Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.177
123.162.228
 
Lên núi gặp đồng bằng
Huỳnh Kim

Giữa mênh mông đồng nước lũ đang rút dần trong lòng tứ giác Long Xuyên, dãy núi Cấm xanh um vương mây mờ trên đỉnh, như giục lữ khách hãy nhanh chân hơn để leo lên với "cái nóc nhà của miền Tây lúa gạo", xem ở trên đó bây giờ ra sao…

            Gánh lên rồi gánh xuống…

            Rời khu lâm viên dưới chân núi với trăm lời mời gọi mua "thuốc nam núi Cấm", du khách bắt đầu "lấy lại phong độ" để leo nghìn bậc dốc. Càng lên cao càng dốc, có nơi chỉ vài trăm bước đã bỡ hơi tai, bèn ghé ngã lưng một lát trên những cái võng miễn phí của mấy hàng quán che chắn tạm hai bên đường, chen trong đá núi.

            Lữ khách đến từ tứ xứ, có bữa chật lối đi, ráng vượt suối Thanh Long để lên viếng chùa Phật Lớn. Có những người già, miệng niệm Phật, tay chống gậy, lòng thành tâm lần từng bậc đá. Rộn ràng nhất là từng tốp thanh niên, nam có nữ có, mà đa phần là người dân tộc Khơme, làm nghề gánh mướn hàng hóa lên xuống núi. Bao nhiêu năm rồi, đây là con đường duy nhất với đội quân gồng gánh độc nhất, nối đồng bằng với xóm làng trên núi.

            Hàng gánh lên có gạo, vật liệu xây dựng và hết thảy những gì mà sinh hoạt gia đình, xã hội cần. Hàng gánh xuống nhiều nhất là trái su, rồi củ cải trắng, đậu que, xà lách son, bắp, măng tre… Xuống tới chân núi đã có xe chực sẵn đưa đi Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ… Trái su núi Cấm ngon như su Đà Lạt chở về Sài Gòn, Chợ Lớn. Trên núi này, nhiều rẫy su giàu nổi tiếng là của ông Mười Lớn, ông Ba Cao, ông Năm Chí… nằm ven các mỏm Cao Đài, Vồ Đầu, Bồ Hông… 

            Chủ rẫy hoặc chủ hàng thuê người gánh mướn; có chừng 200 người chuyên nghề này. Thanh niên thì đa phần ở trần, gánh một gánh trái su nặng từ 50 tới 70 kí tùy theo sức lực, công gánh độ 300 đồng một kí, mỗi ngày một người lên xuống giỏi thì được hai chuyến, nhưng thường chỉ đủ sức làm một chuyến mất bốn, năm tiếng đồng hồ. Họ lầm lì gánh hàng, cứ năm, bảy chục bậc dốc thấy đổi vai một lần; nhìn kỹ chỗ vai trần người nào cũng u lên một cục to tướng.

            "Con đường tơ lụa" này chắc vài năm nữa sẽ vắng dần, kiến trúc sư Huỳnh Khương, người đưa chúng tôi đi, nói như vậy. Huỳnh Khương đang làm việc cho khu nghỉ mát Victoria núi Sam. Chuyến này anh muốn thăm dò giá đất trên núi Cấm để kinh doanh du lịch vì con đường ôtô đang mở lên núi ở phía triền đông, sắp hoàn thành.

            Hai ngàn, ba ngàn, bốn ngàn…

            Dọc hai bên đường lên núi, có mấy chục hàng quán, bán đủ thứ, từ hàng mỹ nghệ đưa từ TPHCM, Châu Đốc… lên, gọi là "hàng lưu niệm", đến càfé, nước ngọt, hủ tiếu, bánh xèo, thuốc nam… Có quán bán riêng từng loại, có quán bán "thập cẩm" đủ cả mấy món này. Hủ tiếu, 5.000đ/tô nóng hổi, nước ngọt, 3.000 - 4.000đ/chai có đá… toàn là sản vật mang từ đồng bằng lên.

            Cái món "thuốc nam núi Cấm" được dân núi giới thiệu như là món đặc sản. Có hơn hai chục loại, có khi là cây củ mới được đào hái ngoài núi, có khi đã được chế biến thành bột đựng trong bao nilông, giá từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng một món, chữa trị đủ thứ bệnh dù chẳng thấy có cơ quan y tế nào đóng dấu chứng nhận. Cô chủ quán Chờ Đợi, đọc tên một số loại "thuốc nam" bày bán ngoài sạp: củ ván bay, sâm hồng, mộc bá huê, bạch hóa thảo, cò sen, đỗ trọng, mã tiền, hà thủ ô…

Hấp dẫn du khách nhất có lẽ là món bánh xèo với cách tiếp thị bắt mắt. Trên các sạp tre lá sát lối đi, chủ quán bày ra hai, ba dĩa bánh xèo "mẫu" vàng rượm và thơm phức. Cũng là kiểu cách đổ bánh của dân đồng bằng, nhưng cái bánh xèo núi Cấm bé hơn một nửa, chưng cạnh một rổ rau núi lúc nào cũng tươi roi rói tới hơn một chục loại rau có tên ngồ ngộ: kim thất, ngành ngạnh, đọt bứa, bằng lăng, vông nem, rau nhái, chằm mồi…

Honda ôm, nhung nai, du lịch…

Qua dốc suối Thanh Long độ nửa giờ đi bộ, anh Huỳnh Khương nói: "Tới dốc 4000 sẽ có Honda ôm lên tiếp tới đỉnh núi". Không ai đoán được làm sao mà người ta đưa xe máy lên tới nơi này. Chừng tới dốc 4000, gặp anh Tám Tí, chủ bãi xe ôm, mới biết: "Xe theo đường mòn chỗ đang mở lộ bây giờ, lên đây từ ba năm nay. Giờ thì toàn xe Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Có khoảng bốn chục chủ xe, mỗi ông chạy mỗi ngày kiếm cũng được hai, ba chục ngàn". Giá khá cứng: chở một người, 15.000đ/3km, chở đôi thì 20.000đ, bởi vì xăng trên này tới 10.000đ/lít và xe chỉ "cày" toàn số 1 và số 2 mới leo dốc nổi.

Anh Tám Tí chở hai chúng tôi trên chiếc Dream Trung Quốc, kiềm tay lái như  kiềm cương ngựa, "phi" theo những con đường mòn lởm chởm đá giữa những cánh rừng keo tai tượng mát rượi. Bỏ qua chùa Phật Lớn, Tám Tí cắt rừng "phi" thẳng lên chùa Phật Linh đang xây dựng ở độ cao gần 900m. Ngự trên triền núi giữa cánh rừng già đẹp kỳ vĩ, chùa Phật Linh đã xong phần chánh điện, nhà tăng ni, tháp chuông và tháp Quan Âm bảy tầng cao tới 40m. Thầy Hoàng Xuân, trị sự chùa, nói: "Bá tánh đóng góp lập chùa này. Mọi thứ đều được gánh lên từ dưới đồng bằng, kể cả mấy ngàn tảng đá granit. Nơi đây sẽ thu hút khách du lịch thích viếng cảnh chùa trên núi. Mà không hiểu sao, nhiều người, nhiều công ty dưới đồng bằng cũng thích chỗ vắng vẻ này, họ đã lên đây mua đất".

Tám Tí, năm nay 36 tuổi, kể, hồi năm 76, anh bỏ Sài Gòn theo mẹ lên núi Cấm, mua gần hai mẫu đất chỉ có mấy chục ngàn đồng, giờ một công đất gần chùa Phật Linh, có chỗ kêu giá 140 triệu! Nói xong, anh đưa chúng tôi lên cao nữa, ra mỏm Vồ Đầu thăm ông Tư Việt, người giỏi trồng rừng và nuôi nai lấy nhung, rồi lại quẹo xuống đồi Thiên Tuế, thăm nhà ông Ba Bang để "làm một cốc rượu nhung nai đặng chia tay núi Cấm" như lời ông Ba Bang nhắn lúc sáng.

Ông Ba Bang đưa khách thăm khu vườn rộng hơn 10 hecta vừa trồng rừng vừa trồng cây ăn trái và nuôi nai, hươu, dê… Ông Ba năm nay 62 tuổi mà nom tưởng mới 50, gốc gác làm ruộng dưới huyện Châu Thành, An Giang. Ông nói vui: "Hồi xuân chắc tại nhờ mình sống với rừng núi trong lành, gần đây lại thêm nghề nuôi nai lấy nhung". Không như ông Tư Việt nuôi có hai con nai, ông Ba Bang nuôi tới 10 con, mà một kí nhung nai bán được 1,5 triệu đồng, bao nhiêu cũng không đủ.

Ông Ba Bang đãi khách mỗi người chỉ một ly "xây chừng" rượu đế ngâm nhung nai: "Năm lít rượu này ngâm với một khúc nhung nai mà giá tới bốn triệu đồng lận. Không nên uống nhiều, nửa giờ sau là mấy ông biết "sức mạnh" của nó như thế nào!". Rồi ông quay qua anh Huỳnh Khương: "Khi nào con đường lên núi mở xong, tôi sẽ cùng với ngành du lịch mấy ông đón khách tới đây. Tôi làm du lịch sinh thái, giữ nguyên như thiên nhiên, rừng nè, chim thú nè, cây ăn trái nè, câu cá nè. Câu cá trên núi cũng  hay chớ, phải không?".

Tiễn khách xuống núi, ông Ba Bang nói thêm: "Nhưng phải làm thêm trường học, bệnh xá cho núi Cấm. Chớ gì mà hơn 3.000 dân sống rải trên bốn ấp mới chỉ có một trường tiểu học, không có bệnh xá, bệnh hoạn thì phải khiêng xuống núi?"  ./.

Huỳnh Kim
Số lần đọc: 2946
Ngày đăng: 24.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trở lại nhà xưa - Trần Thanh Giao
Nhớ Về Thái Ngọc San :Đường đã rõ chân trần ta đi tới - Trần Kiêm Ðoàn
Không thể nào quên - Trần Thôi
PARIS mùa hè không có chiều thời gian - Lê Duy
Ra Phú Quốc - Hồ Hùng
5 Năm tới, VIỆT NAM sẽ phát triển theo CÁCH MỚI - Huỳnh Kim
Trên cao nguyên hóa đá - Hồ Tĩnh Tâm
Kiên Lương biển nhớ - Hồ Tĩnh Tâm
Bão năm thìn trong ký ức người dân nam bộ - Trần Dũng
Một ngày không quên - Ngọc Thủy
Cùng một tác giả
Hàn vi (thơ)
(thơ)
Xa nhau (thơ)
Đêm (thơ)
Thu (thơ)
Nuôi cu (thơ)
Cánh Bướm nâu (truyện ngắn)
đất (thơ)
(thơ)
Đây là Scotland. (lịch sử)