Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.111
123.143.810
 
Thơ văn hải ngoại: Hà-Nguyên-Du đi giữa Duy-Mỹ của thơ cũ và rất hiện-đại của thơ Tân-Hình-Thức
Trần Văn Nam

Bìa Sách Khảo Luận Thơ (xb. năm 2017 tại California ) của Tác-giả Nguyễn Đức Tùng; và bìa Tạp chí “Chủ-Đề” số Mùa Thu năm 2001

Nhà thơ Hà Nguyên Du đã xuất bản vài tập sách ở hải-ngoại, trong đó có hai tập với nhan-đề: Một nghe thật tối-tân; một nghe thật cũ mà lại còn như mang tính địa-phương. Đó là “Gene Đại Dương” và “Những Bài Hát Tân Cổ Giao Duyên”. Không rõ anh có giỏi về “Đàn Ca Tài-Tử” thuộc nghệ-thuật trình diễn Nam Bộ hay không; nhưng người viết bài này từng biết anh rất có kinh-nghiệm về thao-tác trên máy điện-tử.

Anh là người Phụ-tá điều-hành tờ báo, trình bày bài vở cho Tạp chí “Chủ-Đề” của ông Nguyễn Trung Hối: tờ Tạp Chí xuất bản được 15 số báo (không phải chỉ có bốn hay năm số báo như tôi nhớ lầm), đã đóng góp nhiêù bài nghiên-cứu văn học và mỹ-học thuộc chủ nghĩa hiện-đại.

Anh là người trình bày bài vở cho Tạp chí “Chủ-Đề” của ông Nguyễn Trung Hối: tờ Tạp Chí chỉ xuất bản  đựợc bốn hay năm số bảo, nhưng đã đóng góp được vài bài nghiên-cứu văn học và mỹ-học thuộc  chủ nghĩa hiện-đại. Rồi đến lúc ta cần phải tìm tòi lại những số báo có công phổ-biến học-thuật để đừng quên sự đóng góp của tờ Tạp chí “Chủ Đề” trong quá trình hình thành Văn học Hải ngoại.

 

Người viết bài này cũng có sáng tác về thơ, cũng đôi lần tìm một hướng đi riêng (ví dụ thơ Lục Bát thì Thi-hóa cảnh vật đô-thị nào mang dấu ấn kỹ-nghệ; thơ Bảy Chữ thì với đề-tài Vật Lý Thiên Văn Vũ Trụ; Thơ Tự Do hướng về loại Trường Ca, tự do với những câu khá dài nhưng vẫn “Duy Trì Vần” để người đọc nghĩ thơ được viết khá đắn đo và đăm chiêu từ-ngữ; và câu khá dài thì tránh được “tính ê-a” của tiết-điệu thơ). Nhưng rồi khi tổng kết tự chọn lọc lại thì mới biết CHỈ CÓ THƠ TÙY-HỨNG mới làm mình thấy hài lòng (đề-tài đặc-biệt chưa ai đề-cập cũng cần lúc tùy hứng thì mới khiến mình đắm chìm vào sự diễn-tả). Vì vậy, bàn về thơ thuộc chủ-nghĩa hiện-đại, Thơ Tân Hình Thức, của Hà Nguyên Du, thì người viết bài này là “Người Đứng Ngoài Cuộc”. Cũng từng đứng ngoài dòng Chủ Nghĩa Hiện Đại Trong Thi Ca Hải Ngoại (gồm Hậu Hiện Đại, Tân Hình Thức, Thơ Cụ-Thể), người viết đã có một số bài bàn-luận chủ nghĩa hiện đại trong thi-ca hải ngoại đăng trên “Tạp Chí Thơ” của Khế Iêm, trên mạng điên-tử “Talawas.blog” của Phạm Thị Hoài, trên Tạp chí “Văn Học” (lúc Nguyễn Mộng Giác, rồi Cao Xuân Huy, làm chủ-biên). Mặc dù tự xác định “không cùng hội cùng thuyền” với Chủ-Nghĩa Hiện Đại, nhưng người viết đã tìm thấy và nêu ra nhiều điều người làm thơ ở hải-ngoại muốn không lặp lại Thơ thuộc Văn học Miền Nam trước 1975 (nghĩa là muốn tránh bước Thơ Tự Do của Thanh Tâm Tuyền; tránh bước Thơ Thiền hay Haiku âm-hưởng diệu-vợi Phật Giáo; tránh bước thơ Duy Linh của Thiên Chúa Giáo; tránh bước thơ Hiện Sinh của nhiều thi sĩ trong thời nhiễu-nhương do chiến tranh không lối thoát; tránh bước Thơ Tình Hiện Đại của Nguyên Sa; tránh bước Thơ Lục Bát Tân Kỳ của Cung Trầm Tưởng; tránh bước Thơ Bảy Chữ Tân Kỳ của Tô Thùy Yên...)

 

Theo Hà Nguyên Du, thơ của anh gồm: “....Những số thơ thuộc nhiều thể loại khác nhau... Từ vần điệu đến thơ Tự Do, kể cả những thơ không vần hay thơ Tân Hình Thức... Tóm lại, tất cả thơ trong tập này là những đứa con tinh thần đã sinh ra đời từ lâu... tôi nghĩ việc thu gom thơ để in ấn... chôn chung trong một nấm mồ với mộ-bia mang tên VẦNG THƠ TRÊN ĐÓA QUỲ VÀNG”. Làm thơ đủ loại, nhưng anh mong bàn về thơ Tân-Hình-Thức của anh hơn các loại thơ khác. Tại sao vậy: Ta nghĩ anh có xu-hướng muốn nhập Dòng Thi-Ca Hải-Ngoại Thuộc Chủ Nghĩa Hiện Đại, mà nổi lên trong đó những người như Nguyễn Đăng Thường; Nguyễn Xuân Thiệp (được ông Hoàng Hưng nêu ra là những người tiếp tục đổi mới đáng kinh ngạc); Đỗ Kh.; Lê Đình Nhất Lang; Nguyễn Hoàng Nam; Ngu Yên (được ông Hoàng Hưng nêu ra l những người xác lập tính đương-đại, hậu-hiện-đại); Chân Phương, Linh Đinh (được ông Hoàng Hưng nhận định là những người từ chỗ quen làm thơ tiếng Pháp, Anh hơn tiếng Việt; bây giờ lại sử dụng tiếng Việt ngày càng sắc... cập nhật những vốn từ đang sống, tiếng lóng từ đường phố...); và Khế Iêm (được ông Hoàng Hưng liên-kết vào Hiện-tượng Tân-Hình-Thức ảnh hưởng rất mạnh vào trong nước.... có thể coi là “phong trào” duy nhất trong thơ Việt từ sau 1975); Đỗ Lê Anh Đào, Trang Đài Glassey TrầnNguyễn, Lưu Diệu Vân, Như Quỳnh de Prelle, Pháp Hoan (đựợc ông Hoàng Hưng nhận-định là Thế-hệ mới đầy sức sáng tạo). Những dòng  chữ in xiên trên đây, xin quy-chiếu vào bài phát biểu của ông Hoàng Hưng trong buổi ra mắt cuốn sách 40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại” của tác giả Nguyễn Đức Tùng; tổ chức ngày Chủ-nhật 3 tháng 9 năm 2017 tại báo-quán của nhật báo“Người Việt” ở thành phố Westminster, California.

Những trích dẫn thơ Hà-Nguyên-Du sau đây chứng tỏ anh muốn nhập dòng vào Chủ Nghĩa Hiện Đại của Thơ Hải Ngoại, bao gồm tính-chất “Thơ không vần, xuống hàng bất chợt”, ví dụ:

... đưa mắt trông mong người

đi đó! Ơi người về

đâu đâu là cõi riêng

an lành vết oan khiên... (trong bài: Hoàng Hôn Mưa)

 

Và bao gồm “Cách viết chữ hoa hay không hoa ở đầu câu có tính Bất Định”, không bị ràng buộc quy-định nào, tùy theo tác-giả ngẫu-hứng:

Dù ngăn đò qua sông hay chặn đường

Vó ngựa dù bão tố cuồng phong dù

Gai chông lối về cây sinh ra để

trổ hoa đúng giờ hoa nở mộng về

với mơ và tôi về với tôi dù

che trời mênh mông hay khoanh vòng tối

mịt mù mãi với đêm đen dù truân

Chuyên kiếp người cây sinh ra để trổ... (trong bài: Đúng Giờ Hoa Nở)

 

Và bao gồm “Tính Chất Liên-Văn-Bản” nối-kết những giai-thoại, hay nối kết một số câu thơ của người khác. Mặc dù Hà Nguyên Du cũng có nêu “nguồn” hay “xuất xứ”, nhưng đây là những câu quen thuộc và những giai-thoại đã phổ-biến, nên độc-giả rất dễ nhận ra ai là những tác giả trong “liên-văn-bản”:

 

không như khăn quấn cho ấm cổ suốt

mùa đông của cụ già miệt quê bầu

trời anh lại quấn mãi những cuộn mây

xám vần vũ răn đe viên đá lửa

nằm trong cái quẹt gas với ngón

tay bật khiến con ngựa trời khóc róng

cáo nại giới-tính tội nghiệp vây đến

“con dế buồn tự tử giữa đêm sương”

vì ước“biến cuộc đời thành những tối

tân-hôn” nên chiếc chìa khóa anh lạnh... (trong bài: Mây Xám Mầm Mưa)

 

Và bao gồm “tính truyện kể” mà trong chủ-trương “Tân-Hình-Thức” của Khế Iêm cũng đã đề cao, vì một đặc-tính trong thơ Tân Hình Thức của Khế Iêm là chú trọng số âm-tiết qua cách nói đàm-thoại đời thường của người Mỹ (nói một hơi gồm bao nhiêu âm-tiết thì dừng lại để thở): Thơ song hành theo cách ấy là nhấn mạnh tính-truyện-kể. Còn Hà Nguyên Du làm ta lưu ý tính-truyện-kể nhờ ở những điệp khúc lặp lại nhiều lần. Ví dụ điệp-khúc này được lặp lại ba lần trong bài “Nước Mắt Của Dì Bảy”:

 

Lần nào cũng như lần nào

dì bảy cũng rươm rướm nước mắt mỗi

khi gặp tôi. Mặc dù nói lần nào

cũng như lần nào nhưng đôi khi cũng

có chút khang khác....

 

Chút khang khác đó thật ra là những hung-tin thời loạn lạc ập đến gia-đình Dì Bảy với bối cảnh anh em trong gia đình mà ở hai bên chiến tuyến. Nghịch cảnh vừa là mẹ liệt sĩ, vừa là mẹ sĩ quan Ngụy. Nghịch cảnh người con gái còn lại không sao tốt nghiệp Đại Học được, vì lý-lịch bà mẹ nửa phe bên này, nửa phe bên kia. Nhưng rồi có một đồng-cảnh: Dì Bảy cùng con gái và đứa cháu trai sinh ra thời người con trưởng của Dì Bảy ở trong bưng vùng Bình-Trị-Thiên, cả ba vượt biên đến được nước ngoài. Người con trai trưởng cúa Dì Bảy thuộc quân Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tử-trận ở chiến-trường Miền Trung ấy. Người con trai thứ hai của Dì Bảy là sĩ quan Quân Đội Miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) thì chết vì vượt trại tù cải-tạo sau năm 1975. Tính truyện kể được nhà thơ Hà Nguyên Du chủ-tâm đi vào  khía cạnh làm cho rườm rà, kéo dài theo kiểu “cà kê dê ngỗng”, không cần lược bớt cho đơn giản như sau đây:

 

... Nói có chút khang khác... chứ thật ra...trước sau gì thì dì bảy cũng rươm rướm nước mắt. Trước sau gì thì dì bảy cũng khóc mỗi khi gặp tôi...

 

Có lý-thuyết-gia theo Chủ Nghĩa Hiện Đại ở Hải Ngoại như ông Nguyễn Đăng Thường chủ-trương cần làm thơ bạch-thoại, triệt hạ tu-từ, theo sát với “bốn không” khi làm thơ: Đó là không ẩn-dụ; không  siêu-hình; không vũ-trụ; không ngôn-ngữ tu-từ.  Nhưng ta nhận ra trong thơ Hà Nguyên Du tiềm-tàng tính-mỹ-cảm. Tinh mỹ-cảm này phảng phất do độc-giả cảm nhận, có thể nhà thơ Hà Nguyên Du không chủ-tâm đưa vào thơ, vì vậy lời thơ tản mác mà không tập trung vào một hai câu thơ cô đọng. Tuy vậy: Tản mác, Hờ hững, mà vẫn có nét đẹp lung-linh. Nó không tập trung như cách tập-trung vào hai câu cuối của một bài “Thơ Lục Bát Ngắn”. Nó không tập trung vào số chữ trong vài câu “Thơ Tám Chữ”; hoặc vài câu trong Thơ Bảy Chữ. Một số câu thơ của Hà Nguyên Du bất-định trong số câu (thơ tự-do không vần) và có khi mấp mé gần một thể-loại thơ nào đó (tương tự như thơ ngũ-ngôn, tương tự như thơ bảy chữ); nhưng những câu thơ này đều toát ra mỹ-cảm, càng quý ở chỗ tác-giả ngẫu-hứng mà tình cờ vượt qua tính thơ bạch thoại trần trụi:

 

... lữ hành động lòng mây

nên gió mưa giăng trời

thương nhớ ơi người về

đâu đâu là cõi riêng... (trong bài: Hoàng Hôn Mưa)

 

... tưởng tượng mình là con đom đóm

nhỏ xíu những con đom đóm chớp

chớp chớp chớp và chỉ chớp chớp

le lói le lói nhưng đủ soi

cho đường bay của mình hỡi đường bay

bay của những con chữ... (trong bài: Động Đến Con Chữ)

 

... ngón tay đã nhiều lần làm tôi

có những cảm giác như một thỏi

sắt rơi tủm xuống đáy biển hoặc

như một vật nhẹ bỗng bay vút  (trong bài: Ngón Tay Của Em)

 

Thiển nghĩ “tính mỹ cảm” trong thơ cứ âm-thầm còn đó trong cảm thức thi ca của nhiều thế-hệ người Việt, nay cư-ngụ tại Mỹ. Xin nêu một trường hợp cụ-thể (của người viết bài này và chung  cho các người cùng thế-hệ trang lứa) trong quá-trình tiếp-thu văn-học từ lúc bước vào Trung-học: Khi lên lớp Đệ Ngũ (lớp 8 Trung học) niên-khóa 1953-1954, ta từng học đến tác-phẩm thơ dài “Cung Oán Ngâm Khúc”, đến nay vẫn còn giữ trong lòng câu thơ mỹ-cảm âm-ỉ này: Đền Vũ-tạ nhện giăng cửa mốc/ Thú ca-lâu dế khóc đêm dài”. Qua lớp Đệ Tứ rồi tiếp tục ở Đệ Nhị (lớp 9 và lớp 11Trung học) niên-học 1955-1956;  niên-khóa 1957-1958, ta lại có dịp mừng vì học trùng hai lần một tác phẩm văn chương lớn nhất của Việt Nam là Truyện Kiều, và câu thơ mỹ cảm không bao giờ lỗi thời về dùng từ ngữ; mãi làm ta thán phục cách mô-tả rất vị-nghệ-thuật về thời-kỳ hoa Đỗ Quyên và Hoa Lựu nở trong mùa hè oi bức: “Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”. Còn năm học lớp Đệ Tam (tức lớp 10 Trung học) niên-khóa 1956-1957, ta ngậm ngùi cùng nỗi buồn chinh phu tử sĩ, trong bối cảnh xa xôi vùng hoang mạc Trung Quốc ở tác-phấm “Chinh Phụ Ngâm”, nhưng câu thơ mỹ-cảm trong bối cảnh quen thuộc nửa thị-trấn nửa thôn quê Việt Nam mới lảm ta không quên: “Giọt sương phủ bụi chim gù/ Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi”. Nêu ra đây 3 tác-phẩm trường-thiên cổ-thi có rất nhiều từ-ngữ Hán-Việt và tư-tưởng chủ-đạo cũng chịu ảnh-hưởng từ sách vở Trung Quốc, người viết có ý tự nhắc nhở xin nhớ lấy vài câu thơ thuộc mỹ-tính đã diễn tả tài-tình “gần như toàn là ngôn-ngữ Thuần-Việt” (tuy vậy, đôi khi cũng còn vướng víu một hai từ Hán-Việt). Cảm-thức mỹ-tính trong thơ không chỉ ở tả cảnh, mà còn ở tả tình, còn ở trực cảm huyền-diệu (như qua bài thơ Thược Dược của Quách Thoại); và còn ở trong loại thơ buồn về Định Mệnh (như qua thơ Nguyễn Tất Nhiên: “Người từ trăm năm về như dao nhọn/ Dao vết ngọt đâm/ Ta chết trầm ngâm... Người từ trăm năm về qua sông rộng/ Chỉ thấy sông lồng lộng/ Chỉ thấy sông chập chùng”). Vậy mỹ-tính trong thơ chính là hướng vị-nghệ-thuật chủ trì sáng tác những gì làm ta động-tâm về nghệ-thuật, không nhất thiết mỹ-miều hay tráng-lệ.

Nhà thơ Hà Nguyên Du với khuynh hướng tán-thành Chủ Nghĩa Hiện Đại: Có khi cũng chủ-trương  theo vẻ cực-đoan “Bốn Không”; hoặc chủ-trương thơ “Bạch Thoại”; hoặc đề-cao “Tính Đời Thường”; hoặc “Cấu-trúc đặt câu Bất-định” ... Nhưng ta nhận thấy bóng nhà thơ Hà Nguyên Du trong sáng tác vẫn có lúc “Đi Giữa Duy-Mỹ Của Thơ Cũ và Rất-Hiện-Đại Của Thơ Tân-Hình-Thức”.

 

 

City of Walnut, California, tháng 9 năm 2017

 

Những bài báo của Trần Văn Nam về Chủ Nghĩa Hiện Đại trong Thơ:

 

1/ Những Dấu Hiệu Hiện-Đại-Hóa Của Thơ Hái Ngoại (đăng trong TẠP CHÍ THƠ, Garden Grove, California, số Mùa Xuân 2002)

2/ Thơ Vắt Dòng (đăng trong TẠP CHÍ THƠ, số Mùa Thu 2002)

 

3/Ảnh Hưởng Thơ Hậu-Hiện-Đại Hoa Kỳ Trong Thơ Tân-Hình-Thức Việt (đăng trong TẠP CHÍ THƠ, số Mùa Xuân 2003)

 

4/Đọc Những Chủ Trương Và Thơ Gọi Là Triệt Để Cách Tân (đăng trên mạng “talawas blog” của nhà văn Phạm Thị Hoài, ngày 20/12/2009)

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2168
Ngày đăng: 23.09.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngô Đình Hải NGỬA - Vũ Trọng Quang
Dẫn lược từng chương cuốn tiểu – thuyết danh tiếng của Thomas Hardy - Trần Văn Nam
Những viên kẹo ngọt… - Phan Nam
Giới thiệu tiểu thuyết Cõi Hồng - Bùi Minh Vũ
Nguyễn Minh Nữu - Thương quá Sài Gòn - Từ Sâm
Nguyễn Thái Dương thủ thỉ chuyện văn chương(*) - Vũ Trọng Quang
Song Tử, tiếng hát hi vọng từ nát tan - Inrasara
Suy nghĩ nhỏ trước một vùng biển lớn - Nguyễn Anh Tuấn
"Những chữ qua cầu tâm linh" - Những trang văn tâm huyết, lấp lánh ý niệm tâm linh - Nguyễn Nguyên Phượng
Giới thiệu cuốn “Lịch sử tính hiện đại” của Jacques Attali - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)