1.Nguồn gốc hình thành.
1.1.Điều kiện tự nhiên.
Điều kiện tự nhiên vùng châu thổ sông Hồng gồm 11 tỉnh Trung du, đồng bằng từ Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định đến Ninh Bình, Thanh Hóa. Vùng đồng ruộng thẳng cánh cò bay, hai tỉnh Hưng Yên, Thái Bình thuộc châu thổ sông Hồng, không núi đồi, trồng cây nông nghiệp một năm “ba vụ bốn mùa”. Nhờ sức lao động cần cù sáng tạo người nông dân vùng châu thổ sông Hồng mang lại mùa vụ bội thu, kinh tế trù phú, xây dựng mái ấm gia đình khang trang nhà ngói sân gạch, vườn cau, ao cá, cây mít... “Phú quý sinh lễ nghĩa”, các lễ hội thờ cúng tín ngưỡng dân gian phát triển đền miếu đình chùa, ra đời luật tục làng xã. Đời trước truyền đời sau, xây dựng quê hương giàu đẹp tạo thành quần thể kiến trúc, hệ thống đình chùa không nguy nga quá cổ, khiêm nhường trong lũy tre xanh. Nơi đây, lưu giữ bao di sản văn hóa tinh thần người dân Việt. Nghi thức cầu cúng tín ngưỡng dân gian, nhiều phong tục tín ngưỡng thờ thần Hoàng làng, tục hội làng, hội lễ nghi thức nông nghiệp…Tục lệ làng quê đồng hành cùng bước phát triển làng nghề, thợ thủ công tạc tượng, chạm khắc, đúc tượng đồng, dệt lụa, vá may, rèn đúc sắt đồng nhôm, chế tác kim hoàn…Các nghề sinh ra vì nhu cầu con người, còn vì nghi lễ cầu cúng, tạc tượng thờ thánh, thờ thần, thờ các vị thần linh bảo hộ mùa màng gia súc, dân làng mạnh khỏe bình an. Phong tục, tập quán là môi trường ra đời, phát triển nhiều hình thức nghệ thuật dân gian phục vụ hội lễ, nghi thức cầu cúng.
1.2.Cơ sở xã hội.
Rối nước tồn tại cùng phong tục hội làng gắn với nghi thức sản xuất nông nghiệp, thông qua trò diễn phản ánh cơ sở xã hội rối nước. Những hình ảnh trò diễn: Tễu múa, Chèo thuyền, Rồng phun nước, Lân tranh cầu…thể hiện ý thức cầu mùa.
Những trò múa rối như chuyển lời nguyện cầu người nông dân đến các thần linh, cầu xin mùa vụ bội thu. Ý thức tâm linh trong nghệ thuật múa rối nước còn truyền lại lưu giữ tục lệ, nhiều phường trước khi diễn phải làm lễ xin phép ông tổ, thần Hoàng làng, các vị thần linh cho phép để buổi diễn hiệu quả bình an. Dù phần nghi lễ lâu nay đã mai một, nhưng ở đâu đó còn bảo lưu mối liên hệ thực tại với tâm thức người xưa. Ngày nay, rối nước bị thương mại hóa nhiều người đã quên đứt đoạn quá khứ không còn cơ sở xã hội, chỉ diễn mua vui, kinh doanh kiếm lời, doanh thu làm giàu từ rối nước. Rối nước hình thành trên cơ sở xã hội tín ngưỡng dân gian các làng nghề đồng bằng Bắc Bộ, tạc tượng thờ thần Hoàng làng, những người có công đức với nhân dân đến phong tục sinh hoạt sản xuất. Người nông dân làm con rối hình nhân thế mạng trong nghi thức cầu cúng, bù nhìn rơm đuổi chim bảo vệ mùa lúa hoa màu…Nhiều nhà nghiên cứu rối nước khá thống nhất nhận định khi người Việt còn tục thờ đa thần, vạn vật hiển linh, những tượng gỗ, bù nhìn, hình nộm xuất hiện trong nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo. Những con rối dần phát triển mang tính thần bí, người ta chế tác bộ máy điều khiển đơn sơ, lắp bánh xe đặt dây kéo con rối di động, thuyết giáo nhiều người mê tín kính lễ. Những trò rối ấy dần phát triển, ra đời nghệ thuật rối nước. Ngày nay, tục thờ cúng còn ghi tạc các phường rối trên mái đình làng quê. Tại chùa Thầy thờ ba ngôi tượng nhà sư Từ Đạo Hạnh, một trong nhiều chứng lý xác nhận nguồn gốc nghệ thuật rối nước. Nhưng rối nước còn ra đời theo nhiều giả định, truyền thuyết dân gian: Vào năm 255 trước công nguyên khi vua Thục Phán xây thành Cổ Loa, thuyết này chỉ muốn nói rối nước có lâu đời trong dân gian không coi là thật. Theo bằng chứng lịch sử khẳng định: Rối nước ra đời năm 1121, ghi tạc trên bia Sùng Thiện Diên Linh, chùa Đọi, huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Định. Rối nước được công chúng cùng nhiều nhà nghiên cứu trong nước, nước ngoài quan tâm nghiên cứu, sưu tầm. Theo một số giả thuyết nhà nghiên cứu: Pempano người Nhật Bản nói múa rối có nguồn gốc Ấn Độ du nhập sang Trung Quốc vào đời vua Cao Tổ năm 206 trước công nguyên (Nguồn truyền thuyết Bình Thành theo sách Tầu cổ: Nhạc phủ tạp lục). Còn theo Mông Lương Lục, quyển thứ 14 do Ngô Tử Mục viết thì múa rối Trung Quốc ra đời vào cuối Nhà Tống ( khoảng năm 990 đời vua Tống Thái Tông tương đồng vào Nhà Đinh bên ta). Trung Quốc có năm loại múa rối: Rối dây, rối que, rối thuốc pháo, rối người, (diễn viên giả làm con rối), rối nước. Đây theo truyền thuyết và một số giả thuyết các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam đưa ra, giả thuyết này không có chứng lý văn bia ghi tạc thuộc loại khái niệm giả dối. Nhiều chứng lý văn bia mái đình làng nói lên rối nước mang dấu ấn tâm linh người Việt, nghi thức tục lệ cầu cúng múa rối xuất hiện cùng văn hóa tâm linh.
Đó là nguồn gốc rối nước Việt Nam, hình thành từ tín ngưỡng tôn giáo, ra đời nghề tạc tượng ở các làng quê theo tục lễ hội, hội làng mỗi độ xuân sang. Nghi lễ thờ cúng biểu diễn rối nước theo đất lề quê thói sản xuất mùa vụ, hội làng, sau thành thú chơi phục vụ cộng đồng cư dân nông nghiệp. Rối nước nhanh chóng lan truyền từ làng nọ sang tổng kia, thành nghệ thuật vui chơi giải trí mang đậm nét dân gian người nông dân văn hóa làng xã.
1.3.Sự phát triển rối nước truyền thống.
Truyền thống một khái niệm kép. Truyền như một thói quen kinh nghiệm, trao lại thế hệ sau những tài sản thế hệ trước tạo dựng nên cơ nghiệp văn hóa làng xã, dòng tộc. Thống lưu giữ lại những kinh nghiệm sản vật tinh thần, vật chất tồn tại tiếp nối vào thế hệ tương lai.
Nghệ thuật rối nước truyển thống, là quá trình lưu truyền giá trị nghệ thuật dân tộc còn lại những tinh hoa văn hóa bản thể trò diễn rối nước Việt Nam từ đời này sang đời khác. Nghệ thuật rối nước truyền thống phát triển phong phú tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, từ kinh đô Luy Lâu ra đời các phường rối còn ghi lại trên nhiều mái đình chùa: Phật Tích, chùa Đọi, chùa Thầy, đình làng…Theo nghệ nhân phường rối vào thời hậu Lê, làng Đào Thục thôn đào Xá, huyện Yên Phong Bắc Ninh, nay là Đào Thục, Đông Anh Hà Nội, ông Đào Tướng Công, đỗ Thám hoa ( Tiến sỹ thời nay), có công tạo nghiệp rối nước. Ông được ghi danh, lập bia đá năm 1735 đời Lê Ý Tông. Tại nhà Truyền thống phường rối Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh còn thờ tượng Tổ trò rối của ông tại làng. Phường rối Bồ Dương, tỉnh Hải Dương lại ghi dấu trạm khắc trên mái đình làng thôn Bồ Dương, tư liệu nghề rối nước “truyền từ Bắc Ninh sang thôn Bồ Dương vào thế kỷ thứ XIV” (Tài liệu nghệ nhân phường rối ). Phường rối nước Bùi Thượng còn lưu trạm trên đình làng thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc, thờ tướng Nhà Lý mang tên hiệu: Đại Nguyên soái Trương công Tế. Đình làng này còn thờ vị tướng Trần Bình, người sử dụng con rối bù nhìn rơm đánh giặc Tống, ông được dân thờ phụng ghi công. Hiện nay, đình Bồ Dương còn giữ bức trướng cổ trạm khắc con rối Người cưỡi rồng, Tễu đấu vật. Đền chùa ở ba phương rối nước Hải Dương còn nhiều chứng tích nghệ thuật rối nước như đền Thanh Hải, huyện Thanh Hà, theo nghệ nhân kể lại, các hoành phi trạm khắc hình con rối, mùa lễ hội diễn rối nước. Tại chùa Thầy, tỉnh Hà Tây(Cũ). Chùa hiện còn thờ ba tượng phật: Từ Đạo Hạnh biểu tượng ba kiếp luân hồi của nhà sư. Bức tượng pháp bên trái, tay chân cử động như người. Tượng bên phải, tượng con rối biểu trưng Từ Đạo Hạnh hóa thành vua Lý Nhân Tông năm 1128-1138. Ngôi tượng chính giữa, thờ khi ông thành Phật pháp. Đây thêm bằng chứng nghệ thuật rối nước do nhà sư truyền nghề cho phường rối làng Ra (ra quân), tại huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây cũ…Nhà sư Từ Đạo Hạnh chính là : Ông tổ ngành rối nước Việt Nam, ngày nay nhiều phường rối còn tôn thờ nghề tổ.
Từ ông tổ rối nước chùa Thầy, tìm ra Hà Tây cũ có 05 phường rối nước: Tế Tiêu, Làng Ra, Tràng Sơn, Đông Bình, Bình Phú…Bắc Ninh 05 phường: Đống Ngư, Giáp Nhất, Bùi Xá, Thanh Long, Thịnh Lộc. Rối nước Thái Bình gồm 07 phường: Làng Nguyễn, Tây trong (Nam Ninh), Tây ngoài (Nam Ninh), Phường Tuộc, Duyên Tục, Đông Các, Kỳ Hội (Đông Hưng). Hà Nội 02 phường: Đào Thục- Đông Anh, Chùa Nành-Gia Lâm. Hải Dương 05 phường: Hồng Phong, Bồ Dương, An Liệt, Bùi Thượng, Lại Ốc. Hải Phòng 02 phường: Minh Tân làng Bảo Hà, Nhân Mục, Vĩnh Bảo. Nam Định 06 phường: Nam Chấn (làng Rạch), Nam Giang, Nghĩa Hưng, Chương Dương, Phường Nội Rối. (Làng Nội Rối Xã Bắc Lý, Huyện Lý Nhân-tỉnh Hà Nam), phường rối làng Rạch. Ninh Bình 02 phường: Trà Đính, Nội Khê. Tỉnh Vĩnh Phú có 01 phường: Liên Minh. Bắc Giang 01 phường: Rối nước Chùa Vẽ.Tỉnh Thanh Hóa 02 phường: Phường Trò Chuộc-xã Phú Lộc huyện Thiệu Hóa, phường Trò Mia, xã Quang Hạ, huyện Thọ Xuân. Riêng phường rối Trò Chuộc có tục sau mùa hội lễ diễn xong, con rối đốt hết để giữ bí mật, còn phường Trò Mia con rối cất tại chùa, không được mang về nhà. Nghệ An 01 phường rối nước Văn Lâm. Nghệ thuật rối
Nhà Thủy Đình Rối nớc Chùa Nành Gia Lâm-Hà Nội.
nước truyền thống suốt chiều dài lịch sử phong kiến Việt Nam từ Lý Trần đến năm 1945, theo con số sưu tầm chưa đầy đủ có 39 phường rối nước. Nhiều phường rối nước trải dài các tình từ quê hương vua Hùng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, đến Thanh Hóa, Nghệ An. Đây là diện mạo tổng thể các phường rối nước dưới những triều đại phong kiến Việt Nam, tồn tại phát triển khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đến đầu miền Trung tỉnh Nghệ An.
Qua hàng loạt viện dẫn dấu tích lịch sử các phường rối nước Việt Nam, khẳng định rối nước gắn liền với tục thờ cúng hội làng. Rối nước phát triển mạnh tại các làng quê Bắc Bộ, là loại thể văn nghệ dân gian trường tồn cùng lịch sử văn hóa dân tộc nhiều thăng trầm biến thiên theo vận nước.
1.4.Những suy tàn các phường rối.
Các phường rối nước suy vong sau năm 1945 đến 1985, đây là giai đoạn lịch sử nghiệt ngã, toàn dân tập trung một mục đích dành độc lập dân tộc. Đồng bào cả nước nổi dậy đánh đổ phong kiến đế quốc, cướp chính quyền về tay nhân dân, thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than, xây dựng đời sống mới.
Các phong tục lễ hội, cuộc sống hòa bình tan vỡ vào cuộc kháng chiến kiến quốc. Người nông dân sản xuất, đánh giặc bảo vệ quê hương, các phường rối theo xu thế lịch sử tan rã. Nhiều phong tục lễ hội, hội làng không còn cơ sở tồn tại bởi chiến tranh, kinh tế lạc hậu nghèo đói, múa rối không thể trình diễn trước hoàn cảnh xã hội rối ren khốn khó. Dù sau khi xây dựng chính quyền mới, Nhà nước kêu gọi bảo vệ văn hóa nghệ thuật dân tộc nhưng nhận thức sai lầm phiến diện với các hình thức văn nghệ dân gian cho là phong kiến tư sản thực dân cổ hủ, nhiều tục lệ bị bãi bỏ, nhiều hình thức nghệ thuật theo đó mà suy tàn. Bao làng nghề múa rối nước dần đi vào quên lãng, đình chùa bỏ hoang, hội làng tan rã, toàn dân lo đánh giặc, bảo vệ quê hương. Sau hòa bình năm 1954, vừa xây dựng lại đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến ngày 5-8-1964 cả nước bước vào cuộc chiến tranh mới. Miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, câu nói khẩu hiệu, thực chất kinh tế đói nghèo lạc hậu, Nhà nước chưa thể bao quát đến đời sống nhân dân. Người dân xứ Bắc xây dựng một đời sống cao thượng như những ông thánh, lấy tinh thần làm hành động sức mạnh duy lý phá vỡ nhiều lề thói tập tục tiền nhân. Sản xuất nông nghiệp thấp kém, hạn hán mất mùa, chiến tranh tàn phá đau thương trên khắp làng quê Việt Nam. Đồng bằng Bắc Bộ nơi cái nôi múa rối nước bao làng quê bị hủy diệt dưới mưa bom bão lửa, nghệ thuật rối nước không thể tồn tại. Mặt khác nhiều chủ trương chính sách cực đoan duy ý chí, đẩy nghệ thuật dân tộc cùng nhiều phong tục văn hóa lễ hội, hội làng vào một rọ chống mê tín dị đoan, múa rối theo đó mà bại vong.
1.5.Phường múa rối nước phục hồi sau đổi mới
Miền Bắc dưới các triều đại phong kiến có gần 40 phường múa rối nước hoạt động tồn tại cứ mai một dần, chỉ còn năm bảy phường lâu năm cố giữ nghiệp tổ. Các phường múa rối nước bị nhiều sức ép suy vong:
Chiến tranh tàn phá làng quê.
Đời sống kinh tế nghèo đói.
Chủ trương chính sách cực đoan, làm bại vong tập tục văn hóa dân tộc.
Thời bao cấp từ năm 1954 đến 1985, do nhận thức sai lầm các cấp lãnh đạo đưa ra chính sách cực đoan, xóa bỏ nhiều phong tục văn hóa dân tộc cổ truyền làm mất nền tảng xã hội nghệ thuật văn nghệ dân gian. Phải sau đổi mới 1986, mới nhận thức lại giá trị di sản văn hóa nghệ thuật dân tộc, nhiều phường múa rối theo đó phục hồi sống dậy.
Theo nghệ nhân kể lại một số phường rối vượt qua nhiều khó khăn thách thức không đứt đoạn giữ đường, nhưng số ấy không nhiều. Sau đổi mới, các phường rối phục dựng cùng lễ hội, hội làng, phong tục văn hóa làng xã làm cơ sở xã hội phát triển rối nước. Các phường rối nước phục hồi sau đổi mới:
Phường Đống Ngư Thuận Thành, Bắc Ninh.
Phường rối Hà Tây cũ: Tế Tiêu, Phường rối làng Ra-Chùa Thầy.
Phường rối Hải Dương: Phường Hồng phong, Phường Thanh Hải, Phường Bùi Thượng huyện Ninh Giang, phường Bồ Dương xã Hồng Phong, Ninh Giang.
Phường rối Thái Bình: Phường Làng Nguyễn ( xã Nguyên Xá), phường Đống-xã Đông Các- huyện Đông Hưng.
Phường rối Hải Phòng: Phường Nhân Hòa-huyện Vĩnh Bảo, MinhTân-Vĩnh Bảo.
Phường rối Hà Nội: Đào Thục-Đông Anh.
Phường rối Nam Định: Làng Rạch-xã Hồng Quang, Nam Chấn- huyện Nam Trực, Phường rối Nghĩa Trung-Nghĩa Hưng, Phường Nam Giang- Nam Trực.
Những phường rối phục hồi sau đổi mới khoảng gần 20 phường, đến nay còn 06 phường hoạt động biểu diễn doanh thu thường xuyên tương đối ổn như phường rối: Đào Thục- Hà Nội, Đồng Ngư Bắc Ninh, Nhân Hòa, Tân Minh-Hải Phòng, Làng Nguyễn-Nguyên Xá-Thái Bình, Phường Làng Rạch (Nam Chấn)-Nam Định. Còn lại nhiều phường rối nước sống lay lắt, hoạt động cầm chừng, nhiều nơi mong đợi nguồn lực tài trợ. Các nguồn ngân sách Quỹ Phor, kinh phí địa phương…nay đã cạn kiệt. Nguyện vọng nhiều nghệ nhân, các phường rối nước mong muốn hy vọng có bước đột biến phục dậy nghệ thuật rối nước truyền thống. Dù nhiều năm liền, Bộ Văn hóa Thông tin Thể thao & Du lịch tổ chức những cuộc Liên hoan các phường rối nước nhưng con số tham dự mỗi năm giảm dần. Năm 2011 nhiều nhất 18 phường tham gia Liên hoan múa rối, có 14 phường rối nước, lần sau con số các phường giảm dần. Nhiều phường rối chưa thể tìm đầu ra tự chủ doanh thu, tồn tại bền vững.
2.Sân khấu múa rối nước.
Sân khấu nhà Thủy Đình trong nhà có buồng trò chuẩn bị biểu diễn. Sân khấu lấy mặt nước ao trước đình làng làm sàn diễn, nơi con rối thể hiện trò múa rối nước. Mặt nước là lực cản, lợi dụng sức nước trợ giúp con rối phát huy hành động diễn trong cảnh quan môi trường nghệ thuật dân gian làng xã. Sân khấu rối nước loại hình nghệ thuật biểu diễn ngoài trời, khoảng cách giới hạn người xem là buồng trò với không gian biểu diễn.
Sân khấu rối nước hoàn chỉnh bằng nghệ thuật trang trí khi khai cuộc, làm cổng chào, cờ hoa đồ hàng mã. Sức sống sân khấu rối nước bừng lên trong mối quan hệ tổng hợp trang trí, âm nhạc, quân rối ra trò. Ranh giới sân khấu xác định bằng lớp mành che buồng trò, ngăn sàn diễn, quân rối, người diễn viên với người xem. Sân khấu rối nước còn tạo niềm hưng phấn bật cờ, xuất hiện quân rối, cổng chào ( tục gọi Cửa sóc), nơi con rối diễn. Nhiều phường bố trí con rồng từ dưới chui lên phun nước, phường lại cho hai chú lân leo lên hai cột cổng trào phun khói tạo hào khí đêm diễn mờ ảo hấp dẫn kỳ ngộ. Đâu biết, lối sì khói thời hiện đại? Không ai ngờ lại sinh sau sân khấu rối nước cổ Việt Nam.
Buồng trò, nơi nghệ nhân, diễn viên ẩn mình điều khiển con rối, cất con rối chuẩn bị diễn trò. Buồng trò nằm trong nhà Thủy Đình, một kiến trúc quần thể di tích hài hòa không gian sân khấu rối nước với môi trường xung quanh ao làng, người xem thoải mái phóng khoáng nơi thôn dã. Không gian buồng trò, một căn nhà tám mái chồng lên như hộp diêm, mái cắt thành hai phần, giữa khoảng không cao gấp đôi thân nhà. Mái nhà cấu trúc tám đầu đao cong lên nhẹ nhàng, bay bổng thanh thoát. Nền buồng trò gồm bốn cột đỡ mái trên cao, nhiều cột đỡ mái dưới. Nền buồng trò hai bên cao hơn mặt nước, tường che ba bên kín để cất con rối, đôi khi ngồi nghĩ trước khi diễn. Nền buồng trò gian giữa, ngập nước sâu dốc ra phía người xem, hai mặt trước trống không, khi diễn treo mành che kín không nhìn thấy nghệ nhân điều khiển con rối.
Sân khấu rối nước cổ, nhà Thủy Đình trước ao đình làng. Vào những năm 30 đầu thế kỷ XX, một số phường làm sàn diễn bằng thùng gỗ đến giữa những năm 60 thay bằng bồn nước ni lông, sang đầu thế kỷ XI, buồng trò làm giả nhà Thủy Đình bằng tre gỗ, thuận lợi di chuyển đến nơi diễn mới. Đây những biến đổi sân khấu rối nước, cần quan tâm nghiên cứu sân khấu rối nước dân gian để bảo tồn, phát triển sân khấu dân tộc trước cuộc sống mới.
2.1.Quân rối.
Quân rối những nhân vật chủ thể sàn diễn rối nước dân gian, nơi làng quê ẩn chứa nhiều nét văn hóa nghệ thuật dân tộc. Quân rối, hay con rối tùy cách gọi không nhất thiết phải gọi tên quân rối.
Quân rối là cách gọi tượng thánh. Quân rối còn biến nghĩa là những đội quân trong tay người điều quân, khiển tướng bằng con rối ra trình làng góp vui lễ hội. Con rối, quan niệm những vật dụng tượng gỗ, chất dẻo, vải giấy, sợi tơ…tạo thành nhân vật sân khấu do người điều khiển diễn tích trò. Con rối tạo hình trên những mô phỏng hình mẫu thực tiễn cuộc sống: Búp bê, chim, bướm, trâu gà…làm đồ chơi trẻ em. Con rối đồ chơi, con rối múa rối khác nhau. Con rối múa rối là nhân vật sân khấu tạo hình theo tích trò diễn, mỗi nhân vật một tính cách mang tính đặc tả nghệ thuật dân gian, con rối khắc họa ấn tượng kỳ ngộ.
Tính kỳ, con rối không giống hiện thực cuộc sống nhưng lại cảm thấy hình ảnh ấy, ngồ ngộ như thật mà không thật. Tính ngộ, hình dáng con rối không đúng kích thước cơ thể người: Đầu to, Thân ngắn, tay chân bé… nhìn ngộ nghĩnh cảm giác lạ, không trán mắt. Nghệ thuật chế tác con rối nằm trong ba bộ phận bí truyền nghề thủ công dân gian:
Nghệ thuật tạo hình con rốí-Tính dân gian kỳ ngộ.
Bộ máy kỹ thuật điều khiển hành động con rối tinh xảo.
Chất liệu tạo hình tính cách nhân vật rối.
Mỗi nhân vật rối mang bí mật riêng trong các bộ phận lắp máy. Phần đế nhân vật rối chìm dưới nước, nơi bộ máy điều khiển, phần thân nổi xoay chuyển cử động tạo ngôn ngữ hành động diễn của nhân vật rối. Một số phường xưa làm con rối to như người, các nghệ nhân tính toán làm bàn để chìm cân bằng để con rối nổi không bị đổ, một bí truyền theo kinh nghiệm nghệ nhân dân gian. Chế tác con rối là nghệ thuật khéo tay, kinh nghiệm trí tuệ nhân gian tạo ra môn nghệ thuật duy nhất đồng hành với công chúng mọi thời đại.
Nghệ thuật chế tác bộ máy điều khiển con rối bằng hai loại máy, máy dây, máy sào là một phát minh khoa học thời văn minh nông nghiệp phong kiến Việt Nam. Từ hai loại máy cơ bản, nghệ nhân chế tác các hình thức máy kìm, máy ngang hoàn chỉnh bộ máy điều khiển con rối cử động tinh xảo như người diễn viên. Hoàn thiện nghệ thật chế tác con rối đưa lên sân khấu mặt nước diễn tích trò, mang lại giá trị nghệ thuật múa rối nước độc đáo dân gian Việt Nam.
2.2.Nghệ thuật diễn tích trò rối nước.
Tích trò, một khái niệm kép, gồm tích và trò diễn rối nước. Tuy vậy, một số tiết mục có tích, số khác chỉ là trò diễn chưa phải tích. Tích: Tiết mục có tình tiết cốt truyện trong điển cố văn học như tiết mục rối: Thạch Sanh Lý Thông, Lê Lợi trả gươm, Đinh Tiên Hoàng bình thập nhị xứ quân, Trận Sông Lô, Lam sơn khởi nghĩa, Hai Bà Trưng… Những tiết mục là trò diễn: Bật cờ, Tễu múa, Đi cày, Đi cấy, Đánh bắt cá, Câu cá, Câu ếch, Chèo thuyền, Lân tranh cầu…Nghệ thuật diễn tích trò, tạo hình con rối gây ấn tượng thành công bên ngoài nhân vật rối, sau đó đưa người xem vào thế giới nội tâm con rối.
Con rối diễn giỏi là nghệ thuật điều khiển hành động diễn của nghệ nhân, qua hệ thống vận hành bộ máy điều khiển, chế tác con rối. Con rối là nhân vật chủ đạo sân khấu, con rối như người “diễn viễn” diễn tích ra trò sân khấu. Khởi thủy trò diễn rối nước, rối cạn xưa diễn theo ngôn ngữ múa dân gian. Con rối ra trò sử dụng động tác hình thể, nghệ thuật diễn mô tả tích trò, không lời thoại. Hiện nay, các phường còn diễn hàng chục, cả trăm trò rối không lời thoại như Tễu múa, Đi cày, Đi cấy, Đánh cá, Trọi trâu, Múa lân, Múa rồng, Nhi đồng hý thủy, Bắt vịt…Nhiều trò rối đến nay diễn không lời.
Qua sưu tầm có thể bố cục các loại trò múa rối nước xưa:
Diễn trò nông: Cày bừa, Đi cấy, Dệt cửi, Trâu chui ống, Sỹ nông công thương…
Diễn trò ngư: Câu cá, Kéo vó, Câu ếch, Đánh cá, Xiếc cá, Riu tôm…
Truyền thuyết nhân vật lịch sử: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi trả gươm, Hai bà Trưng, Đánh trận Sông Lô…
Trò du hý: Múa Bát tiên, Nhi đồng hý thủy, Kéo co, Chọi trâu, Múa lân, Chèo thuyền, Đu tiên…
Các trò diễn bằng ngôn ngữ động tác, không lời thoại. Phương thức trình diễn này, là nghệ thuật rối nước Việt cổ đã chạm đến các hình thức nghệ thuật hậu hiện đại: Múa Biểu cảm, Kịch Hình thể, Kịch câm…mang ký hiệu học tín hiệu thông tin nghệ thuật thế kỷ XXI, chẳng tự hào lắm sao?
Nhân vật rối, khắc họa nhiều hình tượng có thật trong đời sống cư dân nông nghiệp như con cá, con ếch, con trâu, con vịt, hình ảnh người nông dân lam lũ đi cấy, đi cày, đánh bắt cá, chăn nuôi, làm nghề nông. Một số nhân vật mang biểu tượng, biểu trưng thiện ác, từ chùa thờ ông thiện ông ác. Một số nhân vật khác mang ý tưởng cầu mong mơ ước hạnh phúc an lành, thờ tứ linh thành trò diễn Long, Ly, Quy, Phượng. Nhân vật rối mang ước nguyện người nông dân ở hiền gặp lành, giàu lòng nhân ái vị tha, chú Tễu là biểu tượng nhân vật đa nghĩa.
Nhân vật rối là một nét khắc họa phiến diện không phong phú hoàn thiện tính cách nhân vật sân khấu, vì thế rối nước là nghệ thuật trò diễn. Trải gần ngàn năm hoặc hàng ngàn năm bởi múa rối nước khi ghi tạc trên văn bia Sùng Thiện Diên Linh, là nghệ thuật tinh xảo mang tính chuyên nghiệp. Vậy trước đó, múa rối nước có quá trình từ các phường múa rối dân gian lên ngang tầm chuyên nghiệp vào cung diễn mừng thọ vua, sau mới ghi tạc trên văn bia. Vào thời ấy, múa rối phát triển cao biết kết hợp rối nước diễn với rối cạn mà chúng ta mãi đến năm 2000, kết thúc thế kỷ XX mới tìm ra lối diễn phong phú từ một số vở rối, nhiều người xem như một thử nghiệm mới lạ. Xin hãy đọc lại lời chú trên văn bia chùa Đọi Năm 1121:
"Dòng sông gợn sóng. Một con rùa vàng mang trên mình ba quả núi. Nó bơi thư thả trên mặt nước rồi phun nước như mưa. Trong tiếng nhạc êm đềm, những cánh cửa của các hang động mở ra. Thế là các nàng tiên xuất hiện, múa điệu Hồi phong". Họ giơ những cánh tay mềm mại, nhíu cặp mày dài duyên dáng, nhịp với lời ca. Những con chim lạ bay đến, đậu từng đàn rồi thi tài nhảy nhót. Những chú hươu non tung tăng... Rùa vàng nhìn về phía nhà vua cúi đầu kính bái. Những bác tiều phu giương cung bắn thú v.v.."
Qua đoạn trích dẫn chứng minh múa rối thời Lý, kỹ thuật tạo hình con rối cùng bộ máy điều khiển tinh xảo. Nghệ thuật rối nước có bước tiến dài từ dân gian tiến gần mức chuyên nghiệp, thành phường hội vào cung vua biểu diễn. Quá trình ấy, là thời gian dài múa rối nước hình thành, phát triển ở thôn quê làm thú vui hội lễ. Đọc kỹ đoạn trích sau: “…Thế là các nàng tiên xuất hiện, múa điệu Hồi phong". Họ giơ những cánh tay mềm mại, nhíu cặp mày dài duyên dáng, nhịp với lời ca. Những con chim lạ bay đến, đậu từng đàn rồi thi tài nhảy nhót. Những chú hươu non tung tăng,Chim phượng có sừng hợp thành đôi. Tất cả đều múa phô diễn.” Đoạn văn này mô tả cảnh múa rối cạn trên bờ, còn đoạn văn trước mô tả diễn rối nước dưới mặt nước động. Hai đoạn văn trên cho thấy vào thời Lý, nghệ nhân đã trình diễn rối nước, rối cạn hài hòa tinh xảo, thơ mộng huyền ảo. Ngày nay, khó thấy cảnh diễn nào vượt qua nghệ thuật dân gian kinh điển nghệ nhân thời xa xưa.
Nghệ thuật diễn múa rối nước xưa, không đạo diễn sắp xếp chương trình tiết mục. Nghệ nhận tùy hứng xếp trò theo kinh nghiệm, thói quen đưa ra trình diễn hội làng. Nghệ nhân hiểu nghệ thuật diễn rối nước phiến diện, người giỏi trò này, người diễn hay trò kia, không toàn diện. Nghiệp múa rối nước các làng nghề của đàn ông, phụ nữ không xuất hiện ca múa, biểu diễn. Bằng nhiều lý do, công việc nặng nhọc khó khăn, dư luận xã hội…phụ nữ không đảm nhiệm nghệ thuật múa rối.
2.3.Văn học .
Văn học múa rối nước xuất hiện khoảng cuối thế kỷ XIX, khi tuồng chèo chiếm lĩnh công chúng, múa rối nước ảnh hưởng lời chèo vào Tễu giáo trò. Qua nghiên cứu, sưu tầm chưa thấy lời trò bằng văn bản học. Lời chỉ do nghệ nhân thuộc lòng truyền miệng nhớ để diễn.
Gia tài văn học rối nước chỉ còn số ít lời giáo trò, nhiều phường rối diễn không lời thoại, hay dẫn giải. Nghệ thuật rối nước truyền thống chỉ diễn trò, không kịch bản văn học. Những lời giáo trò là văn biền ngẫu, thơ lục bát, một số lời hát chèo, tuồng trong tiết mục diễn trò tuồng hay chèo. Lời văn học mục đích đặt ra dẫn trò vào tích truyện, không nhiều lời. Văn học múa rối nước truyền thống không kết dính hài hòa một tích trò bằng văn học, chưa trở thành một thể loại văn học sân khấu. Đây một đặc điểm văn học rối nước nghệ nhân, diễn trò không lời, còn văn học chưa chiếm vị trí trong tích trò múa rối dân gian. Lời văn học chỉ đóng vai trò hỗ trợ động tác hình thể con rối, nhân vật rối không đối thoại, hát nói như người diễn viên chèo. Nhiều người mới biết cái ngọn múa rối nước phát triển từ năm 1956, đến 1986, là quá trình theo hướng kịch nói hóa rối nước, rối cạn. Thấy con rối đi lại, hát nói như người diễn viên hành động diễn tự cho quá tài giỏi, thực tế họ đã dánh mất bản thể rối nước là nghệ thuật biểu tả diễn kể bằng ngôn ngữ hình thể con rối, không lời trò, lời dẫn.
Mở đầu rối nước là trò diễn múa rối, văn học rối nước do du nhập từ chèo vào không thành lời diễn tích trò. Văn học rối nước chưa ghi chép thành văn bản học trong nghệ thuật múa rối, còn truyền miệng theo phương thức dân gian. Văn học còn tồn tại mang tính truyền miệng nghệ nhân dân gian lưu lại trong một số trò diễn múa rối nươc.
2.4Âm nhạc.
Âm nhạc các phường rối xưa chỉ đơn giản lấy bộ gõ mở đầu tạo không khí đêm diễn, gọi mời khán giả đến xem, chưa tham ra vào các tiết mục diễn tả nội tâm nhân vật rối. Dàn nhạc phổ biến từ chèo du nhập vào, có nơi thêm thanh la, não bạt, chiêng mõ. Dàn nhạc chèo, bộ hơi: Sáo ngang, kèn bóp. Bộ dây: hồ, nhị hoặc đàn tranh, tam, lứu. Bộ gõ: Trống cái, trống trung, trống con, thanh la… Âm nhạc hòa tấu dàn nhạc theo bè tòng (các nhạc khí đánh chung một giai điệu), mạnh ai tự tung hứng, không chỉ huy bẻ nhịp, vào ra âm lượng tùy hứng. Tuy nhiên họ có luật, người gõ trống, hoặc đánh phách ra hiệu dồn trống, tung phách hết câu đánh to hơn, hoăc sẽ nghỉ để ông trùm khai cuộc. Hòa tấu nhạc đàn phổ biến dàn nhạc chèo thường các nhạc khí: Nhị, sáo, đàn nguyệt, trống con, mõ, sênh tiền…Nếu rối tuồng, nhạc thay bằng kèn bầu nhưng ít xuất hiện khi diễn rối nước, tính phổ biến dàn nhạc chèo. Sau năm 1956, dàn nhạc trong trò diễn rối nước phần nhiều hát làn điệu chèo, dàn nhạc tạo không khí. Dàn nhạc rối nước hòa tấu nhạc không lời mang tính biểu đạt, là phát triển làm mới rối nước cổ truyền sau này. Âm nhạc rối nước xưa hòa tấu chỉ đánh tòng những bản nhạc chèo, hay Lưu thủy, Kim tiền. Một số trò diễn có hát chèo hoăc tuồng, nhưng ít diễn, chủ yếu diễn trò múa rối không lời. Âm nhạc rối nước tại các phường múa rối dân gian xưa lấy dàn nhạc tạo không khí đêm diễn, giữ nhịp điệu nhanh chậm sân khấu, đánh nhạc góp vui lúc giải lao giữ công chúng ở lại xem tiếp, hoặc báo hiệu mở màn, vào trò diễn. Âm nhạc tạo không khí trò diễn, không âm nhạc con rối sẽ vô hồn tẻ nhạt. Âm nhạc chưa tham ra diễn tả nội dung tích trò, hay tình cảm nhân vật rối nước, nhưng giữ vị trí đường dẫn cảm xúc không khí nghệ thuật. Âm nhạc múa rối nước tồn tại phi văn bản dưới dạng dân gian như trò múa rối nước, những điều nhiều người thấy âm nhạc diễn tả nhân vật, hay trò rối là giai đoạn phát triển rối nước. Đây những sai lạc, thất truyền âm nhạc múa rối nước khi lên chuyên nghiệp.
2.5.Nghệ nhân.
Người hành nghề múa rối theo năng khiếu sở thích, học hỏi kinh nghiệm trưởng thành tài năng một nghệ. Ngày xưa gọi là sáng dạ “học lỏm” không qua đào tạo cơ bản, một số con cháu hiếu thảo mới được truyền lại kinh nghiệm diễn trò hay tạo hình con rối, hoặc chế tác bộ máy điều khiển trò diễn con rối.
Nghệ nhân trưởng thành qua kinh nghiệm, làm tùy hứng bản năng thường giỏi phiến diện một môn, không toàn diện. Người tài tạo hình trạm khắc, ông giỏi chế tác bộ máy điều khiển một số trò…Nhiều nguyên lý chế tác máy, kinh nghiệm điều khiển nghệ thuật diễn con rối bị thất truyền. Nhiều nghệ nhân ngày nay biết mô tả một số trò nhưng không thể chế tác bộ máy, mắc dây, cách điều khiển dựng lại trò diễn, nên hàng trăm trò rối nước xưa bị thất truyển không thể tìm lại. Tư tưởng dấu nghề còn nặng bởi lời thề độc: “Ai làm lộ bí mật nghề, sẽ chết một đời cha, chết ba đời con”. Nghệ nhân hành nghề lâu năm nhưng không lấy làm kế doanh thu tồn tại, chỉ hoạt động nghiệp dư, không tập luyện, tùy hứng diễn vào dịp đầu xuân hội làng, xong mùa vụ gác trò đi cày cấy. Đây một lý do, nghệ thuật múa rối nước mãi mãi là dân gian không tiến xa lên chuyên nghiệp.
Múa rối nước xưa không cần hát nói vào tích trò, tự trò diễn con rối biểu tả nội dung. Vào những năm cuối thế kỷ XX có tục thày tuồng, người đứng sau cánh gà nhắc vở hoặc trò, khoảng thời gian chèo Nguyễn Đình Nghị ra đời vào năm 1920. Múa rối có người dẫn trò, hoặc hát theo do thày tuồng đứng trong buồng hát nói. Thày tuồng người có học, biết hát làm thay diễn viên. Vào năm 1956, thế kỷ XX(như đã dẫn ở trên), nhiều phường rối phục hồi lối diễn mới đưa hát nói, thoại lời văn học cho nhân vật rối diễn. Những đoàn múa rối chuyên nghiệp, góp phần đưa rối nước truyền thống kịch nói hóa tiến xa nguồn cội. Ông Trần Văn Nghĩa phải lên tiếng qua bài: Xây dựng một nền múa rối thực sự Việt Nam- Tập san Viện Nghệ thuật- năm 1976, đoạn viết: “ Ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, người xem chưa thỏa mãn, thậm chí có người còn cho rằng nghệ thuật múa rối của Đoàn Múa rốiTrungW, mỗi lần biểu diễn còn chịu ảnh hưởng của nước ngoài quá nhiều”…(Trang 77-Tập san Mấy Vấn đề nghệ thuật múa rối Việt Nam). Hình thức làm mới truyền thống múa rối nước cổ truyền, người xem tinh ý quan sát sẽ phát hiện thấy nhiều khi lời thoại nói tâm trạng nhân vật đau khổ, buồn nhớ… mà mặt con rối lại tỉnh bơ vô cảm. Thật sai lầm đưa hát nói vào trò diễn rối nước của nghệ nhân dân gian. Các trò diễn múa rối nước nên sử dụng hòa tấu dàn nhạc, giảm bớt hát chèo, lời dẫn giải trò.
Nghệ nhân xưa chỉ chuyên tâm công việc điều khiển động tác con rối diễn, không ai lo lời thoại trong trò. Rối nước dân gian hấp dẫn bởi cái kỳ ngộ tự kể lại tích trò, ngây ngô không đích đến chỉ kết trò mới hay. Con rối nghệ nhân, cặp đôi chủ đạo sân khấu diễn rối nước cùng tập tục làng quê đậm nét sinh hoạt dân dã, phường hội làng xã. .
2.6.Tổ chức phường múa rối nước:
Tổ chức phường hội múa rối nước dân gian, một hình thức hoạt động biểu diễn rối nước, không doanh thu, không hoạt động chuyên nghiệp.
Dù là một tổ chức xã hội, gồm một nhóm người cùng mục đích chí hướng, họ chịu sự phụ trách một ông Trưởng cai quản mọi hoạt động của phường. Mọi người có nghĩa vụ quyền hạn tuân theo ông Trưởng phường, nhưng quyền lợi lại không đáng giá. Quyền lợi những người tham ra sinh hoạt phường, giá trị lớn nhất là tinh thần. Mỗi thành viên hưởng quyền lợi từ phường, được tham diễn múa rối, họ có một chút chỗ ngồi ưu ái trong làng là người đáng trọng.
Quyền lợi biểu diễn góp vui hội làng, nghĩa vụ phải học hỏi kinh nghiệm làm nghề diễn rối nước. Dù không luyện tập
thì mỗi lần diễn, là dịp học hỏi nghề rối nước. Nhờ những học hỏi kinh nghiệm truyền nghề, nghệ thuật múa rối nước còn lưu truyền từ thế hệ này sang lớp trẻ tương lai. Múa rối nước mang tính bí truyền từ thực tiễn hoạt động các phường rối dân gian, không học tập nâng cao, không truyền dạy bài bản…Tổ chức các phường theo gia truyền, giữ bí mật nghề. Thường tổ chức phường theo quy cách:
Gia đình lập phường múa rối.
Anh em, con cháu tộc họ trong nhà.
Sinh hoạt các phường rối dân gian xuất thân từ nghệ thuật dân gian, các quy ước chỉ nói miệng không văn bản. Sang thời phong kiến thuộc Pháp, một số phường ông Trưởng có sổ tay ghi chép công việc sự vụ. Mọi ghi chép các đầu việc, không ghi chép điều luật sinh hoạt, các quy ước phường. Ông Trưởng làm việc theo kinh nghiệm dân gian tùy hứng, không quy định thành văn các sinh hoạt phường, nội dung nghệ thuật… Một số phường lớn, thêm ông phó phụ trách các việc phụ đôn đốc, nhắc nhở mọi người hoạt động theo kế hoạch ông Trưởng. Mọi hoạt động các phương rối theo phương thức dân gian, đến nay chưa thay đổi bao nhiêu. Một số phường thêm một phó, hoặc hai phó phường. Thường mỗi phường chỉ một phó nếu thêm hai, Phó thứ nhất phu trách hành chính. Phó thứ hai phụ trách kỹ thuật buổi diễn.
Quá trình hoạt động nghệ thuật múa rối nước truyền thống, là trò diễn dân gian, không có xướng, không lời thoại, không cốt truyện kịch bản văn học. Đỉnh cao các tiết mục múa rối nước, là trò diễn mang tình tiết nội dung nhân vật lịch sử hay truyền thuyết, huyền thoại trong điển cố văn học. Múa rối nước xưa, không có vở diễn, chỉ tồn tại phường rối diễn các trò theo phương thức dân gian. Nhiều loại trò diễn đề tài tâm linh, sản xuất nông nghiệp, nhân vật lịch sử, vui chơi du hý. Nhân vật múa rối nước phản ánh hiện thực đời sống xã hội người nông dân làng quê, đồng bằng Bắc Bộ. Các hình thức trình diễn rối nước truyền thống xưa sân khấu ngoài trời, nhà Thủy Đình là buồng trò, sàn diễn trên mặt nước ao làng. Nhân vật chủ thể sân
Múa Tiên-nâng cao-Nhà hát Múa rối Thăng Long.
khấu con rối diễn trò và tích trò, phản ánh sinh hoạt người nông dân, tín ngưỡng lễ hội, lao động vui chơi. Nội dung các loại đề tài:
Đề tài tâm linh, các trò mang nghi lễ cầu cúng: Long Ly Quy Phượng, Chạy đàn, Hát văn (phường rối Làng Đống)…
Đề tài lao động: Sản xuất nông nghiệp: Xay thóc, Giã gạo, Chăn vịt, Đi cày, Đi cấy, Đi bừa, Nhổ mạ, Sỹ nông công thương…
Đề tài vui chơi: Đu tiên, Kéo co, Đánh vật, Múa tiên, Leo dây…
Nội dung đề tài gắn với hiện thực đời sống xã hội hoạt động văn hóa vật chất, tinh thần người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Sân khấu ngoài trời một nét sinh hoạt thôn dã dân gian của người lao động gắn mình vào thiên nhiên, nghệ thuật hòa hợp thân thiện môi trường làng xã dân quê. Nhà Thủy Đình, Chú Tễu thành biểu tượng nghệ thuật múa rối nước mang bản sắc văn hóa nghệ thuật dân tộc vượt qua mọi thời đại. Múa rối nước chinh phục du khách nước ngoài bởi sự hồn nhiên, kỳ ngộ từng trò diễn mang đặc trưng hồn quê Việt trong hệ thống cấu trúc nghệ thuật sông nước vùng đồng bằng các miền quê hương Việt Nam.