Kế hoạch tấn công đợt 3 của quân ta là tiếp tục hoàn thành những nhiệm vụ của đợt hai, trọng tâm đặt vào hai cao điểm A1 và C1, đánh chiếm các cứ điểm ở phía tây, thu hẹp thêm nữa con nhím chuẩn bị cho tổng công kích ….
Các mũi tiến công như sau : Đại đoàn 316 được phối thuộc Trung đoàn 9 của 304 … tiêu diệt A1, C1 và C2. Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm 305, 505A, 506, 507, 508 ở phía đông, tiến sát Nậm Rốn. Đại đoàn 308 tiêu diệt các cứ điểm 311A, 311B ở phía tây. Đại đoàn 304 chốt chặn trên đường đi Tây Trang không cho địch rút chạy sang Lào, đồng thời siết chặt vòng vây Hồng Cúm, tiêu diệt khu C Hồng Cúm, tập kích trận địa pháo ….
17 giờ ngày 1.5.1954 các cỗ pháo của ta nã vào nhiều cứ điểm của con nhím (đã bị thu hẹp). Đợt pháo kích kéo dài gần 1 tiếng. Lần này pháo địch bị kiềm chế, tê liệt. Một kho đạn dự trữ ở Hồng Cúm nổ tung … Dứt tiếng pháo các đơn vị xung kích đồng loạt xung phong.
Sau hơn ba chục ngày đêm chiến đấu, trận đánh tại C1 kết thúc trong đêm 1.5.1954. C1 chính là quả đồi ta tốn nhiều xương máu nhất, không kém gì ở A1. Trong dịp chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, người viết bài này có dịp gặp các cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại chiến trường xưa (tháng 4.1994)… trong đó có bác Hà Ngọc Thọ, nguyên là chính trị viên phó đại đội thuộc Trung đoàn 98, năm ấy 64 tuổi, người gầy gò …bác Thọ vừa khóc nức nở vừa kể : "Năm đánh Điện Biên tôi 24 tuổi, đơn vị tôi đánh C1 và phòng ngự trên C1, sau đó đánh C2. Thương anh em quá, có quả bom do máy bay bỏ, chết cả 1 trung đội, anh em hy sinh lúc còn rất trẻ …" Bác Thọ kể đến đó rồi nghẹn ngào không nói được nữa, nước mắt bác lại tuôn trào lăn trên đôi gò má gầy gò, tất cả mọi người ngồi nghe đều khóc theo … Nhà báo Triều Dương, cây bút phê bình mỹ thuật của báo Văn Nghệ Hội nhà văn VN cùng tôi có mặt hôm đó tại Điện Biên xúc động quá, anh không thể nào bấm được máy ảnh ….Tôi phải cầm máy của mình bấm một tấm hình bác Hà Ngọc Thọ đang khóc bên cạnh Triều Dương … Tấm hình đó tôi vẫn giữ làm lưu niệm …
Cùng với các cao điểm phía đông bị tấn công, các cứ điểm trong khu trung tâm Mường Thanh cũng bị tiêu diệt, có cứ điểm như 311B chỉ còn cách sở chỉ huy của Đờ Cát 300 mét cũng bị tiêu diệt vào những đêm sau … Tuy nhiên cho đến tận sáng 7-5 A1 và C2 mới được giải quyết.
Trong thời gian ta tấn công đợt 3 và trước đó, Pháp và Mỹ cuống cuồng tìm cách cứu vãn cho Điện Biên Phủ. Ngày 14.4.1954, ngoại trưởng Mỹ Đa-lét đã phải nói (bằng tiếng Pháp) với Biđôn ngoại trưởng Pháp : Nếu bây giờ chúng tôi cho ngài hai trái bom nguyên tử ? Bi đôn đã cho là "Nếu ném bom nguyên tử xuống Điện Biên Phủ, người phòng ngự cũng như người tiến công đều chịu hậu quả như nhau. Nếu đánh vào tuyến giao thông bắt nguồn từ Trung Hoa sẽ có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn bộ. Trong cả hai trường hợp, quân đồn trú Điện Biên Phủ, còn xa mới được cứu nguy, mà sẽ lâm vào tình trạng hơn" (sách đã dẫn trang 341)
Đến cuối tháng 4, bùn trong chiến hào ở Điện Biên Phủ đã sâu tới 1 mét. Quân Pháp sống trong tình trạng cực kỳ khủng khiếp. Ruồi nhặng kéo nhau đẻ trứng trên các vết thương của lính Pháp nằm trên những giường 3 tầng trong những căn hầm nhỏ 6 người 1 hầm ! Kế hoạch "mở đường máu" rút lui sang Lào cũng chỉ là ảo vọng ! Đêm 6.5, khi 2 dàn hỏa tiễn 6 nòng của ta lên tiếng thì quân Pháp trong thung lũng chỉ còn chưa đầy 1 km2 này hồn vía lên mây ! Nguyễn Trí Việt, người Bến Tre đi đánh Điện Biên khi được bạn bè hỏi vế ấn tượng Điện Biên Phủ anh đã kể : Ấn tượng nhất là khi hỏa tiễn của ta lên tiếng, 6 hỏa tiễn cùng bay một lúc tạo nên những tiếng réo nghe ghê hồn. Cứ vào khoảng vài tiếng đồng hồ, từng bầy, từng bầy đạn hỏa tiễn rời trận địa bay tới. Chúng tôi nghe tiếng réo ghê rợn của hỏa tiễn mà lòng vui sướng xiết bao … Chúng tôi gọi hỏa tiễn là Ca-chiu-sa, Tây gọi là "dàn nhạc Môlôtốp" (Tên Bộ trưởng ngoại giao của Liên Xô lúc đó - LPK). Nhưng trong đêm 6 tháng 5 trận chiến trên dẫy đồi phía đông vẫn chưa kết thúc. Sáng 7.5.1954 lá cờ "quyết chiến quyết thắng" của ta được cắm trên cao điểm A1. Và 9 giờ 30 phút, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ C2. Ba giờ chiều, các đại đoàn được lệnh không cần đợi trời tối, lập tức mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh, không để cho Đờ Cát và bất cứ tên nào chạy thoát. Đại đội 360 của tiểu đoàn 130 do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật luồn dưới làn đạn của những khẩu trọng liên 4 nòng và lửa khói của các đám cháy băng qua cầu sắt Mường Thanh. Luật cho bộ đội rời giao thông hào đầy ắp quân địch, nhảy lên mặt đất, dùng 1 lính ngụy dẫn đường tắt thẳng đến hầm Đờ Cát. Quân ta lúc đó tràn ngập trận địa, địch chống cự yếu ớt, cờ trắng xuất hiện ra hàng.
5 giờ 30 phút chiều, 312 báo cáo Đại tướng : Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được tướng Đờ Cát !
Cẩn thận, theo lệnh Đại tướng, một cán bộ đi xe Jeep xuống đơn vị mang theo ảnh của Đờ Cát, đề phòng địch đánh tráo tướng !!!
Ngày 8.5.1954, tại Thụy Sĩ, Hội nghị Giơnevơ chuyển sang bàn về chiến tranh Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ kịp thời không cho Pháp âm mưu ngừng bắn trước khi phải giơ tay đầu hàng ở Điện Biên Phủ.
Điện Biên Phủ đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ lực lượng "Con nhím" đóng tại chỗ và bắn hạ 62 máy bay địch.
Trả lời phóng viên báo Văn hóa Xuân Giáp Thìn 2004 nhân dịp 50 năm Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói : Chiến thắng Điện Biên Phủ là Văn minh thắng bạo tàn ; Là chiến thắng của tuổi trẻ và chiến thắng của đồng bào cả nước đã chia lửa, đã chi viện cho Điện Biên Phủ. Chỉ riêng tỉnh Thanh Hoá đã cung cấp 34.927 tấn lương thực, 178.920 dân công, 16.000 lượt xe đạp thồ cho Điện Biên Phủ trong đông xuân 53 - 54.
Sau thế chiến 2, Pháp còn "quyết tâm" quay lại Đông Dương để duy trì chủ nghĩa thực dân kiểu cũ là hoàn toàn đi ngược bánh xe lịch sử, đi ngược lại nguyện vọng hòa bình của chính nhân dân Pháp. Chính tướng LơClec đã phải than rằng, vấn đề của Việt Nam là độc lập dân tộc, nếu người Pháp cố tình đánh tráo nó bằng trò chơi "chống Cộng" thì người Mỹ chơi con bài này hay hơn nhiều và cuối cùng sẽ hất Pháp ! Sử gia Pháp Philippe Devillers trong cuốn sách nổi tiếng "Paris - Saigon - Hanoi" sau khi lật hết tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh 1944 - 1947 mà theo luật nước Pháp sau 35 năm mới được công bố ….đã phải đau đớn thốt lên : "Không lẽ hai dân tộc cứ phải quay lưng với nhau mãi vì cuộc chiến tranh Đông Dương đã xảy ra, không phải do ngẫu nhiên mà do tội lỗi, do sự "vụng về" hoặc "tính toán sai lầm" của một vài người mà sự xảo trá hai mặt và cái nhãn quan "cận thị" chưa từng có trong lịch sử nước Pháp".
"Một vài người" đó chính là một cánh nhỏ quan chức và ba tên tướng thực dân cáo già ngoan cố, vì quyền lợi bẩn thỉu của một số lái súng Pháp, đã cố tình ém nhẹm tình hình lúc đó, che dấu Chính phủ và Quốc hội để đẩy đến chiến tranh Đông Dương 1946 - 1954. Ba tên tướng đó là : D'Argenlieu, Pignon, và Valluy !
Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt buộc phải cầm súng để bảo vệ nền độc lập non trẻ của mình. Nhưng khi kẻ thù đã đầu hàng thì chúng ta bao giờ cũng nhân đạo. Sau trận Him Lam, ta đã cho xe hồng thập tự của Đờ Cát ra nhận xác và lấy thương binh. Có lính Angiêri được cứu thương trước lúc đi còn hô : "Hồ Chí Minh muôn năm"! Khi vợ Đờ Cát gửi thư và quà (tiểu thuyết) cho chồng, dù lạc về phía quân ta, phía Pháp được thông báo để ra nhận thư ! Người phụ nữ duy nhất trong con nhím Điện Biên Phủ là một nữ y tá Pháp đã được lính bắn tỉa của ta không nổ súng vào cô (!). Ngay chiều 7.5.1954 toàn bộ tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ đã được ăn cơm tối ! Lính Pháp đã ca hát như điên khi biết mình được đối xử như thế. Bác Hồ đã đến thăm tù binh ở Điện Biên Phủ và Người đã khoác chiếc áo đang mặc của mình cho một tù binh đang lên cơn sốt !
Không chỉ cựu chiến binh Pháp mà ngay cả nhiều người dân Pháp cũng mong muốn đặt chân tới Điện Biên Phủ, một địa danh nhức nhối lịch sử hiện đại nước Pháp. Bà Rosario Sylvie đến Điện Biên Phủ ngày 17.7.1992 đã ghi lại cảm tưởng của mình : "Hết sức cảm ơn sự đón tiếp của các bạn Việt Nam. Chuyến đi này nhắc nhỡ chúng tôi chớ nên quá kiêu hãnh rằng "ta đây là dân Pháp quốc". Lòng dũng cảm và quyết tâm của một dân tộc đã chứng tỏ họ luôn luôn mạnh hơn kẻ đi áp bức họ. Cho dù kẻ đó có ….văn minh !"
Thiết nghĩ không có gì hay hơn để chứng minh Điện Biên Phủ là văn minh thắng bạo tàn như lời đại tướng qua cảm tưởng của một công dân Pháp, bà Sylvie.