Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
653
123.366.178
 
Điện Biện vời vợi nghìn trùng
Lê Phú Khải

Phải để những bài ca về Điện Biên sau những Điện Biên …

(thơ Chế Lan Viên)

 

Ngô Phong, Phó ban Tuyên huấn Huyện ủy Điện Biên, người chấp bút viết cuốn "Lịch sử Đảng bộ huyện Điện Biên" vừa in xong trong tháng 4-1994, ra hiệu cho anh bạn trẻ dừng xe lại. Anh với tay mở cánh cửa sau chiếc U-oát dã chiến để chúng tôi xuống. Tìm một bóng mát để ba người cùng đứng, châm một mồi thuốc rồi Ngô Phong chỉ tay về phía xa thong thả nói : - Đây là khu tượng đài Noọng Nhai mới được xây dựng để tưởng niệm 444 đồng bào bị giặc Pháp tàn sát trong ngày 25-4-1954 khi chúng sắp thua ở Điện Biên Phủ …

           

Theo tay Ngô Phong, chúng tôi nhìn thấy một khu tượng đài mới xây cất, có tường thấp bao quanh và nổi lên ở giữa hình tượng bà mẹ cùng các con. Phía sau khu tượng đài là những rặng tre xanh rì của bản làng đồng bào Thái.

           

Ở Điện Biên, tôi đã được nghe về tội ác của giặc Pháp tại Noọng Nhai khi quân ta tiến công đợt thứ hai từ 30-3 đến 30-4-1954 xuống lòng chảo Mường Thanh, trước nguy cơ thất bại, giặc Pháp điên cuồng nã pháo, bỏ bom xuống trại tập trung Noọng Nhai (do chính chúng dồn dân vào đây từ trước) hòng làm khiếp nhược tinh thần bộ đội, đồng bào ta, hòng làm chùn bước tiến của quân ta … Cái trại tập trung toàn ông già, phụ nữ và trẻ em này bỗng bị đạn pháo hất tung lên. Những người sống sót trong máu lửa ở Noọng Nhai còn sống đến hôm nay vẫn hãi hùng khi kể về cái ngày 25-4 năm ấy. Trả thù cho Noọng Nhai, đợt tấn công thứ ba của quân ta đã xóa sổ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với 21 tiểu đoàn, 16.000 lính thiện chiến, trong đó có 1 tướng và 16 sĩ quan cao cấp, 62 máy bay và nhiều súng đạn, xe tăng giặc.

           

Tôi đã nghe kể về Noọng Nhai như thế ngay ngày đầu đến Điện Biên nhưng không thể hình dung cái bản Noọng Nhai ở cuối thung lũng Mường Thanh lại hiền hòa, tơ bông thế này. Nắng đầu mùa vàng mỏng, những rặng tre xanh rì, vạt cỏ im ắng ….tất cả những gì mà tôi thấy ở phần đất cuối của lòng chảo Mường Thanh trong chiều nay đều êm dịu, trong suốt, thanh bình. Mé xa xa phía trên kia là dòng sông Nậm Rốm. Dưới sông, những đứa trẻ chăn ngựa đã bỏ mặc ngựa gặm cỏ trên cồn để tắm lội nô đùa. Con sông Nậm Rốm bắt nguồn từ dãy núi Pú Huổi ở phía bắc, chảy dọc theo thung lũng Mường Thanh, gặp sông Nậm Núa ở phía Nam, rồi chảy sang Lào hòa vào sông Nậm U, sau đó chảy ra sông Mê Công rồi đổ xuống sông Tiền, sông Hậu ở đồng bằng Nam Bộ nước ta …

           

Tất cả chiều nay là như thế, vẫn cổ xưa, thanh bình như thuở trời đất mới sanh ra vùng Tây Bắc xa xôi này của đất nước. Vậy mà bom đạn, sắt thép của quân xâm lược đã từng dội xuống cái bản nhỏ hiền lành này, để cái khối tượng đài về một mối thù kia sẽ còn mãi với đất trời Noọng Nhai. Tôi đồng ý với ai đó cho rằng, để đi tới tương lai, chúng ta sẵn sàng xóa bỏ mọi hận thù. Nhưng rõ ràng, tội ác của quân xâm lược đã gieo lên đầu dân tộc chúng ta thì không bao giờ có thể quên được, phải nhớ đến ngàn đời sau để không bao giờ con cháu chúng ta phải xây lại những tượng đài như thế trên đất mẹ quê hương. Bây giờ đã là cuối thế kỷ. Có lẽ, những người có lương tri ở thế kỷ của chúng ta đã hồi tâm để nghĩ lại về thế kỷ của mình và trong lòng của họ đang day dứt. Nhìn tấm hình Tổng thống Mít-tơ-răng với cái dáng cao lớn, đứng một mình trầm tư trên đồi D1 khi ông lên thăm Điện Biên Phủ trong Bảo tàng Điện Biên chiều qua, tôi suy tưởng ra những điều đang day dứt ấy của thế kỷ chúng ta với một bộ phận nhân loại sai lầm. Bởi lẽ, trong cuốn sách nổi tiếng "Chúng tôi đã ở Điện Biên Phủ" của Giăng Pu-giê (Jean Pouget - thư ký riêng Na-va) mà tôi đã xem, Đờ Cát-xtri (De Castries) là một người rất thương vợ. Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại với Tướng Cô-nhi (Cogny) trước lúc thất thủ, Đờ Cát-xtri còn van nài Cô-nhi "Làm ơn đến thăm vợ tôi với" (!). Vậy còn những người phụ nữ ở Noọng Nhai thì sao ?! Ôi nước Pháp (!).

           

… Trước khi vô thăm bà con dân tộc Thái trong bản Phủ xã Noọng Hẹt, Ngô Phong còn mời chúng tôi ngồi xuống những chiếc ghế khập khiễng của một cái quán lộ thiên bên lộ 279 nối Điện Biên với cửa khẩu Tây Trang sang Lào. Bốn người chúng tôi, kể cả lái xe, chỉ ăn hết một góc trái đu đủ giá 2.000 đồng. Bà lão bán quán người Kinh còn cẩn thận đưa nốt phần đu đủ không ăn hết cho chúng tôi sau khi Ngô Phong trả tiền. Tranh thủ thời gian, tôi vào một tiệm xay xát lúa ngang bên đường để …"phỏng vấn", và được biết, đây là một tiệm xay xát của tư nhân. Chủ nhân của nó là người Kinh tên là Nghĩa, đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để lập trạm xay xát này đã 2 năm nay. Mỗi ngày xay xát trên 2 tấn lúa, giá xay xát một tấn lúa 50.000 đồng. Xung quanh vùng Noọng Hẹt, Hồng Cúm phía Nam lòng chảo Điện Biên này đã có hàng chục trạm xay xát lúa như thế. Rõ ràng lòng chảo Điện Biên bây giờ đã có lúa dư, lúa hàng hóa. Bình quân lương thực của một người dân Điện Biên bây giờ là trên 500kg và Điện Biên đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh để làm giàu. Nhà xây hai bên lộ 279 đang mọc lên, nhất là khu vực phía Bắc, nơi hình thành thị xã Điện Biên …

           

Giờ thì chúng tôi đã đi trên những con đường nắng xiên khoai vắng vẻ trong bản Phủ, xã Noọng Hẹt. Những nếp nhà sàn như đang ngái ngủ, đang mơ màng trong nắng. Thỉnh thoảng mới có một em bé cưỡi trâu từ phía ngoài đồng đủng đỉnh đi về bản. Noọng Hẹt là một trong 10 xã vùng thấp, nằm lọt trong lòng chảo Mường Thanh của huyện Điện Biên. Điện Biên còn 9 xã vùng ngoài và 10 xã vùng cao nữa, tổng cộng 29 xã, một thị trấn. Xa nhất là xã vùng cao Háng Lìa cách trung tâm 90km đường núi, phải tốn 3 ngày đi bộ mới tới nơi. Nằm trong cánh đồng Mường Thanh, Noọng Hẹt có cảnh sắc không khác gì một làng dưới xuôi nhưng toàn nhà sàn, cây cột khá to, rộng rãi. Tôi muốn rẽ bất kỳ vào một ngôi nhà sàn nào đó để hỏi chuyện bà con, nhưng nhà nào chủ cũng đi làm đồng chưa về, dù cổng để ngỏ. Ngô Phong đã dẫn chúng tôi vô nhà bác Lò Văn Pản, người dân tộc Thái. Nhà bác Pản khá lớn và cũng khá bề bộn ! Bác Pản đang ở trần ngồi uống nước trên bộ sa-lông khá đẹp. Phía cuối sàn, người con dâu của bác đang ngồi quay tơ. Cảnh gia đình thật đầm ấm. Anh bạn ở báo Văn Nghệ cùng đi với tôi, thật thà hỏi : - Trước kia bác đi du kích hay bộ đội? Bác Pản cũng thật thà trả lời bằng tiếng Kinh lơ lớ : Đi lính Pháp kia, nhưng về nhà đã lâu rồi !!!

           

Chính gia đình bác Pản trước tháng 4-1954 cũng bị dồn vào trại tập trung Noọng Nhai và mẹ bác cũng bị chết trong cái ngày 25-4 kinh hoàng đó. Bác Pản năm nay đã 72 tuổi, sinh trưởng tại cái bản nhỏ bé này mà theo bác thì xưa kia bản Phủ chỉ có 7 hộ với bốn chục héc-ta. Tôi đảo mắt quan sát toàn bộ, thấy nhà đã lợp ngói, bên bộ sa-lông còn có cả một cái ti-vi lớn.

           

Ngoài sân, phía sau hàng rào quanh nhà đang đào một cái ao khá lớn. Tôi hỏi bác Pản : - Bây giờ tôi thấy nhà ta đã đầy đủ cả bác còn ước ao mong muốn cái gì nữa không ? Bác Pản cười lớn : "Già rồi, chẳng muốn cái gì nữa". Nhưng rồi bác chỉ tay ra phía cái ao đang đào nói rất nhiệt tình : "Chỉ thích đào ao thả cá thôi, thích nhất cái máy cạp đất, để đào ao như thấy trong ti-vi này này …"

           

Chiều đã buông xuống. Ngô Phong giực giã bọn tôi ra về. Ý anh lại định rủ chúng tôi về cái quán thịt chó trưa hôm qua. Phong là người chân tình nên tôi và Triều Dương không từ chối. Mấy gói thuốc "Sài Gòn xanh" tôi có ý đem từ Sài Gòn đi và tặng anh, đã thấy anh đốt gần hết. Cũng như nhiều người đàn ông sinh ra ở đất Điện Biên này, Phong là con đẻ của những mối tình gắn bó với 5 chữ "Chiến thắng Điện Biên Phủ". Cha anh là bộ đội, đánh trận Điện Biên rồi ở lại đất này, lấy mẹ anh là một người Thái. Phong lớn lên bằng gạo Mường Thanh và nước Nậm Rốm để trở thành một cán bộ, một huyện ủy viên. Chính anh là tác giả của cuốn sách gần 200 trang mang tựa đề "Lịch sử Đảng bộ huyện Điện Biên" mà tôi đã kể ở trên. Đây là một công trình sưu tập, điều tra, nghiên cứu khá công phu về đất nước và con người trên lòng chảo Điện Biên từ lúc đất Mường Thanh nằm trong địa hạt châu Lâm Tây đời các vua nhà Lý cho đến khi nó trở thành cái tên "chấn động địa cầu" và cho đến tận hôm nay …Cái đồng bằng độc đáo nằm giữa một vùng rừng núi bao la hiểm trở lại có vị trí chiến lược tiếp giáp 4 nước : Việt, Lào, Thái, Trung Hoa nên đã có đủ mặt các quan quân Tây, Nhật, Tàu (Tưởng) rồi cả Mỹ trong mấy thập kỷ đến xâu xé. Có những thời kỳ đen tối như vào những năm 48 - 49, giặc chiếm đóng toàn cõi Lai Châu, lập "xứ Thái tự trị", những đội võ trang tuyên truyền của tỉnh đã phải đào củ rừng để ăn, ngủ trong hang đá, hốc cây, xuyên rừng vượt suối, len lỏi cả năm trời từ vùng tự do Yên Bái vượt sông Đà luồn sâu về tỉnh, về với Điện Biên. Đến thu đông năm 1952, với chiến dịch Tây Bắc, ta đã giải phóng Điện Biên vào tháng 11 năm đó. Một năm sau, với kế hoạch Na-va, giặc mở cuộc hành quân Ca-xto đã cho 6 tiểu đoàn tinh nhuệ dưới sự chỉ huy của tên tướng một mắt Giăng Din (Gilles), Tư lệnh quân dù của Pháp tại Đông Dương, nhảy dù xuống chiếm lại lòng chảo Điện Biên, Điện Biên lại cắt lìa với vùng tự do của cả nước. Và, cho đến tận giờ phút này, 40 năm sau chiến thắng lẫy lừng, như Ngô Phong tâm sự với tôi, hàng tháng, để đến với đồng bào các bản Mèo trên núi ở các xã vùng cao, các anh vẫn phải đi bộ liền 3 ngày vì không thể nào khác !…

           

Lịch sử, địa lý, tính cách con người, phong tục, gió mây …của vùng đất Tây Bắc tổ quốc chúng  ta là như thế : "Điện Biên vời vợi nghìn trùng !"

           

Tôi cho rằng, cho dù bây giờ chỉ cần một tiếng đồng hồ bay của phi cơ phản lực, từ Hà Nội, người ta có thể tới được Điện Biên một cách dễ dàng, nhưng trong tâm hồn của dân tộc, thì Điện Biên vẫn là nơi "vời vợi nghìn trùng" theo nhiều nghĩa. Một đất nước không có những vùng đất như thế, không ra đất nước ! Có nhà văn đã cho rằng, đến được một vùng đất như  thế trong cuộc đời là đã đến được một cái đích. Vậy là tôi đã đến được một cái đích trong đời. Đúng thế ! Điện Biên sẽ, và chắc chắn sẽ trở thành một cái đích của nhân loại sau này. 40 năm qua chỉ là một khoảnh khắc mà thôi, chưa là cái gì cả với lịch sử. Chuyến hành hương lên Điện Biên lần này càng cho tôi thấy rõ điều đó. Tổng thống Mít-tơ-răng đã tới đây, ông đã đứng lặng trên đồi D1. Công chúa Thái Lan đã đến đây với cái mũ của chiến sĩ Điện Biên trên đầu. Nhà báo Nhật Hisato và nữ nhà báo Mỹ Catherine còn rất trẻ cùng đi một chuyến máy bay, cùng trọ một khách sạn với tôi trong những ngày ở Điện Biên đã làm việc thật hết mình. Catherine chịu đói cả ngày, luôn tay bắt vắt bám vào người để chờ chụp cho bằng được những tấm hình Tướng Giáp về lại Đại bản doanh Mường Phăng. Khi anh bạn tôi hỏi Hisato, anh biết Điện Biên Phủ từ bao giờ ? Hisato trả lời bằng tiếng Việt khá chuẩn : "Cách đây 10 năm, khi tôi muốn tìm hiểu về Việt Nam !". Hisato còn đưa cho chúng tôi xem một cuốn sách viết về Điện Biên Phủ bằng tiếng Nhật, có cả bản đồ, có in hình Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh ta xem kỹ những di tích còn lại ở Điện Biên, thắc mắc về những gì mà anh ta không còn thấy   ở Điện Biên như đã được đọc trong sách. Tất nhiên, không phải chỉ cho riêng anh, mà còn cho cả khán già Hãng truyền hình NDN (Nihon Denpa News) nổi tiếng mà anh đang là phóng viên thường trú tại Việt Nam. Phải hiểu Điện Biên Phủ như thế mới có đầy đủ quyết tâm để tu tạo, giữ gìn di tích lịch sử vô song này cho lịch sử và cho cả nền kinh tế du lịch của đất nước những năm sắp tới. Vì lẽ đó, tôi đã thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong những ngày ở Điện Biên, đã căn dặn rất cụ thể về việc tu tạo, giữ gìn và cả phục chế những di tích mà vì chưa thấy hết, vì những năm qua ta còn quá thiếu thốn nên đã để mai một đi. Tôi có thể nêu ví dụ cụ thể. Chẳng hạn, Đại tướng đã tâm sự với các nhà báo, đại ý, cái bất ngờ ở Điện Biên Phủ là sự xuất hiện pháo của ta trên núi. Địch không thể hình dung ta kéo pháo vô bằng đường nào. Vậy thì những 100 km đường kéo pháo đâu rồi ? có nên tu tạo lại một đoạn để làm di tích không ? Còn 200 km đường giao thông hào nữa ? v.v và v.v…

 

Tại Điện Biên, Đại tướng còn tặng Bảo tàng Điện Biên tấm hình mà theo lời ông "ta chưa có, nhưng Tây nó có !". Thông thường, sau một chuyến đi công tác, tôi xóa hết các băng ghi âm để còn dùng lại. Nhưng chuyến đi này, tôi không xóa, giữ nguyên những lời Đại tướng và đồng bào Tây Bắc ở trong băng… để làm "bảo tàng" cho … vợ con tôi (!).

 

Cái quán rượu thịt cầy bên hông chợ Điện Biên đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Thông thường, phàm đã là quán thịt cầy thì phải ồn ào, lem nhem một chút, sang quá lại không ra quán thịt cầy ! Cái quán thịt cầy đông khách này ở Điện Biên cũng không ra ngoài quy luật đó. Chiều nay, quán lại càng ồn ào đông vui hơn vì các cụ cựu chiến binh Điện Biên Phủ về thăm lại chiến trường thời trai trẻ năm xưa cũng kéo về đây tao ngộ ! Chúng tôi ngồi cạnh mâm các cụ ở Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Thái. Tỉnh ủy Bắc Thái đã chi tiền cho năm cụ đại diện cho các chiến binh Điện Biên Phủ năm xưa lên thăm lại chiến trường. Anh bạn tôi phát cuống lên vì sung sướng được chụp hình, ghi chép những lời đáng kính của cụ Mai Trung Lâm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Thái, nguyên là một trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22/12/1944 ở khu rừng Trần Hưng Đạo huyện Yên Bình tỉnh Cao Bằng năm xưa, cụ Lâm là người dân tộc Tày, quê ở Quảng Hòa, Cao Bằng. Cụ về hưu với quân hàm đại tá, hiện gia đình ở Thái Nguyên. Ở tuổi ngoài 80, cụ Lâm vẫn oai phong lẫm liệt như một vị tướng mà tôi vẫn hình dung trong các truyện Tàu xưa kia. Cụ nói : "Sáng nay đồng chí Đại tướng vừa mới bảo chúng tôi phải tìm các vị còn sống trong 34 người đó !". Cùng đi trong đoàn còn có cụ Phạm Duy Tiến là chiến sĩ của Đội Cứu quốc quân năm xưa … Tôi ngồi cạnh một sỹ quan người gầy gò là đồng chí Hà Ngọc Thọ. Tôi hỏi bác Thọ : "Về lại Điện Biên Phủ lần này, bác thấy thế nào ?". Bác Thọ nói : "Tôi khóc mấy lần rồi, thương anh em đã mất quá ! Có quả bom làm chết cả một trung đội, chết lúc còn trẻ …". Sau câu nói này, hai hàng nước mắt của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa lại trào ra, lăn trên gò má gầy gò. Bác Thọ nghẹn ngào không nói được nữa. Tôi đã tắt máy ghi âm, vì chính tôi cũng đang khóc theo người chiến sĩ ấy.

           

40 năm sau vẫn có những người đồng đội ngồi khóc đồng đội mình đã ngã xuống ở Điện Biên Phủ. Còn tôi, một người hậu thế, đã khóc tiếp những giọt nước mắt của người lính Điện Biên năm xưa. Và tôi tin rằng, cháu con tôi sau này sẽ lại khóc tiếp nếu chúng được nghe cuộn băng ghi âm tiếng khóc nức nở nghẹn ngào của người lính Điện Biên thương xót đồng đội đã hy sinh. Cảm ơn Điện Biên Phủ đã cho tôi hay, sau bao nhiêu đắng cay vất vả đời thường, tôi biết rằng tôi còn nước mắt. Vì Điện Biên Phủ là lịch sử đích thực của dân tộc. Vì Điện Biên Phủ còn là  lịch sử đích thực của con người thế kỷ 20 - thế kỷ đã chôn vùi chủ nghĩa thực dân bẩn thỉu trong lòng chảo Điện Biên

 

Điện Biên - TP.Hồ Chí Minh

Báo SGGP 4 -5/4/1994

 

Lê Phú Khải
Số lần đọc: 3293
Ngày đăng: 24.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một tháng ở Nam kỳ-Phần I - Phạm Quỳnh
Một tháng ở Nam kỳ-Phần II - Phạm Quỳnh
Vĩnh biệt giáo sư Trần Quốc Vượng - Hồ Tĩnh Tâm
Vang dội Cái Ngang - Lê Tương Ứng
Dấu ấn Điện Biên Phủ : Tại sao Điện Biên Phủ ? - Lê Phú Khải
TRẬN ĐÁNH chỉ được THẮNG không được BẠI - Lê Phú Khải
Di tích lịch sử Côn Đảo - - Nguyễn Đình Thống
Tiềm năng biển và đảo - Nguyễn Trọng Tín
THỊ XÃ TRÀ VINH, XƯA & NAY - Trần Dũng
Xem “Những hình ảnh chưa biết về chiến tranh Việt Nam” - Minh Trường