Có những giai điệu chảy tràn thương nhớ, khe khẽ vỗ về tâm hồn như sông như suối, như núi như đồi. Và có vẻ như chỉ có thiên nhiên mới thấu rõ nỗi niềm của con người, trong khúc ca bất tận của sự sống. Chúng ta cần rất nhiều nốt lặng, cho dòng suy tưởng bền chặt, dài lâu. Nếu như không có khu vườn tuổi thơ đầy sắc màu, nơi mà mỗi ngày ngóng trông bứt hoa hái trái, nơi mà mỗi bước chân dịu dàng ngan ngát hương thơm, nơi mà mỗi nụ cười luôn nở trên má hồng thơ dại, rồi chúng ta có lớn lên cùng năm tháng. Qua những mùa chia tay, mồ hôi phút giao mùa dường như chác mặn hơn, long đong hơn, rát bỏng hơn. Một mùa vàng vui đùa với gió, để mặc quê hương lớn lên từng ngày, đổi thịt thay da. Còn đâu đó câu hát ru ngày cũ càng khẽ rung lên từ buổi chiều giông gió, cây cối nghiêng ngả, căn nhà rối bời, thấp thỏm âu lo. Giai điệu ngày xưa chảy tràn thương nhớ, đánh động con tim một thuở hồn nhiên, trong trẻo, cứ thế, cứ thế chìm mãi vào giấc mơ không bao giờ quay trở lại. Những tấm thiệp hồng dày lên theo mưa nắng, cũng là bao mùa thu đi qua, những cuộc tiễn đưa rộn ràng quyện hòa nước mắt, có lẽ hôm nay là ngày em vu quy. “Bước qua dòng sông hỏi từng con sóng/ đời người con gái không muốn yêu ai được không?” (Thái Thịnh, duyên phận), hỏi ai mà không nhớ, không thương, không nắm chặt tay nhau đi trên đường đời. Mỗi câu hát khẽ chạm từng chiếc lá thổn thức, mỗi tia nắng thêm dịu dàng, chưng cất nên hương vị đậm đà của giọt mật ong, trong mỗi chuyến đi vào rừng, đã cho người thêm chờ, thêm đợi...
Bố tôi không biết hát, chưa bao giờ nghe bố hát, hay nhận xét chuyện âm nhạc, mỗi khi nghe nói nhạc này dở nhạc kia hay bố chỉ bảo “gu” mỗi người khác nhau, nghe không được thì tắt đi. Không biết, rồi có ai giống như tôi, khi bảo bố chưa bao giờ biết lắng nghe những giai điệu cuộc sống được sáng tạo từ tâm huyết của người nghệ sĩ. Hình như, mùa thu, bố không quan tâm, bố chỉ biết đến giọt mật đong đưa trên từng chuyến đi lặn lội thâm sâu. Sẽ chẳng ai tự tin để khoe với thiên hạ, bố tôi không biết hát đâu các bạn ạ. Đời bố, rất ít khi rời khỏi quê nhà, và nếu đi, bố chỉ nghĩ đến nơi ăn chốn ở, hoàn toàn thu động theo sự sắp đặt của cuộc đời. Mùa thu, ngập tràn nắng, cái nắng không còn gay gắt những đã mang người em gái đi xa, xa lắm trên bước đường chông gai, nhiều ngã rẽ. Khúc hát bolero ngân nga theo dòng chảy nồng nàn, tha thiết: “Hà Nội mùa này chiều không buông nắng/ phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô/ quán cóc liêu xiêu một câu thơ/ Hồ Tây/ Hồ Tây tím mờ/ Hà Nội mùa này lòng bao nỗi nhớ...” (Trương Quý Hải, Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa). Cõi lòng chợt rung động xao xác, cho dáng hình xa xăm mịt mờ, cho dòng thơ chợt rung động khao khát, cho đôi chân lạc bước thị thành. Mơ về mùa thu, ở nơi đó, những người bạn chập chờn gọi nhau quán vắng, tại Đà Nẵng, trúc trắc ngập ngừng hơn nhưng kỷ niệm gắn bó dạt dào, âm ỉ và mặn mà. Mượn nhau chút ân tình, trao nhau đời gắn bó. Lang thang đâu đó giữa ánh đèn phố mới, chụp vài tấm hình cùng nhau, ghé quán cafe tán dóc, chỉ vậy thôi, là cả một trời thương nhớ. Trong bài viết của bạn về Đà Nẵng nói nhiều về những cuộc gặp gỡ, về người nghệ sĩ nặng lòng với bolero, và có lẽ, còn nhiều “bức tranh” khác chưa được tạo tác: “Kể về cô ca sỹ tên Phương đến quán cà phê bolero mỗi tối thứ tư và chủ nhật. Mỗi khi cô cất giọng: “Xin trả lại những kỉ niệm buồn vui. Ngày xanh đã theo thời gian qua mất rồi…”, là cả quán lặng đi. Sẽ đưa Miên đi nghe Phương hát” (Phạm Thị Hải Dương, loay hoay giữa hai cảnh phố - quê). Giai điệu man mác u buồn chất chứa thật nhiều khắc khoải, len lỏi giữa dòng đời nổi trôi, chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại, mỗi chúng ta đều đã từng nghe, dù không cố tình kiếm tìm. Bolero lặng lẽ hát lên giữa dòng đời ngược xuôi, mỗi khi ca từ giai điệu gieo vào lòng thật tự nhiên, bất giác trái tim xuyến xao, nghẹn ngào. Câu chuyện ngày xưa hiện về, làm dấu chân trên đường hôm nay dìu dịu miên man.
Nếu em đến bên đời tôi, em sẽ nói gì? Ảo ảnh nhạt nhòa giăng mắc phía trước, khi cuộc hẹn cứ trôi hun hút qua từng ngõ sâu, phố dài. Tình khúc đồng quê gieo giữa phố xá, bỏ quên thuở vi hàn một thời nuôi ta lớn. Ở nơi đó, hương lúa vẫn thơm mùi sữa, giai điệu ngày xưa vẫn thấm đượm trong lời ăn tiếng nói. Bạn đã khác và tôi cũng đã khác. Chuyện đồng điệu, còn ở mai sau. Chuyện ngày nay, chông chênh một nẻo về. Mỗi cuộc gặp, luôn đơn điệu và tẻ nhạt như thế. Nếu như không có giai điệu. Mọi câu chuyện đều lạc lõng. Tôi và bạn đã có những ngày như thế, yêu thương không giới hạn. Có lần tôi đọc được những dòng chia sẻ của chị, về ngày xưa người bố hay mở Trịnh và bolero, đứa trẻ hồn nhiên luôn mơ mộng với công chúa, hoàng tử chắc chắn sẽ không thích những ca từ sầu não, u buồn. Vậy mà khi thức giấc, giai điệu ấy lại vọng về trong trẻo, thanh khiết biết bao. Trong không gian êm đềm của làng quê hiền hòa, tâm hồn đã được gieo hạt giống của niềm hi vọng, tin yêu. Câu chuyện về bolero chắc chắn còn dài mãi, như sợi chỉ đỏ kết nối biết bao cõi người: “Rồi lòng bỗng dưng chợt thấy vui vui lạ thường khi nghe ở đâu đó đang phát bài Thành phố sau lưng, một bản bolero quen thuộc mà ngày xưa An vẫn nghe ngoại hát, lại chợt nhớ về những ngày của Sài Gòn khi cô còn bé xíu, khi cô yêu bolero bằng tất cả sự chân thành. Là vậy đó, chẳng hiểu cô lo gì xa xôi, bolero kiểu nào cũng sẽ như một dòng chảy vậy, một dòng chảy thì thầm, và đầy băn khoăn… Không bao giờ chết đi được” (Phạm Minh Châu, những ngày bolero). Chắc chắn, không bao giờ chết, giữa muôn vẻ đẹp còn sót lại tỏa hương cho đời. Cái chén mẻ ngày xưa mẹ đút cơm khi con ốm, chiếc vành nôi tre đứa con tè dầm đến ẩm mốc luôn lắc lư êm ả, dòng sông dẫu ô nhiễm từng ngày vẫn chắp nối đôi cánh thi ca, rạo rực ước muốn lang thang bờ bãi. Tôi tin, bây giờ, khi tôi chia sẻ những dòng này, bolero vẫn thầm thương trộm nhớ cõi mộng của bao con tim, khối óc. Nhớ về bạn, nhớ về khoảnh khắc cầm tay nhau song ca bản tình ca ngọt ngào mà chẳng bao giờ quên được, khoảng cách dường như gần lại trong từng chi tiết, từng hơi thở. Mùa thu lá vàng đã đổ, lắng nghe giọt mồ hôi rơi, thấm sâu môi mềm, nghĩ về suối nguồn mãi chảy, đến tận ngày sau: “Bolero níu áo tuổi thơ tôi dịu dàng/ cùng đắm đuối rong chơi suốt thời trai trẻ/ giai điệu buồn những ngày thơ bé/ thuở vụng về hôn vội gió bay/ Bolero ngày ấy đắm say...” (Nguyễn Ngọc Hạnh, nghe bolero nhớ tình xưa).
Tôi đã nghe bolero như vậy đó !