Im lặng quá, tiếng tích tắc từ chiếc đồng hồ nghe buồn chán quá, thời gian dài lê thê mà bà thì chẳng biết làm gì, hết nằm rồi lại ngồi hoặc mò mẫm ra sau nhà ngước mặt nghe chim hót hoặc cảm nhận sự ấm áp mặt trời lên
Thính và xúc giác giúp cho thị giác của bà để cảm nhận mọi việc chung quanh. Thêm một giác quan thứ sáu để nhận biết những hiểm nguy, va chạm vì với bà ngày cũng tối như đêm
Những lúc trống trãi, cô đơn quá bà thèm nghe tiếng tặc lưỡi của đám thạch sùng. Ít ra âm thanh chán ngắt đó xua đi sợ hãi mà bà dấu con cháu trong những lúc có một mình
Đợi, từ mờ sáng bà đã đợi tiếng giày dép khua trên nền xi măng trước hiên nhà, nhưng khi ông con trai bước vào, bà lại giật mình như đứa bé ăn vụng bị bắt gặp
Đứa này, đứa nọ, mỗi đứa con một tính, đứa tốt hiếu thảo, đứa lạnh lùng. Nhưng đứa nào bà cũng thương, cũng quý, cũng mong ngóng mỗi ngày, mỗi giờ. Con về là vui, bà lại thấy ấm áp, tràn đầy hạnh phúc, xua tan sự cô đơn, biết chắc nó vẫn còn ở bên mình
Không hiểu từ bao giờ bà lo sợ vẩn vơ, hay từ khi thằng út ra đi vì bệnh ung thư, bà sợ mất thêm những đứa con. Biết là sự lo âu không đáng có nhưng khi nghe tiếng còi hụ của xe cứu thương, nghe tin một tai nạn đâu đó lại giật mình nghĩ về các đứa con rồi lại đợi chúng về
Đứa hư hỏng lại là đứa bất hạnh, đứa gần gũi hằng ngày, hay chuyện trò hoặc làm việc này, việc nọ cho bà, bà thương nó nhất. Thương nhớ nó hơn nữa vì nó không còn sáng chiều ngồi nghe bà trách móc
Bà lại men tường vào phòng thờ, sờ lên di ảnh của nó rồi lẩm bẩm một mình
" Con ơi ! Mẹ đợi con về "
" Lòng mẹ đau lắm nhưng không khóc được
Nhớ những tháng năm khốn khó, con bỏ học để giúp mẹ bán buôn kiếm sống qua ngày. Đó là lúc nhà không còn ai, những anh chị của con tứ tán bốn phương, chỉ mình con lúc thúc bên mẹ. Nhớ một lần con bán được mười lít xăng, chiều đó mừng rõ nhảy lên mái nhà ngồi một mình hát bài Trường sơn ơi, cái bài hát mà sau này đời con bất hạnh lại nghêu ngao một mình
Ngày tiển con lên đường, mẹ đã không khóc dù hụt hẫng, hoảng sợ. Mẹ không khóc để con an lòng mà đi nhưng đêm về thao thức không ngủ được
Bốn năm sau quay về với hình hài nguyen vẹn thì mẹ lại khóc. Khóc cho đời con không còn tương lai, khóc cho tật nguyền ở tâm hồn mỗi khi con cất lời ca trường sơn ơi
Mẹ biết con nhớ trường sơn, nhớ đồng đội, nhớ những đêm trinh sát ở xứ người, nơi con hi sinh tuổi thanh xuân để cho người khác được vui "
Bà đợi
Đợi từ khi thằng út lên xe ra chiến trường hun hút bên kia biên giới, bà đợi hiếm hoi những lá thư gởi về, bà đợi một khoảnh khắc bất ngờ nghe tiếng giày khua nhanh trên nền xi măng và cái dáng trẻ trung, mạnh mẽ ào vào ôm chầm lấy bà
Một ngàn bốn trăm hai mươi bảy ngày đợi. Mỗi ngày thêm một vài sợi bạc, mỗi ngày thêm héo hon
Bà đợi
Duyên nợ con trai, đợi một người con gái xa lạ gọi bà bằng Mẹ, đợi đứa cháu nội bi bô thay ba nó lúc thúc sau lưng
Cứ vậy, bà mòn mỏi đợi, năm này qua năm khác, đợi mãi miết thêm hơn mười ngàn ngày đêm nữa. Đợi mù lòa đôi mắt, đợi cong những ngón tay, đợi cho đến ngày bà không mong đợi
Ngày nghe ba hồi chiêng trống tiển con đi
Rồi bà lại đợi mỗi ngày
Có khi chẳng biết mình đợi cái gì, đợi ai ngoài những đứa con ngày ngày về với mình. Bà đợi một bước chân khác, âm thanh trên nền xi măng mà đã hơn hai năm rồi không còn nghe thấy nữa
Có khi trong mê loạn cô đơn, bà lại men tường từng bước tới căn phòng thằng út, vén màn gọi dậy mua cho bà miếng cau, hoặc có lúc thổn thức ôm cái bằng huân chương chiến công hạng hai mà khóc
Cái tấm gấy cứng với chiến công mơ hồ nghe xa lạ đến quặn lòng
Trường sơn ơi..
Bà lại men tường ra sau nhà nghe tiếng chim hót. Trường sơn ơi..thằng út lại về, hóa chim trời đậu trên mái nhà hát cho bà nghe mỗi khi đau đớn
" Mẹ già rồi, khó khăn lắm mới đặt chân xuống nền nhà lạnh lẽo để nghe con líu lo mỗi sáng, mỗi chiều, bầu trời thì tối đen, mẹ làm sao nhìn thấy con bước vào nhà, lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế cạnh mẹ "
"Tháng bảy lại đến, mẹ làm sao nhìn thấy được di ảnh con trên bàn thờ, làm sao thắp cho con được nén nhang, đợi tàn hương bay đi, bay đi, hóa chim trời vút lên dãy trường sơn, qua bên kia biên giới "
Bà đợi
Đợi nghe thằng út kêu hai tiếng ngọt ngào “ Mẹ ơi !”
30/8/2017