Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.160
123.146.886
 
Thánh địa Mỹ Sơn (kỳ I)
Trần Công Nhung

  

 

  Bài và ảnh Trần Công Nhung

 

  Ngày xưa khi bà Huyện Thanh Quan đi qua nơi cung điện nhà Lê, thấy cảnh hoang phế bà đã động lòng làm bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” để bày tỏ nỗi luyến tiếc kinh thành một thời tráng lệ nay chỉ còn lại rêu phong:

  “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

   Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.

 Ngày nay nếu đi tìm  những hình ảnh tương tự của dân tộc Chămpa thì phần đất phía Nam từ Quảng Nam vào Bình Thuận chúng ta thấy có nhiều. Thánh địa Mỹ Sơn được công nhận là di sản thế giới, là di tích tiêu biểu đậm nét văn hóa quyền uy của người Chăm vào thời kỳ cuối cùng trước khi mất hẳn do công cuộc mở rộng bờ cõi của người Việt.

Trước đây có một thời tôi làm việc ở Quang Nam, thường nghe nói đến Mỹ Sơn, quận Duy Xuyên, tuy không cách xa mấy nhưng lại thấy khó đi về. Thời chiến tranh, “xôi đậu” không rõ ràng, chẳng ai dại gì đi vào nơi rừng núi thâm u, nguy hiểm cho tính mạng . “Gần nhà mà xa cửa ngõ”, là thế. Bây giờ cách một đại dương đi về lại dễ. Không gian và thời gian đổi thay theo cuộc sống và tình người.

Tour du lịch đi Mỹ Sơn không đắt, chỉ mấy chục nghìn đồng, nhưng không được thong thả theo công việc của mình, lại mất thì giờ chờ đợi. Từ Hội An lên Mỹ Sơn khoảng 50km, tôi đi xe ôm.

Sáng sớm, thành phố Hội An thật yên tĩnh, đường vắng tanh, gió mát như máy lạnh. Đi bộ, hít thở  cái không khí trong lành đầu ngày, vừa thể dục vừa ghi nhận những hình ảnh, âm thanh, của phố cổ lúc còn say ngủ:

Một hai chiếc xe đạp của dân lao động, một vài tốp học trò đến trường tập thể dục. Mấy chị “công nhân môi trường” với cây chổi tre dài, thong thả như đếm nhịp, tiếng xẹt xẹt nghe thật rõ. Cách quãng xa mới có một quán cà phê nhóm lò bên đường…Đây là giây phút phố phường thư giãn, hiền lành êm ả, tôi không thấy e ngại dù đi vào chỗ tối vắng người.

Ra đến đầu đường Nguyễn Thái Học, gặp một anh xe chịu giá đi Mỹ Sơn 55 nghìn. Không phải mặc cả, tôi ngồi lên xe vừa nói: “Anh "tranh thủ" chạy nhưng chỗ nào tôi vỗ vai thì chậm lại. Nơi nào cần dừng thì dừng, chỉ vài phút thôi”. Anh xe hứng chí phóng nhanh như đua, tôi run cầm cập, co người núp sau lưng xe, thỉnh thoảng hé mắt nhìn làng mạc trong sương mờ, tự nhiên được sống lại cái cảm giác ngày còn nhỏ, những ngày mà tuổi thơ không thấy giá rét, không thấy cực khổ thiếu thốn, chỉ thấy cuộc đời thật vui, lúc nào cũng mong chóng đến giỗ chạp, Tết nhất, hội hè…

Trời mờ sáng xe chạy ngang làng đúc đồng Phước Kiều, đã thấy nhiều nhà mở cửa, nào tượng đồng, còng chiêng, lư hương chân đèn...mớ bày dưới đất, mớ treo trên vách, la liệt như hàng chợ trời. Muốn ghé vào xem nhưng sợ tục lệ “mở hàng” đầu ngày, chủ nhà đã mời mà từ chối là có chuyện. Thường ít ai hiểu cho sự bất tiện những món lôm côm lích kích, chẳng thể nào mang theo với máy móc!  Tôi vỗ nhẹ cho xe chậm lại,  ngoái người bấm máy. Hình ảnh tư liệu, sao cũng được.

Vào đến ngã ba QL1 rẽ lên Duy Xuyên, trời sáng hẳn. Từng tốp học sinh trong đồng phục lũ lượt bên đường, hoặc hàng ba hàng bảy đạp xe, thong dong đến trường. Cảnh nữ sinh trong tà áo trắng tôi chụp đã nhiều ở trường Lý Tự Trọng (Võ Tánh) Nha Trang, Trưng Vương (Gia Long) Sài Gòn, Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho)…thế mà mỗi khi nhìn thấy áo dài lại vẫn thích, không thể không chụp. Có lẽ khung cảnh khác nhau, ánh sáng không giống nhau, nên cảm xúc dễ khơi động.

Huyện Duy Xuyên ngày nay có bộ mặt khác xa quận Duy Xuyên ngày trước, khu hành chính huyện nguy nga khang trang nằm ngay lộ, phố xá nhà tầng sáng sủa, buôn bán tấp nập. Với khách bàng quan, đây là dấu hiệu một đời sống sung túc, nhưng đấy là bộ mặt, lúc cởi áo, không biết “thân hình” ra sao!

Phía trên huyện một đoạn có con sông, hai bờ tre soi bóng, tôi xuống xe, chụp ảnh dòng sông phải cần góc độ, cần tính toán, nhất là mặt trời đỏ ối đang lên từ từ. Rồi rỉ rả từ từ, đường lên Mỹ Sơn, nhiều cảnh cũng hay, nhà thờ Trà Kiệu, ngôi giáo đường từ hơn thế kỷ, không thay đổi, không sơn phết sửa sang theo “hiện đại”;  Gợi cho khách du cả quá khứ lịch sử dài . Hầu như giáo đường nào cũng màu đá xanh, màu xám mốc: nhà thờ Phát Diệm, nhà thờ Phú Cam, nhà thờ lớn Hà Nội…Không hiểu sao Thánh Đường Sài Gòn lại màu chu đỏ.

Đường vào Thánh Địa, qua một cổng chào, từ từ lên cao, và như đâm thẳng vào núi xanh. Đến đầu ngọn đồi cuối đường, một khu nhà tranh thấp thoáng sau tàng cây xanh lá: Nhà nghỉ, quán ăn, giải khát, kiểu “du lịch sinh thái”. Trái với hình ảnh đối diện, đang có công trình xây dựng khá lớn. Công trình theo mô hình nhà máy, một dãy dài, không có nét riêng của địa phương. Bên cạnh có trạm bưu điện nho nhỏ mang nét  văn hóa Chăm.

Còn sớm, tôi mời anh xe uống cà phê vừa nghỉ mệt. Quán chỉ một người lo các  thứ cho khách. Anh xe lợi dụng gọi thêm 4 điếu thuốc Con Mèo.

-        Cháu à, đang có công trình gì vậy?

-        Dạ, nhà vãng lai khách quốc tế, và nơi làm việc cho các đoàn nghiên cứu.

-        Hàng ngày khách đông không cháu?

  -  Dạ cuối tuần đông hơn, nhưng đa số khách phương xa theo tours và khách Tây là nhiều.

-        Có phải mua vé không?

-        Dạ, vé 30 ngàn. Chú qua cầu mua vé rồi có xe Jeep đưa vô  tháp.

Chiếc cầu tre tương đối chắc, không lắt lẻo như cầu giây ở Buôn Đôn (1), nhưng chỉ dành cho người đi bộ và xe máy, không hiểu làm cách nào bên kia cầu lại có xe Jeep.     

Phòng vé và chỗ nhân viên làm việc, ăn ở, rất luộm thuộm. Mấy ông cười nói bô bô, thấy khách ngơ ngác cũng mặc, hỏi họ mới chỉ cho cô bán vé ngồi dấu mình trong một góc phòng.

Đường dốc vào tháp có xe đưa, lúc ra, khách tự đi bộ. Mình tôi một chuyến xe, loại xe Jeep của quân đội miền Nam ngày trước. Dù đoạn đường chưa tới cây số, đi chân cũng hơi mệt.  Xe thả khách xuống điểm trung tâm, nơi có nhà hàng, nhà bán quà lưu niệm, nhà biểu diễn văn nghệ. Từ đây theo con đường mòn, tương đối bằng, khoảng 500m là đến khu Thánh Địa.

Vẫn còn sớm, tôi thăm qua sinh hoạt chung quanh, một nhà bán giải khát  sách báo kỷ vật và tượng phục chế theo tỉ lệ thu nhỏ. Đối diện có nhà văn nghệ, các cô đang ôn tập múa. Lát sau có đoàn du khách vào, tôi nhập bọn cùng đi bộ vào tháp.

Chim rừng cất tiếng “chào mời”. Nhiều tiếng bồ chao, bìm bịp, chóp mào, chim sâu…toàn chim dân dã. Không nghe tiếng họa mi, hoàng oanh, chích chòe…Con đường mòn nhiều cành lá vươn ra lối đi, có lẽ ít người qua lại và cũng chưa được dọn dẹp.

Sau chừng mươi lăm phút thì mọi người đều dừng lại, trước mặt hiện ra một vùng đền đài, tháp cổ đã hư rã theo thời gian. Chu vi khu di tích ước chừng 100m mỗi bề.

Lúc này thì không ai nói gì chỉ có tiếng chim và tiếng máy ảnh. Tôi phải chụp nhanh nhiều góc độ trước khi đoàn du khách tràn vào. Toàn bộ khu di tích gần như nguyên trạng, không tô đắp sửa chữa, dáng vẻ và màu sắc nói lên cả một chuỗi lịch sử dài hàng thế kỷ. Ánh sáng tươi mát ban mai, sau lưng khu tháp là mấy ngọn núi xanh lơ, điểm mây bạc, trời rất mùa thu..tuy rừng cây lá không vàng.

Có lẽ đã đầy ắp cảm giác và hình ảnh về khu Thánh Địa nên ai nấy từ từ lần vào. Rải rác đó đây, có những tấm bảng chỉ dẫn: Khu A, khu B, khu C…F, có 8 khu nằm kề nhau. Mỗi khu là một phần đặc trưng của Thánh Địa...

Thánh Địa  Mỹ Sơn được dựng từ thế kỷ 4 giữa vùng núi thâm u, nay thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Theo các nhà khảo cổ căn cứ trên bia khắc thì đền được vua Bhadresvara xây để cúng vua thần Siva Bhadresvara.

Thoạt tiên đền làm bằng gỗ, qua thế kỷ VI bị hỏa hoạn thiêu rụi. Đến thế kỷ VII vua Sambhuvarman xây lại ngôi đền bằng gạch, đá. Liên tiếp nhiều thế kỷ cho tới thế kỷ XIII hơn 70 đền tháp được xây dựng, và Mỹ Sơn trở thành Thánh Địa Ấn Giáo của vương quốc Chămpa.

Tôi xem và chụp ảnh một vài khu chính: Khu A là khu đầu tiên, ngay lối vào. Chính giữa có một nền cao chừng 2m xếp bằng đá tảng có hoa văn. Khu này hai bên còn hai tháp, phía sau cùng có hai tháp. Bên ngoài các tháp phần lớn bị mưa gió xâm thực, nhiều góc cạnh sứt mẻ, bên trong có trưng bầy một số tượng không đầu, một vài mảnh hoa văn. Trước đền chính có một số đế đá tròn lớn, chạm trổ, trên có khoét lỗ vuông (để ráp mộng?), một số trụ lục giác, hai đầu cũng khoét lỗ như vậy.

Hai ngôi đền phía sau có dạng khối chữ nhật, cửa thì khác nhau: Một bên đầu cửa nhọn theo hình tháp, một bên thẳng cạnh hình chữ nhật. Mái đền hỏng nặng nên có mái nhân tạo để che nắng mưa, trong có nhiều vật trưng bầy: Tượng thú vật, tượng người ngồi theo thế bán kiết già, hầu hết đều bị mất đầu. Giữa hai đền này có hai hàng tượng đá cũng không đầu. Đa số đền đài Việt Nam các tượng cổ thường không còn đầu, chẳng phải do thời gian làm hư hỏng mà chính do con người đánh cắp làm của riêng. Một trong hai đền có một vỏ đạn đại bác cao gần 1 mét, chẳng ăn nhập gì với những thứ trưng bày. Nếu muốn nói tội ác chiến tranh tôi tưởng nên để chỗ khác thích hợp hơn. Cũng có những tấm bảng kẽ chữ rất đẹp, tưởng chú thích về sự tích đền, hóa ra “Cấm leo trèo viết bậy”.

Thảm thương cho 4000 năm văn hiến! Khắp nước nơi nào cũng “đạt chuẩn văn hoá” nhưng bảng cấm cắm đầy, từ công viên đến đình chùa miếu mạo. Có những cáo thị rất dung tục. Như vậy có nghĩa bao nhiêu nhà trường bấy nhiêu nhà tù hay sao!

Du khách đến thăm Thánh Địa Mỹ Sơn không ồ ạt xô bồ như kiểu đi xem hang động, hội hè, không trẻ con, không hàng rong nhảm nhí. Đến Mỹ Sơn cũng như vào bảo tàng di tích, ai nấy đều có phong thái trầm lắng suy tư.

Một nhóm người Đông Âu, họ xem xét trao đổi, ghi chép và chụp ảnh rất kỹ, có người tách riêng ra một mình ngồi trước khu đền chỉ còn ngôi tháp nhỏ, anh đang suy nghiệm về thời gian về đời sống, về đổi thay của tạo hóa…? Mọi người đi qua rất nhẹ, không ai quấy rầy anh. Một ông già tóc râu bạc trắng, có lẽ là trưởng đoàn. Tôi đến nhờ ông bấm cho tấm ảnh, ông vui vẻ và tỏ ra thông thạo, không cần phải chỉ dẫn gì cả.

Theo bản đồ toàn bộ Thánh Địa có 8 khu, ngoại trừ khu A những khu khác di tích không còn lại bao nhiêu, có khu chỉ còn nền trống. Khu F đang có công trình tái tạo một tháp lớn, hiện chỉ thấy dàn giá chứ không có  chuyên viên hay nhân công làm.

Nhiều nơi trùng tu, sửa chữa các công trình kiến trúc cổ, nhưng lại chắp vá tô vẽ theo kiểu thợ hồ, làm cho di tích mất hết ý nghĩa. Tháp Bà (Nha Trang) chẳng hạn, sân tế lễ với hai hàng trụ cao lớn uy nghi, trên mười thế kỷ nắng gió ăn mòn, nay được xây lại bóng láng, tưởng chừng mới có hôm qua. Nghe nói Tháp Chàm ở Phan Rang do đoàn chuyên viên Ba Lan tu sửa nên giữ được phần nào nét nguyên thủy. Ngôi nhà cổ ở làng Tây Giai tỉnh Thanh Hóa (2) được Unesco trùng tu, ngói, gỗ, nói chung vật liệu đều được thay thế y như trước.

Lối đi đến các khu tháp không xa mấy, quanh co qua rừng cây rất thiên nhiên, nhưng thiếu bảng chỉ dẫn, du khách không biết lối nào đi tiếp, lối nào ra nhà trung tâm, cứ phải mất thì giờ lanh quanh lui tới.

Thánh Địa Mỹ Sơn thể hiện rõ rệt nền văn hóa Ấn. Đến Mỹ Sơn tôi thấy khác xa khi thăm những đền đài khác, ở đây đầy vẻ u tịch, trong thinh không vắng lặng, con người dễ quay về với quá khứ, dễ hồi tưởng những gì đã qua, tưởng chừng như mình sống lùi lại lịch sử một thời. Du khách có thể ngồi một góc trước “Nền Cũ” mà trầm ngâm ngắm nhìn, dấu vết của công trình kiến trúc, hình ảnh một nền văn minh từ hàng bao thế kỷ nay đã nhòa nhạt. Đối diện với một di sản lịch sử như vầy chắc chắn không ai, kể cả người nước ngoài, có tâm phân biệt đây là công trình của phong kiến hay đế quốc, chân hay ngụy, mà chỉ có tiếc thương và hoài niệm. Nhưng, giá ban quản lý bỏ công chăm sóc thêm, đừng cho cỏ cây hoang dại mọc phủ vết tích xưa, vốn không còn bao nhiêu, lại rất dễ bị hư hỏng nếu cây đâm rễ lâu ngày. Công việc này không mấy khó, cũng chẳng tốn kém bao nhiêu, một người chuyên làm sạch những cây dại ký sinh trên nền trên tháp, như thế giữ cho di tích được sạch sẽ rõ nét hơn. Tiền bán vé thay vì xây cất công trình phụ như nhà khách, phòng họp…nên dành một phần cho công tác này.

Thăm khu thánh địa, du khách chẳng ai bị quấy rầy bởi sinh hoạt đời thường. Tôi nghĩ đây là điểm son của ngành du lịch Quảng Nam, ít nơi có.

Khoảng 10 giờ, sau khi thăm tháp trở ra, khách được mời vào hội trường nghỉ ngơi xem văn nghệ. Văn nghệ là một phần trong chương trình phục vụ du khách. Tôi ra sớm, có ý làm quen với cô diễn viên trẻ đẹp, có vẻ như  người hướng dẫn đội múa.

Sau một vài lần chỉ dẫn cho các bạn về nhịp điệu trong màn vũ, cô gái xuống ghế ngồi theo dõi các bạn tập trên sân khấu. Tôi làm ngay cuộc phỏng vấn chớp nhoáng:

-        Chào cháu, cháu là trưởng đoàn văn nghệ?

-        Dạ, không. Mấy anh kia chú.

-        Thấy cháu có vẻ thành thạo hơn các bạn.

-        Dạ, cháu cũng diễn viên thôi.

-        Cháu làm trong đội văn nghệ lâu chưa?

-        Dạ, cháu ở Bình Thuận được cử ra giúp cho mấy chị múa.

-        A, vậy cháu cũng ở trong ngành văn hóa chứ?

  -    Dạ, không, cháu đang đi học. Qua hè cháu về Sài Gòn học nghề và đi làm trong đó.

-        Trong đoàn có ai là người Chăm không cháu?

  Cô gái nhìn tôi cười:

-        Cháu và chị kia, chú không thấy cháu là người Chăm hả.

Tôi lặng đi mấy giây. Người Chăm mà đẹp và duyên dáng đến thế thì làm sao ai biết.

-        Chú thât không ngờ, chú cứ nghĩ cháu là người Kinh. Cháu tên gì?

-        Lâm Minh Mỵ, chú không phân biệt được người Chăm, người Kinh ?

 -   Chú xin lỗi, xưa nay, hể cứ đen đủi và thô kệch là Chăm, có dè đâu cháu đẹp vậy. Mà Lâm là họ người Tàu chứ?

 -  Dạ, không đâu, họ người Chăm theo hai dòng: Bà La Môn gồm có họ Chế, Dương, Hán, Đàn. Còn dòng Bà Ni có Lâm, Đạo, Nương..nhiều lắm chú ơi.

-  Hay thật, chú mới biết lần đầu.

Người con gái cười cười, hàm răng đều tăm tắp và trắng muốt, đôi mắt to sáng long lanh, tôi không tài nào mô tả được vẻ đẹp của Mỵ, chỉ biết đẹp, đẹp núi rừng hoang dã, đẹp kiêu sa thị thành. Hởi những nhà thơ thiên tài: Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyến Bính…xin triệu thỉnh chư liệt anh linh về chiêm ngưỡng…

  -    Lúc nãy cháu bảo phân biệt người Chăm như thế nào?

-        Dễ lắm, chú nhìn vào đôi mắt cháu, có gì khác không…

Trời đất, nhìn vào đôi mắt có mà chết chứ “phân giải” nỗi gì…Nhưng đã được gợi ý thì tội gì không nhìn. Và, tôi nhìn thật kỹ, thật lâu, không chỉ nhìn vào đôi mắt, mà nhìn ngắm hết cả khuôn mặt người diễn viên trẻ. Tôi chẳng phân biệt được gì, chỉ thấy trong đôi mắt người con gái xứ Chăm có cái gì u ẩn xa vời vợi, như một thoáng hận nghìn đời phảng phất đâu đây. Phải chăng nhà thơ họ Chế đã nhìn ra điều này khi viết:

Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận

Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang

Máu Chàm cuộn tháng ngày mềm oán hận

Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn

-        Cháu có thể cho chú chụp một hai tấm ảnh?

-        Nãy giờ thấy chú chụp nhiều rồi mà.

-        Chú muốn chụp chân dung cháu và  ảnh cháu đứng bên thềm Thánh Địa.

-        Vậy chú đợi cháu diễn xong đã.

Khán giả hai nhóm, trong khu di tích ra và ngoài mới vào, nhập lại, ghế trong hội trường không còn, một số người phải đứng chung quanh. Những ai chụp ảnh thì chạy chứ không chiếm ghế làm gì.

Tôi chắc trong số khán giả không ai vui như tôi, tôi theo sát các màn múa và chụp ảnh thật nhiều. Múa không lời ca tiếng nhạc, chỉ có tiếng trống bập bùng theo nhịp bước chân, đôi cánh tay nối dài hai giải lụa tung bay, uyển chuyển như cánh thiên nga, có lúc hai tay xòe hai cánh quạt như đàn hạc hạ cánh…

Trang phục vũ công màu sáng và đơn giản, quần hay váy màu trắng, áo xanh hay vàng, không nặng nề hoa văn cầu kỳ, không lớp trong lớp ngoài như người Tây Nguyên, Tây bắc…tôi thấy họ rất gần với người Kinh. Đặc biệt, đàn ông lúc nào cũng quấn đầu khăn trắng, vũ nữ luôn có giải đỏ thắt lưng và choàng vai. Có những màn múa, đầu đội một cổ bồng trầu cao nghệu, người Chăm gọi là Thôn Ha La, những lúc ngả người theo điệu múa, cổ bồng vẫn y nguyên.

Chương trình có 4 vũ khúc và màn thổi sáo Satanai của nghệ sĩ già người Chăm: Chú Tốn. Sáo Satanai là loại sáo đặc biệt của người Chăm, gồm ba phần nối lại. Người nghệ sĩ lim dim mắt, chuyền tất cả hơi trong buồng phổi ra đầu miệng sáo. Bài nhạc sáo dài một hơi từ đầu tới cuối, âm điệu buồn ai oán như hơi thở của núi rừng thăm thẳm vọng về…Điều đặc biệt hiếm thấy là trong khi tiếng sáo không hề đứt đoạn thì ống sáo được tháo bỏ từ từ… Phần miệng sáo, phần thân sáo…Buổi biểu diễn kết thúc trong tiếng vỗ tay khen thưởng vang cả hội trường. Nhưng, không thấy ai, Tây lẫn ta, cho tiền (donation) hay thưởng một thứ gì.

Tôi tìm Mỵ để chụp thêm ít ảnh. Ảnh như thế nào chưa biết, nhưng ở đây có cái phong vị đặc biệt, nó làm ray rứt trong lòng nếu không “hoàn tất nhiệm vụ”. May mắn, mọi chuyện tốt đẹp như mong chờ.

Lúc ra về một ông khách chạy theo hỏi: “Cô gái ông chụp Kinh hay Chăm mà đẹp vậy”? Tôi cười không trả lời. Có người cùng chia sẻ với mình là được rồi. Không nên nói hết mọi chuyện. Phải có chút gì vướng víu mới hay.

Chiến tranh và vô thức con người đã làm hư hại phần lớn khu Thánh Địa Mỹ Sơn, nay chỉ còn chừng 20 tháp, những tác phẩm điêu khắc trên sa thạch được Viện Viễn Đông Bác Cổ đưa về trưng bầy trong Museum Chămpa Đà Nẵng, rải rác ở khu A một số tượng đá không còn đầu.

  Mỹ Sơn, kinh thành của Chămpa có từ trước thế kỷ IV, nơi đã trải qua bao triều đại được coi như biểu tượng tâm linh và uy quyền của một dân tộc, nay chỉ còn lại âm vang buồn thảm xa vắng, ngày một chìm dần. Con người bây giờ, đầy tham vọng, khó mà dựng lại hào quang thần thánh của một dân tộc đã lụn tàn.

tháng 5 - 2005

 

 

  _____________________________

 

(1) Buôn Đôn trang 49 QHQOK tập 5

(2) Quanh thành Nhà Hồ trang 53 QHQOK tập 6.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trần Công Nhung
Số lần đọc: 2000
Ngày đăng: 10.09.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùi hương nằm lại ...bên đời - Từ Sâm
Nguyễn Hiến Lê với “Quan niệm sáng tác của Edgar Poe 5% là hứng” - Hoàng Kim Oanh
Nhà thơ Xuân Diệu mà tôi biết : trích hồi ký “Về người cha thi sĩ” - Lâm Bích Thủy
Thái độ của vị kỷ (II) - Võ Công Liêm
Quan niệm nghệ thuật và “triết lý sáng tác’’ của Edgar Allan Poe* - Hoàng Kim Oanh
Chất thơ do cảm nhận vài kiến thức về tư-tưởng của Kant và Hegel - Trần Văn Nam
Thập giá - phận Người… (Mục “ Sống và viết, tập san vhnt Quán Văn 46 ) - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Chủ nghĩa bí truyền - Võ Công Liêm
Lê Hồng Khánh "Sông Trà vẫn một sắc riêng" - Lê Ngọc Trác
Người mù vẽ...người mù - Từ Sâm
Cùng một tác giả
Mộ Nguyễn Du (tiểu luận)