Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
921
123.366.763
 
Diệp Minh Châu , Con người bẩm sinh là nghệ sĩ
Lê Phú Khải

Con người bẩm sinh là nghệ sĩ (L'homme est par nature un artiste) GOÓC - KI

 

Lời Tác Giả

 

Trong lễ viếng họa sỹ - điêu khắc gia Diệp Minh Châu tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.HCM - 81 đường Trần Quốc Thảo (14/7/2002), lúc ngồi với các bạn văn nghệ sỹ thành phố, tôi chợt nhớ ra… Cách đây 5 - 6 năm, lúc còn rất mạnh, ở 222 đường Pasteur, họa sỹ có  đưa  tôi tập hồi ký viết tay của ông. Tôi vội vã phóng xe về nhà …

 

May quá ! Chỉ sau ít phút tôi đã tìm ra tập giấy khổ rộng 10 trang viết tay, dập xóa, vòng ra ngoắc vào, nhưng nét chữ thì hào hoa phóng khoáng …

 

Cuộc đời và sự nghiệp vô cùng cảm động, hào hùng của người nghệ sỹ  "tử vì đạo" này chỉ được ông kể ngắn gọn trong 10 trang giấy !

 

Trong đời sống nghệ thuật của dân tộc ta nửa cuối thế kỷ 20 hiếm có sự nghiệp nào lại gắn bó máu thịt với vận mệnh của đất nước, của cách mạng như cuộc đời và sự nghiệp của hoạ sỹ Diệp Minh Châu. Tôi rất tâm đắc với một bạn trí thức thành phố đã lưu bút trong sổ tang : "Cuộc đời, tác phẩm, nhân cách của ông lớn lên theo dòng lịch sử, ông là chứng nhân của thời đại chúng ta " (Mai Quốc Liên).

 

Vì lẽ đó tôi muốn ghi lại đôi điều về họa sĩ Diệp Minh Châu để tỏ lòng kính trọng và tự hào rằng, đất nước ta, nhân dân ta từng có những người nghệ sỹ như thế, như Diệp Minh Châu.

 

Tân Bình 8 - 2002

 

HỌA SỸ CỦA MỘT HUYỀN THOẠI

 

Sau 80 năm mất nước, ngày 2.9.1947 nhân dân Nam Bộ đã mở một  hội chợ mừng lễ độc lập rất long trọng tại xã Thiên Hộ trong chiến khu Đồng Tháp Mười. Tại hội chợ đó, họa sỹ Diệp Minh Châu trưng bầy một triển lãm gồm 80 bức tranh ông sáng tác trong vòng một năm dự hơn 10 trận đánh của quân dân ta, trong đó có chiến thắng Vàm Nước Trong ở Bến Tre (18-2-47) và trận thắng vang dội Giồng Dứa gần Mỹ Tho, (24-4-47) tiêu diệt 11 xe cơ giới của địch. Giữa 80 bức tranh đó là một  tượng Bác Hồ do ông mới nặn. Lễ cắt băng triển lãm có Lê Duẩn, xứ ủy Nam Kỳ, Phạm Văn Bạch, Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ, Trần Văn Trà khu trưởng khu 8 …. và đông đảo bà con dự.

 

Sau khi nghe lời ''Tuyên ngôn độc lập" thống thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời ca "Hồ Chí Minh muôn năm" của đoàn thiếu sinh Nam Bộ giữa cảnh mênh mông trời cao gió lộng của chiến khu Đồng Tháp Mười, cảm xúc dâng trào, trái tim như bốc cháy một ngọn lửa thiêng… họa sỹ Diệp Minh Châu đã lấy dao cắt máu bên cánh tay trái và lấy ngón tay út để vẽ bức tranh Bác Hồ với ba em bé Trung Nam Bắc. Máu cứ chảy và ông vẽ đến 10 giờ đêm hôm đó mới xong. Sau này, có lần ông kể với tôi - người đang viết cuốn sách này - rằng, hai mắt của bác Hồ trong tranh chính là hai cái chấm máu từ đầu ngón tay út của  họa sỹ. Ông muốn mang dòng máu  của mình đi thẳng vào tranh mà không qua cây cọ ! Để giữ cho tranh khỏi bị côn trùng phá hoại vì nó được vẽ bằng máu, ông đã phun phoóc - môn lên tranh, một thứ hoá chất chống được côn trùng.

 

Vẽ xong tranh, Diệp Minh Châu đã điện một bức thư cho Bác Hồ :

 

Kính gửi cha già Hồ Chí Minh

 

Kính cha,

Từ hai năm nay, tin cha, vâng theo tiếng gọi của cha, con đã đưa nghệ thuật của con, nhảy vào hàng ngũ Vệ Quốc Đoàn khu 8, Cách Mạng tháng 8 mà cha già lãnh đạo, đã giải phóng cho nghệ thuật của con. Hôm nay trong cảnh vĩ đại của ngày lễ độc lập chưa từng có ở Nam Bộ, sau khi nghe lời "Tuyên ngôn độc lập" của cha, lời kêu gọi thống thiết hùng mạnh của cha, và lời ca " Hồ Chí Minh muôn năm " của đoàn thiếu sinh Nam Bộ, con đã cảm xúc vô cùng và vừa khóc, con vừa cắt lấy dòng máu trong cánh tay niên thiếu của con để vẽ hình cha và hình ba em nhỏ Trung, Nam, Bắc đang chụm đầu lại dưới chòm râu của cha, trên nền lụa mà quân đội ta đã đánh tan quân địch, đã chiếm lấy được ở trận Giồng Dứa hồi tháng tư năm nay.

Thấy máu con chảy mọi người hoảng hốt băng bó, lo ngại. Con trả lời : Máu con là máu của cha truyền cho, máu của con là máu của dân tộc, con có dám làm gì phung phí máu con đâu. Tất cả thân con, đời con là của cha rồi…

           

Con trân trọng gửi bức họa bằng máu của con dâng lên cha già để tỏ lòng biết ơn cha đã giải phóng cho nghệ thuật của con, để tạo cho thể xác và linh hồn con thành lợi khí đấu tranh cho cuộc Cách mạng Giải phóng dân tộc.

 

Kính chào cha

 

Mười giờ đêm 2 / 9/ 1947.

 

Từ giờ phút đó, cuộc đời nghệ thuật của Diệp Minh Châu đã thành huyền thoại.

 

Trong lịch sử nghệ thuật của nhân loại, chưa hề thấy có hoạ sỹ nào vẽ tranh bằng chính máu thịt của mình. Phải chăng khát vọng độc lập tự do của một dân tộc 80 năm bị ách thực dân, dùng chính sách chia rẽ bẩn thỉu, tàn bạo để cai trị …. đã hóa thân vào trái tim nồng nàn của Diệp Minh Châu để nó cháy bùng lên thành ngọn lửa thiêng nghệ thuật. Phải chăng cuộc chiến đấu anh dũng và lòng kính yêu lãnh tụ của đồng bào Nam Bộ là tác giả của bức tranh máu có một không hai trong lịch sử hội họa nhân loại này. Chính sau này Diệp Minh Châu đã nói : - Tôi vẽ bức tranh này để phản đối âm mưu chia rẽ đất nước một lần nữa của bọn bù nhìn tai sai cho thực dân Pháp.

 

Một lần khác, trong xúc động tột độ, họa sỹ đã lấy máu của liệt sỹ Sơn để vẽ chân dung của liệt sỹ ấy. Những bức họa như thế của Diệp Minh Châu mãi mãi là tiếng gọi cứu nước ; Nó để lại trong kho tàng nghệ thuật cách mạng Việt Nam những tác phẩm vô giá. Diệp Minh Châu đã làm đúng chức năng của một nghệ sĩ như lời tuyên bố bất hủ của Pla-tông (Platon 428 - 348 trước Công nguyên, triết gia vĩ đại của Hy Lạp) cách đây hơn 2000 năm : Chức năng của nghệ sỹ là ca ngợi anh hùng !

 

Khi vẽ Bác Hồ ở chiến khu Đồng Tháp Mười, Diệp Minh Châu chỉ dựa vào tấm hình Bác ông cắt được trên một tờ báo từ Hà Nội đem về. Ông đã vẽ Bác để tặng các bà má Nam Bộ làm ảnh thờ. Vẽ mãi đến thuộc lòng … Ước mơ được gặp Bác luôn canh cánh trong lòng ông. Và lịch sử hình như được sắp đặt trước. Tháng 6 năm 1950, Diệp Minh Châu được tổ chức cho đi dự hội nghị sinh viên quốc tế ở Praha (Tiệp  Khắc) cùng với một người bạn nữa. Chuyến đi ra Bắc lần này của họa sỹ cũng đầy sóng gió và nhuốm màu huyền thoại chẳng kém gì chuyến "mạo hiểm" ra Bắc lần đầu của ông .. (Về chuyến đi lần đầu sẽ nói ở phần sau). Từ biệt người vợ trẻ đẹp, con nhà giầu, vào làng Tây - nhưng theo  kháng chiến từ đầu và gặp gỡ xây dựng với họa sỹ tại chiến khu bưng biền Đồng Tháp Mười - vừa mới sinh con gái đầu lòng lúc một giờ đêm thì 6 giờ sáng phải tiễn chồng ra đi ! Trước khi đi ; tổ chức cho họa sỹ biết là chuyến đi có nhiều trắc trở, ra nước ngoài rồi, nếu kịp dự hội nghị thì tốt, nếu khó khăn gì thì ở luôn nước ngoài, đi học tiếp, đừng trở về nữa !!! Ở nước Việt Nam ta, từ cổ chí kim ít có người thanh niên nào được cử đi nước ngoài mà lại ở tình huống éo le như vậy ! Mà lại còn đi bằng đường bí mật (!). Vậy mà họa sỹ Châu vẫn phải "cứng rắn" động viên người vợ trẻ nước mắt như mưa đang bồng trên tay đứa con mới nở được vài giờ rằng, "…đi vài tháng chứ lâu lắc gì !"

 

Theo kế hoạch thì họa sỹ Châu và người bạn đồng hành nhập vào đoàn đại biểu Nam Bộ đi dự đại hội Đảng lần thứ 2 tại Việt Bắc. Đoàn sẽ sang Băng Cốc (Thái Lan) rồi từ đó, hai người sẽ tách ra để đi Tiệp Khắc. Nhưng đúng như dự đoán của tổ chức từ nhà, trục trặc ngay từ lúc đặt chân tới Băng Cốc. Ở Thái Lan bấy giờ, giặc Pháp cấu kết với chính quyền sở tại, lùng sục bắt bớ gắt gao những người Việt Nam chúng nghi là có liên quan đến phong trào kháng chiến trong nước. Họa sỹ Châu và người bạn đồng hành phải ăn mặc giả như Hoa kiều, thận trọng từng bước đi. Ở Thái, hễ có tiền là việc gì cũng có thể làm được hết. Vậy mà, vàng thỏi giắt trong ruột tượng, quấn vòng quanh bụng, lại có người của ta lúc đó là đ/c Nguyễn Đức Quỳ hoạt động bí mật ở Thái Lan dẫn lối đưa đường mà chạy các cửa hai anh vẫn không sao kiếm được tấm giấy thông hành và hai chiếc vé đi Tiệp Khắc ! Hai anh phải nằm chờ hai tháng trong một ngôi biệt thự cửa lúc nào cũng đóng kín. Người bạn đồng hành của họa sỹ Châu nhớ vợ mới cưới quá, buồn quá … đã nhờ đ/c Quỳ điện về nước xin quay trở lại (!) Còn Châu thì nhất quyết đi. Trung ương cục Miền Nam đã điện qua: "Châu cứ theo nguyện vọng, X cứ quay về theo ý muốn !" Cuối cùng thì cả đoàn cũng chạy đủ giấy tờ chứng nhận là người Hoa xin hồi hương ! Tất cả xuống một tàu buôn Anh để qua Hồng Kông về Quảng Châu. Nhưng đó là một chuyến tàu "bão táp" vì nó đi trong mùa bão táp ! Khi bắt đầu đi ngang qua địa phận tỉnh Đà Nẵng của ta thì gặp bão lớn. Cơn bão kéo dài đến 7 ngày đêm. Con tàu như một thành phố đến giờ chỉ còn là chiếc lá nhỏ nhoi giữa những con sóng đen ngòm như trái núi ụp tới. Tất cả đều nằm vật ra sàn, duy chỉ có họa sỹ Việt Nam Diệp Minh Châu  là tỉnh táo ! Người họa sỹ này còn đủ bình tĩnh để hình dung Bác Hồ đã lái con tàu Tổ quốc, những năm 45 - 46 vượt sóng gió như thế nào, giống hệt như con tàu ông đang đi trong bão tố. Lúc này ông càng nung nấu quyết tâm đi học cho thành tài để đủ sức thể hiện hình tượng lãnh tụ bẻ lái con thuyền dân tộc. Suốt bảy ngày bão tố giữa biển khơi như vậy mà họa sỹ chẳng làm sao cả vì trời đã phú cho ông là một chàng trai cao to khỏe mạnh. Sau này, ngay cả lúc về già, đã ngã bệnh, đến thăm ông vào lúc đã gần đất xa trời, ông vẫn khoe với tôi: Tao vẫn ăn được một lúc gần 10 trứng vịt lộn (!). Họa sỹ Diệp Minh Châu  là một người rất vui tính, trẻ trung. Ông thường xưng tao - mày với tôi. Và dù ít tuổi hơn ông nhiều, tôi vẫn kêu ông bằng "Anh Tư " cho thân mật. Tiến sỹ Lê Thanh Hải, một nhà khoa học thuần tuý, một chuyên gia hàng đầu về chăn nuôi ở nước ta rất quý mến họa sỹ Châu, cùng đi thăm họa sỹ bữa đó với tôi, khi nghe ông khoe ăn hột vịt lộn, Thanh Hải liếc nhìn tôi mủm mỉm cười, nhà khoa học này tỏ vẻ không tin  một người già yếu đã phải ngồi xe lăn mà…Nhưng tôi thì rất tin. Họa sỹ Diệp Minh Châu  có sức khoẻ của một thủy thủ hạng nhất, ông đã từng đi dạy võ để kiếm sống trong những ngày bữa đói bữa no theo học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương ở Hà Nội trước cách mạng. Ông đã từng ngủ ngon giấc trên những chiếc ghế nhiều rệp nhất ở các rạp hát khi đi vẽ phông màn thuê ở Hà Nội. Con người này được trời phú cho nhiều ưu thế để suốt đời "ca ngợi anh hùng" mà không bao giờ chết, kể cả chết đói (!)

 

Lại nói về chuyến đi ra Bắc của đoàn đại biểu Nam Bộ trong đó có họa sỹ Diệp Minh Châu. Do bị bão làm chậm trễ nên tàu chỉ đến Hồng Kông rồi trở về Băng Cốc, không tới Quảng Châu. Nếu lên Hồng Kông thì sẽ bị bắt ngay, vì thế đoàn mới quyết định khi tàu ghé đảo Hải Nam rỡ hàng sẽ "đổ bộ" lên Hải Nam. Khi ở Băng Cốc, đoàn đã biết Hải Nam vừa được giải phóng. Hải Nam sau trận bão ngổn ngang như một chiến trường,  nhà đổ, cột đèn, cây cối dâp gẫy. Họa sỹ Châu đã cùng đoàn ở lại một khách sạn gần hai tháng, rất thận trọng vì bọn Việt quốc theo Tầu Tưởng chạy lên đảo còn ở đây khá đông. Sau đó, đ/c Cao Hồng Lãnh là lãnh sự của ta ở Quảng Châu đã ra nhận đoàn về Quảng Châu. Ở Quảng Châu, ai cũng vui vẻ, duy chỉ có Diệp Minh Châu  là buồn. Vì từ đây, ông sẽ bị tách đoàn để đi Liên Xô học! Vé tầu đã được mua sẵn(!). Chỉ còn một chút xíu đường đất nữa là ông sẽ được gặp Bác Hồ, điều mong ước bấy lâu… Nhìn các đ/c trong đoàn chuẩn bị về Việt Bắc, Diệp Minh Châu thấy trong mình như đang lên cơn sốt, đầu óc choáng váng, cứ đi ra đi vô… Rồi bỗng cơn nhớ nhà, nhớ vợ con lại ập đến. Ông tưởng như mình vừa ngã xuống một hố sâu. Nhưng đùng một cái, có điện của TW : "Diệp Minh Châu cùng đi với đoàn về Việt Bắc !" Ông nhẩy lên và lao ra phố, đổi hết đô-la ra tiền Trung Quốc, lùng mua bút vẽ, giấy, vải, bột màu …. Ông biết là cơ hội được vẽ Bác Hồ thật (chớ không phải vẽ qua hình trên báo) và vẽ quê hương cách mạng Việt Bắc đã đến với ông. Quảng Châu, Ngô Châu, Quới Huyện, Liễu Châu …  như bức tranh lần lượt hiện ra trước mắt họa sỹ. Đến Thủy khẩu, qua một  con cầu biên giới, cả đoàn reo lên. Đây chính là một phần  Tổ quốc vừa được giải phóng, mà đích thân Bác Hồ đã đi chiến dịch biên giới chỉ huy  đánh giặc … Nhưng người nghệ sỹ quê ở miền Nam giầu thương cảm này lại thấy vô cùng bùi ngùi, ông quay lại phía Trung Quốc lặng lẽ lau nước mắt … Một câu chuyện vô cùng thương cảm mới vừa xảy ra. Ở một  xóm chợ nhỏ trên đường rời Quới Huyện về Liễu Châu, khi xe dừng ở chợ, nghe đoàn nói chuyện, một người đàn bà chạy lại kêu lên : - Các  anh là người A-Nam đấy à ? Rồi chị này khóc mếu : Tôi bị một thằng Tầu Tưởng bắt về làm vợ bé từ lúc 15 tuổi, nó ác lắm, đánh tôi tối ngày, các anh cho tôi theo về Việt Nam ngay bây giờ … Một người đàn bà khác lại lao tới nói : Thằng chồng chị này ác không thể tưởng tượng nổi… Chị cứ nói chuyện đi ; tôi canh chừng nó cho …

 

Rồi chị ta chạy đi ; đứng cách xe một quãng để canh chừng …

Đoàn đã hội ý một lúc, nhưng đành không đưa chị về ngay được, ai cũng thương sót ….Lúc xe lăn bánh, chị ta oà khóc….

 

Lần đầu tiên chàng trai Nam Bộ được thấy cảnh núi rừng Việt Bắc hùng tráng và thơ mộng, rừng thẳm dốc sâu, nắng chiều đỉnh núi, mây vờn cửa hang … Diệp Minh Châu say sưa đến quên hết mệt nhọc. Rồi nhà sàn bếp lửa, cơm nếp thịt gà, rượu trắng … những gì ngon nhất đều được bà con dân tộc Tầy đem ra đãi khách, dù chẳng biết khách là ai và đến từ đâu, sẽ đi đâu … Họ hào hiệp, chân thành như chính người dân ở quê anh. Từ Cao Bằng tới Tuyên Quang xe chạy suốt ngày đêm, nghe thấy cả tiếng hổ gầm trong vách núi. Rồi Bản Khay đã hiện ra, nơi có riêng một ngôi nhà cất cho đại biểu miền Nam. Tại đây, họa sỹ Diệp Minh Châu được gặp các văn nghệ sĩ miền Bắc như Tố Hữu, Học Phi, Nguyễn Xuân Sanh … Vui mừng nhất là anh được gặp lại nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, người từng nói cho anh biết, chỉ có ông Nguyễn Ái Quốc mới làm được việc lật đổ toàn bộ chế độ thực dân, giải thoát cho đồng bào khỏi lầm than … lúc anh vào đội truyền bá chữ quốc ngữ khi học ở Hà Nội. Thế rồi một buổi sáng, anh em đi họp đại hội cả, Diệp Minh Châu phải ngồi nhà một mình, đang lo cọp đến ăn thịt vì ở đây xung quanh là núi rừng, cọp về là chuyện thường ; Mấy bữa trước anh còn được ăn thịt trâu, do cọp về tha đi ; dân bản đuổi theo giành con mồi lại … Bỗng có người đến gọi Diệp Minh Châu đi gặp Bác Hồ !

 

Nhà văn Đoàn Giỏi, quê ở Tân Hiệp, Tỉnh Tiền Giang, tác giả cuốn "Đất rừng phương Nam" nổi tiếng đã ghi lại giờ phút được gặp Bác do chính họa sỹ Diệp Minh Châu kể :

"… Anh Đồng dắt tôi đến chỗ nhà Bác ở trong thời gian hội nghị. Đó là một ngôi nhà sàn lộng lẫy, trang nghiêm do anh Nguyễn Cao Luyện và Nguyễn Văn Tiếp, hai kiến trúc sư nổi tiếng của Việt Nam xây dựng, toàn tre nứa Việt Bắc cũng như hội trường và các nhà đại biểu khác. Anh Đồng đi trước, tôi theo sau. Lên thang rẽ phía bên phải, thấy Bác đang ngồi làm việc bên một chiếc bàn nứa đan cạnh cửa sổ có tấm phên nứa chống lên, bên ngoài cửa sổ lá trúc xanh như ngọc. Bác chỉ mặc bộ quần áo lụa nâu giản dị, vai khoác hờ chiếc véc-tông, chòm râu ánh lên như bạc.

 

Nghe tiếng chân, Bác quay ra. Anh Đồng nói : "Thưa Bác, anh Diệp Minh Châu đến". Bác buông bút, đứng dậy bắt tay tôi và kéo nhẹ tôi, cho ngồi xuống cạnh Bác.

 

- Chú đi xa có mệt không ? Sức khỏe thế nào ? Tôi ngồi xuống chắp hai tay kẹp vào giữa gối, anh Đồng ngồi một bên. Tôi chỉ dạ …dạ.. chưa kịp nói gì thì Bác lại hỏi : "Chú vẽ được nhiều chưa ?".

 

- Dạ, cháu vẽ được chút ít. Mắc thảo luận văn kiện Đại hội …

 

Tôi đứng dậy mở tập ký họa ra cho Bác xem, một phong cảnh núi rừng Việt Bắc và một ít chân dung. Bác khuyến khích : "Chú cố vẽ nhiều lên".

 

Tôi hỏi lại Bác :"Thưa Bác, Bác có mạnh khỏe không ?" Bác dịu dàng đáp  : "Bác vẫn khỏe". Tôi thấy bác gầy hơn trong ảnh, có lẽ vì bận rộn chuẩn bị Đại hội Đảng. Tôi vội lấy giấy ra vẽ Bác nhanh vài nét chính để giữ lại không khí hôm ấy và xin phép "không dám làm mất thì giờ của Bác, để cháu ra vẽ ngoài hội trường".

 

Khi chưa gặp Bác, thì hình ảnh Bác tôi biết lúc ở Nam bộ còn nguyên vẹn. Khi thấy Bác, thì Bác không phải chỉ như thế. Đứng gần Bác, tôi lóa mắt đi. Vì ánh nắng ngoài cửa sổ tràn vào hay bởi Bác rực rỡ chói lọi quá ? Bác trìu mến, thân thương, giọng ngọt ngào đầm ấm như một người cha ..lòng tôi xao xuyến quá nên mắt tôi mờ đi. Khi đã không bình tĩnh thì nhìn cái gì cũng không rõ. Tôi cám ơn anh Đồng đã giới thiệu tôi với Bác Hồ, và tự nhủ hôm nay mình chưa vẽ Bác được gì, đến ngày Đại hội nhất định sẽ vẽ Bác thật đẹp. Hôm Đại hội khai mạc, Bác bước vào hội trường, một luồng ánh sáng rực rỡ theo Bác tuôn vào, cả hội trường đứng dậy vỗ tay hàng nửa tiếng đồng hồ không ngớt, tim tôi đập rộn lên, lòng tôi cũng nôn nao như lần trước, nên gặp Bác hôm đó tôi cũng không vẽ được gì.

 

Mấy hôm sau, nhân đi thăm các đại biểu, Bác đến xem tranh tôi vẽ Đại hội. Tôi đánh bạo hỏi Bác :

 

- Thưa Bác, Bác thấy cháu vẽ thế nào ?

 

Bác vẫn xem tranh rồi nhìn sang anh Đồng và anh Trường Chinh, cười nói :

 

- Chú Châu vẽ có cái lạ ..không đề tên cũng nhận được người !.

 

Tất cả chúng tôi đều cười vui vẻ trước câu nói dí dỏm của Bác. Được Bác động viên, tôi rất phấn khởi và thêm mạnh dạn trong ý định xin được ở gần Bác để vẽ Bác. Đại hội Đảng vừa xong, thì Đại hội Việt Minh - Liên Việt tiếp theo … Hôm đó, bác đãi các đại biểu miền Nam (từng địa phương, đoàn thể Bác đều có đãi riêng). Bấy giờ vào khoảng 11 giờ trưa, trời nắng rất đẹp, tôi đang lúi húi ngoài sân vẽ quang cảnh hội trường. Khách tập trung ở phòng ngoài đầy đủ. Lúc vào phòng ăn, không thấy tôi Bác bảo gọi vào. Tay chân còn lấm lem thuốc vẽ, tôi ló vào : "Dạ thưa Bác, Bác gọi chi ?" Bác tươi cười giới thiệu với mọi người: "Chú Diệp Minh Châu đấy, có tranh vẽ bày dưới kia đấy !". Vào ăn, Bác ngồi giữa chỗ đầu bàn, khách ngồi hai bên, độ hơn hai mươi người. Tôi ngồi cách Bác một vị. Bác chỉ ăn vài miếng rồi đứng dậy chăm sóc mọi người như một người cha đứng trông bữa cho các con. Trông vào đĩa tôi, Bác hỏi :

 

- Con chim bồ câu của chú đâu ?

 

- Dạ thưa Bác, cháu ăn hết rồi ! Tôi gượng cười cho đỡ xấu hổ, bởi đang đói, gặp bồ câu xốt tôi làm nhoáng cái đã hết.

 

Bác thân xẻ nửa con trong đĩa Bác cho tôi. Trong bữa ăn, Bác đều chăm sóc mọi người như thế … Được Bác thương yêu, tôi bèn nhõng nhẻo như một đứa trẻ con cha mẹ nuông chìu. Thấy Bác hút thuốc thơm, tôi rón rén lại gần, nói nhỏ :

 

- Dạ, Bác cho cháu xin điếu thuốc !

 

- Ờ, có trong buồng đó. Bảo chú Chiến chú đưa cho !

 

Tôi vào buồng trong của Bác. Chỉ thấy chiếc giường một của Bác nằm, bên cạnh có bếp lửa. Anh Chiến đang ngồi đấy cời than. Tôi thuật lại lời Bác, anh Chiến mở hộp thuốc của Bác lấy một điếu trao cho tôi. Tôi không ra nữa, ngồi luôn đấy nói chuyện với anh Chiến.

 

Chốc sau, Bác vào ngả lưng nằm xuống. Người Bác gầy quá, liên tục mấy tháng trời bận họp, bận tiếp khách, gân cổ nổi lên cao trông thấy. Tôi ngồi dưới sạp, cạnh giường thỏ thẻ :

 

- Thưa Bác, từ miền Nam ra đây, cháu rất mong được gặp Bác, được vẽ Bác thật nhiều để sau này cháu mang về Nam cho đồng bào được thấy chân dung Bác. Cháu xin Bác cho cháu được gần Bác ít lâu để vẽ ..

 

Tôi hồi hộp chờ đợi ý kiến của Bác. Tôi biết Bác rất thương đồng bào miền Nam, rất thương anh em chúng tôi. Tôi biết trước tôi cũng đã có họa sỹ được ở gần Bác ít lâu để vẽ. Nhưng nói xong tôi vẫn lo, không biết nguyện vọng tha thiết của mình có được chấp nhận không.

 

Bác không đáp, nhìn vào anh Chiến bảo :

 

- Sau Đại hội, chú nhớ đưa chú Châu về chỗ Bác nhé !

 

Đã biết ngôi nhà cất giành riêng cho Bác trong thời gian đại hội, trên đường đi, tôi càng hình dung ra ngôi nhà Bác ở bằng đủ mọi kiểu và chắc phải to lớn, đặc biệt lắm ; tới nơi mới thấy nhà Bác đơn sơ một cách lạ lùng. Ấy là một ngôi nhà sàn có sáu chân cột, đứng dưới đất có thể với tay tới. Khi lên thang, phải lom khom mới vào nhà được. Sàn nhà chỉ rộng bằng hai bộ phản vừa đủ chỗ mắc màn, dưới sàn là một bếp lửa. Ngoài hàng hiên, kê một chiếc bàn nhỏ - thấp và nhỏ, như bàn của các hàng nước - đã cũ, còn in nhiều dấu vết mối mọt gậm nhấm từ lâu. Bác vẫn ngày ngày ngồi xếp bằng làm việc trên chiếc bàn đó. Sau lưng vách chỗ Bác ngồi, có mắc những ống tre để giắt công văn các nơi gửi đến.

 

Khán thư sơn điểu thê song hãn

Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì

Tiệp báo tần lai lao dịch mã

Tư công tức cảnh tặng tân thi

 

Hồi còn ở Nam bộ, tôi đã thuộc lòng bài thơ này. Trên đường ra Việt Bắc, tôi vẫn ngâm nga thích thú như thích thú một áng thơ Đường. Tưởng những nghiên mực, ngựa đổ mồ hôi … là Bác mượn các hình ảnh xưa cho thích hợp với phong cách một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, không ngờ tới đây, thấy quả đúng thật như vậy. Chim rừng vẫn đậu trên rào  ngoài cửa sổ, và cây rừng nghiêng bóng che phủ mái nhà nở đầy hoa  đang soi bóng xuống nghiên mực. (Bác khi viết bút máy, khi viết bút nho, thường vẫn viết, ghi bằng chữ Hán có lẽ để bảo đảm được bí mật trong chừng mực nào đó). Nơi Bác dùng cơm là một ngôi nhà nhỏ, cách chỗ  Bác ở chừng sáu bảy thước. Tôi ngủ trong nhà đó với các anh em phục  vụ, bảo vệ Bác.

 

Đó là lần đầu tiên mà cũng là lần tôi được sống lâu nhất cạnh Bác. Khoảng gần sáu tháng. Thời gian đó là thời gian sung sướng nhất trong  đời tôi. Sống gần Bác, điều làm tôi ngạc nhiên trước tiên là tính giản dị,  giản dị lạ thường, giản dị một cách không ngờ được của Bác.

 

Khi thấy tôi vẽ cái bàn làm việc của Bác trong một bức tranh, các đồng chí phục vụ Bác hỏi tôi :

 

- Anh biết chuyện cái bàn này chưa ?

 

- Chưa.

 

- Khi trước, chưa có cái bàn này Bác vẫn phải ngồi xếp bằng, làm việc trước một cái bàn con. Nhìn Bác già yếu mà phải khom lưng mãi thế, thương quá, chúng tôi mới bàn nhau kiếm cái bàn này. Bác đi công tác về, thấy cái bàn, Bác nhất định không nhận. Bác bảo Bác làm việc với cái bàn con trên nhà đấy, đủ rồi. Chúng tôi phải nói mãi. Mấy ngày sau, nể lòng chúng tôi, Bác mới nhận cho để chỗ này đấy !

 

Có lần, anh Định, người nấu ăn cho Bác thấy Bác làm việc nhiều, nghe người ta nói rượu ba ba uống bổ lắm, anh tìm mua một con ba ba, lấy tiết pha rượu dâng Bác . Thấy cốc rượu, Bác hỏi :

 

- Gì đấy chú ?

 

- Thưa Bác, rượu ba ba.

 

- Ở đâu vậy. Chú mua đấy à ? 

 

Anh Định sợ quá phải nói dối :

 

- Dạ, con ba ba cháu bắt được. Nghe đồng bào nói rượu huyết ba ba người lớn tuổi uống khỏe ra. Cháu làm để Bác dùng …

 

- Thôi, Bác không uống đâu,  Bác cho chú đấy.

 

Lúc đó là sáng sớm. Anh Định ấp úng không biết nói sao, đành phải mang xuống nhưng lòng áy náy không yên. Khoảng chín giờ, anh lại bưng cốc rượu lên, Bác lại hỏi :

 

- Gì đấy chú ?

 

- Dạ cháu nghe rượu ba ba bổ lắm, Bác mệt …

 

- Bác đã nói là Bác không uống đâu.

 

Anh Định đành mang xuống lần thứ hai. Trưa đến lúc Bác ngồi ăn cơm, lại thấy cốc rượu ban sáng trên bàn. Bác nhìn anh Định mỉm cười rồi cầm cốc rượu uống. Nhưng Bác chỉ uống một nửa, còn một nửa, Bác đưa lại :

 

- Bác uống thế đủ rồi. Phần này Bác cho chú đấy ! Mỗi bữa Bác chỉ ăn hai bát cơm. Tôi ái ngại, hỏi Bác :

 

- Cháu thấy Bác ăn ít quá, sức khỏe có kém không ?

 

- Bác ăn thế, thấy sức khỏe cũng bình thường.

Tôi bày anh Định làm thêm nhiều món, biết đâu lạ miệng có khi Bác ăn được nhiều chăng ? (Mà nào có gì đâu, chỉ là rau rừng, đọt bí, măng nứa vậy thôi). Nhìn cơm, nhìn thức ăn, Bác nói với anh em :

 

- Hôm nay các chú làm cơm cho Bác nhiều quá, Bác ăn còn thừa, đổ đi cũng không ai biết, nhưng Bác không nỡ. Đồng bào mình còn đang thiếu thốn …

 

Một cái bàn, một vài bát cơm, một hai đĩa cơm rau có gì là nhiều ? Nhưng Bác vẫn không muốn nhận cho mình bất kỳ một cái gì nhiều hơn người khác, tuy rằng công việc của Bác nặng nề, to lớn hơn bất kỳ người nào khác. 

 

Một hôm thấy Bác thay áo ra, có đồng chí phục vụ vội cầm xuống suối giặt. Anh vừa ngồi xuống tảng đá, thì có tiếng người gọi, anh vội bỏ áo đấy chạy đi. Một lát sau, trở lại không thấy cái áo đâu. Anh lo quá, cứ đi men theo suối đi tìm. Tìm mãi vẫn không thấy, anh đành về thưa thật với Bác. Bác cười nói :

 

- Bác xuống suối thấy áo. Bác đã giặt và phơi kia rồi. Lần sau chú đừng bỏ như thế nhỡ nước lũ trôi mất, lãng phí …

 

Có lần Bác đưa tôi lên nhà. Đúng như cảnh "nhà sàn đơn sơ" mà anh Tố Hữu đã tả trong bài thơ Sáng tháng năm

 

Bác kêu con đến bên bàn

Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ

Con bồ câu trắng ngây thơ

Nó đi tìm thóc nhởn nhơ quanh nhà

….Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị

Màu quê hương bền bỉ đậm đà …

 

Ngoài chiếc máy đánh chữ, tất cả đồ dùng cá nhân, Bác cho vào một cái bị nhỏ. Bác nói :

- Khi cần đi, Bác chỉ cần mang cái bị là xong ngay. Vừa nói, Bác vừa khoác bị lên vai một cách rất gọn gàng.  Bác thật là một bài học sống cho chúng tôi về tác phong quân sự hóa trong kháng chiến. Bây giờ ai cũng biết tấm ảnh chụp quang cảnh Bác đang xắn quần lội qua suối. Sự thật thì không phải Bác xắn quần đâu. Bác dùng một sợi dây luồn vào trong, treo ống quần lên thắt lưng, đi đường xa  dốc núi không bao giờ quần bị sổ ra mà hai tay lại rảnh rang.

 

Đối với bản thân, Bác không hề đòi hỏi nhưng đối với người khác thì Bác lại chăm sóc từng li từng tí, mặc dù Bác rất bận. Mỗi lần Bác đi công tác về, thật như mang cả một luồng ánh sáng vào nhà, làm rộn lên cả cái tập thể nhỏ bé của chúng tôi.

 

Những lúc nghỉ việc, Bác hay đến xem tôi vẽ. Có lần, xem một bức tranh, Bác nói :

 

- Bác có ý kiến, chú đồng ý không ?

 

- Cháu xin Bác cho ý kiến …

 

Bác chỉ vào tranh :

 

- Chú vẽ nhà Bác chỗ này còn trống quá. Chú cho thêm con chó nhỏ của Bác vào đây nhé. Thường ngày nó vẫn nằm đây. Có người có vật cho nó vui … Để Bác giữ nó lại cho chú vẽ nhé …

 

Nói xong, Bác vuốt ve con chó để nó nằm yên xuống cho tôi vẽ. Sợ mất thì giờ của Bác, tôi chỉ chấm màu vẽ qua một vòng tròn làm dấu để vẽ kỹ sau.

 

- Thưa Bác xong rồi ạ !

 

- Không, chú cứ vẽ nữa đi, để Bác ngồi giữ nó lại đây cho ….

 

Theo lời anh Định kể, tôi được biết lai lịch của con chó lai này. Mẹ nó vốn là một con béc-giê chính cống. Đêm nào hai mẹ con cũng nằm ngoài cửa hang canh cho Bác ngủ. Một đêm hổ mò tới. Con chó mẹ lao ra sủa váng lên. Nhưng hổ to quá, vồ mất chó mẹ tha đi. Con con hãi quá chạy trốn vào rừng. Sáng hôm sau không thấy nó về. Thì ra nó cứ quanh quẩn đi khắp rừng tìm mẹ. Mấy tháng sau, nó mò về hang cũ, to lớn nhanh nhẹn, khỏe hơn trước rất nhiều. Nó lại nằm canh cho Bác. Anh em thấy cọp đêm hay mò tới hang, nguy hiểm, đề nghị cất cho Bác ngôi nhà này. Nhân nói con chó, cũng nhớ con khỉ và con mèo của Bác. Thông thường thì ba loài giống đó vốn chẳng ưa nhau. Không biết Bác dạy thế nào mà chúng nó rất thương yêu nhau, thường đùa giỡn nhau, không hề trêu chọc hay cắn đánh nhau bao giờ. Mỗi lần dời nhà đi, có khi phải đi hai ngày hai đêm mới tới, lúc lên đường bao giờ con khỉ cũng nhảy phóc ngồi lên lưng con chó. Hễ con chó đi chậm, con khỉ nắm hai tai chó giật giật. Con chó chạy sải, thì khỉ gò lưng như người phi ngựa, chó chạy tế, khỉ buông thỏng hai tay ngồi ngúc nga ngúc ngắt, khi lội qua suối nước ngập lưng chó thì khỉ ta trèo ngồi lên đỉnh đầu chó. Ai trông cũng phải cười. Con mèo đen và trắng ngao ngao… lững thững chạy theo. Con khỉ này rất nghịch, các anh em bảo vệ hay rầy nó. Có lần nó sút dây, tèo tít trên cây. Anh em gọi mãi nó không xuống, còn nhăn nhó khọt khẹt… trông rất khỉ. Phải gọi mấy chị phụ nữ đẹp, dịu dàng dỗ gọi nó, nó mới tụt xuống. Bác ăn cơm, nó hay đến ngồi bên cạnh. Bữa nọ Bác vừa quay lưng ngó ra sân, nó bèn rén tay bốc cơm của Bác và ngồi yên dấu nắm cơm trong tay vờ như không có gì xảy ra. Tôi vội kêu : "Thưa Bác con khỉ bốc cơm của Bác đấy, Bác ạ !" Bác bảo con khỉ :"Sao mày bốc cơm của Bác ?" Con khỉ vội tụt xuống cà  xom cà xom chạy đi, vùa chạy đi vừa quay lại nhìn như sợ Bác giận. Bác mỉm cười, nụ cười sao rất hiền lành. Tình thương của Bác rất bao la. Cho chí đến con chim bồ câu, con chó, con mèo, con khỉ… 

 

Cứ một tuần lễ thì Bác lại qua rước mấy cháu bên anh Đồng về chơi, ngủ với Bác. Hôm nọ vào lúc chiều tối, có một em nhớ nhà đòi về. Tôi nhìn em bé đi mà chạnh lòng thương Bác quá. Bác nói rất hiền lành, dịu dàng : "Cháu nó chưa quen, còn nhớ mẹ. Thôi để cho nó về với mẹ nó". Một lần có máy bay địch lượn gần nhà. Mọi người đều xuống hầm. Thấy tôi chưa có hầm (vì tôi hay chạy xuống suối nấp) Bác chỉ hầm của Bác,  bảo tôi :

 

- Chú xuống đi…

 

- Thưa Bác, Bác xuống hầm, cháu nấp đằng này cũng được

 

- Không chú cứ xuống hầm của Bác.

 

Ôi đồng bào, đồng chí ta, ai cũng sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ Bác khi cần thiết,  thế mà Bác, Bác Hồ của chúng ta lại sẵn sàng nhường hầm của Bác cho tôi. Dù có tan thây làm trăm mảnh ở ngoài, tôi cũng vui, có đâu dám xuống hầm của Bác. Giữa khi đó thì Bác cười :

 

- Thôi, máy bay đã đi mất rồi…

Anh Đồng, anh Trường Chinh qua chơi, thấy Bác thương tôi, đều bảo : "Bác thương anh lắm đấy, coi anh như con cháu trong nhà. Anh cứ hỏi về cuộc đời của Bác đi. Rồi ghi đấy, chẳng mất đi đâu. Anh hỏi dễ hơn. Chúng tôi hỏi, Bác không nói". 

Được các anh khích lệ, được mợi tôi cứ hỏi tới. Chuyện gì cũng hỏi. Nhưng về tình yêu… ngày xưa Bác có yêu ai chăng thì tôi không  dám hỏi Bác. Có lần, tôi thưa :

 

- Tiểu sử Bác, cháu  hay đọc lắm. Bác xem cái nào viết đúng nhất?

 

- Không có cái nào đúng cả !

 

Tôi hỏi lung tung, đủ thứ chuyện. Nhất là  chuyện trong tù.   

 

- Thưa Bác, những ngày dài như thế Bác làm gì ?

 

- Phải tìm cách đừng để có sự trống trải trong tâm trí. Chẳng hạn như : Bác đếm trên nóc nhà giam mỗi hàng lợp mấy tấm ngói. Cả mái bao nhiêu tấm. Tích cực hơn thì Bác ngồi tìm bắt từng con rệp một. Trong tù ăn kém, Bác bị phù rồi liệt cả hai chân, Bác phải dùng hết sức cố gắng, tới lúc đau nặng quá, không lúc lắc hai chân được…Kể đến đây, Bác nhìn xuống hai bàn chân cười : "Lúc ấy mình bi quá!"

-…Bác mới bò đến ôm cột đứng dậy , được một tí thôi. Mỗi ngày một tí, dần dần Bác đứng thẳng được. Bác tập đi một bước, một bước rưỡi.. Mình làm cách mạng không có hai chân thì làm sao đi hoạt động quần chúng được. Rồi Bác tập đi lần vách…

 

Thỉnh thoảng Bác sang bên chỗ anh Đồng, anh Trường Chinh. Thường vào lúc chín mười giờ tối, Bác mới về. Đường  nhiều  vắt lắm. Khi nào vắt bám ít thì Bác tự bắt lấy. Có hôm vắt đeo nhiều quá, tôi đang ngồi nghe ra-đi-ô bên cạnh vội vàng đến vạch từng chỗ bắt tiếp với Bác.

Một hôm, giữa bữa cơm tôi thưa Bác :

 

- Hồi trước cháu học ở Hà Nội. Cháu nghèo lắm, từ trong Nam ra một mình vì mê nghề, muốn tìm học tập nghệ thuật. Lúc nhỏ cháu đi vẽ cho các gánh hát, họ hát xong mới lấy chỗ rạp trống, bày đồ ra vẽ, đêm chỉ ngủ một vài giờ mà ăn thì chẳng bữa nào no…

Bác cười :

 

- Bây giờ chú giàu lắm à ? "Mình" chẳng bao giờ giàu đâu ! Rồi Bác cười to hơn.

 

Ở núi rừng Việt Bắc thường mọi người đều bị sốt rét. Bác cũng bị sốt rét. Cứ cách hai ba hôm, Bác lại uống ngừa ba viên ký ninh vàng. Lần nào uống thuốc, Bác cũng gọi phát đều cho chúng tôi mỗi người ba viên. Một buổi tối, Bác đi công tác về bị lên cơn sốt rét. Bác ngồi ôm cột, tay run run. Hồi lâu, Bác sờ trán thấy mồ hôi ra, Bác nói :

 

- Bây giờ đỡ rồi !

 

Tôi thương Bác quá. Hận mình không có phép gì để chuyển cơn sốt của Bác sang tôi, cho Bác đỡ đau. Tôi chỉ còn biết nói :

 

-           Thưa Bác, Bác nằm nghỉ đi !

 

Bác lắc đầu :

 

- Công việc nhiều lắm. Không nằm được. Nằm xuống sẽ không dậy nổi!

 

"Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà"

 

Đúng như câu thơ anh Tố Hữu viết năm ngoái, từ lâu, đã rất lâu, Bác hằng lo nghĩ, luôn luôn nhắc nhớ đến miền Nam… Hôm đại hội Việt Minh -Liên Việt, anh Nguyễn Văn Trấn có lên kể những mẫu chuyện nhỏ của đồng bào miền Nam đấu tranh chống giặc Pháp, anh Hoàng Quốc Việt nghe cứ ngồi khóc nức nở, tôi nhìn lên thấy Bác nghiêng đầu nhìn xuống hội trường, hai giọt lệ long lanh đọng bên khóe mắt từ từ lăn ra. Bác Tôn cũng khóc và nói : "Mặc dầu tôi có tuổi rồi, nhưng bao nhiêu giờ phút còn lại của đời tôi, tôi nguyện phục vụ cho nhân dân, cho Đảng đến hơi thở cuối cùng !" Cả hội trường đã khóc. Lúc dời về chỗ ngôi nhà thứ hai, một buổi sáng tôi đang cắm cúi vẽ quang cảnh "nhà mới" thì nghe Bác gọi : "Chú Châu". Bác từ trên cao, bước chân nhanh nhẹn thoăn thoắt bước xuống các bậc thang xếp bằng đá, tay Bác cầm xấp công văn, miệng Bác tươi cười :

 

- Có tin mừng !  Ta vừa thắng to ở đèo Hải Vân, diệt được 35 xe…

 

Bác gọi anh Định, gọi tất cả anh em phục vụ để truyền tin chiến thắng mới của miền Nam. Bữa trưa hôm đó, Bác cười đùa vui vẻ, và Bác ăn thêm được nửa bát cơm.

 

Một bữa, đang ngồi ăn cơm, Bác hỏi về công tác của anh em văn nghệ miền Nam, nhân đó tôi thưa :

 

- Cháu biết, anh T. một họa sỹ tài năng vào bực nhất của Việt Nam, trong  giới hội họa ai cũng quý trọng. Không biết tại sao anh ở Hà Nội, không theo kháng chiến. Cháu tiếc quá.

Hồi lâu Bác nói :

 

- Ờ, Bác cũng tiếc …Dù có tài năng, nhưng đã là nghệ sỹ thì phải chọn đường đi cho đúng. Không thì phí cả cuộc đời mình.

 

Dù bận nhiều việc lớn, nhưng  Bác rất quan tâm tới công tác văn nghệ, Bác dạy chúng tôi, một cách hết sức nhẹ nhàng. Tưởng Bác đùa, nhưng càng ngẫm càng thấy ý nghĩa sâu sắc vô cùng trong mỗi câu nói vui, bình thường của Bác. Có một dạo, anh Đinh Văn Định theo Bác đi công tác. Về rồi, một hôm Bác gọi anh sang ăn cơm và nói :

 

- Hôm trước chú chụp khá nhiều đấy. Bây giờ rửa ảnh ra xem cái nào dùng được,  đưa qua Bác coi. Còn thì cất đi. Rồi Bác cười với chúng tôi : "Cái gì cũng đưa ra hết sao !"

 

Các bài báo của Bác, nghĩ đến đâu Bác đánh máy đến đấy. Bác không viết trước. Bác đánh từ từ, chậm rãi, đánh mổ cò bằng hai ngón tay. Anh Đinh Đăng Định, đến  xin chụp ảnh Bác, vừa đưa máy ảnh ngắm, Bác vội khoát tay:

 

- Không, Bác đánh mổ cò thế này… để Bác sửa lại đã. Không thì người ta cười cho !

 

Chẳng những Bác dạy chúng tôi đừng có tự nhiên chủ nghĩa trong nghệ thuật, phải có một kiến thức rộng rãi, mà còn phải lắng nghe ý kiến quần chúng.

 

Ở Việt Bắc, tôi thấy như ở gần ánh sáng. Núi rừng Việt Bắc tiết tháng hai, tháng ba thường bị mây mù che phủ, tôi không thể quan niệm được rằng một bức tranh vẽ Bác lại có thể dùng toàn màu sắc âm u. Tôi đã đợi chờ đến lúc, và tôi đã vẽ một quang  cảnh núi rừng chỗ Bác làm việc : một dốc núi rêu xanh, một chiếc cầu nhỏ bắc qua con suối chảy lấp loáng như bạc, những tia nắng rực rỡ chiếu xuyên qua kẽ lá dày đặc tuôn vàng trên nền đá dốc và Bác đang đi qua cầu. Xem bức tranh này Bác ngâm :

 

Rừng thông chen chúc cành lau.

Bên cầu thấp thoáng người đâu đi về…

 

Bác hỏi tôi :

 

- Chú biết hai câu thơ đó ở đâu không ? Tôi thưa là tôi chỉ nhớ hai câu thơ đó trong một tác phẩm văn học cổ điển, nhưng không nhớ rõ tác phẩm  nào.

 

- Trong Chinh phụ  ngâm  đấy. Bác sửa đi một ít. Nguyên câu của nó là :

 

Ngàn thông chen chúc chòm lau

 

Cánh duềnh thấp thoáng người đâu đi về 

 

Có một lần khác, tôi hỏi Bác :

 

- Thưa Bác, Bác thấy tranh cháu thế nào?

 

Bác không trả lời thẳng cho tôi, mà gọi anh em  đến xem, và hỏi :

 

- Các chú thấy tranh của chú Châu thế nào ?

 

Anh em mến tôi nên ủng hộ ngay :

 

- Vẽ giống lắm  ạ!

 

Bác cười.

 

- Đấy, ý kiến quần chúng khen được. Thế là được.

 

Có thể nói rằng Bác là môt nhà nghệ thuật lớn, có một tâm hồn lớn về nghệ thuật mang đầy tính chất nhà thơ Á Đông. Không những Bác chú ý đến việc vẽ của tôi, phê bình, góp ý kiến… mà trong cuộc sống Bác rất chú ý đến cái đẹp. Trong việc tìm nơi ở, ngoài việc bảo đảm an toàn, Bác còn chú ý đến cảnh đẹp thiên nhiên, tìm hang, lợp  mái. Bác thích nơi có tre trúc rủ trước nhà, trông xa mây vờn lưng núi, suối khe róc rách gần bên (tôi theo Bác đi tìm mấy chục hang Bác chỉ chọn có ba hang) và trên đường đi, chỗ nào có cảnh đẹp là Bác thường dừng lại giây lát để thưởng thức…

 

Nơi nào Bác ở cũng lưu lại trong tâm hồn chúng tôi những hình  ảnh và không khí đầm ấm. Nhớ khi dời khỏi ngôi nhà thứ nhất, nghe anh em phục vụ Bác bảo nhà này phải đốt đi để giữ bí mật, tôi đau lòng quá.  Tôi xin Bác : "Thưa Bác, Bác cho cháu ở lại một ngày để vẽ rồi hãy đốt". Bác đồng ý và để anh Định, người chịu trách nhiệm đốt, ở lại với tôi.  Mờ sáng hôm sau tôi vội thức dậy để vẽ, say sưa vẽ lại chỗ Bác ngồi, nơi Bác ăn, Bác ngủ. Tôi sờ từng cây cột, nấc thang, tấm bìa lịch hàng ngày Bác bóc, đốt đi như cháy lòng tôi. Cả những tấm lá cọ, cả những tàu chuối đung đưa…tôi đều ghi chép tỉ mỉ. Tôi muốn giữ lại cho mai sau, dù là những cái gì nhỏ nhất, đã được sống gần và mang hơi ấm của Bác.

 

Bác còn là một tấm gương sáng về sự giữ gìn và rèn luyện sức khoẻ.  Bất kỳ thời tiết nào, dù nhiều việc bận đến đâu sáng nào Bác cũng tập thể dục. Có lần tôi được thấy Bác tập võ. Giữa cảnh núi rừng hùng vĩ, nhìn Bác phất phơ chòm râu bạc, đi một đường quyền uyển chuyển nhẹ nhàng, tôi có cái cảm giác như đang lạc vào một cảnh tiên, gặp một ông tiên nào đó. Bác cũng thường nhân những lúc nghỉ, ra ngồi câu cá bên bờ suối. Nhất là những đêm trăng sáng, Bác hay gọi chúng tôi đến, kể cho chúng tôi nghe những mẫu chuyện trong đời hoạt động của Bác. Và chúng tôi như những đứa cháu nhỏ quây quần chung quanh ông nội, nghe ông kể chuyện. Thật là những giờ phút suốt đời tôi không bao giờ quên được.

 

Từ khi ra Việt Bắc, trong thời gian cùng anh em họa sỹ miền Bắc phục vụ Đại hội và những ngày được sống bên cạnh Bác, tôi đã cố gắng vẽ sao cho nhiều, cho tốt. Nhưng trình độ nghệ thuật của tôi có hạn. Được đi học nước ngoài để nâng cao nghiệp vụ, đó là nguyện ước lúc nào cũng canh cánh bên lòng tôi. Anh Trường Chinh rất thấu hiểu điều đó. Một hôm anh bảo tôi đem tranh qua nhà cho anh xem . Cùng xem với anh hôm đó có Bác Tôn, anh Hoàng Quốc Việt, anh Nguyễn Đình Thi… Sau đó, Trung ương quyết định cho tôi đi dự hội nghị liên hoan thanh niên sinh viên quốc tế và cho tôi được ở nước ngoài học. Trước khi lên đường mấy hôm, anh Trường Chinh gọi đoàn đại biểu đến, có anh Nguyễn Đình Thi, anh Lưu Hữu Phước, một số anh em khác và tôi. Anh dặn dò chúng tôi nhiều việc về cách xử thế, về đường lối cách mạng, đường lối ngoại giao, rồi anh nói : "Kính già mến trẻ, vui vẻ với mọi người. Phải nhớ điều đó. Có tình cảm chân thành, thật sự như thế, chứ không phải đó là thủ đoạn bề ngoài…" Mãi đến giờ tôi vẫn nhớ những lời dạy dỗ ấy, và lấy đó làm phương châm sống, xử thế trong cuộc đời.

Tôi biết rằng chuyến này mình sẽ đi lâu đây. Học xong, trở về Bác sẽ không còn ở đây nữa. Tôi quyết vẽ cho xong quang cảnh nhà Bác, để mang theo. Thời gian trước mắt chỉ còn ba ngày, mà trời đất thì sớm chiều vẫn âm u. Chỉ vào khoảng giữa trưa, mặt trời mới chiếu rọi vài tia nắng xuống rừng. Tôi không nghỉ trưa, mỗi ngày chờ đúng giờ đó, nắng đó để vẽ cho xong.

 

Tôi lên đường, ôm bức tranh theo. Bác bảo :

 

- Tranh còn ướt mà chú mang đi, nó hỏng thì làm thế nào ?

 

Tôi thưa :

 

- Dạ cháu biết chiều nay đi, cháu đã pha nhiều ét-xăng vào thuốc vẽ, cầm đi đường gió  một ngày sẽ khô.

 

- Ừ thế thì được !

 

Tôi cúi đầu chào Bác, ra đi mang theo hình ảnh ngôi nhà Bác ở, thận trọng lách từng cành cây, chiếc lá sợ bị quẹt hư. Đến chỗ các anh miền Bắc ở, hôm ấy anh Tố Hữu đi vắng, gặp các anh Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, ông Ngô Tất Tố, anh Nguyễn Đỗ Cung, anh Nguyễn Công Hoan… tôi có trình bày cho các anh xem. Các anh bảo: "Bức tranh này đầy tình cảm !". Tôi rất cảm động thấy các anh miền Bắc có mặt đông đủ cả đây, tôi biết tranh tôi vẽ chưa đạt lắm, nhưng được các anh khích lệ tôi bằng tất cả tấm lòng chân thành …"

 

(Tác phẩm mới  5-6-1970)               

 

Người nghệ sĩ của mảnh đất phương Nam nắng gió vô tư, chân thực và rất khiêm nhường này sau nửa năm được gần Bác, sáng tác về vị lãnh tụ của đất nước đã tự nhận xét về tác phẩm của mình như thế! Bởi lẽ, "hiểu biết, khám phá và sáng tạo" về vẻ đẹp Hồ Chí Minh không đơn giản. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tìm thấy điều lõi cốt trong vẻ đẹp Bác Hồ, đó là cuộc đời : "khắc khổ, cần lao và tranh đấu" của Người. Là lãnh tụ của một dân tộc mất nước không thể có đời sống nào khác. Tất cả những gì là hình thức, giả dối, kệch cỡm, gò bó hay khoa trương đều xa lạ với vẻ đẹp Bác Hồ. Nhưng không phải ai cũng nhận thức được điều đó. Người ta đã quen vơi tư duy sáo mòn, rỗng tuyếch. Tôi xin đơn cử một thí dụ rất thú vị, để chứng minh rằng quá trình nhận thức về cái đẹp là một con đường vô cùng gian  khổ. Bởi thế đất nước nào, dân tộc nào cũng cần đến những "trái tim Đan cô", những tâm hồn lớn, vì chỉ có những nghệ sỹ lớn mới nói lên được những lý tưởng thẩm mỹ đích thực của dân tộc mình…

           

Họa sỹ Dương Bích Liên, một trong bốn danh họa của nền hội họa  hiện đại Việt Nam đã được đi vào một câu vè : "Sáng, Liên, Nghiêm, Phái,"! (tức : Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm và Bùi Xuân Phái). Ông cũng được tổ chức cử lên Việt Bắc năm 1952 vẽ Bác Hồ. Ông đã mô tả Bác : "Trước mắt tôi là một vị chỉ huy tối cao của cách mạng, nhưng không thấy có một chút nào uy quyền, ngạo mạn hách dịch nào toát ra từ con người ấy, và cũng không thấy vẻ gì thánh thần như nhiều tiếng đồn đại. Người chỉ là một ông già Việt Nam hóm hỉnh và thông thái. Tôi kín đáo liếc nhìn Bác nhiều lần trong lúc nói chuyện. Tôi được tổ chức giao môt trọng trách : vẽ Bác. Tôi phải tìm hiểu, phải phát hiện tính  cách, cố gắng thuộc mẫu ngay trong những  giây phút đầu tiên tiếp cận với Bác. Tôi được biết Bác rất bận rộn.  Và chính Bác trong lúc nói chuyện với tôi cũng nói trước rằng : "Bác công việc nhiều, không có thời gian ngồi làm  mẫu, muốn vẽ Bác cháu phải tìm cách thức nào đấy để tiện lợi cho cháu, cũng như cho Bác…"(Báo Lao động chủ nhật - đặc san tháng 5 - nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác - 5.1990).

           

Vì thế, trong những ngày gần Bác, Dương Bích Liên đã chủ yếu ghi chép những hình ảnh gây cho tác giả những ấn tượng đáng ghi nhớ về Bác Hồ. Đó là những hình ảnh như một buổi trưa hè, trong  bộ quần áo cánh nâu, Bác nằm ngủ trên chiếc chõng tre với phong thái bình thản, hiền từ như một ông tiên. Đó là những dáng điệu, những thế cầm thuốc lá rất đẹp của Bác ! Ông đã ghi đầy một cuốn sổ tay. Có lần Bác đã xem sổ tay đó của ông, Bác nhăn mặt lại, rồi cười khoái trá nói : "Chú vẽ đẹp, nhưng bức này đừng phổ biến rộng nhé !". Đó là bức ký họa chì, Dương Bích Liên vẽ Bác ngồi vén quần quá đầu gối gãy ghẻ ! Đó là tình cảnh thường xảy ra với người ở rừng lạ nước, thiếu sinh tố… Cả Bác cũng bị ! Tác giả ghi lại để làm kỷ niệm. Vì Dương Bích Liên vẽ vời kiểu đó, ông đang đi tìm tứ để thể hiện một vẻ đẹp cao thượng của một con người suốt đời hy sinh, vẻ đẹp của cuộc đời "khắc khổ, cần lao và tranh đấu" của Bác. Nhưng những người đến họp với Bác, thấy thế thì phê phán ngay : "Vẽ Bác thế này thì chưa ổn!". Người ta muốn vẽ Bác khuôn mặt phải hồng hào, uy nghiêm, phải vẽ theo lối mũ áo cân đai chỉnh tề. Chí ít cũng phải giống vẽ chân dung Mao Trạch Đông : Cổ áo kiểu Tôn Trung Sơn hồ cứng, vừa tươi cười, vừa nghiêm  nghị !!!

           

Sau khi ghi chép khá đầy đủ tư liệu về Bác, Dương Bích Liên đã xin tổ chức về cơ quan  để nghiên cứu và sáng tác về Bác. Tổ chức đồng ý. Nhưng khi ra về Dương Bích Liên không vui. Ông không được gặp Bác trước khi về. Hay là Bác không biết, hay là Bác biết nhưng bận quá nên không …Đang vừa đi vừa băn khoăn thì có liên lạc phi ngựa đuổi theo bảo ông quay về gặp Bác. Lần đó Bác đã nói chuyện rất lâu với họa sỹ họ Dương và nói chuyện về nghệ thuật. Bác kể Người đã từng làm thợ ảnh, và nói về ảnh nghệ thuật. Bác nói về luật viễn cảnh trong hội họa, Bác hỏi Dương Bích Liên có biết Picasso không ? Và cho đó là họa sỹ nổi tiếng của Pháp và thế giới. Dương Bích Liên cho Bác hay là có biết, một số anh em họa sỹ Việt Nam còn dịch chuyền tay một tài liệu viết về Picasso, chỉ tiếc là không được xem tranh nguyên bản của Picasso ! Bác nói là đã được xem một vài tranh nguyên bản của Picasso hồi ở Pháp, hai người có thư từ cho nhau. Khi có người thân cận hỏi Dương Bích Liên, người họa sỹ có may mắn được tổ chức giao nhiệm vụ vẽ Bác, được ở gần Bác trong cuộc kháng chiến … lúc họa sỹ sắp ra đi : - Trong những ngày ở cạnh Bác, hình ảnh nào của Người đã gây cho anh ấn tượng ghi nhớ nhất ? Dương Bích Liên đã trả lời : Những ngày sống cạnh Bác, một hình ảnh tôi không bao giờ quên, và nhiều lần định đưa lên toile (vải lụa) nhưng vẫn chưa làm được ; Đó là hình ảnh mùa đông về chiều, Bác Hồ thường ra ngồi hút thuốc trên một thân gỗ đổ, khóac chiếc áo blouson Mỹ trên vai, vun những chiếc lá khô vàng rồi châm lửa đốt từng cái một, ngồi sưởi dưới làn khói lam chiều và suy tưởng bên  núi rừng Việt Bắc. Bác suy nghĩ về số phận của Tổ quốc, và có lẽ, cả số phận của chính mình ! Ngoài những sự  vĩ đại toát lên từ con người của Bác, tôi còn thấy cả một điều nữa : Đó là sự cô đơn. Một sự cô đơn hết sức lớn lao. Hình ảnh này đã làm tôi hết sức xúc động và bị ám ảnh cho mãi tới tận bây giờ !

           

Ai đã từng sống ở Việt Bắc vào mùa đông mới cảm nhận hết những điều trên của họa sỹ Dương Bích Liên. Chiều mùa đông Việt Bắc khí núi toát ra gặp độ ẩm của rừng rà âm u lạnh đến thấu thịt thấu xương. Lúc đó chỉ có ánh lửa mới cứu được con người…Mà thật trùng hợp, khi có lần tôi hỏi họa sỹ Diệp Minh Châu, anh Tư là người có may mắn được sống 6 tháng bên cạnh Bác ở Việt Bắc, ở chung một mái nhà, ăn chung một mâm… anh Tư có ấn tượng nào sâu sắc nhất về Người? Họa sỹ Diệp Minh Châu không cần suy nghĩ lâu, ông đã nói với tôi, cũng như đã kể với nhà văn Đoàn Giỏi câu chuyện về một buổi chiều, Bác rước mấy cháu nhỏ bên khu  nhà ông Đồng qua chơi ngủ với Bác cho vui. Nhưng khi tối xuống, có cháu nhớ mẹ, đòi về…Anh Tư thốt lên với tôi : "Nhìn Bác Hồ, nhìn em bé đi ; tôi thương Bác Hồ quá !" Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi, một nhà báo, có người nói với tôi ; và nói vô băng ghi âm cẩn thận, để phát cho cả nước nghe, rằng : Tôi thương Bác Hồ quá!

           

Trở lại câu chuyện của họa sỹ Dương Bích Liên …Từ khi được tổ chức giao nhiệm  vụ vẽ Bác Hồ năm 1952 cho mãi đến về sau này, người ta vẫn chưa được xem một chân dung Bác Hồ nào của họa sỹ họ Dương với ý nghĩa đầy đủ của thể loại này (trừ những phát thảo). Mãi cho tới năm 1980, tức gần 30 năm sau, kể từ khi gặp Bác tại núi rừng Việt Bắc, họa sỹ Dương Bích Liên mới bắt tay vào làm một tác phẩm sơn mài về Bác cỡ lớn 180cm x100cm với đề tài "Bác Hồ qua suối" (Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công tác). Tác phẩm nổi tiếng này đã được tặng giải nhất trong cuộc  triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1980. Ông Liên thường sống ẩn dật và từ chối triển lãm những tác phẩm của mình. Ông qua đời ngày

12-12 -1988 tại Hà Nội.

           

Kể lại cuộc đời họa sỹ Dương Bích Liên một đời chỉ để lại một tác phẩm về Bác, tôi có suy nghĩ  rằng, sáng tạo về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh không đơn giản. Người là một lãnh tụ kiểu mới. Chính chủ nghĩa thực dân Pháp ích kỷ và tàn bạo, chính lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân đã sản sinh ra Người. Một đất nước lạc hậu, duy trì chế độ phong kiến hủ bại đến tận giữa thế kỷ 19, rồi đất nước đó lại rơi vào một ách thực dân già nua keo bẩn như thực dân Pháp, rồi đến phát xít Nhật… muốn đánh đổ bọn chúng để giành độc lập cho dân tộc phải có những  lãnh tụ  như Hồ Chí Minh. Vẻ đẹp Bác Hồ là một vẻ đẹp mới. Nhìn bằng con mắt cũ không ra. Chỉ có tài năng và lý tưởng thẩm mỹ của thời đại, mới đủ sức khám phá ra vẻ đẹp đó.

 

Mạnh Tử xưa kia nói : "Cái phong phú được gọi là cái đẹp! Cái rực rỡ được gọi là cái cao thượng!" Thử hỏi còn có cuộc đời và sự nghiệp nào trên thế gian này lại phong phú đến độc đáo thần kỳ như cuộc đời của Bác. Bác từng là anh giáo khổ trường tư thục, là người bồi tầu, là một thủy thủ đã đi khắp các bến bờ đại dương, là một chính khách bôn tẩu bốn phương trời, là nhà báo vừa viết bài vừa minh họa và đi bán báo, là nhà ái quốc đầy nhiệt huyết, là người tù làm thơ sau song sắt, là chủ tịch nước, là tổng tư lệnh một đạo quân kháng chiến ẩn náu trong rừng sâu, là nhà ngoại giao nói được nhiều thứ tiếng Đông - Tây, là bạn tri kỷ của nhiều nhà trí thức tên tuổi lẫy lừng trên thế giới, là ông cụ ngồi câu cá bên bờ suối, là người phát động trồng cây, là nhà tiên tri viết di chúc để êm dưới gối trước lúc ra đi… Chính vì vậy mà cuộc đời và sự nghiệp của Bác đã trở thành nguồn cảm hứng, trở thành đề tài của nhiều nghệ sỹ lớn, nhiều tổ chức lớn trên thế giới quan tâm …

           

Nhân loại tiến bộ thật công bằng khi suy tôn một người theo chủ nghĩa xã hội khi chủ nghĩa xã hội đang lâm vào khủng hoảng là anh hùng giải phóng dân tộc. Nhân loại cũng không lầm khi suy tôn một người 24 năm làm chủ tịch nước không một ngày tha hóa là lương tâm của chính mình, là danh nhân văn hóa.

           

Từ ngày 20 tháng 10 đến 31-11-1990 Đại hội đồng Unesco họp khóa thứ 24 để xét danh nhân (mức độ khác nhau) những người  vào những năm 1988, 1989, 1990.. tròn 100 tuổi để kỷ niệm. Khi xét năm 1989, cụ Nê-ru (Ấn Độ) là "nhà quán quân của phong trào giải phóng dân tộc" xong, có 3 đại biểu đề nghị năm 1990 hoãn lại để bàn lại tiêu chuẩn vĩ nhân, vì lâu nay xét vĩ nhân còn chưa chặt chẽ. Các đại biểu phản ứng mạnh, cho rằng thiếu chặt chẽ thì bổ xung, vì năm 1990, Chủ tịch Hồ Chí Minh tròn 100 tuổi, là ngọn cờ giải phóng dân tộc, không xét là không công bằng ! 159 quốc gia, trong đó có 8 nước xã hội chủ nghĩa là thành niên lúc đó đã bỏ phiếu tán thành phải xét danh nhân năm 1990. Phiên xét Bác Hồ, chủ tịch phiên họp là bà chủ tịch quốc gia Unesco của Thái Lan, bà chủ tịch này đã  đọc tham luận rất hay về Bác Hồ. Xét cụ Nêru với danh hiệu "nhà quán quân của phong trào giải phóng dân tộc" mất 45 phút. Xét Bác Hồ ở mức cao hơn - danh nhân văn hóa - thời gian là bảy tiếng đồng hồ!

           

Nhân loại đang muốn đi tìm cho mình hình ảnh của con người trong thế kỷ 21 tương lai : Con người không bị tha hóa bởi văn minh vật chất, không ly dị với thiên nhiên, không bạc nhược và cô đơn… Con người ngày nay đang đứng trước những thảm họa mới : Ngay cả ở những nước giàu có, được hưởng thụ vật chất nhiều gấp bội, nhưng không phải vì thế mà vui sướng hơn, hạnh phúc hơn. Giầu sang hơn nhưng cực nhọc, lo âu, phẩm chất cuộc sống (Qualité de la vie)  ngày một tồi tệ hơn. Đa số các học giả phương Tây đều kết luận như vậy. Vì cả xã hội đang lao vào tiêu sài vô tội vạ, môi trường bị khai thác tàn nhẫn, cuộc sống bị kế họach hóa từng phút (minuter), bệnh xã hội gia tăng, thất nghiệp, Sida, khủng bố lan tràn… Các nước giàu thì đang nghèo đi ; các nước nghèo thì ngày càng nghèo hơn, xuống đáy !

 

Đi tìm hình ảnh của chính mình cho thế kỷ mới, nhân loại tiến bộ đã tìm thấy lai lịch văn hóa của Bác Hồ. Văn hóa, theo nghĩa rộng của Unesco là con đường giải phóng, cứu con người khỏi bi kịch tự thân của nó : cô đơn, kỳ thị, dối trá, độc ác, bi quan và bạc nhược…  Một sử gia Mỹ là bà  Stenson  đã tự bỏ tiền ra để đi từ Mỹ qua Pháp, qua cả Liên Xô (cũ) để nghiên cứu, để đi tìm "lai lịch văn hóa Hồ Chí Minh mà ngày nay người ta thừa nhận là danh nhân văn hóa". Bà ta nói : Cho phép tôi được ca ngợi lời ca muộn mằn của người hậu thế. Tôi là nhà sử học. Đã lật các trang ghi của các chính khách mỗi khi họ đến tham quan, chiêm ngưỡng tượng thần Tự do ở nước tôi. Nguyễn Tất Thành cũng đến Nữu - Ước, đến tượng thần Tự do, cũng ghi vào sổ lưu niệm. Trong cuốn sổ đó, chính khách nào cũng chiêm ngưỡng bó đuốc tỏa sáng trên vòng nguyệt quế tượng thần Tự do. Họ cho đó là ánh sáng tự do, ca ngợi hết lời. Duy có Nguyễn Tất Thành là người đến tượng thần Tự do và nhìn xuống chân tượng. Đã ghi vào sổ lưu niệm : Ánh sáng trên đầu thần Tự do tỏa sáng trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự do này, người da đen đang bị chà đạp, số phận người phụ nữ đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng, bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc, bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới… Chính vì thế mà tôi đi tìm con người này, xem nói và làm có tương phản không ? Hồ Chí Minh quả thật nói và làm đi đôi : Tôi đã đến nhà của Người, lục tìm của riêng của Người. Người không có của riêng. Rất là lạ !

           

Bà sử gia người Mỹ này cũng đã đến tận khách sạn Bốt-stơn ở đông bắc nước Mỹ, nơi mà Bác Hồ của chúng ta đã làm thợ nặn bánh mì ở đó gần một năm trời. Khách sạn này ghi lại tất cả những chính khách đã đến ở. Tại đó, bà Stenson được biết : có một người con gái tên là

Cô-lét, quốc tịch Mỹ gốc Pháp là ca sỹ đã yêu và muốn lấy Nguyễn Tất Thành. Sau này bà Cô lét trở thành một nhà văn có tiếng. Nguyễn Tất Thành đã nói với nữ ca sỹ Côlét : Nếu tôi muốn có văn bằng thì tôi đã đi thi năm 1904 ở trong nước ; Nếu tôi muốn có gia đình thì thì tôi lấy vợ khi tôi ở trong nước, vì tôi có một người con gái ở quê nhà, yêu mà đành phải bỏ lại trên bến cảng để ra đi …

 

Qua nghiên cứu, bà Stenson còn phát hiện thấy : Nguyễn Ái Quốc chơi rất thân với các đại văn hào, nghệ sỹ danh tiếng trên thế giới như Rô-manh Rô-lăng, Hăng-ri Bác-búyt, vua hề Sác-lô… mà lâu nay "Việt Nam lại coi nhẹ điều này !". Bà cho rằng, Nguyễn Ái Quốc làm bồi tàu và khách sạn là để đi lại và giao tiếp với chính khách thế giới, không đơn giản là để kiếm sống.

Bà Stenson tuyên bố : Tôi xin ca ngợi lời ca về người, bởi lẽ tôi đã đi lại những nơi có dấu chân của Người, gặp lại những người đã biết Người, thấy Hồ Chí Minh lúc còn trẻ là một người rất đẹp trai. Cho nên bây giờ tôi vẫn cứ mơ ước về Người. Nếu tôi cùng thời với Người thì dứt khoát phải trở thành người tình của Người. Người không chấp nhận thì tôi  cũng đeo đuổi bằng được. Bởi vậy hôm nay tôi ngưỡng mộ Người bằng cả đầu óc khoa học, đồng thời bằng cả trái tim của một người hậu thế !

 

Thế đó ! Lai lịch chính trị của Bác Hồ thì chúng ta rất rõ. Nhưng phải cùng với nhân loại, chúng ta mới có thể tìm thấy lai lịch văn hóa của Bác Hồ. Bởi lẽ, văn hóa bản chất của nó là giao lưu. Bác của chúng ta đã 30 năm sinh sống, đi lại, đối thoại, giao lưu với cả loài người … và tiếp thụ tinh hoa văn hóa các dân tộc.

 

Phần 1

 

Bác của chúng ta là người đầu tiên cách đây hơn 30 năm đã đề ra "Tết trồng cây" để bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Liên hiệp quốc thấy Bác là Nhà văn hóa ở chỗ đó. Đến thập kỷ 90, Liên hiệp quốc mới  đề ra các nước trên thế giới phải xóa nạn mù chữ. Liên Hiệp Quốc đã thấy được Bác Hồ đề ra việc xóa nạn mù chữ đầu tiên  từ năm 1945. Văn hóa là ở chỗ đó. Thế giới ngày nay là thế giới đối thoại. Bác Hồ của chúng ta chủ trương đối thoại với chính phủ Pháp khi Người qua Pháp hòa đàm từ 30 tháng 5 đến 20 tháng 10 năm 1946. Văn hóa là ở chỗ đó.

 

Khổng Tử xưa kia là một nhà giáo dục vĩ đại, nhưng ông chỉ dạy môn đồ của mình : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín… Ông ít nhắc tới chữ : dũng. Nhưng Bác Hồ của chúng ta dạy thiếu niên nhi đồng phải : thật thà, dũng cảm. Có dũng, con người mới dám làm việc nghĩa : Dám xóa bỏ bất công. Dũng khí được Bác Hồ xem là phẩm chất hàng đầu của người cách mạng. Vì lẽ đó mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng mới viết : Bác Hồ là : "tinh hoa, khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại !" Thời đại chúng ta là thời đại dân chủ. Chính Bác đã nói : "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì!" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 trang 46,1996). Thể hiện "tinh hoa, khí phách, lương tâm của thời đại" trong con người Bác là khám phá "cái rực rỡ được gọi là cái cao thượng" của Con Người Viết Hoa. Không thể vẽ chủ tịch một nước vừa có hai triệu người chết đói theo kiểu vẽ một ông vua sáng suốt và nhân từ ! Không thể vẽ một người đứng đầu một quốc gia đã tuyên bố, nước độc lập mà dân không được tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì… như vẽ một nhà chuyên chế ! Chính vì vậy mà người Việt Nam vô cùng xúc động đến bất ngờ khi một nhà thơ đến từ bên kia Tây bán cầu, nhà thơ Cu-Ba Rô-đri-ghết, đã viết về Bác Hồ : "Người đã mặc những áo quần rách nhất, Người đã chết hai triệu lần năm đói 45 !"

           

Bằng tất cả những gì tạo hóa thiên phú, các họa sỹ của chúng ta như Tô Ngọc Vân, TrầnVăn Cẩn, Dương Bích Liên, Diệp Minh Châu… mới khám phá ra được mối quan hệ thẩm mỹ giữa cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ với tình cảm của dân tộc. Và, khó khăn hơn là thể hiện nó bằng ngôn ngữ của hội họa và điêu khắc. Bởi lẽ, như Lê-ô-na đờ Vanh-xi (Léonar de Vinci 1452- 1519) danh họa thiên tài của nước Ý đã nói : "Họa là thơ nhìn thấy, thơ là họa cảm thấy !". Các họa sỹ cách mạng của nước ta phải vẽ Bác Hồ như thế nào để khi nhìn vào bức tranh dù nó là lụa, sơn dầu, thuốc nước hay sơn mài hay gì gì đi nữa…phải thấy được một con người mà suốt đời "khắc khổ, cần lao, tranh đấu" cho dân tộc ta "ai ai cũng được cơm no, áo ấm, ai ai cũng được học hành" !

 

Gớt (Goethe), đại triết gia Đức (1749 - 1832) từng nói : "Người đẹp là trước tác cuối cùng của tự nhiên" ! Các trường mỹ thuật của phương Tây đều lấy người mẫu đẹp, người con gái đẹp mà vẽ, đủ mọi trường phái. Cũng như các sinh viên khác của Trường Mỹ thuật Đông Dương, Diệp Minh Châu cũng lấy nét đẹp của người phụ nữ mà vẽ. Sau Cách mạng Tháng Tám, trở về quê hương Bến Tre, Diệp Minh Châu  vẫn cứ tiếp tục lấy mẫu phụ nữ đẹp mà vẽ. Nhưng một hôm đang say sưa ngắm nghía mái tóc dài thiếu nữ vừa vẽ trong tranh thì có tiếng kêu la, Diệp Minh Châu liền buông bút chạy ra thì dập dềnh trên sóng là xác một thiếu nữ lõa lồ vừa bị Tây hãm hiếp rồi bắn trôi sông. Mái tóc của người con gái này dài và đen nhánh, khuôn mặt tựa tựa như người họa sỹ vừa vẽ trong tranh. Diệp Minh Châu đã xếp giá vẽ gửi lại mẹ già và  ông đi kháng chiến từ đó. Còn có nghĩa lý gì, có vẻ đẹp nào đáng để người nghệ sỹ có máu nóng như  Diệp Minh Châu  vẽ trong tranh khi người đẹp ngoài đời của quê hương ông đang bị giầy xéo, giết hại. Diệp Minh Châu  đã vẽ Bác Hồ người anh hùng cứu nước. Ông mơ ước được gặp Người.  Ước vọng của ông đã thành sự thật. Những năm tháng sống bên Bác là những năm tháng hạnh phúc nhất trong đời họa sỹ. Ở Bác, Diệp Minh Châu nhận thấy bên cạnh con người lãnh tụ, bên cạnh vị chỉ huy tối cao của cách mạng, Bác còn là một tâm hồn lộng gió, môt trái tim đa cảm, một tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp không bờ bến… Vị chỉ huy tối cao của cách mạng đó, trên đường đi qua suối, nhặt được một hòn đá cuội đẹp cũng đưa cho họa sỹ….

 

Diệp Minh Châu  đã vẽ, như chưa bao giờ được vẽ, những ngày sống bên Bác…

 

…Khi vẽ Bác Hồ với ba em bé Trung, Nam, Bắc bằng chính máu của mình ở chiến khu Đồng Tháp Mười, Diệp Minh Châu đã vẽ Tổ quốc. Khi vẽ Bác Hồ ngồi câu cá bên bờ suối ở Việt Bắc, Diệp Minh Châu  đã vẽ … chính mình !.

 

Phải mất nhiều thời gian tôi mới nhận ra điều đó. Và chỉ khi nhận ra điều đó, tôi mới hiểu vì sao họa sỹ Diệp Minh Châu  lại để cả đời mình cho sáng tạo về vẻ đẹp Bác Hồ, làm nên một huyền thoại trong lịch sử  hội họa, điêu khắc của dân tộc ta, của loài người…

 

Có nhà  văn nào đó đã nói, đừng tưởng  tâm hồn ta trú ngụ trong chính bản thân chúng ta. Có khi suốt cả cuộc đời tâm hồn chúng ta trú ngụ ở trong những con người ta yêu thương, ngưỡng vọng mà ta không biết… Phải chăng tâm hồn Diệp Minh Châu đã từ lâu trú ngụ trong tâm hồn của Bác !

Lê Phú Khải
Số lần đọc: 4824
Ngày đăng: 24.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đôi Mắt NgườI Sơn Tây - nàng là ai ? - Nguyễn Duyên
DU TỬ LÊ hay là "NHỮNG VÌ SAO CHƯA BIẾT NGỦ MỘT MÌNH" - Trần Mạnh Hảo
Món ăn Huế trên đất Phương Nam - Tiểu Kiều
Chè HUẾ - Tiểu Kiều
Nhà giáo Vĩ Đại Hồ Chí Minh - Nguyễn Phúc Nghiệp
VĂN HỌC trên KÊNH TRUYỀN HÌNH VTV3 : '' NGÔNG'' là PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT NGUYỄN TUÂN ! - Trần Mạnh Hảo
Bánh bèo Ngự Bình xưa - Tiểu Kiều
Thức ăn theo mùa của Huế - Tiểu Kiều
Qua SỰ KHỦNG HOẢNG của SÁCH GIÁO KHOA, Bàn thêm về TÁC ĐỘNG CỦA XÃ HỘI vào việc DẠY VÀ HỌC MÔN VĂN - Trần Mạnh Hảo
“DÒNG SÔNG MÍA” của ĐÀO THẮNG - Trần Mạnh Hảo