Hoàng Hưng là người của mơ mộng và tỉnh thức.
Trong cùng một bài thơ, anh có thể đi xuyên qua cả hai thứ ấy.
Tất cả nước mắt loài người bao vây nhà ta
Nằm bên anh em kể câu chuyện buồn
Chôn sâu trong lòng giờ mới nói ra
Gợi ý của trận mưa chưa từng thấy
Đã một nghìn đêm mưa trắng đêm
Điên cuồng nhớ mùi anh như con bò cái nhớ mùi phân rác
Anh đánh mất mùi anh trên những sàn đá lạ
Lịch sử phải trả giá bao nhiêu cho một bài thơ nhân chứng?
Quá nhiều. Những tổn thương. Lầm đường. Cái chết. Sự làm chứng dối. Tính lao nhao bầy đàn từ nhiều phía. Hư vô. Sự giả dối của văn học. Sự đầu hàng.
Khả năng làm chứng vốn thuộc về thơ tự sự và trường ca cổ điển. Ngày nay thơ trữ tình phát triển, dần thay thế các thể loại vừa nói. Nhưng đối tượng của thơ trữ tình là đời sống nội tâm, vì vậy vai trò nhân chứng trở thành nỗi phân vân của tác giả. Thơ trữ tình ghi lại lịch sử một cá nhân, các chấn thương mà bạo lực, chiến tranh, tù đầy mang đến cho họ như những nạn nhân. Nhiều người không biết rằng nếu văn học có thể xuất hiện như chứng cớ thì nó cũng có khả năng bôi xóa lịch sử, thay đổi diện mạo quá khứ, nói dối về một xã hội trong chiến tranh hay hòa bình.
Đứa giết người mắt trắng dã
Ca một khúc vọng cổ não nề
Lão làm thuốc tây giả
Run run nhặt từng hạt cơm thiu
Thằng nhóc “cắt bom” ga Hàng Cỏ
Sằng sặc bóp cổ tên hiếp trẻ con
Ba thằng buôn cơm đen
Ngồi nhìn ông cựu bí thư nhảy múa
Dù mô tả trực tiếp những con người có thể có thật ngoài đời, bài thơ bao giờ cũng là phép ẩn dụ, được sắp xếp sao cho không có một sắp xếp thứ hai nào có thể mang lại cùng ý nghĩa. Đọc bài thơ, không phải chúng ta chỉ được sống kinh nghiệm của nhân vật kể chuyện. Chúng ta trở thành nhân vật ấy. Mục đích của tưởng tượng sáng tạo là giúp người đọc nhận ra những khả năng khác nhau của tồn tại, chuỗi nhân quả, khả năng sống sót, chiều sâu của ý nghĩa. Trong một thời kỳ hỗn mang như hôm nay, lòng tin là chỗ dựa cuối cùng của người viết. Lòng tin ấy có thể bị thách thức.
Đồng cói đầy trăng em ơi
đồng cói
Nhưng em đã bay đi như cánh vạc
Để rợn vàng đồng cói trăng rơi
Thơ ca yêu mến những điều không thể hiểu được. Ngôn ngữ thơ lắng nghe tiếng nói của chính nó và lắng nghe thế giới xung quanh. Mặc dù hầu như lúc nào cũng xoay quanh một ý tưởng, bài thơ của Hoàng Hưng không phải là sự chống lại cảm quan. Người đọc có thể tìm thấy ở đó hoàn cảnh thực, sự thất vọng, sự nghèo nàn của một xã hội thiếu tự do, hay sự giàu có của cuộc đời giữa ánh sáng của tình yêu, sự va chạm, mùi vị, tiếng động. Và bạn tin tưởng vào anh, hay vào nhân vật của anh. Tham gia nhiều hoạt động xã hội, Hoàng Hưng vẫn giữ cho thơ mình một khoảng cách. Như một nhà thơ đương đại, anh được gọi tới bởi chính cuộc đời, kẻ bị ruồng bỏ, bên lề, những lịch sử bị vùi lấp, sự im lặng của bất công, kẻ bị thương tổn. Vì thế, tất cả ký ức của anh, không chỉ dừng lại trong ngày tù tội, mà trước và sau đó, đặc biệt sau đó, liên đới với kinh nghiệm của người khác, làm cho kinh nghiệm cá nhân trở thành kinh nghiệm văn hóa.
Bãi dài ngập nắng em ơi
bãi nắng
Nhưng thịt da em ráng chiều vụt tắt
Cát không màu khép dưới bàn chân.
Triều dâng sóng trắng em ơi
sóng nở
Nhưng đến trước ngực ta sóng vỡ
Bọt tan sôi réo lòng chiều
Lưới thu đóng bạc mình thu em ơi
Mắt em nhìn ta qua lưới thưa
Xa lạ như là con mắt cá
Sắp quẫy vào lòng biển sâu
Âm điệu tạo nên bài hát. Sự im lặng tạo nên bài thơ trữ tình.
Hoàng Hưng cố gắng chống lại thói sáo cũ, quy ước. Cố gắng ấy chỉ trở thành thực tế bằng chính thử nghiệm bạo liệt về ngôn ngữ, điều mà anh hướng tới một cách ý thức, nhưng tất nhiên không phải khi nào anh cũng nắm giữ. Tôi tin rằng những nhà thơ sống trong hoàn cảnh nhiễu nhương, tù đầy, đều phân vân giữa hai ngả đường: ghi lại các sự kiện, bày tỏ tình yêu và phẫn nộ như thông điệp, và một bên là theo đuổi giấc mơ sáng tạo riêng, đặc trưng cho các tài năng, không mấy ai hiểu. Câu chuyện thay đổi, thời đại thay đổi, người làm chứng sẽ chết. Hoặc bị bắn từ phía sau trên đường về nhà. Hoặc chết già trong nhà dưỡng lão. Bạn chỉ còn lại lời kể, ngày xưa, nơi xa lạ. Và bạn bắt đầu nhớ lại tên người, địa danh, cơn đói, sự hoảng sợ, nhục nhã, căm hận. Khi cố gắng của bạn không thành công, chuyện kể đứt đoạn, bài thơ dang dở, người ngồi nghe tản mát, nghi ngờ. Những kẻ nghi ngờ sẵn sàng tin theo tất cả cám giỗ khác, mê tín khác, tuân lệnh những dối trá khác: sự ngu ngốc xuất hiện từ cả hai ba phía, khi văn học đánh mất khả năng bảo vệ con người. Nhưng nghệ sĩ là người sáng tạo trong những hoàn cảnh như vậy, khó khăn nghiệt ngã.
Đêm xuống rồi
Ta lẻn
Đi tìm mặt mình
Đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình
Em mặt trẻ thơ mình thiếu phụ
Em cử động giữa tiếng va cốc thìa
Cà phê và sữa.
Công viên chiều đẹp quá và lịch sự đến thành xa lạ
Tường vi nở mưa trên gạch đỏ
Mặt họ no đủ quá
Họ vui dễ thế kia
(Người đi tìm mặt)
Xét về cấu trúc, thơ Hoàng Hưng là thơ mô tả. Trong một bài thơ của anh ít có tâm tình, bày tỏ, biểu hiện. Nhân vật tôi dù xuất hiện một cách rõ ràng, ít khi là người phát ngôn trực tiếp. Nhà thơ mô tả hoàn cảnh, diễn tiến câu chuyện, thỉnh thoảng mới xen vào những ý kiến riêng, thậm chí cũng không phải là những ý kiến mà chỉ là những kinh nghiệm riêng.
Giật mình một cái vỗ vai
Bài thơ của anh thường xoay vòng lại ở những câu kết, và mở ra, như trong cấu trúc vòng xoắn, tầm hiểu biết cao hơn hoặc nhận thức thẩm mỹ sâu hơn. Cấu trúc kiểu mô tả trong thơ Hoàng Hưng còn được phối hợp với cấu trúc kiểu suy tư. Dựa vào những kinh nghiệm cụ thể của đời sống cá nhân, những ký ức đôi khi sắc bén đôi khi rời rạc, khả năng tưởng tượng dồi dào, niềm vui thú đối với ngôn ngữ, anh có khả năng triển khai nhiều đề tài, trong một bài thơ có kích thước vừa phải. Trong khi đó ở những bài thơ ngắn hơn, sự kết hợp hai thức điệu mô tả và suy tư có phần thiếu nhịp nhàng. Thơ anh không ngừng nhắc chúng ta về tha hóa của ngôn ngữ, sự nô lệ của trí thức và mặt khác, sự vô trách nhiệm hóa của nghệ thuật. Vì ngôn ngữ là chìa khóa của một nền văn hóa, đọc thơ đương đại là tìm đến cánh cửa mở vào xã hội đương thời, hạnh phúc và bi kịch của nó, sự tường minh và sự bơ vơ của nó, sự cháy sáng và sụp đổ.
Mặt tôi trong gió cuốn
Mặt tôi trong nắng đốt
Mặt tôi trong lá ngón
Mặt tôi còi vọng cô liêu
Mặt tôi bàn tay ôm ấp
Mặt tôi đá núi im lìm
Sự lập lại, thủ pháp trùng điệp, tất nhiên thường được dùng trong thơ, thực ra là biểu hiện của chuyển hóa nội tâm của nhân vật. Bài thơ anh viết những năm bảy mươi thế kỷ trước. Trong trường hợp này, thơ gần như tiên tri, mặc dù không phải đức tin tôn giáo. Nhưng niềm cảm hứng cho thơ Hoàng Hưng thường là sự kiện có tính xúc động, những hoàn cảnh đặc biệt, bi phẫn, xã hội hoặc cá nhân. Phản ứng đối với các sự kiện: ưu điểm và khuyết điểm của thơ Hoàng Hưng sẽ tập trung ở đó. Lúc ở Mỹ, trong ồn ào, anh nghe được tiếng nói an bình, khi ở trong nước, trong im lặng, anh nghe tiếng gào thét phẫn nộ, sự trỗi dậy của tương lai. Sự gắn bó của Hoàng Hưng đối với thế giới này là mạnh mẽ, và không thay đổi. Những bài thơ thành công nhất của anh, khi đã xuất hiện tựa như những bức ảnh ghi lại thất bại và chiến thắng của cái đẹp. Nhiều bài thơ như được viết trong tâm trí, không phải trên giấy, xuất hiện như những sản phẩm của giấc mơ.
Kiếp tha hương nửa đời vật lộn
Sống chỉ còn như một thói quen
Trời phương Nam đêm nay sao rét Bắc
Cho ta thèm một ly đen
Rủ rê ta những giọt mưa đêm
Nhưng xe máy lang thang thì thua xe đạp
Ta năm mười rồi đâu thể cùng em...
Dạo ấy ba mươi ta là thi sĩ
Bây giờ thèm khát một câu thơ
Khi đời sống làm mình hoá đá
Bỗng rùng mình vì một hạt mưa
(Mưa đêm)
Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện truyền tải kinh nghiệm, nó chính là kinh nghiệm. Có hai khuynh hướng trong thơ đương đại: bài thơ đầy những sự vật và bài thơ đầy những ngôn ngữ. Khuynh hướng thứ nhất, thơ chứa nhiều hình ảnh, cảm giác, rung động đơn lẻ, khuynh hướng thứ hai giàu chất suy tưởng, ít những gợi ý rõ ràng về không gian, tính chất hiện thực suy giảm. Thời kỳ đầu, Hoàng Hưng thuộc khuynh hướng thứ nhất, càng về sau anh càng có khuynh hướng thứ hai, mặc dù, sự chuyển động này không đều đặn, chứng tỏ có thể người viết không tự ý thức về điều ấy. Không phải là một nhà thơ siêu thực, Hoàng Hưng có những hình ảnh vượt ra ngoài ranh giới của cảm quan thông thường, chúng như là kết quả của hội tụ giữa tưởng tượng và chuyển hóa - thăng hoa. Thơ anh là sự thăm dò các bi kịch, hành hạ, bạo động, tình yêu, tha thứ. Và sự làm mới lại đời sống hôm nay.
Em bỗng chín đỏ như trái cây chạm mặt trời
mùa hạ
Trái cây hoang dã
Vùng biển nâu
En chín đỏ
Mà sao không hái được
Rồi em sẽ rụng nằm trong cát
Bỏng rẫy mặt trời hoang
Bài thơ là sự tập trung trong bối cảnh của rời rạc, hỗn loạn, mông muội. Thể là cấu trúc. Hoàng Hưng nhiều năm sống gần biển, nên hay nhắc đến biển, sóng, cát, mặt trời. Đó là vật liệu của anh. Nhưng biển là tự do, sóng là hoang dại, cát là vỗ về nguôi ngoai. Ca tụng cái hàng ngày, cái không hoàn hảo, sự kết thúc một bài thơ không có kết luận không phải là truyền thống của nhiều nhà thơ Việt nam. Hình như càng về sau trong Hoàng Hưng càng xuất hiện khuynh hướng thẩm mỹ ở đó cái đẹp không phải là sự hoàn thiện mà là sự khiêm tốn, giản dị, mất cân bằng, sự tạm thời. Ở đó, sự vô thường. Những mảnh vỡ, kẽ nứt, sự khiếm khuyết của con người và tạo vật. Sự nhầm lẫn. Nhầm lẫn của tạo hóa và của tình yêu. Anh có những hình ảnh thoạt nhìn khá quen thuộc, gần sáo cũ, nhưng chúng đột nhiên sáng lên, gần như mới lạ. Cái mới lạ ấy trước hết là từ cảm xúc chân thực. Cảm xúc được nhào nặn nhiều lần, thể nghiệm nhiều lần bởi một cá nhân, mở đường cho các ý tưởng mới, nhiều người gọi là tứ thơ.
Thạch sùng tặc lưỡi trên cao
Phòng giam lạnh lẽo chìm vào cõi đêm
Nhà ta giờ đã lên đèn
Bữa cơm giờ chắc đã quen thiếu người
Tôi nghĩ đến một số bài thơ trong dòng thơ vụt hiện, chính là giây phút được nén lại. Kết quả là, một thứ thơ vừa được chuẩn bị kỹ, vừa ngẫu hứng, vừa phóng đại, vừa thanh bạch. Tính chất hàng ngày được soi rõ trong thơ anh, ở đó sự đơn giản và phức tạp gặp gỡ nhau, nhịp điệu không phải của ngôn ngữ mà của tâm trí. Tôi không biết anh làm thơ dễ hay khó, nhưng hầu hết các câu thơ viết gọn ghẽ, ý tứ, cân nhắc, khá hiếm những câu viết vụng. Nhưng điều ấy cũng có hạn chế: một vài bài thơ ngắn có thể viết dài hơn, phóng túng hơn. Dàn trải mà không thừa:
Hắn đạp vào mặt tất cả chúng ta
nếu chúng ta chỉ biết khoanh tay
đứng nhìn CÁI ÁC
đang lên ngôi trên đất nước này!
Ôi nỗi nhục ngậm mồm chịu đạp
Ôi nỗi đau cốt nhục tương tàn
chịu đến bao giờ? bao giờ? bao giờ?
Bàn phím ta rỏ máu
ghi mấy lời bất lực gửi anh em!
Các câu thơ xếp liên tiếp nhau máy móc, là sự đơn tuyến hóa các hình ảnh, làm cho toàn bộ một đoạn thơ thật ra chỉ là một câu. Trong những bài thơ chưa thành công, anh nặng về bộc lộ tư tưởng và tình cảm, sự mô tả trở lên sơ lược, khái quát. Tôi nghĩ các nhà thơ cần chú ý rằng khi chúng ta hồi tưởng, suy tư, thơ trở nên chậm lại, khi chúng ta đối diện với ngày hôm nay, thơ trở nên nhanh hơn. Có lần đã lâu trên chuyến bay rời quê cũ, sau khi mở khóa dây an toàn, kéo mặt bàn nhận khay thức ăn với tách cà phê, tôi bỗng nhớ đến mấy câu loáng thoáng của Hoàng Hưng.
Mẹ không còn để gói cho anh nắm cơm nếp đỗ
Vụng về em giã tạm cối vừng
Anh đi rồi mùi thơm mãi bâng khuâng
Thời gian trôi chậm lại. Có một liên kết bí ẩn, riêng tư mà tôi không biết rõ. Sự mất mát, tuy vậy, không hề là một truyền thống lớn của thơ Việt Nam, như nhiều người vẫn tưởng.
Thôi thế từ nay đọa kiếp rồi
Tin dữ bây giờ chắc tới nơi
Nhà ta đau đớn chừng nào nhỉ
Tối sầm trước mặt bát cơm rơi
Tâm trạng song sinh của mất mát là thương tiếc. Nhưng chúng là hai tình trạng khác nhau. Nhân vật không những chỉ muốn biểu hiện cảm xúc về sự mất tự do, bị tước đoạt, bị làm nhục, mà còn muốn mọi người chia sẻ điều ấy. Sự mất mát, thương tiếc dẫn đến một trong hai khuynh hướng: im lặng, chấp nhận, tê liệt, như một nạn nhân. Hoặc tố cáo, thách thức, tin tưởng, vượt lên, trưởng thành.
Cầu vồng chắn cơn mưa
Cầu vồng chắn cơn mơ
Cầu vồng mở
Vùng trời mù mờ
Ở người chiến thắng và may mắn, lòng hoài niệm là không đáng kể. Ở người thua trận và bất hạnh, nó sâu sắc.
Về tâm lý học, hoài niệm là phản ứng đối với mất mát và cách ứng xử đối với quá khứ. Đôi khi, có thể tìm thấy giữa những câu thơ Hoàng Hưng nụ cười nhẹ nhõm, châm biếm, nhưng hiền lành. Sự lặp đi lặp lại một số chữ trong vài bài thơ của anh làm chúng trở nên nhàm chán, nhưng nhiều trường hợp khác, đó là các giai điệu dễ nhớ, thú vị. Bạn có thể nhận ra thơ Hoàng Hưng: tương đối ngắn, câu thơ gọn, ý tưởng sáng sủa, điểm dừng vừa phải, không bất ngờ, chói tai, nhưng vẫn tạo ra biến chuyển về nhận thức hay cảm xúc.
Chiếc lá bàng
Những đôi mắt âm thầm
Rõi qua khe cửa
Bao giờ rụng chiếc lá bàng cuối cùng?
Sẽ rụng đêm nay
Khi gió bấc nổi
Không. Nó sẽ còn đeo đẳng mãi trên cây
Dai như kiếp sống đọa đầy
Trong giấc ngủ màu máu
Chiếc lá bàng mênh mông
Thức dậy không còn lá
Bầu trời tím thâm
Bỗng rùng mình kiệt quệ
Như vừa ra đi giọt máu cuối cùng
Kể chuyện trong thơ trữ tình là nghệ thuật khó. Các hình ảnh thường chen vai thích cánh vượt lên, giành chỗ nhau, chúng muốn chiếm lĩnh trung tâm bài thơ. Cấu trúc của một bài thơ đang viết như một căn nhà chưa xây xong, với một thứ trật tự không hoàn toàn xác định, sự mất cân bằng ở phút chót. Người làm thơ tự do không thể nào không giải quyết bài toán của cấu trúc, giữa một bên là cân bằng, một bên là động lực mà nó mang chứa. Không phải khi nào Hoàng Hưng cũng bắt đầu bài thơ dễ dàng, không phải bao giờ những câu mở đầu của anh cũng đầy năng lượng. Có lúc anh hơi lúng túng, và vào giây phút ấy bị chinh phục bởi quán tính.
Đường phố hôm nay mùa đông
Sao áo em mùa hạ?
Rõ ràng là hai câu khá tầm thường. Nhưng có lẽ sự hứng khởi của tình yêu, sức hút của suy nghĩ, đã kéo anh đi, nâng lên.
Những sọc áo xanh cuộn sóng
Em mang trên ngực biển đầy
Do đó anh tiếp tục để sóng tung cao.
Biển những ngày hè đẹp lắm
Ngày nào tìm biển ta say
Nhưng mùa hạ đã ra đi
Chân trời xa không ngấn nắng
Chuyển tiếp này hợp lý, đẹp, mở ra.
Sao em còn mang áo mỏng
Có còn mùa hạ nữa đâu
Sao em làm lòng ta đau
Nhớ ngọn lửa hè đã tắt
Sự hồi tưởng, tuy cảm thương, vẫn không bi lụy, mặc dù câu thứ ba cũ, vẫn được chấp nhận. Sau đó, anh lập tức lấy được động năng.
Chắc biển ngoài kia cũng xám
Lạnh co những sóng rộng dài
Và đẩy xa suy tưởng thẩm mỹ, chạm sải tay được vào bờ, như tình yêu của anh chạm tới ngực người đàn bà.
Ngực em cao làm tức ngực
Hãy chôn dưới lớp áo dầy
Đường phố hôm nay mùa đông
Hãy để mùa hè yên nghỉ
(Hãy để mùa hè yên nghỉ)
Cấu trúc càng chặt chẽ, người đọc càng tham dự nhiều: đọc như một quá trình sáng tạo. Bài thơ đầy khúc quanh, hình ảnh và ảo ảnh, gọi tên và ẩn ý, sự khéo léo và vụng về, sự đọc bằng mắt và sự đọc lớn lên, cái chuẩn bị và cái không chuẩn bị.
Trời không đứng không đi
Chén vàng Lệ Mật
Người về đốm râu
Chùm si nõn
Bạn không hiểu gì cả. Bạn đứng lại và nhìn nó. Nhìn bài thơ. Như một cái cây, như căn nhà, một sự vật. Có lúc cánh cửa mở ra.
Lợn thở bình yên quán rượu
Ta hát như điên bài hát rẻ tiền
Rồi cánh cửa khác. Bạn đi tới góc tối khuất trong nhà, bật đèn, nhưng đèn không sáng, bạn vấp phải tấm mạng nhện, và bước qua nó, đến trước:
Cong tàn nhang miếu đổ
Cha đi Hà Nội ngàn năm
Chỉ là một trong những cách đi vào một bài thơ.
Có cách khác, tất nhiên, như trong tình yêu. Tình yêu nam nữ giống và khác với những thứ tình khác ở nhiều điểm: tổ quốc, mẫu tử, tình bạn, gia đình. Điểm quan trọng nhất của tình nam nữ có lẽ là chất riêng tư, sự thèm khát được đồng nhất và ý chí chiếm hữu. Sự phảng phất tình dục trong một số bài thơ của Hoàng Hưng có nét xao xuyến nửa nguyên thủy nửa nhu cầu được vỗ về trước tổn thương. Nhưng đôi khi anh cũng sử dụng những chữ quá trừu tượng và tổng quát.
Biển những ngày hè đẹp lắm
Ngày nào tìm biển ta say
Trong nhiều trường hợp khác, anh vượt qua chúng với kỹ thuật mô tả sống động, chi tiết, như kỹ thuật truyện ngắn. Lịch sử được viết bởi kẻ mạnh. Thơ trữ tình được viết bởi nạn nhân. Có một lòng tin vào lương tri phổ biến, sự chuẩn tắc luân lý và văn hóa, chảy ngầm bên dưới những nổi loạn nghệ sĩ. Kierkegaard cho rằng lòng tin là bước nhảy vọt, vượt qua tầm thường. Thơ anh là phản kháng trí thức, chính là khuôn mặt của sự thật. Anh phản kháng điều gì? Sự nói dối, thói dung tục, sự xúc phạm nhân phẩm. Tuy vậy thơ Hoàng Hưng không phải là tiếng thét, lời kêu gọi. Thơ anh là một thay thế nhiều hơn là một chống đối, sự không khuất phục nhiều hơn là sự nổi loạn, cái cao quý nhiều hơn cái căm phẫn, chất hiện thực đầy thuyết phục nhiều hơn tính tranh cãi hùng biện. Vì tính nhân chứng, thơ anh gần với ngoại biên, vì thiếu tính gây tranh cãi, thơ anh không thuộc về khuynh hướng hậu hiện đại.
Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm con lạ một ngày
Người về từ cõi ấy
Bước vào cửa người quen tái mặt
Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy
Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối
Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi
Giật mình
một cái vỗ vai.
(Người về)
Thơ Hoàng Hưng thật ra khó đọc hơn thế, kén độc giả, đòi hỏi nhiều công sức để thưởng thức. Nói cách khác, anh bỏ ra nhiều năng lượng hơn chúng ta tưởng. Cần có lòng tự tin, đôi khi gần như bất cần, để một nhà thơ hôm nay viết một loại thơ ít được hiểu. Anh chọn kể lại sự thật bằng phương cách riêng biệt, kể lại bi kịch cá nhân giữa những khung cảnh mơ hồ, mờ ảo, phần nào gây ra bởi giọng điệu.
Mặt ga đêm
Miệng mở ngủ
Giật thức
Mắt kinh hoàng
Người bốn phương chạy đổi chỗ.
Em đi về đâu em có đi cùng anh
Em có một cái mặt không ?
Ta soi nhau mà tìm.
Đêm bốn bề người chen đêm chật
(Người đi tìm mặt) (*)
Thơ Hoàng Hưng bắt rễ sâu vào đời sống nhưng trừu tượng và siêu hình. Mối quan hệ của anh với cuộc đời là mật thiết nhưng phức tạp, dù ngôn ngữ trong trẻo. Tôi chú ý đến bài thơ Cửa Sông sau đây vì giọng thơ quen thuộc, chất phác, mà gây bất ngờ. Đó là thứ thơ trầm tĩnh, bất hạnh, được nén lại, ấp ủ qua mùa, ý thức lấp lánh. Bài thơ như cái nhìn không chớp mắt vào lịch sử dân tộc.
Con đò nhỏ đưa ta ra cửa sông
Anh với em ngồi giữa những bạn chài
Mắt cười hiền
Họ không hỏi chúng mình đi đâu
Ra cửa sông họ sẽ lên những con thuyền thúng
Buông câu chờ bữa ăn hôm nay
Còn chúng mình đi đâu, đâu những con cá lạ ?
Những ngày sắp tới có gì mới hơn ?
Ta bước lên một chợ cá sắp tàn
Cồn cát trắng lửng lơ giữa biển.
Đến hết cồn này mình sẽ thành con trẻ
Cởi ba lô vứt lại giữa những mảnh ván thuyền,
Đến hết cồn này mình sẽ sang kiếp khác…
Em ngập ngừng một giọt lệ trên mi
Đời sống này buồn mà đẹp quá.
Em ngập ngừng giữa phiên chợ nắng
Đò nhổ neo, nổ máy gọi về
Ta cứ đứng phân vân trên cồn cát
Các bạn chài đã đi hết rồi
Những chiếc thúng rập rờn ngoài cửa biển
Còn hai chúng mình
Đi thôi
Về thôi.
(Cửa Sông)
Không khí huyền ảo. Có linh cảm, gần như tiên đoán. Không khí này dẫn đến cảm giác phân vân ở cuối bài. Khái niệm phân vân được sử dụng như sự đa nghĩa. Đây là sự đa nghĩa chủ quan, người đọc có thể dự đoán nhưng không thể nào biết nhân vật của bài thơ nghĩ gì và hành động ra sao. Đối với bài thơ có tính chủ quan như trong thơ trữ tình, việc tiếp nhận của người đọc đối với tác phẩm là đề tài lý thú. Trong lý thuyết tiếp nhận của Wolfgang Iser, người đọc càng có quan điểm thẩm mỹ và xã hội rõ ràng, càng khó tiếp nhận những khả năng khác nhau của việc diễn dịch. Chỉ những người cởi mở, mới có thể thưởng thức vẻ đẹp của đa nghĩa. Ta bước lên, là ba chữ mở đầu phần hai, gây ấn tượng bước từ thấp lên cao, như khi ta bước lên một con dốc, nhưng cũng là khái niệm trừu tượng, cái bước tinh thần, đời sống tâm linh. Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng (Thế Lữ). Là làm chủ số phận.
Đến hết cồn này mình sẽ thành con trẻ
Là câu thơ bí mật. Sự vang dội của nó tương phản với bầu trời gay gắt hoang tàn mà câu trước vẽ lên. Sự cô độc mong manh không phải dễ nhận ra. Thế giới đầy nghi ngờ. Thế giới là bình minh nhưng cũng là hoàng hôn. Đất nước tàn úa. Cảnh chợ cá ban chiều có lẽ là hình ảnh chính xác nhất để mô tả thời chúng ta. Hoàng Hưng là tiếng thơ lạ, không phải chỉ vì hoàn cảnh tù đày mà anh trải qua, nhiều người biết, mà vì anh chọn lựa cho mình tiếng nói riêng giữa hai khuynh hướng, xã hội và ngôn ngữ. Vì khuynh hướng thứ hai này, thơ anh gần như bắt buộc phải là thơ cá nhân và trữ tình. Vượt ra ngoài truyền thống trữ tình Việt Nam, anh đi những bước xa hơn, khá sớm. Không phải chỉ là tâm trạng của một thời buổi, thơ anh còn tìm sự kết hợp giữa mất mát và tình yêu, giữa sở hữu và lưu vong, những hình thức kết hợp trong một dạng thức trầm tư lặng lẽ, đôi khi buồn rầu nhưng không tuyệt vọng, của nghệ thuật yêu mến cái không toàn hảo. Trong khi ngữ cảnh là cụ thể, thì ngôn ngữ của anh có phần trừu tượng trí thức. Tất nhiên đó vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu của một bút pháp. Để đi đến chọn lựa cuối cùng, khó khăn, Hoàng Hưng mô tả chi tiết cảnh trên bờ biển, cồn cát, bản chài, cảnh trời chiều, cảnh chợ cá. Sự mô tả ngắn gọn, khách quan, có chút lạnh lẽo, với kỹ thuật gần phim ảnh, mở ra khung cảnh rộng lớn hơn của đất nước. Rồi nhà thơ thu lại ở hai người, bơ vơ, sự đơn độc trong chọn lựa của họ.
Đời sống này buồn mà đẹp quá
Tiếng thở dài, không phải của bi quan chán nản, mà ngược lại, như lời nhắn gởi sự trở lại, hồi phục. Bạn nhắm mắt, hình dung một người, bước vào bóng tối, bước ra ánh sáng, đi giữa những người tù, nằm trên sàn đá lạnh, trần truồng trước người khác. Bạn hình dung sóng biển, mùa hè. Bạn nhắm mắt lại và thấy một cơn mưa. Bài thơ là vở kịch, người đọc, người viết, nhân vật, đi lại trên sân khấu. Để làm gì? Để cảm thấy quyền năng của ngôn ngữ, của câu thơ, của tín hiệu. Để hiểu rằng chúng ta không cô độc, trong cuộc chiến đấu chống lại ngu tối, tội ác.
Cả em nữa em ơi
Như thuộc về cõi khác
Hụt hẫng phút hàn huyên
Anh ôm em ngơ ngác.
Và xin em chớ giận
Khi nhìn thấy gói quà
Anh muốn ngay lập tức
Quay lại chỗ vừa ra
Để run run mở gói
Hau háu mắt bạn tù
Nếu văn học có thể trở thành phương tiện của chân lý thì nó cũng có thừa khả năng biện hộ cho sự chống lại con người. Lý thuyết rối loạn hậu chấn thương (post traumatic stress disorder) chỉ ra rằng ở người trải qua hoàn cảnh khắc nghiệt như tra tấn, thiên tai, bệnh tật, có thể có ba loại biểu hiện: biểu hiện sớm, trong vòng sáu tháng đầu tiên; trở nên mãn tính; hoặc có thể không có biểu hiện nào cho đến nhiều năm sau.
Thôi em về đi nhé
May em không khóc oà
Quay lưng con bỗng thét
Giờ mới nhận ra cha.
Anh cúi đầu bước vội
Thầm nói em đừng chờ
Tôi lại quay trở lại
Thế giới của tôi đây
Em chỉ là giấc mộng
Bên trên khối mộ dầy.
Triệu chứng chính là sự sống lại các kinh nghiệm chấn thương hoặc bằng những hồi tưởng hoặc ác mộng, có khả năng làm tê liệt một số đáp ứng tinh thần hay khả năng giao tiếp ngoại giới, những rối loạn về thần kinh thực vật hoặc về tâm trạng như trầm cảm. Nạn nhân của các chấn thương có thể hoàn toàn bị đánh ngã bởi hội chứng sau chấn thương, nhưng cũng có thể hồi phục nếu biết cách vượt lên bằng những phương cách khác nhau.
Thơ là một phương cách. Có lẽ vì thế mà anh có nhu cầu về những kinh nghiệm tâm linh, đôi khi cũng có ý vị thiền, hướng tới an tĩnh, hướng tới bậc tuệ giác.
Bây giờ - ở đây
Tự do ngay phút này - hoặc không bao giờ nữa
(Bậc thầy)
Khi người công dân lương thiện chết đi, lịch sử không tàn héo, mà sống lại mạnh mẽ hơn, từ trong trấn áp, cơ cực. Cảm giác đau buồn có thể làm mờ tâm trí bạn trong một lúc. Có thể bạn nghĩ thế giới đã kết thúc. Như khi cuộc chiến tranh mà bạn tin tưởng vào tính chính nghĩa của nó bị đánh bại. Có thể bạn nghĩ tất cả luật lệ sụp đổ. Như khi bạn lọt vào thuyền của bọn cướp biển. Có thể bạn nghĩ bạn hoàn toàn tự do, không ước thúc bởi bất kỳ một chuẩn tắc đạo đức nào. Chúng ta hãy đứng tách ra, ra khỏi bạn, như những khán giả, và nhìn xem bạn hành xử thế nào.
Anh đánh mất mùi anh trên những sàn đá lạ
Chỉ còn mưa mùi nước mắt đêm
Em còn yêu anh không yêu đến đâu giận ghét đến đâu
Mười lăm năm lòng mình chưa hiểu hết
Mưa mưa ngập tầng trệt
Đưa nhau lên gác xép nằm nghe mưa sập mái tôn
Ước nằm nghe mưa rồi chết.
(Mùi mưa hay bài thơ của M.)
Giọng điệu trong một bài thơ là mối quan hệ giữa người nói và người nghe, người viết và người đọc, và là ngôn ngữ thân xác. Thơ Hoàng Hưng có những mẩu như đối thoại, như tâm tình giữa hai người, hay như tranh luận. Như thế gọi là phong cách (gesture), một nghệ thuật biểu hiện. Bối cảnh là căn phòng, căn nhà riêng tư của hai người, một đêm mưa như trút. Bối cảnh là chia tay và đoàn tụ. Động lực của nó là sợ hãi, lo âu, vui mừng đoàn tụ, tình yêu, và cả tình dục, niềm vui tinh thần và niềm vui thể xác. Đụng chạm. Người nam, người nữ.
Đã một nghìn đêm mưa trắng đêm
Đến đây thì rõ là mưa không chỉ ngoài trời. Mưa rơi ngoài phố. Mưa rơi trong lòng ta. Như trong một bài thơ tiếng Pháp. Nhưng tác giả lại đưa ta đến với khung cảnh này:
Mưa mưa ngập tầng trệt
Đưa nhau lên gác xép nằm nghe mưa sập mái tôn
Thì là mưa thật. Có hai cơn mưa, của thời tiết và của tâm hồn, của bây giờ và của nghìn đêm. Một nghìn đêm, ba năm. Câu cuối là đặc trưng của Hoàng Hưng, lối kết thúc đặc biệt, ít người kịp chú ý.
Ước nằm nghe mưa rồi chết
Con đường dài, sự mỏi mệt. Sự vừa đủ. Hạnh phúc. Nỗi bi quan. Sự đề kháng bay bổng. Thơ không làm con người trở nên tốt đẹp hơn; thơ chỉ dạy họ mơ ước trở nên tốt đẹp hơn. Hoàng Hưng là người của công việc; và sự cần mẫn của anh đến từ tình yêu.
Giấc ngủ đêm đông
chặt làm bốn khúc,
mỗi khúc cập giờ cập phút
tin tức quê nhà.
Quê hương giờ giữa ban ngày
mà sao như giữa đêm dày hỡi quê!
Đêm ở đây tuyết trắng bốn bề
trắng như dao cắt
ngày về
còn
xa.
(Đêm cuối năm xa nhà, bốn lần thức giấc mở mạng đọc tin Ba Sàm)
Thực ra, Hoàng Hưng ở gần đất nước hơn nhiều người khác. Là nhà thơ của ý thức xã hội, anh giao tiếp, vận động, tạo ra trường tương tác quanh mình. Một cách lặng lẽ. Thơ anh nói về người khác, đập nhịp cùng người khác, nhưng không phải anh viết cho người khác: thơ trữ tình viết cho chính mình, bao giờ cũng vậy. Quan điểm vừa cứng rắn vừa khoan hòa giúp anh nhìn ra nhiều vấn đề hôm nay, vừa không ngăn cản anh đi xuyên qua, dễ dàng hoặc khó khăn, các biên giới giữa chính trị và nghệ thuật, giữa trong và ngoài, giữa Nam và Bắc, giữa tả và hữu, chẳng hạn. Sự đồng thời vừa là người sáng tác vừa là người của báo chí không tạo ra các xung đột ở anh. Hoặc chúng không lớn. Có thể trong những năm sau này, anh đã có nhiều cơ hội hơn để điều chỉnh tầm nhìn lịch sử, đặc biệt về cuộc chiến tranh hai mươi năm nội chiến, nhưng tôi tin rằng nguyên nhân sâu xa nằm ở cội rễ của mọi thứ: một tâm hồn biết rung động trước cái đẹp, những phẩm chất có tính nhân loại, sự đề kháng đối với cái ác, giả dối.
Cách bảy lần tường
Tiếng cười vụt qua
Một trưa rất ròn
Sau bảy lần tường
Có người đêm đêm
Mắt mở trừng
Nghe sấm chạy
Một hôm
Có cánh hoa xoan
Vào thăm người ấy
Bàng hoàng người ấy
Nhặt cánh hoa xoan
Chuyện chỉ có vậy
Sau bảy lần tường.
Nhu cầu đối với sự thật có tính phổ biến ở con người, tuy vậy lại không đồng nhất ở những người khác nhau. Có người xem sự thật cần thiết như ăn và thở. Có người sợ hãi, xa lánh nó. Những người nhiều định kiến và ít bao dung, nặng bè phái và kém trí phán xét, hay tin theo một học thuyết tiền chế, biết rõ điều này.Thơ trữ tình nhân chứng thường xuyên hướng tới sự thật nhưng không mang lại các giải pháp. Một bài thơ hay, điều ấy rất hiếm, là một bài thơ đến đúng lúc, gọi đúng tên bạn từ ngoài cửa, lúc bạn vừa tỉnh giấc, và bạn liền đi theo nó, không hỏi một lời, đến tận bìa rừng kia, cái giếng gạch đầu làng, chiếc xe hơi cũ với băng ghế sau bọc da đã mòn. Ở đó, bạn nhìn thấy cội rễ của ao ước thầm kín, nghe được tiếng nói bị khuất lấp sau đám cỏ cao, và bạn tin. Bạn trở nên can đảm.
Buổi trưa
Sau một cơn động đất xa
Chói chang ngực rộng mây bay về khát khát
Cây đá đổ vách trần xiêu lao đao bốn mặt
Ai gọi rất xa
Chờ ta!
Chờ ta bùng nổ!
Sự kết thúc một bài thơ ở Hoàng Hưng cũng có chỗ đặc biệt. Anh không vướng vào lối kết thúc cổ điển, hay gặp ở các nhà thơ cùng thời, trường lớp, kiểu như nâng cao, mở rộng. Anh kết thúc thản nhiên, điềm tĩnh, không kèm nhận xét, để mặc câu chuyện trôi đi, đôi khi bi quan, đôi khi tàn nhẫn. Vì tự nhiên, sự thực của tự nhiên, bao giờ cũng tàn nhẫn. Sự chọn lựa giữa hai thứ ấy, sự thật của nghệ thuật và sự thật của tự nhiên, thể hiện khuynh hướng của nhà thơ, đôi khi thể hiện lựa chọn có tính văn hóa. Thơ Hoàng Hưng là thơ thành thị, ít yếu tố thôn dã, vì thế anh nghiêng về phía hiện đại, đứng xa các truyền thống ủy mị đầy rẫy trong thơ Việt mấy chục năm nay, Bắc lẫn Nam, trong nước lẫn hải ngoại. Giai đoạn đau khổ nhất, Hoàng Hưng vẫn không dành nhiều thì giờ cho than vãn, mà hào hứng hơn với tốc độ của đời sống, cái sắp xảy ra, lập tức. Cái bây giờ, lập tức, mới là yếu tính của tồn tại. Một tâm hồn đi tìm cứu chuộc, vượt thắng, không phải là tâm hồn buồn rầu. Có một niềm tin, gần như thiêng liêng, không thể chứng minh được, vào sự tốt đẹp, vào chiến thắng sau cùng của cái tốt và cái đẹp, một thứ khả năng hình dung, viễn kiến, nhìn thấy được đằng sau giới hạn của kiếp người, sau sự đau khổ của nó, một thế giới khác, sự nguyên vẹn khác, cõi rung động khác. Điều ấy an ủi chúng ta biết bao. Thật ra Hoàng Hưng cũng có thể biểu hiện nhiều hơn nữa khuynh hướng châm biếm và hài hước, phê phán và tranh luận, khuynh hướng mô tả tỉ mỉ các chi tiết, không phải chỉ để mô tả, tất nhiên, hoặc anh có thể kể lại câu chuyện một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng như không, rồi đột ngột chuyển hướng, tạo ra cú va chạm thẩm mỹ. Nhưng những thứ ấy anh ít làm, hay làm mà chưa trọn vẹn. Ngôn ngữ của anh là của ao ước, chờ đợi, không phải im lặng tuyệt đối. Thơ anh có nhiều bài viết về sự kiện, nhân dịp, như vào tù, ra tù, trên đường, nhưng đó chỉ là cơ hội để vô thức cất tiếng nói. Thơ làm sống lại, giữ thật lâu những hiện hữu thoáng qua, những số phận ngắn ngủi. Sự chuyển hướng, thay đổi từ nhân vật này đến nhân vật khác, từ hoàn cảnh này đến hoàn cảnh khác, làm thay đổi không những tâm trạng chung mà còn tạo ra động lực để bài thơ đi tiếp, đôi khi với tiến độ nhanh hơn. Nếu nghi ngờ là một phẩm chất của khoa học, nó cũng là phẩm chất của văn chương. Tác phẩm văn chương trong khi có thể mang lại hiểu biết, lòng tin, thì có thể phơi bày những lưỡng lự, tính đáng ngờ của sự vật. Hiểu biết trong thơ chính là hiểu biết về giới hạn của nhãn quan, chật hẹp của chân lý. Trong khi Hoàng Hưng có những bài thơ đã xác định xong vị trí vững vàng của chúng trong văn học, thì ngôn ngữ của anh cần phá vỡ và nổi loạn hơn nữa. Những tìm tòi nghệ thuật vẫn chờ anh. Bởi vì:
Không. Cái chết ấy tôi không chịu nổi
Cuộc sống đi từ cái không biết đến cái biết. Thơ đi từ cái biết đến cái không biết. Bài thơ trữ tình của anh, đi tới cái lớn lao, toàn thể, nguyên vẹn, nhưng không tìm cách giải quyết những mối phân vân.
Đi thôi
Về thôi
Công việc của thơ là tạo ra liên kết giữa người và người trong không gian tối, nhọc nhằn và hy vọng, của tình yêu và rời bỏ, của xúc động và an tĩnh. Sự giao tiếp với cái không biết, trong khi gợi lên cảm giác lạc đường thì cũng mang lại cảm hứng dồi dào, vô hạn. Những cuộc ra đi và trở về, trở về và ra đi, do đó không còn là một ghi chép về chuyến đi có lẽ là có thật của Hoàng Hưng, mà còn là, và thực ra là, một ẩn dụ trung tâm của sự tìm kiếm, đuổi theo cái đẹp, toàn hảo hay không toàn hảo, cuộc lên đường với tất cả nguy nan. Không phải trạng thái sáng rõ, sự cân bằng, sự ổn định, niềm hài lòng, mà chính cái mờ ảo, những cơn mộng, nửa tỉnh thức, trạng thái mất cân bằng tạm thời, sự chấn thương, sự lảo đảo, sự ngờ vực, những thách thức nghiệt ngã, lòng can đảm, khát vọng và vô vọng, mới là những trung tâm động lực của thơ hôm nay.
(trong loạt bài Đọc Thơ)
Chú thích:
(*) Hoàng Hưng kể: "Đêm đợi tàu ở ga Thanh Hoá để về đoàn tụ với đại gia đình ở Hà Nội, giữa đám trẻ bụi đời mà tôi tự nhiên sáp vào theo một lựa chọn bản năng cho sự an toàn của mình, sự lựa chọn không thể giải thích bằng lý trí, có lẽ là đêm đầu tiên tôi không ác mộng. Có thể nói hơn một nghìn đêm sống trong các chỗ giam cầm khác nhau, từ trại tạm giam Hoả Lò, đến Trung tâm Thẩm vấn Quốc gia ở ngoại thành Hà Nội, sau cùng là trại cải tạo Thanh Cẩm ở miền núi Thanh Hoá, hầu như không đêm nào tôi không gặp ít hay nhiều ác mộng, những ác mộng ngắn hoặc dài, là những mảnh vụn hay cả một câu chuyện. Phần lớn những ác mộng ấy, nếu không là lạc vào những cảnh giới hãi hùng thì cũng bao gồm cảnh mình bị rượt đuổi, bị bắt, hay bị giam cầm, hoặc vượt ngục mà không thoát... Có điều tôi có thể khẳng định là tôi chưa bao giờ mơ thấy mình bị đánh đập hay bị tra tấn!
Đêm tự do đầu tiên hình như tôi ngủ rất sâu, và tỉnh dậy không nhớ là mình có mơ thấy gì trong lúc ngủ hay không. Nhưng rồi về sau, cứ lâu lâu, tôi lại có những ác mộng, mà phần lớn cũng lại vẫn là những cảnh như thế. Tình trạng cứ kéo dài cho đến tận bây giờ. Tôi hằng mong chúng đừng trở lại, đừng làm tôi thảng thốt tỉnh dậy giữa đêm, đừng ám ảnh những ngày tôi đang mong muốn tĩnh tâm để hoà nhập lại với xã hội và tự tu chỉnh con người mình. Nhưng vô ích. Chúng cứ trở lại, lúc thưa lúc mau, không bao giờ báo trước."
(http://www.thivien.net/Ho%C3%A0ng-H%C6%B0ng/%C3%81c-m%E1%BB%99ng-2006/group-UjqRKcZ2hWjothgXI8CA4Q )