Hình tác giả: Dương Hằng
Men theo những trang viết của Dương Hằng, có thể thấy tác giả đưa độc giả về một thuở hồn nhiên, trong sáng và thú vị biết bao. Ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” những các bạn nhỏ luôn chứng tỏ mình có cái nhìn rất lạ trước cuộc sống diệu kỳ, đó là những mảng màu tươi vui, những khúc ngoặt bất ngờ với một vài điểm xuyết mơ hồ, long lanh. Đọc truyện của Dương Hằng, chỉ cần đọc một loáng là xong, bởi cốt truyện tưởng chừng như không có gì, tựa viên kẹo ngọt dần tan trên đôi môi, buộc ta phải cảm nhận từng con chữ đang chuyển động. Mười lăm truyện ngắn trong tập truyện “Bay đi, khướu ơi” (NXB Kim Đồng), có thể thấy những cô cậu học trò vô cùng hồn nhiên và trong sáng, với rất nhiều bối cảnh từ vùng nông thôn đến thành thị, nhưng tựu trung lại chính là niềm ước mơ, nỗi khao khát có những người bạn mới, có một cuộc sống mới trong đôi mắt trẻ thơ.
Câu chuyện “vị khách lạ” kể về một chú cảnh sát mật vì công việc nên đến ở và gặp gỡ chủ nhà nhỏ tuổi. Và cuộc sống của khách và chủ có thêm những cuộc trò chuyện, những lần đối thoại bất ngờ, và “vị khách” ra đi để lại cho cả chủ và khách những hồi ức tươi đẹp: “Mẹ rất bình thản nói với tôi rằng cuộc sống cũng cần những vị khách lạ ghé thăm”. Rồi câu chuyện rất thật của anh Tun và bé Khẹc, với lối hành văn đầy tự nhiên, trong sáng, độc giả nhỏ tuổi sẽ vô cùng thích thú với sự nghịch ngợm đầy đáng yêu của bé Khẹc. Bé Khẹc đã làm đảo lộn cuộc sống của anh Tun bằng những trò đùa tinh quái để đến một ngày kia bé Khẹc phải nghỉ học để chữa bệnh mắt đỏ, anh Tun cảm thấy trống vắng vô cùng, và rồi Tun kết luận: “Phải nói rằng, cái Khẹc là chúa phiền phức. Nhưng kể ra, nó lại là đứa “bạn thân nhất” của tôi”. “Cất nỗi buồn vào ngăn tủ” và “chim én đã về” là hai câu chuyện cũng khá hay và ý nghĩa. Đó là nỗi buồn của một cô bé bị mẹ quản thúc quá chặt chẽ khiến cô bé lầm tưởng là mẹ không yêu thương cô, đến khi cô gửi lá thư của mình đến chuyên mục phát thanh trong trường, Hoàng, anh chàng phát thanh đã đến gặp mẹ cô bé, đến lúc này cô bé mới nhận ra mẹ rất yêu thương mình. Những dòng chữ vô cùng cảm động chạm vào trái tim trẻ thơ: “Hãy thấy mình thật may mắn vì còn có mẹ ở bên và can đảm tâm sự với mẹ nhiều bạn của tớ nhé. Tớ dám chắc, mẹ sẽ hiểu và bạn cũng nhận được yêu thương từ mẹ thôi. Tớ mãi sẽ là ngăn tủ nhỏ để cậu cất giấu nỗi buồn vào trong đó, tớ luôn ở đây và lắng nghe”. Còn câu chuyện “chim én đã về” kể về sự xuất hện bất ngờ của bé Bun, “sau khi tôi chào đời, mẹ tôi không thể sinh thêm lần nữa”, và bé Bun xuất hiện trở thành thành viên chính thức của gia đình tôi. Từ đó, bức tranh mùa xuân của tôi ngoài “những gánh hàng hoa, những đám mây bồng bềnh thăm thẳm, hàng cây còn lác đác vài chiếc lá úa vàng, cảnh đường sá tấp nập, cây quấy, cây đào dập dìu trên phố...” còn có thêm “từng đàn chim én nhỏ sẽ chao liệng trên bầu trời”, nhưng buồn thay khi Bun chỉ là “chim én lạc bầy”. Với một cách hành xử nóng vội, bồng bột của tuổi mới lớn, tôi đã đuổi em đi, sau đó bức tranh của tôi đoạt giải nhất nhưng tôi không còn cảm thấy vui. Có lẽ tôi đã không đúng nhưng cuối cùng tôi đón em vào lòng “và rồi, tổ ấm của tôi ríu rít trở lại bởi tiếng nói cười”.
Cuộc sống thật sự rất kỳ diệu với cảm nhận đầy yêu thương nhân hậu của một tác giả trẻ. Bạn đọc cũng sẽ bật cười với những dòng chia sẻ hồn nhiên của tuổi học trò “nhất quỷ nhì ma”, nhưng cũng thật đáng yêu: “Lớp trưởng, chúng tớ biết lỗi rồi. Bố tớ mà biết thì tớ chỉ có no đòn thôi. Lớp trưởng đừng chấp nhặt hai kẻ xấu trai này nhé, lớp trưởng xinh đẹp? Giờ ra chơi, lên sân thượng, hai kẻ xấu trai muốn tạ lỗi ạ”. Có lẽ những bức tâm thư được viết trong mảnh giấy nhỏ mà ai cũng trải qua một lần trong đời? Qua những câu chuyện được phác họa ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, đều dễ dàng nhận thấy là điểm nhìn đầy tinh tế, xúc cảm của tác giả Dương Hằng. Viết cho trẻ nhỏ là rất khó, nhưng với sự tiếp xúc và cảm nhận ở một rung động chân thành, tác giả đã đưa người đọc chu du qua từng miền đất đẹp đẽ của tuổi thơ. Có lẽ quá chú trọng vào tâm lý tính cách của nhân vật mà tác giả thiếu đi những chấm phá trong cốt truyện, và đâu đó cách giải quyết vấn đề được đặt ra có phần cảm tính, chủ quan. Những câu chuyện của Dương Hằng ấn tượng bởi bối cảnh được miêu tả đầy chất thơ, ngọt ngào và vô cùng lãng mạn. Mỗi câu chuyện như một tản văn ngắn đầy cảm xúc được lồng ghép vào những nhân vật, dẫu là thoáng qua nhưng tấm lòng son sắt với đời là một điều rất đáng trân trọng, gìn giữ.
Đà Nẵng, tháng 07.2017