Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.143.526
 
Chân Dung Cà Phê
Phạm Nga

 

 

1.

Tôi còn nhớ, chính là vào những đêm thức trắng ôn thi tú tài thời 1965-66, tôi đã mở đầu “sự nghiệp uống cà phê” của mình vào tuổi 17, 18 gì đó. Đó là loại cà phê rang, xay thơm lừng của nhãn hiệu J. Martin - Meilleur Gout mà, theo cái “gu” đầy kén chọn của mình, bố tôi thường sai tôi đi mua ở một tiệm tạp hóa lụp xụp nằm trên đường Trần Quang Khải, Tân Định, thời đó cũng thuộc Quận 1 Sài Gòn. Từ những phin cà phê - uống đầu hôm để khỏi buồn ngủ - tự mình pha cho mình thời ấy, đến nay đã gần 50 năm trôi qua, tôi luôn giữ thói quen chỉ uống cà phê đen nóng. Lần hồi trưởng thành, tốt nghiệp, đi dạy, đi lính…, càng ngày tôi càng gắn bó với cà phê, đồng thời có “gu” cà phê riêng tư, đó là cà phê đen nóng pha phin đậm. Tuy nhiên, đến cơn ghiền cà phê mà được tách cà phê tự pha ở nhà, hay cà phê phin hảo hạng ở quán máy lạnh sang trọng thì tốt, mà ly xây chừng (*) ở mấy cái tiệm hủ tíu nhớp nháp của các chú Thòong (*), hay ly cà phe vớ ở mấy quán cóc xập xệ lề đường cũng xong.

Có một điều rất thú vị, ngọt ngào trong toàn bộ sinh hoạt đời sống, đó là, với ai cũng vậy, rất bình thường là tách cà phê buổi sáng. Đúng ra, thực tế là không riêng gì buổi sáng, người Việt mình bất kỳ ở thành phố hay thôn quê, cũng với bất kỳ nguyên cớ nào đó, đều có thể uống cà phê bất kỳ giờ giấc nào trong ngày. Như bạn bè rỗi rảnh rủ nhau ra quán cà phê. Như đồng nghiệp giữa giờ làm việc kéo nhau xuống căn-tin hay ra quán trước sở làm làm cái cà phê. Như bạn cũ đã lâu ngày mới tình cờ gặp lại giữa đường, kéo nhau vào cà phê để hỏi han tin tức về nhau cái đã, trước khi hẹn một chầu nhậu kéo dài để tha hồ chuyện vãn. Như dân làm ăn bàn áp phe, ký hợp đồng, giao nhận hàng… cũng rất thường là tại quán cà phê.

 

2.

Ghi nhận từ cuộc sống đường phố, tôi thấy có gì đó rất vong thân tội nghiệp là cái cảnh ai đó sáng ra sợ trễ giờ đành mua nhanh cốc cà phê take away trên vỉa hè mang vào sở làm uống sau, hay vội vội vàng vàng nốc ly cà phê đá để giải quyết cơn khát giữa đường phố. Hay bạc bẽo quá là chuyện uống cà phê dạng fastfood đựng trong ly nhựa đậy nắp. Ăn, uống phải bằng mọi cảm  quan nếm-ngữi-thấy mới ngon - đằng này dù dùng ống hút hay kê môi vào vành ly, người uống cũng không hề được thấy màu cà phê óng ánh trong ly.

Ngược lại, có lẽ tự thân ung dung nhất trong mọi sinh hoạt thường ngày của hầu hết mọi người – đặc biệt đối với bọn viết lách như bạn và tôi - là thời khắc cà phê, sáng ra hay khuya tối cũng thế. Cà phê đúng nghĩa không chỉ đơn thuần là hành vi uống, sử dụng một món uống. Với cà phê tự thân, người uống toàn tâm toàn ý tự phục vụ bằng một số cử chỉ quen nhuần, đã lập đi lập hằng triệu lần trong cuộc sống có cà phê. Và phải với phong thái ung dung như thế mới xứng đáng nói là ‘thưởng thức’ hay ‘nhâm nhi’ cà phê – cảm nhận hương vị cà phê bằng cả hai phần Tâm và Thể, thay vì nói ‘uống’ cà phê, chỉ là một động tác thể lý.

Chợt nhớ André Gide - nhà tư tưởng tiền phong của chủ nghĩa hiện sinh. Trong cuốn Thực phẩm trần gian (Les nourritures terrestres, xuất bản năm 1897), khi đề cao vai trò của các giác quan trong đời sống con người, Gide nêu ý tưởng ‘thực phẩm trần gian’ có nghĩa bao gồm cả hai phía vật chất lẫn tinh thần, như từ một món ăn ngon lành, món uống thú vị cho đến một ý tưởng đẹp, một cuốn sách hay, một cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ… Riêng tôi, lỡ có tính hiếu cảm cùng hiếu mỹ, từ nhỏ đã có một xu hướng khá phàm phu, rằng về tất cả các món trong kho ẩm thực ông Trời ban cho con người xưa nay, gồm đủ loại hạng, từ gạo, rau, cá, mắm dân dã cho đến sơn hào, hải vị cao cấp, tôi khoái nhất cái gì vừa ngon, vừa đẹp lại vừa ăn được. Nên khi “triển khai” ý tưởng của Gide, tôi tôn cà phê lên hàng ‘thực phẩm trần gian’ đệ nhất hạng bởi theo ý kiến chủ quan, thực phẩm chủ yếu dùng để uống này vừa có hương vị thơm ngon độc đáo, vừa có màu sắc đẹp, kể cả khi pha với sửa.

Hơn thế, rất dễ thấy các giá trị của cà phê nằm ở khía cạnh dinh dưỡng, năng lượng, dược tính… là rất đáng kể nhưng dù sao cũng không quan trọng cho bằng ý nghĩa, vai trò độc đáo, huyền diệu của cà phê đối với sinh hoạt tinh thẩn, cảm xúc của con người - ít ra là đối với những người ghiền cà phê như tôi, như tạo cảm hứng, tạo hưng phấn, giải khuây, làm cái cớ để gặp bạn bè…

Thực tế là trong cuộc sống hiện giờ, hiếm có thứ gì dễ tìm, dễ tiếp cận như cà phê. Khỏi nói tới cái phin lọc, cái hũ cà phê xay hay mấy gói cà phê ‘3 trong1’ mà nhà nào cũng có, bước ra đường là cà phê đã chấp chới rộ lên chào mừng bạn. Đó là những cái tủ gỗ hay xe đẩy, xe đạp bán cà phê mang về, có mặt san sát nhau trên vỉa hè, cho đến những quán cóc bán cà phê bình dân, rồi những quán hay nhà hàng cà phê máy lạnh giá cao, cà phê sân vườn, cà phê sạch, cà phê thư giãn, cà phê fast-food kiểu Mỹ, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Tiệp Khắc….

 

3.

Uống cà phê, nhâm nhi cà phê đi liền với ngồi cà phê.

Việc ngồi cà phê đi liền với quán cà phê quen.

Ở quán cà phê được chọn, cà phê đi liền với bạn bè, tức những người thường cùng ngồi cà phê với mình.

Cuối cùng, tùy hoàn cảnh và tùy sở thích, khuynh hướng…, người hay ngồi quán cà phê có thể chọn quán này hay quán khác là do có ưng ý về loại nhạc mở ở quán đó hay không.

Có người nói chí lý rằng dân nghiện xì ke, ma túy là bọn luôn ích kỷ, họ thường hút, chích một mình cho đả đời, sao cho khỏi phải chia sẻ, tiêu tốn món ‘chơi’ mắc tiền cho người nghiện khác; còn dân ghiền cà phê thì hay thơm thảo, luôn rủ rê, hú réo nhau để bạn bè đồng điệu cùng có mặt ở các chầu cà phê quán này quán kia, thậm chí càng đông đủ càng vui.

Bên cạnh đó, ngồi cà phê một mình lại là một sinh hoạt tĩnh tại, riêng tư rất có ý nghĩa và ơn ích cho tư duy viết lách, tính toán công việc hay thả lỏng cảm xúc cho trí tưởng nghỉ ngơi. Và ngay cả những lúc cà phê quay quần bè bạn, ai cũng có thể có những quãng lặng, thầm tách riêng mình ra khỏi đám tha nhân, không khác lúc mình ngồi nghĩ ngợi một mình bên tách cà phê.

Hy vọng nhỏ bé của người viết là trên đời này sẽ được gặp nhiều người đọc phóng khoáng, bao dung cho thói tật cà phê lê-la-vỉa-hè, để có thể cùng:

Chào buổi sáng! Café cùng bằng hữu

Hương vị đời nồng ấm chuyện cười vang.

(OK! Café sáng! *Thơ Trần Thoại Nguyên)

 

 

((Mùa mưa 2017)

 

* Xây chừng: nghĩa là ‘ly nhỏ’ theo âm tiếng Quảng Đông (tài chừng là ly lớn). Người bình dân hay gọi gọn ‘xây chừng’ là ly cà phê đen nhỏ, còn chính xác phải gọi là ‘dịt phé xây chừng’ (dịt phé là cà phê đen, nại phé là cà phê sữa, sủi phé là cà phê đá)

*Thoòng: Theo từ ‘thoòng dành’ đọc theo âm Quảng Đông, âm Hán Việt là ‘Đường nhân’, nghĩa là ‘người nhà Đường’. Đây là một đế chế rất hùng mạnh trong lịch sử cổ đại của dân tộc Trung Hoa nên các đời sau của họ thường hãnh diện tự xưng theo tên gọi của triều đại này.

 

Phạm Nga
Số lần đọc: 2001
Ngày đăng: 04.09.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vắng 1 / Vắng 2 / Xưng tội - Phương Uy
Sài gòn chút nhớ thương mùa cũ - Vĩnh Thông
Rau muống biển - Bùi Thanh Xuân
Một ngày trên cao nguyên - Tiểu Nguyệt
Bên chân trời viễn mộng, con tim chất đầy nỗi nhớ cố hương . - Nguyễn Văn Thượng
Đêm trăng trên mỏ quạ - Tiểu Nguyệt
Kẻ lai vãng trước sân chùa - Phạm Nga
Chở ba dạo phố - Bùi Thanh Xuân
Hương gió đà thành - Phan Trang Hy
Trên triền nắng bến sông chờ... - Nguyễn Văn Thượng
Cùng một tác giả
Hoa ôm (ký)
Chuyện ở sau chùa (truyện ngắn)
Người già... (tạp văn)
Cữ sáng... (truyện ngắn)
Đám cưới bánh mì (truyện ngắn)