khẽ cười, nụ cười đầy thánh tuệ, nói với H “Con hãy cầu xin Thiên chúa lòng lành ban phước cho linh hồn em gái con”.
“Không, tôi không cầu nguyện gì hết, tất cả các người chỉ là lũ khốn nạn, tôi ghê tởm các người”. H thét lên đầy đau đớn, chạy ra ngoài.
Tôi chạy theo H, hắn cứ chạy mãi, dường như hắn muốn chạy đến tận cùng dòng sông của khốn khổ, bi hờn.
H chạy ra sông, dòng sông năm mười ba tuổi H đã từng lạc đến sau khi chứng kiến sự âu yếm của mẹ và gã đàn ông ấy. H gục xuống cỏ, nước mắt hắn như những tia máu, xuyên vào lòng đất.
Tôi bước đến ngồi xuống cạnh H: “Đừng làm thế chứ bạn của tôi, sao mày lại cư xử như thế với linh mục, dù gì người cũng là đấng đại diện của chúa, mày là con chiên phải ngoan ngoãn nghe lời kẻ chăn chiên chứ?”
H cười khằng khặc “Cái gì mà đấng đại diện? Mày nhầm rồi, hắn là ma, là quỷ dữ, là sa tan, mày có hiểu không? Mà có lẽ vĩnh viễn mày không thể nào hiểu được đâu- Toàn thân H run lên- Chỉ có tao, chính tao là kẻ duy nhất còn lại trên đời này biết được bí mật dơ bẩn ấy”.
Hôm đó tôi và H ở ngoài bờ sông cho đến tận tối mịt, tôi khuyên mãi H mới chịu để tôi dìu về. Những ngày tiếp theo, H giam mình trên gác xép, hắn không cho bất kỳ ai bước vào kể cả bố mẹ hắn, chỉ có tôi là trường hợp đặc biệt. Khi tôi đến, H đang ngồi bên cửa sổ, ngón tay trỏ của H đang chan hòa máu, hốt hoảng tôi kiếm giẻ băng cho, hắn gạt đi “đừng băng, hãy để máu của tao chảy cho tác phẩm lật trần sự thánh thiện của sự lường gạt”. Trên bàn, một tờ giấy với những nét chữ đỏ bầm, H đã dùng máu của chính mình viết nên bài thơ “Những đôi cánh biết nói và những cái miệng không hình thù”.
Tôi cầm lên đọc, bài thơ như một bức tranh vẽ hình ảnh một tảng băng đang trôi giữa đêm đại dương, trên ấy có một con cừu và một người đàn ông, con cừu đang quỳ, nét mặt vô cùng hoảng sợ, nó cầu xin người đàn ông đừng giết nó, nhưng người đàn ông bất chấp, hắn ta nhe hàm răng nhọn hoắt như răng cá mập, đôi mắt hiện rõ sự thèm khát và tàn nhẫn, con cừu nhắm mắt cầu nguyện đấng quyền năng cứu mạng nó, những tia sét loằng ngoằng như tấm lưới phủ trùm mặt biển ầm ào sóng, người đàn ông giơ cao chiếc giáo giáng xuống con cừu, một dòng máu phọt ra, trước khi chết con cừu thốt lên: lạy đấng đã sống và mãi sống đời đời, con nguyện dâng thân xác băng khiết của con cho kẻ đại diện người…”
“Mày viết cái gì vậy?” Tôi hỏi H.
H nghiến răng trèo trẹo như con chó sắp bị đưa vào lò mổ “Mày đừng hỏi, vĩnh viễn mày không hiểu được đâu, cũng như loài người chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được sự nham hiểm của bọn thú đội lốt kẻ lương thiện, chúng ta mãi còn u mê hồn nhiên bước đến trước miệng của loài hổ dữ mà xem chúng là kẻ tái sinh “.
*
H đã ra đi, linh hồn hắn sẽ về đâu tôi cũng chẳng biết. Buổi chiều hôm đọc bài thơ của H, tôi đã hỏi hắn “Nếu một ngày mày chết, mày có mong hồn mày sẽ lên thiên đàng như mọi người công giáo hay không?” H đáp: “Tao hả, tao chỉ mong hồn tao sa vào địa ngục đời đời, ở đó có lẽ còn trong sạch hơn cõi thiên đàng, vì nó thật”.
Tôi cúi mình trước linh cữu của H, bài kinh cầu hồn của vị linh mục trầm trầm vang lên dưới buổi chiều hiu hắt nắng. Bố mẹ H đứng im lặng, không một tiếng khóc xót thương tiễn đưa. Từng đợt gió tấp vào hàng dương trong nghĩa trang, những ngôi mộ trải dài dường như không có điểm cuối, những cây thập ác nhiều màu như những mũi giáo đâm thẳng lên nền trời. Những lời của H như vẳng về từ cõi xa thẳm âm âm trong trí não tôi “Thế gian này mãi còn đó những đôi cánh biết nói và vĩnh viễn những khoang miệng của người đời không có hình thù, cái chết của kẻ này sẽ là niềm vui của kẻ khác…”
Tôi ngước nhìn lên, hình như trên bờ môi của bố mẹ H và vị linh mục vừa thoáng một nụ cười…