50 năm trước, khi tiếng súng cuối cùng chiều ngày 7-5-1954 ở Điện Biên vừa dứt, cả thung lũng Mường Thanh là một bãi chiến trường mênh mông sắt thép, tất cả được đào xới lên bởi các chiến hào. Và, một điều in đậm trong tâm trí những người được chứng kiến cảnh Điện Biên ngày đó là, cả cánh đồng Mường Thanh trắng xóa những cánh dù. Dù được thả như mưa từ "trên trời" xuống với hy vọng cứu vớt những cứ điểm cuối cùng đang bị các vòng vây chiến hào xiết chặt.
THÀNH PHỐ ĐIỆN BIÊN PHỦ : TRUNG TÂM CỦA VÙNG TÂY BẮC
… Thời gian lúc chậm rãi, lúc vùn vụt trôi qua … Mùa xuân thứ 50 này, đứng từ đỉnh đồi D1, vị trí cao nhất trong thung lũng Mường Thanh, người ta có thể ngắm một góc rộng của chiến trường xưa. Đó là một thành phố trẻ đã ra đời. Có thể nói, đây là một thành phố vào loại đẹp nhất ở nước ta vì nó được quy hoạch nghiêm chỉnh. Một trục đường chính trên 5km với 4 làn xe chạy được xem là trục dọc của thành phố. Các trục nối vào trục chính theo hình xương cá là các phố nhỏ, yên tĩnh. Đến nay hạ tầng thành phố Điện Biên Phủ (được Chính phủ chính thức công nhận theo Nghị định 110/NĐ-CP ngày 26-9-2003) đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại 3 với tổng chiều dài đường giao thông toàn thị là 68,476km được trải thảm nhựa và bê tông. 75% đường dân sinh được bê tông hóa, 78% dân số (73.689 người) được cung cấp nước sinh hoạt sạch, 97% dân số được dùng điện lưới quốc gia, 83% đường phố có điện chiếu sáng, mức tiêu thụ điện sinh hoạt bình quân đầu người 690 kwh/năm, tỷ lệ nhà kiên cố 65% so với tổng quỹ nhà ở, diện tích ở đạt 11,6 m2/người, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 90,7%, bình quân 100 người có 17 máy điện thoại. Thành phố Điện Biên Phủ hiện có 8 đơn vị hành chính gồm 7 phường và 1 xã có diện tích tự nhiên trên 60 km2 với các tên gọi nổi danh cả nước : Phường Mường Thanh, Phường Him Lam ….
… Vào một ngày nắng đẹp như chiều nay chẳng hạn, đứng trên đồi D1 tôi trông thấy rõ cả máy bay của Vietnam Airlines từ từ đáp xuống sân bay Mường Thanh. Xa xa là những đồng lúa rập rờn, xa hơn nữa là các dãy núi trập trùng vây quanh lấy lòng chảo Điện Biên. Còn dưới kia, dòng Nậm Rốm uốn lượn qua các nẻo đường thành phố…
Điện Biên Phủ là thành phố du lịch - lịch sử, trung tâm chính trị, kinh tế của cả vùng Tây Bắc tổ quốc, đó là điều không còn phải bàn cãi gì nữa !
CUỘC TÔN TẠO CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ
Ấn tượng nhất với du khách đến Điện Biên Phủ mùa Xuân thứ 50 này là, cả lòng chảo Mường Thanh và Mường Phăng (cách thành phố Điện Biên Phủ 25km đường bộ, 10km đường chim bay) đang là một công trường xây dựng, tái tạo và nâng cấp các di tích của chiến thắng lịch sử năm xưa, chuẩn bị cho Điện Biên đón chào du khách bốn phương đến thăm mảnh đất này vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ở bảo tàng Điện Biên, các hiện vật, tranh ảnh, sa bàn trận địa được thu gom lại hết để mở rộng nhà trưng bày. Quang cảnh thật bề bộn và khẩn trương ở đỉnh đồi A1, hầm cố thủ của giặc Pháp đang được tu tạo, ở chân đồi các chiến hào được làm lại bằng "bê tông giả đất" để du khách có thể đi trong chiến hào. Tôi được giới thiệu làm quen với một anh bạn trẻ, người được mệnh danh là "chuyên gia hàng đầu" về thiết kế các công trình tu bổ di tích lịch sử, đang tham gia chỉ huy công trường tu bổ khu Mường Phăng bị "bỏ quên" bấy lâu nay … Anh tên Nguyễn Hữu Đán, là con trai của nhà thơ nổi tiếng Hữu Loan. Trong cái máy vi tính xách tay của anh là bản thiết kế các công trình đang tu tạo tại Điện Biên cho ngày 7-5-2004 sắp tới. Trong cái giá rét chiều xuống tại khu rừng già Mường Phăng này, đồng bào các dân tộc đang tham gia đào lại con đường hầm xuyên từ hầm của Đại tướng Tư lệnh Mặt trận sang hầm của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái …như cách đây nửa thế kỷ mà thời gian đã vùi lấp nó đi …
Tôi nhìn thấy rõ những giọt mồ hôi trên trán một cô gái Thái có cái khăn thêu rất đẹp trên đầu … khi cô đang đào đất ở cửa hầm của Đại tướng giữa rừng già Mường Phăng. Năm đó Đại tướng còn trẻ lắm, mới ở tuổi 44. Điện Biên Phủ là "chiến công của tuổi trẻ" như lời ông nói với tôi vài hôm cách đây lúc chia tay ở Hà Nội.
CỔ TÍCH ĐỒI A1
Bên Tàu xưa có chuyện, khi đức Khổng Tử qua đời (479 trước CN), 72 người học trò giỏi của ông vì thương nhớ thầy đã làm lều quanh mộ và ở đó suốt ba tháng để trông nom mộ thầy. Riêng Tử Cống vì quá thương thầy nên đã làm nhà và ở lại bên mộ thầy những … ba năm ! Chuyện như thế tưởng chỉ bên Tàu mới có. Ai ngờ chuyện ở đồi A1 Điện Biên Phủ thời nay còn "cổ tích" hơn nhiều !
Số là chiến sỹ Hoàng Tuế của Đại đoàn 316 tham gia đánh đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên, sau khi chiến dịch toàn thắng, vì quá thương nhớ bao đồng đội đã ngã xuống lúc còn quá trẻ trong trận chiến khốc liệt 36 ngày đêm đánh chiếm đồi A1, anh chỉ về quê dưới xuôi dăm bữa rồi trở lại Điện Biên, cởi áo lính, làm nhà ngay bên đồi A1… để ngày rằm, mồng một nhang khói cho đồng đội!
Người lính trẻ ấy đã 50 năm chăm sóc linh hồn đồng đội, và hôm nay đã là một ông già ngoài 70. Cuộc đời ông trở thành huyền thoại cùng với đồi. Cả thung lũng Mường Thanh, những người lớn tuổi đều biết ông như một pho cổ tích. Bởi ông thuộc từng lớp rào kẽm gai, từng ụ súng, từng lối ngoặt của chiến hào, tính nết của từng đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây … Chính người quản trang (trông coi nghĩa trang) dưới chân đồi A1 đã kể cho tôi nghe câu chuyện trên về ông già Hoàng Tuế. Và, sáng nay, một ngày nắng đẹp, một trong những ngày rét đậm cuối cùng của năm 2003 … trước khi Điện Biên Phủ bước vào mùa Xuân thứ 50 … tôi lại được nghe người quản trang trạc ngoài 40 tuổi này, kể tiếp câu chuyện có thể xem là ly kỳ nhất của nhân loại ở đầu thế kỷ về sự tích của một cuộc chiến mới cách xa nửa thế kỷ.
… Người quản trang chỉ tay lên phía chân đồi A1, nơi có một tường rào mới xây chạy quanh đồi …kể : - Vừa qua, tỉnh trùng tu, khơi lại một đoạn chiến hào và đã tìm thấy 14 cụ đang ngồi trong tư thế chuẩn bị xung phong ! Thấy tôi có vẻ chưa hiểu, anh Tính - tên người quản trang - giải thích : nếu tính đến nay, các cụ đều 70 hơn cả rồi ! Tôi chợt nhận ra vẽ thành kính trên khuôn mặt chữ điền của người quản trang. Anh Tính kể tiếp : Tỉnh đã đưa các cụ về an táng tại nghĩa trang đồi Độc Lập vì nghĩa trang A1 này đã kín bia mộ rồi. Bóc một trái quýt còn tươi trên chiếc khay sắt tráng men mời tôi ăn, anh Tính bùi ngùi kể tiếp : … Có một cụ còn nguyên hình cốt, ngồi tựa lưng vào chiến hào, đeo bát sắt và lựu đạn quanh người … chính cụ Hoàng Tuế đã nhận ra cụ này nhờ trên ngực có đeo bút máy Pi-lốt, có một chiếc lược sừng và một cụm tóc dài gói cùng với lược sừng trong một túi vải dù … Thế là cụ Tuế đã báo cáo lên trên để Hội Cựu chiến binh Đại đoàn 316 tìm về quê Liên Lữ, Hưng Yên của cụ Phạm Văn Bân, chủ nhân của mớ tóc dài đó, cùng quê với cụ Tuế. Cụ bà Lê Thị Hảo năm nay đã 80 tuổi, khi nhận ra mớ tóc năm xưa của mình gửi cho chồng, đã rưng rưng nước mắt. Bà nói với con cháu : Bao nhiêu năm mà ông ấy vẫn nhớ đến tôi !!!
Người viết bài này đã đem câu chuyện thần thoại mới của thế kỷ 21 trong đầu … để lại hành hương lên đồi A1.
Vậy là tôi đã hai lần lên thăm A1, và lần nào cũng dành trọn một ngày "sống" với A1. Tôi đem theo một ít thức ăn trưa, 1 chai nước và gói thuốc để có thời gian chiêm ngưỡng toàn cảnh Điện Biên Phủ từ đỉnh đồi A1. Còn để suy ngẫm về một chiến công lớn lao nhất của dân tộc mình trong thế kỷ 20 …
… Vẫn con đường đất đỏ nâu đủ cho 1 chiếc xe tải chạy lượn vòng lên đỉnh đồi. Cảnh sắc thay đổi nhiều ; mười năm đủ để những bụi cây lúp xúp bên đường lớn thành rừng cây che kín tầm nhìn. Nhưng khi lên đến đỉnh đồi, nhìn thấy chiếc xe tăng còn đó và hầm cố thủ kiên cố nhất của giặc Pháp trên điểm đỉnh của đồi, tôi nhớ lại tất cả … Mười năm trước, chính tại đỉnh đồi này tôi đã được nghe Đại tướng và các sỹ quan tháp tùng nói tỷ mỷ về trận chiến 36 ngày đêm khốc liệt trên A1.
Có nhà thơ nào đã viết :
" Khi đồng đội lấy thân mình đo mỗi bước chiến hào đi
Ta mới hiểu giá từng tấc đất !"
Nếu được trả lời một câu hỏi, tôi sẽ nói : Đất đắt nhất trên trái đất này là đất đồi A1 Điện Biên !
… Vào những ngày này, cả khu đồi A1, cũng như các di tích lịch sử ở Mường Phăng, Him Lam, Độc Lập, Hầm Đờ Cát ….đang được trùng tu, tái tạo theo đúng hiện trường xưa để Điện Biên Phủ kịp đón khách cả nước và du khách quốc tế hành hương lên dự lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi nhặt một nắm đất vừa được đào lên từ một chiến hào đang tái tạo trên đỉnh đồi. Đất màu nâu vàng của đồi A1 quả thật rắn như "đá non" mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhớ lại trong tập hồi ức "Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử" gần 600 trang mà tôi đã được đọc. Cầm cục đất rắn như đá non này, tôi mới hiểu vì sao chỉ qua vài đêm đào chiến hào, cái xẻng của chiến sỹ ta trên đồi A1 đã mòn vẹt, chỉ còn lại như một … mảnh trăng lưỡi liềm !!!
Mùa này, hoa cúc dại vàng xuộm các sườn đồi A1. Hoa như vàng lên từ màu đất vàng nâu dưới cánh hoa. Đã quá trưa, các tốp công nhân trùng tu di tích lịch sử quanh đồi rút hết lên cái lán rộng trên đỉnh đồi nghỉ ngơi. Không gian trở về với tĩnh lặng. Tôi trải tấm vải nhựa đem sẵn từ nhà khách lên một đám cỏ hoa tim tím để ngả lưng. Từ đây, nhìn rõ cả một góc cánh đồng Mường Thanh dưới kia đang mùa phơi ải … Chỉ ít tháng nữa, khi các công trình trùng tu di tích lịch sử đồi A1 hoàn tất các hạng mục thì cả quả đồi rắn như đá non này sẽ như một tượng đài lớn chưa từng có trên thế gian …. Tôi nghĩ thế … và thấy hình như các bụi cúc quanh đồi bỗng vàng hơn. 100 năm sau, cả nghìn năm sau, con cháu chúng ta và nhân loại sẽ còn đến đây để làm những cuộc du lịch sinh thái cho lương tri của con người. Nơi đây mách bảo cho nhân loại rằng, một dân tộc đau thương có thể đánh bại cả sắt thép bạo tàn kiểu lê dương ! Rằng, tại nơi đây, những người nông dân mặc áo lính đã đánh thắng trận xáp lá cà với những tên lính đánh thuê thiện chiến nhất, lấy chiến tranh làm nghề nghiệp, được trang bị tới răng, cùng với thói ngạo-mạn - độc- ác - lính-dù -phiêu- lưu … Rằng, ở nơi đây, những người đào chiến hào dưới lòng đất đã làm đảo lộn cả bầu trời nước Pháp những năm giữa của thế kỷ 20, để vĩnh viễn chôn vùi chủ nghĩa thực dân bẩn thỉu trong lòng chảo xa xôi này …
Điện Biên Phủ - TP.HCM 1/2004
ĐẠI BẢN DOANH MƯỜNG PHĂNG
Tôi vẫn mang một cái "hận" là dịp 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, lần đầu tiên lên thăm chiến trường lịch sử mà lại không lên được Đại bản doanh Mường Phăng của Đại tướng và Bộ chỉ huy chiến dịch, mặc dù lúc đó Mường Phăng còn bị bỏ …. hoang suốt 40 năm ! Nghe nói lần này, dịp kỷ niệm 50 năm, Mường Phăng đang được trung tu và sẽ là địa điểm tham quan số một của du khách bốn phương lên Điện Biên Phủ sau này ….Có thế chứ (!)
Và dĩ nhiên là lần này, tôi nhất định phải lên Mường Phăng bằng bất cứ giá nào. Dù phải thuê riêng một chuyến xe, tôi cũng sẵn sàng (!). Nhưng sự đời đâu đến nỗi "tệ" như thế. Ngay hôm đầu tiên đặt chân đến Điện Biên lần này, tôi đã đi tìm Ngô Phong, người 10 năm về trước đã dẫn tôi đi khắp Điện Biên - trừ Mường Phăng !
Ngô Phong như sinh ra để sống vì Điện Biên. Chính trận Điện Biên đã sinh ra Ngô Phong. Đúng vậy ! Cha anh là một chiến sỹ Điện Biên, sau khi thắng trận, ông đã ở lại đất này, lấy một cô gái Thái rồi sinh cơ lập nghiệp tại Điện Biên. Nhà thơ Tố Hữu trong bài "Hoan hô Chiến sỹ Điện Biên" đã viết : "Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam … Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng…" là như thế ! Rất nhiều mối tình đã đơm hoa kết trái sau những ngày máu lửa sắt thép Điện Biên Phủ ! Tôi nghe nói, ngay sau ngày chiến thắng 7.5.1954, có hai đám cưới được tổ chức ngay trong hầm Đờ Cát. Một đám của một vị sỹ quan cấp cao của ta, người Huế, gặp người yêu cũng đi phục vụ chiến dịch Điện Biên trong đội quân y tế, sau đó đã tổ chức đám cưới. Tôi còn được nghe nói, sau này Bác có hay chuyện đó, Người tỏ ý không vui … "Vì sao các cô các chú lại làm đám cưới ở đó (!)" Đấy là chuyện tôi nghe được và sau này còn đọc được trên báo về đám cưới của vị sỹ quan Huế đó. Sau đám cưới, mỗi người lại đi một nơi vì nhiệm vụ khác nhau !!! Còn chuyện của Ngô Phong thì tôi được nghe chính Ngô Phong kể. Ngô Phong sinh sau trận Điện Biên 1 năm, lúc tôi gặp lần đó, anh đang là Phó Ban Tuyên huấn huyện ủy Điện Biên. Ngô Phong cho ngay tôi cuốn "Lịch sử Đảng bộ Điện Biên" gần 200 trang, in khá đẹp với nhiều ảnh tư liệu quý … vừa mới được phát hành mà anh là người chấp bút … Để có cuốn sách này Ngô Phong đã phải gặp nhiều người, dự nhiều cuộc hội thảo, về Hà Nội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vào thư viện Trung ương để sưu tầm tài liệu. Mỗi lần về Hà Nội vào những năm đó, có khi phải đi mấy ngày xe vì đường xấu, bị mưa lũ tàn phá … Tôi đã đọc ngấu nghiến cuốn sách trong một đêm tại khách sạn. Quả Ngô Phong là một nhà "Điện Biên Học" … Suốt mấy ngày sau đó đi với Ngô Phong vào các bản xa quanh lòng chảo, vừa đi vừa nghe Ngô Phong kể chuyện Điện Biên …tôi càng tin những điều mình nghĩ là đúng. Anh thuộc tính nết từng trái đồi, con suối. Với một cán bộ tuyên huấn như anh, mỗi đợt công tác, đi bộ 100 cây số là chuyện thường …
Đúng mười năm mới gặp lại, Ngô Phong già đi rõ ràng. Bây giờ anh là Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Điện Biên. Tôi nói đùa : Vậy là 10 năm anh không lên được chức nào ? Ngô Phong cho biết, từ vị trí Phó ban tuyên huấn huyện, anh chuyển qua làm Chánh văn phòng huyện ủy, rồi Phó Ban dân vận, rồi qua làm Phó chủ tịch mặt trận ! Tôi nhắc đến chuyến đi 10 năm trước và cuốn sách anh tặng ; Ngô Phong như chợt nhớ ra, anh vô tủ lấy ra cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu to đùng bìa cứng nặng trịch … tặng tôi. Vậy là sau hai chuyến đi ; tôi mang về TP.HCM được một số sách vở, tài liệu bản đồ vào loại khá "nặng ký" về những gì có liên quan đến Lai Châu và Điện Biên Phủ. Tôi tự an ủi mình khi phải vác nặng hành lý đầy sách vở tài liệu bằng việc nhớ lại câu nói hóm hỉnh của nhà thơ Chế Lan Viên trong một lần đi thực tế cùng tôi : "Người ta có tài năng, mình không có tài năng thì lo kiếm tài liệu vậy !"
Cũng trong buổi gặp lại đó, Ngô Phong hứa sẽ đưa tôi đi Mường Phăng vào ngày cuối cùng trước hôm tôi rời Điện Biên.
Đúng hẹn, một chiết xe U-oát rời sân huyện ủy. Vẫn chiếc xe U-oát 10 năm trước Ngô Phong đưa tôi đi khắp chốn. Có lẽ đây là chiếc U-oát hiếm hoi còn lại khi thiên hạ đã đi xe đời mới máy lạnh cả rồi. Nhưng rồi chúng tôi lại tự an ủi, U-oát có xóc một chút nhưng cao cẳng, lại hai cầu, leo Mường Phăng là số một !
Ngô Phong cho biết, đường mới mở lên Mường Phăng to và gần nhưng đang sửa chữa nên chúng tôi phải đi Quốc lộ 279 ngược lên phía Tuần Giáo, tức đường bộ về Hà Nội qua Sơn La, rồi quành lại Mường Phăng theo đường mòn năm xưa quân ta vẫn đi. Ra khỏi thành phố Điện Biên Phủ đến xã Thanh Minh - xã ngoại ô duy nhất của thành phố - đã là đồi núi chập trùng. Không có đoạn đường thẳng nào dài được đến 100 mét. Hết "cua" này lại đến "cua"khác. Tôi thấy anh bạn lái xe trẻ hầu như luôn tay vần vô lăng một cách mạnh mẽ và quyết liệt ! Đây chính là đoạn cuối cùng của Quốc lộ 279 từ Hà Nội qua Hòa Bình (Quốc lộ 6) lên Sơn La - Lai Châu dài 500 km. Nhưng được cái đường rất vắng vẻ, nếu không, hai ô tô đi ngược chiều, trước lúc ngoặt không nhìn thấy nhau thì chỉ có cách là bấm còi 24/24. Và, chỉ một phía được bấm còi mà thôi, để bên kia còn nghe thấy (!) Bất thần một chiếc xe ở phía ngược chiều ló đầu ra khỏi khúc ngoặt … Tôi chỉ kịp nhìn thấy hai mũi xe cách nhau trong gang tấc rồi nó biến mất ở khúc ngoặt sau ! Mùa này hoa cúc dại vàng rực hai bên đường nên cảnh sắc núi rừng Tây Bắc vừa hùng tráng vừa nên thơ đến kỳ lạ ! Người "hay chữ" gọi cúc dại là hoa dã quỳ ! Dã quỳ ! sao các nàng lại đua nhau đến ở nơi rừng thẳm suối sâu này ! Nếu một người chưa lên miền sơn cước bao giờ gặp cảnh này chắc ấn tượng lắm ! Chả có thế mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên ở Sài Gòn, lần đầu tiên cùng đoàn nhạc sĩ miền Nam lên thăm Điện Biên Phủ đã phải thốt lên : "Đường đi Mường Phăng trùng trùng điệp điệp núi rừng. Con đường dẫn chúng tôi đến Mường Phăng như một con rắn khổng lồ giăng ngang qua những đồi và núi, uốn lượn quanh co ! (Tạp chí "Sóng Nhạc" Xuân 2004).
Đi được chừng hơn 15 km, xe bỏ lộ 279 rẽ quặt lại phía Điện Biên. Ngô Phong giải thích : Chúng ta bắt đầu đi về hướng xã Mường Phăng, với huyện Điện Biên chúng tôi thì Mường Phăng là xã "đồng bằng" gần nhất, không phải xã "vùng cao" !
Từ đây, đường lại càng vắng vẻ. Lâu lâu lại xuất hiện một đàn trâu lớn đi thong dong trên mặt đường. Một em bé gái chừng 10 tuổi cưỡi trên một con trâu mỗi sừng dài như một cái đòn gánh chỉ huy cả một bầy trâu lớn, trâu mẹ, nghé con đi ngược chiều với xe chúng tôi. Cô bé giơ tay vẫy chào trong oai nghi như một nữ tướng ! Trong nắng chiều vàng xuộm, thung lũng Mường Phăng hiện ra trước mắt chúng tôi. Nó chỉ nhỏ bằng một phần nghìn của lòng chảo Mường Thanh. Nhưng giữa cảnh núi rừng trùng điệp, núi che khuất nắng thì một thung lũng dù bé nhỏ cũng làm cho người đi đường ngỡ ngàng đến sung sướng. Những vuông ruộng bậc thang, những ngôi nhà sàn trên vách núi rực rỡ dưới nắng chiều, từng đàn em nhỏ tan trường tỏa ra các hướng rồi nhấp nhô lên các sườn đồi … Và dã quỳ, dã quỳ vẫn vàng rực hai bên lộ ….thanh bình biết bao ! Khu trung tâm xã có đủ trường học, cửa hàng bách hoá, trạm xá, nhà ủy ban xây tường ….như một thị trấn nhỏ. Ngô Phong chỉ vào một khu nhà đang xây cất cho tôi hay, đó là ngôi trường do Đại tướng Võ Nguyên Giáp bỏ 80 triệu tiền riêng ra tặng xã Mường Phăng. Ở Mường Phăng này, nếu nghe tin Đại tướng về thăm thì không ai ở trong nhà nữa, tất cả đều đi đón Đại tướng. Tôi lại nghĩ đến cái "hận" 10 năm trước đây không lên được Mường Phăng cùng vợ chồng Đại tướng (!) Lần này, tôi đã trả được cái "hận" đó !
Chúng tôi rời ô tô để leo lên một con đường nhỏ đã được bê tông hóa, có tấm biển đắp hoa văn khá đẹp : Trạm gác bảo vệ Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ … Từ đây chúng tôi đi trong rừng … Khu sở chỉ huy chiến dịch là một cánh rừng già nguyên sinh với những cây dẻ cây trò cả vòng tay người ôm cao vút. Từ dưới nhìn lên bầu trời chỉ còn là những khoảng trắng hiếm hoi lọt qua các kẽ lá. Dưới tán rừng già cây cỏ xanh tốt một cách kỳ lạ, những cành lá dương sỉ mọc dài cả thước … Khi đến "Đồi Đại Tướng" - như cách gọi của đồng bào địa phương - cả một công trường nhỏ đang tu tạo di tích này. Những chiếc khăn piêu, áo, váy rực rỡ mầu sắc của các cô gái Thái đang lao động trên công trường làm ấm lại cả khu rừng. Đất được đào bới lên, tôi mới hay, đất ở đây là thứ đất ba zan tơi xốp, không rắn như "đá non" ở đồi A1. Đất tốt nên rừng xanh thẳm. Đã từ lâu tôi mới được chiêm ngưỡng một khu rừng nguyên sinh đẹp như thế này, nên cứ mê mẩn và luôn mồm khen rừng cây đẹp. Ngô Phong cho hay, do ý thức bảo vệ khu di tích lịch sử "Đồi Đại Tướng" này của người dân nên rừng ở đây không bị phá.
Sở chỉ huy chiến dịch là một quả đồi không cao lắm. Hầm trú bom của Đại tướng được đào sâu vào giữa quả đồi có 1 ngách thông với hầm của Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái ở phía bên phải. Trước hầm của Tham mưu trưởng có 1 lán tre nứa khá rộng, nơi giao ban hàng ngày của cơ quan chỉ huy chiến dịch.
Trước cửa hầm Đại tướng có 1 lán tre xinh xắn như một ngôi nhà nhỏ ba gian của người đi ở ẩn giữa rừng già ! Tôi vào bên trong lán thấy có 1 giường tre nhỏ, cuối giường có 1 bàn tre nhỏ, có thể ngồi trên giường để làm việc ở cái bàn. Trước bàn có 1 cửa sổ nhỏ khoét từ tấm liếp nứa đan nong đôi rất đẹp. Tất cả đều xưa như trong cổ tích ! Ngô Phong giải thích : Ban ngày, nếu không có máy bay oanh tạc, Đại tướng làm việc tại lán này và đêm nghỉ tại lán với một đồng chí cảnh vệ ! Ngô Phong chỉ tay về phía cái giường cá nhân của đ/c cảnh vệ ở góc bên kia… Tôi còn được nghe nói, sau khi tu tạo xong khu hầm, ngôi nhà lá nhỏ này sẽ được chuyển dịch xuống phía dưới một chút, cho đúng với vị trí ban đầu của nó … Ngô Phong còn cho tôi biết, có một ngọn núi cao cách đây không xa, Đại tướng đặt 1 đài quan sát trên đó. Từ đó nhìn xuống lòng chảo Mường Thanh đường chim bay không đầy 10km. Đại tướng vẫn dùng ống nhòm để quan sát từng chiếc xe chạy trong khu trung tâm Mường Thanh … Nhưng Ngô Phong lại cho hay, muốn lên đó phải mất nửa ngày leo núi … Bây giờ không còn thời gian nữa.
Đứng trong lán tre của Đại tướng, tôi hình dung cách đây nửa thế kỷ, trong căn nhà tranh tre nhỏ bé này, khi người cảnh vệ đã yên giấc thì vị tướng trẻ tài ba của chúng ta (lúc đó Đại tướng 44 tuổi), vị danh tướng được cả thế giới ca ngợi …còn thao thức… ông có nhiều đêm không ngủ để suy nghĩ về lời dặn của Bác Hồ "Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh" … để vận dụng một cách đánh tiết kiệm từng giọt máu của đồng đội mà vẫn giành toàn thắng …
… Nửa thế kỷ rồi, văn học nghệ thuật nước ta mới chỉ có được những đội du kích quân văn nghệ về Điện Biên Phủ. Đó là những : "Hoan hô chiến sỹ Điện Biên", "Qua miền Tây Bắc", "Hò kéo pháo", "Giải phóng Điện Biên" …Rồi đây phải xuất hiện những Đại đoàn Sư đoàn, chắc chắn sẽ có những kiệt tác bất hủ về Điện Biên Phủ .., do các thế hệ sau sáng tạo … Tôi tin là như thế … Vì các kiệt tác trên thế giới cũng đã từng xuất hiện như thế, cả trăm năm sau, sau những biến cố lớn của lịch sử … Những cánh rừng và ngôi nhà di tích được chúng ta giữ gìn tu tạo hôm nay sẽ là những chất xúc tác, những men nồng lên hương cho các tác phẩm lớn mai sau …
ĐI CHỢ HIM LAM
Khu lòng chảo Điện Biên hiện nay bao gồm 2 đơn vị hành chính : Huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ thuộc Tỉnh Điện Biên (Tỉnh Điện Biên mới được thành lập tách ra từ một phần đất của Lai Châu). Trong cái lòng chảo rộng 8 km, dài 20 km, phần đất mầu mỡ nhất, đông dân cư nhất của cả vùng thượng du Tây Bắc hiện có ba cái chợ lớn. Chợ Bản Phủ ở phía Bắc, nơi gần đền thờ anh hùng dân tộc Hoàng Công Chất (người đứng đầu nghĩa quân đánh bại bọn giặc ngoại xâm Pha Chậu Tin Tòng từ Lào kéo sang, giải phóng hoàn toàn Mường Thanh vào năm 1754) là chợ được xem là nhiều màu sắc núi rừng nhất ! Chợ thứ hai to nhất, mới được xây dựng khá đẹp, nằm ngay trung tâm của thành phố Điện Biên Phủ. Thứ ba là chợ Him Lam ở phía đông, nằm trong phường Him Lam của thành phố.
Vì còn thời gian nên tôi đi cả ba chợ (!) Bây giờ, nếu có ai hỏi : Ở Điện Biên nên đi chợ nào ? ….thì thật là khó nói. Hai chợ trên tôi đi lướt qua một vòng còn chợ Him Lam, được coi là chợ xép, tôi lại dành cả buổi sáng … Đi chợ chính đông đúc phải chen lấn không có tầm nhìn, không thể lê la ngồi hỏi chuyện khi người ta đang bận bán hàng ! Đi chợ xép có cái thú là được ngắm nhìn, được hỏi chuyện và nhất là có thể dùng "télé" chụp những cảnh mua bán rất tự nhiên trong chợ, người "bị" chụp không hay có kẻ đang "lấy" hình mình (!). Mười năm trước (1994), lần đầu tiên lên Điện Biên tôi đã đi chợ trung tâm ; lúc đó chợ chưa được xây, còn họp trên một cái bãi rộng, tôi lang thang một sáng trong chợ và lượm được nhiều thông tin hay. Ở chợ miền núi này, bà con dân tộc nếu bán thịt bò thì người bán phải bầy ra tất cả đầu bò, bốn cái chân và cả đuôi bò nữa ! Như thế người mua mới tin là không phải "treo đầu dê bán thịt chó"! Có một ông bầy bán thịt gấu trên một tấm vải ny lông trải rộng, nhưng lại thiếu hai cái chân trước (còn được gọi là tay gấu), bộ phận quan trọng nhất, được ưa thích nhất trong con gấu, có thể ngâm rượu 2 cái tay gấu làm rượu bổ vì con gấu mạnh nhất là 2 cái chân trước … Tôi đem cái "kiến thức" học được của người bán thịt bò để hỏi người bán thịt gấu : - Thưa bác, sao bác không bầy cả hai cái tay gấu ?… Và được biết, có một người ở xuôi lên đi chợ, đã mua hai cái tay ngay từ sớm. Nhưng phải mua với giá rất đắt, ngang bằng với cả con gấu ! Vì thế mới bán. Số thịt còn lại, nếu bị chê là "thịt chó" thì cũng không lo vì đã bán được gần cả con gấu qua hai cái "tay" rồi !!! Chưa hết, tôi còn thấy anh thợ chụp hình người dưới xuôi lên làm ăn, khi trả hình cho mấy cô mấy chị người dân tộc, nếu hình có 1 người thì lấy 1 giá, nhưng trong hình có 5 người thì anh ta lấy gấp 5 lần tiền ! Thế mà người ta cũng vui vẻ trả (!) Lý do đơn giản, nhiều người hơn thì giá phải cao hơn, cứ đếm người trong hình mà nhân tiền !!!
Vẫn chưa hết, thấy tôi có cái máy Zenit trong tay, anh thợ chụp hình này gạ mua. Tôi không bán. Anh ta nói như đinh đóng cột : Anh đòi bao nhiêu tôi mua bấy nhiêu (!) Tôi thấy lạ, vì cái máy Canon anh đang cầm trong tay tuy đã cũ nhưng ngon hơn cái máy của tôi nhiều. Hỏi ra mới vỡ lẽ, máy của tôi lạ, to hơn nhiều so các máy khác, lại là máy Liên Xô, giống như xe mô tô "Min" ở Điện Biên Phủ rất được ưa chuộng, leo dốc khỏe hơn Honda. Nếu anh ta có được cái máy Zenit Liên Xô của tôi thì "ăn đứt" các tay chụp hình đang hành nghề ở Điện Biên, chỉ có máy Nhật nhỏ thó ! Anh sẽ tranh hết khách về mình vì khách chụp hình ở đây ưa máy móc đồ sộ, nhất là lại của Liên Xô (!). Tôi đã định bán cho anh ta, để về Sài Gòn sắm một cái Canon tử tế ….nhưng tôi lại là một người "bảo thủ", không thể đem bán đồ kỷ niệm mang từ Mátxcơva về !!! Nghề chụp hình ở Điện Biên coi bộ kiếm ăn được. Chẳng thế mà cái tiệm mi-ni-láp duy nhất ở Điện Biên, 10 năm trước là một cái lều tranh dưới chân đồi A1 nay đã là một nhà xây tầng cửa kiếng sáng loáng … ngay mặt tiền đường trục chính đối diện với đồi A1. Tiệm này còn có 3 chi nhánh khác ở phường Mường Thanh hiện nay …
Vì biết các tay chụp hình ở xuôi lên làm ăn là thông thạo Điện Biên nhất, vì thế, lần này tôi làm quen và rủ một anh thợ chụp hình đã có thâm niên Điện Biên Phủ cùng đi chợ Him Lam.
Quả đúng là tôi đã gặp may. Chỉ trong một buổi sáng lê la trong chợ Him Lam, tôi được anh bạn thợ chụp hình này "vỡ lòng" về trang phục của các dân tộc ở Điện Biên : ….Kìa ! Anh thấy không ? Hai cô Thái đang mua thịt ở cái phản kia, một Cô Thái trắng mặc áo không có cổ cao, còn một cô Thái đen mặc áo có cổ cao. Trên ngực áo các cô đều có hai hàng cúc bạc và thắt lưng thì màu xanh bằng lụa tơ tằm … Anh bạn tôi nói một hồi không nghỉ….Quả thật tôi đảo mắt nhìn khắp chợ, hễ là các cô, các chị người Thái đều có cái thắt lưng màu xanh tươi, óng ả tơ tằm. Và điều tôi "phát hiện" ra là, màu xanh của thắt lưng các chị, các cô đều có một "gam mầu" giống hệt nhau, không hề có cái xanh tươi, cái lại xanh thẫm, xanh lơ, xanh nõn chuối, hay xanh lam (!). Thấy tôi lấy bút ra ghi chép, anh bạn tôi hào hứng : ….Khi mỗi cô gái Thái đi lấy chồng thì bà mẹ cho con gái hàng cúc bạc trên áo của mình, vì thế hàng cúc bạc đó là đồ gia truyền đời mẹ sang đời con, đời cháu … Mẹ còn dạy con thêu thùa, làm đẹp … Tôi thắc mắc : Sao cái nón lại đội cao như che ô trên đầu thế kia ?
- Là vì các cô đã chồng thì búi tóc cao và gắn một đồng xu trên búi tóc, còn chọc một cái châm bạc nữa ….
Tôi dương ống kính télé để chụp một phụ nữ Thái đội cái nón trắng phau nhưng người ta vẫn nhìn thấy vành khăn thổ cẩm rực rỡ sắc mầu trên trán. Cái dây nón bằng lụa mới duyên dáng làm sao !
Anh bạn tôi lại "giảng" : Các ông nhạc sỹ nhà ta sáng tác bài "Chiếc khăn Piêu" …"Piêu" tiếng Thái là "khăn", vì thế ở đây bà con mới gọi bài hát đó là bài "Chiếc khăn khăn" !!! Quả là một bữa tiệc của màu sắc. Các cô gái người Mông thì đội những chiếc khăn trên có gắn rất nhiều bông vải đủ màu như một mâm ngũ quả. Riêng người Mông Hoa thì chỉ có bông màu đỏ rực ! Còn người Mông từ Cao Bằng đến định cư ở Điện Biên sống trên núi cao có nghề bẫy chim họa mi. Khi xuống chợ, các bà mang theo những lồng chim hoạ mi trùm vải kín để bán, ai hỏi mua mới mở cho coi chim, vừa đi mua sắm, vừa bán chim, tiện cả đôi đường … Nhưng lạ nhất vẫn là đồng bào người Khơ - Mú, bà con đeo theo những cái túi vải lớn nhưng không xách tay, đeo vai mà quàng quai túi lên trán, để túi sau lưng. Có túi rất to, tôi đoán là lá thuốc rừng chớ đồ nặng thì không thể đeo trên trán như thế. Người Khơ Mú thường đi từng tốp năm ba người với cách đeo túi như thế trên trán trông rất ngộ !
Cứ nhìn trang phục, mầu sắc là biết dân tộc gì, già trẻ đều giữ bản sắc như thế qua nhiều thế hệ. Trong chợ Him Lam, tiếng là chợ phường, chợ xép nhưng cũng chẳng thiếu thứ gì. Đồ kim khí điện máy, vải vóc thời nay xen với lâm thổ sản các loại và trang phục các dân tộc làm cho chợ vùng cao Tây Bắc Điện Biên thật muôn mầu muôn vẻ. Đèn flash từ các máy ảnh của du khách phương Tây đi chợ liên tục lóe sáng. Tôi len vào dẫy hàng cá của khu thực phẩm tươi sống. Cá tôm để trong chậu lớn, chậu nhỏ còn quẫy tưng bừng, có cả cá ướp đá để trong thùng xốp trắng… Đây kia mới là cá của hồ Pa Khoang ! Cá mè hoa, cá trắm, cá trôi mỗi con từ 1 kg trở lên bầy la liệt ngay trên mặt đất. Cả tôm nữa, chất đống trên những tấm ny lông trải rộng … Cá Pha khoang là một sản vật chỉ núi rừng Điện Biên mới có. Cách lòng chảo Mường Thanh trên 10km, giữa một vùng rừng núi trùng điệp, hồ Pa Khoang nằm len dưới chân các dẫy núi, dài 12km, rộng 3km, trữ lượng nước mùa mưa tới 60 triệu mét khối, là trữ nước cho Nậm Rốn tươi mát lòng chảo Mường Thanh. Pa Khoang còn là một thắng cảnh, một máy điều hòa không khí khổng lồ và đặc biệt là kho tôm cá cung cấp cho cả lòng chảo vốn sẵn lúa gạo rau màu … Thiên nhiên Tây Bắc thật khéo sắp đặt và chiều lòng người Điện Biên đến thế ! Vài ngày trước đó, các bạn ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Điện Biên cho tôi đi Mường Phăng và dọc đường có rẽ vào Pa Khoang. Tôi ngỡ ngàng, tưởng đây là một góc của hồ Ba Bể Việt Bắc ! Ngô Phong, Phó Chủ tịch Mặt trận huyện cho tôi hay, cá thả ở đây mau lớn gấp 2 lần cá nuôi trong ao hồ vì phù du của núi rừng trút xuống. Bởi vậy, ban quản lý hồ "bắt chẹt" các vựa cá ở Điện Biên là cứ mỗi ngày phải lấy đủ 5 tạ cá mới chịu bán ! Vì thế, các chợ ở Điện Biên tràn ngập cá ! Những con cá mè, cá trôi, trắm cỏ to đùng thế kia không của Pa Khoang thì ở đâu ra ! Tôi len vào chỗ mấy bà hàng cá để "kiểm tra" lời Ngô Phong bữa trước… Quả thật giá rẻ bất ngờ, cá mè trên kg chỉ có 5.000 đồng 1 ký !
… Tôi mua 1 đồng bạc "Con đầm xòe", thứ "bạc trắng" thời còn bé, mỗi lần bị cảm, mẹ tôi thường "đánh gió" cho tôi bằng đồng bạc Đông Dương ấy với nắm tóc rối và gừng giã nhỏ trong một cái khăn mỏng … mất 100 ngàn đồng ! Tôi lại mua thêm 1 đồng tiền cổ bằng đồng, to hơn đồng bạc trắng, có một lỗ hình vuông ở giữa, một mặt khắc 2 con rồng và phượng, một mặt khắc 4 chữ Nho : kim ngọc mãn đường mất 45 ngàn … Theo bà con thì giữ đồng tiền cổ này trong người sẽ … giầu sang phú quý (!) Tôi được cha mẹ đệm cho chữ "Phú" vào giữa tên họ mà suốt đời nghèo … Có đồng tiền này trong người, cuối đời ….may ra !!! Cuối cùng, tôi mua một chục trứng gà của một em bé để trong một cái rổ con ! Thứ trứng gà nương này, lòng đỏ, đỏ chót như mặt trời lúc hoàng hôn tím … chớ không vàng nhợt như trứng gà công nghiệp !!!
Trên đường về, tôi ghé thăm đồi Him Lam, nơi cách đây 50 năm, chiều ngày 13.3.1954 quân ta đã mở màn trận đánh lịch sử bằng đột phá quả đồi này ở cửa ngõ phía Bắc của lòng chảo Điện Biên. Những hàng cây mới trồng theo hàng lối đã lên xanh khắp đồi. Một dẫy phố nhỏ đổ vào chân đồi … Không gian yên tĩnh đến trong lành, có thể nghe rõ cả tiếng gió từ phía sông Nậm Rốn bên kia thổi lên đồi !!!